Buông: Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Lược

Ngày nghỉ! Phong dậy muộn. Vệ sinh cá nhân xong anh vào bếp ôm ngang lưng vợ. Đêm qua hai người đã có một cuộc yêu thật nồng nhiệt và say đắm. Lâu lắm rồi Huệ mới chủ động đòi hỏi chồng. Sau phút giây ngạc nhiên anh chồm người lên vợ hưởng ứng nhiệt tình như những ngày chưa cưới.

Hồi Huệ còn học đại học, Phong đã ra trường và đang phấn đấu khẳng định mình trong bước đường công danh. Huệ là con gái thầy giáo cũ. Phong được thầy nhờ đưa đón khi cô lên Thủ đô thi đại học. Rồi tình yêu đến thay thế cho tình anh em. Họ cũng yêu “chay” hai năm, “chuyện ấy” đến sau một cơn mưa lớn bất chợt. Cô bạn cùng phòng về quê từ chiều nên khi Phong đến chơi Huệ đã để anh ngủ lại phòng trọ của mình. Đêm lạnh dần. Ban đầu Phong nằm dưới đất, Huệ trên giường thủ thỉ nói chuyện với nhau. Sau anh kêu lạnh trèo lên giường đắp chăn chung với Huệ. Ban đầu còn có cái gối ôm ở giữa hai người. Tay nắm tay. Rồi môi tìm môi. Cuối cùng thì cái gối bị quẳng xuống đất…..

Chuyện gì có lần đầu thì lần sau cũng dễ. Chung chạ nhiều khi bất tiện nên Phong thuê luôn một phòng trọ mới tươm tất hơn đón Huệ về góp gạo thổi cơm chung như rất nhiều cặp đôi tỉnh lẻ khác. Đằng nào thì khi Huệ học xong hai người cũng cưới nhau. Anh đã xin phép và được gia đình thầy coi như con rể. Gia đình anh cũng coi Huệ là một thành viên nên cúng giỗ đám xá gì cũng nhắn anh chở cô về. Bạn bè thân thiết thường đùa: “Con thầy, em bạn, gái cơ quan” nên tránh xa vì yêu là phải cưới không yêu chơi được đâu? Phong chỉ cười khì khì. Trong tâm anh chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ Huệ để lấy người khác…

Vậy mà cưới nhau mười năm rồi Huệ vẫn chưa có con. Gia đình Phong chỉ năm thứ hai sau đám cưới đã sôi lên sùng sục vì anh là con út nhưng lại là trai duy nhất trong nhà. Đưa vợ đi khám, bác sĩ kết luận Huệ rất khó có thai vì ..đã từng nạo hút quá nhiều? Cô khóc ngất. Lần đầu tiên ân ái với Phong cô đã dính bầu. Sau khi Phong đưa cô đến phòng khám sản để làm cái việc mà cô không dám gọi tên ấy xong về đến nhà Huệ ốm mất cả tháng trời…Chuyện xấu hổ ấy chỉ có cô và Phong biết với nhau. Đến đứa bạn gái thân thiết cùng phòng cô cũng giấu. Rồi sau Phong thuê phòng trọ khác hai người về sống chung thì dù cô và Phong cũng có ý thức giữ gìn nhưng rồi chuyện ngoài ý muốn vẫn xẩy ra..

Đã lâu rồi Huệ luôn bị ám ảnh bời mấy cái biển hiệu nhạy cảm người ta trưng ra đầy đường ở những khu phố gần bệnh viện. Tối đến đèn xanh đỏ còn nhấp nháy lập lòe càng nổi bật những dòng chữ màu đỏ như máu. Cứ nhìn thấy chữ khám sản phụ khoa, siêu âm 3 chiều, 4 chiều… là tim cô đập thình thịch. Dù đường có xa thêm đến mấy thì cô cũng luôn tránh đi qua những nơi mà trước đây bất đắc dĩ cô phải đến. Phải chăng những sinh linh bé nhỏ đã bị cô từ chối đang chờ cô đi qua để túm lấy cô hỏi tội? Tại sao mẹ bỏ con? Tại sao chúng con là kết tinh của tình yêu mà không được đón nhận? Tại sao và tại sao? Những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong đầu cô…Nhớ lần cuối cô đã trì hoãn mãi định không làm nhưng Phong lại bảo: “Lần này nữa thôi em ạ. Chờ anh hoàn tất thủ tục mua nhà xong, tháng tám mình cưới là em tha hồ đẻ. Chứ giờ mà để đến tháng tám thì em bụng to như cái trống mặc váy cô dâu xấu lắm. Hơn nữa bố mẹ em là nhà giáo sợ không chịu được điều tiếng này…”.Có lẽ ông trời đã trừng phạt tội lỗi của cô. Mười lăm năm bên nhau cô đã quá mệt mỏi vì áp lực phải sinh con từ phía gia đình Phong. Mệt mỏi vì phải ra vào bệnh viện làm thụ tinh nhân tạo bao lần mà đều thất bại… Phong thương cô nhiều bởi anh hiểu vì đâu cô phải chịu cái hình phạt gớm ghiếc ấy. Nhưng anh đam mê công việc và đam mê kiếm tiền. Anh không có ý định bỏ cô dù mỗi khi ra ngoài anh vẫn có những người đàn bà khác. Cô biết điều đó nhưng kiên quyết giữ ý định sở hữu chồng cùng những của cải vật chất mà anh kiếm được đến cùng. Cô còn biết anh có con riêng với một người đàn bà nào đó và cô chấp nhận. Miễn là anh đừng bao giờ để cô phải gặp họ. Bên nội có cúng giỗ cưới cheo gì mà cô về được thì người đàn bà kia hiển nhiên phải tránh mặt. Cô ta cũng được gia đình nhà Phong chấp nhận như con dâu dù hai người không có hôn thú.

Vài năm nữa Huệ mới bốn mươi mà tóc cô đã có sợi khác màu. Sức khỏe giảm sút, huyết áp lúc tăng lúc tụt. Phong thuê một người đàn bà tên Mại cũng trạc tuổi vợ đến làm người giúp việc để cô có người bầu bạn và chăm sóc Huệ lúc ốm đau. Chị Mại có ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Chồng làm thợ mộc ở quê. Còn chị phải lên thành phố làm nghề giúp việc để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Huệ quý người đàn bà nhà quê tuệch toạc ấy. Chị Mại nghĩ gì là nói nấy không mấy khi suy nghĩ trước sau. Ban đầu, nhiều lúc Huệ cũng thấy khó chịu với cái tính thật thà của chị. Ví như có hôm chồng hẹn về ăn cơm, Huệ chờ mãi không thấy đâu cứ ngồi im lìm bên bàn ăn đầy ngồn ngồn lạnh tanh chờ chồng đến khuya. Chị Mại đã ngủ được một giấc dậy thấy cô chủ nhà vẫn thức thì vừa dọn bàn vừa ca cẩm: “ Giời ạ. Cô điên hay sao mà còn chờ chú ấy? Giờ này không về thì chỉ có đang ôm nhau dập dình với con nào thôi! Cô ngủ đi không mai lại kêu đau đầu!”. Huệ muốn gào lên khi chị ta cứ xát muối vào vết thương lòng của cô. Cô là nhà giáo, ăn nói luôn suy nghĩ trước sau nên nói gì cũng cứ phải dè chừng sợ phật lòng người khác. Ban đầu tính cho chị ta nghỉ, tìm người khác. Nhưng rồi chính cái sự ăn nói thật thà bốp chát như xát muối vào lòng người khác ấy lại làm cô đôi lúc thấy mình như tỉnh ra. Lắm lúc lại muốn được ăn nói bạt mạng như chị ta mà không phải nghĩ ngợi gì. Nói ra điều ấy thì chị Mại cười hinh hích: Đời lạ thật đấy. Cô ăn cao lương mỹ vị thì lại thèm cơm hẩm cá khô? Tôi đói rách thì chỉ mong được ăn no mặc ấm. Nhưng rồi ngẫm ngợi một hồi chị lại bảo: Nhưng nói thật tôi mà phải sống không chồng không con trong cái nhà đẹp mà lạnh lẽo này cả đời chắc tôi phát điên mất. Có lúc tôi bảo chồng tôi: Cô chủ như nàng công chúa bị cầm tù trong lâu đài cô đơn…. Hàng tuần, Huệ cho chị về thăm chồng con. Nhà chị cách thành phố gần năm chục cây số. Mỗi khi đến chiều thứ sáu chị vui như trẻ con chờ Tết. Chị lăng xăng gói ghém đủ thứ nhà chủ cho mang về quê làm quà. Khi là bộ com lê hay đôi giầy cũ của ông chủ gửi về cho chồng chị. Khi là mớ cơm nguội ăn thừa chị chịu khó mang lên ban công phơi nắng cho nỏ giòn. Chị bảo lũ trẻ nhà chị rất thích ăn cơm khô rang với đường? Nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc của người đàn bà có gia cảnh khó khăn Huệ thấy thèm muốn quá. Niềm vui, hạnh phúc của họ thật giản đơn, trong sáng. Vắng chồng, rỗi việc cô đăng ký đi học thiền, học yoga để cải thiện sức khỏe. Đọc nhiều sách về đạo Phật và khi ngấm dần cô nhận thấy những thứ mình đang sở hữu thật hư vô? Tiền bạc, nhà cửa, xe cộ và một người chồng không toàn tâm toàn ý với mình? Để giữ chồng cô rất chăm làm đẹp nên ai cũng bảo cô trẻ đẹp nhiều hơn so với tuổi nhưng những điều đó với cô giờ đây có nghĩa gì? Một người đàn bà đẹp ăn mặc sang trọng đi một chiếc xe đắt tiền? Tất cả chỉ để ngụy trang cho một tâm hồn sứt sẹo, đau đớn? Những đêm dài không ngủ chờ chồng dù thừa biết anh ở bên người đàn bà khác. Những món ăn ngon được bày biện cầu kỳ trong những cái đĩa, cái tô đắt tiền luôn bị đổ đi vì không có người thưởng thức? Vậy mà chiều thứ bảy nào cô cũng đi chợ mua đồ tươi về lại tự nấu nướng để chờ chồng. Hai năm nay từ ngày được làm cha Phong càng ít về nhà hơn. Anh tuyên bố với bạn bè, họ hàng thậm chí với cả cô vợ hai rằng Huệ mãi mãi là vợ chính thức của anh không bao giờ anh bỏ cô? Đàn ông thật tham lam. Họ chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt? Anh không buông tay thì cô buông tay trước vậy. Và cô cũng bỏ lại tất cả những thứ mà bao năm qua cô giữ khư khư: cái két sắt chứa tất cả tài sản của chồng: bìa đỏ đất đai, vàng bạc, sổ tiết kiệm rồi cả hàng xấp tiền đô, tiền Việt…và một tờ đơn ly hôn cô đã ký sẵn. Sau cuộc yêu lần cuối cùng trong đời với người đàn ông hơn mười lăm năm qua cô gọi là chồng và bữa cơm sáng thịnh soạn hơn thường lệ, chờ lúc Phong ra ngoài uống cà phê với bạn, Huệ gọi tắc xi ra bến ô tô…

Có ngôi trường đơn sơ với những em nhỏ mặt mũi lem luốc nhưng mắt sáng trong như ngọc, đang chờ cô ở một nơi mặt trời lúc nào cũng chói chang rực rỡ….

N.H.L

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder