Bước chân tập tễnh – Đỗ Bảo Châu


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôiTuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Bước chân tập tễnh của nhà văn Đỗ Bảo Châu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôiTuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Bước chân tập tễnh của nhà văn Đỗ Bảo Châu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Đỗ Bảo Châu


HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: ĐỖ BẢO CHÂU. SINH NGÀY 12 THÁNG 1 NĂM 1946. QUÊ QUÁN: DƯƠNG LIỄU, HOÀI ĐỨC, HÀ NỘI. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: KHU ĐÔ THỊ ĐỒNG TẦU, QUẬN HOÀNG MAI, HÀ NỘI. BẮT ĐẦU SÁNG TÁC VĂN XUÔI (TÁC PHẨM ĐƯỢC IN) NĂM 1968. THEO HỌC KHOÁ 7, TRƯỜNG BỒI DƯỠNG NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 1974-1975. TỐT NGHIỆP TRƯỜNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU KHOÁ 2 (1983-1985).

 

BƯỚC CHÂN TẬP TỄNH

Hôm nay Yến Chi ở nhà một mình. Nói chính xác, là sáng nay. Nó vẫn mong được ở nhà một mình. Bây giờ đã toại nguyện. Nhưng chỉ lúc đầu thôi. Ba tiếng sau, nó cảm thấy lo lắng. Ngôi biệt thự có mặt bằng xây dựng tám mươi mét vuông. Mặt bẳng tổng thể gần hai trăm mét vuông. Cứ nguyên chuyện dọn nhà, tưới cây đã ốm. Nhưng ngại nhất (và cũng lo sợ nhất) là bất chợt có khách đến chơi. Ngày trước, bố mẹ và anh nó khi đi đâu vẫn dặn: Không được mở cổng nếu là khách lạ. Nhưng đấy là còn bà Tỵ giúp việc. Hôm qua, bà Tỵ xin phép về quê ăn giỗ…

Có gì mà phải băn khoăn? Bây giờ đã chín giờ. Chậm nhất cũng chỉ hai tiếng nữa, mẹ sẽ về. Hai tiếng. Nó lẩm bẩm và tiếp tục ngồi vào bàn, viết thư cho bố nó.

Mặc dù đã biết đánh máy, biết “meo”, nhưng nó vẫn thích viết bằng tay. Rồi mới đánh máy. Nó cúi gò xuống bàn, hí húi viết. Được nửa chừng, nó chợt cảm thấy “bí”. Viết gì nữa đây? Bố đang ở tận Paris, chắc là lạnh lắm. Có nên bảo bố mua cho cái váy không nhỉ? à, trước khi đi, bố nói sẽ mua khi nào qua Pháp. Nhắc làm gì nữa. Hay là…

Bỗng có tiếng chuông cửa. Nó lắng nghe, nhưng vẫn ngồi yên. Lại tiếng chuông. Nhưng lần này có vẻ rụt rè, lúng túng. Ai thế nhỉ?

Sau tiếng chuông thứ hai khá lâu, không thấy bấm tiếp. Khách đã bỏ về rồi chăng? Hay bọn trẻ con?… Không phải!

Tò mò xen với sợ hãi, Yến Chi chậm rãi đi ra phía cổng. Nó nhìn con Tô Tô bị xích ở sân, như để tự trấn an mình. Rồi bước chân nó nhanh hơn. Mà sợ gì chứ? Cổng hai lần khóa.

– Cháu… cháu gái à!

Con bé giật mình, vì tiếng gọi phát ra từ phía một ông già nhỏ thó. Quần áo nhầu nhĩ. Giá đứng cạnh một cái xe máy, thì nó đã nghĩ đến một lão xe ôm. Hay là ông già từ quê ra? Không! Trông lạ hoắc.

– Cháu gái à. Mẹ có nhà không? Ông già tiến sát cánh cổng.

– Dạ! Ông… ông hỏi ai?

– À! Chả là ông đến thăm mẹ cháu. Lần trước ông đến, cháu còn bé lắm.

– Nhưng ông gặp… ai?

– Mẹ cháu mà! Mẹ cháu tên Cần, đúng không?

– Vâng! Nhưng mẹ cháu đi vắng. Mẹ cháu đi làm.

– Vậy hả? Ông già có vẻ tần ngần.

– Ông gặp mẹ cháu có việc gì ạ?

– Không! Chả có việc gì… Ông chỉ đến thăm mẹ cháu.

Cuộc đối thoại rời rạc qua cánh cổng sắt. Yến Chi đã định nói dối, là nó không có chìa khóa cổng. Nhưng nó im lặng. Nó quan sát ông già, và lờ mờ hiểu ra rằng, ông già đến có lẽ để nhờ vả chuyện gì đây. Nhờ mẹ nó. Hoặc qua mẹ nó để nhờ bố nó.

– Thôi, ông về. À!… Ông mang quà cho mẹ cháu. Nhưng có lẽ… cháu không có chìa khóa, nhỉ!

Bây giờ thì con bé mới nhìn thấy một cái túi da cũ kỹ, ông già đặt cạnh cổng sắt. Cái túi không chỉ cũ, mà còn có vẻ… bẩn bẩn.

Con bé ngần ngại:

– Nhưng cháu…

– Ông hiểu rồi! À, thử cho cái túi qua khe cổng…

Ông già nhấc từ trong túi ra một vật gì gói chằng nhằng nhịt. Trông có vẻ như hình hai cái chai được bó liền nhau. Nhưng cái vật lằng nhằng đó cho không lọt vào khe cửa. Mặt ông già buồn xo.

Con bé cảm thấy như người có lỗi. Nó thò tay vào túi áo. Và vô thức, nó lôi ra chùm chìa khóa.

Mắt ông già sáng lên:

– Vậy mà ông cứ tưởng cháu không có chìa khóa.

Con bé khẽ giật mình. Nó cảm thấy ân hận.

*

Con bé gần như đi ngang với ông già. Lúc qua chỗ con Tô Tô, con chó không sủa mà gầm gừ. Ông già vội vàng đi né về một phía, mặc dù đã biết con chó đang bị xích. Bây giờ thì con bé mới nhận ra bước đi tập tễnh của ông già. Không rõ ông bị thọt, bị tật bẩm sinh hay bị tai nạn? Đã nhỏ thó lại dị dạng, khiến ông già trông rất phản cảm. Con bé vơi đi nỗi lo lắng về sự mất an toàn, nhưng lại tăng thêm nỗi khó chịu vô cớ. Vì cái gì nhỉ? Nó không cắt nghĩa rành mạch được. Dường như có sự khinh bỉ, ghê tởm. Hoặc đại loại gần như thế. Nó lại thấy ân hận. Nhưng theo một chiều hướng khác.

– Ông cứ để cái túi… Ở thềm. Ông vào trong này.

Ông già có vẻ lưỡng lự trước một căn phòng khách mênh mông và bóng lộn. Nhất là bộ xa-lông bọc vải trắng muốt. Ông đứng ở thềm, và vẫn cầm khư khư cái túi da, thú thật, không hơn một cái giẻ rách.

– Cái này! Ông già hơi ngập ngừng, là hai chai mật ong. Mật ong rừng đấy. Ông mang từ mạn ngược về. Hôm nghe mẹ cháu nói, bố cháu bị đau dạ dày, nên ông mới cất công. Ông phải bọc kỹ, là vì ông sợ bị vỡ…

– Sao ông không đựng trong chai nhựa? Thiếu gì chai nhựa.

– Ấy chết! Mật ong tối kị đồ nhựa. Đồ hóa chất. Cái giống mật ong rừng, nó khó tính. Thôi được! Ông để sát đây. Mà cháu cẩn thận cho ông. À, cháu là Chi, đúng không nào?

– Vậy ông… cũng biết cháu?

– Biết! Biết nhiều là đằng khác.

Mặt con bé giãn ra. Nó vội mời ông già vào phòng khách. Ông già chợt nhìn thấy bộ bàn ghế ở gian bếp đối diện, như được giải thoát.

– Này cháu! Ta ngồi trong này. Cái chân ông, phải ngồi duỗi. Khổ vậy!

Con bé cũng được giải tỏa về nỗi khó xử. Nó chạy vào, kéo ghế.

– Ông uống!…

– Cứ cho ông cốc nước lọc. Có đá càng tốt. Ái chà, thế cháu lên mấy rồi?

– Cháu mười hai.

– Vậy là… cháu gái hơn mẹ sáu tuổi. Phải rồi!

– Ơ! Sao cháu lại hơn tuổi mẹ?

Ông già như chợt tỉnh. Ông ngồi xuống ghế, và cười:

– À! Là ông nghĩ đến cái hồi mẹ cháu bị sập hầm. Lúc ấy mẹ cháu sáu tuổi. Mà lâu quá rồi.

Con bé sửng sốt:

– Mẹ cháu sập hầm gì ạ? Sao cháu không biết?

Ông già cảm thấy như có lỗi:

– Chuyện dài lắm. Lúc đó đâu đã có cháu. Chuyện xưa rồi. Từ hồi chiến tranh cơ.

Con bé đưa cốc nước cho ông già. Những viên đá nhỏ, nổ tí tách. Nó gật gù:

– Thế thì cháu biết. Trong phòng mẹ cháu còn treo một mẩu báo cũ. Khu phố đổ nát. Có người đào bới. Nhưng sao ông biết mẹ cháu? Là cháu hỏi, vì sao ông biết mẹ cháu hồi còn bé?

– À! Cháu gái này, ông đã nói là chuyện dài lắm mà. Chuyện xưa rồi. Đại để hồi đó, ông ở cạnh nhà mẹ cháu. Ông là hàng xóm…

*

Lúc bố gọi điện thoại về, Yến Chi đã nói và cười hơi to, nên có lẽ ông già cũng nghe thấy. May mà điều bố nói, chỉ Yến Chi nghe được. Bố hỏi mẹ, rồi hỏi bà Tỵ. Khi biết bà Tỵ về quê, bố nhắc đi nhắc lại với Yến Chi, là từ giờ phải hết sức cảnh giác với người giúp việc, người lạ, khách đến nhà khi người lớn đi vắng. Xem trên mạng, trên báo, bố vừa nghe một chuyện hết sức rung rợn, chuyện người giúp việc giết chủ nhà, cướp của. Cả chuyện có bọn đóng giả người nhà quê ra thăm họ hàng, biết chắc những nhà giàu hay đi vắng, ở nhà chỉ có trẻ con… Ôi! Bố nói mà làm Yến Chi nổi gai ốc. Đến nỗi nó quên khuấy chuyện bố đã mua váy cho nó hay chưa.

Yến Chi đặt ống nghe, đúng lúc ông già đang lúi húi tìm cái gì. Đột nhiên trước mắt con bé, ông già hiện ra với một hình ảnh khác. Chai mật ong chứ là cái quái gì, sao ông lão chằng buộc lằng nhằng thế? Mà liệu có phải mật ong rừng, hay cũng chỉ là thứ “mật ong nguyên chất” bày bán la liệt ở vỉa hè? Ông lão biếu mật ong cho mẹ làm gì? Từ ngày bố làm Vụ trưởng, đã chẳng thiếu thứ gì. Đến như sâm hồng sâm đen Hàn Quốc, cũng từng hộp, từng lọ. Yến sào là thứ ngày xưa chỉ có vua ăn, thì nay trong nhà cũng có đến mấy hộp. Bây giờ, bố lại sắp lên Thứ trưởng, không chừng gần tết, khách đến phải xếp hàng. Bõ bèn gì cái thứ mật ong…

Nhưng con bé lại đổi chiều suy nghĩ. Bố chả nói một số kẻ đóng giả khách quê ra chơi. Lân la, mà lại cứ nhè đúng nhà giàu không có người lớn…

Con bé bỗng giật mình, lén nhìn cái túi da. Vết hằn là cái chai, hay thứ gì? Không ổn rồi. Vì sao ông lão đã biết chắc không có mẹ ở nhà, lại cứ nấn ná thế? Câu chuyện thì rời rạc. Hỏi cái gì cũng không chịu nói. Hoặc nói lấp lửng. Mà làm gì có chuyện ngày xưa ông lão lại là hàng xóm của mẹ? Có bao giờ bố hay mẹ kể về một ông hàng xóm nào đâu? Vả lại, hàng xóm từ xửa từ xưa, là cái quái gì cơ chứ? Đích thị không có ý đồ xấu, thì cũng đến nhờ vả…

*

Nhấc ống nghe khỏi đế, nhưng không phải để gọi cho bố, mà cho mẹ. Sao cái giọng nói “… Xin vui lòng gọi lại sau…” lại dễ ghét đến thế. Con bé bắt đầu lo lắng. Nó chợt nhớ ra điều gì. Nó bấm máy. Lần này thì có người thưa. Nó chạy ra phía ngoài, nói líu ríu…

*

Tiếng chuông cửa dồn dập, khiến con Tô tô sủa một tràng dài.

Phía ngoài cổng, chiếc xe SH đang còn nổ máy. Và chủ nhân của nó, một gã đàn ông to cao vẫn ngồi trên xe.

Con bé quên cả ông khách già, chạy cuống ra ngoài cổng.

Chiếc xe SH đi thẳng vào trong sân. Té ra gã đàn ông chỉ là một thanh niên choai, nhưng có thân hình phổng phao. Không cần chờ chủ nhà còn đang lúi húi ngoài cổng, gã đi thẳng vào phòng khách.

Gã lia mắt khắp phòng. Và ánh mắt như găm vào ông lão đang ngồi ở gian bếp.

