
Biển trổ hoa vàng, cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Đình Kính không hề đoạt bất kỳ giải thưởng nào, nhưng là cuốn sách, theo Nhà văn, ông thích nhất trong số tác phẩm của mình. Được sự đồng ý của Nhà văn Đình Kính, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn Tiểu thuyết đó trong chuyên mục Truyện nhiều kỳ…
Biển trổ hoa vàng, cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Đình Kính không hề đoạt bất kỳ giải thưởng nào, nhưng là cuốn sách, theo Nhà văn, ông thích nhất trong số tác phẩm của mình. Được sự đồng ý của Nhà văn Đình Kính, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn Tiểu thuyết đó trong chuyên mục Truyện nhiều kỳ.
– Vẫn còn yêu người ta?- Già Khương hỏi.
– Ai ạ?
– Người phụ nữ khiến con phải bực bõ mà ra chốn này!
Chiêm lại giật mình. Ông già quá rành sự đời!…
– Tình yêu không có lỗi, con trai ạ- Già Khương ranh mãnh- Muốn trốn tình yêu nghĩa là vẫn còn yêu…
Chiêm nhìn vào lửa. Trong lòng cũng có lửa. Nó đang hun đốt khiến anh nóng ran. Vẫn yêu ư? Không thật rõ. Chỉ biết nỗi đau cứa vào đâu đó rát bỏng, khiến anh có cảm giác tức tối, bực bõ, bất lực…
… Lần này khác những đợt phép trước. Biết Chiêm về, Huệ trốn lên ngoại, chờ tối mịt mới đẩy cổng e dè vào nhà… Khi anh luống cuống và háo thèm xiết cô vào lòng, bàn tay háu đói thọc qua giải quần tham lam sờ sẩm lần mò, cô khẽ ẩy ra:
“Vội thế!”
” Bảy tháng ba ngày rồi… “
“… Em muốn ra bờ sông, được không anh?”
“Lãng mạn nhỉ !”
… Đêm ấy trời tối nhờ. Phía thượng nguồn, mây đùn lên như thể sắp có giông. Thỉnh thoảng một ánh chớp loằng ngoằng rạch dọc xé ngang vẽ lên không trung những hình thù kỳ quái…
Chiêm và Huệ ngồi bên mô đất cao. Trước mặt hai người là dòng sông. Dòng sông hệt dải lụa đen thẫm, ưỡn cong lặng lẽ ôm lấy những bãi ngô, những nương cải ven bờ… Sóng lừ đừ lăn qua lăn lại một cách nhẫn nhịn nơi mép nước…Bóng hai người in lên nền trời như hai đụn thân ngô dựng chụm bên bãi…
Huệ gục khuôn mặt buồn rượi, mà ngày thương hây hây như trái hồng chín mới hái vào vai Chiêm.
“- Anh nhớ lần đầu chúng mình ngồi với nhau nơi đây không?”
“- Hôm ấy đã khuya, tan chèo ở sân đình, hai đứa dắt nhau hối hả chạy ra … Đang mùa hoa cải, bờ sông vàng rực…”
“- Thị Mầu vận vào em…”
“- Nhiêu người khen em diễn giỏi…”
Khẽ thở dài:
“- Người ta có số không, anh?…” – Giọng cô rất mỏng, thoảng thốt.
“- Số mình nằm trong tay mình!”
“- Không. Số mình nằm trong tay thượng đế.”
“- Thượng đế?… Anh không tin.”
“- Em tin… Em thì tin…”- Huệ đáp và hai mắt lơ đãng nhìn xuống dòng sông.
Chiêm lần mở cúc áo, đưa tay nắn bầu vú Huệ. Cô gái khẽ rùng mình, ngồi thẳng dậy:
“- Anh ơi… Cho em nói điều này đã…- Giọng Huệ run rảy nhưng bình thản. Rõ rằng cô đã có chuẩn bị trước- Em đã… Em đã … đã có thai ba tháng… “
“- Cái gì? … “
Mặt Chiêm thộn đuỗn. Bàn tay thõng tuột khỏi khuôn ngực vợ.
