Biển trổ hoa vàng (kì 3)
Cho tới tận lúc đó ông Khương mới thật rõ rằng mình đã không thể cưỡng được sự định đoạt sắp đặt của số phận. Chiếc ô định mệnh đã chụp xuống và ông chỉ còn cách chấp nhận sống trong sự cương toả đó.
Biển trổ hoa vàng
Cho tới tận lúc đó ông Khương mới thật rõ rằng mình đã không thể cưỡng được sự định đoạt sắp đặt của số phận. Chiếc ô định mệnh đã chụp xuống và ông chỉ còn cách chấp nhận sống trong sự cương toả đó.
Chiêm ngồi lặng, nhìn già Khương và nuốt lấy từng lời trong câu chuyện của già…
Đó là tối muà thu, rừng nhạt nhoà dưới trăng. Một thứ ánh sáng vàng bạch, bí hiểm. Từ trong hút nút bóng tối sâu thẳm của rừng đêm vọng tới âm thanh, có cái gì đấy ma quái, rờn rợn. Hình như là tiếng nấc của sói lẫn trong tiếng kêu than hờn oan của ma đói… Rừng già u tịch, hoang lạnh… Người Bắc Cớ kể rằng, những kẻ ngậm ngải đi tìm trầm, khi trở về, người nhà quên ném những đồ dơ bẩn ra cửa nhằm giải bùa mê, nên họ bị câm, không còn cơ hội trở lại làm người, đành lang thang trong rừng già sống chung với đàn thú, và cuối cùng chết rục chốn nào không ai hay. Khuya khuya, oan hồn của họ hoảng loạn ú ớ rên rẩm tựa sói hú gọi bầy. Dân Bắc Cớ chẳng mấy ai dám đi xuyên rừng trong đêm. Nhưng Khương thì không ngán. Anh như con hổ con beo, xó xỉnh nào của rừng cũng lần mò, cũng quen thuộc…
Tối ấy cùng Pao, người vợ mới cưới xinh tươi như đoá hoa rừng, Khương ngồi trên con ngựa trắng đi về Noọng Mận. Noọng Mận có ngôi nhà của bố mẹ Pao. Đến lùm cây, cạnh con đường mòn, chợt có tiếng gọi. Khương gò dây cương. Thằng Mần, thằng Phớ và thằng A Rú hiện ra. Chắc chúng có ý đón vợ chồng Khương từ trước. Ba thằng này là con và cháu Tảo Phía. Nhà Tào Phía giầu nhất làng, có đến gần trăm con trâu, vài chục chum rượu và nhiều bồ ngô. Người trong bản đều là kẻ làm thuê cuốc mướn cho lão. Tào Phía muốn cướp Pao về nhà mình làm dâu. Nhưng thằng Mần con lão cùng chục đưa cháu trong họ cũng không đọ được sức vóc của Khương. Mất Pao, chúng hận lắm, và quyết chưa chịu thua…
“Khương à, bọn tao đón mày ở đây để cùng uống rượu- Thằng Mần nói, và đứng dạng chân trước mõm ngựa.”
“Uống rượu? Vui đấy, nhưng tao có hẹn rồi. Khi khác được không?”
” Mày cũng chê rượu à?”
” Đó là thứ giàng cho, ai chê sẽ bị tội, làm con bọ hung đào cứt trong chuồng ngựa…”
“Mày nói phải. Vậy ta uống… Hôm nay tao muốn đấu rượu với mày.
” Đấu rượu với tao?…- Như thể có cái gì đấy chạm vào lòng tự ái, Khương nhảy khỏi lưng ngựa- Thằng Mần muốn đấu rượu với tao?… Ôi, việc đó lạ như chuyện con chồn khoe rằng đã vồ con hổ ăn thịt…”
“Tao đã chuẩn bị ba lu… Thua, tao mất con ngựa đen chạy nhanh nhất trong đàn ngựa nhà tao… “
” Tao không cần ngựa. Nhưng tao có việc rồi. Bọ mế Pao hôm nay cúng Giàng…”
“Mày sợ rồi à? Nếu nhận rằng thua, cứ việc đi… Tao không cản.”
Thằng này chọc trúng huyệt, chạm vào niềm kiêu hãnh của Khương. Khương liền đỡ vợ xuống. Pao lo lắng:
“Mọi người đang chờ”
Khương phớt lơ lời khuyên của vợ. Anh bước lại gần thằng Mần:
“Tao thua rượu mày ?”