Yến Chi chạy vào. Con bé líu ríu:

– Anh Đoàn! Anh uống gì nhé. Cô ca…hay Bò húc? à! Anh thích Pan ta

Đoàn phẩy tay, ngắt lời:

– Khỏi! Gã hạ giọng. Lão “khốt” kia, hả?

– Vâng!

– Chưa rõ lai lịch, hả?

– Hình như ngày xưa… là hàng xóm của mẹ.

– Quên mẹ nó cái ngày xưa đi. Nói thế cho nó vuông. Để anh ra “làm việc” với lão.

– Thôi! Có mặt anh ở đây là được rồi. Em lo thót cả người.

Đoàn nắm cái đuôi tóc của Yến Chi, bẹp mồm cười:

– Bây giờ hết “thót” rồi chứ? Với anh… Muỗi!

*

Đoàn có vẻ rất tự tin trong ngôi nhà của cô bạn bé nhỏ. Gã mở tủ lạnh, lấy ra một lon bia Heineken, bật nắp và tu ừng ực. Gã lấy tay quẹt mép và đến bên ông già:

– Xin lỗi! Cụ đến có việc gì vậy?

– Tôi không hiểu. Cậu là?…

– Có gì mà không hiểu. Tôi… à, xin lỗi! Cháu là người nhà… Nghĩa là họ hàng… Cháu chưa gặp cụ bao giờ. Rất tiếc!

– Ra thế!

– Cụ trả lời đi chứ. Cụ đến có việc gì?

– Tôi chỉ đến chơi thôi mà. Tôi chờ mẹ cháu Chi về.

– Này! Xin lỗi. Mẹ cô bé còn lâu mới về. Với lại, có về cũng… xin lỗi! Không có thì giờ tiếp cụ đâu. Cụ có gì, cứ đề xuất, cháu sẽ giúp. Nói thế cho nó vuông. Mà cụ quan hệ thế nào với bà Cần nhỉ?

Ông già gần như đã hết kiên nhẫn. Ông đứng dậy khó nhọc và chậm rãi đi ra phía cửa. Gã chạy theo. Đúng lúc đó, nhạc chuông vang lên. Gã rút điện thoại, nghe. Câu chuyện trong điện thoại khá dài dòng, nên khi cúp máy, ông già đã đứng ở ngoài sân.

– Cháu Chi đâu nhỉ?

Gã thanh niên khệnh khạng bước ra:

– Vậy là cụ định chuồn? Xin lỗi! Cụ phải cho biết, cụ là ai, ở đâu đến chứ? Đây là nhà Thứ trưởng… À, chí ít thì cũng sắp là Thứ trưởng. Đâu phải cứ đến, cứ đi… Xin lỗi!

Ông già cảm thấy rất khó chịu. Nhưng vẫn không phản ứng gì. Ông có ý ngóng đợi cô chủ nhà.

*

Cho đến lúc ông già đi khỏi, Yến Chi vẫn không biết tên ông già. Cô bé cùng gã thanh niên choai, có biệt danh Đoàn “híp”, vội vàng xem xét hai căn phòng. Khi thấy mọi thứ vẫn “nguyên vẹn, không suy suyển mảy may”, thì chúng bắt đầu chú ý đến cái túi da mà bên trong hằn lên hai vật hình ống, thót đầu.

– Anh mở ra đi.

– Lão khốt bảo cái gì?

– Mật ong rừng.

– Thôi đi! Kiếm đâu ra mật ong rừng. Nói thế cho nó vuông.

– Hay là…

– Cái gì?

– Nhỡ… bom!

– Thôi đi! Lão khốt mang bom đến làm gì? Mà nếu bom, lão đã vội chuồn từ lâu.

– Vậy anh mở ra đi.

– Thôi đi.

– Anh sợ à?

– Sợ quái gì. Ừ! Thì mở.

Đoàn híp nổi máu yêng hùng. Hay chính gã cũng tò mò? Và gã tiến lại cái túi. Đầu tiên gã đá đá phía đáy. Cái túi đổ. Gã có vẻ yên tâm. Cũng vì sĩ diện nữa. Gã ngồi xuống, cởi dây túi. Những sợi dây chằng buộc xổ tung. Hai cái chai với thứ nước vàng sánh màu hổ phách hiện ra…

– Mật ong… có lẽ mật ong rừng. Đúng! Nhưng lão “khốt” là ai nhỉ?

Đoàn híp đứng dậy, xoa tay. Gã cảm thấy tay bị dính mật. Gã đưa tay lên mũi, hít hít. Rồi bỗng gã nhăn mặt. Cũng chẳng rõ tại sao. Có thể do cái bệnh sĩ diện, không chịu thừa nhận một sự thật hiển nhiên.

– Anh đi rửa tay đi.

Toa-let chỗ nào thế?

– Theo em.

Hai đứa đi về phía nhà vệ sinh. Con bé mở cửa. Mở vòi. Đoàn híp tiến lại. Thân hình phốp pháp của gã chắn ngay cái cửa hẹp. Đột nhiên gã ghì đầu con bé về phía gã. Con bé bị bất ngờ, nhưng phải một lúc sau mới kịp phản ứng. Đoàn híp cứ tiến. Con bé lùi dần. Đã kịch tường. Bỗng con bé kêu thét lên.

Đoàn híp giật mình. Con Tô tô sủa liên hồi. Đoàn híp vội đi ra. Con bé được giải thoát.

Đoàn híp chùi tay vào cái quần lửng:

– Mẹ kiếp! Ơn nên oán. Xin lỗi! Cứ làm như báu lắm. Bố mày, bạn gái có đầy. Xin lỗi!

*

Tiếng xe máy ngoài cổng bỗng im bặt. Tiếng lách cách của chìa khóa. Cổng mở, người đàn bà dắt xe vào. Quay lại khóa cổng. Bà có vẻ ngạc nhiên. Con bé làm gì mà không ra đón mẹ?

– Yến Chi ơi!

Không có tiếng thưa. Người đàn bà dựng xe ở sân.

– Chi ơi!

– Con đây! Tiếng đáp lí nhí.

– Mày làm sao thế? Mà có chuyện gì thế?

– Dạ không. Không có chuyện gì.

– Cầm cho mẹ cái giỏ rau. Ơ! Ai đến thế này? Cái túi của ai? Sao lại để ở đây?

Yến Chi chạy ra, quần áo xốc xếch. Bà mẹ nhìn con gái với vẻ mặt đầy nghi ngại.

– Có ai vừa đến à? Quen hay lạ?

– Ông già!… Con không biết.

Bà mẹ sửng sốt:

– Sao lại không biết? Mà mày cho vào trong nhà? Khổ ơi là khổ! Đã dặn bao nhiêu lần.

Con bé phụng phịu:

– Tại vì ông ấy bảo quen mẹ. Ông ấy bảo là hàng xóm của mẹ.

– Vớ vẩn! Hàng xóm nào?

– Từ ngày xưa cơ. Ông ấy bảo mẹ bị sập hầm.

Người mẹ bỗng đứng ngây ra:

– Thôi chết! Có phải ông lão chân đi tập tễnh không?

Con bé sợ hãi:

– Đúng là cái ông già chân đi tập tễnh. Làm sao hả mẹ? Mà tại vì ông ấy bảo, ông ấy mang cho mẹ mật ong. Ông ấy còn lừa con là mật ong rừng.

Người mẹ quăng cái túi xuống đất. Bà cúi gập người, rồi gần như quỳ xuống bên cái túi da sờn rách, đầy bụi đất mầu nâu đỏ.

Con bé không hiểu gì, nét mặt lo lắng:

– Tại vì con gọi điện cho mẹ, nhưng mẹ tắt máy.

Người mẹ quay lại, đôi mắt đỏ hoe:

– Con không có lỗi gì cả. Chỉ tại mẹ không dặn con. Mẹ không kể lại cho con. Người đó là ân nhân của mẹ. Năm “bảy hai“, giặc Mỹ ném bom Hà Nội. Hầm nhà bị sập. Ông đã cứu mẹ.

Con bé bỗng ngồi xuống bên mẹ:

– Ông ấy là hàng xóm của mẹ à?

– Phải rồi! Nhà ông không còn ai sống sót. Ông đi làm ca về, thấy nói, mẹ bị kẹt dưới hầm. Lúc đó mẹ mới có sáu tuổi. Ông mở một con đường, chui vào, lôi được mẹ ra. Một thanh dầm sụt xuống, đã khiến chân ông bị gãy.

– Thế mà con cứ tưởng…

– Tưởng gì?

– Ông đến để… nhờ mẹ cái gì. Tại vì, trông ông ấy…

– Im ngay! Con đừng có hỗn.

Con bé chợt thấy ân hận:

– Con xin lỗi! Để khi nào ông quay lại…

Nước mắt người mẹ lăn dài trên gò má:

– Ông sẽ không bao giờ quay lại.

– Vì sao ạ?

Người mẹ không đáp. Đôi mắt mờ nhòa.

Tháng 7/2009

Đ.B.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder