Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Bức tranh đẹp” của nhà văn Đặng Ái in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Bức tranh đẹp” của nhà văn Đặng Ái in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
ĐẶNG ÁI
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: ĐỖ MINH PHONG. SINH NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 1948. QUÊ QUÁN: THÀNH PHỐ THANH HOÁ. DÂN TỘC: KINH. TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG NĂM 1967. BẮT ĐẦU VIẾT VĂN NĂM 1969. TRẢI QUA NHIỀU NGHỀ LAO ĐỘNG CHÂN TAY CHO ĐẾN NĂM 1984 ĐI HỌC TRƯỜNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU. SAU ĐÓ ĐI LÀM BÁO, RỒI VỀ CÔNG TÁC TẠI HỘI VĂN NGHỆ THANH HOÁ ĐẾN NĂM 1977. TIẾP TỤC LÀM BÁO CHO ĐẾN LÚC NGHỈ HƯU. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: PHƯỜNG LIỄU GIAI, BA ĐÌNH, HÀ NỘI.
BỨC TRANH ĐẸP
– Có phải cô đi làm thợ vì một bức tranh đẹp không?
Với một câu hỏi như thế thì tôi không trả lời. Anh ta là ai, làm cái thá gì? Tại sao anh ta lại soi mói vào chuyện riêng tư của tôi? Tôi đi làm thợ vì cái gì cũng không chết ai cơ mà? Dễ tôi đi làm vì tiền thì anh ta ăn thịt tôi phỏng!
Tôi chụp lên anh ta một cái nhìn khinh khỉnh, tỉnh khô nhân sự. Thực tình tôi chỉ muốn bảo thẳng vào mặt anh ta: “Anh xéo đi cho tôi làm việc”.
Anh ta vẫn cứ xoay xoay con ê-cu trong tay. Con ê-cu tôi tiện để lắp vào cái gông díp bác Lượng đưa đầu buổi. Không hiểu lầm cầm ra sao tôi tiện nhầm bước răng. Lắp mãi cứ bật ra ngoài, mấy anh thợ kêu toáng lên:
– Đầu óc để ở đâu, Hiên?
Họ quẳng vào cho tôi tiện lại. Nhưng lần này mới xiết được vài vòng thì cháy răng. Không phải là sắt xấu. Do tôi ẩu.
Anh ta cầm con ê-cu đứng chỉ cho tôi biết tôi đã làm hỏng vì sao. Chỉ có thế thì đâu đến nỗi tôi sinh ghét anh ta. Đằng này, cái giọng khàn như vịt đực ấy mới kẻ cả làm sao, anh ta chuyên môn lên lớp. Hơn một tiếng đồng hồ chỉ tiện được có một con ê-cu lại phải bỏ đi tôi cũng giận mình lắm. Nhưng thà đốp chát như mấy anh thợ gầm kia tôi còn chịu được. (Tôi biết mấy anh ấy không ai ác ý với tôi cả. Lắm người đang muốn được cảm tình của tôi). Còn như cái lối nói như chế giễu, xốc óc của anh ta thì tôi không chịu được. Cứ thử nghĩ mà xem: “Có phải cô đi làm thợ vì một bức tranh đẹp không?”. Rõ ràng là anh ta muốn bêu xấu tôi, làm mất uy tín tôi trước mọi người.
Đôi môi tôi mím lại, kiêu kỳ. Tôi chắc bất cứ anh con trai nào nhìn thấy tôi lúc ấy cũng phải mê tít đi. Thì tôi đẹp, làn môi lúc nào cũng ươn ướt, đỏ tươi nhé, đôi má đầy dặn nhé, ánh mắt bồ câu sáng mà mơ màng nhé, bộ ngực rất cân đối với vóc người nhé… Trước sắc đẹp của tôi cậu nào chẳng trở thành si tình.
Nhìn mấy ngón tay lá hành trắng hồng, sạch sẽ đặt trên đầu máy, tôi bỗng nẩy ra ý trêu tức anh ta tỏ cho anh ta biết: “Chị khinh, những lời nói của chú!”.
Tôi lấy cờ-lê, vô cớ mở bàn dao, giật cho nó quay tít đi mấy vòng rồi đặt lại chỗ cũ, xiết chặt vào. Một tay đẩy bàn dao cho mũi dao bập vào vật tiện, một tay tôi quẳng cờ-lê xuống băng máy. Nguyên tắc là cấm để vật gì lên mặt băng, vì động chạm vào sẽ xây xát làm giảm độ chính xác của nó đi. Nhưng tôi đang muốn trêu hắn cơ mà!
Chiếc cờ-lê chưa kịp rơi xuống mặt băng, nhanh như chớp, anh ta đưa tay đỡ lấy. Suýt nữa thì dao thúc vào tay anh ta. Và như thế thì giập. Tôi hơi hoảng. Nhưng khi thấy chiếc cờ-lê nằm yên trên bàn tay lem luốc, đầy những dầu của anh ta, tôi vội trẫn tĩnh ngay.
– Ném thế còn gì là máy? – Anh ta hạch.
– Hỏng tôi đền – Tôi trả lời lạnh như nước đá.
– Cô nên nghĩ lại đi, cô Hiên! Máy móc mình có làm ra được đâu, còn phải dùng của nước ngoài. Không giữ được lấy gì mà sản xuất. Mình là người thợ…
A! Lại bắt đầu lên lớp đấy. Lúc nào cũng nói chính trị được. Lên giọng có vẻ đạo mạo ông cụ non lắm nhưng lại xấu trai cơ chứ! Đã mấy lần tôi thấy anh ta nói chuyện với con gái. Nếu không chị chị, tôi tôi thì cũng đồng chí. Phải, một con cáy. Ấy nhưng mà ở đời những kẻ không ra gì lại cứ hay lên lớp người khác. Có lẽ anh ta nghĩ những lời nói như vịt đực của anh ta làm rung chuyển trái tim tôi chăng, anh ta tưởng có thể làm tôi “tiến bộ” theo ý anh ta chăng?
Không đời nào? Tôi hoàn toàn tin tưởng cách sống hiện nay của mình.
Bây giờ tôi làm chưa ra nhiều sản phẩm tốt đấy. Nhưng mặc tôi, rồi đâu sẽ vào đó. Đừng ai lên lớp tôi, dạy khôn tôi. Tôi là một con người, tôi tự nguyện đi làm thợ, tôi biết phải như thế nào!
Tôi cố tạo ra thật nhiều ý nghĩ, thậm chí còn hát thầm và làm cho đồ nghề, những con ê-cu đã tiện hoặc chưa tiện kêu lạch xạch trong lúc anh ta thuyết. Tôi thấy thích thú khi ai đấy, ở đằng cuối nhà sản xuất mở chiếc máy đột giập sầm sầm làm anh ta phải dừng lại mấy lượt.
Chưa bao giờ tôi ghét anh ta như lúc này! Thế mà ngày tôi mới về phân xưởng, tôi còn thấy mên mến anh ta đấy.
Được phân công về đây, người đầu tiên tôi gặp là anh ta.
Hôm ấy tôi mặc rất diện, tay xách một cái va ly nhỏ đi đường. Nhà máy đi sơ tán chưa về nên rất khó tìm. Tôi đi bộ đến bảy cây số rồi, hai chân như muốn rời ra. Mồ hôi nhỏ lấm tấm trên mặt. Trời nắng chang chang mà tôi không có nón. Tôi không muốn đội nón chỉ vì mái tóc uốn. Gặp một thanh niên đi xe đạp từ một làng đi ra, tôi hỏi anh đường về xí nghiệp K.14. Anh ta dướn cặp mày rậm lên, hai con mắt mở to, ngạc nhiên. Tôi biết chắc anh chàng choáng váng vì sắc đẹp của tôi và tự nhủ: “Sắp tán tỉnh đấy!”.
– Đồng chí về K.14 à? – Anh ta hỏi chẳng lấy gì làm tự nhiên lắm – Tôi biết đường. Tôi cũng về K.14 đây!
Mừng quá, tôi hỏi làm quen:
– Anh cũng ở K.14 chứ? Nghe nói xưởng ta khá lắm.
– Không! Có gì đâu… Mà tôi cũng không…
Tôi đoán anh ta không phải công nhân K.14 bởi vì theo tôi biết K.14 là một xí nghiệp tiên tiến. Công nhân một xưởng tiên tiến lại ăn mặc xuyềnh xoàng và nói ấp úng thế à?
– Đồng chí ngồi lên xe tôi đi tạm.
Anh ta nói có vẻ nịnh. Còn gì bằng nữa, tôi nở một nụ cười, cám ơn anh rồi ngồi lên gác-ba-ga. Chiếc xe Thượng Hải cọc cạch. Nhưng cũng được, chả ai nhìn thấy tôi đâu.
Đi một đoạn, anh ta hỏi:
– Đồng chí về đấy công tác phải không?
– Vâng!
– Đồng chí công tác gì ạ?
“Ngữ này mình mà nói là công nhân coi thường ngay”. Tôi nghĩ bụng. Và lấp lửng:
– Em mới về…, máy móc chứ có gì đâu…
– Đồng chí là cán bộ kỹ thuật?
Nghĩ rằng mình chỉ đi nhờ anh ta một đoạn đường, có khi chẳng bao giờ gặp nhau nữa, tôi bèn lấp lửng hơn.
– Anh nom em giống cán bộ kỹ thuật lắm à?
– Hì hì…Chắc là đồng chí mới tốt nghiệp trường trung cao cơ khí…
Một lúc sau anh ta làm tôi hoảng hồn:
– Ở xưởng đang cần cán bộ kỹ thuật lắm. Đồng chí về vừa đúng dịp.
Thôi chết rồi! Anh ta là công nhân K.14 chứ còn gì nữa, không thế sao lại biết ở đấy đang cần cán bộ kỹ thuật.
Từ đó tôi ngồi im thin thít, chắc là mặt đỏ dừ. Nhưng anh chàng có vẻ nghếch đời lắm, không hay tôi đã nói dối, vẫn cứ phấn khởi gò lưng đạp xe. Đường xấu, nhiều ổ gà quá nên xe cứ xóc lên luôn luôn. Những lời nói của anh ta cũng bị xóc lên như vậy.
– Xưởng ta… hiện giờ có một cái gay chưa biết giải quyết như thế nào. Là… là cẩn thận hố bom nhé, tôi lao xuống đây. Công nhân học… Kèm cặp thì nhiều. Tay nghề khá. Nhưng trình độ…văn hoá và lý thuyết thì còn kém lắm! Nhiều người không biết nhìn bản vẽ. Cái mặt cắt là gì cũng không biết… đang muốn mở một lớp học kỹ thuật nhưng không kiếm đâu ra giáo viên. Ở đây cũng có mấy kỹ sư đấy, chỉ hiềm không bói đâu ra thì giờ, cứ ngồi yên nhé, tôi qua cầu đây… cái cầu này nó đánh mãi…
Chiếc xe đạp vù vù qua một cây cầu gỗ. Làn băng lâu ngày đã bật cả đinh cứ nẩy lên bần bật. Mặc dù anh ta đi xe đạp vào loại cừ, tôi vẫn cứ nơm nớp. Dòng sông nước đục ngầu loang loáng dưới sâu. Ngộ bánh trước mà chẹt vào kẽ ván thì khốn. Lắm người đã vỡ mày, vỡ mặt… Qua cầu rồi! Liều thật!… Tôi thấy vui vui, ở với anh chàng này chắc thú lắm đây. Trông anh ta cũng thông minh, “có tâm hồn”. Ở đời tôi thích những chàng trai hay mơ mộng, chịu khó suy nghĩ, mà lại táo tợn trong hành động.
– Anh tên là gì? – Tôi hỏi và chờ một câu trả lời là Hùng, là Dũng, là Thắng, là… Hay đại loại một cái tên kêu nào khác.
Nhưng xanh ta trả lời:
– Tôi là Lỡi. Đồng Huy Lỡi.
Suýt nữa thì tôi phì cười. Cái tên chả có ý nghĩa gì hết! Được mỗi chữ lót là tàm tạm.
Vào đến đầu làng xí nghiệp sơ tán tôi đã nghe tiếng đe búa chan chát, tiếng máy nổ xuỳnh xuỳnh, tiếng tôn ném loảng xoảng. Mấy cái lán cao lênh khênh ở rải rác. Công nhân đang lúi húi làm việc, thỉnh thoảng phát ra một câu pha trò đến lạ tai. Xung quanh lán giao thông hào cũ còn nguyên. Đất cát, hào nông choèn nhưng lõm bõm nước. Nơi tôi sẽ làm việc đây, xí nghiệp tiên tiến đây. Tôi hơi thất vọng. Trong trí tưởng tượng của tôi K.14 phải là một nơi đẹp đẽ, hiện đại, quy mô lắm… Thôi được, để xem thế nào…
Xe đỗ lại ở phòng quản đốc. Anh ta chỉ tôi vào đấy rồi phóng phóng qua một tấm ván bắc ngang giao thông hào chui tọt vào một cái lán. Ghê thật!
Vài tiếng reo lên:
– A, cậu “xịt” đã về! Chóng thế!
– Cô nẻng nào đấy? Diện oách nhỉ!
Sau này tôi mới biết anh em đặt cho Lỡi cái tên ấy vì Lỡi có một sáng kiến bị “xịt” ngay trên bản vẽ.
Ông quản đốc thấy tôi vào như ngạc nhiên – chắc là do bộ cánh của tôi. Sau khi xem giấy, ông hỏi han tôi một lúc rồi bảo tôi vào phân xưởng cắt gọt tìm phân xưởng trưởng.
Tôi vào xưởng, thấy ngay canh càng Lỡi đứng bên một chiếc máy tiện phanh cúc ngực ra quạt phành phạch. Mấy chục công nhân đổ dồn mắt vào tôi. Thú thực tôi cũng thấy hơi ngượng về cách ăn mặc sang quá của mình. Tôi chào họ và đến gần Lỡi. Anh ta vội cài cúc ngực lại như bất ngờ gặp bộ trưởng.
– Anh có biết ông trưởng xưởng ở đâu không?
Đám thợ cười ầm lên:
– Đấy, ông trưởng xưởng đấy.
– E hèm! Yên cho trưởng xưởng tiếp khách quý.
Tôi nóng bừng cả mặt. Tôi mới đến lạ nước lạ cái, cần nói chuyện nghiêm chỉnh mà họ lại đùa cợt! Thấy tôi lúng túng. Lỡi nhíu mày lại, tỏ vẻ không đồng tình với “thái độ” của mọi người.
– Cần gì đồng chí nói với tôi cũng được.
– Tôi muốn gặp trưởng xưởng cơ!
Như biết được tâm trạng tôi, vài anh tếu lại cười ầm. Họ quá lắm!
– Tôi là trưởng xưởng đây! – Lỡi nói.
Tôi giật mình đánh thót. Anh chàng này là trưởng xưởng à?
Lỡi cầm lấy giấy giới thiệu của tôi. Anh ta “a” lên, ngạc nhiên:
– Sao bảo đồng chí là…
Trời ơi! Giá có thể thăng thiên, độn thổ được thì tôi đã làm như vậy rồi. Giá có thể chạy vù đi được thì tôi dã chạy đi rồi. Nhưng tôi cứ đứng chôn chân ở đấy. Ngượng không để đâu hết, nhất là mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Có tiếng xì xào khen tôi đẹp. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự nói dối.
Nhưng Lỡi không nói hết câu ấy. Sau này nữa, Lỡi không nói với ai, cũng không hề nhắc lại. Vì thế anh em trong xưởng không ai biết.
Lỡi bảo tôi về nhà tập thể nghỉ ngơi, mai sẽ nhận công tác.
Vì tôi đến muộn, không thể báo cơm được nên gần hai chục người trong nhà tập thể số ba tập trung cơm lại cùng ăn. Coi như một cuộc đón tiếp tôi. Kể ra như vậy cũng trọng thể quá rồi! Bữa cơm đầu đời thợ của tôi, tuy còn ngượng ngập nhưng ngon miệng. Những câu đùa “lạ tai” đã thành quen và tôi lại thấy thinh thích. Cái cảm giác mình hoà vào một tập thể thật là sung sướng. Tuy vậy, tôi vẫn quan sát và thấy rằng, mười ba cô con gái ở đây không cô nào xinh đẹp bằng tôi cả.
Tôi được phân công đứng một máy tiện Triều Tiên, chuyên tiện những mặt hàng nhỏ, có độ chính xác cao. Thực tình tôi không ưng lắm, muốn đứng máy Tiệp cơ. Máy này lớn, vật tiện đồ sộ, nom oai lắm. Thôi được, cứ tạm làm cái đã, sau hãy hay. Tôi tự nhủ.
Mấy hôm đầu tôi làm tốt. Suốt bốn tiếng đồng hồ tôi không hề sao nhãng công việc. Dù sao cũng cần gây uy tín ngay từ đầu chứ!
Một lần con dao tiện của tôi hỏng, cần phải đánh lại. Tôi mang xuống tổ rèn.
– Cô Hiên cần gì đấy? – Anh chàng Giám “trứng cá” đặt búa xuống hỏi tôi. Anh ta mặc bộ quần áo làm việc lọ lem lọ thủi. Than bụi, mồ hôi nhễ nhại.
– Em rèn dao.
– Cũng rèn được cơ à? – Nguyên lém hất hàm hỏi. Tôi chỉ cười. Anh ta tiếp: – Để đẩy chúng mình rèn cho!
Tôi đang lưỡng lự chưa biết có nên hay không, nói của đáng tội, nếu phải tự mình ghé vào lò nung dao rồi lấy búa tạ đánh thì cũng ớn quá. Giám “trứng cá” cầm lấy con dao của tôi rồi chỉ cho tôi một chiếc can hỏng ra hiệu cho tôi ngồi xuống đấy. Chiếc can đầy gỉ đen, gỉ đóng thành vảy, ngồi xuống thì chỉ có mà hỏng chiếc quần xanh mới toanh.
– Sợ bẩn thì tớ cho tờ báo này. Lót mà ngồi. Đằng ấy chỉ chờ hai thằng tớ một tý là có dao ngay đấy mà!
Tôi quay quạt cho than hừng lên. Hai anh chàng ấy đánh dao cho tôi. Những nhát búa của họ thật nghề. Rèn xong, Nguyên lém đưa dao cho tôi bảo:
– Bao giờ hỏng cứ mang cho chúng tớ nhé! Chỗ bạn bè cứ tự nhiên! Hề hề…
Quay đi, tôi nghe hai anh chàng kháo nhau:
– Nhìn “nàng” mê thật!
– Năm cộng! Không kém đâu.
Tất nhiên là lòng tôi như mở cờ. Không những người trong tổ tiện mà cả ở tổ rèn, tổ nguội cũng làm thân với tôi. Người con gái có sắc đẹp thì đi đâu cũng được chú ý.
Thấy tôi chưa có com-pa, anh Chuy tặng tôi một bộ bằng i-nốc, bấy lâu anh vẫn giữ như của báu. Mình là nhân vật đáng chú ý nhất xưởng. Tôi tự đánh giá như vậy. Tôi thấy rằng mình đã không nhầm khi chọn nghề tiện này. Những ước ao của tôi đang được thực hiện.
Đang học lớp chín thì tôi bỏ, nhất quyết xin đi học thợ tiện. Nguyên do một hôm tôi đến hiệu sách, một bức tranh về người công nhân tiện đã hấp dẫn tôi.
Một nữ công nhân tóc uốn, đôi mắt có hàng lông mi rậm, làn môi cong cong tô đỏ. Vóc người nở nang, mạnh khoẻ. Chị ta mặc quần áo công nhân, có yếm đang điều khiển máy tiện. Trông đẹp quá! Và cũng thật lạ lùng, chị ta giống tôi ghê lắm. Chỉ có tôi trẻ hơn và người mảnh hơn một chút. Tôi đứng ngắm bức tranh không chán mắt, chị công nhân trong tranh như bảo: Đi làm công nhân tiện đi em ạ. Em đi làm rồi cũng như chị, còn hơn chị ấy. Đời công nhân bây giờ lý thú lắm, thơ mộng lắm!
Như bị cám dỗ, tôi không thể rời ra được. Tiền chú tôi cho tiêu vặt, tôi đem mua bức tranh ấy.
Ông chú ruột tôi là Giám đốc một nhà máy lớn. Nếu tôi học hết lớp mười thì ông có thể xin cho theo học bất cứ trường nào tôi muốn kể cả đi học nước ngoài. Trước kia tôi cũng muốn học Đại học, ngành y, theo nghề của bố tôi. Bố tôi đã hy sinh ở Việt Bắc với chức vụ đại uý bác sĩ quân y. Hồi ấy tôi còn nhỏ lắm. Hoà bình rồi mẹ tôi đi lấy chồng, một ông cán bộ đường sắt muộn màng. Mặc dù mẹ và bố dượng tôi rất yêu tôi nhưng tôi vẫn đi theo ông chú. Chú tôi cho tôi ăn học và cưng như một nàng tiên. Ông không nói nặng tôi bao giờ. Có hôm tôi nghe ông bảo với thím tôi: “Nó thiếu tình cảm bố mẹ, mình phải chăm sóc nó hơn cả con mình đẻ ra!”. Có thể nói là tôi sống trong bầu không khí toàn sự nuông chiều. Ngay ở trường cũng vậy. Bọn con trai rất muốn làm thân với tôi. Có đứa ngấm ngầm “thờ” tôi là khác. Tôi mà ở đâu thì phong cảnh ở đấy tươi đẹp hẳn lên. Họ hay khen phố tôi xinh có lẽ vì thế. Các thầy giáo cũng đối xử với tôi bằng thái độ ân cần đặc biệt. Tôi biết không phải vì mình học kha khá mà vì người cha đã hy sinh cho cách mạng, vì ông chú rất có quyền thế và uy tín của tôi. Đối với tôi, cuộc đời thật là dễ dàng, trơn tru. Tôi quen quyết định mọi việc theo ý mình.
Không nói cho ông chú biết về bức tranh, tôi nằng nặc xin đi làm thợ. Ông chú buồn rầu bảo:
– Hay là cháu không ưng điều gì ở chú thím?
Tôi lắc đầu.
– Trước khi quyết định một việc quan trọng của cuộc đời mình phải suy nghĩ thận trọng cháu ạ! Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa? cháu đi làm công nhân cũng được. Chú xuất thân từ anh thợ nguội. Nhưng chú sợ cháu chưa hiểu thế nào là cuộc đời công nhân, rồi cháu lại chán. Khi ấy sẽ ra sao? Chả lẽ một cuộc đời ngắn ngủi của con người lại những mấy lần thay đổi chỗ đứng để cuối cùng chả làm được gì cả. Cháu có hiểu không, bố cháu chỉ có mình cháu, mà cháu thì mới mười bảy tuổi, chưa lấy gì làm lớn. Chú phải có trách nhiệm với cháu.
Những lời nói của ông chú làm tôi khóc. Tôi thương chú tôi lắm. Nhưng tôi vẫn quyết định đi làm thợ.
Tôi không đi học ngay từ hôm sau. Thấy tôi đã quyết, ông chú liền làm giấy tờ và gửi tôi cho một người bạn ông đang làm hiệu trưởng trường cơ khí.
– Cháu lên đấy rồi bác Thịnh – tên ông hiệu trưởng – sẽ săn sóc cháu chu đáo – chú tôi nói.
Ở trường cơ khí tôi vẫn được cưng. Mặc dù có học bổng, ông chú vẫn gửi tiền thêm cho tôi. Thỉnh thoảng ông Thịnh lại bảo tôi: “Bác mới nhận được thư của chú cháu!”. Điều ấy làm tôi hãnh diện. Tôi sống qua khoá học một cách nhẹ nhàng.
Về đến K.14, Lỡi cũng rất chú ý đến tôi. Anh ta thường đứng trước máy, chăm chú xem tôi làm việc, có khi lại tiện mẫu cho tôi cái gì đó. Có lần Lỡi tâm sự với tôi:
– Công nhân ta nói chung là tốt. Nhưng cũng có điều cần suy nghĩ, Hiên ạ. Cuộc sống ở đây không đơn giản như ở lớp học đâu. Hiên mới đi làm thợ, rồi sẽ vấp phải nhiều điều không được như ý. Có gì Hiên cứ nói thẳng ra, sẽ có tập thể giúp đỡ.
Rõ ràng là Lỡi có cảm tình với tôi.
Một buổi sáng tôi đang đi đến xưởng, nghe có người to tiếng ở trong:
– Quá năm phút rồi mà nó vẫn chưa đến. Hôm nào cũng đi làm muộn, còn ngắm nghía trong gương cơ mà!
Tôi dừng lại nghe, ức nghẹn cổ. Mới hôm nay tôi đi làm muộn là một. Lại một người khác nói:
– Làm ăn thì không bằng ai, diện thì không ai bằng. Lại cái thằng Nguyên lém nữa, nhay nháy nho nhó như đồ mất dạy!
– Mang ra kiểm điểm tơi bời khói lửa đi! Không uốn trước rồi thì…
– Thôi, thôi các cậu! – Lỡi gàn đám người đang nóng nảy – Để rồi mình sẽ bảo cô ta. Mình muốn toàn phân xưởng đặt thành vấn đề giúp đỡ cô ta. Nhưng đừng có đốp chát thế! Dù sao thì cô ta cũng mới rời ghế nhà trường, làm gì đã có cái chất thợ trong người…
Một người vặc Lỡi:
– Anh bỏ cái thói cảm tình riêng đi. Cứ nẹt cho tới nơi đi chứ lị!
Tôi quay về. Đã thế sẽ không đi làm buổi sáng nay cho biết tay nhau! Đời thật lắm sự, chưa biết nếp tẻ gì đã chụp mũ lên đầu người ta. Họ tưởng họ tốt hơn tôi đấy. Ôi! Từ ngày đi học thợ đến giờ tôi thấy chưa một ai hiểu tôi cả. Những người đứng đắn thì cứ gay gắt. Còn những kẻ xum xoe quanh tôi thì tôi ghét tệ hại. Những cái đầu “ốp Đức”, những cái quần “xăng li”… Và chỉ có thế! Những kẻ xum xoe ấy, cằn cỗi về tâm hồn, mất phẩm chất về đạo đức. Chao ôi! Nghĩ khổ sở nhất là người ta lại xếp tôi với loại ấy. Một mái tóc uốn, một cái áo ren rua thì có hại gì cơ chứ, khi tôi là con gái. Chẳng lẽ con gái lại không được điểm tra ư?
Cuộc sống của tôi trước kia dễ chịu quá… tôi suýt trào nước mắt vì tủi hờn. Tôi gieo mình vào giường.
– Cô Hiên, sao thế? Lỡi đã đứng trước nhà tập thể từ lúc nào – Mệt à?
– Vâng! – Không nhìn anh, tôi trả lời.
Lỡi lại gần tôi:
– Mệt thì đến y tá xin thuốc. Hay tôi gọi y tá đến nhé!
– Thôi anh ạ! – Tôi nấc lên – Em. Em không chịu được đâu!
Lỡi ngồi xuống giường hỏi ngập ngừng:
– Có chuyện gì thế? Ai làm gì Hiên?
– Anh còn lạ gì nữa mà hỏi – Tôi gạt nước mắt, lại nấc lên. Cái tính tôi thế. Hễ có chuyện gì không vừa ý là nước mắt ở đâu cứ ứa ra – Em coi anh như anh nên em mới nói – Tôi kể lể một hồi rồi cuối cùng bảo anh một câu mà tôi chưa nghĩ đến bao giờ – Anh cho em chuyển đi nơi khác!
– Chuyển thì dễ thôi Hiên ạ. Để tôi đề nghị với ban quản đốc.
Anh Lỡi thở dài, cắn cắn môi, suy nghĩ điều gì găng lắm. Tôi bỗng thấy thương anh, chỉ có anh là tốt với tôi thôi.
– Nếu ai cũng như anh thì em chả xin đi đâu cả. Nhưng họ…
– Không phải thế đâu Hiên ạ, tôi cũng như các đồng chí ấy thôi. Hiên ở lâu sẽ biết, họ đều tốt cả. Tác phong công nhân là thẳng thắn, có gì nói ngay, họ không để bụng điều gì đâu. Đấy, mấy hôm đầu ai cũng mến Hiên… Cuộc đời công nhân không phải như học sinh. Tôi cũng từng là học sinh nên tôi biết, khi bước vào nghề không khỏi va vấp. Có điều là phải cố gắng Hiên ạ. Không dễ dàng đâu, nhưng rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
Tôi không nói gì nữa.
Bỗng dưng bỏ đi không diện nữa thì ngượng quá. Nên tôi vẫn diện già. Chỉ có điều không đi muộn nữa. Lỡi bảo đó là thắng lợi bước đầu. Anh em ở xưởng cũng không gay gắt với tôi như trước. Các bạn gái tuy còn dè dặt nhưng bắt đầu làm thân với tôi.
Tôi ít khi gặp Lỡi. Anh ta đi họp hành luôn, cũng có khi đi ký hợp đồng, chạy nguyên liệu cho xưởng. Đi sớm về muộn, lúc nào Lỡi cũng tất bật. Có hôm Lỡi xuống nhà bếp lấy một cái bánh mỳ, đi mãi đến tối mới về. Buổi trưa anh ăn dọc đường, ở đâu đó. Lỡi rất nghiêm khắc, làm ra làm, nói ra nói. Trong cuộc họp, hễ cần là anh nói oang oang, không nể một ai – trừ tôi – (tất nhiên tôi biết anh gượng nhẹ với mình). Một lần, Thanh, cô gái cùng đứng máy của tôi, tiện hỏng một cái “ắc”. Lỡi đỏ mặt tía tái lên:
– Cô làm ăn thế hả? Mắt để lên trán hay sao!
Thanh im thin thít. Tôi tưởng Thanh sẽ giận Lỡi. Nhưng không. Buổi chiều, hai người đã cười cười nói nói với nhau rồi:
– Này, ông hâm tỷ độ ơi!
Thanh gọi Lỡi như thế. Mọi người có mặt đều cười rộ lên.
– “Bao nhiêu công sức đổ đi!” – Một cô thợ hàn nhại lại lời Lỡi, cánh tay khoát một cái, mũi dăn dúm lại, rất giống – Đúng là phát xít buôn mắm tôm…
Rồi cô ta cười ngặt nghẽo. Chưa kịp cười hết cơn đã phải chạy té đi vì Lỡi đã vớ được một cái roi. Anh dứ:
– Con ranh! Hôm nay mày về đây với tao…
Với một anh chàng như thế thì ai giận được.
Ít khi tôi thấy Lỡi ngủ. Anh thường thức rất khuya để làm việc. Có hôm “cả nhà” đã ngủ say Lỡi vẫn còn thức. Anh ngồi bên bàn dưới một cái bóng sáu vôn sáng lạnh, đăm chiêu hàng giờ. Một bữa tôi rón rén đi lại sau lưng Lỡi vẫn không biết. Trên mặt giấy những đường chì vạch rối rắm nhưng sắc, tạo thành những chi tiết máy. Lỡi đang học kỹ thuật.
– Anh không ngủ à? – Tôi hỏi.
Lỡi giật mình quay lại, mỉm cười. Khi Lỡi mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ dưới ánh đèn, nom thật đẹp.
– Chứ Hiên?
– Em ngủ chán mắt rồi!
Bê một cái ghế bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, Lỡi không biết nói gì thêm, chờ cho tôi nói.
Ngoài trời sương xuống lạnh. Gió bấc lồng vào kẽ lán như những mũi dao nhọn chích vào da thịt. Lỡi mặc cái áo bông to xụ, đã cũ kỹ, vài chỗ mền bông thòi ra ngoài. Tôi chưa từng thấy Lỡi mặc một cái áo gọi là tôn tốt. Hình như anh không có thì phải. Lương anh cao nhưng anh gửi về cho gia đình gần hết, chỉ để lại một số tiền tối thiểu. Tôi thấy thương hại anh. Anh khắc khổ quá!
– Khổ gì bằng bộ đội! Mình chỉ tiếc người ta không chịu “nhả” mình ra – Lỡi thanh minh như có lỗi. Một lúc sau anh hỏi như vô tình:
– Hiên có muốn vào Đoàn không?
Ai lại không muốn đứng trong hàng ngũ của Đoàn? Mười tám tuổi đầu chưa được là đoàn viên tôi thấy mình chơ vơ thế nào ấy. Những buổi người ta đi họp Đoàn, tôi nằm ở nhà nghĩ tủi tủi. Mặc dù lắm khi tôi nhìn những đoàn viên với nét mặt lạnh lùng (vì ghen tị, tự ái) nhưng tôi vẫn thèm có một cái huy hiệu trên ngực. Hồi còn là học sinh tôi không thấy được không phải là đoàn viên là một điều đáng hổ thẹn. Nhưng đến khi tôi hiểu được điều ấy rồi, thì ở trường cơ khí chẳng ai bảo tôi: “Hiên ơi! Phấn đấu đi. Đoàn vẫn theo dõi cậu đấy!” Tôi nghĩ tôi có tỏ ra năng nổ thì chi đoàn lớp cũng không biết đấy là đâu! Ngay cả mấy đứa bạn gái ở một phòng hẳn hoi cũng chẳng ai để ý đến việc ấy của tôi.
Câu hỏi của Lỡi có làm tôi buồn nhưng trong đầu tôi cũng loé lên một tia hy vọng. Nếu người ta theo dõi tôi thì tôi sẽ phấn đấu.
Lỡi đưa cho tôi mượn cuốn điều lệ đoàn.
– Cuốn này mình mua hôm được đi học đối tượng đấy. Hiên đọc xong trả mình nhé. Cố gắng Hiên ạ. Mình biết Hiên có nhiều khả năng phấn đấu. Ối người cứ tưởng sẽ không phấn đấu được cuối cùng rồi cũng thành đoàn viên, miễn là kiên quyết…
Tôi cầm cuốn điều lệ, rưng rưng nước mắt. Do lòng kiêu hãnh ở sắc đẹp của mình, tôi rất coi thường cánh con trai. Nhưng lúc này tôi thấy mình bé nhỏ vô cùng trước Lỡi. Ở người anh ta toát ra một cái gì đấy tôi không rõ, nhưng đẹp đẽ và cao thượng vô cùng. Lỡi không tầm thường mặc dù anh có vẻ rất thường.
Cả đêm ấy tôi không ngủ được. Cũng dễ hiểu thôi.
Xưởng bước vào đợt sản xuất cao điểm phục vụ quân đội. Anh em trong xưởng làm việc miệt mài không kể thì giờ. Không khí làm việc sôi nổi hẳn lên. Người ta đến trước giờ mười lăm phút để chuẩn bị máy móc. Tiếng búa đe, tiếng máy chạy ròn vang và dồn dập hơn. Một khẩu hiệu to căng suốt từ đầu đến cuối phân xưởng: “Quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất trước thời hạn lấy thành tích chào mừng chiến thắng quân dân cả nước!”. Nhà bếp cũng bận rộn hơn bình thường, lo cơm nước cho công nhân được nóng dẻo ngon lành. Sáng nào cũng có món điểm tâm. Một cái bánh mì rán hay bánh bao hấp nhân khoai lang. Chị nuôi Cúc gánh bánh đến cho chúng tôi, giọng lanh lảnh:
– Ai ăn bánh…! Bánh ngon bánh rẻ, chạy khoẻ đến đây… ây!
Công nhân vòng quanh lấy chị, cười nói ồn ào như ong vỡ tổ.
– Chị nuôi phục vụ anh em thế này thì mấy chả hoàn thành kế hoạch!
– Các cô các chú phải vượt mức í chứ!… Bánh ngon bánh rẻ…
– Được! Hễ vượt mức kế hoạch đề nghị khen thưởng chị nuôi nhé! Cho ông anh về với bà chị một hôm… ưng chưa?
Mọi người cười rộ lên. Chị Cúc đỏ bừng mặt, bẽn lẽn. Chồng đi bộ đội, một mình chị vừa chăm ba đứa con vừa làm cấp dưỡng cho xưởng. Lo được cơm nước không phải chuyện vừa.
Tôi bị phong trào cuốn vào, người cũng rạo rực. Tay nghề tôi cũng khá, sản phẩm làm ra đều tốt cả. Dần dà tôi quên cả trau chuốt thân hình mình. Và tôi sung sướng biết bao khi tất cả mọi người đều nhìn tôi với con mắt cảm tình.
– Thợ mới mà làm ăn khá ra phết – Họ khen tôi. Lỡi mạnh dạn giao cho tôi công việc của thợ bậc hai, bậc ba.
Nhưng sự đời! Sự đời không thẳng tắp, thênh thang. Những cái ngẫu nhiên như cố tình xảy ra đến thử thách người ta.
Buổi tối hôm ấy, ở làng bên, cách xưởng hơn hai cây số chiếu bộ phim Liên Xô, kể chuyện một anh chàng sinh viên khoa triết đi lao động thực tế. Phim có nhiều cảnh rất buồn cười. Anh chàng trong phim đáng yêu ghê lắm. Tôi đã xem rồi vẫn cứ thích xem lại. Vả lại đã lâu rồi không được đi xem nên càng háo hức tợn.
Ở xưởng có một anh thợ nguội tên là Nghĩa, biệt danh là Nghĩa ì. Anh chàng rất đẹp trai, diện vào loại chúa. Nghĩa ăn nói dễ nghe và nghiện hoạ báo Liên Xô nên biết rất lắm chuyện. Hễ tán thì như nước chảy. Tôi cũng chẳng ưa gì anh ta vì biết anh ta toàn ba hoa xích đế. Sẩm tối, Nghĩa đến bảo tôi:
– Này, đi chứ! – Nghĩa cười làm dáng.
– Xa quá, sợ mệt – Tôi trả lời – Mai không làm việc được thì chết.
Dường như không để ý đến câu trả lời ấy, Nghĩa tuôn ra một thôi:
– Mả lắm nhé! Câu chuyện tình yêu cũng ly kỳ. Con bé ấy bảo: “cái đinh, con người và cuộc sống!” Triết lắm đấy chứ! Cậu sinh viên khoa triết nhà ta ức đời lao vào tập đóng đinh. Khi sắp chia tay với cô nàng, hắn ta đóng liền chữ liu-bờ-liu Tiếng Nga nghìa là “tôi yêu”! Con bé xanh mắt thế là mê anh luôn… Đi nhé! Hai cây số chứ mấy! Đây mới may được cái măng-tô-san bằng vi-ni- lông, đằng ấy mà khoác vào thì kẻng lắm.
Nghĩa mang cái áo ra khoe với tôi. Cái áo cũng đẹp, người thợ giỏi mới may được thế. Tôi khoác thử vào, lùa mái tóc ra đằng sau, thấy mình đẹp hẳn lên.
Thế là nhẽ ra phải ở nhà thì tôi lại đi xem với Nghĩa, Nghĩa xun xoe bên cạnh tôi, tán tỉnh không ngớt miệng. Mãi mười hai giờ đêm chúng tôi mới về đến nhà.
Cửa đã đóng, tôi cậy ra, rón rén lại giường mình lòng vẫn còn ngây ngất vì bộ phim, và, thấy rằng mình ác ý với Nghĩa thật vô lý. Anh ta cũng chẳng tệ như tôi tưởng đâu. Bên kia, Lỡi vẫn đang còn thức với ngọn đèn. Sao có người lại thích làm khổ mình thế nhỉ? Tôi tự hỏi và ngủ thiếp đi.
Và cái điều tôi không muốn đã xảy ra. Sáng mai tôi đang ngủ thì bị gọi giật dậy. Giấc ngủ còn đè nặng trên mi mắt, tôi không sao dậy được.
– Hiên! Hiên! Đến giờ làm rồi kìa!
Tôi hé mắt ra thấy Thanh, Cô ta đã mặc quần áo lao động vào rồi. Tôi muốn vùng dậy nhưng không sao cưỡng được mình.
– Ngủ gì mà khiếp thế. Đi xem phim phỏng?
Thanh đi ra. Tôi vẫn tiếp tục mơ mơ màng màng…
Đến khi dậy được, loay hoay rửa mặt đánh răng xong vào xưởng thì đã muộn mất nửa giờ.
Máy móc trong xưởng chạy rung lên, quay tít. Chỉ có máy của tôi là đứng im như trách móc. Tôi cảm thấy ngượng ngập. Nhất là khi tôi vào, người nào đang việc ấy không ai hỏi tôi gì cả. Tôi mở máy cho chạy. Cái máy trở nên bướng bỉnh lạ thường: lưỡi dao ăn cứ gằn gằn.
Giữa giờ làm kỹ sư Hoàng đến kiểm tra sản phẩm của tôi. Hầu hết không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
– Vì sao? – Anh ta phóng vào tôi một luồng ánh sáng gay gắt.
– Tại máy!
– Máy mới sao lại hỏng? Mà nếu hỏng gì thì sửa chữa, không được làm ẩu. Cô lui ra tôi xem.
Tôi đứng lui ra nhường chỗ cho Hoàng. Cầu trời bàn dao chồm lên cho anh ta biết mặt. Hoàng cầm cơ-lê siết lại vật tiện, bàn dao rồi dao ăn. Lạ chưa! Phoi sắt quăng ra ro ro. Hoàng đóng máy lại:
– Không thể để tình trạng này mãi được? – Anh ta vừa đi ra khỏi phân xưởng vừa làu bàu, không đến các máy khác.
Hết giờ làm ở lại mười lăm phút kiểm điểm tình hình. Đang đợt làm việc cao điểm nên mọi người gay gắt lắm. Họ kiểm điểm tôi chứ tình hình gì! Tôi đến ù tai, chóng mặt vì những tiếng: vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm, kênh kiệu, tiểu tư sản, không muốn phấn đấu vươn lên…
Tôi chả còn hy vọng gì ở kỳ đi học đối tượng Đoàn sắp tới.
Mấy hôm sau, họp Đoàn, nhiều người gạt tôi ra vì theo họ tôi chưa đủ tiêu chuẩn. Hình như Lỡi cũng ở trong số đó.
Đã thế thì… Tôi ức đến nghẹn cổ. Chỉ vì một buổi đi xem mà thành tích của tôi mất hết! Sao họ không nghĩ rằng tôi dã phấn đấu rất nhiều. Sao họ lại căn cứ vào một cái lỗi nhỏ để đánh giá con người tôi. Họ cứ cho tôi đi học đối tượng xem tôi có tốt hơn không nào! Ôi! Họ khe khắt với tôi, chĩa mũi nhọn vào tôi. Vậy là hết ảo tưởng phấn đấu.
Tôi tránh chuyện trò với một số người, đi làm uể oải, có bộ nào diện nhất thì trưng vào… cho biết tay, đây cứ phớt đều. Lỡi tìm cách hỏi chuyện tôi, tôi cũng không nói.
– Cô ta thế nào, mình chịu không hiểu – Lỡi nói khi vắng tôi.
Tôi đang hoang mang về lớp đối tượng Đoàn thì thấy mấy người đi học về đều hớn hở. Có người còn đến an ủi tôi: “cố gắng chút nữa” với giọng kẻ cả, thì xảy đến sáng nay, Lỡi hỏi tôi cái câu oái oăm ấy. Tôi bực mình ghê lắm. Thì ra tất cả những điều anh ta nói với tôi lâu nay cũng chẳng thực bụng nào. Đấy toàn là giọng “thuyết” cả, tuy cũng ngọt ngào!
– Đây không phải chỗ dạy đời. Anh để yên cho tôi làm việc.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Lỡi, hy vọng ánh mắt sắc như dao cau của mình sẽ làm anh ta bối rối. Nhưng không có gì bối rối cả. Lỡi nói gằn giọng.
– Phải. Cô làm việc đi.
Chờ cho Lỡi đi khỏi, Nghĩa lại gần tôi vờ mượn cái com-pa. Một tay anh ta đút vào túi quần, khuỳnh khuỳnh lạ, tay kia cầm điều thuốc lá đang bốc khói, cái đầu đẹp nghênh nghênh:
– Hắn bảo gì Hiên, cái thằng xịt ấy?
Có người đồng tình với mình, tôi được yên ủi đôi phần, liền sùy ra một câu khinh khỉnh bắt chước của Nghĩa ì từ lúc nào không rõ.
– Chậc! Giảng đạo.
Nghĩa cười nhạt:
– Mặc kệ hắn, cần gì! Việc gì Hiên sầu thế.
Lúc đó, một người nào đấy quát lên:
– Nghĩa! Để máy mài chạy không thế à?
– Thôi chết! – Nghĩa ném trả cái com-pa cho tôi, nháy mắt một cái rồi chạy đi.
Bình thường tôi rất khinh những cái nháy mắt kiểu ấy. Nhưng lúc này tôi thấy nó gần gũi thế!
Một buổi tối có cuộc họp thanh niên toàn xưởng. Họp thanh niên nên tôi cũng phải đi. Nghĩ đến họp, tôi sợ. Cơm chiều xong Nghĩa đến bảo khẽ tôi:
– Đi xem nhé!
Tôi không trả lời nhưng về phòng mình thay quần áo diện vào, nhìn lướt qua khuôn mặt xinh đẹp của mình trong gương rồi nhè lúc không ai để ý tôi lẻn ra khỏi nhà. Nghĩa đã đứng đợi tôi ở đầu làng.
– Không ai thấy chứ?
– Thấy thì làm gì nhau?
– Đừng tưởng, thằng xịt nó ghê lắm đấy Hiên ạ. Phải cẩn thận. Hắn sẵn sàng cà khịa với bất cứ ai.
Chả có gì để mà xem, chúng tôi ra ngồi trên bờ đê.
Nghĩa kể cho tôi nghe tình hình ở xưởng từ trước khi tôi về. Theo anh ta thì mọi người “trù” anh và bây giờ “trù” cả tôi nữa.
– Nhưng anh có sợ đâu (Nghĩa đã đổi cách xưng hô từ lúc nào). Anh vẫn bằng chân như vại. Có tài thì không sợ gì hết. Không có anh thì cái phân xưởng này có mà bốc ruốc. Em không biết chứ chính anh đã cải tiến cánh cấu tạo của một chi tiết ở bộ truyền lực… Các kỹ sư đều phục quay…
Tôi hơi nghi những điều anh ta nói nhưng vẫn cứ nghe. Có hề chi, miễn là anh ta thông cảm với tôi.
Mặc dù nghĩ rằng mình chẳng có lỗi gì cả, tôi vẫn biết nếu ông chú tôi, các thầy giáo và các bạn bè xưa kia của tôi sẽ không đồng ý với tôi. Họ hy vọng khác kia. Và tôi, khi quyết định đi làm công nhân cũng hy vọng khác kia. Lúc ấy tôi mường tượng thấy tôi mặc bộ quần áo công nhân rất đẹp, đứng trước máy, ánh mắt chăm chú, miệng luôn hé cười (như chị công nhân trong bức tranh nọ). Tôi sẽ luôn luôn vượt hết chỉ tiêu này đến chỉ tiêu khác. Rồi sẽ có nhiều sáng kiến quan trọng, sản xuất ra những mặt hàng thật tốt, thật giá trị. Chiếc bàn cặp sẽ luôn luôn quay với tốc độ nhanh nhất, phát ra ánh sáng loang loáng. Mọi người sẽ nhìn tôi bằng con mắt tôn trọng, thân yêu. Tôi sẽ được bầu là chiến sĩ thi đua, rồi anh hùng, anh hùng lao động Vũ Thị Hiên. Tôi sẽ không tự mãn đâu, sẽ ra sức học hỏi mọi người. Thành tích tôi mỗi ngày một lớn…
Người ta sẽ trầm trồ:
– Trông cô ta mới đẹp làm sao! Giống hệt bức tranh cô ta đã mua. Con bé đẹp cả người cả nết…
Nhưng sự đời! Bây giờ người ta lại “trầm trồ” những điều hoàn toàn ngược lại. Người ta coi tôi như kẻ chây lười, hư hỏng. Người ta có hiểu lòng tôi! Tôi cô đơn quá! Cái anh chàng Nghĩa này, mặc dầu bây giờ đang làm tôi thinh thích, nhưng tôi hiểu rõ anh ta tầm thường quá. Anh ta không có tinh thần xây dựng cái gì hết. Đánh bạn với một người thế này thì rất chán.
Tôi buồn nản đăm dăm nhìn vào đêm tối.
Con sông nhỏ trong đêm trở nên đen sẫm, mịt mùng. Thỉnh thoảng vài con cá nhảy lên róc róc, sáng loé. Vài vì sao đổi ngôi sáng rực, lao thẳng vào, mất hút trong vũ trụ mênh mông. Nệm cỏ dưới chân tôi êm ái và đưa lên mùi thơm hoang dã, tinh khiết. Đôi lúc nghe tiếng mìn nổ ì ùng ở xa. Chớp lửa hàn ở thành phố sáng loé lên rồi lại tắt vội đi. Một bản nhạc rì rầm, the thé làm cho đêm càng sâu thẳm. Gió thổi nhẹ tràn lan trong bầu không khí tĩnh mịch như khêu gợi về ý tưởng xa xăm…
– Rồi anh sẽ kèm cặp thêm cho. Đảm bảo chỉ một năm là em vượt tất cả thợ ở đây.
Nghĩa vẫn thủ thỉ bên tai tôi những lời ngọt ngào.
– Em có rét không?… Nghĩa ghé lại hỏi và cánh tay anh ta thô bạo quàng qua vai tôi.
Tôi gạt ra. Anh ta thở dài nhưng vẫn cứ riết lấy. Mùi thuốc lá sực lên:
– Hả Hiên? Em có… Đừng nỡ từ chối anh… Hiên ơi!… Chúng ta chẳng đã…
Ơ! Cứ làm như tôi là người yêu anh ta không bằng ấy! Tôi cương quyết gỡ tay anh ra ra và đứng dậy, đi như chạy trên đê. Về đến nhà mới kịp thở dồn, lờm lợm. Vừa ức vừa xấu hổ. Đúng là đồ mất dạy. Nó định lợi dụng mình.
Tưởng mọi người đã đi ngủ, tôi len lén lại giường buông màn xuống, ngồi im một lúc.
Bỗng chiếc công tắc điện bật tách một cái. Ngọn đèn bàn có chao bằng phim nhựa sáng lên. Ánh sáng xanh biếc máu lá cây.
– Hiên về đấy à? – Thanh hỏi, giọng rất tỉnh, chứng tỏ cô ta chưa ngủ được tí nào – có mấy cái kẹo phần cậu mình cất trong ngăn kéo ấy… Thôi để mình lấy cho.
Thanh lục đục ngồi dậy thò đầu ra khỏi màn. Cô ta mở ngăn kéo, bốc kẹo để lên bàn, đẩy lại phía tôi.
– Cậu không ở nhà họp, thiệt quá. Tuyên giáo tỉnh về nói chuyện tình hình thời sự tổng hợp. Ông ấy nói hay lắm Hiên ạ!… Kìa! Hiên làm sao đấy?…
Thanh tụt xuống đất nhìn tôi trân trân. Có lẽ lúc đó mặt tôi như bức tượng, mắt đờ đẫn, không chớp, da tái xanh.
– Không! Không sao cả – tôi nói.
Thanh vẫn săn đón:
– Chuyện gì thế Hiên? Có thể cho mình biết được không?
Tôi vẫn ngồi bất động. Không dễ mà nói những điều tôi đang nghĩ ra.
Một bữa máy đang chạy bỗng nhiên tôi thấy người mệt mỏi choáng váng. Tôi cố gắng đứng vững nhưng hai chân cứ run run. Tôi ốm rồi!
Người ta đưa tôi đến phòng y tá. Chị y tá của xí nghiệp khám xong, tiêm cho tôi một mũi thuốc.
– Cô cứ nằm đây nghỉ nhé, mệt qua quýt thôi.
