Cái trường tồn của thơ chống Mĩ – Trần Mạnh Tiến

Cảm hứng của nhà thơ trẻ thời chống Mĩ đều gần gũi, Tổ Quốc như ngôi nhà, gia đình, quê hương, như mẹ cha thân thuộc, ra trận chiến đấu là bảo vệ những gì thiêng liêng nhất. Cảm xúc của các nhà thơ được bắt nguồn từ hào khí lịch sử cùng lí tưởng độc lập tự do, được tham gia vào cuộc chiến tranh cứu nước là một vinh dự tự hào dẫu phải hy sinh, tất cả hiện lên sống động trong thơ người chiến sĩ…

Cảm hứng của nhà thơ trẻ thời chống Mĩ đều gần gũi, Tổ Quốc như ngôi nhà, gia đình, quê hương, như mẹ cha thân thuộc, ra trận chiến đấu là bảo vệ những gì thiêng liêng nhất. Cảm xúc của các nhà thơ được bắt nguồn từ hào khí lịch sử cùng lí tưởng độc lập tự do, được tham gia vào cuộc chiến tranh cứu nước là một vinh dự tự hào dẫu phải hy sinh, tất cả hiện lên sống động trong thơ người chiến sĩ.

Sau chiến tranh nhìn lại một chặng đường lịch sử vĩ đại của dân tộc ở thế kỉ XX, ta như gặp một thiên thần thoại về cuộc đọ sức phi thường giữa một dân tộc nhỏ bé với một kẻ địch lớn mạnh nhất loài người. Đọc những trang thơ thời khói lửa và đi dọc chiều dài đất nước mới thấy được sự hi sinh lớn lao và tinh thần bất diệt của dân ta mà thơ văn không thể nào nói hết. Nhưng cũng chỉ có thơ văn mới ghi lại kịp thời những khoảng khắc hào hùng và thương đau đó. Chưa nói tới cả một trào lưu văn học, chỉ riêng mỗi nhà thơ chống Mĩ thôi cũng đã là một nhân chứng sống cho cuộc chiến tranh khốc liệt này. Nếu ai đó quá hào hứng với những trang viết thời giao lưu hội nhập mà bỏ quên những áng thơ một thời máu lửa là đã làm mất đi những giá trị thiêng liêng nhất ở trong mình.

Cách mạng tháng Tám và chiến thắng Điện Biên đã thành hào khí cho các nhà thơ trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhà thơ đồng thời là chiến sĩ và nhiều chiến sĩ cũng trở thành nhà thơ trong cuộc chiến đấu này. Một thế hệ thanh niên những người vừa cầm súng cầm bút đã làm nên lịch sử cho một thời đại thơ ca chống Mĩ xâm lược, với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm, Tô Nhuận Vĩ, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Trần Vàng Sao, Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy v.v… Có hàng trăm cây bút lớn lên trong thời hoa lửa. Bằng tài năng, nhiệt huyết, lòng yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào, ý chí căm thù quân xâm lược và khát vọng hòa bình thống nhất đất nước đã tạo nên sức mạnh anh hùng ca bất diệt.

