Các bạn Nga của tôi ngày ấy – Truyện ngắn của Ngọc Châu

(Giải 3 cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” do Đài Tiếng nói nước Nga tổ chức) Chưa bao giờ được sang Nga nhưng tôi lại có dịp sống chung với các bạn Nga “ngố” – thời đó người Việt thường gán tính từ ấy cho người Nga qua dáng vẻ hiền lành, hữu nghị – đến hơn một năm, thực sự là hàng xóm láng giềng hết sức gần gũi…

Chưa bao giờ được sang Nga nhưng tôi lại có dịp sống chung với các bạn Nga “ngố” – thời đó người Việt thường gán tính từ ấy cho người Nga qua dáng vẻ hiền lành, hữu nghị – đến hơn một năm, thực sự là hàng xóm láng giềng hết sức gần gũi.

 

Hồi đó tôi phụ trách ban Xây dựng-doanh trại của một trung đoàn Hải quân rất được chú ý vì là một trong số ít mô hình làm kinh tế điểm của toàn quân sau chiến tranh. Trung đoàn có đội tàu đánh cá lớn, xưởng đan lưới, khu chế biến hải sản, xưởng sửa chữa tàu và nhiều kho trạm hậu cần khác. Sĩ quan chỉ huy rất thiếu, nhất là số đã qua đại học chuyên ngành còn cán bộ chính trị (mà cánh chỉ huy chúng tôi gọi là mục sư coi phần hồn) thì quá thừa thãi. Đơn giản vì ở trên nghĩ rằng làm kinh tế sẽ phức tạp lắm, nếu lơ là “phần hồn” một chút ắt sẽ nẩy sinh rất nhiều tiêu cực.

Vậy nên với cán bộ chỉ huy công việc cứ ùn lên, nhiều như lông lươn, còn phía chính trị chẳng có việc cụ thể gì để làm. Rỗi việc nên họ ra sức soi mói, moi móc mọi thứ quân cương quân kỉ ra để đúc nhiều loại “vòng kim cô”, kiềm chế các thói hư tật xấu tương lại có thể xẩy ra.

Nói vậy là đủ để mọi người hiểu rõ tình thế khi tôi bắt đầu được làm quen với nhóm người Nga đến làm nhiệm vụ “liên lạc với vệ tinh”. Nhóm chỉ có sáu người gồm một trung úy với năm hạ sĩ quan – không rõ cấp bậc từng người cho lắm vì tôi không hỏi – mà vì ở biệt lập nên chẳng mấy khi thấy nhóm này mặc quân phục với quân hàm quân hiệu.

Sáng hôm đó tôi được Đoàn trưởng bảo cậu cần vụ tìm lên hội ý.

– Ban Xây dựng-doanh trại đang có hai dãy nhà, đồng chí thu xếp dồn quân về một dãy, giữ lại vài gian phía trong thôi, giành các gian phía ngoài cho một tiểu đội quân Nga xuống ở, làm nhiệm vụ liên lạc với vệ tinh. Lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân vừa gửi xuống, đồng chí về tiến hành ngay đi.

– Tôi cũng chưa rõ nhiệm vụ cũng như cách thức cư xử với họ, bên chính trị sẽ tìm hiểu và báo cáo sau. Cần phải thu xếp ngay lấy chỗ cho họ xuống ở vào chiều mai đã – Thấy tôi chừng như muốn hỏi Đoàn trưởng nói thêm như vậy.

– Báo cáo, rõ! – Tôi rập chân nhận mệnh lệnh đúng theo qui định.

– Kĩ sư chắc là biết tiếng Nga. Vậy nên mới bố trí họ ở cạnh ban Xây dựng. Giữ quan hệ tốt đẹp và cố gắng giúp đỡ họ trong mọi việc, thằng em nhá!

Cấp dưới đều quí và đã rõ tính nết cũng như thói quen của Đoàn trưởng: khởi đầu bao giờ cũng xưng hô đồng chí, nhất là khi “cụ” có chuyện gì không vừa ý, nhưng kết thúc thường “thằng em” như vậy.

Tôi tạt qua bên chính trị, may quá biết được một ít thông tin về quân số cũng như khí tài của các bạn Nga nên chỉ trong chiều hôm ấy đã cùng quân của mình làm được những gì nghĩ là cần làm, mãi đến khi kẻng báo giờ ngủ mới hòm hòm công việc. Đoàn trưởng ghé qua, thấy “cụ” có vẻ ưng ý tôi mới yên tâm lăn ra ngủ.

Từ ngày ấy tôi là hàng xóm sát vách của các Xéc-gây, Vô-lô-đia, I-van, I-go, Vich-to (mà tôi chẳng bao giờ hỏi rõ được họ tên do còn quá dốt tiếng Nga) với chỉ huy của họ là trung úy A-lec-xan-đơ-rơ nhưng thường gọi ngắn gọn là Xa-sa và anh ta cũng chỉ cụt lủn gọi tôi “Chao oi” (Châu ơi) mà thôi.

Để các cha coi giữ phần hồn không có lí do gì bắt bẻ trong việc giao lưu “quá đà” với các bạn láng giềng mới, sáng nào tôi cũng dậy trước kẻng 15 phút đánh răng rửa mặt để có thời gian chơi bóng bàn với họ, nhiều nhất là với Xa-sa, suốt giờ thể dục và vệ sinh cá nhân cho đến khi kẻng ăn sáng vang lên. Giờ thể thao buổi chiều thì đông vui hết chỗ nói, đến mức phải xoay thêm một bàn bóng thứ hai về đặt cạnh đó. Tôi và anh em của mình thực sự kinh ngạc với các anh bạn Nga lộc ngộc, tưởng là ngố nhưng hóa ra tiến bộ rất nhanh trong môn thể thao này. Ban đầu chỉ có vài người biết cầm vợt nhưng sau một tháng họ đã chơi khá vững, đặc biệt là biết cách đỡ bóng xoáy rất nghệ trong khi một số chiến sĩ của tôi chơi bóng hàng năm rồi vẫn bị “bung” với những quả xoáy lật cổ tay hóc hiểm của “thủ trưởng Châu”!

Tuy cùng nếp nhà binh nhưng có nhiều thứ làm các chàng lính Nga ngạc nhiên với lính Việt lắm.

– Chao oi, sao chúng ăn nhiều thế? – Sau giờ ăn sáng I-go với Vich-to gọi tôi khi thấy một tốp nữ quân nhân khá là xinh xắn, nhỏ nhắn của trạm Lưới từ nhà ăn trở về với vài chiếc khay hoặc chậu sắt tráng men đựng cơm trên tay – Bữa sáng chúng tao chỉ ăn vài lát bánh mì thôi, mày thấy đấy.

Tôi hiểu câu hỏi nhưng trả lời cho các vị này thật mỏi tay hơn đánh bóng bàn (!). Khua khoắng mãi mới giải thích cho hai chàng này biết rằng “chúng vét cơm thừa về nuôi chó với gà” và “chúng mày ăn vài lát bánh nhưng kèm thêm pho-mát, trứng rán, sô-cô-la với cà phê sữa nữa, chúng tao chỉ ăn một bát cơm với nước mắm vào bữa sáng thôi”. Nghe chừng hai tên cũng hiểu vì cứ “pa-nhan”  liên tục.

Nhớ cái Tết đầu tiên các bạn Nga thưởng thức cùng chúng tôi trên đất Việt. Ban Xây dựng chịu trách nhiệm về khoản bánh chưng cho Đoàn bộ nên tôi phân công và ốp lính tráng của mình suốt ngày mới gói xong năm trăm chiếc bánh.

Các “ông” hàng xóm tò mò hết mức. Xa-sa tìm tôi để hỏi khi thấy gạo, đỗ xanh, lá dong cùng thúng mủng, khuôn gỗ… bày ra la liệt. “Chúng mày làm cái gì thế?” “Bánh chưng, chỉ ngày tết mới gói thôi”. “Để làm gì?” “Ăn chứ làm gì nữa!” – Ngần ngừ một tí rồi hắn ghé vào tai tôi “Cho chúng tao ăn thử với nhá” “Nửa đêm mới chín, mày thức đợi được không? “Bao giờ, lúc mấy giờ?” “Hai giờ sáng, pơn-not-chờ” – tôi giơ hai ngón tay và hắn hiểu.

Gần ba giờ sáng cậu chiến sĩ trực canh mới lay tôi dậy báo “bánh chín rồi thủ trưởng ạ”. Tôi khẽ khàng ghé qua sân láng giềng, cũng ngại vì các “linh mục” coi giữ phần hồn bên ban Chính trị luôn nhắc nhở “không được giao tiếp với bạn vào thời gian không chính qui”. Im lặng như tờ, tôi nghĩ tất cả đang ngủ nhưng chỉ gõ khẽ vào cửa phòng Xa-sa thì hắn đã bật dậy mở cửa tức thì, sau đấy mấy tên còn lại cũng lục tục rời khỏi giường khá nhanh. Tôi đưa tay lên môi “suỵt! – chi-khơ!” ra hiệu cho mấy ông hàng xóm vào ngồi trong phòng họp của tôi.

Khó mà tả được vẻ háo hức của mấy anh chàng, họ chăm chú ngó xem và nôn nóng lắm khi tôi bóc lá, tách nhỏ lạt buộc làm dây cắt trong lúc hơi nước từ chiếc bánh nóng bốc lên nghi ngút, chẳng khác gì các sứ thần Tây phương khi được Từ Hi thái hậu nhà Thanh chiêu đãi bữa tiệc chuột bao tử ngọ ngoạy nuôi toàn bằng sâm với nhung!

Vậy nhưng mới cắn vài miếng Xa-sa đã phát biểu “Tưởng thế nào, toàn cơm là cơm! (tôn-kơ rit đa rit!) rồi cả hội lục tục chuồn về giường ngủ. Họ cụt hứng và tôi cũng cụt hứng không kém vì cứ nghĩ là mấy anh Nga “ngố” này sẽ khoái chí tử với món quốc hồn quốc túy chỉ có vào ngày tết của Việt Nam. Mấy hôm sau cậu công vụ của họ bảo tôi:

– Em đem số bánh chưng Bộ Tư lệnh biếu rán bơ, phết sữa đặc vào thì lại ăn thủng nồi trôi chảo anh ạ! Khen phờ-cú-sờ-nơ (ngon) rối rít.

Khối chuyện cười ra nước mắt với các vị hàng xóm. Một hôm Vô-lô-đia vẫy Vich-to ra cầu ao xem gì đó, cậu công vụ cũng chạy ra theo. Hóa ra mấy chàng lính ở ban Tham mưu đang xử một chú mộc tồn. Vich-to cứ há mồm ra vì kinh ngạc, hệt như cảnh trong phim “Lục địa Xan-nhi-côp” khi nhà thám hiểm lần đầu nhìn thấy thổ dân trên hòn đảo hoang làm nghi lễ kinh dị gì đó bên đống lửa!

Bên Nga không ăn thịt chó, không giết chó bao giờ – tôi nghĩ trong bụng và hơi bị mặc cảm trước mắt nhìn của hai anh bạn này. Thế nên phải cố gắng giải thích để hai tên hiểu rằng người Việt Nam và nhiều nước châu Á nuôi chó như thể nuôi lợn, chúng là nguồn thực phẩm chứ không để làm cảnh như bên Nga đâu. Cả hai gật gật đầu “đa, pha-nhan!” (vâng, hiểu rồi!) còn cậu công vụ thì bỗng mỉm cười hết sức tinh quái.

Khoảng ba bốn tháng sau, lúc tôi vội đi giao ban Trung đoàn thì Xa-sa chạy ra khoe chuyện gì đấy. Tôi nghe không rõ lắm, hình như hắn bảo “chúng tao cũng có chó” nhưng không có thời gian để trò chuyện thêm. Việc hàng xóm nuôi một con chó tôi biết từ lâu rồi, nòi vằn vện An-nam-mít chứ không phải cảnh kiếc gì sất, họp xong quay về tôi mới ghé qua xem có chuyện gì. Trời đất ạ, hóa ra tay Xa-sa khoe tôi “chúng tao cũng giết chó!”. Chú vằn đã lên đĩa thật! I-van đang vừa thổi vừa xẻo một miếng thịt treo bốc hơi nghi ngút, Vich-to khoe tôi mấy tấm ảnh hắn cắt tiết, I-van thui chó cùng với cậu công vụ, ảnh đen trắng vừa đem vào phòng tối rửa xong ướt sượt “gửi về cho vợ tao xem nàng có hãi không” – Vich-to bảo tôi, vẻ rất khoái chí với “chiến tích miền nhiệt đới” này.

– Sau hôm Tham mưu giết chó em liền ra chợ Cột đèn mua vài món mộc tồn về cho các hắn chén thử – Cậu công vụ ghé vào tai tôi thì thào – Thế là khen lấy khen để, giục em mua con cún về nuôi anh ạ, lính tráng cứ phải như vậy!

Vừa phì cười với bí mật cậu ta tiết lộ tôi vừa tổng… văn quát vấn đề rằng, cùng là lính thì ở đâu rồi sẽ quen đấy. Các chàng “vệ túm” Việt Nam khi sang đóng quân ở Lào cũng chén mắm ngóe tì tì, khác gì các bạn “Say-xỉn-lăn-ra-phản” đâu!

Bao nhiêu chuyện đã cùng sẻ chia với các bạn Nga “ngố” của tôi trong hơn một năm là láng giềng gần gũi. Một dạo thấy I-van có vẻ buồn, tôi hỏi thì Xa-sa bảo “vợ nó ở nhà có chuyện gì đó nhưng tao không thể bố trí cho nghỉ phép được…” Tối đó tôi mang ghi ta sang đệm cho cả bọn hát các bài hát Nga mà người Việt vẫn thường hát. Xa-sa và I-go đều có giọng tốt, trầm và ấm, đặc biệt thích nghe tôi vừa đàn vừa hát bài “Ngôi sao ban chiều”.

Có một việc kì lạ là chẳng người nào trong số họ biết bài này trong khi ở ta ai cũng bảo đó là bài hát Nga, thậm chí có bản nhạc chép tay còn đề tác giả là “Trai-cốp-xơ-ki” nữa cơ. Tôi đành phải cố dịch lời bài hát sang tiếng Nga cho cả bọn đều hiểu, I-go nằng nặc đòi tôi dạy hắn chơi đàn và hát bài này vì đáp ứng đúng “cõi nòng” của anh chàng:

Màn chiều dần buông xuống

Gió ngàn vi vu

Lấp lánh đầu thôn

Ngôi sao ban chiều

Chạnh, lòng ta thương nhớ, tới người yêu ta, ở chốn trời xa…

Hàng chục năm sau tôi mới biết được rằng bài hát đó do anh Đinh Tiến Hậu người Hải Dương viết ra, nhưng anh ta phải chối bỏ đứa con rứt ruột của mình khi đề là “nhạc Nga” để người ta có thể hát nó, nếu không sẽ bị coi là “nhạc vàng” – là dòng nhạc bị cấm đoán một thời.

Nhiều kỉ niệm lắm, giờ đây nhớ lại thời gian ấy lòng còn thấy bồi hồi. Lần cơn bão lớn tràn qua, mấy ngôi nhà đã sập nên tôi hét các chiến sĩ cùng mình lôi thêm tấm bạt to xuống dãy kho lợp ngói, nằm ở bờ sông cách đấy bốn trăm mét để phủ lên các bao xi măng. Thấy gió bão thổi bay chúng tôi liên tục lên bờ xuống ruộng, Xa-sa cùng I-go cởi trần, đội mũ sắt chạy theo giúp sức. Không bao giờ tôi có thể quên ngày ấy dù rằng sau đấy nửa kho xi măng vẫn bị ẩm khiến tôi bị kỉ luật khiển trách do “các cha đạo” khép vào tội “tinh thần trách nhiệm chưa cao” (mà lúc bão họ bình chân như vại ngồi trong nhà hút thuốc lào, chơi tú-lơ-khơ với nhau!)

Có một việc mà tôi và I-go ngầm nhất trí “sống để bụng, chết mang đi” khi chia tay nhau, nhưng giờ đây đã có thể nói ra vì tình thế biến chuyển nhiều rồi.

Đó là mối tình giữa anh ta và cô hạ sĩ ở trạm Lưới mà tôi không muốn nêu tên thật ra đây. Chính là cô chiến sĩ xinh đẹp đã bưng chậu cơm nguội về nuôi gà khiến I-go phải nêu thắc mắc với tôi “sao chúng nó ăn nhiều thế?”. Từ hôm ấy trở đi anh chàng rất chăm thu vén thức ăn thừa của tiểu đội (khá nhiều sau mỗi bữa, một phần do cậu công vụ nấu nướng chưa hợp khẩu vị, phần nữa vì được phòng Hậu cần trên Bộ cung cấp khá dư dật) rồi nhờ cậu công vụ đưa cho các cô gái “để nuôi gà”. Sau còn dúi ở dưới bánh mì ăn dở mấy thanh sô-cô-la để “nuôi ai không biết!”, dần dà còn học nói, viết tiếng Việt để chào hỏi mỗi khi gặp mặt.

Làm kinh tế nhưng kỉ luật quân đội vẫn được những người nắm giữ phần hồn duy trì nghiêm khắc hơn cả thời chiến. Khi cậu công vụ nói cho tôi biết, tôi phải theo dõi để cô hạ sĩ Việt cùng cậu thượng sĩ Nga không làm điều gì vượt quá ngưỡng cho phép, họ chỉ có thể chào nhau khi đi qua, gặp nhau vài giờ một tuần trong buổi tập hát của tốp ca do tôi khởi xướng, phải nói là cặp song ca này rất hợp giọng nhau.

Là lính nên buổi chia tay giữa tôi với họ diễn ra rất đột ngột. I-go đón tôi giữa đường:

– Có lệnh 48 giờ nữa phân đội rút khỏi đây, chưa rõ đi đâu. Mày có giúp tao gặp mặt X. ở đâu được không? – Hắn nói với vẻ buồn rượi, dúi cho tôi tờ giấy có những dòng viết tay nửa Nga nửa Việt.

– Pó-dờ-de! (sau đã) – tôi đáp vội vì đang đến cuộc họp. Tờ giấy là bài thơ của I-go viết tặng bạn gái, vừa họp tôi vừa tranh thủ dịch sang tiếng Việt:

Xa nhau rồi em ơi

Nhưng còn sống trên đời

Thì tình anh còn cháy

Đốt em – mình em thôi.

Xa nhau rồi em ơi

Nhưng tình anh để lại

Con tim đau tê tái

Gửi em – chỉ một người….

…….

Tôi vẫy X. ra ngoài khu trạm Lưới nói cho biết việc I-go phải rời khỏi đây và anh ta mong mỏi được về thăm nhà cô một lần, xin phép bố mẹ cô về chuyện giữa hai người… “Ý em thế nào?” – Tôi hỏi.

– Anh tìm cách nào để mai em đưa I-go đi được nhá. Làm sao để đơn vị không biết… Em xin anh giúp cho, hết lòng xin anh đấy…

Tôi nói với Xa-sa rồi bố trí để họ gặp nhau ở bến xe khách trên Hải Phòng, sau đó cùng về quê cô gái cách đó chừng ba mươi cây số. Tôi không thể đi theo nhưng kịp nhờ cô em họ giỏi tiếng Nga đi tháp tùng và phiên dịch.

Rồi tôi cũng được lệnh đi khảo sát để tiến hành sửa chữa một quân cảng ở miền Trung sau đó không lâu. Lắm công nhiều chuyện nên không còn liên hệ gì với các bạn láng giềng ngày đó nữa. Chỉ biết là sau khi ra quân X. đã cày cục nộp đơn và được phép sang Nga lao động.

Cầu cho họ gặp nhau và đang sống bình yên trên xứ sở Bạch Dương, dù sau đấy nước Nga cũng phải trải qua bao nhiêu biến cố.,.

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder