Bạn lính- Truyện ngắn của Hoàng Thiềng

Theo thói quen tôi quàng tay như muốn kéo Hảo vào lòng, để hai đứa được phả hơi sang nhau trước lúc chia tay. Giữa vòng tay của tôi chỉ là một khoảng trống…

Theo thói quen tôi quàng tay như muốn kéo Hảo vào lòng, để hai đứa được phả hơi sang nhau trước lúc chia tay. Giữa vòng tay của tôi chỉ là một khoảng trống.

Một khoảng trống mênh mang đã đưa tôi đến với Hảo sau ngót 40 năm.

Chúng tôi xa nhau vào tầm 5 giờ 30, ngày 28 tháng 4 năm 1974 ở gần đỉnh Hòn Một, thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định để đến tận bây giờ mới được gặp lại nhau. Ngót 40 năm rồi chứ có ít gì. Vậy mà vẫn nhận ra nhau. Cũng chỉ là tình cờ thôi. Hảo nhận ra tôi trước. Hảo gọi mà như reo. Tiếng gọi như reo đến quýnh quáng:

– Thành!. Thành ơi!. Có phải Thành đấy không?. Thành!.

Tôi khựng lại khi nghe tiếng gọi, nhưng chỉ se sẽ gật đầu rồi nói lý nhí:

– Thành đây.

– Cậu già nhanh quá!. Thế mày không nhớ tao à?. Tao là Hảo, Hảo “đẹn” đây mà. Mày nhớ ra chưa hở thằng Thành “khỉ ”. Tôi nhận ra âm điệu  luyến thoắng của Hảo, và cảm thấy vai của mình hơi chao nghiêng như ngày xưa Hảo vẫn thường bày tỏ tình cảm khi gặp nhau.

– Mày bảo loại U 70 có số dư dăm tháng sao lại không già. Chỉ có mày vẫn vậy, “ đẹn” và nổ như vãi đạn. Vì nổ như vãi đạn nên đẹn, đúng không nào Hảo.

– Mày tuyền nói từ đúng trở lên. À, mà mày bảo tao vẫn vậy là có nghĩa làm sao hở Thành?.

– Mày chả già đi tẹo nào, vẫn y sì phóc như 40 năm trước. Nói theo kiểu lính, cậu là người lập nghiêm.

– Cũng là do hoàn cảnh phải không Thành. Cậu và mọi người phải lo ối việc suốt 40 năm qua, còn tao, đơn giản là tĩnh tại tích đức, tu thân.

– Cuộc sống đã khiến cho mỗi chúng ta ngày càng có khoảng trống về những điểm tương đồng. Tao với Minh, với Tú, với Quân, với Trọng vẫn luôn gặp nhau. Chúng tao rất rành rẽ gia cảnh của nhau, nên đôi khi còn được thở dài cùng nhau như một sự sẻ chia về cảnh ngộ của người này hoặc người kia.

– Đôi khi tao cũng nhìn thấy mấy thằng đó, nhưng tao gọi chả thấy đứa nào thưa cả. Những lúc như vậy tao thấy buồn quá Thành ạ!.

– Đừng trách chúng nó. Mỗi lần gặp nhau chúng tao vẫn kể về một thời xin tý tóp, chia nhau bát môn thục, giục nhau bắt con ghẻ kềnh. Có lần thằng Minh kể chuyện của mày. Chuyện ấy bọn tao chả đứa nào biết. Đúng là loại chuyện chỉ bây giờ mới kể ra được.

– Nó kể chuyện gì của tao?.

– Nghe nó kể, bọn tao vừa mừng cho mày vừa trọng nể thằng Minh là người chí nghĩa.

– Nhưng là chuyện gì?.

– Trong cảnh ngộ này tao không nhắc lại chuyện thằng Minh đã kể về mày. Nhất định tao sẽ khoe với chúng nó tao và mày đã gặp nhau như thế nào. Giờ tao kể về từng đưa cho mày nghe.

Thằng Minh với mày có kỷ niệm riêng chắc mày nhớ nó kỹ hơn. Phải thừa nhận thằng Minh là đứa lỳ. Giờ nó vẫn vậy. Bản tính không thay đổi mà. Trận đánh vào ấp Cự Tài nó giã tới 10 quả B40. Nó giã phát nào là diệt ngay mục tiêu phát đó. Cái thằng đến là thiện xạ. Chỉ có điều mới nhìn thấy một thằng lính Nguỵ mà nó đã tặng một quả B40 thì hơi phí. Đến bây giờ tai phải của nó vẫn không nghe rõ. Rời quân ngũ, nó bươn chải đủ nghề. Sau một dạo bơm xe là làm anh xế lô. Thôi đạp xích lô để trở thành anh xe ôm. Giờ là anh bán đủ loại nước uống cho đủ hạng người từ già tới trẻ nít. Ba lần được làm chồng mà vẫn không có con. Người vợ đầu sinh ra đứa trẻ đầu hình thang, mắt như ốc bươu, chân tay dặt dẹo, lật tìm khắp háng mà chẳng sao xác định được nó đệm văn hay đệm thị cho hợp. Cháu nó hít thở không khí được bảy ngày thì siêu thoát. Vợ nó bỏ đi. Hai người vợ sau này ai nấy đều ao ước có được mụn con với nó, nhưng nó đều cắn chặt răng để khước từ. Cả hai người đàn bà nọ cũng đành dứt lòng chia tay với nó. Nó không dám có con. Nó nhoè nước mắt bảo, được tiếng là cha là mẹ mà để cái ách cho đời thì không đành. Còn thằng Trọng, cái thằng có biệt danh dấm đài ấy. Lần nào đi đánh trận, nó chẳng tè ướt sũng đũng quần. Anh em mình vẫn trêu nó thì nó lý sự, do cái dây thần kinh khống chế đường đái của tao bị liệt mỗi khi cần tập tập trung cao độ cho việc lâm trận nên kìm không được nó mới vọt ra. Nó bảo dạo mới lấy vợ, đến lúc ân ái nó cũng dấm đài ra khắp người vợ. Sau này nó rút kinh nghiệm, trước khi làm chuyện ấy, nó phải tháo thật kiệt thứ nước dơ dớp ấy đi thì mới yên tâm mà thừa hành phận sự. Cu cậu giờ đã lên chức ông nội, ông ngoại đề huề rồi. Thảnh thơi ngày bốn bận đưa đón các cháu đi học. Trọng “dấm đài” nhưng gan cóc tía ra trò. Hảo còn nhớ đận nó bị trúng đạn, bả vai sệ xuống mà vẫn không một tiếng rên. Cả đơn vị chỉ nhận ra vết thương của nó sau trận đánh. Cái thằng Trọng đến lạ, ba lần bị thương, gẫy sương bả vai, mẻ hộp sọ mà nhất định không chịu đi giám định để nâng hạng thương tật. Hỏi tại sao, nó bảo, còn sống là hạnh phúc hơn anh em đã hy sinh rồi. Thằng Tú vẫn như ngày xưa, nhu mỳ, nhẫn nhịn. Rời khẩu súng nó về làm chân bốc vác ở Cảng. Hàng hoá thời bao cấp chất đầy các kho, anh em công nhân ối người vào hùa với nhau xà xẻo cái của cha chung không ai khóc, nhưng nó thì không. Nhiều người ngại nó, nên khi bình xét thi đua chả ai nghĩ đến nó. Không đạt danh hiệu nào nên nó suốt đời chỉ là anh công nhân quèn cho đến ngày nhận sổ hưu. Còn Quân “ tỉa”, chắc mày không thể quên được nó. Thằng Quân vốn là lính bắn tỉa ở Quảng Trị, chả hiểu sao nó lại dạt vào đại đội mình. Nó được chuyển ngành và trưởng thành bằng chính cái nghề mà nó yêu thích. Nó là thằng có phẩm hàm trong xã hội so với nhiều anh em cùng lứa với nhau khi rời quân ngũ. Nó trưởng thành bằng chính nhân cách làm người của nó. Trong công việc nó luôn cật lực tìm tòi và được mọi người trong cơ quan trọng nó vững nghề. Chuyện nó có danh tước, xét về nghề không ai bất ngờ, xét về tâm ai cũng thấy mừng. Nhưng điều khiến nhiều người không tin dù đó là sự thật khi nó chả mang quà đi nịnh để có chức trong thời buổi mọi thứ đang được định giá bằng tiền. Hảo ơi, mày hẳn không quên nhời các cụ xưa, kim ngân phá luật lệ. Trong đoạn khúc sống theo nếp thị trường, do mọi mối quan hệ có liên quan đến ân huệ đều phải quy ra thóc nên nó đã chọc toạc mọi chuyện, cái đạo nghĩa làm người giờ đã trống hơ trống hoác ra rồi Hảo ơi!.

– Quân là thằng tốt. Nó là thằng tin người, đôi khi anh em mang cái tính cách tin người của nó ra đùa giỡn. Tao nhớ có lần, tao và mấy đứa trong tiểu đội trêu nó để tìm tiếng cười. Bữa đó tao rủ Quân đi vặt soài. Quả soài nằm ở cành la, muốn lấy được nó thì phải nhẩy chếch lên. Tao bảo với Quân, mấy đứa đã nhẩy nhưng chả đứa nào lấy được, may ra chỉ có Quân. Quân gật đầu rồi cười tủm. Cái thằng có nụ cười tủm rất duyên. Nó nhảy lên và lấy được quả soài nhưng khi nó chạm chân xuống đất thì làm sập ổ kiến. Cả người nó kiến bâu đầy. Chúng tao vừa cười vừa vội kéo nó ra khỏi tổ kiến. Mấy anh em tao đứa cởi quần áo cho nó, đứa kéo vội mấy cái lá phủi kiến trên người nó. Nhìn nó tồng ngồng với những mảng đỏ khắp người do kiến cắn nghĩ vừa thương nhưng lại vẫn không nhịn được cười. Sau này Quân cũng biết chuyện chúng tao đùa nhưng nó chả trách đứa nào. Hảo kể bằng cái giọng thì thào.

– Vì nó có cái tâm tốt, đó là luôn đặt lòng tin vào tất cả mọi người. Có người đã lợi dụng tính cả tin ấy của nó để làm chuyện gian dối, còn những người yêu nó như nó yêu mọi người chỉ còn biết lắc đầu thương nó khi nó bị người ta lợi dụng. Những năm gần đây, nó sống khép lòng để bày tỏ cái tâm đức nhân nghĩa của mình với đúng đạo làm con, nghĩa là cha.

– Nếu gặp nó, mày kể lại chuyện tổ kiến và bảo tao vẫn còn áy náy về trò đùa đó, Thành nhé.

– Thế ra mày là thằng đầu têu chuyện đó à?.

– Có thế tao mới phải áy náy nên nhắm mắt rồi mà vẫn chưa an lòng.

– Cuộc sống của mày thế nào?.

– Tao làm gì có cuộc sống. Với chúng tao, chỉ là những hồi ức và vui hơn bỗng nhiên ngày càng trở thành chỗ dựa cho ối người ở trên đời. Hảo cười lạo khạo và cất tiếng nói bằng cái giọng quặn xót.

– Tao và mày sẽ còn khối chuyện để nói với nhau. Giờ tao phải về đây.

– Mày về đi, tao đã nghe đâu đó có tiếng gà gáy. Trời đang tỏ rồi đó.

Theo thói quen tôi quàng tay như muốn kéo Hảo vào lòng, để hai đứa được phả hơi sang nhau trước lúc chia tay. Giữa vòng tay của tôi chỉ là một khoảng trống.

Một khoảng trống mênh mang đã đưa tôi đến với Hảo sau ngót 40 năm.

2.11.2013

H.T.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder