Cánh đồng nhận thức – Tô Ngọc Thạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trở về từ chiến tranh được hưởng chế độ bệnh binh 4/4, ông lao vào cuộc sống kinh doanh và viết như để trả nghĩa cho đời. Mỗi vần thơ của ông không chỉ là tâm tư của người trong cuộc mà còn là những nét chấm phá mở ra “cánh đồng nhận thức” tri ân đồng đội một thời không tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Tô Ngọc Thạch.

Trở về từ chiến tranh được hưởng chế độ bệnh binh 4/4, ông lao vào cuộc sống kinh doanh và viết như để trả nghĩa cho đời. Mỗi vần thơ của ông không chỉ là tâm tư của người trong cuộc mà còn là những nét chấm phá mở ra “cánh đồng nhận thức” tri ân đồng đội một thời không tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Tô Ngọc Thạch.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁNH ĐỒNG NHẬN THỨC

Đêm đêm

Chị thương binh đốt đèn trồng những ước mơ

Khoảng trống chiếm phía ngoài khung cửa

Chị bước ra từ xa xưa thời tuổi trẻ

Bên dải Trường Sơn

Lần theo đường đời đã mã hoá thời gian

Bằng những viên đá cuội mang bao kỷ niệm

Sông suối ngoằn nghèo

Lối mòn định mệnh

Kia hố bom B52

Đây vũng trầm luân đục ngầu

Nơi chị giặt vò, xả bỏ những buồn đau…

Chị thương binh dùng thân mình che ngọn đèn dầu

Mưa bão không cản được đường chị bước

Niềm tin yêu gắn với ánh đèn từ bao kiếp trước

Chị âm thầm gieo hạt mầm qua cuộc chiến tranh

Cánh đồng hiện sinh ngày một thêm xanh

Ngọn đèn dầu rung rinh trong xóm vắng

Dưới đất sâu, bao giọt máu hồng vẫn long lanh sáng

Soi lên cánh đồng phồn thực, mở mùa hoa.

 

Tháng 7/1999

 

 

HUYỀN THOẠI 81 NGÀY VÀ ĐÊM

Tưởng nhớ các liệt sỹ Thành Cổ, Quảng Trị.

 

Chiếc gậy Trường Sơn nối cơ thể

với đường mòn hành quân dẫn tôi về Thành Cổ

Chiến trận năm xưa

lá thời gian phủ che dĩ vãng thương đau

Đồng đội tôi chưa yên giấc dưới đất sâu

Đằng đẵng tháng năm

Vết thương chiến tranh khắc vào cõi nhớ

Giấc ngủ gầy còm duỗi dài hơi thở

Ngày hè đỏ lửa

Héo quắt hoàng hôn

Nỗi bâng khuâng trong kỷ niệm cuộn tròn

Ngọn gió miền Trung quất vào thịt da

nghe tên mình có ai đang gọi

Nén hương thơm khói cong như dấu hỏi?

Có tấc đất Cổ Thành nào

không nhuốm máu đồng đội tôi

Tứa máu ngón tay bới vào đạn nổ bom rơi

Tìm viên gạch vẹn nguyên khó như mò kim đáy bể

Tám mốt ngày đêm Cổ Thành

thành tượng nung trong chảo lửa

Rực sáng không gian

Muôn đớn đau giằng xé tâm can

Bao chân linh khắp chân trời phiêu bạt

Mảnh đất thiêng cho tôi câu thơ quặn thắt

Viết vào hồn mình gửi tới các anh

Tám mốt ngày đêm

Cổ Thành hắt sáng vào

huyền thoại chiến tranh.

 

 

LÚM ĐỒNG TIỀN

 

Con đường mòn ký ức

Vắt qua cửa nhà em

Tán bàng xanh tình duyên

Đi ngang qua nỗi nhớ

 

Lần ấy em vô ý

Đánh rơi lúm đồng tiền

Bất chợt anh nhặt lên

Giấu vào trong im lặng

 

Anh mong hoài thắc thỏm

Lần nữa em đánh rơi

Để trầu thắm đỏ môi

Cho lòng anh bão nổi

 

Rồi anh đi bộ đội

Bằn bặt chiến trường xa

Ngày về con đường hoa

Tìm lúm đồng tiền cũ

 

Bên gốc bàng trước ngõ

Nay chỉ còn mưa rơi…

 

Tháng 6/1974

 

 

GỠ THỜI GIAN ĐAN ÁO CHO CHỒNG

 

Cái rét đành hanh

lùa vào giấc ngủ triền miên

Gió thời gian thổi mòn cùn mái rạ

Căn nhà trống nép mình nơi thôn dã

Chị thắp ngọn đèn dầu

lần tìm vào quá khứ đêm đêm

Rút cô đơn từ ký ức chiến tranh

Nỗi đau nhói buốt

làm sáng lên đường kim mũi chỉ

Se vết thương thành sợi len dài thiên niên kỷ

Vò võ bên hiên

gỡ thời gian đan áo cho chồng…

Hơn ba mươi năm

từ ngày chia tay anh bên dải Trường Sơn

Bấy nhiêu lần

ngâu tháng bảy, mưa nguồn chớp bể

Chiều hoang lạnh chìm trong quạnh quẽ

Bóng chị đổ dài lệch cả miền quê

Sương thời gian nhuộm trắng mái tóc thề

Ngày nối ngày

chị ngậm ngùi gỡ từng đường tơ bối rối

Gỡ mảnh hồn mình vồi vội

Theo bóng anh đi qua

tháng ngày đặc quánh đang trôi…

 

Tháng 7/1999

 

 

MỘT MÌNH VÒ VÕ GIỮA MIỀN HEO MAY

Kính tặng nhà cách mạng kiên trung Triệu Thị Đỉnh(1)

 

Mẹ ngồi nhặt bóng vá đêm

Một mình vò võ giữa miền heo may

Chỉ thời gian chuốt trên tay

Nỗi đau giằng xé trời này rỗng không

 

Sợi dài như dải tang chồng

Còn bao sợi ngắn đắng lòng tang con(2)

Đường kim mũi chỉ mỏi mòn

Mẹ ngồi khâu những héo hon ở đời

 

Trải qua muôn trận bão người

Cũng không giết nổi nụ cười kiên trung

Gian nhà tập thể khôn cùng(3)

Liêu xiêu trước gió phập phồng chiêm bao

 

Mẹ ngồi nhặt những hanh hao

Đêm đêm vá lại ngọt ngào mơ xưa!

__________

1- Nhà cách mạng Triệu Thị Đỉnh (1912 – 2007), Đảng viên năm 1930, Huy hiệu 75 tuổi Đảng, hoạt động cách mạng chủ yếu ở Xứ ủy Bắc Kỳ cùng với các đ/c Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan,… Ba lần bị địch bắt và bị giam cầm, tra tấn nhiều năm, nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

2- Chồng là nhà cách mạng tiền bối, Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, Đảng viên 1929. Chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh nông dân Tiền Hải năm 1930. Người có công lớn trong việc thu phục gia đình Tổng đốc Vi Văn Định về với cách mạng. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình 1946 – 1951, hy sinh 1954, các con cũng mất cả khi chưa người nào kịp xây dựng gia đình.

3- Gia đình bà có công lớn với đất nước, nhưng bà sống một cuộc đời thanh bạch từ khi về hưu đến cuối đời tại gian nhà tập thể tầng III khu Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội.

T.N.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder