Đọc “Chiều qua thung nhớ” của Đinh Thường – Vũ Nho


Có thể nói, sau hai tập đã in Hoa dã quỳTrái tim trước biển, Chiều qua thung nhớ là một cố gắng mới của người lính yêu biển, yêu đời, yêu thơ đem dâng tặng cho đời.

Tập thơ được chia làm hai phần với phụ đề: Vọng biểnTôi kể chuyện tôi. Vọng biển là chủ đề rộng, chung viết về đất nước, quê hương, cuộc sống. Còn Tôi kể chuyện tôi là những bài thơ có tính riêng tư, chủ yếu là thơ tình, thơ viết về mình.


Bìa tập thơ Chiều qua thung nhớ


Như bao người dân khắp từ Bắc chí Nam trong những ngày qua hướng về biển đảo của Tổ quốc, tác giả Đinh Thường cũng viết về chủ đề này. Những câu thơ mộc mạc nhưng thấm đẫm tinh thần tự hào về truyền thống giữ gìn biển đảo muôn đời của nước mình:

Ngoài kia biển cả bao la

Trường Sa gió giật Hoàng Sa bão dồn

Giang san muôn thuở trường tồn

Mồ hôi và máu quyện… hồn nước non

(Vọng biển)

Là một người lính biên phòng nên ý thức về sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thường trực một cách sâu sắc. Đồng thời với các chiến hữu, đồng đội, tình cảm của tác giả thật sâu nặng:

Biên cương muôn thuở gió vồn vã reo

Bâng khuâng chạm đá tai mèo

Nhắc tên đồng đội đau theo tháng ngày

(Thăm lại điểm cao)

Với tinh thần của một người lính, một công dân, một người dân thường, tác giả còn đau xót nỗi đau của di họa chiến tranh đối với những người mẹ, người vợ  khi tiếng súng từ lâu đã lặng:

Đất ta bao xóm bao làng

Một phen hóa đá bạt ngàn vọng phu

(Vọng phu)

Suy ngẫm về lịch sử, về cuộc đời của vị tướng huyền thoại, tác giả thấm thía tinh thần sức mạnh của nhân dân là vô địch, lòng dân là cội nguồn cho sự bất tử và vững bền. “Bất tử muôn đời bởi tại lòng dân” (Bất tử bởi tại lòng dân) và “thành xây bởi lòng dân mới vững” (Nước mắt Thành Hồ). Nhìn cuộc sống thành công hôm nay, hiểu cái giá của chúng ta phải trả, càng thêm trân trọng nâng niu những gì đang có:

Bên biển, bên em cảm xúc bỗng dâng đầy

Ta càng hiểu đường lên hạnh phúc chưa bao giờ dễ dãi

Không biết hi sinh làm sao có ngày thắng lợi

(Hòn Dấu yêu thương)

Trong chùm thơ viết về các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Võ Nguyên Giáp, Nguyên Hồng… đượm vẻ suy ngẫm và tinh thần ca ngợi. Có những câu thơ ấn tượng như viết về Nguyễn Du:

Dẫu cho thế cuộc chuyển dời

Chữ tâm càng sáng tình người càng trong

(Chữ tâm vằng vặc trên đầu)

Hoặc viết về Nguyên Hồng:

Tiếng còi tàu chọc lủng trời sông Cấm

Dường như ông đang khóc cùng Tám Bính dưới những lầu cao ánh điện lung linh

(Cảm nghĩ về Nguyên Hồng)

Có thể đọc thấy nỗi lo lắng, băn khoăn, trăn trở của người viết khi nông thôn đang mất dần vẻ bình yên dù có vẻ hiện đại và màu mè hơn trước:

Quê giờ rào sắt thay tre

Nhà cao muôn kiểu, màu mè xênh xang

Bê tông hóa khắp đường làng

Xe rồ, bụi khói…bẽ bàng lối xưa […]

Cát phun bức tử cánh đồng

Nông nhàn ra phố chất chồng lo toan

(Nỗi nhớ quê xưa)

Không khó khăn để nhận ra tác giả là người đa cảm, hay nghĩ ngợi, dễ xúc động, dù là trước Ánh mắt người điên, trước thân phận một cô gái, một điểm cao biên giới, hay Chiều ngã ba Đồng Lộc, trước sắc trạng nguyên trong vườn, Đêm xuân trên chốt biên phòng, hoặc Mùa hoa cau của mẹ (tên các bài thơ trong tập)… Đúng như tác giả tự bạch:

Hành trang nặng những lời yêu

Đường lên Tây Bắc hóa điều tâm tư

(Đường lên Tây Bắc)

Phần thơ hai của tập có tên TÔI KỂ CHUYỆN TÔI. Thật ra, sự phân chia này cũng chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Cả phần Vọng biển, cái tôi của tác giả cũng đã hiện diện khá rõ ràng. Mà không chỉ thế. Nhiều lần tác giả xưng tôi, kể chuyện tôi cụ thể, chi tiết như:

Chiều Yên Bái, tôi tìm em qua cơn mưa mùa hạ

Phố hẹn hò… hun hút tính bằng cây

Làn da con gái sáng như trăng ngà mở lối

Rượu mời say bởi ánh mắt, bàn tay

(Yên Bái yêu thương)

Bài thơ “Tôi kể chuyện tôi” lấy làm tên chung cho cả phần này có những câu tự bạch :

Thi nhân một chút hão huyền

Góc trang danh phận mấy miền đa đoan

Ngẫn ngơ như bị ma làm

Câu thơ rút ruột xênh xang dâng đời

Có vẻ như  tác giả tự diễu, tự chế mình, nhưng đằng sau câu chuyện đó là một sự tự nguyện, chân thành mong mỏi dâng đời! Hai mươi ba bài thơ ở phần này tập trung nói về thơ và tình yêu. Hơn một lần tác giả tự trào, tự coi mình là lơ ngơ, lóng ngóng, huyên thiên, ngộ nhận. Đây nữa, hình ảnh người làm thơ:

Tay tôi ôm khối bùa mê

Bẫy người chẳng được lại ghê chính mình

(Người ngang qua ngõ)

Có thể thấy được tác giả là người tôn thờ, ca ngợi EM, ca ngợi phái đẹp. Mà cũng phải thôi, từ ông M.Gorki xa xôi bên Nga đến ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ở Việt Nam, đều ca ngợi phụ nữ, ca ngợi em. Đinh Thường cũng không ngoài lệ ấy.

Em là một tác phẩm toàn bích về thơ

(Nghĩ về thơ)

Rồi em là người như một phép nhiệm màu làm thay đổi hết:

Từ hôm anh được biết em

Sông dài biển rộng, gần thêm mỗi ngày

Đường đời muôn nỗi đắng cay

Bỗng dưng hoa điểm ngất ngây lối chiều

(Xuân muộn)

Si mê như thế này cũng là hiếm trong đời:

Hoa cười lụy khóe môi em

Nhục vinh, được mất, sang hèn bằng không

(Thương một nụ cười)

Và ý nghĩ này không phải là không độc đáo:

Tôi đi tìm em bằng con đường tự trói

Mới hay trong nhau tung tẩy đến vô bờ

(Ý nghĩ tự do)

Chính phần này góp phần đem đến sự đa thanh, đa sắc cho thơ Đinh Thường.

Có thể nói, sau hai tập đã in Hoa dã quỳTrái tim trước biển, Chiều qua thung nhớ là một cố gắng mới của người lính yêu biển, yêu đời, yêu thơ đem dâng tặng cho đời.


Hà Nội, 15 tháng Ba năm 2015
Vũ Nho

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder