Đọc “Cố hương” của Lỗ Tấn – Trọng Văn

 

Trở lại với Đoạn B, không khí ảm đạm thê lương của quê hương hiện tại  đè nặng lên nhân vật “tôi” bởi hình ảnh ngôi nhà thân yêu một thời đã “xuống cấp”, người mẹ hiền với “nét mặt ẩn một nỗi buồn thầm kín”.

 

 

Thời gian là nỗi ám ảnh đối với con người. Ngay từ khi chào đời con người đã phải gắn với thời gian: sinh ra giờ nào, ngày nào, tháng nào… và theo con người suốt cuộc đời. Tuy nhiên, thời gian trong cuộc sống chỉ là thời gian vật lý theo một trật tự từ quá khứ sang hiện tại và một đi không trở lại. Chính vì vậy mà từ xưa đến nay con người đều muốn níu kéo thời gian bằng mọi cách.

Thế kỷ XX, với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, cuộc sống con người ngày càng hiện đại và rất phức tạp, chúng ta luôn phải chạy đua với thời gian. Và đặc biệt, sự ra đời Thuyết tương đối của A. Einstein đã làm thay đổi căn bản trong nhận thức của con người (trong đó có các nhà văn) về thời gian. Quan niệm về thời gian giản dị, “thơ ngây” và “trong suốt” dễ tiếp cận như trong văn chương những thế kỷ trước đã bị thay thế bằng thời gian biểu hiện một cách chằng chịt, phức tạp và đa tầng. Các nhà văn tự do đi lại trong tương lai hoặc cho nhân vật của mình lùi về quá khứ đến hàng thế kỷ, họ thoải mái “đùa nghịch” với thời gian, “tãi” thời gian ra để cố gắng trốn khỏi nó, hoặc “đúc” thời gian lại trong một “hiện tại vĩnh hằng khiến mọi nhờ cậy đến kí ức đều là bất khả” (A.R. Grillet)(1). Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì con người cũng không thể chốn chạy khỏi thời gian, vẫn bị nó tóm chặt lấy trong nỗi ám ảnh khôn nguôi. Có thể nói, thế kỷ XX đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến thời gian trong truyện kể như M. Bakhtine khi đưa ra ba đặc điểm làm tiểu thuyết khác với thể loại khác thì có hai đặc điểm thuộc về thời gian: “2, Sự thay đổi toạ độ thời gian và hình tượng văn học trong tiểu thuyết; 3, Khu vực mới, nơi xây dựng hình tượng văn chương tiểu thuyết, chính là khu vực tiếp xúc tối đa với cái hiện tại (đương đại) ở thì không hoàn thành của nó”(2); hay như P. Ricoeur thì đi tìm “Hình thái của thời gian trong truyện kể hư cấu”, trong đó ông chú ý đến “Thì” của động từ và của phát ngôn, Thời gian kể và thời gian được kể, Hư cấu và những biến thái tưởng tượng về thời gian, Hiện thực của quá khứ lịch sử(3)… Đặc biệt, G. Genette phân thời gian trong truyện kể thành hai lớp: thời gian của sự kiện (temps de l’histoire) và thời gian của truyện kể (temps du récit) – thời gian của cái được biểu hiện và thời gian của cái biểu hiện(4). Những nhà văn có ý thức về thời gian trong sáng tạo văn học là Marcel Proust (1881-1922), J. Joyce (1882-1941), F. Kafka (1883-1924), W. Faulkner (1897-1962)… Lỗ Tấn (1881-1936) cũng là nhà văn có nhiều tìm tòi và đổi mới về nghệ thuật viết truyện, nhất là về vấn đề thời gian trong truyện kể. Truyện ngắn Cố hương (1921) là một trong những tác phẩm minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.

R. Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Mỗi người đều có một quê hương. Đó là nơi ta sinh ra, lớn lên, là nơi có những người thân yêu nhất. Con người có thể sống ở nhiều nơi nhưng quê hương thì chỉ có một mà thôi. Tình cảm quê hương là tình cảm tự mhiên và sâu sắc của con người. Tình yêu ấy càng trở nên da diết khi vì một lí do nào đó mà con người phải xa cách quê hương. Tình cảm đó được thể hiện một cách bình dị và chân thành trong truyện ngắn Cố hương. Bằng nghệ thuật kể chuyện mới mẻ xen lẫn hiện tại với những hồi ức về thời thơ ấu, những suy tưởng về tương lai qua của nhân vật “tôi” – người kể chuyện thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc những suy nghĩ day dứt trước cảnh quê hương tiêu điều với những con người cùng khổ và ước mơ tìm ra lối thoát cho “cố hương”.

Trong truyện ngắn Cố hương, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” – anh Tấn (tức Lỗ Tấn). Mặc dù trong truyện có nhiều tình tiết là sự việc có thực trong cuộc đời Lỗ Tấn nhưng ta không nên đồng nhất tác giả và nhân vật “tôi” – người kể chuyện – là một. Để rõ hơn, chúng tôi chia truyện ngắn Cố hương làm 3 đoạn theo thứ tự A, B, C và đặt tiêu đề cho từng đoạn:

  1. Đoạn 1: Từ đầu đến… “sinh sống”: Tâm trạng của “tôi” trên đường về “cố hương”
  2. Đoạn 2: Từ “Tinh mơ sáng hôm sau…” đến “Sạch trơn như quét”: Những ngày sống ở “cố hương”
  3. Đoạn 3: Còn lại: Tâm trạng của “tôi” trên đường rời xa “cố hương”

Sắp xếp theo sự sai trật niên biểu, ta có:  [A2] – [B1] – [C3]

Các chữ cái trỏ trật tự văn bản theo sự xuất hiện của các trường đoạn; các số thứ tự trỏ trật tự thời gian niên biểu. Như vậy, dù thời gian không có sự xáo trộn phức tạp nhưng khoảng cách về thời gian thì tương đối xa: từ thời điểm kể là trên đường trở về “cố hương” với đoạn nhân vật Nhuận Thổ kể về công việc canh dưa thì có khi còn trước cả thời điểm người kể chuyện ra đời đến tương lai thì không có thời điểm cụ thể, có thể gần với thời điểm kể nhưng cũng có thể rất xa thời điểm kể. Tuy nhiên không chỉ có vậy, trong mỗi đoạn thời gian còn bị xáo trộn, có sự đan xen liên tục giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Đây là một cấu trúc tâm lí theo sự sắp đặt có chủ ý của người kể chuyện.

Người đọc nhận thấy, tác phẩm mở ra ở hiện tại với không khí ảm đạm và tâm trạng đượm buồn của nhân vật “tôi”: “Tôi không quản trời lạnh giá, về thăm làng cũ, xa những hai ngàn dặm mà tôi đã từ biệt hơn hai mươi năm nay”(5). Đây là tâm trạng của người xa quê hương lâu ngày nay mới được trở về. Quê hương thân yêu mà “xa những hai ngàn dặm”, lại cách những “hơn hai mươi năm”. Như đã nói, Đoạn A dù là hiện tại nhưng người kể chuyện đã ngoái lại (ngoái lại bên trong – analepses internes) để trở về với quá khứ gợi nhớ lại cảnh quê hương xưa kia so với khung cảnh quê hương tiêu điều, xơ xác bây giờ đến nỗi nhân vật “tôi” cơ hồ không nhận ra: “hình ảnh làng cũ trong kí ức tôi không giống hẳn như thế này. Làng cũ tôi đẹp hơn kia”. Sau đó vượt đến tương lai theo lối đón trước (prolepse) và cũng để giải thích cho chuyến về thăm “cố hương” lần này: “Về thăm chuyến này, ý định là từ giã lần cuối cùng ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình chúng tôi đời đời ở chung với nhau, mà chúng tôi đã phải đồng tình bán cho người ta rồi, nội năm nay phải giao cho họ…”. Ở đây người kể chuyện đã báo trước tình huống truyện.

Cố hương, ta thấy thời gian cốt truyện (thời gian của cái được biểu đạt) chỉ trong thời gian ngắn từ khoảng trước và sau Tết vài ngày; còn thời gian của truyện kể (thời gian của cái biểu đạt) có khoảng cách tương đối lớn: Đó là khoảng thời gian từ thời thơ ấu khi chia tay Nhuận Thổ – lúc lên mười – đến khi trở về quê sau hai mươi năm xa cách khoảng ba mươi năm không được người kể chuyện nhắc đến. Đây là dụng ý của nhà văn khi muốn người đọc chú ý đến khoảng thời gian trước và [trong] sau khi “tôi” đi và trở về cố hương.

Trở lại với Đoạn B, không khí ảm đạm thê lương của quê hương hiện tại  đè nặng lên nhân vật “tôi” bởi hình ảnh ngôi nhà thân yêu một thời đã “xuống cấp”, người mẹ hiền với “nét mặt ẩn một nỗi buồn thầm kín”. Cả hai mẹ con đều tránh nói đến chuyện dọn nhà. Không khí đó chỉ bị phá bỏ khi người mẹ nhắc đến Nhuận Thổ – cái tên này như một cánh cửa để “tôi” trở về quá khứ với những kỷ niệm đẹp: “Lúc bấy giờ trong kí ức tôi, bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con tra”. Bằng lối quay ngược bên trong, người kể chuyện đã kể lại những kỷ niệm về Nhuận Thổ – người bạn thuở ấu thơ có “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Để làm rõ hơn cho câu chuyện mình kể, “tôi” còn để cho Nhuận Thổ kể câu chuyện công việc canh dưa bằng lối quay ngược bên ngoài. Câu chuyện không hề có liên quan gì đến khoảng thời gian người kể chuyện đang kể mà nó chỉ góp phần tô đậm thêm hình ảnh nhân vật Nhuận Thổ trong kí ức “tôi” và cũng là tiền đề làm bật lên hình ảnh Nhuận Thổ ở hiện tại: Một Nhuận Thổ khác hẳn, một Nhuận Thổ bị xã hội, cuộc sống “cơm áo gạo tiền” vùi dập cả thể xác lẫn tinh thần, còn đâu cậu bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, tự chủ và “oai hùng” mà thay vào đó là một người đàn ông co ro, cúm rúm, có dáng điệu sợ sệt cung kính. “Tuy tôi nhận ra ngay là Nhuận Thổ, nhưng lại không phải là Nhuận Thổ trong kí ức tôi. Anh cao gấp hai trước, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng xạm, lại có thêm những nếp răn sâu hóm (…). Bàn tay này cũng không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệch vừa nặng nề, lại nứt nẻ như vỏ thông”. Thì ra tầm vóc người ta lớn lên thì áp lực cuộc đời, của sự áp bức bất công cũng lớn lên, cũng nặng nề hơn. Người kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại đã làm bật lên sự đối lập trong việc miêu tả nhân vật Nhuận Thổ. Thủ pháp này được sử dụng trong suốt tác phẩm, hầu như ở nhân vật nào, chi tiết nào cũng có: Từ “Tây Thi đậu phụ” đến chiếc compa Hai Dương, từ Nhuận Thổ đến Thuỷ Sinh, từ Nhuận Thổ và “tôi” đến Thuỷ Sinh và bé Hoằng… Khiến người đọc không khỏi xót xa, ngậm ngùi cho số phận con người trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

Trong đoạn này ta còn bắt gặp lối tỉnh lược về thời gian: “Chín ngày sau, chúng tôi lên đường”. Tưởng chừng như nó “rỗng về nội dung” nhưng thực tế nó lại chứa đựng một lượng thông tin rất lớn. Những ngày ở “cố hương” cứ buồn tẻ trôi qua, lặp đi lặp lại với từng ấy con người, từng ấy công việc nhàm chán làm cho người kể chuyện không muốn nhắc đến nó nữa.

Sang đến Đoạn C, nhân vật “tôi” trên đường rời xa “cố hương”. “Ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần, nhưng lòng tôi không chút lưu luyến”. Sự xen lẫn thời gian hiện tại với quá khứ và tương lai cứ lặp đi lặp lại. Hay nói đúng hơn, đó là thời gian tâm lí, thời gian tâm trạng của người kể chuyện. Bằng cái tôi trữ tình, người kể chuyện đã dẫn dắt câu chuyện theo mạch tâm trạng theo hồi ức của mình, chính vì vậy mà ta thấy thời gian đứt nối liên tục, người kể chuyện hết di chuyển về quá khứ rồi trở lại hiện tại xen lẫn với những suy ngẫm và hi vọng về tương lai bằng lối đón trước. Tình bạn giữa Hoằng và Thuỷ Sinh, gợi liên tưởng về tình bạn giữa những đứa trẻ của hai thời kỳ khác nhau. Tình bạn đó tạo nên những nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai. Chính sự đan xen nỗi nhớ về quá khứ trong lành, ước mong về tương lai tốt đẹp làm cho câu chuyện bớt mầu ảm đạm thê lương, mở ra niềm hy vọng. Đặc biệt hình ảnh con đường cuối tác phẩm “con đường mà người ta đi mãi mà thành” đầy chất triết lí và khiến cho kết thúc thiên truyện là một kết thúc mở có sức khơi gợi ở người đọc.

Ngoài ra, trong Cố hương, Lỗ Tấn còn sử dụng cấu trúc “xảy lặp” để làm tăng thêm tính chiếu ứng cho sự kiện. “Bây giờ mẹ tôi nhắc đến Nhuận Thổ, kí ức tôi như bừng sáng lên trong chốc lát. Tôi cảm thấy tựa hồ tôi đã tìm ra quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi” (Đoạn B) là chiếu ứng với câu ở Đoạn A, khi nhân vật “tôi” – người kể chuyện đang trên đường về “cố hương”: “Làng cũ tôi đẹp hơn kia. Nhưng nếu phải nhớ rõ đẹp như thế nào, nói rõ đẹp ở chỗ nào thì thật không có hình ảnh ngôn ngữ nào diễn tả cho được”. Hay như: “Trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển; trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vầng trằng tròn vàng thắm” ở Đoạn C là chiếu ứng của câu ở Đoạn B: “Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn”. Cũng góp phần làm cho hiện tại bớt phần ảm đạm thê lương hơn khi xen lẫn những kỉ niệm đẹp với những hi vọng về một tương lai tươi sáng đang chờ đón thế hệ mai sau của Hoằng và Thuỷ Sinh. Ở đây đã thể hiện rõ tính luận đề của nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc.

Có thể nói, thời gian trong truyện ngắn Cố hương cũng có những điểm đổi mới và độc đáo so với văn xuôi truyền thống và văn chương thời Ngũ Tứ (thời của Lỗ Tấn). Trong Cố hương, ta không thấy một thời gian đơn tuyến mà là thời gian tương đối phức tạp và nhiều chiều. Bằng nghệ thuật kể chuyện đan xen giữa thời gian hiện tại với thời gian quá khứ (những kí ức thuở ấu thơ), tương lai với những suy tưởng và hi vọng đã thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của nhân vật “tôi”, là những day dứt của “tôi” – hay của Lỗ Tấn – về quê hương tiêu điều xơ xác, là tâm hồn tôi như dòng sông chở nặng con thuyền “cố hương” đi tới tương lai.

T.V

————————

(1) P.Ricoeur, Temps et récit, Tomes II et III. Dẫn theo Đào Duy Hiệp, Thời gian và tiểu thuyết in trong Thơ và Truyện và Cuộc đời, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001, tr.70.

(2) M.Bakhtine, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, 1992, tr.33.

(3) Dẫn theo Đào Duy Hiệp, Thời gian và tiểu thuyết, Sđd, tr-68.

(4) G.Genette, Figure III, Ed. du Seuil 1972, p.77-181. Dẫn theo Đào Duy Hiệp, Thời gian và tiểu thuyết, Sđd.

(5) Các trích dẫn Ltrong bài đều lấy từ cuốn Ngữ văn 9, Tập 1, Nxb. Giáo dục, H, 2008.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder