Biển trổ hoa vàng (Kỳ 1) – Tiểu thuyết của Đình Kính

Biển trổ hoa vàng, cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Đình Kính không hề đoạt bất kỳ giải thưởng nào, nhưng là cuốn sách, theo Nhà văn, ông thích nhất trong số tác phẩm của mình. Được sự đồng ý của Nhà văn Đình Kính, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn Tiểu thuyết đó trong chuyên mục Truyện nhiều kỳ…

Biển trổ hoa vàng, cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Đình Kính không hề đoạt bất kỳ giải thưởng nào, nhưng là cuốn sách, theo Nhà văn, ông thích nhất trong số tác phẩm của mình. Được sự đồng ý của Nhà văn Đình Kính, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn Tiểu thuyết đó trong chuyên mục Truyện nhiều kỳ.

Biển mênh mông, xanh ngắt. Những con sóng nhoi lên húc vào nhau tạo nên những ngấn trắng, nhìn từ xa như thể có đàn cò đang cùng sà xuống mặt nước. Phía cuối biển, một nét sắc lẹm giống sợi chỉ căng ra ngăn cách hai màu, màu xanh nhạt và màu xanh đậm. Đó là đường chân trời. Trên nền xanh nhạt, lớt phớt những đám mây màu trắng, la đà.

Con tàu cũ kỹ tựa con ngựa còm già nua mệt mỏi bò về phía ngọn Vạc. Nó nhọc nhằn vặn mình, chòng chành, lắc qua lắc lại. Ống khói lêu đêu chồi trên bụng thở phì phò. Có lúc hụt hơi tắc nghẽn như người mắc bệnh hen lên cơn. Công việc trườn mình trên biển đưa người ra ngọn Vạc quá sức đối với tuổi tác nó.

Mặt trời hồng hồng tựa tựa quả táo tây khổng lồ chín mọng từ biển nhô lên khiến cả một vùng sáng bừng… Đại dương phô mình trong sự sảng khoái mạnh mẽ giống như chàng trai cường tráng no giấc vươn vai hớn hở đón bình minh. Không khí ban mai thoáng đãng trong lành, gợi cảm…

Chiêm đứng đầu mũi, toãi khuôn mặt sạm nâu ra hứng gió. Hai mắt hướng về phía con tàu đang đi tới. Ngọn núi có tên ngọn Vạc, nhìn từ xa giống chiếc bát lởm chởm mốc thếch úp xuống mênh mông nước. Chơ vơ, cô đơn, trùi trụi. Trước mung lung rộng lớn của trời và biển, ngọn núi chỉ là chấm bé xíu mờ mỏng, tạo cảm giác cô lẻ nhỏ nhoi.

“Tại sao mình quyết định ra đấy nhỉ?”. Chiêm nghĩ và thấy có cái gì đó chống chếnh, lạ lẫm. Anh vô thức thở dài…

Con tàu vẫn gắng gượng chống chọi, cắt sóng rướn về trước. Quyết định ẩn mình nơi ngọn Vạc đã phải là giải pháp thông minh, hay chỉ là sự xốc nổi cạn nghĩ nhằm đối phó hoàn cảnh? Chiêm không giải thích được rõ ràng, nhưng chẳng phải vậy mà ân hận. Đã quyết, không nên băn khoăn. Cách đây mấy hôm, từ quê lên, vẫn nguyên chiếc ba lô ngoắc trên vai, anh xộc vào phòng sếp. Người giám đốc ngồi sau chiếc bàn lớn. Trước mặt là tốp công nhân đang phân bua gì đó. Không khí căng thẳng. Giám đốc đứng dậy, xua tay:

– Không thể giải quyết… Phải tự khắc phục thôi. Điều ấy nằm ngoài thẩm quyền của Ty. Mọi người cũng phải hiểu chứ… Bao nhiêu việc mỗi ngày… Tôi không có gậy như ý của Tôn Ngô Không để có thể tạo ra mọi thứ. Phải khắc phục. Thế nhé.

Có chuông điện thoại. Giám đốc bước tới cầm máy.

– Hả? Lấy roi quất vào mông lính của anh ấy. Không thể việc gì cũng gọi tới tôi. Giao quyền rồi, cứ vậy mà làm. Không làm được về đuổi gà cho vợ. Tàu không vào cảng đúng kế hoạch thì các anh chuẩn bị ngồi tù… Không nhưng. Tôi không quen nghe chữ nhưng… Không bố trí được người ra ngọn Vạc thì anh ra đấy đốt đèn.

Thấy sếp bận, Chiêm đứng nép vào một góc, chờ.

Giám đốc bỏ máy, ngước lên và khi thấy Chiêm, ngạc nhiên hỏi:

– Sao, có việc gì nữa? Cậu chẳng đã báo cáo xin nghỉ phép năm để về quê kiếm đứa con và sửa nhà?

Chiêm ném bẹt chiếc ba lô xuống sàn, bước tới, nhìn thẳng vào người đứng trước mặt:

– Có phải Ty đang cần người ra đốt đèn ở ngọn Vạc?

– Không phải việc của mình thì đừng dính mũi vào. Tôi bận lắm…- Giám đốc nói, thậm chí không nhìn về phía Chiêm, rồi cúi xuống tìm kiếm cái gì đó trong mớ giấy tờ tài liệu chồng xếp ngổn ngang trên bàn. Quên hẳn có người đang đứng trước mặt.

Chiêm sán lại, uồm người xuống, muốn gây sự chú ý:

– Tôi có thể ra đó!

Giám đốc ngừng tay, ngẩng lên. Ông ném vào Chiêm ánh nhìn ngạc nhiên:

– Cái gì?- Người giám đốc lại làm tiếp công việc của mình- Đã nói rằng tôi không có nhiều thời gian để nghe chuyện cổ tích!

– Hãy ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi muốn làm người đốt đèn biển ở ngọn Vạc…

– Ông muốn ra ngọn Vạc?… – Người giám đốc dừng tay.

– Tôi đang nói tiếng Việt đấy!– Chiêm rướn tới, cao giọng như hét.

Giám đốc nhìn Chiêm, ngớ ra… Một lát ông nói:

– Đừng tự  ái thế, tôi đã bố trí để ông đi bổ túc ba tháng trước khi đề bạt làm thuyền phó. Hết phép, ra đi học. Thế nhé!

– Anh nghe cho rõ đây. Tôi tự nguyện!

– Này, những người tôi có ý cử ra đó bảo với tôi rằng họ không có tội nên không thể bắt họ đi đày… Gian khổ thì đúng rồi, nhưng sao lại ví đi đốt đèn ở ngọn Vạc đồng nghĩa với việc tù đày?

– Con người không sợ gian khổ…

– Họ sợ cái gì?

– Cô đơn mới là hình phạt đáng sợ nhất…

– Và ông muốn hình phạt ấy?

– Đó là việc của tôi…

Người giám đốc khó hiểu nhìn thẳng vào mặt Chiêm. Chiêm  nói tiếp:

– Anh đồng ý? …

– Khỉ!… Trái đất vỡ tung đến nơi rồi!

Giám đốc thả mạnh cặp mông xuống ghế, nhún vai, hai tay làm cử chỉ khó hiểu…

Lão khó hiểu là phải bởi cách đây vài hôm chính lão ký vào giấy để Chiêm nghỉ phép mười ngày trước khi nhận công tác mới. Lão đâu rõ mọi sự đã khác, đã thay đổi. Lão đâu hay Chiêm đang rối bời, đang muốn chữa trị nỗi đau hoặc cũng có thể làm cho nó phồng rộp thêm lên bằng liệu pháp trốn đến một nơi nào đó thật xa. Anh muốn trốn thế giới này với hy vọng san vơi  phần nào lỗ hổng hun hút cuộc đời oái oăm diễu vợi tạo ra rồi khắc nghiệt ám vào anh. Anh muốn trốn người và trốn những tình cảm rối rắm mạnh mẽ lẫn yếu đuối đan xen nơi mình. Và nữa, anh không chỉ muốn giải toả nỗi ê chề đắng chát mà còn muốn trừng phạt bản thân… Chiêm muốn đến cái chốn hoang lạnh không bóng người. Mấy hôm trước, khi bạn bè chèo kéo vào quán nước bên vệ đường giáp cơ quan lúc trên đường ra ga về quê, trong câu chuyện vui, đã có người hờn mát:

– Lão Chiêm đẻ vào ngày nào giờ nào mà toàn gặp may… Làm ly rượu trắng mừng ông lên chức thuyền phó!

– Thính nhậy thế, chưa có quyết định, thông tin đã loang ra ngoài.

