Cái nghịch dị trong sáng tác của Kafka nó nhẹ nhàng chồi lên khỏi câu chữ nhưng nó không nằm yên tại đó mà nó va đập với thế giới và khủng khiếp hơn nó va đập vào chính nội tâm nhân vật.
Cái nghịch dị trong sáng tác của Kafka nó nhẹ nhàng chồi lên khỏi câu chữ nhưng nó không nằm yên tại đó mà nó va đập với thế giới và khủng khiếp hơn nó va đập vào chính nội tâm nhân vật. Yếu tố nghịch dị trong tác phẩm của F. Kafka vừa cái vỏ bọc để vừa chứa đựng, vừa bộc lộ một cách cụ thể thế giới tinh thần, thế giới bên trong và đồng thời ngay bản thân nó cũng là một thế giới trừu tượng mang cơn dư chấn.
1.
F.Kafka là một ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học thế kỉ XX, ông đã khiến văn đàn thế giới phải chuyển mình tích cực. Ông có thể được xem như một “cơn động đất” cực mạnh khiến cho chủ nghĩa hiện đại có khả năng khuyếch tán rộng khắp tới mọi nền văn học.
Trong số tất cả những sáng tạo mang tính nguyên tắc của các nhà hiện đại chủ nghĩa thì cái nghịch dị được xem là ưu tiên số 1. Và chính F. Kafka là người tiên phong sáng tạo ra “cái nghịch dị”. Cùng với những phá cách về phương thức tự sự và cấu trúc tự sự, giọng điệu, điểm nhìn về thế giới và con người, phạm vi chủ đề, cách xây dựng hình tượng và chiếm lĩnh hiện thực…, yếu tố nghịch dị đi trong tác phẩm của Kafka bằng một hình dạng khác thường, kì lạ, nhiều màu sắc đã đẩy vết đứt gãy của “cơn động đất” – Kafka nên sắc nhọn hơn và cũng vọng lại sâu sắc hơn thanh âm muôn thuở của văn chương phương Tây.
2.
Cái nghịch dị trong sáng tác của Kafka nó nhẹ nhàng chồi lên khỏi câu chữ nhưng nó không nằm yên tại đó mà nó va đập với thế giới và khủng khiếp hơn nó va đập vào chính nội tâm nhân vật. Yếu tố nghịch dị trong tác phẩm của F. Kafka vừa cái vỏ bọc để vừa chứa đựng, vừa bộc lộ một cách cụ thể thế giới tinh thần, thế giới bên trong và đồng thời ngay bản thân nó cũng là một thế giới trừu tượng mang cơn dư chấn.
Theo Từ điển Văn học, khái niệm “nghịch dị” (grotesque) cũng có cách dịch khác là thô kệch hoặc kỳ quặc. Thuật ngữ chỉ một kiểu hình thức tổ chức nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, vào tính trào phúng, tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyền hoặc và cái xấu, cái bi và cái hài, cái giống thực và cái biếm họa” (trang 1053, Từ điển văn học – bộ mới, Nxb Thế giới, H. 2004).
Yếu tố nghịch dị đã xuất hiện và gắn liền với đời sống văn học từ trong thần thoại, biểu hiện quan niệm duy vật tự phát của dân gian về tồn tại và phát triển lên đến đỉnh cao với nghệ thuật thời Phục Hưng và mang tính “lưỡng trị”. Đến thế kỉ XX, yếu tố nghệ thuật này có những sự biến đổi để vừa vặn với kích cỡ chiếc áo của thời đại. Xu thế của kiểu nghịch dị này là sự biến hóa đột ngột từ thế giới quen thuộc “của ta” thành thế giới xa lạ và thù nghịch do “nó” cai quản. “Nó” là một thế lực phi nhân và không thể hiểu được, một “tinh thần tất yếu” tuyệt đối biến con người thành con rối, nghịch dị thấm nhuần “nỗi sợ sống”, thấm nhuần ý thức về tính phi lý của tồn tại” (trang 1054, Từ điển văn học – bộ mới, Nxb Thế giới, H. 2004).
Như vậy, cùng với sự biến đổi và phát triển, yếu tố nghịch dị đến thế kỉ XX đã hiện hữu trong văn học như là sự biểu thị cho cái phi lý, trái ngược với cái thông thường. Đó không phải là cái huyễn ảo giả tưởng được đặt ra như một sự giả định hiện thực. Nghịch dị dịch chuyển giữa cái thực và cái phi lý. Nó là cái phi lý của hiện thực có thực. Như vậy, có thể hiểu, yếu tố nghịch dị là yếu tố tạo nên hình tượng trái với thông thường, ở dạng thức méo mó, lệch lạc so với thông niệm.
Và trong sáng tác của F. Kafka, yếu tố nghịch dị ám khói lên nhân vật, tạo tác cả một màn sương mù có khi u uất, có khi huyễn hoặc, nhẹ nhàng nhưng bủa vây, tĩnh lặng và mờ ảo nhưng luôn gào thét, cuồng nộ. Đi ra từ cuộc sống đời thường và từ cuộc đời tác giả, những nghịch dị ấy vừa mang tính thời đại, vừa đi sâu vào bản thể con người, chạm đến những vấn đề muôn thuở của cuộc sống.
3.
Cái nghịch dị trong các tác phẩm của Kafka để thể hiện rõ nét qua hình tượng nghệ thuật – “Sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật ”(trang 146, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, H. 2009).
Hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của Kafka là một hiện tượng độc đáo nhất trong văn học thế giới thế kỉ XX. Qua thế giới đó, Kafka đã cảm nhận được sâu sắc về tình trạng tồn tại của con người và thể hiện bản chất của thời đại mình một cách độc đáo mở ra những khả năng mới cho tiểu thuyết hiện đại.
Chỉ với 3 tiểu thuyết và hơn 20 truyện ngắn, F. Kafka đã vẽ lên một thế giới nghệ thuật – thế giới của những nghịch dị, thế giới của Kafka.
3.1. Bản thể nghịch dị trung tâm
F. Kafka xây dựng nên những hình tượng nhân vật chứa đựng những ám ảnh về thân phận con người cô đơn, lạc loài phải sống kiếp lưu đày ngay trong không gian sống của mình. Số phận nhân vật chứa đựng những cái phi lý, cái không thể giải quyết bằng lý trí nhưng khi đi sâu vào ta vẫn thấy le lói cái hợp lý của nó.
Trong tiểu thuyết Biến dạng, Gregor Samsa – nhân vật của truyện – vốn là một nhân viên chào hàng cần mẫn và nghiêm túc, là nơi nương tựa và niềm tự hào của gia đình… song một sáng thức dậy, Samsa “thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ. Lưng anh rắn chắc như thể được bọc một lớp giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng phân chia thành nhiều đốt cong cứng đỏ, tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhễu ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vùng vẫy bất lực trước mắt anh”.
Số phận nghịch dị của G. Samsa bắt đầu từ đây. Trong cái hình hài của một con bọ giữa cuộc sống đời thường, người ta sẽ tự hỏi: làm sao có thể huyền hoặc như vậy? làm sao lại phi lý như thế? Nhưng có như vậy mới là nghịch dị, mới là Kafka. Hiện tượng biến dạng của Samsa là một sự biến dạng đặc biệt làm ta gợi nhớ sự biến dạng trong cổ tích thần kì- đó là chu kì trở về nguồn gốc cũ: người ” vật ” người hoặc vật ” người ” vật nhưng cái làm cho tác phẩm của Kafka khác so với truyện cổ tích là ở chỗ chu kỳ số phận con người là mới lạ: người ” vật ” chết.
Đến các truyện dựa trên nền tảng cái phi lý vật hóa người của truyện ngụ ngôn như: Hang ổ, Chó sói và người Ả rập, Nữ ca sĩ Giôđephin, F. Kafka đã tạo ra những sắc thái phi lí mới trong mê lộ của ông. Nó không ở đâu xa mà ngay trong cuộc sống tự nó chi phối vận mệnh con người, là đối tượng nhận thức – là không thể nhận thức. Nút mở là nhân vật suy nghĩ, tồn tại trong phi lý và tính phi lý này dẫn đường cho toàn truyện . Mở đầu Hang ổ, con vật ở hang mà sống thật bất an. Nó tạo ra một mê lộ tầng hầm mà không có một phút yên tâm. Trong mê lộ ấy có một sự gắn kết vô hình giữa các con vật và tấn bi kịch kiếp người.
Có thể nói, yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt của cái nghịch dị trong tác phẩm Kafka so với thần thoại, cổ tích, tôn giáo nằm ở sự phi thần thánh hóa thế giới. Đây là một hiện tượng mang tính thời đại, Gắn với sự nhìn lại, đánh giá lại lịch sử và các huyền thoại nở rộ vào những năm đầu thế kỉ XX, đúng như lời miêu tả của Heidegger: “Và như vậy, cuối cùng thượng đế đã ra đi. Khoảng trống để lại được lấp đầy bằng sự thăm dò về mặt lịch sử và các tâm lý huyền thoại”.
