Sáng thứ bảy 10-12-2022, tại Khách sạn Hải Quân (Số 5 phố Lý Tự Trọng – Hải Phòng), Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm truyện “Trong bão” (Nhà xuất bản Thanh Niên – 2022) của tác giả Trần Đức Trí – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.Cuốn truyện “Trong bão” là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của nhà thơ Trần Đức Trí về những trải nghiệm 20 năm đầu đời của cậu bé Đức, nhân vật trung tâm: Ở tuổi trẻ con với bố mẹ ông bà, những đám giỗ họ, cái chết của ông bà nội, những đêm ma quỷ thần thánh. Ở tuổi học đường nhà quê, tuổi khao khát học vấn với những tình cảm giới tính mơ hồ thấp thoáng; các kỷ niệm với bạn bè chơi khăng đánh đáo, với các thầy cô giáo càng lớn càng ấn tượng. Ở tuổi trai tráng lên đường gánh vác chiến tranh. Dường như, tất cả những kỷ niệm, kí ức của Trần Đức Trí đều được trân trọng giữ gìn, lâu lâu lại được hồi nhớ để tưới tắm thêm cảm xúc nên khi tác giả kể lại qua nhân vật Trần Đức, nó tươi ròng, sống động náo hoạt và hấp dẫn khiến người đọc như được cùng Đức “sống lại” tuổi thơ, sống lại thời trai tráng của chính mình. Mở đầu buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quốc Vượng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng – tới dự, tặng hoa chúc mừng tác giả và phát biểu chia sẻ về những kỷ niệm thời học sinh cách đây hơn nửa thế kỷ có nhiều gắn bó với Trần Đức Trí- bạn học sau 1 lớp cùng trường phổ thông cấp 3 Nam Kiến Xương (tỉnh Thái Bình),đồng thời nêu cảm tưởng sau khiđọc cuốn truyện “Trong bão” Nhà văn Đặng Thị Thúy và kiến trúc sư Võ Quốc Thái đều là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng, nhà thơ Đinh Thường – Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã Phương Công (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) – quê hương của nhà thơ Trần Đức Trí, đông đảo bạn học và đồng đội cũ, thân nhân gia đình, bạn bè văn chương của tác giả đã tới dự chúc mừng và chung vui với các nhà văn của thành phố Hải Phòng và nhiều nhà văn đến từ Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình.Các đại biểu đã nghe phát biểu đề dẫn của nhà thơ Nguyễn Đình Minh – Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng – và các phát biểu tham luận của nhà văn Văn Chinh – Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học Hội Nhà văn Việt Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ văn học Bùi Việt Thắng, nhà văn Dương Hướng – Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Long Khánh – Trưởn ban Kiểm tra Hội Điện ảnh Việt Nam, nhà văn Lưu Văn Khuê – Trưởng Ban lý luận phê bình Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng. Các ý kiến đều khẳng định cái tâm, cái tình của nhà thơ Trần Đức Trí,đã dành nhiều công sức và bút lực tái hiện lại một chặng đời lịch sử hào hùng và đau thương của đất nước, của quê hương suốt hơn hai chục năm ròng thời kỳ kháng chiến Chống Mỹ, cứu nước, đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của chính tác giả, với nhiều chi tiết chân thực, nhiều câu chuyện cảm động, với lối viết chân thành, mộc mạc, ăm ắp vốn sống thực tiễn, đồng thời đòi hỏi tác giả cần nâng cao kỹ năng sáng tác thể loại tiểu thuyết để vượt lên cái mức hồi ức tư liệu và chất tự truyện một thời đã xa của tác phẩm này. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhà thơ Thi Hoàng – Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, các nhàvăn Dương Thị Nhụn, Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Xuân Hiếu, các nhà thơ Tô Ngọc Thạch, Hoài Khánh, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Trần Thị Lưu Ly, Phạm Thúy Nga, dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ… và đón nhận các ý kiến phát biểu chúc mừng của lãnh đạo xã Phương Công, đại diện Hội cựu học sinh Trường phổ thông cấp 3 Nam Kiến Xương, đại diện Hội cựu chiến binh Trung đoàn 67 thuộc Sư đoàn 320B.