Các vị La Hán chùa Tây Phương – Huy Cận

Hình tượng La-hán trong bài thơ rất mới lạ. “Khi đọc bài thơ Các vị La-hán chùa Tây Phương của Huy Cận, một nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Nhà thơ vẽ ra những hình vẽ bên ngoài chủ yếu là để thể hiện nội tâm của những vị A-la-hán, mà cũng chính là nội tâm đau đớn, quằn quại, vật vã, đầy đau khổ, của những con người nơi trần thế…”


 

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân ?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu ?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau ?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

27-12-1960

 

 

Phản biện nhà thơ Huy Cận về các vị La Hán chùa Tây Phương – Hành Vân

Theo Kienthuc.net.vn

 

Huy Cận đã khéo léo đưa các pho tượng lên thơ ca với nghệ thuật “điêu khắc bằng lời”, nhưng không mang sự thành kính của những người thợ xưa.

Hôm qua, hôm nay và mai sau luôn lẫn lộn trong tâm thức của chúng ta. Mà trong bài thơ Các Vị La-hán Chùa Tây Phương của Huy Cận có “các vị La-hán” là hôm qua, “chùa Tây Phương” là hôm nay, khi Huy Cận ghé thăm chùa, và niềm tin của Huy Cận về cuộc sống mới là mai sau, một sự hướng về. Như thế, Huy Cận đã sáng tác một bài thơ với những hình tượng như cũ như mới, trộn lẫn hôm qua, hôm nay và mai sau. Bài thơ đó khiến chúng ta tự nhìn lại văn hóa, lịch sử và xã hội hiện tại của chính mình

Bài thơ Các Vị La-hán Chùa Tây Phương ra đời vào năm 1960, trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ. Bài thơ khắc họa những pho tượng La-hán ở chùa Tây Phương, qua đó thể hiện những suy tư của tác giả về con người: cha ông Việt Nam thời phong kiến. Từ đó, tác giả nêu lên niềm tin của mình vào một thời đại mới.

Hình tượng La-hán trong bài thơ rất mới lạ. “Khi đọc bài thơ Các vị La-hán chùa Tây Phương của Huy Cận, một nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Nhà thơ vẽ ra những hình vẽ bên ngoài chủ yếu là để thể hiện nội tâm của những vị A-la-hán, mà cũng chính là nội tâm đau đớn, quằn quại, vật vã, đầy đau khổ, của những con người nơi trần thế…”. Chúng ta sẽ xem xét lại quan điểm, nhận định trên của nhà nghiên cứu văn học đó. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ phân tích bài thơ Các Vị La-hán Chùa Tây Phương để làm sáng tỏ những luận điểm của nhà thơ Huy Cận.

Các vị La-hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương

Há chẳng phải đây là xứ Phật

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Lời thơ mở đầu toàn bài nghe thật êm ái, gợi ngay những nỗi niềm băn khoăn của tác giả. Giọng thơ êm ái vì những âm điệu hài hòa, gieo vận chuẩn: “phương”, “vương”, “thương”, và cũng do thể thơ bảy chữ vốn rất quen thuộc với người Việt Nam. Niềm vấn vương của tác giả được hai câu thơ cuối tô đậm, diễn thành một câu hỏi rõ ràng, để lưu xuất toàn bộ ý thơ. Đến đây, tác giả khắc họa ba pho tượng La-hán, sau đó miêu tả toàn thể nhóm tượng, rồi đưa ra nhận định và kết thúc bài thơ với những ý tưởng về một thời đại mới.

Chùa Tây Phương là một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây[2]. Chùa khánh thành năm 1792, trong bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ XVIII, đất nước đang bị loạn lạc do hai họ Trịnh, Nguyễn phân tranh, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, vua Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà… tức là trong thời kỳ mà xã hội Việt Nam rất rối ren. Trong chùa Tây Phương có mười tám pho tượng La-hán nổi tiếng, rất đặc sắc. Người thợ xưa dùng đôi tay tài hoa và tâm hồn thành kính của mình để tạc nên các pho tượng. Còn Huy Cận ngày nay đã khéo léo đưa các pho tượng ấy lên thơ ca, với nghệ thuật “điêu khắc bằng lời”. Nhưng Huy Cận không mang sự thành kính của những người thợ xưa và Huy Cận đã muốn hiện thực hóa những gì thiêng liêng nhất của nền văn hóa Việt Nam, theo ý Huy Cận.

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Pho tượng đầu tiên được miêu tả với chân dung gầy guộc, trơ xương. Bởi vị La-hán này gầy nên có “vòm mắt sâu”, sao Huy Cận lại đảo ngữ thành “sâu vòm mắt” để liên tưởng thành “Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt”? Còn “Tự bấy ngồi y cho đến nay” là Huy Cận có ý gì, trong khi mọi pho tượng gỗ đều cứ giữ hoài một tư thế, đều ở mãi chỗ nó được đặt vào mà thôi?…

Pho tượng đầu tiên được giới phê bình văn học đánh giá là có thế giới nội tâm đau khổ vì (nhân vật mang hình tượng ấy) chỉ mãi suy tư về nỗi khổ của nhân loại. Sự đánh giá này là gượng ép, do chủ yếu là dựa vào câu thơ thứ ba. Một người ốm thì đâu có gì lạ. Mà một vị tu hành khổ hạnh đến nỗi ốm gầy teo như thế thì càng cho thấy ý chí cao cả của người ấy, chứ đâu thể đánh giá là người ấy thụ động hay yếm thế. Sang pho tượng thứ hai, Huy Cận khắc họa:

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có hàng lọat động từ mạnh như: giương, nhíu, nổi sóng, vặn, sôi. Lại có các tính từ chỉ trạng thái: héo, chua chát. Pho tượng này có trạng thái chuyển động mạnh mẽ, trái với pho tượng thứ nhất có vẻ tĩnh. Tượng này cũng mô tả hình dáng một vị tu khổ hạnh. Qua ngòi bút của Huy Cận, pho tượng này sinh động hẳn lên. Huy Cận đã thổi vào tượng một số tính chất, mà đến cuối bài thơ chính ông đã nói như thế này về quần thể tượng: “Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại”. Thế thì, sự mâu thuẫn do tâm hồn nhạy cảm của Huy Cận thật hơi khó hiểu. Ta phải nắm bắt thế nào các ý tưởng của Huy Cận đây? Rõ ràng là Huy Cận muốn nói rằng: ông La-hán này yếm thế, bế tắc trước cuộc sống, vì thế ông ta “Môi cong chua chát, tâm hồn héo” và bàn tay nắm chặt lại, thật mệt mỏi… Các nhà nghiên cứu văn học cũng khẳng định như thế. Lẽ nào mọi người đều cho rằng các Thánh nhân của Phật giáo lại tầm thường đến thế sao? La-hán là một con người, quan niệm này rất đúng. Nhưng cho rằng La-hán là một người như mình thì quả thật vô cùng sai lầm. Mình có thể từ bỏ mọi ràng buộc vật chất và tình cảm… được không? Nhưng các vị La-hán thì làm được đấy! Với tinh thần “xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần”, các ngài đâu cần dung dưỡng một thân thể tươi đẹp, thanh lịch, sung sức… Không màng đến ngoại hình, các Thánh nhân ấy chỉ an trú trong đạo đức cao thượng, siêu phàm. Chúng ta không hiểu đúng như sự thật thì chớ, sao chúng ta lại phải uốn nắn sự thật cho vừa với tư tưởng của mình? Không chừng chúng ta lại đang xúc phạm chính “cha ông thời quá khứ” của mình đó! Sau đây là vị La-hán thứ ba:

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn…

Đây là một pho tượng ngồi bó gối. Có vài hạng người ngồi bó gối: người ngồi chơi vô tư như con trẻ, người buồn phiền sợ hãi, người hay thích ngồi kiểu đó… Khi Huy Cận ví một vị Thánh nhân như một chiếc thai non, do dáng ngồi đặc biệt của ông ta, thì cũng chưa phải là Huy Cận chê Thánh nhân ấy tuy cách nói đó có phần không hay. Nhưng, chính chữ “nhưng” trong câu thơ thứ ba làm ta hiểu ngược lại. Mẫu câu có hai vế, vế sau nối với vế trước bằng chữ “nhưng” thì hai vế ấy trái nghĩa nhau. Huy Cận muốn nói về pho tượng thứ ba: ông La-hán này nhỏ bé, nhưng có đôi tài rộng dài và cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn. Làm sao Huy Cận biết được điều đó? Trong thập bát La-hán của nhà Phật không có vị nào có sở hành này. Nếu như một vị Thánh thích chia xẻ mọi điều với nhân loại thì đâu riêng gì chuyện buồn. Mà “nghe đủ chuyện buồn” là ám chỉ một ý không tốt, bởi từ “đủ”. Ví dụ khi nói: “mi ăn đủ thứ” là chê đó thôi…

Như thế, qua ba khổ thơ, nhà thơ đã khắc họa ba pho tượng La-hán điển hình mà nhà thơ đã thấy ở chùa Tây Phương. Về văn chương, thơ phú, lối nói… thì Huy Cận diễn tả nhuần nhuyễn, đọc lên nghe hay. Nhưng về nội dung hiện thực thì Huy Cận đã dùng một cặp kính có tên là “chủ nghĩa hiện thực” để nhìn nhận về một quần thể Thánh tượng tôn giáo theo kiểu của mình. Thánh La-hán là những bậc tu hành đắc đạo trong nhà Phật, ngay thời nay cũng có. Họ không phải là thần tiên nào ở trên trời rớt xuống. Và văn hóa Phật giáo đã là văn hóa Việt Nam trong quá khứ, ngay hiện tại cũng đâu thể phân chia. Phủ nhận văn hóa Phật giáo là phủ nhận văn hóa Việt Nam, là khinh thường bao đời cha ông của mình vậy.

Sang khổ thơ thứ sáu và thứ bảy, Huy Cận tả chung về quần thể tượng:“Mỗi người một vẻ, mặt con người”. Câu này hơi khó hiểu. Ý Huy Cận phải chăng là: “Mỗi tượng một vẻ, mặt con người”?

Sự khắc họa đậm nét của Huy Cận về quần thể tượng với những từ ngữ nhấn mạnh như: “cuồn cuộn đau thương”, “trăm vật vã”, “không khóc cũng đổ mồ hôi”, “mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau”… đều cho ta cảm nhận là nhà thơ đang bộc lộ những nhận thức chủ quan của mình. Có phải ngài đang chủ động “để tâm hồn treo ngược trên cành cây” không? Huy Cận có ý tốt khi muốn ca ngợi thời đại mới dân chủ, tự do, không tăm tối… nhưng nhà thơ đã không khéo lắm. Cuộc sống rất đa dạng, không có gì là toàn ác, cũng không có gì là toàn thiện, và tư cách Thánh nhân không phải là một trò đùa để cho ta bàn luận linh tinh…

Câu thơ “Quay theo tám hướng hỏi trời sâu” có ý vị kém, tuy hơi lạ tai. Trong bài Tràng Giang, Huy Cận cũng đã từng nói đến trời sâu: “Nắng xuống trời lên sâu chót vót”… Quả thật là nhà thơ đang bị treo ngược rồi.

Đối với “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp” của Huy Cận, mọi người đều cho là câu: “Trời ơi, sao khổ thế?”. Trong lịch sử Phật giáo, thái tử Sĩ-đạt-ta đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên, câu hỏi muôn thuở của nhân sinh, nên ngài mới thành Phật và khai sáng ra đạo Phật. Hàng đệ tử của đức Phật cũng đều biết lời đáp. Còn Huy Cận thì, tự nhà thơ đã nói rõ rồi…

Còn câu thơ “Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” là đã nói đến thời điểm nào, khi cuối bài thơ Huy Cận lại nói rằng “Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại”? Thật sự chúng ta khó mà hiểu được ý tứ của Huy Cận, nếu như không được gợi ý đầy đủ.

Khổ thơ thứ tám thể hiện ý chuyển tiếp khéo léo của Huy Cận bằng một câu hỏi:

Có thật trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Như rắn lột da để lớn lên, như người phải chịu đau khi cắt khối u để được lành mạnh… mà như vậy thì đó là lẽ thường, đâu cần hỏi “có thật”. Chư La-hán đều đã cởi áo trầm luân xong rồi, nên các ngài không cần “tìm” nữa. Các bậc ấy đều đã giải thoát sanh tử, đều đã qua khỏi những lẽ phàm tình, qua khỏi những con sông vui thích của giác quan và đã đến được cảnh giới không thay đổi. Tuy chưa bằng chư Phật và chư đại Bồ-tát về công đức, nhưng các bậc A-la-hán cũng đã là hàng đạo sư của nhân loại rồi.

Liên tiếp các khổ thơ sau, Huy Cận đưa ra nhận định rằng: quần thể tượng La-hán ở chùa Tây Phương chính là cha ông người Việt Nam ở thế kỷ XVIII, thời kỳ xã hội Việt Nam rối ren, mọi người đều phải chịu nhiều đau khổ. Do đó, “Các vị La-hán chùa Tây Phương” (câu thơ được lập lại hai lần ở đầu bài và ở khổ mười bốn, đồng thời cũng là tên bài thơ), chính là “Cha ông yêu mến thời xưa cũ” của Huy Cận. Huy Cận hoàn toàn không cần biết La-hán là Thánh, là Phật gì cả. Đối với Huy Cận, La-hán đơn giản chỉ là tên của những pho tượng mà thôi. Mà ta không rõ là theo Huy Cận thì thông thường hạng người nào sẽ được nhân loại tạc tượng để tưởng nhớ, để sùng bái?

Thế thì, tại sao mọi người khi đọc bài thơ này cứ một mực cho rằng La-hán là thế nọ thế kia. Vậy là mọi người sai chứ Huy Cận không sai. Huy Cận không sai, Huy Cận chỉ đem những hình ảnh thiêng liêng của văn hóa Phật giáo nói chung, của văn hóa Việt Nam nói riêng ra để làm ẩn dụ cho vài ý tưởng của mình thôi. Huy Cận đã làm cho bao nhiêu người hiểu lầm, đưa đến nhận định: “Nhà thơ vẽ ra những hình vẽ bên ngoài chủ yếu là để thể hiện nội tâm của những vị A-la-hán…” (đầy đau khổ?…)

Tóm lại, bài thơ Các Vị La-hán Chùa Tây Phương của Huy Cận sáng tác theo thể thơ mới và có phong thái của thơ thất ngôn trường thiên. Bài thơ này rất lưu loát, uyển chuyển về âm điệu, ngôn từ. Nhưng tứ thơ lại không sâu sắc và bị mâu thuẫn giữa thực tế (các Thánh La-hán, quần thể Thánh tượng tôn giáo) với quan điểm, nhận thức của tác giả (cha ông Việt Nam thế kỷ XVIII). Tác giả đã mượn những hình ảnh rất thiêng liêng để diễn tả những ý tưởng nhỏ. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy hình tượng các La-hán được một nhà thơ mới đưa lên thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Và rồi mọi người đều ngộ nhận… Thế mới hay, khi dùng những hình tượng lớn để ẩn dụ cho những cái không tương xứng thì sẽ bị lủng củng như thế nào.

Văn học vốn là tấm gương phản ánh mọi sự kiện của thời đại, mà nhà văn là những vị thư ký trung thực ghi chép lại các sự kiện ấy. Huy Cận sáng tác bài thơ này vào thời đại mới của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ đó mọi người đều hăng hái chiến đấu, phục vụ cho tổ quốc. Nếu như Huy Cận muốn dùng những hình ảnh xưa cũ để nói về những cái mới thì Huy Cận nên tìm hiểu rõ ràng. Văn hóa Việt Nam với bề dày 4000 năm sẽ có rất nhiều điều để chúng ta khai thác…

Thơ là tiếng nói của tâm hồn, nhưng đâu thể suy diễn, cảm nhận linh tinh được. Ví như một hôm nào đó ta đến nhà bạn chơi, chợt ta chỉ tay lên hình cụ ông, cụ bà trên bàn thờ nhà bạn mà ví von này nọ… thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?  Phải chi Huy Cận chỉ khắc họa hình ảnh các pho tượng La-hán chùa Tây Phương thôi, đừng cài những ý riêng của mình vào, thì bài thơ còn có giá trị. Rồi từ nhận thức về các phẩm chất Thánh nhân được khắc họa trung thực qua lời thơ, chắc chắn đọc giả sẽ có được những sức mạnh tâm linh nào đó để đóng góp cho thời đại mới…

Hành Vân

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder