“Quán Nải” quả là tấn bi kịch về thân phận …
Nói đến cố nhà văn Nguyên Hồng, lâu nay nhiều người thường hay nghĩ ông là nhà văn của thợ thuyền cần lao; chứ ít người nghĩ ông còn là nhà văn của làng quê, mà rõ nhất là trong tiểu thuyết “Quán Nải”.
Mở đầu “Quán Nải” người đọc thấy ngay một làng quê chỉ cách thành phố chừng mươi cấy số, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên của làng, dẫu đường đi lại còn gồ ghề sống trâu, tối đến nhà nọ sang nhà kia phải có ngọn đèn, cây đóm; nhưng tình người trong xóm ngoài làng luôn quấn túm, đùm bọc với nhau thân thiết, mỗi niềm vui nỗi buồn đều chia sẻ cùng nhau. Trong cái làng nhỏ nhưng tình người không nhỏ ấy, có ba cô gái mang ba cái tên làm ta gợi nhớ tới ruộng đồng rau lúa, đó là Muống, Mạ, Dé, chơi thân với nhau như chị em ruột “con chấy cắn đôi”. Họ là ba thanh nữ, ba cây măng trong bụi tre làng xanh tốt, tuy mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau: Muống mồ côi cha mẹ, ở với bà cô già và em gái mù, không được học hành gì; còn Mạ cũng chỉ sống với bà mẹ góa bụa đang mang bệnh trong người; chỉ có Dé nhà khá hơn, bố mẹ còn, nên cũng được học dăm ba chữ, lớn lên lại gặp may, lấy được anh chồng làm sở Ca-rông, thế là thành người phố. Nhưng ba cô gái ấy đã có những năm tháng sống hết mình vì quê hương, với sự hồn nhiên, tươi vui và đầy kỷ niệm về cái làng mà người già, người trẻ dẫu làm lụng tối ngày, mồ hôi chan với đất, nhưng vẫn không ngớt tiếng cười đùa, không thiếu sự yêu thương, không ngưng sự chăm sóc, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm. Bởi họ sống giữa một làng quê bình dị nhưng thật là đẹp: “Con đường đất ẻo lả nằm len vào giữa cánh đồng, luôn luôn khuất và chìm hẳn đi dưới những ngọn lúa trĩu hột ngả rục xuống. Mặt trời như một lòng đỏ trứng gà khổng lồ, nổi chơi vơi trên rặng tre làng trông gần hẳn lại. Ở vài thửa ruộng mạ, màu xanh nõn như lụa uống vội vàng ánh nắng, làm rung rung mặt nước sáng gờn gợn vàng điệp” (tr15).
Ở một làng quê nên thơ như thế, có thể nói là thật may cho cậu giáo Thân được về đây dạy học. Lớp học ở trong chùa còn chật và tối, nhưng tình người thì không chật tý nào. Thầy giáo được người già, con trẻ cả làng kính trọng, từ ông bà Tứ, nơi Thân ở trọ, đến nhà ông Quỹ, có thằng con tên Đoàn học thầy giáo Thân, rồi cả đến lý Hoạch, coi người ăn người làm như rơm rác, nhưng mỗi khi gặp Thân từ xa đã cất tiếng chào. Và gần gũi hơn, quyến luyến với Thân hơn là ba cô gái Muống, Mạ, Dé; không chỉ sàn sàn tuổi nhau, mà có lẽ còn tìm thấy ở nhau sự đồng điệu về tình yêu thương, khát vọng sống, và trên hết là ước mơ tự do tung bay bằng chính đôi cánh của mình. Và trong cuộc sống thanh bạch, hồn nhiên, trẻ trung giữa ba cô gái với thầy giáo dạy học ở làng. Khởi đầu chỉ là sự đùa vui trêu trọc, do một sự tình cờ giữa buổi ba cô đi cắt rạ gần chùa, bỗng Muống thấy chiếc lược sừng bay từ cửa sổ lớp học ra, rơi xuống cạnh chỗ Muống đang bó rạ. Muống nhặt lên, hồn nhiên khoe với hai cô bạn Mạ, Dé. Hai cô bảo Muống mang vào lớp trả cho thầy giáo Thân, và dĩ nhiên với tính hồn nhiên, Muống mang trả ngay. Nhưng đấy chỉ là cái lược do một học sinh trong lớp đang giờ học bỏ ra trêu bạn, bị thầy giáo nhìn thấy, bắt vất qua cửa sổ ra ngoài ruộng, chứ không phải lược của Thân. Nhưng xin người đọc lưu ý đến chi tiết chiếc lược tưởng như “cực nhỏ” này, bởi chiếc lược như “chiếc cầu” nối Thân và Muống. Do Muống nhặt được chiếc lược mang trả lại Thân, mà hai người quen nhau, chuyện trò, hỏi han và hiểu nhau hơn. Thân biết Muống là một cô gái hiền thục, chăm chỉ, nết na, mồ côi bố mẹ, đang sống với bà cô già và đứa em gái mù; còn Muống biết Thân nhà nghèo, bố mất năm Thân lên mười tuổi, năm sau mẹ bỏ hai con cho ông bà và người cô của Thân để đi bước nữa. Rồi ông bà mất, người cô gầy còm một mình nuôi Thân ăn học để lấy bằng sơ học Pháp-Việt, ra dạy học với đồng lương còm, nhưng vẫn phải dành dụm hàng tháng mang về đưa cô nuôi em. Thật hữu tình ta lại gặp ta, hai con người, hai gia cảnh, nhưng lại cùng cảnh con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, phải tự lập thân, và lại cùng chung khát vọng có cuộc sống no đủ, một mái nhà ấm cún, vợ chồng con cái no đói có nhau, và trên hết là một tình thương yêu chân thành, tha thiết. Vì thế, từ chỗ Mạ và Dé trêu đùa, chỉ ít lâu, Muống và Thân, dù không ai nói thẳng ra “anh yêu em”, “Em yêu anh” như ngày nay chúng ta thường gặp ở những đôi thanh niên nam nữ, nhưng trong lòng người này đã có người kia tự bao giờ. Thế nên, sau này, khi phải xa nhau, Muống về làm lẽ nhà Hương Hoạch, rồi cảnh chồng chung, vợ lẽ, Muống được Mạ giúp trốn khỏi nhà lý Hoạch vào thành phố với ước nguyện tìm bằng được Thân, mà nghe Dé, bấy giờ đã lấy chồng trong phố cho biết, thì đã có lần Dé thấy Thân dạy học dưới Hàng Kênh, huyện Hải An. Rồi khi phải xa nhau, dù là lúc đang trên đường đi tìm nơi Thân dạy học mà không gặp, hay khi đã lấy Bếp Giỏng có tới hai mặt con, thì mỗi khi vui, khi buồn, nhớ về cái làng ở huyện An Dương là trong Muống lại như hiển hiện chiếc lược với lần mang trả cho Thân. Mà cứ nhớ tới chiếc lược là trong Muống lại dội lên niềm nhớ nhung, thương tiếc, không chỉ với những bạn bè thân thiết một thời như Mạ và Dé, mà cồn cào, day dứt hơn là với thầy giáo Thân. Bởi dẫu sao với Muống, Thân không chỉ là tình yêu đầu tiên, mà còn là niềm khát vọng về một cái gì còn hơn thế, vì trong mắt Muống thì Thân như hiện thân của sự chịu đựng, lòng tự tin và sự nhân ái, những điều mà Muống, và các bạn cô như Mạ, Dé, và cả ông bà Tứ, ông Quỹ và bao người khác ở làng, vẫn luôn hằng tâm sống như thế.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, Muống sau khi rời nhà Hương Hoạch, rời làng quê vào thành phố tìm người yêu tối ngày không gặp, thì lại gặp ngay trận mưa như trút nước. Trong cảnh xa quê, lại lạ thông thổ, Muống đành vào cái quán bên đường; ở đây, Muống gặp Bếp Giỏng và đàn em là Giầu Sẹo, Em Nhớn cũng là thợ táp nham, khi cầm dao xây, lúc quét vôi ve, có hôm lại đi bốc vác ngoài Sáu Kho, thậm chí có người thuê mang hàng cấm cũng nhận, miễn là có tiền. Ba kẻ không nghề, lang thang tìm việc làm kiếm đồng sinh nhai, không chỉ cho mình, mà như Bếp Giỏng còn nuôi bà mẹ già trong căn nhà rách lát. Nhưng họ lại có một thứ mà không phải người nào đang sống giữa đô thành nhốn nháo cũng có, đó là tấm lòng bao dung, dễ động lòng thương trước mọi cảnh ngộ éo le. Đời Muống nếu có thể nói là còn mắn, thì chính là cái lần may mắn gặp Bếp Giỏng giữa buổi tối trời mưa tầm tã ở con đường miếu Hai Xã đi Hàng Kênh. Sau bữa ăn tối ở cái quán bên đường, Bếp Giỏng dẫu đã say khướt, vẫn đủ tỉnh táo dẫn Muống về túp nhà lụp xụp ở bên đường Quán Nải, bảo bà mẹ cho Muống ở tạm ít lâu để tìm người anh dạy học ở huyện Hải An. Đấy là Bếp Giỏng nói trái đi với bà mẹ thế, chứ thật, trong lòng Muống gần như đã hết hy vọng tìm người yêu, bởi sau khi đến trường học ở huyện không thấy tăm hơi gì về Thân nữa, Muống chỉ còn biết như chiếc lá gửi thân nơi dòng nước. May có Bếp Giỏng và bà mẹ nghèo tiền, nghèo của, nhưng lại không nghèo tình, dang rộng vòng tay chở che Muống. Chỉ ít lâu Muống có chửa, rồi sinh con, đứa lớn mới lẫm chẫm, đứa bé đã chào đời. Hạnh phúc tưởng đến với cô gái nghèo từ quê ra phố; nhưng không, đường đời muôn nẻo gian truân. Khi Muống sinh đứa thứ hai thì mẹ chồng mất, rồi chồng công việc thất thường nay có mai không, sinh chán nản, những ngày không đâu thuê làm lại tụ vạ khi ngoài quán, lúc trong nhà cai Quýnh thâu đêm suốt sáng cờ bạc, hút sái: “Một tháng hai mươi chín ngày, chồng Muống nếu không tám chín giờ mới về thì lại cả đêm và liên miên tới ngày mai, ngày kia đến khi nào mệt nhoài, cần phải tắm rửa và ngủ như chết, hắn mới lại bước thấp bước cao từ trên xe xuống, vào nhà nằm vật ra giường, hơi thở còn sặc mùi rượu cay nồng và quần áo hôi khét cả mũi” (tr 144). Trong cảnh cùng quẫn, Bếp Giỏng đến nơi đang mộ phu làm thuê bên Lào, liều đăng ký đi để lấy hai mươi đồng bạc cầm về đưa vợ đong gạo nuôi con, vì mấy ngày nay cả nhà bữa ăn bữa nhịn, còn con bé lớn thì ốm nằm bẹp rồi. Nhưng lưới trời đã bủa, Bếp Giỏng dẫu bán thân để cứu vợ con đến thế, chứ nữa, cũng không thoát khỏi sự đói nghèo, cực khổ, bệnh tật chất chồng. Một lần chồng ốm thập tử nhất sinh, túi Muống chỉ còn vẻn vẹn mười đồng bạc chồng mới ký giấy đi Lào được tạm ứng mang về, nhưng nghe Giầy Sẹo và Em Nhớn mách trên Vật Cách có thầy lang bốc thuốc hay, Bếp Giỏng uống có khi khỏi, là Muống để con lớn ở nhà, bế con bé đi tàu lên Vật Cách. Nhưng chẳng biết là điềm gì, khi ở ga Vật Cách chờ tàu xuôi Hải Phòng, Muống lại gặp Thân xuống tàu, sau mấy năm bặt vô âm tín. Và ngỡ ngàng hơn là dù Muống đang bế đứa con nhỏ, biết là ván đã đóng thuyền, nhưng giáo Thân vẫn chuyện trò với Muống dịu dàng, đằm thắm như ngày nào; không những thế, khi Muống vội lên tàu, Thân còn có ý như hẹn có ngày gặp lại. Biết đâu đấy chẳng là sự thực, bởi chỉ ba hôm, sau ngày Muống gặp Thân ở ga, chồng Muống qua đời. Dẫu sao thì cuộc gặp bất ngờ giữa Muống và Thân ở ga hôm nào cũng làm dịu đi phần nào sự quạnh hiu, buồn tủi của Muống; chứ không, ba ngày sau chồng chết thì người đàn bà hiền thục, chăm chỉ ở làng ngày nào bỗng chốc thành kẻ cô đơn, không nơi nương tựu, giữa chốn đô thành huyên náo và hỗn độn trắng đen.
“Quán Nải” quả là tấn bi kịch về thân phận con người một nắng hai sương, lai lưng ra làm tối ngày, với chỉ một niềm mong ước có được miếng cơm ăn, manh áo mặc, rộng ra là cuộc sống ấm êm trong tình nghĩa cha con, chồng vợ, dưới mái nhà ấm cúng, giữa một làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Nhưng đời người sao nhiều cực khổ, lắm gian truân, mà càng giẫy giụa, choài đạp lại càng như lún sâu vào tuyệt vọng. Nhưng đấy là cuộc đời của những con người, dù ở nông thôn hay thành thị, cũng đều sống trong một đất nước không có độc lập, tự do; còn như ngày nay, sau 70 năm nhà văn Nguyên Hồng viết “Quán Nải”, chúng ta đã và đang sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Và như thế, đọc lại “Quán Nải” giữa những ngày đất nước đang từng ngày từng giờ đổi thịt thay da, cũng là một cách “ôn cố tri tân”. Thế nên, những gì Nguyên Hồng để lại qua “Quán Nải” vẫn không khỏi làm chúng ta suy nghĩ nao nung.
Ra đời cách nay đã 70 năm, nhưng hôm nay đọc lại “Quán Nải” vẫn thấy khó ai có thể đặc tả khung cảnh làng quê sinh động, êm đềm và hấp dẫn như Nguyên Hồng. Đây là cảnh đồng lúa vào mùa gặt, khi Muống bất chợt ngẩng lên nhìn: “Đằng trước, những khung lúa vàng chói và mỡ, chảy mãi tít ra rất xa, chỗ màu xanh đậm của làng mạc nổi như cắt lên màu xanh nhạt và trong của da trời. Sau lưng Muống, tiếng chim chích chòe rộn ràng trong tiếng lá tre rung lao xao. Từng chiếc lá khô lảo đảo rơi xuống đất, gió thổi tạt vào sân chùa, chạy san sát trên nền gạch rắn câng. Muống ngồi ngả lưng vào một gốc xoan, ngửa mặt nhìn những miếng sáng lấp lánh trong cành lá. Văng vẳng trong cái điệu buồn mênh mông của sáo diều reo vu vu ngày đêm, giọng hát lửng lơ chập chờn của các bạn Muống cất lên, cứ cao và gợn, rồi lại tan vào hơi gió và màu xanh chói của vùng quê” (tr. 5). Thật sống động, hấp dẫn và trau chuốt, không chỉ tả cảnh, mà trong cảnh chứa đầy tâm trạng nhân vật, bởi khi con người còn nặng trĩu tâm tư, cực nhọc và buồn tủi, thì dẫu tiếng sáo diều có reo vui và giọng hát có hay đến mấy thì cũng chỉ mênh mông buồn mà thôi. Quả là một ngòi bút miêu tả tài hoa. Cùng với tả, thì khắc họa tâm trạng, tâm lý, tính cách nhân vật cũng là sự độc đáo Nguyên Hồng trong “Quán Nải”. Đây là cuộc trò chuyện khi lần đầu Muống và Thân cùng nhau đi trên con đường ngõ xóm, vừa đọc đã thấy ngay tâm trạng chất chồng của hai người:
“Thân thấy bừng bừng ở mặt, anh mỉm cười:
-Cô sợ ma hay sợ gì? -Không để Muống kịp cất tiếng, Thân lại nói tiếp: -Chắc về khuya sợ phải đòn !…
Muống cúi mặt, chơm chớp mắt và lắc đầu:
-Thưa thầy không phải thế ạ. Sợ là cháu sợ ma, chứ đã lớn thì ai còn đánh, tội chết!…
Thân cười thành tiếng:
-Bác giai ở nhà đánh chứ ai vào đấy.
-Thưa thầy cũng không phải ạ. May mà cháu chưa có bác giai nào cả! Chứ có thì tội gì về khuya khoắt một mình cho khổ thân!…Vả lại nhà cháu nghèo lắm, ai người ta thèm lấy?…
Đến đây, Muống thấp giọng và hơi quay mặt đi. Thân nói tiếp, rất nhanh:
-Thì lại lấy người nghèo hơn chứ sao!
Câu nói này mở toang cả lòng Thân ra, Muống thoáng trông thấy rõ ràng bao nhiêu sự thành thực, sự thấm thía và có cảm tưởng Thân và mình quen biết và thương mến nhau đã tự lâu. Lòng Muống rưng rưng nước mắt. Dưới mắt nghẹn ngào của Muống như có một đầu mối thắt dải chéo chỉ chờ Muống rút nhẹ ra một cái là toang cả sự rắc rối nó làm xa lạ hai con tim vẫn kêu gọi nhau, thầm lặng” (tr 37).
Thật khó ai khắc họa được một tâm trạng yêu vừa say nồng lại vừa thầm kín, với một ngôn ngữ dịu êm, nhưng mạnh và dứt khoát, đầy ấn tượng và gợi tả đến như thế. Chỉ với mấy dòng: “Lòng Muống rưng rưng nước mắt. Dưới mắt nghẹn ngào của Muống như có một đầu mối thắt chéo…” đủ gieo vào lòng người đọc sự liên tưởng mung lung mà gần gũi, như nhìn thấy ngay trước mắt. Thực và hư, hư và thực chỉ cách nhau gang tấc. Đấy là lối văn tự sự kết hợp miêu tả tài hoa của cố nhà văn Nguyên Hồng trong “Quán Nải”, một tác phẩm viết về người nông dân, nông thôn, một địa hạt dường như ít gặp trong sáng tác của nhà văn thợ thuyền, cần lao này.
Ra mắt bạn đọc lần đầu cách đây đúng 70 năm (1943-2013), nhưng hôm nay đọc lại “Quán Nải”, cuốn tiểu thuyết duy nhất viết về nông dân, nông thôn của cố nhà văn Nguyên Hồng, chúng tôi vẫn cảm giác như đang đọc cuốn truyện về thân phận người nông dân bị thu hồi đất, hoặc ở làng đất chật người đông, cắm cây lúa xuống đồng là bỏ đấy cho người già trẻ nhỏ trông nom, rồi kéo nhau ra thành thị làm thuê kiếm ngày vài mươi nghìn. Trong cái cảnh ly hương mang tính thời vụ ấy, không ít người, vì nhiều lý do, không muốn quay về làng nữa, làm cuộc ly quê vô định trong biển đời mênh mông, với nhịp sống công nghiệp nhộn nhịp, khẩn trương nhưng cũng vô cùng nhốn nháo, phức tạp. Người đọc có thể thấy điều đó không chỉ ở làng quê hôm nay, mà từ 70 năm trước đã được nhà văn tài hoa Nguyên Hồng tái hiện qua tiểu thuyết “Quán Nải”, mang đầy tính dự báo./.
Hải Phòng, 9-2013
C.N.