Cái nghịch dị trong thân phận của nhân vật trong tác phẩm của Kafka thường được trải dài từ bản thể đến tha nhân. Cả Gregor Samsa (Biến dạng), Joseph K. (Vụ án) lẫn K. (Lâu đài) đều thiếu năng lực phản tư để tự nhận ra mình và hoàn cảnh xung quanh. Chút lóe sáng trong nhận thức của Joseph K ở đoạn kết của Vụ án chỉ là ánh sao băng qua trời. Nhưng đấy là chớp sáng cho mỗi người thức tỉnh và trầm tư trước mê lộ của cõi lòng mình.
Để làm nổi bật cái bản thể cô đơn, các nỗi bất an của nhân vật, Kafka thường đặt nhân vật của mình vào giữa đám đông. Hình ảnh đám đông trong tác phẩm của ông gắn liền với nguy cơ tha hóa, gợi ý niệm về cái chết. Có những đám đông cầm cờ, xuất hiện bên nghĩa trang (Giấc mơ), có những đám đông hát những lời ca nhạt nhẽo như một nghi lễ cúng tế, cởi quần áo và đặt viên thầy thuốc bất lực trên chiếc giường bệnh nhân (Một thầy thuốc nông thôn), có đám đông chen chúc dọc theo các hành lang và phòng xử án nơi tầng áp mái (Vụ án)… Trong cách nhìn của Kafka “Tha nhân là địa ngục”. Mối quan hệ giữa bản thể và tha nhân luôn trong tình trạng mất liên lạc, không thấu hiểu, con người đã đánh mất sợi dây dẫn đường, khiến cái tôi không thể nào kết giao, hòa nhập với cộng đồng, và dần dần họ tự thu mình vào những ốc đảo cô đơn. “Con người cô đơn đi lang thang trong mê cung vắng ngắt của một thế giới nơi diễn ra những sự mô phỏng lố bịch báng bổ của luật pháp”.
Khi biến thành con bọ, cứ tưởng đó sẽ là lúc G. Samsa cần sự an ủi nhất thì tất cả mọi người đều chĩa cái nhìn như mũi nhọn về phía anh: Viên quản lý sợ hãi bỏ chạy, người mẹ bối rối ngã quị, người cha hung tợn giận dữ, G. Samsa bị ghẻ lạnh ngay chính tại ngôi nhà của mình, anh phải sống những tháng ngày cô đơn trong bốn bức tường và bị đối xử như một con quái vật.
Mọi sự nỗ lực của Samsa nhằm làm cho mọi người hiểu mình, nhằm bày tỏ tình cảm của mình với người thân, chỉ càng đào sâu thêm hố ngăn cách: từ sự kinh hoàng, sợ hãi trước sự biến dạng của anh, mọi người chuyển sang thái độ ân cần thương hại, rồi nhanh chóng trở nên thờ ơ và cuối cùng hoàn toàn trở nên xa lạ. Không những thế họ còn xem anh như một vết nhơ, một nỗi nhục nhã, một sự đe dọa đối với cuộc sống của mình. Cả gia đình tỏ ra nhẹ nhõm sung sướng như trút được gánh nặng trước cái chết của con bọ – người Gregor Samsa.
Chúng ta hãy chú ý đến chi tiết nói về sự nỗ lực của Samsa, vượt lên trên mọi nỗi đau của thể xác, sự mặc cảm xấu hổ về hình hài của mình để lết đến bên cạnh cô em gái, tìm cách an ủi, động viên cô khi cô chơi đàn, tâm sự với cô về những dự định tốt đẹp của anh dành cho cô… Song những tình cảm đẹp đẽ ấy của anh không những không ai cảm nhận được, không ai hiểu được, mà hành động của anh còn là nguyên cớ làm bùng lên sự giận dữ của cả nhà, dẫn đến kết cục anh phải chết. Rõ ràng, Samsa và gia đình đồng loạt đã là những con người hoàn toàn xa lạ. Họ không cùng một “kênh” giao tiếp, họ thuộc về những thế giới khác nhau.
Cảm giác xa lạ của con người về thế giới còn được đẩy lên một mức cao hơn – sự xa lạ với chính mình. Hình tượng đầy ẩn dụ – G. Samsa bị biến thành bọ, chính là biểu tượng bi đát về sự tha hóa, lạ hóa con người. Không những không cắt nghĩa được thế giới mà ngay chính bản thân mình, con người cũng không thể hiểu nổi. Cuộc sống sẽ đi về đâu khi ngay cả mình cũng không còn là mình, không thể tự lý giải – mình là ai? Cái bản thể con người đặt trong khối hỗn độn giữa thế giới và chính mình là nguồn gốc của trạng thái lo âu, bất an khiến nhân vật cứ đứng mãi trước cánh cổng cách ngăn giữa mình và thế giới. Trong truyện ngắn Khởi hành mục đích chuyến đi của nhân vật “tôi” chính là “rời khỏi nơi đây”. Truyện ngắn Làng gần nhất gắn liền với ý niệm về cuộc đời ngắn ngủi đến lạ, về một cái đích không bao giờ tới, nơi “một kiếp sống bình thường và trôi chảy cũng còn khó mà đủ cho cuộc lãm du ấy”. Người nông dân tìm đến cửa pháp luật, nhưng đến chết cũng không được vào (Trước cửa pháp luật). Trong toàn bộ truyện ngắn, người nông dân – người yêu của anh ta chỉ được nghe nhắc tới loáng thoáng. Nhiều nhân vật khác không có tên, hoặc nếu có tên thì hình ảnh nhân vật cũng mơ hồ chẳng kém. Và hầu như chẳng nhân vật nào làm cái công việc của mình. Ta không thấy Joseph K. hiện ra với tư cách nhân viên ngân hàng, các ông chánh phó giám đốc không được miêu tả ở cương vị của họ, luật sư Hun không bào chữa cho bị cáo, họa sĩ Titoreli không vẽ tranh, hai tên đao phủ thực ra chẳng phải vốn là đao phủ… Họ là ai? Họ làm gì? Họ hành động vì mục đích gì? Chỉ mãi là những câu hỏi bỏ ngỏ. Cái nghịch dị trong thân phận con người chính là ở chỗ F. Kafka luôn dán cho nhân vật những dấu hỏi lớn, mỗi nhân vật một dấu hỏi riêng như là một nhãn hiệu để phân biệt với các nhân vật khác, nhưng cái độc đáo là không ai có thể trả lời được những câu hỏi ấy, ngay cả chính tác giả.
Joseph K. chết vì lí do gì? Không ai biết, chỉ biết rằng anh vô tội. Vô tội mà phải chết, chết mà không biết lí do vì sao mình phải chết đã đưa Joseph K. trở thành một nạn nhân của xã hội tha hóa, với những mối nguy hiểm rình rập xung quanh, nó đến bất thình lình, giết người cũng bất thình lình.
Joseph K. là nạn nhân của một xã hội bị tha hóa. Trong xã hội tư sản, không phải ai cũng ý thức được điều này. Mọi người đã quá quen với tình trạng đó đến mức không còn cảm thấy nặng nề, cũng như họa sĩ Titoreli không cảm thấy chỗ ở của mình là ngột ngạt, và hai nhân viên khu văn phòng kia thậm chí có thể bị ngất khi ra chỗ thoáng khí. Joseph K. là người duy nhất cảm nhận được sự thật, vì vậy anh trở thành một cá nhân cô đơn bị cả một xã hội bao vây và không thể tồn tại. Thân phận con người được đẩy lên tới mức cao trước sự tồn tại của xã hội mà không làm sao để thay đổi được. Cái nghịch dị ấy đeo bám con người và không bao giờ buông tha con người. Và câu nói cuối cùng đầy ái oán của Joseph K. về số phận của mình: “như một con chó!” chính là sự phản kháng cuối cùng về cái nghịch dị bám riết lấy anh trong suốt một năm qua.
Trong cuộc sống tinh thần người phương Đông, với cái nhìn nhất thể về vũ trụ, với quan niệm “thiên nhiên tương đồng”, con người dù cô đơn vẫn còn có một điểm tựa tinh thần, đó chính là thiên nhiên. Đến với thiên nhiên hòa mình trong đó, con người không chỉ tìm được sự thảnh thơi trong tâm hồn, mà còn có cảm giác như được trở về với ngôi nhà thân yêu, đầy ấm cúng của mình. Vì thế, khi muốn diễn tả sự cô đơn, các nhà thơ cổ phương Đông thường đặt con người trong một không gian rộng lớn vô biên, xa lạ. Ở đó, họ không tìm thấy một hình ảnh gì thân thuộc gần gũi với mình, con người như lạc vào một không gian, một thời gian nằm ngoài dòng chảy cuộc đời.
Như vậy, nếu như trong nghệ thuật phương Đông, nỗi cô đơn của con người thường được tô đậm trong sự đối lập với không gian mênh mông xa lạ, thì trong sáng tác của F. Kafka cũng như các nhà văn phương Tây sau này, con người cô đơn lạc lõng ngay trong những không gian quen thuộc, gần gũi nhất. Con người xa lạ ngay giữa cuộc sống cộng đồng, xa lạ với người thân, thậm chí với chính mình. Vì thế, dù hình ảnh con người cô đơn, lạc lõng vốn không phải là hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm trong đời sống văn học. Song đến G. Kafka nó vẫn tiếp tục tạo nên những xúc động lớn lao.
3.2. Bản thể nghịch dị vắng mặt
Trong số những biệt tài khi sáng tạo nghệ thuật của Kafka, ta thấy nổi bật lên cái biệt tài thể hiện cái vắng mặt. Đây được xem là một đặc sắc góp phần làm nên phong cách nhà văn. Trong tác phẩm của Kafka ta luôn thấy có một nhân vật nào đó không xuất hiện nhưng lại có sức mạnh, quyền lực không tưởng chi phối tới tiến trình của truyện và đặc biệt có sự tác động trực tiếp và sâu sắc tới nhân vật trung tâm.
Ở Vụ án có thể thấy một nhân vật vắng mặt nhưng lại đóng vai trò là nhân vật trung tâm trong tác phẩm đó là tòa án. Một tòa án không có địa điểm xác định, không nguyên tắc, không luật pháp, gồm nhiều cấp ở đó nó không những “sử dụng những viên thanh tra hám tiền, đội trưởng canh binh và những viên dự thẩm ngu độn”, sách luật pháp mà những vị quan tòa sử dụng thì trong đó là “bức tranh thô tục” nhưng nó lại như ma quỷ hiện hình ở khắp mọi nơi “Chẳng có cái gì là không thuộc về tổ chức tư pháp!”. Nó như là tất cả thế giới, là cái gì bí ẩn phức tạp không thể thấy được. Và nó thích ai thì sẽ dìm người ta đến chết mặc dù anh không có tội “Tổ chức tư pháp chìm ngập trong vô vàn những cái tinh vi! Rồi cuối cùng nó cũng khám phá ra một tội trạng ở chỗ xưa nay chưa từng bao giờ có cả”. Vì thế mà ai cũng sợ. Một tòa án phi lý và ta biết chắc nó không có thực trong cuộc sống. Và đúng thế! Franz Kafka không muốn qua Vụ án chỉ để xây dựng lên một tòa án quan liêu. Nếu tác phẩm của Kafka chỉ nói có thế thì đâu có thể được coi là nhà văn tiên phong trong thế kỷ XX, không được coi là một nhà tiên tri. Với tác phẩm của mình Franz Kafka như muốn nói đến một một thế giới bất ổn với những điều phi lý, một thế giới mà con người ta thản nhiên chém giết nhau, muốn coi cảnh hấp hối của người khác như một điều gì thú vị “Đôi mắt đã lờ đờ, nhưng Joseph K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi sát xuống mặt anh để quan sát cảnh chót”.
Đặc biệt Franz Kafka luôn bị cuốn hút bởi các chi tiết, ông ý thức rất rõ rằng chi tiết là hình thức xuất hiện của những quy luật không thể thấy, là khả năng để diễn đạt cái không thể diễn đạt được. Trong thế giới nghệ thuật của Vụ án có một hình ảnh bao trùm lên tất cả như là ấn tượng duy nhất: một tòa án kết án tử hình người ta vô cớ. Đó là hình ảnh của một hiện thực hai mặt. Nhà văn không mang đến cho người đọc những gì có thể tin ngay, phù hợp với yêu cầu thẩm mĩ của sự bắt chước hiện thực, mà đưa ra một hiện thực tưởng như không thể có mà vẫn có thực.
Xây dựng lên một thế giới nhân vật mờ nhạt với những quan hệ lỏng lẻo “Nhà văn khao khát tìm kiếm sự thật về kiếp người và mong ước Con người được sống với Con người, được hòa hợp với gia đình, xã hội và tìm được chính mình trong một thế giới có ý nghĩa. Mục đích của ông là làm thế nào để nói được bằng nghệ thuật những điều quan trọng đó về Con người một cách hiệu quả nhất” (Trương Đăng Dung)
Trong Trước cửa pháp luật ta cũng thấy một nhân vật ẩn lấp bên trong cánh cửa, không hề ló mặt ra, không hề được miêu tả chỉ được nhắc tới qua lời thoại của người nông dân và gã gác cổng, đó là nhân vật đại diện cho pháp luật. Mặc dù, nhân vật này không xuất hiện nhưng thông qua những gì nó tác động tới các nhân vật khác cũng đủ thấy được mãnh lực phi thường của nó. Ta không hề biết nhân vật vắng mặt dùng cái gì và dùng nó như thế nào mà khiến người gác cổng cả cuộc đời không có phút giây nào lơ là việc canh gác của mình, đồng thời khiến người nông dân cũng dành cả đời mình để chờ đợi. Đó là ván bài số phận, cả hai chỉ biết chấp nhận vô điều kiện kẻ mình không hề được gặp mặt.
Trong Biến dạng dù không thấy xuất hiện cũng không hề được nhắc tới ở bất cứ chi tiết nào nhưng ta vẫn thấy có một nhân vật vắng mặt nào đó đang chỉ huy toàn bộ tiến trình câu chuyện và đang cố gắng biến nhân vật trung tâm thành con rối để nó giật dây. Ta vẫn thắc mắc: ai đã khiến G. Samsa biến thành con bọ? Ai đã làm nên tấn bi kịch đời anh? Kẻ đó là ai? Ta cố gắng tìm mà không thấy và khi đã không thấy thì ta phải chấp nhận như chính cách bản thể nghịch dị đã chấp nhận trong tác phẩm mà thôi.
Trong các sáng tác của mình, Kafka không bao giờ đi vào những chi tiết cụ thể, với nhân vật trung tâm nhà văn chỉ phác họa vài nét không ăn nhập gì lắm với biến cố cuộc đời của họ, còn với nhân vật vắng mặt thì không hề có một sự miêu tả mang tính phác họa nào, cả nhân vật trung tâm và độc giả đều “mù” thông tin về nó. Nó chỉ được gợi ra bằng những tên gọi như quan tòa, pháp luật… và đặc biệt ta biết được nó nhiều hơn thông qua những gì nó gây ra cho nhân vật trung tâm.
Trong tiểu thuyết Lâu đài ta bắt gặp một con người nào đó đang sai khiến K. và thách thức K. như một ông chủ nhử mồi con thú đói của mình nhưng tuyệt nhiên ta không thấy nhân vật đó nổi lên bề mặt câu chữ. Và nhân vật vắng mặt ấy hoàn toàn đối lập với K.: nó to lớn – K. nhỏ bé, nó mạnh mẽ – K. yếu đuối, nó đông đảo – K. đơn độc, nó là kẻ thống trị – K. là kẻ bị trị… sự đối lập này tương tự cả với G. Samsa trong Biến dạng, cả Joseph K trong Vụ án và bất cứ bản thể nghịch dị nào trong sáng tác của F. Kafka.
Đây thực chất là một dấu ấn sáng tạo của F. Kafka trong thời đại mà mọi thứ không chỉ được xem xét trong mối liên hệ bề mặt mà phải luôn đặt trong mối tương quan của cái vô hình, cái vô thức của con người. Điều này cho thấy tầm nhận thức của F. Kafka với hiện thực cuộc sống là hoàn toàn phủ nhận đi cái nhìn của các nhà văn hiện thực trước đó, cái nhìn tiên phong của một nhà văn hiện đại chủ nghĩa. Bởi vì, sau F. Kafka ta sẽ thấy một bộ mặt văn học mới hơn rất nhiều, khi các nhà văn có sự thay đổi về tư duy và lối viết khiến cho văn đàn thế giới thế kỉ XX mang tính cách mạng toàn diện, triệt để hơn.
3.3. Bản thể nghịch dị gắn với cái đời thường
Yếu tố nghịch dị trong tác phẩm của Kafka được sinh ra trong đời sống thường ngày, gắn liền với những điều bình thường, với cuộc sống của con người. Đó không còn là chiều kích nghịch dị mang tầm vóc thiên nhiên như trong thần thoại hay vươn đến những kích cỡ dị thường của vũ trụ như những đứa con tinh thần khổng lồ trong Garagantua và Pantagruel sinh ra từ ngòi bút Rabelais mà là những nghịch dị có vóc dáng ngày thường. Gắn với cuống rốn đời thường, yếu tố nghịch dị bước ra từ thế giới Kafka nhẹ nhàng, trầm tĩnh như chứa đựng trong nó cả sự kì dị, lạ lùng, méo mó so với cái thông thường, cái vốn có, cái hằng có. Nghịch nằm ngay trong ý hướng tính sống của con người, trong tâm hồn con người, và nó chiếm hữu một cách choáng ngợp toàn bộ đời sống nhân vật. Đây là cái góc sâu nhất nhưng không thể lẩn khuất, ẩn náu. Ý hướng tính ấy lộ rõ toàn bộ hình dạng tâm hồn nhân vật và có cội rễ từ những tổn thương tinh thần thăm thẳm.
Cái hiện thực của đời sống được Kafka tổ chức làm biến dạng đi trở thành cái huyền ảo nhưng câu chuyện lại kể hết sức mạch lạc, chính xác đến từng chi tiết khiến không khí huyền ảo, huyễn hoặc trở nên thật hơn cả hiện thực. Người ta gọi đó là bút pháp ‘‘tượng trưng hiện thực’’.
Vấn đề biến dạng trong truyện ngắn cùng tên của F. Kafka thực chất là đem cái nghịch dị đặt vào giữa cái đời thường. Việc G. Samsa – nhân viên chào hàng – sau một đêm ngủ dậy, anh thấy mình biến thành con côn trùng khổng lồ cho ta thấy sự việc vượt ra ngoài quy luật của không gian thực, trở thành điều nghịch dị. Song câu chuyện được kể một cách hiện thực triệt để trong chi tiết: Cái con bọ-người Gregor ấy cảm thấy và ý thức rõ từng thay đổi sinh lý, sinh học trong bản thân, cũng như thái độ của những người xung quanh, tất cả được biểu đạt bằng một giọng đầy trìu mến và tuyệt vọng – Chính cách kể hiện thực trong chi tiết này kéo cái nghịch dị trở về với đời thường, thế giới con người với những lo âu thường nhật, sự phi lý trong quan hệ giữa người với người.
Sau khi trở thành con bọ, G. Samsa mới có thời gian chiêm nghiệm về cuộc đời mình – một cuộc sống mà trước kia anh đã quá mải miết chạy theo guồng quay của nó, dường như anh chưa bao giờ kịp suy nghĩ tới. Anh nghĩ tới những người bạn đồng nghiệp ‘‘Giống như cung tần mĩ nữ còn mình chạy suốt sáng quay lại khách sạn để ghi số các đơn hàng, thấy chúng đã ngồi vào bàn điểm tâm’’. Anh nghĩ tới lão chủ dị bợm và tự dưng chán ghét cái nghề của mình, suy nghĩ tới mẹ, em gái và bố, đặc biệt là bố sao lại có sự thay đổi nhanh đến vậy ‘‘Đây có đúng là người cha mà anh từng hình dung… Bố anh người thường mệt mỏi nằm bẹp trên giường người thường khoác áo ngủ nằm dài trên tràng kỉ không thể đứng dậy nổi’’ vào những dịp hiếm hoi ra đường ‘‘ông quấn kín người trong chiếc áo bành tô dày cộm, lê bước nặng nhọc với sự trợ giúp của chiếc gậy cán con…’’ giờ đây đứng trước mặt anh là một con người đường bệ và đầy uy quyền, tin rằng ‘‘để đối xử với anh thì chỉ có những biện pháp hà khắc nhất mới thích hợp’’. Điều gì đã khiến người cha của G. Samsa thay đổi? Chẳng phải là gánh nặng cơm áo gạo tiền sao? Khi mà người duy nhất trong nhà lo việc mưu sinh cho hết mọi người nay đã trở thành vô dụng. Và cũng vì thế mà cái nghịch dị mới có thể nằm cạnh cái đời thường.
Rồi chi tiết tiếng còi tàu cứ 30 phút lại réo lên inh ỏi kéo theo những nỗi bất an dồn dập trong tâm thể của con bọ – G.Samsa cũng là một chi tiết cho thấy cuống rốn hiện thực đeo bám lấy cái nghịch dị trong tác phẩm của Kfaka. Nếu ví tiếng còi ấy là nhịp đập của cuộc sống thường nhật thì trái tim đang đập loạn lên trong lồng ngực của Gregor Samsa được xem là sự lo lắng về cuộc sống mưu sinh, về việc muộn giờ làm, về kết cục sẽ bị đuổi việc của một con người đội lốt con bọ. Nghĩa là nằm sâu trong cái nghịch dị có cái đời thường và nằm sâu trong cái đời thường đã chứa cái nghịch dị.
Điều này, ta sẽ thấy rõ hơn trong tiểu thuyết Vụ án. Nhà văn đã sử dụng chất liệu của cuộc sống đời thường như: bị cáo, tòa án, luật sư, thẩm phán, khu văn phòng, nhà trọ, chỗ ở của họa sĩ, nhà kĩ nghệ da, linh mục, đao phủ… Nhưng các chất liệu ấy được nhà văn làm biến dạng đi, tổ chức lại theo kiểu cách riêng khác với kiểu cách vốn có của đời sống thực. Bằng ngòi bút điêu luyện của mình F. Kafka đã đưa thế giới tòa án ra các vùng ngoại ô nhớp nhúa, lên tầng áp mái của những khu cư xá, ông bố trí phòng xử án trong căn buồng vừa chật vừa tối, vừa thấp bé, ông sắp xếp khu văn phòng tòa dọc các dãy hành lang cửa đóng kín mít, ông để cho họa sĩ Titoreli sống trong căn phòng bé như cái hộp, không có lỗ thông hơi, bị cáo bị kết tội nhưng không được biết lí do.
Tất cả những điều ấy, quy chiếu về mối quan hệ giữa con người với xã hội khi bước vào thế kỉ XX – thời đại mà con người phải đối mặt với chính mình trong cuộc sống tư bản như cơn lốc xoay với sức mạnh vô biên cuốn tất cả vào guồng quay của nó. Bởi vì, kinh tế càng phát triển, khoa học càng tiến bộ con người ta có nhu cầu nhận thức cao hơn về thế giới. Con người không bằng lòng, thậm chí không tin vào những gì mình đã biết, được biết mà muốn lí giải nó sâu sắc hơn bằng một hệ giá trị khác trước. Có nhận thức được hay không nhận thức được thì đều đẩy con người rơi vào bế tắc, bất an. Không nhận thức được thì chắc hẳn sẽ rơi vào bế tắc, cố lí giải mà không lí giải nổi, nhưng nhận thức được nối lại cũng rơi vào bế tắc vì không biết phải đối mặt với nó như thế nào. Chính bởi thế, cái nghịch dị trong sáng tác của F. Kafka có nguồn gốc từ cái đời thường, nó được sáng tạo ra để vừa lí giải hiện thực vừa làm khó hiện thực. Và điều này, còn tồn tại dai dẳng cho đến thời đại chúng ta khi đã bước sang thế kỉ XXI.
4. Kết luận
Tìm hiểu về cái nghịch dị trong hình tượng nghệ thuật của F. Kafka phần nào bổ sung vào những kiến giải về tầm vóc vĩ đại của một thiên tài văn học này. Với ba tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài, Biến dạng, Franz Kafka đã trở thành một nhà văn lớn của thế kỷ 20, bên cạnh James Joyce, Marcel Proust. Ông tin chắc rằng có nhiều thế lực vô hình giấu mình trong tâm thức nhà văn và một khi “biển cả đã đóng băng” bị nứt nẻ ra, các hồn vía không tên, bức bách chiếm lĩnh lại ngòi bút của nhà văn.
Trong một lá thư gửi người bạn vào tháng giêng năm 1904, Kafka viết: “Tác phẩm là nhát búa phá vỡ biển cả đã đóng băng trong chúng ta”. Kafka đã lấy cuộc đời đặt cược cho văn học như vậy.
Không lấy vợ, đẻ con, không suy tính đến tương lai, mỗi đêm ngồi viết đến tảng sáng, mắc bệnh lao, thổ huyết đều đều, cũng chẳng màng đến hư danh, khi chết để lại chúc thư uỷ thác cho người bạn Max Brod việc thiêu đốt tất cả những sáng tác mà Kafka chưa hoàn tất, chưa ưng ý.
Nhưng may mắn thay, di chúc của Kafka đã bị phản bội. Max Brod đã không ném vào thần lửa các tiểu thuyết như Vụ án, Lâu đài, Biến dạng. Chỉ từng đó thôi cũng đã bảo đảm cho Kafka vị trí nhà văn lớn nhất thế kỷ XX, một trong số những nhà văn khai mở cho nền tiểu thuyết hiện đại.
N.Q.T
Nguồn Tổ quốc online