Cuộc chiến đấu hi sinh gian khổ đó đã khơi nguồn cảm hứng thi ca cho những chàng trai cô gái trên khắp các trận tuyền chống quân thù. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Không có gì quí hơn độc lập và tự do”…đã thôi thúc bầu máu nóng của thanh niên, muôn triệu trái tim như một đều hướng về miền Nam chiến đấu. Thơ ca thời chống Mĩ cùng chung một âm hưởng hào hùng, nhưng mỗi nhà thơ cũng có giọng điệu riêng trong giàn đồng ca đó. Chúng ta có thể thấy giọng thơ sôi nổi, hào phóng của Phạn Tiến Duật; giọng thiết tha trầm lắng tự hào của Nguyễn Khoa Điềm; hồn nhiên lạc quan của Hoàng Nhuận Cầm; bồi hồi suy cảm của Xuân Quỳnh; tinh tế nhẹ nhàng của Phan Thị Thanh Nhàn… Mỗi nhà thơ như một nốt nhạc riêng trong giàn nhạc, như mỗi bông hoa có sắc hương riêng trong rừng hoa đất nước. Trong khói lửa hi sinh đó, thơ ca là tiếng gọi mang đến cho con người niềm khát khao sự sống. Trong thơ chỉ có tình người trước hi sinh mất mát, trước cái đẹp cái thiện bị hủy diệt. Nhiều nhà thơ phải quên đi những nỗi niềm riêng tư để hòa thơ mình cùng bản hùng ca của đất nước. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, đã có lần nói: “Chính bom đạn đã làm nên vần điệu của thơ tôi”… Đánh giặc và làm thơ, làm thơ và đánh giặc trở thành nhịp sống thời chống Mĩ.

Cảm hứng của nhà thơ trẻ thời chống Mĩ đều gần gũi, Tổ Quốc như ngôi nhà, gia đình, quê hương, như mẹ cha thân thuộc, ra trận chiến đấu là bảo vệ những gì thiêng liêng nhất. Cảm xúc của các nhà thơ được bắt nguồn từ hào khí lịch sử cùng lí tưởng độc lập tự do, được tham gia vào cuộc chiến tranh cứu nước là một vinh dự tự hào dẫu phải hy sinh, tất cả hiện lên sống động trong thơ người chiến sĩ.

Sau chiến tranh 10 năm bước vào thời đổi mới, cũng là thời gian gian để con người và thơ ca trở lại với đời thường. Chưa bao giờ thơ ca lại đi sâu vào thế giới bên trong con người với những cảm xúc riêng tư, những hoài niệm, những khát vọng và cả những vui buồn, những gì sâu xa tinh diệu nhất của quá khứ và hiện tại diễn ra trong cuộc đời này. Không ít người đã nhìn lại chặng đường khói lửa đi qua mà thổn thức, trân trọng lưu giữ những giá trị vui buồn, nhưng cũng có người cho chiến tranh chỉ là cơn ác mộng, thơ ca là bức tranh của cơn ác mộng đã qua và vội vàng gán ghép cho thơ chống Mĩ những cái nhìn chật hẹp. Nào cho đây là “văn chương minh họa”, tiếng ca nhất thời trong cuộc chiến, đơn điệu, chỉ xoay quanh mấy trạng thái tinh thần yêu, căm, chiến, lạc, đầy chất sử thi v.v.. Trên giảng đường thơ chống Mĩ cứ mờ nhạt dần trong khung cảnh thị trường và giao lưu thế giới. Khách quan cho hay, cuộc chiến đấu một mất một còn đã đưa cảm hứng của nhà thơ đến với lòng yêu nước thương người, lòng căm thù giặc, tinh thần chiến đấu anh dũng của dân tộc; sau nữa là tinh thần lạc quan tin tưởng vào thắng lợi. Nếu xem con người là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, thì thơ ca không có gì khác chính là sản phẩm tinh thần của con người trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Chính sự phong phú của tâm hồn tình cảm và tư tưởng của con người trong hoàn cảnh đó đã tạo nên những giá trị nghệ thuật độc đáo một đi không trở lại, như Trường Sơn của Phạm Tiến Duật, Dáng dứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu của Hoàng Nhuận Cầm… Do vậy thơ chống Mĩ nghiêng về cảm hứng sử thi (anh hùng ca) cũng là lẽ đương nhiên. Cái đẹp của con người trong bom rơi đạn lạc không trùng hợp với cái đẹp trong con mắt người đi tham quan du lịch hôm nay, quan niệm thẩm mĩ từng hoàn cảnh đã tạo nên những giá trị sống của con người. Cái tôi trữ tình trong chiến tranh ẩn sâu, kín đáo để nhường cho cái ta của cộng đồng chia sẻ vì một khát vọng chung. Và cũng không thể lấy cảm hứng của con người trong không gian sống hôm nay để định giá cảm hứng của thơ thời chống Mĩ. Cái tôi trữ tình là diện mạo của từng áng thơ ca, nhưng nó luôn luôn vận động và biến đổi hình hài trong từng không gian lịch sử mới. Vì lẽ đó thơ trữ tình trong chiến tranh có vẻ đẹp của thời chiến tranh, thơ trữ tình sau chiến tranh có những nét tinh tế của cuộc sống hòa bình. Con người thơ của nhà thơ thời chống Mĩ có diện mạo riêng. Tình yêu lứa đôi thường gắn kết với sự còn mất bởi chiến tranh, có khi là sự chia cắt, hy sinh thầm lặng, nhưng không kém phần tinh tế, sâu sắc, hồn nhiên ở mỗi con người. Vì lẽ đó thơ chống Mĩ vẫn nuôi dưỡng chiều sâu nhân bản như Tuổi thơ của con, Sóng, Thuyền và biển (Xuân Quỳnh; Gửi em cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật); Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn); Hơi ấm ổ rơm (Nguyễn Duy) v.v…

Những kết tinh của thơ ca chống Mĩ như tình yêu tổ quốc, lòng nhân ái, tinh thần hy sinh bất khuất, lí tưởng tự do độc lập, khát vọng lứa đôi, niềm lạc quan tin tưởng vào nhân dân, và niềm tự hào về truyền thống lịch sử, mãi mãi là lẽ sống trường tồn. Chính thời đại hào hùng của lịch sử dân tộc đã tạo nên chân dung các nhà thơ và các nhà thơ chống Mĩ đã tạo nên chân dung một thời đại thơ ca thăng hóa nhất về tinh thần, lẽ sống Việt Nam.

Các nhà thơ trưởng thành thời chống Mĩ vừa là sản phẩm của lịch sử vừa là những tác nhân của lịch sử, họ đã làm nên một thời đại mới cho thơ ca dân tộc bằng cảm quan nghệ thuật của mình, kết tinh những tâm hồn, trí tuệ dân tộc, không trộn lẫn với thơ ca thời đại khác. Đó là những con người dám hi sinh và biết sống. Họ là những người kết tinh được nhiều nhất phẩm chất lớn lao của ông cha từ văn học dân gian đến văn học các thời đại Lý, Trần, Lê… Đó là tinh thần “Không có gì quí hơn độc lập và tự do” mà Hồ Chủ tịch đã đúc kết và tuyên ngôn ngay trong cuộc chiến tranh này. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” để nói lên vị thế quan trọng của nhà thơ trong thời đại chống Mĩ cứu nước.

Thơ chống Mĩ của các nhà thơ trẻ còn để lại những bức tranh hiện thực bất hủ của một thời kỳ máu lửa chiên tranh và tình người cao đẹp nhất như những bài thơ viết về thanh niên của Phạm Tiến Duật; những bài thơ viết về đất nước và người mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, về tình yêu của Xuân Quỳnh; về lính xe tăng của Hữu Thỉnh; những bài thơ viết về hạt gạo về Bác Hồ của Trần Đăng Khoa… Tất cả đều trở thành ký ức sống động trong mỗi trái tim người. Dường như có bao nhiêu tinh hoa của dân tộc đều hiện hữu ở thơ ca chống Mĩ, tạo nên các các biểu tượng mới về Việt Nam – đất nước- con người… mà không có những cuốn sử sách nào thay thế được. Thơ ca chống Mĩ để lại nhiều bức tranh tình yêu và khát vọng lớn của dân tộc, đó là vẻ đẹp tương ái giữa con người với con người trong hoàn cảnh éo le nhất của lịch sử. Mơ ước về một đất nước hòa bình tự do là chân lí ngàn đời của dân tộc.

Không chỉ phong phú về hiện thực chiến tranh mà thơ ca chống Mĩ còn để lại nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc trong sự đổi mới thi ca về ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh biểu tượng, thể thơ và phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ lời thơ chống Mĩ gần gũi cuộc sống hơn ở tính chất giản dị, linh hoạt, sôi động, khỏe khoắn giàu sắc thái biểu cảm. Thơ chống Mĩ giàu nhạc điệu, nhiều bài thơ trở thành bài hát ngay tại chiến trường. Mỗi nhà thơ đều sống trong hào khí chung nhưng đều gắng tạo nên giọng điệu riêng bằng tài năng và sở vọng của mình. Thơ chống Mĩ còn tạo nên sức hấp dẫn về hình ảnh và biểu tượng mới (Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm; Sóng của Xuân Quỳnh…). Kết hợp giữa các thể thơ truyền thống và sáng tạo của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Anh Xuân v.v…cho thấy các nhà thơ đã chinh phục mạnh mẽ tâm hồn bạn đọc bằng nhịp điệu mới. Chỉ riêng ở phạm vi hình ảnh và nhạc điệu cũng cho thấy, thơ chống Mĩ đã có bước tiến xa với nền thơ truyền thống và để lại những dấu ấn riêng trong bạn đọc.

Thơ ca sau thời kì đổi mới là sự kế thừa và sáng tạo, phát triển từ truyền thống, bổ sung trên những thành tựu của thơ ca chống Mĩ, nhưng khách quan cho thấy thơ đương đại không có sức hút mạnh như thơ thời chống Mĩ, mặc dù thơ đương đại phát triển với qui mô rộng lớn chưa từng có trong lịch sử thơ ca về số lượng. Thơ đương đại biết khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước, như thơ chống Mĩ chưa thể hiện toàn diện tính thế sự với đời tư… Thơ đương đại là thơ viết cho mình vì mình, cái tôi nội cảm bao trùm trong sáng tác và biểu hiện. Hình thức thơ cũng phong phú hơn bao giờ hết, nhưng có thể thấy nguồn động lực để tạo nên những chân dung thơ ngoài tiền đề tài năng và vốn văn hóa, vốn sống còn có những căn nguyên lịch sử một đi không trở lại. Đó là cuộc chiến tranh ác liệt giành độc lập tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Mỗi thi sĩ phải mang trong mình trái tim khổng lồ trước nhân dân và Tổ Quốc và họ đã sẵn sàng hiến thân mình cho thơ và Tổ Quốc, nên thơ thời chống Mĩ tạo nên những dấu ấn riêng không trộn lẫn và đã trở thành lịch sử.

Việc nhìn nhận một trào lưu văn học nói chung và thơ chống Mĩ nói riêng, cho thấy mỗi giai đoạn thơ ca có những thành công và hạn chế riêng do những tiền đề lịch sử không hẹn trước. Nhưng có thể nói lòng yêu tổ quốc tình thương đồng bào là những giá trị vĩnh hằng bất biến của mọi thời gian và thơ chống Mĩ đã đi trọn trên dòng cảm hứng này nên mãi mãi sẽ trường tồn. Trong lịch sử văn học cho hay, hình thức văn chương thì muôn màu muôn vẻ, nhưng những áng thơ ca trở thành bất tử là những sáng tác bắt rễ sâu vào sự sống còn của Tổ Quốc cùng với tình yêu và nỗi đau thương, khát vọng của đồng bào. Thơ chống Mĩ đã hoàn thành thiên chức của mình trước dân tộc và các nhà thơ trưởng thành trong chống Mĩ đã làm trọn nghĩa vụ người chiến sĩ trên lĩnh vực thơ ca. Lịch sử văn học dân tộc sẽ tồn tại mãi mãi tượng đài thơ chống Mĩ.

Hà Nội tháng 18/12/ 2014

T.M.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder