Biển trổ hoa vàng – kì 4
Hơi ẩm từ những con sóng, từ mặt nước đưa lên có vị ngai ngái, lờ lợ. Và đàn chim lại bay qua núi, cất tiếng kêu. Trong đêm, tiếng chim nghe rời rạc, vụn tơi tựa như mảnh sành rơi xuống nền đá…
Biển trỏ hoa vàng – Hơi ẩm từ những con sóng, từ mặt nước đưa lên có vị ngai ngái, lờ lợ. Và đàn chim lại bay qua núi, cất tiếng kêu. Trong đêm, tiếng chim nghe rời rạc, vụn tơi tựa như mảnh sành rơi xuống nền đá.
Và vầng sáng đó như ánh lửa đêm nay, hắt lên khuôn mặt già Khương…
Già ngừng kể.
Hơi ẩm từ những con sóng, từ mặt nước đưa lên có vị ngai ngái, lờ lợ. Và đàn chim lại bay qua núi, cất tiếng kêu. Trong đêm, tiếng chim nghe rời rạc, vụn tơi tựa như mảnh sành rơi xuống nền đá.
– Sinh ra nơi cõi này, chẳng ai cưỡng được mệnh trời.- Già Khương nói, tiếng ông chậm rãi giống như tiếng thủ thỉ của sóng biển bên bờ đá- Trời đã hào phóng ban cho ta một đặc ân, đó cũng là qùa tặng thần linh nhân đức mang lại. Và ta đã đón nhận sự nhầm lẫn ngẫu nhiên định mệnh của bé Hương bằng tất cả tình cảm trân trọng, yêu thương và biết ơn. Chẳng rõ cuộc đời ta sẽ cô đơn, côi lẻ, buồn tẻ và vô nghĩa đến dường nào nếu không có bé Hương sống cùng… Con gái ta là hạnh phúc của ta, niềm vui của ta, và … tội lỗi của ta… Con trai vẫn nghe ta nói chứ?
– Tội lỗi?
– Có thể con trai chưa rõ sự đời. Con người do thượng đế nhào nặn, nên cuộc sống chúng ta nằm trong bàn tay đây quyền năng vô biên song lại thích đùa bỡn của Người…
– Anh ơi, nhưng đó không phải là tình yêu… – Giọng Huệ uất ức nghèn nghẹn hết sức khổ tâm- Em không giải thích được… Vâng, không sao giải thích được… Ngay cả khi đó, khi em như một cái xác không còn cảm giác phản ứng, sợ hãi và bàng hoàng đồng lõa để người ấy tuột quần ra, em vẫn nghĩ đến anh… Em thề… Em vẫn yêu anh lắm!…
– Có lẽ thế. Thượng đế vốn khoái bày đặt…
– Con trai đã nhận ra… Nhưng chưa bao giờ ta trách cứ, bởi thượng đế đã phú cho ta những ngày hết sức thú vị, khó có thể tuyệt vời hơn bên cạnh con gái ta… Cuộc sống trên ngọn Vạc đã có những ngày vô giá mặc dù khí hậu nơi đây hết sức hà khắc, quanh năm gío nặm hun hút, và ban ngày nóng như thiêu, đêm về lại lạnh cóng… Có người gọi ngọn Vạc là núi- mùa- gió. Mùa gió nơi đây khiếp lắm. Nó bắt đầu từ tháng Tám năm trước và kết thúc vào tháng Ba năm sau. Thời gian đó, hiếm ngày nào ngọn Vạc không có gió mạnh. Hết bão lại gió mùa Đông Bắc. Biển động triền miên. Sóng đập vào bờ đá không tiếc sức… Những ngày dằng dặc ấy, cuộc sống vô cùng chật vật. Thiếu đủ thứ. Đáng sợ nhất là thiếu rau xanh và nước ngọt. Vây mà ta và con gái ta đã ở nơi đây già nửa cuộc đời của ta. Ấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất, thú vị nhất … Chiều chiều, khi mặt trời lặn về phía đất liền, bé Hương thường bám theo ta để cùng bước lên chỗ cao nhất ngọn Vạc, thắp sáng cây đèn biển. Sớm hôm sau, hai bố con lại lần lên tắt. Ngày nào cũng vậy, chỉ một chu trình ấy, nhưng đó là niềm vui, là công việc ưa thích chưa bao giờ nhàm chán. Tại sao ư, bởi ta và con gái ta yêu ngọn Vạc, yêu cây đèn biển này… Cây đèn biển cũng có linh hồn đấy. Đêm đêm nó toả sáng, tự nguyện đồng hành dẫn dắt người đi biển. Con trai cứ sống, cứ chiêm nghiệm rồi sẽ nhận ra điều ta nói… – Giọng già nhỏ xuống, có cái gì đấy hết sức nuối tiếc- Vậy mà ngày mai ta rời chốn này rồi… Phải, ta chỉ còn được sống trên ngọn Vạc đêm nay nữa thôi…
Già Khương chợt im nín. Già lỏng mình, thả hồn quay ngược thời gian nhằm lục lại quá khứ, soi vào kỷ niệm. Hình ảnh những ngày, như già nói, hết sức thú vị sống bên cô con gái nuôi đứt nối nhấp nhô hiện về. Nó tựa những thước phim quay nháp, rời rạc, mờ chồng, thiếu mạch lạc, nhưng hình ảnh sắc nét, âm thanh tròn mọng… Đó là những vết dao khắc trên đá…
Mùa đông.
Buổi sáng. Trời trong và biển xanh dịu. Ngôi nhà nhỏ cạnh cây đèn biển của bố con ông Khương, giống như chiếc lô cốt, xây đã lâu lắm, mốc thếch hiện ra trong nắng sớm. Nó quá nhỏ bé so với ngọn Vạc, và càng vô nghĩa trong không gian trời biển nơi đây. Cạnh ngôi nhà là những tấm lưới đánh cá đã rách được phơi một cách cẩu thả.
Ông Khương vừa lên tắt đèn. Ông bước xuống cầu thang thì thấy bé Hương đang khệ nệ bê thùng sắt tây có trồng cây cải nhỏ từ sân vào nhà.
– Con dậy sớm vậy?- Ông Khương hỏi.
– Bố chẳng bảo nếu gió mặn và nắng táp vào, cải sẽ héo…
– Phải! Heo may về rồi con gái ạ…
Bé Hương cầm gáo nước tưới cho cải:
– Mày chóng lớn nhé, và ra hoa màu vàng rồi sinh thật nhiều cải con cho tao…
Hương ngồi xuống, say sưa ngắm ngó cây cải như đó là một động vật có tư duy. Ông Khương nhìn con gái, thấy con vui, khuôn mặt cũng toát vẻ hài lòng. Rồi Hương bước ra ngoài, ngước lên chỗ đặt cây đèn biển, lúc ấy đã không còn sáng:
– Bố không chờ con…
– Trời sáng, bố muốn tiết kiệm dầu…
Bé Hương liền bước lên đó. Xa xa, nơi tận tít chân trời, có những chấm nhỏ hiện lên giữa trùng khơi. Những chấm nhỏ to dần to dần và con tàu hiện ra. Nó chạy chậm, lần luồng vào cảng.
Bé Hương từ trên cao, nơi có cây đèn biển, vừa nhảy từng bậc cầu thang, vừa reo:
– Bố ơi, tàu lại vào…
– Bố biết… Cẩn thận kẻo ngã, thiên thần của bố!- Ông Khương đang vần những tảng đá xếp bao quanh ngôi nhà, ngước lên nhìn con gái, cười rạng rỡ và nói.
Bé Hương ùa tới phía đông ngọn Vạc, hai tay chắp sau lưng, đứng lặng, chăm chú hương về phía con tàu. Mặt trời đang lên. Đằng đông, bình minh ửng hồng, rực rỡ như có ngọn lửa khổng lồ đang cháy. Biển sớm lấp lánh ánh bạc… Đôi mắt bé Hương ánh niềm vui và nỗi thích thú. Tóc mềm bay bay trước gió. Trong nắng mai, dáng bé in trên nền thẫm biếc của biển gợi sự thanh bình, tươi mát…
Có tiếng còi tàu mờ mỏng vọng lại. Bé Hương khoái chí cười rồi đưa bàn tay bé xíu lên vẫy. Một lúc, cô bé quay lại, nói to:
– Bố ơi, con tàu gọi bố con mình.
Ông Khương ngừng việc, khuôn mặt thoả mãn của người hạnh phúc, hướng về phía con gái:
– Họ chào con đấy, con gái ạ!
– Sao nó chạy chậm thế?
– Không một ai muốn xa con…
Bé Hương lại hồn nhiên hướng ra xa. Mặt trời chiếu nắng xuống khiến biển chuyển sang màu nõn chuối, biêng biếc như ngọc. Và sóng hớn hở nô đùa nối nhau lắc thắc chạy vào bờ. Trên bầu trời, những con chim dàn hàng theo hình chữ V, in đậm trong màn xanh, vỗ cánh ra khơi. Trời ngăn ngắt. Biển ngăn ngắt. Một bức tranh thuỷ mạc thanh bình…
Bé Hương ào tới chỗ ông Khương:
– Bố ơi, lớn lên con cũng làm người đốt đèn biển như bố!
Ông Khương cảm động ôm con gái vào lòng.
– Con là ánh sáng của đại dương…
… Cuối chiều. Biển chuyển sang màu chì. Mặt trời khuất dần về phía tây. Bầu trời từ xanh lam chuyển thành phơn phớt tím. Rồi bóng tối ùa tới, lan toả, bao lấy ngọn Vạc. Thấp thoáng đã thấy những cánh chim hối hả bay về hướng đất liền…
Ông Khương đi trước. Bé Hương bám phía sau. Hai người như hai cái bóng trong chập choạng tối, lần cầu thang bước lên. Tới nơi cao nhất ngọn Vạc hai bố con dừng lại. Ông Khương làm động tác thắp đèn. Một quầng sáng bừng lên, lan toả, chiếu xuống biển. Hương reo to:
– Giỏi quá! Hoan hô bố!… Ngọn đèn gọi là Hải Đăng hả bố.
Ông Khương quay lại, thơm vào má con gái:
– Con mới là Hải Đăng của bố, của biển…
Hai người đứng bên nhau, nhìn xuống biển rồi lần cầu thang, đi xuống. Trời tối dần. Hương cầm tay ông Khương:
– Bố ơi, con muốn xem tàu đi trên biển trong đêm.
– Con gái của bố yêu nghề đốt đèn biển thật rồi!…
Hai bố con bước tới phía đông ngọn Vạc, và cùng hướng xuống . Một con tàu, mà sự nhận biết nhờ những ngọn đèn đã bật trên boong, chuyển động về phía đất liền.
– Giống như những ngôi sao đang bơi nơi mặt nước bố ạ. – Hương reo lên- Đẹp quá!
– Con cũng là một ngôi sao… – Ông Khương cúi xuống nhìn con gái.
– Con không phát sáng.
– Con sáng hơn mọi tinh tù trên đời này…
– Hôm nay có nhiều tàu vào cảng bố ạ…
Đêm về, ngọn Vạc yên tĩnh. Bóng tối như thể từ biển đổ ra, lan toả trùm lên ngọn núi độc nhất nhô cao giữa mênh mông. Chỉ có tiếng gió rất mỏng đập nhẹ vào tấm liếp làm cánh cửa và tiếng nước mài vào các khối đá dưới chân núi. Tiếng gió xạc xào và tiếng sóng rời rạc càng làm cho ngọn Vạc thêm cô đơn, hiu quạnh…
Trong ngôi nhà người gác đèn biển, ông Khương để con gái gối đầu lên cánh tay. Cô bé im thít như hòn đá cuội, mở to mắt, tò mò và chăm chú nghe bố kể chuyện. Chỉ một câu chuyện ấy nhưng đêm nào bé cũng háo hức chờ…
Giọng ông Khương đều đều. Ông kẻ rằng, ngày xửa ngày xưa, cách đã lâu lắm, có bọn giặc từ rất xa, tận tít ngoài khơi, một ngày nọ cưỡi sóng xô vào bờ. Chúng cướp thuyền, cướp cá, đốt phá làng bản, giật đổ mái nhà, chém đứt cây cối, xéo nát ruộng nương… Cứ vậy, ngày nọ nôi ngày kia, dân làng không có ngô sắn để ăn, chẳng còn cá tôm để nướng. Trẻ con khóc vì đói sữa, người già chết vì vắng cơm. Không hạt muối làm săn bắp tay người con trai, làm hồng làn da người con gái. Làng xóm tan hoang, người người khiếp sợ. “Ai đi dẹp giặc cưu đất cứu người?”- Tiếng già làng thôi thúc. Nhiều chàng trai hăm hở lên đường. Hồi ấy có đôi trai gái rất mực yêu nhau. Người con trai nhanh nhẹn khoẻ mạnh, băp tay cuồn cuộn. Người con gái xinh tươi như bông hoa rừng, đôi mắt như hai giọt nước suối, bàn tay hay làm, khéo như người chợ kim hoàn, cái miệng nói ngọt hơn con chim hót. Ngày cưới của họ định vào mùa rẫy tới. Nhưng chàng trai xin được đi dẹp giặc. Đêm đêm dân làng chống chọi với sóng giữ, vun cát thành một trảng lớn gần mép nước… Chàng trai nhổ cây tre làm vũ khí, rồi hăm hở đi về phía biển. Cô gái lặng lẽ quàng vào cổ người yêu chuỗi hạt cườm kết bằng vỏ ốc, vỏ sò…. Hai người bịn rịn chia tay. Chàng trai tới mép nước. Một cảnh tưởng rực rỡ làm dân làng bàng hoàng: Chàng trai đóng mạnh cây tre xuống cát, lập tức trời sáng bừng lên, đất rùng rùng chuyển động. Và trảng cát từ từ tách ra khỏi bờ, trôi dần ra biển… Chàng trai ngực đỏ au, đứng lên đó. Trông chàng trai lúc ấy sáng loà như một tia nắng…
– Giống như bố vẫn đứng trên thuyền, bố nhỉ… – Bé Hương đệm vào, giọng đã ngái ngủ:
– Bố kể tiếp nhé…. Cây tre vung ra phía trước. Trảng cát vàng rực trôi tới đâu, gió ngừng thổi, sóng đứng im và biển yên ả tới đó… Con còn nghe không?- Thây con gái nằm im, ông Khương hỏi.
– Có!- Giọng bé Hương rất mảnh.
– Dẹp xong giặc, chàng trai rải những vỏ ốc, vỏ sò quanh mình rồi hoá thân làm những con chim biển… Trảng cát đó là … ngọn Vạc này…
Bé Hương xoay người:
– Trảng cát là ngọn Vạc, chàng trai hoá thành đàn chim, còn cô gái?
– Cô gái hả?… Bố nghĩ cô gái… Có lẽ…
– Cô gái hoá thành ngọn gió, hàng ngày vẫn thổi lên ngọn Vạc… Gió nâng cánh để chim bay cao hơn…
– Đúng rồi… Cô gái là ngọn gió… Con gái bố giỏi quá!
Hương đã không còn nghe lời khen của bố. Mắt díp lại, phát ra hơi thở đều đều. Biết Hương đã ngủ, ông đỡ con gái khỏi cánh tay, xoay người để bé được thoải mái. Cái miệng xinh xinh vẫn như đang chúm chím cười. Và khuôn mặt bé lúc ngủ có cái gì đấy toả ra nét bình yên, tin cậy… Ông Khương ngồi bên mép giường, say sưa ngắm con gái. Ông vẫn có thói quen như thế. Những phút ấy thấy lòng mình thanh thản, xao xuyến, vời vợi hạnh phúc… Và cuối cùng, sau khi thơm lên má cô bé, ông thong thả bước ra ngoài. Ông lại tới bên sườn phía đông ngọn Vạc, nhìn ra. Biển đen sẫm, chòng chành. Nơi đó, có những đốm sáng nối nhau trôi qua. Và bầu trời chi chít sao…
Ngọn đèn nơi cao nhất ngọn Vạc vẫn đều đặn theo chu kỳ chớp loé, chiếu sáng ra biển. Vẫn đơn điệu âm thanh của gió, của sóng. Đêm lặng lẽ trôi…
Bản tính ông Khương không thích nhàn rỗi. Ngày nào cũng cố bới việc để làm. Sáng sáng, ông vần những tảng đá lớn về bao quanh ngôi nhà nhỏ. Ông sợ con gái đêm đêm trần ra trước gió lạnh. Hoặc chèn lại tấm cửa mà gió biển thường làm cho xộc xêch, rã rượi. Hoặc chuẩn bị lưới để nếu trời không động, hai bố con xuống biển tìm cá. Hoặc đi săn cua trong các hốc đá. Hương lớn lên nhờ biển. Gió mặn cho bé làn da nâu mịn. Còn tôm cua cá khiến bé bẽo mũm. Ông Khương vẫn gọi vui con gái mình là chim cun cút.
– Cun cút có biết bơi không, bố?
– Cái gì con người cũng có thể làm được con gái ạ. Cun cút thích bơi, sẽ biết bơi.
– Con thích lắm. Con muốn bơi giỏi như cá.
Trong thâm tâm, ông Khương cũng muốn con gái bơi lặn. Sống với biển phải hoà vào biển. Ông muốn Hương không xa lạ và không ngợp trước biển.
Buổi sáng khi mặt trời nhú lên khỏi khối nước ngăn ngắt khổng lồ và sương đêm chưa tan hẳn, ông thường dẫn Hương lần xuống mép biển. Bé lũn cũn sấp ngửa theo bố toài xuống dốc bằng sự phấn kích ngây thơ… Sáng sớm sóng rất nhẹ và nước rất trong. Bé Hương khoái được bố cho vẫy vùng trong làn nước ấy.
Những ngày đầu ông Khương thường dang hai cánh tay để toàn bộ cơ thể con gái nằm trên đó, sau đấy thả nhẹ. Bé Hương chúi đầu, vung tay và vung chân. Khi cô bé chìm nổi vào được bờ, vuốt nước trên mặt, hí hóp thở và khoái chí nhảy chân sáo, la to: ” Bố ơi, con bơi đưọc rồi! Con bơi được rồi!”, ông Khương không khỏi xúc động :” Con người vốn sinh ra từ biển, con gái ạ”. Nhìn con gái cười, ông cũng cười. Tiếng cười trong trẻo của một bé gái và một người đàn ông nơi ngọn núi trôi giữa bao la nước vọng vào vách núi, lan toả trên biển, chới với theo những con sóng… Những ngày kế đó, ông thường đứng ngâm mình dưới nước, cách bờ khá xa hướng về phía con gái có ý khuyến khích:
– Nào, cá kình, ra đây với bố!
Hương thả mình. Hai tay vung mạnh, cố rướn về phía trước. Và khí bám được vào cánh tay bố, bé sung sướng như vừa lập được một chiến công.
Cô bé ngày mỗi bơi xa hơn. Ông Khương vui lắm. Ông nheo mắt nhìn con gái:
– Con thực sự là người của biển rồi.
– Lớn lên con bơi về đất liền mang gạo và nước ngọt ra cho bố…
– Không! Con sẽ vươn xa hơn thế… Sẽ có một Hoàng tử con vua thuỷ tề đến đón con về Thuỷ cung.
– Hoảng tử hả bố?… Con không thích Hoàng tử. Con chỉ muốn ở với bố…
Ông Khương nhìn con gái, không đáp.
Những năm đầu, mỗi lần ở biển về, ông thường cõng con gái trên lưng. Ông bấm chân trên từng bậc đá, lên dốc. Bé Hương khoái chí choàng tay ôm chặt cổ bố, đầu ngoẹo sang một bên…
– Thuỷ cung và Bồng lai, ở đâu thích hơn hả bố?
– Với bố, ngọn Vạc là chốn bố thích nhất. Đó là Bồng lại của bố…
– Con cũng thích Bồng lai…
Ông Khương xốc bé trên lưng:
– Con gái đã nặng như một hòn đá.
– Con ăn nhiều, con lớn rồi…
– Vậy mà mỗi lần xuống núi, vẫn bắt bố cõng.
– Con mệt!…- Bé nũng nịu.
– Mấy năm nữa bố yếu, làm sao?
– Lúc đó con cõng bố… Bố thả con xuống nhé. Con muốn làm người lớn.
Ông Khương ngồi xuống, bé Hương rời lưng bố:
– Đố bố đuổi được con…- Nói rồi, bé Hương lúi cúi chạy lên …
– Cẩn thận kẻo ngã, con gái.
Ông Khương ngước nhìn và cười. Bóng Hương nhấp nhô nơi sườn đồi Vạc. Và ông chợt nhận ra con gái mình đã lớn lắm… Niềm vui giãn căng khuôn mặt người đốt đèn biển.
Ông nuôi con bằng những gì biển có. Cô bé đã quen lối ẩm thực của ông. Khoái các nón nướng. “Ngon, lại không tốn nước, bố nhỉ”- Mỗi lần lôi con tôm, con cá từ bếp than lên, Hương lại nói như vậy. Khi tàu ra, biết trong số đồ đất liền chuyển đến có thêm cút rượu, Hương lần khắp ngọn Vạc, vơ về đống củi. Chờ mặt trời trốn vào đất liền, hai bố con nhóm lửa để nướng những tôm, những cua tóm được trong ngày. Và hai người, kẻ cốc nước lã đun sôi, kẻ bát rượu vơi cùng nâng ly khề khà dưới ánh trăng như đôi bạn tâm giao…
Hình ảnh những ngày sống vô tư, vui vẻ và hạnh phúc bên con gái hiện về khiến già Khương tư lự. Ông rõ rằng những gì đã qua là vĩnh viễn, không bao giờ quay lại, song trong đôi mắt đã chẳng mấy tinh nhanh vẫn có cái gì biểu hiện sự chơ vơ tiếc nuối.
Kỷ niệm những ngày qua như suối lũ, đan cài, hối thúc gọi nhau về… Được nói ra, được kể ra lúc này với Già Khương cũng là một nhu cầu…
Già kể tiếp:
– Mùa khô, tàu ra chậm, nên ta và con gái ta phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Ta chèo xuồng tới chỗ đám vạn chài vẫn tụ thuyền cách ngọn Vạc khá xa, cầu cứu. Nhưng họ cũng thiếu… Khẩu phần nước ngọt giảm dần. Mỗi ngày bố con ta chỉ cho phép dùng mỗi người một gáo. Vào kỳ ấy chỉ mong có trận mưa… Ta nhớ có một chiều, khi bóng tối đã tràn về, ngọn Vạc chợt lặng phắc, chẳng một gợn gió. Không khí keo lại, đặc sánh. Bầu trời sà thấp, đen đúa và tróc lở, nhìn lên loang lổ tựa tấm da báo mới lột được căng một cách cẩu thả. Mây từng mảng xếp chồng lên nhau nặng nề như những tảng đá khối, chỉ chực rơi. Sấm chớp đì đùng. Bố con ta mừng lắm… Hương lăng xăng chuyển thùng sắt tây, lại mang các loại chậu, chai lọ ra sân. Hai bố con ngẩng lên bầu trời, thấp thỏm chờ đợi…
“Con mang cây cải nhà mình ra để nó cũng được tắm nước mưa bố nhé”- Con gái hỏi. Ta gàn:
“Ngày ngày nó ăn sương là đủ rồi con ạ”.
Chẳng rõ học được từ đâu, có thể là bằng vào sự tưởng tượng trong những câu chuyện đêm đêm ta thường kể, giống như một pháp sư, Hương cầm thanh củi, vừa gõ vào thùng sắt tây, vừa đi vòng quanh bãi đất trống và hô:
” Mưa đi, ông trời! Mưa đi… Mưa đi “
Ta không khỏi bật cười:
” Con là con cóc à?”.
“Con làm cậu ông trời… Mưa đi! Mưa đi!”…
Vậy mà hôm ấy, chờ mãi, chờ mãi, tận khuya mây vẫn không chịu vắt thành nước rơi xuống. Con gái ta mệt quá, cuối cùng đành oặt vẹo bên tảng đá, rồi ngẹo đầu ngủ ngon lành. Bàn tay vẫn cầm chặt thanh củi khô và chiếc thùng sắt tây .
Sống nới ngọn Vạc, sợ nhất là những ngày thiếu nước. Ta đã có những mùa khô mải mê đuổi theo con thú lạ, lạc rừng khát rát họng. Nhưng rừng nhiều ưu ái. Không gặp suối, chặt cây mai cây vầu dốc ngược vào miệng là đỡ. Còn giữa biển mênh mông này… ! Là kẻ từng đi biển, chắc con trai rõ hơn ta sự đó… Biển thì bao la tràn trề mà lu nước của bố con ta cứ vơi dần. Vào kỳ ấy, việc đầu tiên khi thức dậy là con gái ta vội vã cúi xuống lu đựng nước ngọt vẫn để cạnh chái nhà, nhòm vào. Và khi rõ rằng nước trong lu vẫn còn, dẫu cạn lắm, mới yên tâm vục chiếc gáo bằng vỏ dừa, đong ra một gáo, cho vào chiếc xoong nhôm. Rồi lấy hơi, thổi thật mạnh cho những giọt nước vãi ra còn bám vào thành rơi xuống lòng lu. Cẩn thận đậy nắp lại…
Để tiết kiệm, mỗi lần nấu cơm, Hương bớt đi ít nước ngọt và pha thêm chút nước biển. Pha không quá nhiều nước mặn, cơm vẫn chín… Một hôm cầm bát cơm lên, ta nhận ra còn nguyên hạt gạo.
“Cơm sống quá phải không ạ?- Hương áy náy nhìn ta và hỏi, rồi giải thích: Con để nồi cơm sôi lâu hơn mọi ngày…”.
“Nhiều nước mặn, cơm không chín đâu, con gái ạ…”.
“Nhưng…”.
“Bố hiểu… Con không có lỗi… Vài bữa nữa tàu không ra, bố sẽ lại chèo thuyền tới chỗ đám vạn chài” .
“Họ cũng khan … Con rang lại cơm để bố ăn nhé…”
Ta già rồi, đành nhẽ, nhưng nhìn con gái đang tuổi ăn tuổi lớn gắng trệu trạo nhai miếng cơm vừa sống vừa khô, thương quá!
Những ngày ấy gió thốc mạnh. Biển gầm gào suốt đêm. Sóng gồ lên, chằn xuống. Bầu trời xám xịt, trĩu nặng nhưng vẫn không chịu mưa. Quanh năm tắm nước biển, người lúc nào cũng nhớp nháp. Ta chịu được nhưng nhìn con gái bứt rứt, ta ái ngại lắm…
… Khí hậu nơi ngọn Vạc tựa như người đàn bà nhỡ thì không chồng không con, khó tính, thất thương và đỏng đảnh. Nhiều tháng liền mây xám xịt che phủ một vùng, không mưa, nhưng khi đã mưa thì triền miên, nước như thể từ mọi nơi dồn về trút xuống ngọn Vạc, ngày nọ nối ngày kia, không dứt. Mưa thối đất mòn đá… Con trai đã có gan, chí sống ở đây phải lượng mà quen dần với điều ấy… Không dễ dàng chút nào, phải, không dễ chút nào…
Ta lại kẻ tiếp. Một bận trong những ngày mưa dẳng dai ấy, bão về. Nước biển dâng cao, sóng chồm lên đập vào chân ngọn Vạc như thể muốn nhấn chìm trái núi nhỏ nhoi xuống đại dương. Tiếng sóng đánh vào bờ vọng lên ầm oàm như thể tiếng súng đại bác. Trời âm u. Mưa như trút. Ngọn Vạc chỉ có gió và nước…
Đứng nơi cửa ngôi nhà nhìn lên ta nhận ra cây đèn biển đang lắc lư oằn oại. Cây đèn được lập ra từ thời ông Bảo Đại chưa làm vua, nghĩa là ngót nghét nửa trăm năm. Chống chọi với ngần ấy thời gian, nó cũng già và yếu rồi. Để cây đèn đổ xuống, bố con ta ở đây còn có nghĩa gì! Rồi khi mưa tạnh, nước lặng, những người đi biển lấy gì làm cữ để đêm đêm ra khơi vào luồng? Chưa từng gặp họ nhưng ta tự coi mình là ruột thịt, là bầu bạn của những người ấy. Ta và họ cùng sống trên biển, sống nhờ biển, và cùng gắn bó với biển. Và cũng là ân nhân của nhau… Làm người đốt đèn để cây đèn đêm đêm không sáng là không xứng với niềm tin của đồng loại… Như vậy đâu còn lương thiện. Sống nơi cõi này ta sợ nhất sự không lương thiện. Sự không lương thiện là tác nhân làm cho cuộc đời èo ọt tàn úa tăm tối. Con ngươi vẫn sống, vẫn tồn tại bởi sự lương thiện chưa bị héo lụi… Nghĩ vậy, ta những muốn lên đỉnh Vạc xem cây đèn sự thể thế nào. Đã từ lâu ta gắn bó và yêu cây đèn như gắn bó và yêu con gái ta vậy. Ta chẳng đã nói, cây đèn nơi ngọn Vạc này cũng có linh hồn. Có thể con chưa thấm hết điều ta nghĩ, nhưng thời gian sẽ dạy con, chàng trai ạ… Thời gian tiêu mòn thân xác con người nhưng thời gian là thày để con người ngộ ra nhiều điều…
“Bố ơi, đừng …”- Hình như nhận ra ý định của ta, bé Hương ngước đôi mắt tròn xoe, sáng như hai ngọn đèn lên nhìn và cầm bàn tay ta giật mạnh, lo lắng gàn.
“Bão có thể nuốt chửng cây đèn, con gái rõ không?”
” Hết mưa lên sửa … Con sợ … “
“Bố e sẽ muộn… Bão tan tàu cần vào cảng nhiều hơn… Con gái đừng lo”.
“Gió to lắm…”
“Bố không muốn phải ân hận…”
” Vậy con lên với bố!”
Ta quay lại. Nhìn đôi mắt ánh lên trong đêm của cô bé, ta rõ rằng khó lòng cản được con gái.
Đêm ấy hai bố con liêu xiêu, ướt sũng, cố chằng níu để cây đèn có thể chống chọi được với mưa gió. Không có con gái giúp, quả công việc rất khó khăn. Khi lần cầu thang bước xuống, không may trượt chân, ta ngã xoài. Bé Hương vội lao tơi dìu vào nhà.
Trời vẫn mưa tầm tã và gió giật mạnh từng cơn, từng cơn.
“Bố ơi, bố đừng chết nhé!”- Thấy ta nhăn nhó đau đớn, bé Hương hoảng sợ nhìn, mếu máo.
Nhớ hồi mới ra ngọn Vạc, bé Hương vẫn bảo rằng bé khoái sống ở hòn núi này. Ta hỏi vì sao, con gái ta thật thà phô rằng vì bố có định bỏ rơi con cũng không thể trốn, từ nay con mãi mãi được ở bên bố. Trời ơi, thì ra những ngày lang thang tìm cha trước đây và nỗi lo sợ có thể lại một mình chơ vơ nơi cõi này vẫn nơm nớp, vẫn chưa thôi ám ảnh con gái ta. Tội nghiệp! Ta ân hận khi nghĩ tới cái đêm nơi chợ quê mùa đông năm đói ấy đã có ý định trốn ra ngọn Vạc một mình…
“Làm sao bố có thể bỏ con gái côi cút trên đời này được!” – Ta xiết chặt thân hình bé bỏng của bé Hương vào lòng, an ủi – Con gái đừng sợ…”
“Mẹ cũng nói với con như vậy… Nhưng mẹ vẫn đi…”
“Bố là người trời… Không thể chết. Bố phải sống còn là vì con…”
Ta nói vậy mà nước mắt ứa ra.
Cú trượt chân chỉ làm ta xây xước nhẹ, nhưng sau hôm dầm mình trong nước ấy, con gái ta sốt li bì. Nó cảm lạnh. Thời còn nhỏ, mỗi lần cảm cúm, ta vùng dậy tuông ra vườn. Không lâu sau đã ôm về nắm lá. Xông một lần, rồi ăn bát cháo có hành, có lá tía tô thật nóng, người tứa mồ hôi là khỏi. Bố mẹ ta không có thời gian bảo ban ta, đời mồ côi dạy ta điều ấy. Nhưng ngọn Vạc trọc lóc như đầu sư cụ lấy đâu ra thứ lá đó. Ta đành dùng bàn tay, miết mạnh lên lưng con bé. Uớc gì ta có công lực như các thiền sư đạo cốt trên núi…
Sáng hôm sau ta lần xuống biển và vồ được con cá bằng bàn tay, mang về nấu cháo. Cháo cá không gia vị, con gái ta đang yếu, nuốt không trôi.
” Cố con ạ, ăn nhiều mới khoẻ- Ta đưa thìa cháo lên miệng Hương và động viên
“Tanh lắm… Bố cho con nghỉ đã nhé “.
Nhìn con bé thở khò khè, hai môi khô nẻ, ta không đành lòng, nhưng cũng bất lực. Một lúc, cúi xuống sát cô bé ta nói:
“Mai bố thịt cây cải làm canh cho con ăn…”
Hương chợt mở mắt, ánh nhìn hoảng sợ tựa như ánh nhìn lúc ngỡ ta sắp chết, rồi cầm bàn tay ta, vùng vằng:
“Bố ơi, ngọn Vạc chỉ có một cây cải để nhìn cho đỡ nhớ rau, sao nỡ giết nó… Con muốn cải nở hoa màu vàng… Ngọn Vạc phải thật nhiều hoa vàng…
Ta kìm tiếng thở dài, im lặng, rồi hướng đôi mắt mệt mỏi về phía cây cải, trồng trong thùng sắt tây, để nơi góc nhà. Cách đấy mấy tháng, hôm tàu ra tiếp tế, chẳng rõ bằng cách nào bé Hương kiếm được cây cải bé xíu, mới ba lá, hí hới mang về. Hai bố con liền bổ khắp ngọn Vạc. Quá trưa thì có dư nửa thùng sắt tây đất mùn. Cải ta được trồng trong đó. Hiếm, nên cu cậu được con gái ta yêu chiều rất mực. Tiêu chuẩn nước ngọt chẳng kém ta và bé Hương… Buổi tối im gió, bé Hương khệ nệ bê cải ra sân ăn sương. Ban ngày, lại gập người bê vào. Để gió mặn táp, sẽ héo quắt. Cưng thế nhưng cải õng ẹo lớn rất chậm… Dẫu vậy, lâu nay cây cải đã là một thành viên trong ngôi nhà. Lúc này nó im thít, như thể đang hồi hộp, lo lắng theo dõi câu chuyện của bố con ta.
”Mai ta thịt đằng ấy để con gái ta ăn cho chóng khoẻ, thông cảm nhé”- Ta nói rất nhỏ, tựa lời xin lỗi.
“Bố hứa đi, bố không được giết cây cải, để cho nó sống !- Bé Hương phụng phịu giật giật tay ta- Bố thịt nó, con không chơi với bố nữa. Cải sắp trổ hoa vàng rồi…
Già Khương chiêu tiếp một ngụm rượu, thong thả nhả từng lời:
– Tội nghiệp, con gái ta rất thích những loài hoa có màu vàng!
( Còn nữa)
Đ.K