
Trong khi lực lượng công nhân đang ngày càng tăng về số lượng và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước thì dường như văn học về đề tài công nhân đang bị “lép vế”, bằng chứng là: Về số lượng – ít tác phẩm; về chất lượng – không có tác phẩm hay. Xung quanh vấn đề quan trọng này của văn học, Hữu Việt đã trao đổi ý kiến với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Van haiphong.com xin giới thiệu bài phỏng vấn đó....
Phóng viên (PV): Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, trong dòng chảy văn học đương đại, văn học về đề tài công nhân đang ngày càng “lép vế”?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hiện thực là vậy, nhưng tôi không muốn dùng cụm từ “lép vế”. Vì sao? Vì những nhà quản lý văn học nghệ thuật (VHNT) và đặc biệt là Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam luôn đặt mọi đề tài ngang bằng nhau. Hiện nay, HNV vẫn đang liên kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức các cuộc vận động viết về đề tài công nhân và mở rộng hơn là viết về những người lao động trong mấy chục năm nay. Thế nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Văn học viết về đề tài công nhân đã không để lại ấn tượng mạnh mẽ như một số đề tài khác trong nền văn học Việt Nam kể từ sau đổi mới. Nó “lép vế” bởi chính chất lượng của nó. Bởi chính nhà văn.
PV: Nhìn lại giải thưởng văn học của HNV Việt Nam mươi năm trở lại đây, thấy hoàn toàn “vắng bóng” tác phẩm về đề tài công nhân? Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trước hết tôi đồng ý với cụm từ “vắng bóng” để trong ngoặc kép. Vì tôi muốn nói rằng: Về số lượng, tác phẩm viết về đề tài công nhân thật sự không “vắng bóng” như thế. Nhưng nó “vắng bóng” bởi khả năng gây hiệu ứng trong đời sống văn học và trong bạn đọc. Vẫn đều đặn có những tác phẩm về đề tài công nhân nhưng chất lượng nghệ thuật của những tác phẩm đó đã không đạt được như chúng ta mong đợi. Hằng năm, Ban Chấp hành HNV Việt Nam vẫn kêu gọi các hội đồng chuyên môn kiếm tìm và đừng bỏ sót những tác phẩm hay nói chung và các tác phẩm về một số đề tài nói riêng như chiến tranh cách mạng, thiếu nhi hay công nhân. Chỉ nói riêng văn học thiếu nhi thì thực tế cho thấy, có quá ít các tác phẩm về đề tài này gây được tiếng vang. Trong khi đề tài này là một sự cần thiết không thể thiếu được trong một nền văn học và trong sự nghiệp giáo dục nữa. Trở lại với đề tài công nhân, tôi cho rằng: Lý do quan trọng nhất là cảm hứng và quan niệm của nhà văn về đề tài này chứ không bởi nội dung của chính nó.
PV: Ông có nghĩ rằng, các nhà văn của chúng ta đã “bỏ quên” đề tài văn học công nhân và bị hút vào các đề tài khác đang “ăn khách” hiện nay không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi khẳng định rằng: Các nhà văn không “bỏ quên” đề tài này. Và như tôi đã nói ở trên, các nhà văn đã đánh mất nhiều cảm hứng và đã có một quan niệm chưa thật đúng về đề tài công nhân. Nguyên nhân thứ nhất: Các nhà văn và cả chính người đọc cũng như người quản lý có liên quan đã ít nhiều coi văn học viết về công nhân là một đề tài phụ. Nhất là sau thời kỳ đổi mới, hầu hết các nhà văn và cả chính bạn đọc bị hút vào những đề tài khác mà trước đó ít có điều kiện để đề cập và công bố. Nguyên nhân thứ hai: Sáng tác về đề tài công nhân vẫn bị những quan niệm cũ ám ảnh. Các nhà văn cho rằng, viết về đề tài công nhân là để động viên một phong trào, để minh họa cho đường lối và chính sách về công nhân. Thực ra, nói cho chính xác thì quan niệm như vậy là sai lầm. Và nhà văn, những chủ nhân của tác phẩm văn học, lại là người sai lầm lớn nhất. Viết về công nhân, về nông dân hay viết về bất cứ ai thì đó chính là viết về con người. Công việc của con người đó không chỉ là môi trường sống và làm việc mà thôi. Không có đề tài nào quan trọng hay vĩ đại hơn đề tài nào cả. Tại sao nhà văn Tô Hoài viết về một con dế lại ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn mạnh mẽ như thế, trong khi không ít những tác phẩm viết về một anh hùng lại không làm được? Ðó chính là bởi cách quan niệm và tài năng của nhà văn.
PV: Ông có thể nói rõ hơn, những quan niệm chưa đúng trong sáng tác về đề tài công nhân đã tác động như thế nào đến chất lượng tác phẩm?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Ngay trong cuộc xét giải cho những tác phẩm văn học viết về công nhân và người lao động trong năm 2014 của HNV và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhà văn quan niệm, những tâm sự sâu kín với nỗi giày vò, với những thảng thốt và cả sự sợ hãi, với ước mơ bình dị… của một người công nhân không phải là đề tài công nhân. Quan niệm như vậy hoàn toàn sai lệch và làm cho các tác phẩm viết về đề tài công nhân vô tình bị áp đặt, bị thu hẹp và thô cứng. Ðiều này đã kìm hãm chiều sâu và sự thăng hoa của các tác phẩm viết về công nhân. Một nguyên nhân khác là, không ít các nhà văn vẫn đang chìm đắm trong sự thỏa mãn những trang viết về “cái tôi” bản ngã của mình. Và họ đã nghĩ một số đề tài văn học như đề tài công nhân đã hết thời.
PV: Ông có thể đánh giá về các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân thời gian vừa qua. Hiệu quả đến đâu? Và nguyên nhân vì sao?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trong thời gian qua, các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân đã có những thành công nhất định. Một, một số quan niệm cũ hay cách viết cũ về văn học, đề tài đã bị phá vỡ thông qua một số tác phẩm của nhà văn Bùi Việt Sỹ, nhà thơ Hoàng Việt Hằng… Vì thế nó tạo ra những chiều kích mới cho văn học viết về đề tài này. Hai, một số tác giả là những công nhân đã sáng tạo trên hiện thực mà họ là người trong cuộc và tác phẩm của họ đã phản ánh được nhiều góc khuất của người công nhân. Ba, qua hình ảnh người công nhân trong tác phẩm văn học, người đọc thấy được số phận của con người như mọi con người khác. Chính điểm này đã làm cho tính “đề tài” như nhiều người quan niệm trước kia được nhìn nhận lại. Thế nhưng, trong cuộc vận động này, chưa có nhiều tác phẩm tạo được vị trí nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm hay thì những điều được đề cập trong tác phẩm đó sẽ hay. Một tác phẩm kém thì ngay một lịch sử chói lọi được tác phẩm đó đề cập cũng trở nên ít ý nghĩa.
PV: Người công nhân và giai cấp công nhân hiện nay đang đứng trước rất nhiều thách thức như: việc làm, thu nhập, nhà ở, điều kiện sinh hoạt, đời sống tinh thần… trong khi văn học về mảng đề tài này thì trống vắng. HNV Việt Nam với tư cách là hội nghề nghiệp có chương trình, kế hoạch, khuyến khích, định hướng, hỗ trợ nghề nghiệp gì để các nhà văn quay trở lại, đi sâu và lấp đầy khoảng trống một đề tài vô cùng quan trọng này như một mệnh lệnh của xã hội và trái tim?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hội Nhà văn có Ban Chuyên đề. Ban này có nhiệm vụ cùng các nhà văn tổ chức các hoạt động liên quan đến một số lĩnh vực sáng tác mà chúng ta vẫn gọi là đề tài như công nhân, lực lượng vũ trang, thiếu nhi, dân tộc…. Trong những năm qua, hằng năm đều có các đoàn nhà văn đi thực tế để viết về đề tài công nhân; một số trại sáng tác về đề tài này cũng đã được tổ chức. Nhưng chúng ta cũng phải thành thật rằng: Sự đầu tư chiều sâu cho đề tài này chưa được tốt. Ðầu tư ở đây có nghĩa như thế nào? Ðó là phải tổ chức những cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi để nhìn nhận rõ hơn và sâu hơn, hay nói cách khác là xác lập quan niệm một cách đúng hơn và đổi mới hơn về đề tài. Ðó là sự thay đổi cách “đi thực tế”. Nhà văn phải có một thời gian tạm đủ để sống, làm việc, chia sẻ buồn vui với những người công nhân. Chúng ta vẫn “đi thực tế” như kiểu để viết một bài báo hay một ký sự và đến với công nhân như một người khách chứ chưa phải là một người đồng hành. “Ði thực tế” kiểu này quá ít hiệu quả. Ðó là chúng ta cần có con mắt xanh để phát hiện ra các tác giả thuộc đội ngũ công nhân. Từ đó, có sự trợ giúp cho những tác giả này sáng tác về chính đội ngũ của mình hay về cuộc sống của cá nhân trong đội ngũ đó, trong môi trường đó. Sự trợ giúp quan trọng nhất ở đây là trợ giúp để nâng cao nghề nghiệp và tạo cảm hứng cho người viết.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
H. V (thực hiện)
(Nguồn váo Nhân Dân)