Theo phong tục nước ta trải qua 700 năm, cứ đến ngày 20 tháng 8 âm lịch…
TRẦN QUỐC TUẤN (1232-1300)
DANH NHÂN KIỆT XUẤT NƯỚC NAM – THIÊN TÀI QUÂN SỰ THẾ GIỚI
Ngô Đăng Lợi
Theo phong tục nước ta trải qua 700 năm, cứ đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, nhân dân ta khắp mọi nơi long trọng thành kính làm lễ giỗ Đức Thánh Trần. Mỹ tục này đã trở thành câu ca:
Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ
Đức Thánh Trần là Cha chung của dân tộc
Ngay cả những năm đói kém, lũ lụt, loạn lạc, dân ta vẫn trẩy hội đền Kiếp Bạc, chính từ thờ Ngài với tâm thức niềm tin Đức Thánh sống là danh tướng, thác là thần thiêng. Quân xâm lược nước ngoài, kể cả quân Tầu cũng không xâm phạm đền thờ Ngài. Gia đình nào sinh con quặt quẹo, khó nuôi thường đem con bán cho nhà Thánh cầu được che chở. Sau khi làm lễ “bán” thì em bé trở thành con nhà Thánh, được mang họ Trần, tên do Ngài ban. Các con Đức Thánh Trần đỡ đầu cứ đến ngày lễ tết thì làm lễ, lễ phẩm tùy theo gia cảnh, không cầu kỳ, điều cốt yếu phải thanh khiết, thành tâm. Đến tuổi 13 tức đã thành niên thì làm lễ tạ, xin trở lại họ gốc. Tuy đã trở lại họ gốc, nhưng hàng năm, cứ đến ngày chính kỵ vẫn đến dự lễ giỗ. Phụ nữ hiếm muộn, nuôi con khó khăn, sợ ma tà quấy nhiễu thì đến đền thờ Đức Thánh Trần cầu Ngài xua đuổi tà ma, nhất là con ma Khách Phạm Nhan (tên thực là Nguyễn Bá Linh) bị Ngài trị tội biến thành ma. Các triều đại mỗi khi có giặc ngoại xâm, vua chúa tướng lĩnh cầm quân dẹp loạn thường đến đền thờ xin Ngài âm phù; nếu vào đền Kiếp Bạc mật khấn, hễ thấy hộp gươm ở ban chính cung rung lên thì thế nào quân ta cũng thắng.
Những vùng gặp bão lũ, hạn hán, dịch tễ… thường làm lễ cầu Ngài ban cho dân an, quốc thái, hạnh phúc ấm no. Sinh thời có hai nơi thờ sống là đền Kiếp và đền ASào, thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu. Sau khi Ngài qua đời, hai sinh từ trên cùng các xã Bảo Lộc, Tức Mạc (Nam Định), Trần Thương (Hà Nam) quê hương Thụ Khê huyện Thủy Nguyên, Phú Xá huyện An Dương nay thuộc quận Hải An nơi Ngài đóng quân đánh trận Bạch Đằng, đều lập đền thờ, xếp vào hàng quốc tế – do triều đình cấp ruộng giỗ, cử dân phu lo việc bảo vệ, quyét dọn đền. Hàng năm, đến ngày giỗ, các quan tỉnh, phủ, huyện sở tại phải đến đền tế lễ. Các tầng lớp nhân dân nô nức trẩy hội đền Kiếp Bạc. Ngay ở biên giới Việt –Trung, vùng Lưỡng Quảng cũng có nơi dựng đền thờ Ngài; còn đền Ngài ở Lào Cai, nhiều người Trung Quốc cũng đến dâng lễ. Ở đền Kiếp Bạc, các hoành phi, câu đối đều là chữ Nho; duy nhất có một bức hoành phi và một câu đối Nôm do ông Mã Tân Thắng, Hoa kiều buôn bán ở thành phố Hải Dương cung tiến năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức (1879) đến năm Đinh Mão Bảo Đại (1927) các con ông sửa sang lại.
– Hoành phi: Uy đức viễn xướng (nghĩa là Uy đức lan xa)
– Câu đối:
+Uy tan giặc Bắc, trận Sát Thát quân reo, một tay chống lại sơn hà, quét bụi Tống, rửa thù Nguyên, nòi giống vẻ vang hồn lịch sử.
+Ơn khắp miền Đông, đền Đại vương quốc tế, mảnh đá in còn sự nghiệp, tiếng sóng Đằng, vầng mây Kiếp, khói hương phảng phất bóng anh hùng.
Thì ra, lòng sùng mộ kính yêu người có công lớn với dân với nước mang tính phổ quát trong lịch sử nhân loại. Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Anh quốc cũng bình chọn Ngài là một danh tướng thế giới.
Theo thần tích chính từ thờ Ngài đều ghi Ngài là: Thanh y Đồng tử được Ngọc hoàng Thượng đế cho đầu thai vào nhà vương phụ, vương mẫu để sau cứu nước, cứu dân. Văn tế Đức Thánh Trần nhân ngày 20 tháng 8 năm Kỷ Sửu (1949) của nhân dân Hải Phòng cùng nhân dân miền Duyên Hải đọc tại quảng trường Nhà hát Thành phố có đoạn:
Hiển thánh Đông – A
Giáng thần Nam – Việt
Sứ Thanh Y ứng mộng Thái Từ,
Làng Tức Mạc đản sinh anh kiệt
Tài đức song toàn
Võ văn quán tuyệt
Sự quân, sự phụ, trong nhân luân nức tiếng cương thường
Vị quốc, vị dân, ngoài nghĩa khí vạch bầu tâm huyết
Lược thao tay thảo, sách Binh thư nhụt cả Tôn Ngô
Sứ mệnh vua ban, gươm Tiết chế sáng trưng nhật nguyệt
Khăng khăng một dạ, cùng đất trời soi tấm trung kiên
Gióng giả ba quân, khắp triều nội nức danh kiệt hiệt…
(Văn tế do GS. Phạm Ngọc Khuê soạn, đăng trong thần tích Đức Thánh Trần – Bắc Việt Tương tế hội – Sài Gòn 1963-P-173-174)
Thời gian tổ chức lễ Giỗ Đức Thánh Trần năm 1949, thành phố Hải Phòng nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm, lại là lúc Hiệp ước Vincent – Auriaul – Bảo Đại trao trả quyền độc lập giả hiệu của chính phủ tay sai. Việc giỗ Đức Thánh Trần hoàn toàn hợp lễ, hợp lý, chính quyền không dám ngăn cản, cấm đoán. Điều bất ngờ với họ là dân miền Duyên Hải dự lễ quá đông, quá nhiệt thành.
Sự nghiệp bình Nguyên của Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn để lại những bài học lịch sử quý giá gì cho hậu thế?
Theo sử, vào đầu thế kỷ 13, ở phía Bắc Trung Quốc có tộc người Mông Cổ là dân du mục thành thạo nghề cưỡi ngựa bắn cung. Một viên tù trưởng lập đạo kỵ binh tinh nhuệ nhanh chóng chinh phục Tây Bắc nước Tầu được suy tôn là Thành cát tư hãn (Gengiskhan). Sau đó Thành cát tư hãn lần lượt chiếm hết nước Tầu, lật đổ triều đình Nam Tống rồi lập nên triều Nguyên. Quân Nguyên Mông lại nhanh chóng chiếm được vùng Trung Á và Đông Âu. Đến năm 1227, đế quốc Mông Cổ lan rộng từ Thái Bình Dương đến Hắc Hải.
Nhưng đội quân Nguyên Mông bách chiến bách thắng ba lần xâm lược nước Đại Việt ta đều bị thua, đặc biệt là lần thứ II (1284), lần thứ III (1287). Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) vua Nguyên sai Thái tử Thoát Hoan cùng hai tướng giỏi Toa Đô, Ô Mã Nhi đem 50 vạn quân tinh nhuệ chia hai đường thủy – bộ sang quyết chiếm nước ta một nước nhỏ, đơn độc một mình dám chống lại Thiên triều Đại Nguyên. Về phía ta, tuy tình thế vô cùng nguy hiểm, nhưng Tiết chế Trần Hưng Đạo vẫn động viên vua Nhân Tông với câu nói nổi tiếng “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Dưới sự chỉ huy tài tình của Ngài, tháng Tư năm Ất Dậu (1285) quân ta thắng to ở Hàm Tử quan. Tháng Năm liền đó, quân địch lại thua đậm ở Tây Kết, hơn 3 vạn quân tướng giặc chết, trong đó có tướng Toa Đô bị chém, tướng Ô Mã Nhi phải chạy trốn, tiếp theo quân ta lại thắng to ở bến Chương Dương. Được tin, Thoát Hoan phải bỏ chạy về Tầu, trên đường rút chạy lại bị phục binh do Hưng Đạo vương đã đặt quân mai phục. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, 50 vạn quân Nguyên do những danh tướng Tầu chỉ huy đã bị đại bại.
Tin quân thua, tướng chết, vua Nguyên vô cùng tức giận, quyết phục thù, tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), sai Thoát Hoan, Ô Mã Nhi… thống lĩnh 30 vạn quân, 500 chiến thuyền, trong đó có đội binh thuyền tinh nhuệ chuẩn bị đánh chiếm Nhật Bản; nhưng trận Vân Đồn, Trần Khánh Dư đã đánh tan đội tải lương của Trương Văn Hổ, 6 vạn thạch lương chìm xuống biển, đẩy đại quân Nguyên vào thế nguy khốn. Thừa cơ, Tiết chế Hưng Đạo vương chỉ huy quân dân Đại Việt phục kích trên sông Bạch Đằng mà Ngài tiên đoán, giặc phải theo đường sông này rút quân. Tháng 3 năm Mậu Tý (1288), đại thắng Bạch Đằng giang lịch sử, Ô Mã Nhi cùng mấy tướng tài bị bắt sống, quân lính Tầu chết thây làm nghẽn cả một khúc sông, ta thu được 400 chiến thuyền. Thái tử Thoát Hoan được tin cánh quân thủy thua to, vội vàng dẫn quân trốn chạy, đến ải Nội Bàng bị phục binh của Phạm Ngũ Lão chặn đánh, Trương Quân chỉ huy 3000 quân đi đoạn hậu, bị Phạm Ngũ Lão chém chết. Tàn quân Nguyên chạy đến núi Kỳ Cấp, trên đường đều có đồn ải của quân Đại Việt mai phục, bắn tên thuốc độc xuống như mưa nên nhiều tướng và quân lính chết như ngả rạ. Tướng Trịnh Bằng Phi cố sống cố chết mới bảo vệ được Thoát Hoan trốn lủi theo đường tắt về được châu Tư Minh dâng sớ lên vua Nguyên xin tạ tội. Từ đây, đế quốc Nguyên Mông mới thôi không dám xâm lăng Đại Việt, đồng ý hai nước Trung – Việt hòa hoãn.
Tại sao một nước nhỏ, đất hẹp, dân ít hàng chục lần so với Nguyên Mông lại chiến thắng, trong khi nhiều cường quốc thế giới lúc ấy đều phải hàng phục. Nhiều nhà sử học, nhà quân sự, nhà chính trị thế giới quan tâm nghiên cứu vấn đề này; hiện Mỹ quốc lập Viện Trần Nhân Tông để nghiên cứu. Sinh thời, Hưng Đạo vương đã giải thích rõ Đại Việt thắng vì: Cả nước trên dưới một lòng, anh em hòa thuận, cả nước đấu sức lại mà đánh. Nhà vua lại giỏi dùng người, thưởng phạt công minh nên nhân tài lũ lượt ra giúp nước. Triều Trần kế thừa truyền thống thân dân, dựa vào dân, chủ trương toàn dân vi binh, ngụ nông ư binh, hậu cần tại chỗ, xây dựng mỗi làng là một pháo đài chống giặc, giữ làng, bảo vệ dân, giặc đi đến đâu cũng bị chặn đánh, lương thảo do chính sách “thanh dã” như “tiêu thổ kháng chiến” thời gian đầu kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954, Hưng Đạo vương đã soạn 2 tác phẩm lý luận quân sự dân tộc: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và bài Hịch tướng sĩ hùng hồn thống thiết. Tháng 6 năm Mậu Tý (1300), Ngài ốm mệt, có di chúc cho vua Trần Anh Tông “thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Sau khi Ngài mất, vua Trần Anh Tông truy phong Ngài: Thái sư, Thượng phụ, Thượng Quốc công, Bình Bắc đại nguyên soái Hưng Đạo đại vương, sai thờ ở Vạn Kiếp, Tức Mạc, Bảo Lộc. Còn nhân dân ta tin Ngài là bậc Thánh – Đức Thánh Trần, là Cha của dân tộc. Hai nước Việt – Trung có Quan Vũ đời Tam Quốc và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được tôn sùng như thế. Ở nước ta, nhiều nơi Hoa kiều thờ Quan Vũ.
Truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường, mưu trí của tổ tiên, nhất là đời Trần đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy, kế thừa sáng tạo nên nhân dân ta, các lực lượng võ trang nhân dân ta đã chiến thắng oanh liệt 2 đế quốc to, giầu mạnh nhất đương đại.
N.Đ.L