Biển trổ hoa vàng – Tiểu thuyết của Đình Kính (Kì 5)

Biển trổ hoa vàng ( phần 5)

Những ngồng cải vóng cao nở hoa vàng, nhìn từ xa, rực rỡ như tấm thảm rải rác trải bên sông… Mỗi khi gió thổi, những vạt hoa vàng dạt xuống, đu đưa như sóng biển… Mắt Huệ một chiều đông cháy rực như màu hoa: “anh ơi, lâu mấy em cũng chờ…

 

Biển trổhoa vàng Những ngồng cải vóng cao nở hoa vàng, nhìn từ xa, rực rỡ như tấm thảm rải rác trải bên sông… Mỗi khi gió thổi, những vạt hoa vàng dạt xuống, đu đưa như sóng biển… Mắt Huệ một chiều đông cháy rực như màu hoa: “anh ơi, lâu mấy em cũng chờ… Ngoài biển gió lớn, anh nhớ giữ ấm cổ”. Chiếc cúc áo trên ngực được bàn tay cô gái trồng cải cài lại… Ánh nhìn ấy ám ảnh Chiêm suốt những ngày tháng lềnh phềnh trên biển. Hễ nhắm mắt, tia nhìn của người con gái đất bãi  lại hiện về, da diết, nấu nung, thiêu đốt… Trời rất xanh và biển cũng rất xanh nhưng với Chiêm, biển chỉ có một màu duy nhất, màu vàng… Trong ngọn lửa đêm nay trên ngọn Vạc, chẳng rõ sao lại chập chờn đôi mắt ấy, màu vàng ấy… Già Khương nói đúng, còn trốn tình yêu nghĩa là vẫn còn yêu…

– Hai hôm sau mưa ngớt. Bão cũng tan. Một đêm, Bé Hương choàng tỉnh, ú ớ kêu:

“Cướp! Bố ơi, cướp…”

Ta vội đỡ bé ngồi dậy:

“Tỉnh lại, con gái, bố đây…”

Mồ hôi rịn trên trán, bé Hương hốt hoảng:

” Bố ơi, con sợ… Con thấy có nhiều kẻ lạ, đầu người mình cá tràn lên ngọn Vạc”

Ta sờ tay lên trán bé Hương:

” Con lại sốt cao rồi…”

Con gái ta gắng rướn dậy, ngoái cổ nhìn ra:

” Hải Đăng vẫn sáng hả bố?”

” Vẫn đang chớp đều… Con ngủ đi. Ngủ được nhiều, con chóng khoẻ hơn!

Hương thả mình nằm xuống:

” Con thấy bọn  họ móc dây xích vào ngọn Vạc, kéo đi…

” Ai?”

” Bọn đầu người mình cá…”

” Không kẻ nào có thể cướp được ngọn Vạc của hai bố con mình cả, con gái ạ…”

” Bồng lai, bố nhỉ?

” Ừ, Bồng lai của bố con ta”.

Bé Hương im lặng. Một lát, xoay qua, giọng mệt nhọc:

” Bố đừng nấu canh cây cải, bố nhé… Để cho nó sống. Cây cải hẹn với con sẽ ra hoa vàng vào mùa đông này và đẻ thật nhiều cải con…”

“Bố hứa!- Ta cảm động, thơm lên má con gái và đáp…- Nhưng con cũng phải hứa với bố rằng gắng chóng khoẻ đấy nhé”

” Con  hứa…!”

… Chiêm chăm chú nghe nuốt từng lời già Khương kể. Chuyện của già  vừa gây cảm giác phấn khích tò mò lại có cái gì đó đáng ngẫm ngợi… Khi già ngưng kể, sự nôn nóng bồn chồn khiến anh bứt rứt bất yên. Những định hỏi điều gì đấy, nhưng cũng rõ là lúc này không nên chen vào làm đứt mạch suy nghĩ của già… Anh lặng lẽ tiếp củi vào bếp, kiên nhẫn chờ.  Đêm đã khá khuya. Và lửa lại bùng lên, nổ tí tách. Những con chim biển giờ này chắc no mồi đang gật gù trong tổ, đã thôi bay lượn…

Ngọn đèn nơi cao nhất ngọn Vạc vẫn đều đặn theo chu kỳ chớp loé, chiếu sáng ra biển.  Vẫn đơn điệu âm thanh của gió, của sóng. Đêm lặng lẽ trôi…

– Ơn trời, con gái ta đỡ dần… Chiều chiều lại cùn cũn trèo lên cây đèn để được nhìn ra biển, nhìn những con tàu vào cảng trong đêm… Và tối đến đã có thể lẽo đẽo theo ta đi bắt cua xỉa cá…

Những đêm có trăng, ngọn Vạc thật đẹp! Làm thuỷ thủ chắc rằng con trai đã nhiều lần nhìn trăng lên trên biển? Mêng mang, vời vợi, quyến rũ, và rất gợi, đúng chưa?

Kỳ trăng là mùa những con cua biển lười nhác co ro ẩn mình dưới những hốc đá dấp dính nước nhấm nháp thức ăn và cọ càng ve vuốt nhau. Còn lũ cá thích cà vây vào những khối đá cận bờ tìm bạn tình. Những tối như vậy, ta lom khom cầm chiếc xỉa đi trước, con gái ta rụt rè men mép nước bám phía sau. Nơi bờ đá, sóng vỗ bì bốp, phát ra ánh lân tinh tựa như đám đom đóm quần tụ sinh sản. Mỗi lần ta phóng xỉa sắt lên trước, con gái ta lại chạy tới:

“Trúng rồi hả bố?”

Và khi nhìn thấy chú cá bất lực bị cắm vào mũi lao, bé Hương lội ra, cúi xuống gỡ cho vào bao vải đeo bên người. Cũng như ta, bé Hương rất khoái ăn đồ biển. Và cũng rất sành kiếm ra loại đó. Hốc đá nào những con cua ngốc nghếch thích trú ngụ, đều biết. Rành hơn cả ta. Nhưng con gái ta chưa bao giờ phí phạm. Những con cua mới lớn không hề đụng tới. Bảo rằng để dành…

Ta kể để con trai nghe chuyện này. Hôm đó ngọn Vạc mờ ảo trong ánh sáng bàng bác của trăng đầu tháng. Bé Hương lăng xăng đi trước. Nhìn bóng con gái  nhỏ bé mỏng mảnh như một chiếc lá chấp chới trong đêm giữa mung lung trời nước khiến ta bất chợt nhớ tới câu chuyên thần thoại đã được nghe đâu đó về một nàng công chúa bị đầy ra sống trên hòn đảo hoang. Chuyện rằng ngày xưa ở Vương quốc nọ có nàng công chúa rất mực xinh đẹp. Nhưng không may, mẹ mất sớm. Vua cha lấy dì kế. Bà này là một phù thuỷ. Mụ tham lam ích kỷ muốn độc chiếm ngai vàng, lại ghen tức vì công chúa ngày mỗi xinh đẹp, nên tìm cách làm hại. Giẻo lẻo nhân từ, mụ làm bộ thân tình và tốt bụng tặng công chúa quả táo đầu mùa hái trong vườn riêng. Quả táo đã bị phù phép. Vừa đưa lên miệng, con gái đức vua lập tức trở nên xấu xí, gớm giếc… Mụ dì ghẻ cũng thả vào quả táo lời nguyền rằng nếu có chàng trai nào thật lòng yêu công chúa, nàng sẽ được trở lại xinh đẹp như xưa. Nguyền vậy nghĩa là mụ rất tự tin diễu cợt vì quá rõ đàn ông… Thấy nàng xấu xí, lại nghe lời dèm pha của vợ, ông Vua đần độn hám sắc liền đày công chúa ra một hòn đảo thật xa để ngày ngày khỏi phải thấy những dị tật trên mặt đứa con bất hạnh.

Nhằm nuôi thân, đêm đêm công chúa cũng phải lần mò xuống mép nước tìm cua săn cá. Cô đơn và sợ hãi, nàng nhớ đến mẹ, thương thân nên không mấy lúc không có nước mắt lăn quanh má…

Ta thường kể với bé Hương chuyện đó trong những đêm mưa hai bố con nằm nghe nước ti tách nhỏ ngoài hiên. Đến khúc nói về nỗi khổ công chúa gánh chịu, trơ trọi đơn côi sống nơi hoang vắng, thường thấy bé nằm lặng, sụt sịt khóc nên ít khi ta nhắc lại…

… Con gái ta khoái nhìn những chú cua kềnh càng nằm xẹp gián lẫn mình trong hốc đá, ương ngạnh dương càng lên tự vệ. Coi như một thú vui. Đêm ấy cũng vậy, gặp tảng đá nào Hương cũng lật xem…

“Bố ơi, có con cua đang lột vỏ. Lưng nó rất  mềm” – Trong bóng tối lờ nhờ, tiếng con gái ta nhoà lẫn vào sóng vọng xuống.

Một lúc sau lại:

” Bố ơi, Bố ơi… Có con rùa to lắm… Con sợ “

“Con đừng sợ… Vích đấy… Nó rất hiền “.

Khi ta bước tới, phía trước một bóng đen to sù như cái thúng đựng thóc đang vội vội quạt hai chân sau vào bãi cát.

” Vích đang tìm bãi đẻ”- Ta nói.

Vích đẻ trên bờ hả bố? Đừng giết. Để nó sinh con, bố nhé”.

Vích là giống quý hiểm của biển…”

” Bố con mình giúp nó được không? “

” Nhân hậu hoàn thiện con người, con gái ạ.

Hương vục hai tay xuống cát, đào rất nhanh, chẳng mấy lúc vích cái đã có một chỗ lót ổ. Những quả trứng trắng tròn như trứng gà lần lượt rơi vào đấy.

Ít lâu sau trứng Vích nở. Những ngày ấy bé Hương thật bận rộn, sáng tinh mơ đã vội dậy, một mình xuống biển ngồi chồm hỗm trên cát ngắm ngó đàn Vích con lũn cũn lổm nhổm đua nhau trườn xuống nước. Và canh chừng kẻ thù của chúng… Loài Vích sinh sản nhiều, mỗi lần trở dạ, Vích cái có thể đẻ gần trăm trứng, nhưng tồn tại chẳng bao nhiêu. Những chú Vích con non nớt ngây thơ và bé nhỏ tựa quả cau khi rúc cát chui lên là mồi ngon của loài chim mỏ quặp vẫn rình phục nơi những hốc đá trên lưng chừng ngọn Vạc. Chúng tinh quái, biết rất rõ mùa các chú vích con lần lượt chui ra khỏi trứng đạp nhau nhao xuống nước. Bé Hương trở thành vật cản của những con chim tham ăn và là ân nhân của đám vích.

Một hôm, đã quá trưa không thấy con gái về, ta lo lắng tuông tìm. Khi tới mép biển thì thất thần nhận ra cô bé đang dập dờ dưới nước, mái tóc xoã rũ bập bềnh trên sóng. Ta hốt hoảng nhào xuống. Nhưng đã kịp nhận ra cô bé đang nằm trên lưng con vích cái. Và vích đang cố khoả nước hối hả bơi vào bờ.

“Vích cứu con hả bố?”- Khi tỉnh lại, con gái ta hỏi.

Ta mắng át:

“Con đừng dại dột như vậy nữa. Lần sau không nên xuống biển một mình”

“Vích cũng hiểu tiếng người bố ạ”

“Không vậy biển đã nuốt mất con!”

Những ngày trăng nối đó con gái ta thường lần xuống biển ngóng đợi bạn  nó. Và khi con vích cái ục ịch nặng nề lặc lè tha mình lên bãi, bé Hương sán tới, rồi ngồi cạnh, vuốt ve, chuyện trò rất tâm hợp…

“Đằng ấy có mẹ không?… Không hả, vậy giống tớ. Nhưng tớ có bố. Bố  thương và chiều tớ lắm. Lại chuyện gì cũng biết. Ông là người trời mà… Còn bố đằng ấy làm gì? Lính gác thuỷ cung à! Bố tớ oai hơn nhiều. Cây đèn đêm đêm vẫn phát sáng là của bố tớ đấy… Ông làm người dẫn đường cho tàu ra vào cảng. Sống dưới nước đằng ấy có nhìn rõ cây đèn lập loè hằng đêm?… Đèn tắt, tàu đâm vào đá ngầm là vỡ tan. Bố tớ bảo thế…”

Hôm khác:

” Đằng ấy ở gần thuỷ cung, có gặp Hoàng tử con vua thuỷ tề bao giờ không? Bố tớ nói Hoang tử là người tử tế, đẹp trai, nhân từ và cũng rất thương người… “

Từ đó bé Hương rất khoái những kỳ trăng để tối tối lại ra mép nước chuyện trò cùng vích.

“Đằng ấy rõ cái nết đánh chết cái đẹp là gì không? Bố tớ dạy vậy đấy. Lại còn sống hiền thì gặp lành nữa… Tớ chẳng hiểu gì cả… “

Khi vích ngúc ngắc đầu ra hiệu có ý muốn về, Hương tiếc nuối:

” Vội thế. Nhớ con hả? Ngày xưa mẹ tớ đi đâu cũng vội vội về, kêu rằng con cái nó thúc. “

Vích trườn xuống nước, bé Hương chạy theo:

“Về nhá. Mai lại lên. Tớ còn nhiều chuyện muốn hỏi đằng ấy lắm… Nhớ đấy!…”

Thấy con gái vui vì thêm được một người bạn, ta cũng hồ hởi theo…

Vậy rồi mấy hôm kế đấy, mỗi lần ở biển về, khuôn mặt bé Hương héo xìu như lá chuối phải nắng.

“Con gái có điều gì à?- Ta hỏi.

“Vích giận con bố ạ”

” Sao thế? Cãi nhau?”

” Vích chẳng thiết gặp con nữa… Chờ mãi, gọi mãi không thấy lên..

“Không phải vậy, bạn bè tốt sao có thể giận nhau… – Ta an ủi-  Chắc Vích cái đã di cư sang vùng khác. Đến mùa sinh sản mới về. Cũng giống như các loại chim ấy, mùa đông phải bay xuống phương nam trú rét…”

“Lâu không, bố?”

” Bố không rõ. Nhưng chắc hết mùa nước”.

Một hôm có viếc đi qua đám thuyền chài đang nhàn rỗi tụ lại tránh bão, ta  ghé xuồng chào hỏi vài ba câu xã giao. Đã từ lâu ta ngại gặp người. Lão trưởng thuyền mặt đỏ tựa mặt Quan Công trên sân khấu, ứ một mồm thịt, thấy ta bèn vẫy tay, xả hơi rượu:

” Ông gác đèn, làm một ngụm cho ấm bụng đã.- Lão đưa ta ly rượu, nhồm nhoàm nói – Vừa trúng lớn, hôm rồi vớ được chú vích hơn tạ, xả ra đầy nửa thuyền thịt. Thứ này phơi khô, ngon hơn hết thảy mọi hải vị trên đời. Nhâm nhi một ly nhé. Thịt vích phơi vài nắng bổ lắm.

Ta chưng hửng, xây xẩm mặt mày như người bị cảm, lí nhí cám ơn, nói rằng có việc bận rồi vội chèo xuồng về… Chuyện ấy cho mãi những năm sau này, con gái ta vẫn không hay. Ta không muốn bé Hương lại giống ta, luôn mặc cảm với con người…

Những đêm trăng cuối năm, trời lạnh, tối tối con gái ta co ro xuống mép nước ngồi ngóng ra biển đợi bạn, nhưng đã tới mùa đẻ trứng mà chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy vích về… Nhìn khuôn mặt buồn tênh thất vọng của con gái mỗi lần ở biển lên, thương  quá!

… Cho thêm củi, con trai. Khuya, trời bắt đầu lành lạnh đấy…

Để Hương đỡ buồn, ta an ủi bằng cách kể lại câu chuyện công chúa phải sống một mình trên đảo hoang.

“Nhưng bố đừng kể đoạn mụ dì ghẻ phù phép đày công chúa ra đảo nữa nhé. Bà ấy ác. Con ghét bà ấy.”

” Vậy bố sẽ kể đoạn công chúa gặp hoàng tử… “

“Con rất thích đoạn đó… Hòn đảo công chúa sống có giống ngọn Vạc không bố?

” Bố nghĩ là giống… Bố kể tiếp nhé… Buỗn bã và thương thân, chiều chiều, công chúa ngồi trên tảng đá lớn bên mép nước và cất lời, ca lên nỗi bất hạnh của mình. Tiếng hát ai oán, thống thiết và thương cảm của nàng khiến Hoàng tử con vua Thuỷ tề động lòng. Tiếng hát của nàng khiến chàng mê mẩn say đắm. Một hôm chàng quyết định rẽ nước lên bờ để được gặp người con gái có giọng hát khiến chàng xiêu lòng. Hoàng tử không khỏi ngạc nhiên khi trước mặt mình là một cô gái dị dạng, duy có đôi mắt ánh lên điều gì đó ai oán hờn tủi. Còn công chúa, nàng chỉ dám ngẩng lên một thoáng. Nàng mặc cảm về nhan sắc. Hoàng tử thất vọng, lần về Thuỷ cung. Nhưng chiều chiều, tiếng hát da diết, tiếng hát  gợi sự sầu muộn, bi ai và oan trái cư xiết vào lòng người con trai vua thuỷ tề.  Hoàng tử chống chếnh, không sao dứt ra khỏi sự ám ảnh của tiếng hát đó. Tiếng hát khiến chàng ngẩn ngơ, khiến chàng mụ mị, bải hoải… Chàng rẽ nước lên thăm nàng nhiều hơn. Nhìn dáng ngồi nhẫn nhịn của người thiếu nữ, Hoàng tử nhận ra có cái gì đấy hấp dẫn, quyến rũ và đài các phía sau bộ mặt khó coi của nàng. Rồi  như thể là sự mách bảo của định mệnh, của lòng nhân từ, chàng bày tỏ nỗi lòng đối với nàng. Công chúa không tin có một sự thật như thế. Nàng ngồi lặng, cúi xuống cố giấu khuôn mặt sạm đen méo mó vào hai gối và khóc. Rồi tủi thân, nàng vùng chạy… Trong một buổi chiều đẹp trời, mây như bông bay là là ngọn đảo và chim  líu lô hót, tiếng sóng tiếng gió quyện vào nhau du dương như thể tiếng nhạc, Hoàng tử quyết định thổ lộ tình yêu. Chàng nói rằng nếu nàng không tin vào tình cảm chân thật đó, chàng sẽ làm biến dạng khuôn mặt mình để nàng không còn phải tự ti mặc cảm. Nàng cảm động ngước nhìn. Kỳ lạ thay, khi đôi môi Hoàng tử vừa chạm môi nàng, phía biển rực lên một màu hồng và công chúa rùng mình, trở thành một thiếu nữ nõn nà, hết sức xinh tươi, đẹp đến mê hồn. Hoàng tử sung sướng ôm nàng vào lòng và thốt lên lời cám ơn…

“Còn mụ phù thuỷ vợ kế nhà vua?-  Hương hỏi. Đôi mắt trở nên tư lự, xa xăm…”

” Người đời không mấy bận tâm tới hậu quả của những kẻ làm ác con ạ… Cái gì cũng có nhân và có quả. Ở hiền sẽ gặp điều lành là thế!… Không nên nuôi hận thù trong lòng… Bố tin rồi ngày nào đấy sẽ có một Hoàng tử đến đây đón con, con gái ạ. Phải, ta tin thế. Người như con phải được hạnh phúc.

Hương ngây thơ:

” Bố là Hoàng tử của con rồi…

Ta nhìn con gái, và im lặng… Có cái gì đấy như là nỗi sợ hãi vô cớ chập chờn ập vào, ta khẽ rùng mình…

” Bố kể tiếp đi!”

” Không lâu sau, Hoàng tử và công chúa tổ chức đám cưới. Ngày vui của họ  có các nàng tiên cá nhảy múa hát ca… “

” Vích và đàn con của nó cũng tới dự, bố nhỉ?”

” Đúng thế con gái… Đám cưới là ngày hạnh phúc nhất của những người yêu nhau mà…”

( còn nữa)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder