Còn nhiều tiêu cực, bất cập gây cản trở, gây nhiễu loạn trong đời sống sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học mà do hạn chế của chính sách, những bất cập, tiêu cực đó lâu được cải thiện, đẩy lùi. Và khi những chính sách, những quy định pháp luật chưa được cải tiến hay thực thi chưa nghiêm thì quyền lợi của nhà văn do đó mà bị ảnh hưởng…
1. Còn nhiều tiêu cực, bất cập gây cản trở, gây nhiễu loạn trong đời sống sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học mà do hạn chế của chính sách, những bất cập, tiêu cực đó lâu được cải thiện, đẩy lùi. Và khi những chính sách, những quy định pháp luật chưa được cải tiến hay thực thi chưa nghiêm thì quyền lợi của nhà văn do đó mà bị ảnh hưởng.
2. Có thể lấy ngay ví dụ về vấn đề tác quyền văn học với các tác phẩm được in sách giáo khoa khiến nhiều nhà văn bức xúc trong nhiều năm qua. Nhưng nhiều người vẫn thường chọn giải pháp im lặng hoặc lên tiếng lẻ tẻ, cho đến gần đây vấn đề này mới được xới xáo rộng rãi trong giới, gây sự chú ý của dư luận. Đó là việc nhiều tác phẩm của các tác giả được đưa vào sách giáo khoa suốt nhiều năm nhưng không được trả nhuận bút hoặc nhuận bút quá bèo bọt. Có những tác phẩm còn bị cắt xén tùy tiện, thậm chí ngô nghê.
Trong khi đó, Việt Nam đã có luật bản quyền, đã tham gia và đang phổ biến nhiều điều luật, công ước quốc tế về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam của Hội đã có những động thái tích cực trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho các hội viên, tuy rằng, việc chi trả nhuận bút thỏa đáng kèm theo thái độ tôn trọng hơn đối với các tác giả vẫn chưa được một số đơn vị sử dụng tác phẩm thực hiện nghiêm túc. Đây cũng là sự tồn đọng của cơ chế “xài chùa”, là đòi hỏi vô lý về tinh thần cống hiến “cao độ”, đến mức phi lợi nhuận trong khi bản thân việc sáng tạo ra những tác phẩm hay đã là một cống hiến đáng được tôn vinh về tinh thần và vật chất. Đặc biệt khi một số đơn vị khi sử dụng, tái sử dụng các tác phẩm văn học vào công việc của mình, cũng có những mục tiêu lợi nhuận nhất định.
Từ những tiếng nói bàn thảo và đấu tranh còn khá “nhã nhặn” của trung tâm thời gian qua, Hội nên lưu tâm hơn đến việc phân xử những mối bùng nhùng còn tồn đọng hiện nay bằng tiếng nói của cơ quan pháp luật. Và trong nhiều trường hợp khác, khi tác phẩm của hội viên bị xâm phạm tác quyền, Hội cần có tiếng nói can thiệp với sự vào cuộc trực tiếp của trung tâm để việc thực thi pháp luật về tác quyền được nghiêm minh.
3. Từ thực trạng vẫn là vẫn đề nóng trên, để tăng cường sự góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý ngành văn hóa, ngành thông tin truyền thông và cơ quan xuất bản…, Hội nên đề xuất và góp sức vào việc xây dựng cơ chế sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động xuất bản và các hoạt động thông tin, truyền thông khác có mục đích lợi nhuận. Trong đó có những yêu cầu về đảm bảo quyền lợi cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, cả về việc được xin phép, được ghi danh, được tôn trọng nội dung tác phẩm lẫn thù lao, nhuận bút. Đặc biệt cần nhấn mạnh vào việc nâng cao mức nhuận bút đối với tác phẩm văn học. Đã rất nhiều lần trên báo chí, các nhà văn, dịch giả than phiền về mức nhuận bút quá thấp khi cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn hay một tác phẩm dịch của mình được nhà xuất bản nào đó ấn hành. Công sức hàng vài tháng, hàng năm vật vã với chữ nghĩa, bù lại có khi chỉ đủ để mua thêm một ít sách tặng bạn bè.
Để so sánh thì không thể đồng nhất, nhưng nhìn sang một số lĩnh vực nghệ thuật khác, có thể thấy khi một kịch bản phim, một kịch bản sân khấu hoặc sân khấu hóa được dàn dựng, mức chi trả cho các tác giả sẽ ở mức “dễ chịu” hơn nhiều. Một ví dụ đáng tham khảo khác, thể hiện mối quan tâm của tổ chức hội đối với thực trạng ngành nghề. Đó là trong mấy năm qua, Hội kiến trúc sư Việt Nam vẫn tích cực theo đuổi hành trình xây dựng Luật kiến trúc trên tinh thần tuy rằng hội không phải cơ quan nhà nước để quản lý hoạt động kiến trúc, xây dựng, nhưng hội cần có tiếng nói đề xuất, góp ý và chung tay soạn dự thảo luật để cơ quan chức năng xem xét, sớm cho ra đời luật này, nhằm quản lý, điều chỉnh tốt hơn thực trạng kiến trúc và việc hành nghề của kiến trúc sư trong cả nước.
4. Một vấn đề liên quan đến thực tế cần được cải thiện nhưng mức độ cải thiện dù đã có vẫn còn rất chậm. Đó là vai trò mở đường, tạo điều kiện và thúc đẩy của cơ quan quản lý nhà nước đối với đời sống văn học, hoạt động nghề nghiệp văn chương. Bộ VHTT&DL từ sau một thời gian dài có cơ quan quản lý nhà nước về văn học là một phòng trực thuộc Cục văn hóa cơ sở, đã chuyển phòng này về Cục nghệ thuật biểu diễn. Đơn vị này cũng đã và đang có một số hoạt động của mình. Nhưng với vị trí, tầm mức đó, quả thực, rất khó có được những tiếng nói và hành động tích cực hơn nhằm tác động đến việc xây dựng và cải thiện các chính sách, cơ chế dành cho văn học.
Nhìn sang hoạt động của các lĩnh vực khác, các cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật của Bộ VHTT&DL như Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn những năm qua có nhiều hoạt động phối hợp với các hội nghề nghiệp về mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, múa… trong việc tổ chức các kỳ triển lãm, hội diễn, các cuộc thi, trong việc xây dựng chính sách, cơ chế cho hoạt động nghệ thuật ở phạm vi cả nước, đặc biệt là trên địa bàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngược lại, trong nhiều hoạt động, sự kiện của các hội chuyên ngành cũng có sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan quản lý trên.
Từ đó nhìn lại lĩnh vực văn học để thấy mức độ kết nối, phối hợp giữa ngành văn hóa với Hội Nhà văn Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, còn nhiều đòi hỏi mà thực tế đặt ra trước hai cơ quan đầu ngành về văn hóa và tổ chức hội lớn nhất trong cả nước về văn học này. Và như vậy, Hội cần tăng cường tiếng nói góp ý, phản biện, thậm chí gợi ý với Bộ VHTT&DL trong việc xây dựng, bổ sung chính sách, cơ chế đối với lĩnh vực văn học. Có rất nhiều vấn đề cần được cơ quan nhà nước để tâm hơn, qua đó có thể tăng thêm phần nào nguồn trợ lực cho các nhà văn trong công việc âm thầm và nhọc nhằn của mình, cũng như “đỡ đần” nhiều hơn cho Hội trong hàng loạt các đầu việc phải lo toan nhưng còn thiếu cả nhân lực lẫn tài lực. Đó là nhu cầu nâng cao mức nhuận bút; là cơ chế đặt hàng sáng tác, dịch thuật, quảng bá tác phẩm trong nước; là nắm bắt xu thế hợp tác quốc tế về văn học và tìm kiếm những cơ hội quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài; là chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng văn chương; là việc tổ chức các cuộc thi và vận động sáng tác có yếu tố chuyên nghiệp hơn, cũng như xét chọn và trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước trong lĩnh vực văn học.
5. Chính sách tốt, cơ chế thuận lợi là bánh xe vận hành đời sống trôi chảy, qua nhiều hành trình dài lâu, qua những đoạn đường gập ghềnh, đèo dốc. Chính sách chưa thấu đáo, cơ chế bất cập, thì những cỗ xe phải rất nhọc nhằn khi gặp những ổ gà, ổ voi, gạch đá ngáng đường. Có khi những bánh xe còn gây khó khăn khi cỗ xe đời sống, cỗ xe văn học di chuyển. Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp tập hợp đông đảo những người cầm bút, rất cần chú trọng hơn trong việc phản biện, cố vấn, góp ý cho cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, nhằm xây dựng môi trường và các điều kiện sáng tạo thuận lợi, thỏa đáng hơn, trân trọng hơn cho giới văn chương.
NQ.H