” Vậy sao không uống?”
“Mày nhầm cung tên để bắn gấu rồi. Người Bắc Cớ không ai không hay rằng rượu đổ và họng tao như nước đổ vào hang chuột.”
Thằng Mần cười to:
“Hôm nay không phải là hôm qua. Mày biết câu nói ấy chứ?”
“Được, vậy tao dạy mày cách chạy khi bị hổ rượt…”
Khương đáp. Cái bẫy của bọn thằng Mần giương ra, con thú đã tự chui vào.
– Sự ngu xuẩn nơi con người làm hại con người…
Mắt dính vào ngọn lửa, già Khương gật gừ. Quá khứ buồn đau hiện ẩn nơi gương mắt đầy tâm trạng phiền muộn u uất của ông. Đôi mắt chiếu vào ngọn lửa như muốn hun nóng những điều mình nói. Tiếng ông kể trầm tròn, rành rẽ . Và những gì gợi nhớ hiển hiện như thể có một cuộn băng đã ghi sẵn, phát ra từ đâu đó, có thể từ biển đưa lên, từ không trung dội xuống và ông cũng như Chiêm, chỉ biết ngồi lặng lắng nghe, lắng nhìn…
Trên bãi đất phẳng dưới lùm cây, bốn người đàn ông vục mặt vào rượu. Họ đã say lắm. Mặt mày dị dạng, méo mó không ra mặt người. Thằng Mần nháy mắt, thằng A Rú ngồi cạnh lập tức mang ra bát rượu đầy, đưa lên miệng Khương:
– Nếu mày uống hết bát này, coi như bọn tao thua, con ngựa đen buộc ở gốc cây kia là của mày.
– Tao nói rồi, tao không cần ngựa… – Khương xua tay- Nhưng tao uống… Tao sẽ uống… Tao không thua. Không thua bọn bay và không thua rượu… Nào cạn…
Người phụ nữ đứng bên con ngựa hoảng loạn vội chạy tới:
– Đừng … Anh uống nhiều rồi!
Khương hất tay vợ:
– Không phải việc đàn bà
– Phải, không là việc đàn bà…- Thằng A Rú nói và nghiêng bát rượu vào miệng Khương… – Tao biết là mày dư sức uống hết mà.
Người đàn bà nhìn Khương, ánh mắt buồn nẫu của kẻ biết rằng tai hoạ sắp đến, mà bất lực… Giọng chị lo lắng:
– Anh, anh ơi, đừng… Em sợ
Tiếng chị tan vào đêm…
Rừng nghiêng ngả, chòng chành. Ánh trăng vàng khè chuyển qua màu đỏ, đỏ tựa máu… Và âm thanh rờn rợn ma quái như thể là tiếng cười đanh khô, lanh lảnh của thuỷ tinh vỡ, lại ri rỉ kêu than giống tiếng gầm gừ của quỷ sứ nơi địa nguc, cứ u oa toả trong đêm…
Âm thanh ấy theo thời gian vọng về đồi Vạc. Nó toả ra từ bóng tối, từ đặc quánh đêm đen, từ ngọn lửa chập chờn…
– Già đêm, thân ta tựa lạt giang tước mỏng, mềm nhũn, oặt ẹo. Ta không hay biết gì nữa.- Giọng già Khương nghẽn đắng- Rượu biến ta thành cây chuối héo dặt dẹo vô dụng. Và chúng nó, những đứa không là con người nữa đã lột truồng người đàn bà của ta rồi thay nhau xả hận trước sự lảo đảo nhũn nhẽo và chới với của thằng đàn ông được gọi là chồng…
Mắt già Khương cháy lên. Lửa trong đôi mắt ấy cuồn cuộn. Và từ ngọn lửa đó nhập nhoà hiện về hình ảnh người phụ nữ bị ba gã đàn ông thay nhau hiếp. Nó như một cuộn băng mờ nhoè, được tua lại … Cảnh này mờ chồng lên hình ảnh kia. Loa loá, đen, trắng… Đó là hình ảnh trong mắt của người uống rượu quá ngưỡng…
…Rừng đêm.
Ánh trăng xuyên qua các kẽ lá chiếu xuống khu đất trống. Khương cầm bát rượu trên tay, chân nam đá chân chiêu, muốn bước mà không sao bước được. Anh mềm nhũn như sợi bún. Hai mắt vằn lên, đỏ nọc, vùa tức giận, vừa uất ức, nhưng chân tay đã không thể theo sự điều khiển của cái đầu… Trước mặt anh, người vợ xinh đẹp đang giẫy dụa cố vùng ra khỏi ba gã đàn ông. Nhưng nàng không còn sức. Nàng đang lả dần. Chợt nàng ngoái lại, đôi mắt trách cứ, cầu khẩn nhìn về phía Khương, khiếp sợ kêu to:
– Cứu em!
Khương cố rướn người, nhưng rượu đã ngấm vào cơ thể lại vật đổ xuống. Anh cố bò nhưng hai chân lảo đảo, không cất khỏi mắt đất… Anh nhìn về phía trước, cách đó không xa, nơi ba kẻ vừa uống rưựu cùng đang giằng co với vợ anh, lắp bắp:
– Chúng mày… Chúng mày… Không được thế…
Song quần áo trên thân thể người phụ nữ bị lột bỏ dần… Dưới ánh trăng, Khương lờ mờ nhận ra cơ thể vợ, loã lồ, trắng hồng. Đúng hơn, cơ thể trắng hồng ấy trong rừng khuya cũng là một vầng trăng… Liền sau đó, thằng Mần hùng hổ và ham hố giống con báo đói đổ xuống. Hai gã kia, một đứa giữ chân, một đứa giữ tay người đàn bà… Đám mây đen đã choán che vầng trăng. Gã đàn ông hấp hả thực hiện chức phận con đực… Hắn nhấp nhổm trên cơ thể trắng hồng người đàn bà. Khương gầm lên một tiếng như con thú bị sập bẫy. Nhưng anh nhũn nhão. Anh bất lực. Anh dẫy đạp, uất hận. Hai mắt như hai hòn than, ánh lên man dại, cay đắng và uất nghẹn…
Hình ảnh cuối cùng đọng lại cho tận tới hôm nay, nơi ngọn Vạc này là những khuôn mặt méo mó, nhoa nhoá không ra hình người, dệu dạo nhe hàm răng hô hố cười. Cười một cách thoả mãn… Những tiếng cười khùng khục khốn nạn ấy như vẫn vang trên ngọn Vạc, hoà trong ánh lửa giữa trùng khơi, thiêu cháy tâm trí già Khương đêm nay…
– Sức ta có thể vật đổ mười đứa ấy, nhưng ta thua rượu.- Già Khương gắng gượng nói- Rượu đã đánh gục ta… Đó là nỗi hận, nỗi dại dột nhất trong đời. Và sự ngu muội hiếu thắng một cách dấm dớ mụ mị đó vốn là con ma đói nơi thằng đàn ông đã phải trả gía: Pao bộc lộ niềm kiêu hãnh trinh nữ đã sử dụng nắm lá ngón như một phương thức của kẻ tự trọng để giải thoát nỗi nhục cho ta và nỗi ê chề của nàng…
… Ngọn lửa đã lụi. Nhưng trên cao, cây đèn biển vẫn đều đặn toả từng chùm ánh sáng xuống mặt biển… Ngọn Vạc lúc sáng lúc tối, nhập nhẹm, hư ảo như thế giới cô tích… Đêm tĩnh lặng. Chỉ có tiếng gió lướt về rất nhẹ và tiếng rì rầm đơn điệu của sóng nhẫn nại mài lên bờ đá dưới chân ngọn Vạc.
Già Khương xé nhỏ con cá nướng, nhưng già không ăn, già dồn vào một góc trên tờ giấy cũ trải nơi nền đất… Già đã không còn hứng thú thưởng thức vị ngon ngọt của loài cá biển vừa bắt, tươi nguyên, nướng trong bếp lửa nữa. Già đang ngấm lắng, nhấm nháp nỗi đắng cay đau đớn của quá khứ tủi buồn, dại dột nơi mình… Rồi già kể tiếp. Hình như nói ra những u uất trong lòng, già cũng phần nào được giải toả, phần nào vơi đi những ứ nghẹn vốn canh cánh, âm ỷ như than trấu ủ bấy nay…
– Hết đêm nay, ta xa ngọn Vạc, nên ta muốn con trai nghe tiếp câu chuyện của ta- Già Khương không nhìn Chiêm, ông ngồi lặng như bức tượng, hướng vào bếp lửa và nói, giọng ông nhẩn nha- Ta những muốn mang chuyện của ta theo ta xuống mồ… Những chuyện xúi xo ấy có gì đáng để phô! Cuộc đời là vậy, tốt xấu lẫn lộn. Điều tốt đón ta phía trước, điều xấu giăng lưới bổ vây xung quanh… Nhưng chẳng rõ sao khi gặp con, định mệnh mách bảo rằng, con chính là người buộc ta phải thổ lộ hết những ẩn chứa trong lòng … Cũng chẳng rõ tại sao… Chắc số trời định vậy…
Già Khương uống thêm ngụm rượu nữa, ngưng một lúc như để ngẫm ngợi thêm rồi nói tiếp:
– Sau những gì đã xẩy ra, ta không đủ dũng cảm, không có sự trơ tráo để sống trong cộng đồng người nữa. Ta không sợ hùm beo, ta không sợ ma quỷ. Ta không sợ rừng sâu, suối lũ. Ta sợ con người. Sợ cái ác, sự nham hiểm và đố kỵ nơi họ… Sự xấu xa nhất ở con người là không muốn kẻ khác hơn mình. Suy cho cùng, kẻ thù của con người, không gì khác, lại chính là con người. Ta muốn trốn đến một nơi nào đó, nơi không có lố nhố nhưng cái đầu mọc tóc, nơi không có độc địa và ganh ghen. Nơi thanh thản và bình yên… May mắn ta đã gặp được chốn như thế… Với ta, ngọn Vạc này là ân nhân, là nơi cứu rỗi… Nhưng khi ta bắt đầu biết chấp nhận và bằng lòng với cuộc sống mới, quá khứ dần dà lắng cặn, vón hòn thì hình như định mệnh thích đùa lại vung quyền năng ra giễu cợt trêu chọc, thử thách; chưa muốn buông tha… Đời nhiều mãnh lực, lắm ràng níu, cứ tung dây trói ta vào, dứt ra cũng không được. Nhưng ta không hận thù trách cứ số phận. Số phận đã ban cho ta ân huệ để ta biết niềm vui, biết bao che, biết hy sinh và biết … phạm tội… Nào cạn bát nữa nhé? Mấy khi có rượu ngon và gặp bạn hiền. Ta coi con là tri kỷ, được chứ?
– Vâng, con kính ông! – Chiêm nâng bát rượu bằng hai tay…
– Con trai có tin, người ta sinh ra trên cõi này, đều có số phận?
– Có lẽ vậy!
Chiêm đáp, và hình ảnh Huệ chới với bên cửa chòi canh ngô trong đêm mưa gió nơi bãi sông với tiếng nức nở: “- Anh ơi, em chỉ yêu anh… Và không thể sống thiếu anh…” hiện lên rất nhanh… Anh ngồi lặng.
– Người ta an nhàn, hay khổ hạnh đều là ở định mệnh … – Ông Khương nói- Có những điều không muốn, vẫn giằng buộc vận vào, cởi ra không xong… Cuộc đời ta nhiều khi không do ta quyết định, nó phụ thuộc vào thế lực ngoài ta mà chẳng hẳn lúc nào cũng có thể giải thích rõ ràng… Trước quyền năng vô biên của đấng tối thượng, trước bao la những điều ta chưa hay, con người bé nhỏ lắm… Con trai hiểu không, rất bé nhỏ!
– Vâng, con người chỉ là cát bụi!
– Con trai nói đúng, cát bụi!… Ta là phù phiếm vô nghĩa trong khôn cùng vũ trụ, ta là chấm bé xíu nhỏ nhoi không đáng gì nơi mênh mông đất trời. Ta trôi về đâu, dạt về đầu là do gió… Ta mỏng mảnh, xơ gây; gió bạo liệt, phũ phàng… Nghe tiếp đây, con trai, hôm ấy, cách đây đã mấy chục năm, ta xách bị, đang lang thang như con chó ốm trong chợ thì định mệnh ùa tới, chẳng rõ vô tình hay hữu ý, quấn vào ta, chụp quyền năng lên ta…
Rượu như thể tác nhân thúc gọi, khiến Già Khương càng tỉnh. Câu chuyện xưa hiện về như mới xẩy ra chưa lâu… Già rành rẽ từng chi tiết.
Mùa đông.
Gió hanh tựa những con cáo đói với hàm răng sắc nhọn lướt thướt kéo về, xào xạc trên nhưng thân tre xơ xác.
… Chợ quê. Cuối chiều. Quán xá khô lạnh. Những túp lều tranh xiêu vẹo, ngả nghiêng. Cọng lá cọ lợp mái rung rinh trước gió, buồn tênh. Vài ba nải chuối tây héo quắt treo chỏng chơ trên những cọc tre già. Những miếng thịt ế thâm đen trải trên tấm phản nham nhở vết dao, ruồi bậu như xôi đỗ. Người mua kẻ bán đã vãn. Chỉ còn vài người ăn xin rách rưới cố nán, ngồi bệt xuống đất, chìa chiếc nón rách trước mặt, hy vọng chút bố thí cuối ngày. Cái đói hiện lên từng khuôn mặt. Đăm chiêu. Lo lắng . Buồn nản…
Già Khương đeo chiếc bị cói trên vai, hờ hững một cách nhàn rỗi. Tới trước người đàn ông quắt hóp, da bọc xương, khuôn mặt xanh tái, có cảm giác như cứa dao vào đấy, không còn máu, đôi mắt lông quặm kèm nhèm nhắm tịt đang luôn miệng: “Con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại…”, ông lặng lẽ thả vào chiếc nón rách một đồng xèng, khẽ thở dài, rôi tiếp tục bước…
Ông đi về phía cửa chợ. Trời đông lạnh lẽo, càng cuối ngày chợ héo, càng hắt hiu, thưa vắng…
Ông Khương ngắm ngó đặng tìm một chỗ có thể nghỉ lại đêm.
– Bố! Bố ơi!..
Một bé gái chừng bốn năm tuổi, quần áo lếch thếch rách rưới, thò lò mũi, tóc bết bẩn, nhưng đôi mắt to, rất sáng, và da trắng mịn chạy gằn đuổi theo. Tới gần ông, bé hơ hải gọi.
Khương ngạc nhiên quay nhìn và dừng lại. Bé gái mừng rỡ nhào tới, hổn hển bíu chặt chân Khương, như thể sợ rằng con người vừa bắt gặp có thể biến mất. Đôi mắt trong veo ngước nhìn, mếu máo:
– Sao con gọi mà bố không chờ con?
– Cháu ơi!… – Khương ngồi xuống, ngạc nhiên xoa đầu bé gái…
– Vậy là con đã tìm được bố rồi.. . Con tìm được rồi!
– Bé gái…
Hai tay cô bé vẫn ôm chặt chân ông Khương, không chịu buông, đôi mắt ngước nhìn:
– Bố quên tên con rồi à? Bố đăt tên con là Hương mà.
– Tên là Hương à… Ừ, cái tên đẹp quá…- Khương lúng túng đáp.
Cô bé sung sướng choàng tay ôm ngang cổ Khương:
– Bố bảo mẹ tên Hường thì con phải là Hương cho vần…
– Ờ… ờ… Vần lắm…
– Con biết bố nhận ra con rồi mà… Bố thử con, đúng không?
– Nhận ra… – Khương ỡm ờ. Ông chưa thật rõ tình cảm mình trong trường hợp này.
– Trước khi chết mẹ dặn con phải đi tìm bố. Con hứa rằng thế nào con cũng tìm được… Lâu nay bố ở đâu, con tìm mãi…
Khương âu yếm ghì cháu bé vào lòng. Cháu bé ôm chặt Khương hơn:
– Bố đừng bỏ con lang thang một mình nữa nhé… Bố hứa đi.
Khương cảm động:
– Bố hứa…Nhưng…
– Con nhớ bố lắm. Bố bảo hai mẹ con chờ, bố đi kiếm cái ăn một lát rôi quay lại mà lâu ơi là lâu..
– Bố… có việc… Bố xin lỗi- Khương rơm rớm nói.
Bé Hương nũng nịu:
– Bố ơi, con đói…
– Lâu nay con ở đâu?
– Con không biết, con đi khắp nơi. Mẹ bảo dù bố ở tận chân trời góc biển cũng phải tìm… Tối đến con ngủ nơi các quán trong chợ… Có người thương, đưa con về nuôi, cho con làm con, cho con ăn, nhưng con không nghe. Con phải đi tìm bố. Mẹ đã dặn thế …
– Khổ thân con gái..!- Khương ghì bé Hương chặt hơn, như thể người có lỗi:- Bố sẽ đưa con đi ăn, ăn thật no.
Khương dắt bé Hương, hai người hương về phía hàng cơm cuối chợ. Bé Hương bíu vào ngón tay Khương, chạy gằn bên canh, mắt ánh niềm vui:
– Được ăn cơm hả bố?
– Ừ! ăn cơm!
– Lâu rồi con không được ăn cơm…. Có bố thật sướng…
– Nhưng bố còn có việc…
– Bố bận hả?
– Người lớn có những công việc trẻ con không biết được…
– Nhưng tối bố về với con là được… Bố đừng bỏ con nữa… Ngủ một mình con sợ.
Khương nén xúc động. Ông im lặng. Ông rõ rằng mình đã rơi vào tình thế khó xử. Làm thế nào để không tổn thương tình cảm cô bé vô tình bắt gặp đây? Cuộc đời có những ngẫu nhiên thật khó lường…
Quán cơm nho nhỏ nơi góc chợ tạnh người. Ba chiếc ghế gỗ được đũng quần nhà quê mài nhẵn xếp theo hình chữ U quanh cái bàn đan bằng tre. Trên đó bày bát đĩa, nước mắm, gia vị…
– Bà cho ba xu cơm!- Khương gọi và kéo bé Hương ngồi xuống.
Bé Hương thèm thuồng, háo hức nhìn nồi cơm nguội ngắt cạnh bà chủ quán. Lâu rồi bé không có cảm giác nhai thật lâu hạt cơm trong miệng. Vớ được chút thừa thãi đâu đó, hoặc ai thương tình cho nắm cơm nguội là nhét vội vào mồm, chưa kịp nhai cơm đã trôi tuồi vào họng. Đói triền miên. Thấy bát cơm đầy bà chủ quán đưa, Hương run run đón lấy, rồi nhìn ông Khương, và khi ông gật đầu như thể ra hiệu bảo ăn, Hương vội vã và, phồng má nuốt. Bé ăn rất nhanh, như sợ sẽ không bao giờ được ăn như thế nữa. Bà chủ quán ái ngại:
– Sao để con bé đói thế?
– Chúng tôi lạc nhau…- Khương gắp khúc cá kho vào bát cho bé Hương, nói.
Bà chủ quán thở dài:
– Thời buổi đói kém, nhiều người không nuôi nổi con, đành lòng để rơi trên đường, trong chợ. Khổ!- Bà quay qua bé Hương- Ăn từ từ, con. Cơm còn nhiều…- Rồi bà thở dài- Chẳng biết bao giờ qua khỏi đận này…
Bé Hương ngước đôi mắt ngây thơ lên, hỏi Khương:
– Ngày nào cũng được ăn no thế này hả bố?
– Con ăn nhiều vào…
– Bố ơi, người ta bảo rằng mẹ nhường phần cơm cho con ăn mà phải chết đói đấy…
– Ừ, mẹ thương con, dành sự sống cho con… Nào, cố ăn thêm rồi bố con mình tìm chỗ ngủ… Trời sắp tối.
– Con sợ bóng tối!… Lại sợ chuột cắn chân… Trong chợ nhiều chuột chí lắm. Đêm nào lũ chuột đói cũng gặm chân con… Nhưng có bố, con không sợ nữa…
… Đêm về rất nhanh. Mặt trời vừa khuất, bóng tối đã tràn xuống, nhốt đen khu chợ. Bãi đất hẹp với những căn lều thấp tè xiêu vẹo hôi hám, tanh sặc trở nên hoang vắng, lạnh lẽo. Không ánh đèn và không cả tiếng động. Chỉ có tiếng chụôt đói lích rích kéo đàn kéo lũ sục sạo sinh tồn.
Nằm trên tấm phản trong chiếc lều nhỏ giáp cổng chợ, ông Khương vắt tay qua gáy, nhìn lên, nghĩ ngợi, đắn đo. Cạnh đấy bé Hương đang ngủ. Thỉnh thoảng lại nhếch miệng cười nụ.
Gió hấp hả chới với tựa ma đói luốt thuốt kéo về. Hơi lạnh và tiếng ùm ù cào trên mái lều hanh nỏ cùng bóng tối đặc quánh tạo cảm giác buồn tẻ, bí ẩn. Và chốc chốc, trong sự im ắng khi đêm về, lại róng lên tiếng ăng ẳng giằng xé tranh mồi của những con chó đói. Âm thanh hụt hơi phát ra từ bản năng những con vật không còn sức, có cái gì đấy rời rã, u buồn…
Khu chợ hiu hắt não nề và ảm đạm.
Ông Khương không ngủ. Ông chênh vênh trong tâm trạng bất yên. Chuyện vô tình gặp bé Hương khiến ông phân vân, tính toán… Vừa thương bé, ái ngại cho bé, vừa thương mình, lại ái ngại cho mình… Sao ngẫu nhiên đến vậy chứ? Với ông, định mệnh thật khắc nghiệt, gắng lắm vẫn không sao thoát khỏi chiếc lồng của đấng tạo hoá. Cao chạy xa bay đến mấy vẫn luẩn quẩn trong lòng bàn tay vô biên rộng lớn của Đức Phật…
Bé Hương chóp chép miệng quay sang, choàng tay ôm qua người ông. Rồi ngủ tiếp. Hơi thở phát ra đều đều. Có lẽ lâu lắm rồi bé mới có một lần yên giấc đến vậy…
Ông Khương nằm lặng lắng nghe tiếng động trong đêm, tâm trí rối bời. Bỏ bé Hương lại, nó sẽ vật vờ lang thang đi tìm bố, cuộc sống vô định, sẽ ra sao?… Ông cũng từng có một thời thơ ấu không cửa không nhà. Rừng sâu là chốn dung thân, suối ngàn là nơi nương tựa. Ông đã từng thấm nỗi cay cực, tủi hờn của cuộc sống khi mới lớn không cha không mẹ. Ba tuổi mẹ chết. Bảy tuổi bố vào rừng sâu không trở về. Khương giống con sói hoang, ngày ngày lần vào rừng đào củ, vồ sóc, bẫy dũi, hoặc xuống suối săn cá kiếm sống. Đơn lẻ, côi cút là điều bất hạnh lớn nhất ở đứa trẻ khi được sinh ra nơi cõi này. Đói ăn đói ngủ chẳng đáng gì khi vắng thiếu tình mẫu tử. Không rõ đã bao nhiêu lần Khương rịn nước mắt tủi thân khi chiều chiều, lúc bóng tối và khí lạnh từ rừng sâu toả về, nhìn đàn gà con líu ríu tranh nhau rúc dưới cánh mẹ…
Khương quay sang, thấy bé Hương vẫn quàng tay qua người mình ngủ say, ông khẽ thở nhẹ… Nhưng không thể khác! Nơi ông đang ở khí hậu khắc bạc, thiếu thốn trăm bề. Với nữa, tìm ra đó là ông đã nhất quyết đọan tuyệt với xã hội người, muốn ẩn náu, rũ bỏ trách nhiệm cuộc đời. Không ràng níu. Không các mối quan hệ… Chẳng nhẽ một ý nguyện tránh né đơn giản như vậy, thượng đế vẫn chưa chấp nhận?… Ông Khương lại thở dài… Rồi bé Hương sẽ tìm được bố. Cầu mong như vậy và chắc là như vậy. Cuộc đời vốn công bằng với mọi người. Ông Khương an ủi mình. Nhưng từ sâu thẳm đâu đó trong ông vẫn có cái gì đấy rung nhẹ, đánh thức, dóng lên nỗi áy náy, canh cánh, bất an …
Bé Hương chợt thức giấc, nhổm dậy. Bé hơ hải nhìn ông Khương. Và khi biết rằng ông vẫn nằm bên cạnh, lại an tâm tiếp tục ngủ…
Khương nằm yên… Những chẳng rõ sao vào thời điểm ấy, khi đêm đã khuya, những khuốn mặt méo mó dẹo dọ cười đắc thắng khi lột truồng người đàn bà và hùng hục, ngấu nghiến đè lên… rồi tiếng kêu cứu của vợ và sự bất lực của gã chồng… và ánh trăng đỏ như máu nơi rừng khuya… chập chờn hiện lên trong bóng tối … Có cái gì đấy mạnh lắm thúc vào tim, Khương khẽ rùng mình, bật dậy. Biết bé Hương vẫn đang say giấc, ông gỡ nhẹ bàn tay nho nhỏ xinh xinh khỏi cơ thể mình, rón rén đứng lên. Ngẫm ngợi thoáng chốc, ông cởi chiếc áo khoác, đắp lên người cô bé. Kế đấy, móc túi lấy mấy đồng bạc giấy, đặt xuống cạnh. Ông lặng phắc nhìn bé Hương. Ông cũng rõ rằng mình đang thực hiện hành động dối trá bỉ ổi có cái gì đấy bất nhẫn. Nhưng không thể khác. Ông còn có công việc của mình, ý nguyện của mình….
Quyết đoán, ông quay nhanh, bước ra khỏi căn lều…
Gió vẫn hun hút, xào xạc quần đảo trong đêm. Chợ hoang vắng. Ông Khương cúi gập người, co ro bước. Chợt, linh tính mách bảo, ông quay lại. Hình như có bóng người vẫn lần bám phía sau. Nhưng chắc ông nhầm. Có thể là cảm giác đánh lừa, cũng có thể là bóng mấy con chó hoang tìm ăn thấp thoáng ẩn hiện. Nghĩ vậy, ông lại bước tiếp. Hồi xưa mỗi khi đi vào rừng ban đêm, con mèo tam thể béo nẫn và khôn ngoan giống người bạn thuỷ chung trung thành vẫn lẽo đẽo bám sau ông. Xa mấy cũng theo.
Khi ra khỏi chợ, ông nấn ná rồi cố tình quay lại nhìn căn lều lần nữa. Và ông giật mình: bé Hương, khuôn mặt tỉnh queo, đã đứng ngay phía sau. Ông sững sờ. Bé Hương bước lên, giật giật gấu áo ông, phụng phịu:
– Sao bố không gọi con?- Bé ngây thơ hỏi.
– Bố… bố xin lỗi… – Ông Khương bối rối..
– Bố ơi, bố đừng bỏ rơi con nhé. Con hứa từ nay không ăn nhiều như hồi chiều nữa… Con sẽ tự kiếm lấy đồ ăn… Chỉ cân bố đừng bỏ rơi con là được… Con ăn ít lắm… Con có thể đi xin và nuôi bố.
Có cái gì đây nghèn nghẹn trào nơi cổ, vừa thương cảm, lại như hối lỗi, ông Khương sà xuống, ghì chặt bé Hương vào lòng. Mấy giọt nước rịn ra nơi khoé mắt:
– Bố có lỗi… Từ nay bố mãi mãi ở bên con…
– Thật bố nhé. Có đúng là con được sống với bố, con không phải lang thang nữa?…
– Ừ, con là con của bố. Định mệnh rồi… Bố sẽ mang con theo…
– Đi đâu, bố?- Cô bé ôm chặt Khương, vui sướng và ngây thơ ngước lên hỏi.
– Về cõi bồng lai…
– Bồng lai ở đâu hả bố?
– Ở nơi không có con người, không có cái ác…
– Không có người thì không có cái ác hả bố? Bố con mình sống với ai?
– Con không thích à?
– Được sống với bố, ở đâu con đều thích.
– Nơi đó chỉ có hai bố con mình, gió và nước….
– Giống như ao làng?
– Không, to hơn nhiều… Mênh mông…
Bé Hương reo to:.
– Vậy con thích lắm…
Cho tới tận lúc đó ông Khương mới thật rõ rằng mình đã không thể cưỡng được sự định đoạt sắp đặt của số phận. Chiếc ô định mệnh đã chụp xuống và ông chỉ còn cách chấp nhận sống trong sự cương toả đó.
Ông Khương nắm chặt bàn tay nho nhỏ của con gái, rồi thanh thản dắt bé đi. Hai bố con hướng về phía mặt trời mọc.
Hương hỏi:
– Bố ơi, bố con mình có gặp mẹ ở Bồng Lai không?
– Chết không có nghĩa là hết con gái ạ?- Ông Khương đáp.
– Mẹ vẫn còn?
– Mẹ sống trong nỗi nhớ của con…
– Mẹ có nhớ con không?
– Nào ta đi nhanh cho kịp đón tàu ra biển…
Bé Hương khó hiểu ngước đôi mắt ngây thơ nhìn bố, rồi tăng tả bước…
Đằng đông, hửng lên một quầng đỏ.
Hai bố con đi lặng lẽ. Bóng họ bước trên con đường cái quan, ngược sáng, hắt lên nền trời trông như hai chấm đen, như hai hạt bụi giữa bao la trời đất, nhỏ dần, nhỏ dần…
Mặt trời lên cao, cháy rực một vùng…
Và vầng sáng đó như ánh lửa đêm nay, hắt lên khuôn mặt già Khương…
( Còn nữa)