“- Thật! Em nói thật- Nơi khoé mắt đờ dại tựa kẻ tâm thần của Huệ, nước mắt rịn ra – Số phận… Anh ơi, tất thảy là định mệnh…”
Chiêm nhìn Huệ và không hiểu gì cả. Phía trước, chớp vẫn nhì nhằng rạch lên bầu trời. Mây sà thấp. Và trước mặt hai người vẫn là dòng sông…
“- Em không muốn lừa anh – Cô gái gạt nhanh nước mắt, nói tiếp – Anh không đáng phải như vậy… Em yêu anh lắm!…”
Có tiếng sấm rất gần. Chiêm bàng hoàng.
“- Với ai? “
Anh hỏi, giọng vô cảm. Đó là chút tò mò vô thức trong sự phản xạ tự nhiên của lòng tự ái, và cũng là thói quen trước hoàn cảnh nơi người đàn ông, dẫu vẫn rõ rằng điều ấy còn có nghĩa gì…
Huệ giấu mặt xuống hai đầu gối, nghẽn khóc. Một lúc, không ngẩng lên, nói trong nước mắt:
“- Chưa lúc nào em không yêu anh, nhưng… em chẳng rõ tại sao nữa… Em có lỗi… Và chẳng nghĩ rằng mình được tha thứ…”
Chiêm câm nín giống hòn sỏi cầm trong tay, nghe mà không hiểu. Sau nỗi choáng váng, là sự hoài nghi và sợ hãi tới mức không thật rõ tâm trạng mình. Thương cô? Trách cô? Nuối tiếc và căm thù? Trong anh là sự hòa trộn giằng xé của rất nhiều trạng huống tình cảm được đan giăng, móc ráp… Anh cắn hai hàm răng vào nhau… Tức giận. Đau khổ. Hận mình…
– Sao thần ra như ngỗng buồn ỉa thế? Ta đã khơi gợi điều gì khiến con buồn phải không? Ta xin lỗi.
– Người ta đồn ông rất bản lĩnh…
– Không! Thiên hạ nhầm. Ta là kẻ yếu đuối và ích kỷ. Chạy trốn cuộc đời, suy cho cùng cũng chỉ vì ta……
– Nhưng chẳng ai trốn được sự thật!
– Phải! Không thể… Đối diện với sự thật phải là người dũng cảm… Ta không có cái đức ấy.
Chiêm giấu tiếng thở dài…
Tiếng Huệ đã tỉnh hơn:
“- Em muốn anh nghe em một lần cuối nữa, một lần để rỗi mãi mãi anh là quá khứ, dẫu anh tha thứ thì ẹm cũng không thể…”
Hình như ở vào tình thế ấy, ý muốn nói ra nhưng lời cuối cùng không chỉ để giãi bày, để được thông cảm sẻ chia, mà trước hết là nhu cầu tự thân. Huệ cần phải như vậy …
… Chợ huyện.
Những mái lều tranh chắp vá, xiêu vẹo cũ kỹ như những người đang lượn lờ trong chợ. Hàng hoá không nhiều. Một ít nông sản, lèo tèo hàng ăn, vài ba thúng gạo, thúng cám…và dăm ba nải chuối, một túm ếch, một xâu cá chỏng chơ bên vệ đường… Người ta tới chợ hình như để ăn quà vặt. Một quán bún riêu cua rất đông khách và ruồi. Mấy ông mấy bà đang húp sột soạt. Xuýt xoa vì cay và nóng. Rổ rau cải thái chỉ được nhiều đôi đũa cùng thò vào… Mẹt bánh đúc cạnh đấy không ít kẻ bao quanh… Một ông bán kẹo kéo đặt chiếc bàn có thể di chuyển ngay lối đi, dẻo mồm rao: “kẹo kéo đây”. Trẻ con háo hức nhòm vào cái đĩa quay, nuốt nước bọt, thèm khát…
Một đứa trẻ thò ra đồng xèng và quay. Người bán kẹo xem số nơi bàn quay, tuốt dài túm bột pha đường được ủ trong mảnh vải trắng…
Xế chợ, sát ngay cổng ra vào có cái quán may đo trưng đủ loại quần áo và đủ thứ vải loè loẹt.
Lão thợ may gầy nhẵng, đét đẹt tựa cành củi khô vừa đạp chân lên bàn may vừa đưa đôi mắt ti hí mà ánh nhìn sắc tựa dao hoạn lợn nhìn ra có ý tìm kiếm. Rồi ánh mắt đó quấn chặt đôi chân dài, kế đó xoa lướt trên cặp mông mẩy của người con gái..
Giữa lố nhố người, nhưng Huệ cũng cảm được từ trong quán, nơi có âm thanh lạch xạch đơn điệu phát ra, ánh nhìn nơi đôi mắt như một vết nứt nhỏ trên trán lão thợ may đang lách qua đám đông hướng vào cô. Ánh mắt ấy như muốn xé từng mảnh vải lột truồng người phụ nữ. Huệ đa đoan và to mò len lén ngó vào. Mắt cô lập tức bắt gặp đôi mắt đó. Đôi mắt đĩ thõa của lão thợ may cũng là một thứ ma lực. Cô hút vào như bị thôi miên… Và lạ thay, ánh mắt cô có cái gì đấy như thể đánh tín hiệu đồng lõa. Cô khẽ thở dài rồi lách qua đám đông, tuồi đi, nhưng thỉnh thoảng lại liếc về phía quán may đo…
Phiên chợ kế đấy trời lất phất mưa, người thưa. Lão thợ may phố huyện đã có chủ định giăng bẫy trước, hớn hở đón Huệ đầu cổng. Khi cô cúi xuống mua nải chuối xanh chợt nhận ra những hạt mưa đã thôi rơi xuống người. Cô vội ngẩng lên. Một chiếc ô màu đen che trên đầu và đôi mắt nhỏ nhưng cái nhìn cháy da cháy thịt đã ở ngay cạnh. Khuôn mặt lão hôm nay khá dễ coi. Lão cười, nụ cười cũng duyên và hiền.
“- Mưa ngấm vào người dễ cảm. Huệ vào quán nghỉ chút kẻo ướt hết.”
“- Sao biết tên?” – Cô giật mình ngước lên nhưng không từ chối ánh nhìn của lão. Cô bối rối hỏi nhỏ, đôi mắt đưa ngang ngó quanh, và hai má nóng ran.
“- Thì quan tâm mà… Hôm nay nghỉ… chờ Huệ… Vào quán uống nước đã, tôi ở nhà một mình…”
Cô e ngại nhìn lão, cũng có cảm giác hoảng sợ, và cả ngạc nhiên nữa. Nhưng trong mỗi con người đều có một con ma, con ma ranh mãnh xảo quyệt đó khi thức dậy dư thừa bùa phép làm cho người ta mụ mị, không định vị được hành động mình, bởi vậy nó có thể dẫn dắt con người tới ánh sáng thiên đàng, cũng có thể lôi kéo con người xuống bóng tối địa ngục. Lúc này, con ma trong Huệ đã thức giấc và bắt đầu rải bùa ngải. Huệ không còn khả năng làm chủ. Có con ma dắt dẫn, cô giống cái mạt sắt bị nam châm hút, phút chốc lẵng nhẵng như một sự tò mò vô thức không định trước, bước theo lão thợ may về quán…
Ngăn cách cái bàn may và gian phía trong là một tấm vách lớn, vắt đủ loại vải… Gian phòng phía sau tấm vách là phòng ngủ….
“- Huệ vào đây tôi cho xem cái này…”- Lão thợ may đứng sau bức vách, nói vọng ra.
Con ma lên tiếng làm đầu óc nóng ran, Huệ rối tinh, chới với quay cuồng trong những ý nghĩ thực hư ma quái lẫn lộn… Và như bị ám, Huệ đờ đẫn bước theo tiếng mời chào ngọt tựa mía mùa hanh nỏ của người thợ may, đi vào phía sau bức vách…
Lão thợ may lấy ra chiếc áo mầu mận, đưa lên, nhăn nhở:
” – Tôi may cho Huệ, mặc thử nhé”.
Huệ ngạc nhiên nhìn chiếc áo. Màu sắc của nó khiến mắt cô ánh niềm vui. Cô thoáng chần chừ.
“- Có vừa không?” – Đó là con ma xúi cô hỏi.
“- Em để tôi giúp…”
Lão thợ may sán lại, đôi mắt có lửa chiếu vào cơ thể người con gái đứng trước mặt… Tay run run, lão choàng chiếc áo lên vai Huệ. Khuôn ngực dầy ăm ắp nhiều gợi cảm kiêu hãnh dồ ra ma mãnh mời chào khiến lão rối trí… Huệ cũng rối trí. Rồi bất ngờ người đàn ông đường đột và liều lĩnh ôm ngang người người đàn bà.
“- Anh khổ lắm… Anh thèm em…”- Mũi và miệng lão cuống quýt cà vào gáy, vào cổ cô.
Huệ yếu ớt chống cự, luống cuống cố gỡ đôi tay cứng như thép đang riết chặt cơ thể … Nhưng hình như cô không có khả năng cưỡng lại dục tính vốn là bản năng tự nhiên mạnh mẽ nơi người đàn ông và cả nơi mình. Môi người đàn ông đã bập vào môi cô. Huệ ẩy khuôn mặt nóng phừng như chiếc bánh mỳ vừa lấy ở lò ra, thở gấp:
“- Tôi là gái có chồng! “
Người đàn ông không đáp, nhanh chóng và thuần thục lùa tay vào khuôn ngực cô. Có cái gì đó giật giột lan toả khắp cơ thể, Huệ sợ hãi thoảng thột bật ra:
“- Tôi kêu lên đấy!”
Lão thợ may giật mạnh chiếc quần lụa, rồi thọc bàn tay xương xẩu vào chỗ rặm rặm ẩm ứot cuối bụng dưới, là phần thiêng liêng nhậy cảm của người phụ nữ. Huệ giật nảy, co rúm…
“- Cho anh xin…Một chút thôi…”
“- Đừng!”
Huệ lại rên rỉ. Song con ma trong người cô tung bùa ngải cười khành khạch khiến Huệ không hiểu gì nữa. Đôi chân rủn rảo, toàn thân mềm nhũn, cô châng lâng trong trạng thái vô thức, buông xuôi, và để mặc người đàn ông bế thốc lên giường…
“- Tôi không đông ý…!”
… Bên ngoài, chợ vẫn lao xao người mua kẻ bán. Và tiếng người bán kẹo kéo lại lanh lảnh mời gọi:
“- Kẹo ké.. o..o!”
Lời rao lành lạnh cam chịu từa tựa tiếng thái giám trong cung cất lên khi đi tuần đêm…
Ngọn Vạc trắng nhờ. Gió trườn nhanh, hốt hoảng, nồng và mặn.
Có tiếng vỗ cánh của những con chim đi ăn đêm bay qua. Chúng lượn lờ, kêu “chec chec”. Tiếng chim cũng tanh mùi cá. Già Khương ngước lên, lắng nghe, khuôn mặt thoáng tư lự, lẫn lộn niềm vui, nỗi buồn… Chiêm cũng bất giác hướng theo tiếng chim. Có cái gì đây nôn nao, đánh thức.
– Hình như những con chim biển sà đậu xuống mé sườn phía tây ngọn Vạc- Anh nói.
Già Khương không đáp. Ánh lửa hắt lên, trông già quắc thước, có cái gì đó hết sức phong trần, từng trải.
– Người ta mất đi, nhưng linh hồn vẫn tồn tại –Sau một lúc trầm tư như nghĩ điều gì, già nói – Ta cảm nhận được rất rõ điều ấy… Bởi vậy ta không tin chết là hết…
Già Khương làm cử chỉ như nén tiếng thở dài. Có điều gì đấy ẩn chưa trong lòng chưa được giải toả khiến già nghĩ ngợi. Già ngồi lặng. Ngọn lửa bập bùng soi rõ khuôn mặt. Cương nghị. Trầm lắng. Đã chạm tuổi bảy mươi, nhưng đôi mắt vẫn sáng. Da đỏ au…
– Nghĩa là con người có linh hồn?- Chiêm hỏi
– Phải! … Linh hồn mới là thứ trường tồn mãi… – Già bỗng trở nên xởi lởi – Thân xác ta, da thịt ta là phách bụi, là thứ có mà không, linh hồn mới là tinh anh… Linh hồn con gái ta cũng vậy- Già lại nói tiếp- Con bé vẫn đâu đây… Vẫn ở bên ta, nơi ngọn Vạc này. Làm sao con gái ta có thể không còn ở cõi này vô lý như thế được… Nó không thể xa ta, xa ngọn Vạc…
Chiêm ngẩng lên như thể muốn hỏi điều gì. Những điều ông Khương nói khiến anh ngứa ngáy tựa kiến bò khắp người. Nhưng anh cố nén.
– Cũng có thể con gái ta đã hoá thành chim để đêm đêm về trú ngụ quanh ngọn đèn… Còn ta…- Già Khương trở nên khó khăn- Còn ta, chỉ đêm nay nữa là rời khỏi chốn này, rời vĩnh viễn… – Rồi không kìm được, già bật tiếng thở mạnh – Giá con người đừng có tuổi già!…
Chiêm quay qua, an ủi:
– Ai cũng phải có đoạn ấy… Sinh bệnh lão tử…
– Đó là bi kịch lớn nhất của con người.
– Nhưng ông vừa nói chết không là hết.
– Con người an ủi mình như vậy…
– Nghĩa là…
– Con người lúc nào cũng đúng, con trai ạ… Nếu có kiếp sau, nhất định ta lại gặp con gái ta. Lúc ấy ta sẽ nói rằng: Vàng ngọc của bố, ta yêu con vô vàn. Yêu con hơn bất kể thứ gì trên đời… Cho ta được xin lỗi…
– Xin lỗi… Cô ấy…
Chiêm định nói gi, nhưng Già Khương xua tay:
– Phải, lỗi là ở ta…- Già bỏ thêm củi vào bếp, nhắc lại: Lỗi là ở ta… Giá như con thú trong ta đừng gào thét, đừng xông ra quậy phá…Trong mỗi một con người có một con quỷ…- Già nhỏ giọng- Dục tính là thứ bản năng có sức mạnh khôn lường. Nó vừa mang lại khoái cảm, hạnh phúc cho con người vừa gây tai hoạ… Nó đã từng trỗi dậy trong ta và nhe răng ra với con gái ta…
– Cô ấy đã từng sống ở ngọn Vạc này?
– Đúng! Con gái ta đã cùng ta gắn bó chốn này với quãng thời gian của nửa đời người…! Chuyện dài lắm… Ta đã chôn chặt trong lòng bao năm nay…
Tiếng gió, tiếng sóng từ biển vọng lên rất nhẹ, rầm rào giống như âm thanh của cơn mưa đang lần tới… Ngọn Vạc dập dềnh trong hoang lạnh của vũ trụ.
Chiêm tỏ ra nôn nóng. Anh ngước nhìn già Khương vừa có ý chờ đợi, vừa như đánh tín hiệu nói rằng anh đã là chỗ tin cậy, hứng đựng một cách đồng cảm và sẵn sàng sẻ chia những điều ẩn chứa trong lòng ông. Tuy vậy, anh cũng rõ rằng trong trường hợp này, không thể vội. Anh khời nhẹ vào bếp lửa, một lát, tò mò, rụt rè hỏi:
– Còn… bà?
– Bà nào? … À, ta hiểu. Con trai muốn nhắc đến vợ ta? …- Già Khương nhếch miệng, có vẻ như là cười, biểu hiện sự chua chát – Đời ta lắm bi thương. Chắc kiếp trước đã phạm nhiều tội lỗi… Đàn bà, họ là sự sung sướng và hạnh phúc của đàn ông nhưng họ cũng là sự phiền não khổ đau của đàn ông…. Phải vậy không, con trai?
Điều ấy Chiêm ngấm thấm hơn ai hết.
… Tiếng Huệ nấc lên trong bóng tối:
“- Ban đầu em có ý định giấu anh, nhưng rồi… em không nỡ, em không thể… Người trung thực như anh không đáng phải chịu lừa gạt… – Cô nghẹn ngào: Em sẽ nuôi con và cuộc đời còn lại quyết chỉ dành để mãi nhớ đến anh mà chuộc lỗi lầm.”
“- Thôi!”
Chiêm hét to và làm cử chỉ hết sức phũ rồi đánh khuôn mặt, vốn hiền lành, lúc này nom sợ hãi như khuôn mặt của kẻ làm ở lò sát sinh, nghiến chặt hàm răng khiến cái cằm bạnh ra. Anh đứng dậy, hoảng loạn chuyếnh choáng rời khỏi bờ đất, bước đi…
Sấm và ánh chớp vẫn nhì nhằng trong màn đêm. Rồi mưa đổ xuống. Nước như những ngọn roi bắt đầu quất vào mặt…
“- Không đúng! Không đúng!”
Chiêm lảo đảo, hai tay chới với đưa lên trời, hét to. Tiếng anh loang trong màn mưa, loang trên mặt sông. Rồi anh đứng lặng phắc bên dòng sông, tơ tướp, rũ rưỡi …
Bên mô đất, Huệ vẫn ngồi bất động, gục mặt xuống gối, khóc tức tưởi. Mưa ngày mỗi nặng hạt. Đôi vai cô run lên. Nước ngấm vào người ướt sũng. Mỗi lần có ánh chớp, trông cô như một hòn đá trơ giữa trời…
Chiêm động lòng. Anh loạng choạng quay lại. Anh cúi xuống, cầm tay cô, kéo đi. Anh lôi xềnh xềch. Hai người như hai cái bóng sũng sượt hướng về chiếc lều canh ngô gần đó… Chiêm đẩy mạnh cô gái, rồi cũng bước vào. Họ tựa bên vách, đứng lặng… Ánh sáng chập chờn như ma trơi từ những tia chớp thỉnh thoảng loé lên, chiếu vào, soi rõ hai con người như hai hình hài vô hồn…
“- Anh ơi, nhưng đó không phải là tình yêu…- Một lúc, Huệ cố gìm lời, nhưng giọng uất ức nghèn nghẹn hết sức khổ tâm- Em không giải thích được… Vâng, không sao giải thích được… Ngay cả khi đó, khi em như một cái xác không còn cảm giác phản ứng, sợ hãi và bàng hoàng đồng lõa để con người ấy tuột quần ra, em vẫn nghĩ đến anh… Em thề… Em vẫn yêu anh lắm!…”
Máu dồn lên mặt phừng phừng, Chiêm trống trếnh, vừa tức giận vừa sợ hãi, anh quay mặt úp vào vách, bất động như không còn cảm giác. Rồi đôi tay với những ngón gân guốc thô kệch cào cấu, xé vụn những thân cây ngô khô dựng cạnh đó. Nỗi đau không giải toả khiến anh phát cuồng…
Phía ngoài lều, trời vẫn không thôi trút nước xuống . Và Sấm . Và chớp…
Huệ nhìn Chiêm vật vã, cũng hết sức rối bời. Cô những muốn làm cái gì đấy nhằm san vơi nỗi đau nơi anh. Cô thương anh, cô rõ nỗi khổ anh đang gánh chịu. Trời ơi, giá mà không có phiên chợ huyện hôm lay phay mưa định mệnh đó. Giá cô có pháp thuật cao cường giải được thứ bùa ngải nơi con ma trong mình. Và nếu cô có khả năng câm nín giả dối, mọi sự chắc đã khác… Nhưng cô không thể gạt lừa con người như anh…. Một lúc, cô bước tới, nhẹ nhàng đặt tay lên vai Chiêm:
“- Anh!”
Chiêm vẫn đờ đẫn như một cái xác đã tê hết cảm giác…
Huệ cởi nhanh chiếc áo. Hai cánh tay trần trắng ngần và khêu gợi bất ngờ choàng lên cổ Chiêm. Anh quay lại và bắt gặp đôi mắt vợ chiếu vào mình… Long lanh. Quyến rũ. Mạnh mẽ. Chào mời…
“- Em không đủ sức nhìn anh như thế này… Em lỗi lầm… Em không được tha thứ… Em thương anh… Hãy cho em ở với anh đêm nay… Để ngày mai coi như em đã chết…”
Và những giọt nước mắt lại rịn ra hoà cùng nước mưa lăn trên má…
Chiêm rõ tình cảm của Huệ lúc này rất thật, nhưng anh dửng dưng nguội lạnh. Anh trơ ra. Hoảng loạn. Đôi mắt cầu khẩn của Huệ ngước lên khiến anh khó xử… Mái tóc ướt, bộ ngực trần nung núc đang áp vào mình khiến anh bối rối… Anh nhắm mắt, lịm đi… Đôi tay Huệ càng xiết chặt hơn… Nhưng như người chợt tỉnh cơn mơ, anh đứng thẳng, hoảng loạn bất định, lập cập dứt ra khỏi cánh tay trắng tròn mát mịn, khi một bàn tay Huệ có ý định cởi bỏ cúc, kéo quần anh xuống. Và như người mộng du, tựa kẻ lạc rừng gặp thú dữ, Chiêm hoảng loạn vùng chạy.
Trời vẫn mưa xối xả… Bóng Chiêm mờ nhoè vào nước vào đêm…
Nơi cửa lều canh ngô, Huệ toài người, liêu xiêu nghiêng ngả chới với trong ánh chớp, và tiếng cô tắc nghẽn tan lẫn trong tiếng sấm:
“- Anh ơi, em chỉ yêu anh… Và không thể sống thiếu anh… Em là kẻ có lỗi…”
Phía dưới, con sông sũng ướt, mờ đục…
Đêm đó Chiêm rã ruội lang thang trên đất bãi. Chẳng rõ sao anh thấy căm mình, hận mình và vô cớ thù ghét tất cả. Chẳng lẽ lại là định mênh. Anh không tin có một thượng đế vớ vẩn nào đấy chọc ngoáy vào các mối quan hệ trong cuộc đời anh. Nhưng ái oăm thay nó lại đang hiển hiện và can dự một cách hiệu quả. Bi kịch ư, đời thường ư… Chẳng thể giải thích nổi… Cuộc đời cứ như người làm xiếc lảo đảo đi trên dây… Lại như trò ảo thuật tàng hình, lúc hiện lúc biến, thật mà không thật…
Sáng sớm, khi sương ngoài đồng bãi chưa tan, Chiêm trở về ngôi nhà bố mẹ để lại cuối xóm. Anh lặng lặng xếp quần áo, nhét vội vào ba lô. Sau đó bước tới bàn thờ. Chiêm bật lửa thắp ba nén nhang.
“- Con xin tạ lỗi… Bố mẹ linh thiêng hãy hiểu cho con. Con cũng rõ mình là đứa bất hiếu, bất hiếu…”
Anh đứng bên bàn thờ, ngước nhìn hai tấm ảnh bố mẹ rồi đeo ba lô, rệu rã ra sân. Tới cổng ngôi nhà giáp bên, anh gọi tên em gái.
Một phụ nữ chừng 30 tuổi bước ra.
” – Anh dậy sớm vậy? Định lên phố à?”- Người phụ nữ hỏi.
Không để ý đến sự ngạc nhiên của em gái, anh nói nhanh:
“- Anh nhờ một việc: Cô chú ở nhà thay tôi thờ phụng, hương khói cho bố mẹ. Ngôi nhà này coi như thuộc về cô…”
“- Có chuyện gì vậy anh?…”
“- Tôi đi chưa rõ bao giờ mới về… Chìa khoá đây, ngôi nhà này cô không cần, coi như tôi cho các cháu.”
“- Anh… Nhưng tại sao? “
“- Cuộc đời mung lung lắm”.
Chiêm quay ngoắt, và bước. Cô em gái ngơ ngác nhìn theo, khó hiểu.
“- Anh Chiêm!” – Cô hơ hải gọi.
“- Cô nhớ lời tôi dặn… Đừng lo, tôi biết mình phải làm gì”.- Chiêm đáp rồi cắm cụi bước…
… Đôi chân Chiêm nện vội vã trên đường làng. Anh đi tắt cánh đồng ra đường cái. Gió mơn man trên mặt. Cánh đồng quen thuộc bỗng trở nên xa lạ. Sương đêm vẫn đọng trên những ngọn cỏ. Xa xa, trong ánh sáng mờ mờ của ban mai, bóng vài ba người vác cày, dắt trâu ra đồng… Chiêm bước hối hả như người chạy trốn. Bàn chân đặt xuống đất quê có cái gì nằng nặng…
Hình ảnh Huệ chới với trong mưa gió nơi cửa chòi canh ngô ngóng theo và tiếng cô tức tưởi nghẹn ngào: ”Anh ơi, nhưng đó không phải là tình yêu… Em thề… Em yêu anh lắm!…” cứ chờn vờn đuổi theo từng bước chân… Và hôm nay tiếng Huệ lại vọng lên ngọn Vạc, nơi có bếp lửa chập chờn…
Già Khương chậm rãi lôi con cá ra khỏi khối than hồng, xoay qua xoay lại:
– Cá chín tới mới ngọt…
Chiêm cầm hũ rượu cạnh đó, rót vào hai bát, rồi nâng lên:
– Con mời ông!
Già Khương đón bát rượu, nhưng chưa vội uống, mà đặt xuống đất. Ông đưa con cá khá to lên, thổi phù phù rồi bẻ cái đầu đưa cho Chiêm:
– Nước trắng nhắm với thủ cá, tuyệt hảo.