– Tôi sinh cùng năm với ông mà hẩm hiu như chó ốm. Họ định tống ra ngọn Vạc đốt đèn, nhưng thà làm chân quét cầu cảng, chứ  nhất quyết không đi. Tôi có phạm pháp đâu mà phải đày …

– Ra ngọn Vạc sống một mình, ăn một mình, cách biệt với thế giới người, hoá đi tù? – một người góp vào- Ra đấy là hết đời… Cô đơn lắm.

– Kể cả là đuổi việc, nhé… Làm chén nữa, ông Chiêm…

Chiêm đứng lên:

– Anh em ngồi nhé, tôi phải ra ga cho kịp tàu. Được nghỉ mấy ngày nên muốn tranh thủ…

– Hiểu rồi… Lênh đênh trên biển hàng năm, được xả hơi là phải tận dụng triệt để… Thôi, để hắn đi…

– Nếu có tin mừng, khi ra phải có quà đấy…

– Rượu quê, mực nướng và thuốc lá, được chưa?

– Số ông sướng thật!

Sướng ư? Bây giờ Chiêm thấy mình mới thực là kẻ hẩm hiu như con chó ốm. Len lén không dám gặp ai nữa. Từ quê lên, nhưng không rượu, không mực nướng, không thuốc lá, không “tin vui” và không có cái gì sất. Chỉ còn lại bao la biển và ngọn Vạc đang hiện ra, rõ dần…

… Con tàu chạy chậm, rồi dừng lại, thả neo cách ngọn Vạc một quãng khá xa. Sợi xích to bằng cổ tay tuồi dần, xiết vào thành tàu phát ra âm thanh rin rít, khô khốc.

Từ trong bờ, nơi có những con sóng cuồng nhiệt thúc vào đá, một chiếc thuyền nhỏ hối hả bươn ra. Nó chao đảo, nghiêng ngả, lắc lư. Trên thuyền, một người to khoẻ, khuôn mặt cháy nắng, có cái gì đó bất cần, phanh áo ngực, rướn đôi tay chắc, gân guốc, đưa mái chèo cắt nước. Đó là Hùng Gồ. Vào giáp con tàu, anh ta thuần thục lựa cho thuyền ở vị trí thuận lợi nhất, rồi quẳng sợi dây mồi. Chiêm đứng trên boong bắt lấy, quấn vào trụ tàu. Hùng Gồ ngước lên, giọng trống không:

– Lính mới hả?

Người điều khiển tàu nhoài khỏi buồng lái, chõ xuống:

– Các ông chỉ có một ngày để bàn giao, sáng mai tàu vào đất liền sớm.

– Có đếch gì mà bàn giao…- Hùng Gồ ngước lên.

– Là giao hẹn thế… Tàu còn phải làm nhiều việc khác.

– Không mang mụ đàn bà nào ra à? – Hùng Gồ nhăn nhở – Bắt nhịn lâu thế? Háo lắm rồi…

– Ông xài hàng tá nạ dòng trên biển chưa đủ?

Hùng Gồ nhe răng, hềnh hệch cười:

– Của nhà dùng vẫn khoái. Hứng lên lúc nào có lúc đó…

– Một gam của lạ bằng một tạ của quen. Quên câu ấy của các cụ rồi?

– Nhưng phấp phỏng lắm. Nằm trên bụng người ta mà vẫn nơm nớp lo chồng họ vác dao tìm…

– Hú hí trên biển, ai biết…

– Tất nhiên!… Thấp thỏm nhưng có vẫn hơn không…- Rồi hứơng về phía Chiêm, Hùng gồ kẻ cả theo kiểu ma cũ bắt nạt ma mới: Này lính mới, chuyển thực phẩm và ắc quy lên thuyền. Tên gì nhỉ?

– Chiêm!

– Trước khi ra tranh thủ thêm phát nào chưa? Ở đây không dễ kiếm như trong bờ đâu. Thèm cũng chỉ cọ chim vào sóng thôi…- Hùng Gồ lại lục bục trong miệng, âm thanh tựa như tiếng sóng đập bờ đá.

Chiêm không đáp. Anh lặng lẽ chuyển ắc quy và đồ dùng xuống. Hùng gồ  xếp vào thuyền…

Chiêm chuyển tiếp chiếc hòm gỗ. Hùng đỡ bằng hai tay:

– Định sống ở đây mãi sao mà mang nhiều thứ thế…

– Quần áo!

– Trên ngọn Vạc diện với ai? Cởi truồng càng mát.

Gió thổi mạnh đẩy sóng đập vào chân núi tung bọt nước phủ bạc trắng những tảng đá ven bờ. Mặt trời chói chang đổ nắng xuống rát bỏng.

Chiếc thuyền lắc lư cập bờ. Hùng Gồ cố sức gìm mái chèo để Chiêm lựa thời cơ ném sợi dây mồi. Già Khương đã chờ sẵn nơi mép nước, bắt lấy. Chiêm nhảy lên. Anh ghì sợi dây trên tay già Khương vào một tảng đá lớn.

– Ra thay ta hả?- Già Khương hỏi.

– Con nghe mọi người kháo rằng ông đã sống trên ngọn Vạc gần bốn mươi năm?

– Mỗi người sinh ra có một chốn thiêng liêng… Giá tuổi già đừng hại ta, ta sẽ ở đây đến trọn đời.

– Nào, có định chuyển đồ lên? – Hùng Gồ từ dưới thuyền nói to- Đói lắm rồi. Mà sao mang ít rau, ít nước ngọt thế. Trời không mưa, nước đái cũng chẳng rặn ra để uống đâu… Sợ tàu nó cõng không nổi à? Mấy thằng ngồi trong bờ chúa quan liêu… Phải tống chúng ra đây mấy ngày cho nếm mùi.

… Ba người cõng trên lưng những kiện hàng, gập người đi lên dốc. Họ bám từng mô đá, bước dần. Mồ hôi nhễ nhại. Phía dưới là biển. Trên đầu nắng dội. Già Khương dừng lại lau mồ hôi, nhìn xuống. Nơi đó chỉ một màu xanh ngắt. Rồi lại tiếp tục bước. Gió như con ngựa hoang lồng khắp núi…

Hùng Gồ quay xuống hỏi Chiêm, lúc ấy đang bước phía sau:

– Nước thiếu, rau thiếu, đàn bà thiếu, ra đây làm gì? Bị kỷ luật à?

– Anh cũng thế?

– Tở hả? Tớ hú hí với em gái sếp nên lão ấy thù, tống ra đây… Nhưng lão đâu biết  chính em gái lão chủ động, đêm nào cũng trốn chồng lẻn tìm tớ… Tớ là thuốc phiện của nàng. Nghiện lắm… Bây giờ vắng thằng này chắc tiếc hùi hụi… Ăn vụng lúc nào cũng ngon… Thử đi khắc biết… Nghe nói, hay tin tớ ra đây,  cô em hận, thù ghét ông anh. Hai người không thèm nhìn mặt nhau…

Chiêm không đáp. Thậm chí không ngẩng lên. Mặt đỏ bừng, anh cắm cúi bước.

– Lâu rồi không được ngủ với nàng, cũng nhớ… Khi nàng lên cơn thì thôi rồi, trời cũng bé, đất cũng bé… Này, đàn bà lạ lắm, lừa họ rất dễ, nàng nào cũng thích rót mật vào tai. Những lời ngon ngọt làm các ả khoái lỗ nhĩ, nên sẵn sàng  mở cái lỗ dưới… hi hi… Nhưng họ cũng cáo, hay lừa bọn ta lắm… Vắng chồng vài ngày, ngứa ngáy không chịu được là đi tìm trai ngay…

– Ngậm cái miệng thối của anh lại!

– Không phải hả?

– Thối mồm!

– Chạm nọc nên cáu phải không? … Vợ đằng ấy cũng có ti tép, đúng  chưa? Mụ nào vắng chồng chẳng vậy… Nhưng bận tâm làm gì, ao bèo ấy mà…

Chiêm rướn lên, đứng chắn trước mặt Hùng Gồ:

– Còn nói kiểu ấy, tôi đấm vỡ mõm…

– Mẹ khỉ, cao đạo nhỉ… Cứ ngồi ở ngọn Vạc đếm sao trên trời vài tháng, không có chỗ đổ, lại chẳng phát rồ…

Già Khương quay lại:

– Hết chuyện rồi hả? Hàng dưới bến vẫn nhiều đấy nhé… Nhanh chân  còn gùi chuyến nữa…

Họ lại bước. Ba người, ba tâm trạng. Chiêm lạ lẫm, có chút hụt hẫng. Già Khương nhiều nghĩ ngợi. Sự có mặt của chàng trai đang bước cạnh là tín hiệu đám tang sự tồn tại của ông nơi ngọn Vạc này… Và Hùng Gồ đang tưởng tượng đến bữa ăn có nhiều rau mỗi lần tàu ra…

*

Đêm.

Biển trải ra đen thẫm.

Nước đứng. Sóng lười nhác uể oải đu đưa mài lên bãi, âm thanh nhè nhẹ, rời rạc tựa hơi thở mệt nhọc của người thiếu ăn làm việc quá sức, bị lao lực. Đại dương liu thiu ngủ.

Trên trời, sao chi chít. Thỉnh thoảng từ đâu đó, một vệt sáng kéo dài rồi mất hút nơi biển. Ngọn Vạc bé nhỏ, đơn côi như thể một thiên thạch đang lập lờ trôi trong mung lung vũ trụ… Có cái gì đấy hoang sơ, lạnh lẽo, bí ẩn.

Nơi cao nhất ngọn vạc, cây đèn biển xương xẩu và già cỗi chớp loé theo chu kỳ như thể ma trơi, hắt ánh sáng xuống xung quanh càng tạo sự huyền ảo, hư thực ma quái tạo gây cảm giác buồn tênh, côi cút…

Già Khương và Chiêm ngồi trên một vạt cỏ kề đỉnh, gần chỗ có ngọn đèn. Trước mặt hai người, bếp củi đang cháy. Ánh sáng bập bùng từ bếp lửa và từ cây đèn nhập nhoè chốc chốc lại soi lên hai khuôn mặt… Bóng già Khương và bóng Chiêm rung rinh mờ nhoè. Nhìn cách thức hí húi nướng cá nơi ngọn núi trồi giữa khơi xa của họ có cái gì đó na ná cảnh sinh hoạt của người tiền sử…

Già Khương xoay đều con cá trong than, thỉnh thoảng quay ngang nhìn xuống khối nước khổng lồ đen đặc phía sau, nơi có những con tàu dăng đèn trên boong đang lần đường vào cảng. Ông hỏi:

– Người ta cử ra đây?

– Không! … Con xin đi…- Chiêm đáp.

– Tự nguyện? …

– Tại sao nhiều người sợ sống ở ngọn Vạc?

– Ta không sợ- Ông Khương đủng đỉnh- Phải, nhưng nhiều người sợ… Thằng Hùng Gồ ra chưa đầy một năm đã phát cuồng… Nó thiếu đàn bà… – Ngưng một lát, già Khương dài giọng-  Đàn bà… Rất nhiều tai hoạ bắt đầu từ đàn bà…

Chiêm im lặng. Anh chong mắt vào lửa, thấy đầu nóng ran. Anh thấm điều già Khương nói.

Một lúc, già Khương hỏi:

– Vợ theo người khác, hả?

Chiêm chột dạ, đánh mặt nhìn người đàn ông già nua ngồi cạnh. Dưới lửa, mắt anh ánh lên sự thoảng thốt như thể người đối diện mình là một phù thuỷ cao tay, có thể móc lôi những gì ẩn chứa trong lòng kẻ khác…

– Không đúng? – Già Khương lại hỏi, âm thanh trầm trầm như thể từ ngọn lửa phát ra. Già lật con cá đang nướng – Chỉ những kẻ phẫn chí muốn trốn đời mới tìm đến ngọn Vạc….

– Ông chẳng đã tự nguyện sống gần trọn đời ở đây?

– Ta hả?…  Ta cũng vậy… Với nữa ta còn nhiều lý khác…

– Cũng là con người …

–  Con người? Phải, ta cũng là một con người…

Già Khương như thể nén điều gì trong lòng. Ông bất động. Bàn tay cầm chiếc que cời lửa run run… Chiêm nhìn ông, tò mò, lạ lẫm và muốn khám phá…

– Tại sao ư?

Ông Khương không ngẩng lên. Nhưng hình như ông đọc được tâm trạng người ngồi trước mặt. Rồi ông nói, có thể chỉ là nhu cầu phô ra với chính mình…

– Ta muốn trả giá. Ta có lý của ta… Với nữa ta yêu biển… Gắn bó với chốn này… Và thấy có phận sự với ánh sáng ngọn đèn trên ngọn Vạc…

Già Khương dừng lại. Già lôi con cá được xiên chéo bằng chiếc que nhọn lên xem, rồi lại lùi vào than.

Tiếng sóng rất nhẹ từ chân núi vọng lên, rì rầm, mệt mỏi, nhẫn nại. Hai người đàn ông, hai tâm trạng cùng muốn sưởi ấm tâm tư bằng lửa…

… “Vợ theo người khác?”, có thể gọi Huệ như vậy chăng? Chiêm thấy bối rối. Ngọn lửa hun nóng khuôn mặt… Tất cả là định mệnh! Định mệnh chèo kéo bẻ ghi cuộc đời mỗi con người…

… Chuyến tàu ấy lần đầu khởi hành đúng giờ… Ra khỏi ga nó tăng tốc độ. Lắc lư như chiếc thổ mộc chạy trên đường làng gập ghềnh. Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray phát ra âm thanh xậm xình đơn điệu…

Chiêm ngồi cạnh cửa sổ. Khuôn mặt sạm nắng chồ ra ngoài đón gió. Những hàng cây, những cánh đồng loa loá lướt qua… Anh lim dim mắt, nhìn mà như không nhìn. Chiêm đang mơ màng nghĩ đến lúc gặp vợ… Điều sợ nhất nơi thằng đàn ông khi đi xa vê là “mẹ đĩ” vắng nhà, đám thủy thủ trên tàu vẫn bô lô nhăn nhở nói vậy … Trông đợi, háo hức cả năm mà bị hẫng thì tức lắm, hận lắm… Về tới đầu làng, cái phần đực đã ngọ nguậy, nóng ran…  Đói, thấy cơm là hào hển ăn ngay…

Lòng vả cũng như lòng sung.  Chẳng đã có lần mới bước vào nhà, trông thấy vợ, Chiêm liền vồ lấy, không kịp để Huệ định thần đã luýnh quýnh tuột quần, đè nghiến xuống nền nhà. Giải tỏa được rồi mới hay chiếc ba lô vẫn nặng trên lưng.

“Về mà không báo trước với em một câu”.

“Không thích thế này a?”.

“Thích! Ấn tượng. Nhưng anh đi rồi nhớ không chịu nổi, sợ lắm”.

” Sợ sao?”.

“Không biết!… Anh cứ biền biệt, không chịu được em đi với người khác đấy.!”

Sự dỗi hờn của tình yêu bao giờ cũng ngọt ngào.

“Nữa nhé?”

“Tắm đã!”

“Anh thích thế này. Tắm, hết mùi còn gì thú vị”.

“Tham!”

Khuôn mặt đờ đực sung sướng. Huệ ngoan ngoãn chiều…

Lại xoắn bện. Cởi mở và hết lòng. Quên cả cửa cổng vẫn còn chưa kịp khép…

Thời mới cưói rồi xa, sao mà nhớ. Ngồi trên tàu nhìn xuống biển, ruột gan cồn cào. Nhớ đến thắt thẻo. Nhớ khổ nhớ sở. Nhớ đến khó chịu, bực bõ. Chỉ muốn tuông ngay về để được ghì vào lòng sờ soạng thoáng chốc, kỷ luật cũng cam…

Lần này mà vắng nhà, sẽ thù lắm…

– Vé? – Có tiếng hỏi.

Chiêm giật mình. Anh quay lại. Người nhân viên hoả xa cũ kỹ cóc cáy tựa cây chuối hột đứng ngay cạnh. Anh móc túi, đưa chiếc vé làm bằng bìa cứng, chỉ nhỉnh hơn ngón tay.

– Xuống ga Hoàng Giáp hả?- Người nhân viên hoả xa soi vào tấm vé, hỏi.

– Quê tôi ở đó.

– Con gái Hoàng Giáp đẹp nhất xứ Bắc…

– Anh cũng rành, nhỉ?

– Ngày xưa tuyển vào cung, các quan coi sóc cho vua chỉ chọn gái Hoàng Giáp … Phi tần vua Minh Mạng có đến năm người là gái Hoàng Giáp…

– Chắc vợ anh cũng là người ở đó?

– Giá tôi là vua!- Người nhân viên gật đầu chào, quay qua chỗ khác.

Chiêm nhìn theo, và lại hướng đôi mắt ngóng ra…

Con tau vẫn băng về phía trước. Chiêm nghệt mặt, khuôn miệng nhếch như là cười…

Đ,K

( Xem tiếp kỳ 2)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder