“Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương” tập hợp được những cây bút đã tạo dựng được tên tuổi trong làng văn hiện tại…
Những sáng tác mới của Đỗ Bích Thúy, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Vi Thùy Linh… được tập hợp trong cuốn sách vừa phát hành của Nhà xuất bản Văn học.
“Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương” tập hợp các tác phẩm đặc sắc đăng trên báo Nhân dân hàng tháng trong năm 2013. Sách chia làm hai phần: Truyện ngắn của các tác giả Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Vũ Xuân Tửu, Kiều Bích Hậu… và các tạp bút của Vi Thùy Linh.
Tác giả Codet với “Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương” kể câu chuyện Hà Nội đầy ắp chi tiết và cảm nghĩ ám ảnh. Từ ngõ Tạm Thương, qua cách nhìn của một cô gái thất nghiệp, có thể nhìn sâu vào đời sống, nhịp sống bên trong đô thị hiện đại. Các chi tiết trong truyện có vẻ vụn vặt không liên quan lại được đan cài xen kẽ như 36 phố phường Hà Nội. Truyện thể hiện vốn sống, trải nghiệm, xúc cảm của tác giả với đời sống, văn hóa Hà Nội.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thể hiện niềm tin vào cái thiện, cái đẹp ở “Cành phong hương”. Trong truyện ngắn này có nhiều đoạn viết trầm buồn, lãng đãng như tâm hồn kín đáo người phụ nữ. Trong khi đó, Đỗ Bích Thúy vẽ nên bức tranh ưu tư, ảm đạm nhưng đầy tinh tế, nhạy cảm của “Sương khói mịt mờ”. Phong Điệp thổi vào “Chàng trông xe hạnh phúc” hơi thở của đời sống hiện tại. Sử dụng những chi tiết đời thường giản dị, Phong Điệp tạo ra một cái kết bất ngờ, đầy ẩn dụ.
Một số truyện ngắn với đề tài chiến tranh cũng được lựa chọn đưa vào tuyển tập này. “Trên sông một điệu hò” của Tam Lệ được đánh giá là một truyện ngắn xuất sắc, mộc mạc nhưng có nét buồn đẹp. “Đêm qua Thừa Lưu” của Trần Hoàng Trì chỉ vỏn vẹn hai nghìn chữ mà họa lại bức tranh đủ khốc liệt, bi hùng của chiến tranh. Còn “Ánh mắt trong veo” của Châu Quỳnh tạo dựng lại chiến tranh qua tâm lý nhân vật, lý giải cuộc chiến với chiến công trong trận mạc của người lính.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét những sáng tác văn chương này phần nào phản ánh dung mạo văn học hiện tại. Ông nói: “Nó không hạn chế đề tài và vùng miền, không hạn chế ở cả sự phản chiếu tốt xấu của xã hội đương đại và cái thành công nằm không chỉ ở kinh nghiệm viết…”.
Phần sau của “Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương” là 11 tùy bút của Vi Thùy Linh như “Hộ chiếu tâm hồn”, “Mùa xanh”, “Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng”, “Trên cánh đồng tháng Mười”, “Cuộn len kỳ diệu”… Xuyên suốt các trang viết là hương vị, hình ảnh của những vẻ đẹp trong đời sống chúng ta. Vi Thùy Linh đưa người đọc tới những hương vị da diết của món ăn Việt nơi đất khách, lang thang dưới tán các vòm cây dọc đường Hà Nội, bâng khuâng trên cánh đồng sực nức hương ngũ cốc, đất đai, hay lạc giữa náo nhiệt, đầy nắng của Sài Gòn…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét tùy bút Vi Thùy Linh được viết bằng nhịp văn dào dạt, mê đắm, nhiều lúc vô định, nhưng vẫn rành mạch, đan quyện. Nhiều đoạn được viết như một bài thơ. Nguyễn Quang Thiều nói: “Có người nghĩ Vi Thùy Linh làm thơ trong nhiều tùy bút của mình. Chị không làm thơ lúc ấy. Chị là người quan sát đời sống và bị đời sống làm cho kinh ngạc cuốn đi không thể chối từ”.
Với hơn 30 tác phẩm, “Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương” tập hợp được những cây bút đã tạo dựng được tên tuổi trong làng văn hiện tại. Đây không chỉ là những truyện ngắn, tạp bút đặc sắc được giới thiệu tới độc giả, mà còn phản ánh đời sống hiện tại cũng như một phần dung mạo văn học Việt Nam ngày nay.
Hiền Đỗ
(Nguồn lucbat.com)