– Con xin!- Chiêm đón lấy.
Già Khương chiêu ngụm rượu, khà một tiếng, sau đó xé miếng thịt cá, chấm vào đĩa muối ớt, nhẩn nha cho vào miệng. Ông nhai chậm, như muốn thẩm thấu cho hết vị ngon ngọt của giống cá biển tươi nguyên được vùi trong lửa. Ông uống thêm ngụm rượu nữa rồi xuýt xoa:
– Rượu ngon. Khá! Biết mua!…
– Rượu làng Chanh, nổi tiếng…
– Rượu là đặc ân trời ban… Cá lại là thứ biển hào phóng dâng tặng…Ngày xưa cư dân vùng này chỉ uống rượu với cá, không cần cơm mà vẫn khoẻ mạnh. Biển nuôi họ…
– Mời ông cạn bát này!
– Được!- Bát rượu trong tay già run run- Ta đã từng uống rượu như uống nước lã… Nay già rồi… – Vẫn cầm bát rượu trên tay, già lắc lư như người say- Con trai vừa nhắc đến vợ ta? Người đàn bà nết na xinh đẹp ấy đã chết bởi rượu. Không, đúng hơn là cô ấy chết tại ta. Ta không kìm được sự hiếu thắng, vốn là thuộc tính dớ dẩn của thằng đực nên đã ngu dại uống quá nhiều để rồi phải trả giá cho sự hiếu thắng ấy… Nào, hết!
Già đưa bát rượu lên, cọ nhẹ vào bát rượu của Chiêm, dốc ngược, uống một hơi. Lấy tay áo quyệt ngang mép, già lại đặt bát rượu xuống:
– Đời ta phạm tội lớn. Đã làm thiệt mạng hai con người. Vợ ta và con gái ta…
Già đưa chiếc bát đã uống cạn ra trước mặt, hiểu ý, Chiêm rót thêm vào đó. Già lại tớp cạn:
– Nghe cho rõ đây, con trai.- Già vê vê mép bát rượu đã không còn rượu trong bàn tay chai sần, với những ngón thô kệch tựa quả chuối hột, bàn tay của người làm lụng, như thể đang vê nỗi đắng chát đời mình – Không có nỗi đau nào xót buốt hơn, không có nỗi nhục nào lớn hơn ở thằng đàn ông là phải chứng kiến cảnh vợ mình bị bọn rựa đực cưỡng hiếp ngay trước mặt mà bất lực… Không đáng làm đàn ông! … Già Khương lại chìa bát ra – Nữa!… Đầy vào!
Chiêm đưa bình rượu lên. Anh rụt rè rót, động tác luống cuống như thể sợ phá mất những gì đang cộn lên trong lòng già Khương…
– Ngày đó ta là cây lim của rừng già… Ta từng vật đổ con gấu chó đêm đêm vẫn lần mò xuống bản phá nương, phá rẫy… Còn nàng, đẹp nhất vùng Bắc Cớ. Cơ thể nàng không chỉ là sản phẩm của bố mẹ cho. Nàng là kết tinh và hun đúc của trời đất, của rừng núi và sông suối. Da nàng sáng mịn tựa ánh trăng đêm rằm, mắt trong ngần như sương mai. Dáng yểu điệu như trúc, giang… – Tớp thêm ngụm rượu, già nói tiếp- Mấy đứa con nhà tào, nhà phìa không lấy được nàng, hận lắm. Vậy là chúng giăng lưới rắp tâm hại nàng, hại ta…
Già ngừng nói, nhìn ra đâu đó trên biển, rồi cúi xuống cời cho ngọn lửa bùng to… Đôi mắt già cũng như thể đang cháy. Men rượu và hơi nóng từ than khiến khuôn mặt già phừng phừng…
– Ta nói tới đâu rồi? Phải, vậy là ta ngây thơ tựa con nai, dại dột sập bẫy. Chúng thách đấu rượu. Ai hay thứ ta uống là rượu thật, còn bát của chúng toàn nước suối… Để ta kể con trai nghe…
Chiêm ngồi lặng, nhìn già Khương và nuốt lấy từng lời trong câu chuyện của già…
(Xem tiếp kỳ 3)
Đ.K