Một mình nằm lại trong phòng, tôi ngủ trong giấc chấp chờn. Những tiếng động bên xưởng vọng lại đều đều, âm âm. Tôi biết rõ vì sao tôi ốm. Tất nhiên, qua nhiều đêm mất ngủ, bực bội trong người, không ai có thể khoẻ khoắn được. Thời gian qua tôi như một người sống trong một thế giới riêng biệt, không thể nào chan hoà vào với mọi người. Tôi biết là tôi có lỗi nhưng bỗng dưng sửa lỗi thì ngượng quá. Đã nói là tôi rất kiêu hãnh về mình.
Từ cái buổi tối trên bờ đê hôm đó, tôi không chuyện trò gì với Nghĩa nữa. Anh ta cũng khinh khỉnh với tôi.
Một buổi sáng tờ báo “Hợp kim” của phân xưởng xuất hiện một bài vè đả kích tôi:
“Cái miệng cô xinh
Cái má cô hồng
Cô kiêu kỳ lắm
Rồi cô ế chồng…”
Anh em xúm lại xem, chỉ một loáng mọi người đã thuộc.
Thấy đông người Lỡi cũng lại. Anh ta giật mảnh giấy. Vò nát trong tay.
– Sinh ra tờ báo không phải để nói xấu ác ý như thế! Không còn ra cái trò gì nữa!
Mọi người đang cười liền im bặt.
– Ai viết? – Lỡi hỏi.
Mười mấy cặp mắt đều đổ dồn vào Nghĩa. Hắn thọc hai tay vào túi chuồn mất.
– Không thể nào chịu được cái lối ấy. Thế mà các đồng chí cười được! Mấy lần xin lỗi, mấy lần hứa sửa chữa, rồi chứng náo vẫn tật ấy! Bây giờ lại sinh ra cái trò này nữa.
– Phải nói là Lỡi rất nóng. Gặp phải việc trái khoáy, người anh cứ bừng bừng lên, nhảy xổ vào can thiệp ngay.
Tôi đang nghĩ lan man về Lỡi thì anh ta xuất hiện. Thiêng như ma! Lỡi xách một cái cặp lồng.
– Cháo của Hiên đây.
Lỡi đặt xuống bàn, kéo ghế ngồi lại gần tôi.
– Ăn cho nóng nhé!
Trong lúc tôi ăn cháo, Lỡi hỏi về tình hình sức khoẻ của tôi. Rồi anh rót cho tôi một chén nước đầy ắp. Chỉ có những anh chàng vụng về trong sinh hoạt mới làm như thế. Lúc này trông Lỡi thật hiền, chẳng có gì đáng ghét cả. Nếu anh biết tôi đã từng nghĩ xấu về anh thì anh không thể tha thứ cho tôi. Bất giác tôi thầm so sánh Lỡi và Nghĩa ì. Hai người có thể nói là hai tấm gương trái ngược. Sự so sánh làm cho tôi nhận ra mình rõ hơn.
– Có phải Hiên giận tôi lắm phải không? – Lỡi hỏi – có gì xí xoá nhé! Đôi lúc tôi cũng nóng nảy không phải.
Tôi ngượng ngùng không dám nhìn Lỡi. Anh chẳng có lỗi gì hết, chỉ có tôi là…
– Hiên đừng để bụng. Có gì cứ nói thẳng ra, giúp nhau sửa chữa Hiên ạ. Có lúc tôi nghĩ mình chưa làm tròn trách nhiệm với Hiên… Lẽ ra có thể đưa Hiên đi học đối tượng Đoàn ấy. Nhưng Hiên biết, anh em họ không vừa ý với… Hiên. Tôi rất biết lẽ ra ở hoàn cảnh của Hiên thì có thể đi học Đại học, điều ấy đối với Hiên rất dễ dàng. Nhưng Hiên đã đi làm thợ. Không phải ai cũng có gan vậy đâu. Người ta coi trường Đại học là mảnh đất lý tưởng, có vào đấy mới có tiền đồ, hạnh phúc. Tôi nghĩ Hiên có thể làm được tất cả mọi việc, sẽ rất tiến bộ nếu xác định đúng vị trí của mình và quyết tâm khắc phục những khó khăn… Cuộc đời không bao giờ bằng phẳng cả, nhất là bằng phẳng theo ý niệm của những người chưa ở trong thực tế, bởi vậy mới cần đến sức phấn đấu…
Ngày hôm đó nhiều người đến thăm hỏi, chuyện trò với tôi. Sự chăm sóc và tình cảm chân thành của mọi người làm tôi rất cảm động, nhiều lúc muốn trào nước mắt ra.
Tôi đã nhầm, rất nhầm… Sự ưu đãi đặc biệt ở những nơi tôi đã sống qua làm tôi khổ sở đấy. Giá mà trước kia người ta đừng gây cho tôi cái cảm giác rằng: Có thể đạt được nguyện vọng một cách dễ dàng như uống một cốc nước giải khát, không cần sự cố gắng, tự mình nào cả. Rằng với tôi cuộc đời đã chứa sẵn một lối hào quang rực rỡ, bất luận tôi thế nào! Bởi vì nghĩ như vậy nên khi gặp những thử thách đầu tiên tôi đã không tự chủ được nữa. Tôi quen sống trong nuông chiều, dễ dãi rồi!
Sau nay, khi tôi đã được vào Đoàn và trở thành một người thợ với đúng nghĩa của nó tôi càng nhận ra điều ấy hơn. Còn lúc này trong lòng tôi tràn ngập một nỗi biết ơn đối với các bạn thợ của tôi, nhất là Lỡi.
Cái hôm tôi được kết nạp vào Đoàn sao mà cảm động thế! Bao nhiêu nét mặt hân hoan, tin tưởng hướng vào tôi. Thời gian qua tôi đã đổi thay, rũ bỏ tất cả những gì sai lệch. Đứng trước các đồng chí tôi nói đựơc gì đâu!
Xong buổi lễ kết nạp, tôi lại gặp anh Lỡi. Anh cười với tôi, một nụ cười sung sướng. Chợt nhớ đến cuốn điều lệ đoàn, tôi bảo:
– Anh để cuốn ấy cho em làm kỷ niệm nhé!
– Không được đâu. Hiên cũng phải có một cuốn của Hiên chứ.
Tôi cứ nài. Anh duỗi ra:
– Nhưng Hiên đã trả lại cho mình, lại còn bảo không bao giờ thèm… còn nhớ không?
– Anh nhắc lại làm gì – Tôi ngắt lời anh. Thực tình nhắc lại cái đoạn ấy tôi thẹn lắm.
– Bức tranh của Hiên đâu rồi? – Lát sau Lỡi hỏi.
Tưởng là Lỡi trêu tôi, suy nghĩ một lát tôi trả lời:
– Em chả thích bức tranh ấy nữa. Nó đã làm em khốn khổ…
Lỡi nói:
– Không phải thế đâu Hiên ạ! Bức tranh ấy vốn đẹp. Chỉ tại Hiên hiểu sai nó thôi. Bây giờ tư thế làm việc của Hiên đẹp có kém gì bức tranh ấy! Mình nói thật đấy!
Tôi hiểu ý anh. Nhưng dù sao tôi cũng không luyến tiếc nó nữa, trong lòng tôi đã có bức tranh đẹp khác rồi. Bức tranh này không phải tôi mua bằng ba hào tiền của ông chú, mà tôi tìm được sau nhiều sướng vui, vất vả, ngỡ ngàng, đau khổ… Bức tranh là tập thể thợ ở phân xưởng mà Lỡi là nhân vật nổi bật! Tôi thầm cảm ơn những người thợ rất nồng nhiệt nhưng rất nghiêm khắc với tôi.
Đ.A