Người viết thơ Lục bát thì nhiều nhưng tạo được giọng điệu riêng thì không phải dễ. Chắt lọc, đằm thắm và đôn hậu là điều mà người ta nhận thấy trong thơ Lục bát Trịnh Anh Đạt:
Người viết thơ Lục bát thì nhiều nhưng tạo được giọng điệu riêng thì không phải dễ. Chắt lọc, đằm thắm và đôn hậu là điều mà người ta nhận thấy trong thơ Lục bát Trịnh Anh Đạt:
Nhà thơ Trịnh Anh Đạt
ĐANG CHÍN MÀ EM
Tặng vợ tuổi Nhâm Thìn
Này em vội vã mà chi
Chúng mình đang chín ngậy thì hồi xuân
Sao em vội sắm áo quần
Nâu sồng là vượt vui chân lên chùa?
Đời người như thực như đùa
Miếng cơm manh áo có chừa ai đâu
Ngày nào tựa đôi bồ câu
Cau chưa kịp bổ đã trầu đỏ môi
Anh vào tuyến lửa xa xôi
Thương em nẫu cả khoảng trời nhớ nhung
Vượt đèo lội suối băng rừng
Chiến tranh lan rộng chẳng dừng bước chân
Hậu phương không quản ngại ngần
Cha già mẹ yếu xoay trần đàn em
Những khi tắt lửa tối đèn
Mình em gánh vác vì quen lam làm
Giặc tan anh trở về làng
Xóm làng tấm tắc khen nàng dâu ngoan
Đợi chồng ruột héo gan mòn
Xinh như hoa hậu mà còn đâu xuân…
Bữa nay xếp lại áo quần
Chạm màu nâu cứ tần ngần mãi thôi
Mộng mơ đã lỡ mất rồi
Ta đành dan díu lại thời dậy xuân!
BÌM BỊP KÊU CHIỀU
Cả tuần mưa gió não nùng
Chiều nay tạnh ráo trời hưng hửng rồi
Bóng nâu sà xuống lưng đồi
tác lên “bíp bịp…” đứt lời thở than
Mây chì gặp nắng sẽ tan
Tình chi ai oán buồn chan chứa tình
Nhớ nhau đến rỗng không mình
Đèn em khêu bấc tìm hình bóng ai?
Tiếng chim nấc ngắn than dài
Nâu sồng khuất giữa xanh thoai thoải đồi
“Bịp” mà có bạn có đôi
Ta hư hay thực? Suốt đời lẻ nhau!
MÀU THƯƠNG NHỚ
Tặng cô TNXP gặp nơi cửa Phật
Thực tình chẳng hám “bùa” đâu
Dùng dằng nán lại vì câu người mời
Hàm răng khoé mắt ấy ơi
Nhẽ nào làm ánh sao rơi sân chùa
Em như táo rụng cuối mùa
Héo lăn lóc giữa chát chua chợ người
Ngang qua cuộc chiến lâu rồi
Ngày rằm, mồng một vẫn vời vợi trông
Bạn bè con bế cháu bồng
Trầu em vàng úa vôi nồng bạc tay
Cửa thiền cầu chút vận may
Chỉ màu thương nhớ xếp đầy nếp nhăn…
Trường Sơn khuyết một lần trăng
Vẫn còn cánh võng xanh giăng giăng chờ.
T.A. Đ
(Rút ra từ tập: Lục bát Trịnh Anh Đạt – NXB Văn học 2010)