Cáo trạng quyết liệt trong bài thơ “Tăng thử” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Đức Thuận

Vanhaiphong.com: Bài thơ Tăng thử của Nguyễn Bỉnh Khiêm có sức sống dài lâu bởi ông đã đứng vào chỗ đứng của nhân dân. Thái độ quyết liệt của ông đáng để người đời suy ngẫm…

Vanhaiphong.com: Bài thơ Tăng thử của Nguyễn Bỉnh Khiêm có sức sống dài lâu bởi ông đã đứng vào chỗ đứng của nhân dân. Thái độ quyết liệt của ông đáng để người đời suy ngẫm…


Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) trước hết là một danh sĩ đỗ đạt cao, một nhà khoa bảng lớn, đã từng là một vị quan to của triều đình phong kiến nhà Mạc, trong thế kỷ XVI. Ông còn là một nhà thơ, nhà triết học, là một trong “những thiên tài”(1), một trong “ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam làm vẻ vang cho giống nòi”(2). Song, sống ở thời buổi rối ren, suy vi, giang sơn xã tắc đảo điên, “khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất như núi”(3), nhiều kẻ đua chen danh lợi, tham lam, đạo đức suy đồi, “khi ở triều đình thì tranh nhau về danh, khi ở chợ búa thì tranh nhau về lợi…; thấy ngoài đường có người chết đói, không dám bỏ một đồng tiền  ra cứu giúp…”(4), Nguyễn Bỉnh Khiêm tỏ thái độ vô cùng căm phẫn. Ông đã từng dâng sớ xin nhà vua chém mười tám lộng thần gian tham, nhưng không được chấp thuận ông thác bệnh, xin về quê ở ẩn, dạy học và làm thơ, với tên hiệu là Bạch Vân cư sỹ. Thân về ẩn dật nhưng tư tưởng, tình cảm và cả hành động nữa luôn dõi theo và sống cùng với vận mệnh của đất nước. Nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông cho thấy tư tưởng và hành động ấy là một, chỉ là một và nhất quán. Bài thơ Tăng thử(5) là một minh chứng. Tăng thử (Ghét chuột) là bài thơ nằm trong tập thơ chữ Hán “Bạch Vân Am thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tiêu đề của bài thơ đã tỏ rõ thái độ quyết liệt của ông: căm ghét lũ chuột làm hại dân chúng.

Cũng như bài thơ Thạc thử trong Kinh Thi(6) của Trung Quốc, bài thơ Tăng thử của Nguyễn Bỉnh Khiêm được viết thao phương thức nghệ thuật ẩn dụ có tính chất ngụ ngôn, nhằm lên án, cảnh cáo bọn tham quan, ô lại đương thời tham lam, dơ bẩn, chuyên đục khoét của dân. Ngay phần đầu bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện rõ tư tưởng, đạo lý muôn đời của “trời đất” và các “đấng thánh nhân” chân chính, là mong sao cho chúng dân có một cuộc sống no đủ, nhờ vào việc cấy trồng ngũ cốc, “trên để phụng dưỡng cha mẹ, dưới để nuôi nấng vợ con”:

Duy thiên sinh chưng dân

Bão noãn các hữu dục

Ông hoàng cổ thánh nhân

Giáo dĩ nghệ ngũ cốc

Phụ mẫu ngưỡng tri sự

Thê tử phủ tri dục.

Tiếp nối tư tưởng “thân dân” từ những thế kỷ trước, gần nhất là từ Nguyễn Trãi, “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ, khắp đòi phương”(7), Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thể hiện một mong ước người dân lành được hưởng no ấm, hạnh phúc. Những vua sáng, tôi hiền xưa đều có chung khát vọng đó!

Ấy vậy mà lũ “chuột lớn kia bất nhân” đã “ngấm ngầm ăn vụng, ăn trộm” thóc lúa của dân, để dẫn đến cảnh:

Nguyên dã hữu cảo miêu

Lẫm dữu vô dư túc

(Ngoài đồng chỉ còn nắm lúa khô/ Trong kho không còn hạt thóc thừa).

Từ mầm non của cây lúa ở ngoài đồng cho đến hạt thóc già trong kho, “lũ chuột bất nhân” đều chén sạch! Những người nông dân vất vả, một nắng hai sương, chỉ còn biết than khóc vì thành quả lao động khó nhọc của mình đã bị “lũ chuột” kia ăn cướp hết! Phải là người thấu hiểu và cảm thông vô hạn đối với người nông dân lao động đẫm mồ hôi nước mắt, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới có thể viết nên những dòng thơ đắng gan, đắng ruột thế này:

Lao phí nông phu thán

Cơ tích điền phụ khấp.

(Người nông dân khó nhọc và than thở/ Người điền phụ gầy ốm và khóc lóc).

Và ông khẩn thiết kêu lên:

Dân mệnh vi chí trọng

(Tính mệnh của nhân dân rất là quan trọng).

Trong một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nêu rõ tư tưởng trọng dân, chăn dân no đủ, lấy đó làm gốc của phép trị dân, giữ nước:

Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,

Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.

(Cảm hứng)(8)

(Từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc/ Được nước nên biết là ở chỗ được lòng dân).

Những nhà yêu nước lớn như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi trước đó đều đã thể hiện rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”, cho dân, vì dân, yêu thương dân. Một tinh thần nhân đạo, nhân bản như thế luôn là điểm tựa cho sức mạnh để giữ gìn và xây dựng quốc gia vững bền. Nguyễn Trãi đã từng viết trong bài thơ Quan hải:

Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ(9), (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước đó sao?). Cũng trên cơ sở của tình yêu thương nhân dân sâu sắc như thế, Nguyễn bỉnh Khiêm không thể làm ngơ trước cảnh “lux chuột” tham tàn đục khoét của dân, đẩy người dân vào cảnh đói khổ, bần cùng. Ông đanh thép luận tội chúng:

Tàng hại hà thái khốc!

(Mi làm hại người ta quá lắm!)

Ông vạch mặt “lũ chuột” tham tàn, cho dù chúng mi chui rúc ở đâu, nơi “góc thành” hay “ẩn trong hang hốc ở nền xã, núp vào đó để tính mưu gian” cũng không thể tránh được sự phát hiện và sự căm phẫn của nhân dân:

Thần, nhân oán mãn phúc

(Quỷ thần và nhân dân oán ghét mi chồng chất ở trong bụng).

Tham lam, tàn bạo, “ngấm ngầm ăn vụng, ăn trộm”, gây ra cảnh tượng thê thảm cho muôn dân, tất chúng sẽ bị người dân oán hận, và kết cục chúng không thể tránh khỏi sự trừng trị thảm khốc của “trời đất”, của nhân dân:

Nhiêu thất thiên hạ tâm

Tất thụ thiên hạ lục.

(Mi đã làm mất lòng thiên hạ nhiều/ Tất nhiên bị thiên hạ giết chết).

Bản cáo trạng kết án “lũ chuột” tham tàn ở phần cuối bài thơ này cho thấy tính chất quyết liêth, thái độ căm phẫn tột cùng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với bọn tham quan, ô lại. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã từng là vị quan to, cũng đã từng ít nhiều được hưởng thành quả lao động của dân, nhưng ông quyết không phải như “lũ chuột” tham tàn kia, chúng “ăn bằng vạc lớn (mà) có ai là kẻ vì nước lo toan”(10). Chỉ có sự trừng phạt thảm khốc “lũ chuột” đó mới có thể hả lòng dân:

Thị triều tứ nhĩ thi,

Ô, diển trách nhĩ nhục.

(Đem phơi thây xác mi ở trong triều và ngoài chợ/ Để cho loài quạ, loài diều hâu nó rỉa mổ thịt mi).

Dù lợi dụng ở nơi cao sang trong triều hay ở nơi linh thiêng xã tắc, chúng cũng không sao thoát được kết cục bi thảm!

“Phơi thây, rỉa mổ thịt” là hình ảnh ghê rợn mà “lũ chuột” tham tàn “tất nhiên” phải nhận từ sự trừng trị của “thiên hạ”. Nhân dân sẽ được chứng kiến cái cảnh tượng và cái kết cục bi thảm đó! Chỉ có tiêu diệt hết “lũ chuột” tham tàn ấy, người dân mới được hưởng ấm no, hạnh phúc:

Tận sử điêu sái dân,

Cộng hưởng thái bình phúc.

(Như thế mới khiến cho dân điêu tàn ốm yếu/ Được hưởng hạnh phúc no ấm đời thái bình).

Niềm mong ước ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là của biết bao người dân lao động cơ cực. Họ cũng chẳng muốn bỏ ruộng đồng, quê hương mà đi đến miền “lạc thổ” xa xôi nào như mong muốn của người dân trọng bài Thạc thử:

Thệ tương khứ nhữ

Thích bỉ lạc thổ

(Quyết bỏ mày mà đi/ Đi đến miền lạc thổ).

Những người dân “điêu tàn ốm yếu” trong bài thơ Tăng thử của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ước mong sao diệt hết “lũ chuột” tham tàn, được “hưởng hạnh phúc no ấm” và cuộc sống “thái bình” ngay trên quê hương, xứ sở cuả mình! Có thể nói, với bài thơ Tăng thử, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đứng vào chỗ đứng của nhân dân lao động, cảm thông sâu sắc với nỗi vất vả, cực nhọc để làm ra hạt lúa của họ mà lại bị “lũ chuột” tham tàn cướp mất! Ông căm phẫn cho rằng, “lũ chuột” tham tàn kia thật đáng ghét, dù là chuột to hay chuột nhỏ đều phải bị tiêu diệt hết, vì chúng là lũ bất lương, là một trong những nguyên nhân gây nên cảnh đói nghèo của nhân dân! Bài thơ cũng cho thấy một tư tưởng, một nhân cách trong sáng, trung thực và một thái độ kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham tàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với bọn tham quan , ô lại đương thời qua hình ảnh “lũ chuột” dơ bẩn! Bài thơ là lời cảnh cáo, răn đe và vẫn còn có sức sống dài lâu, vẫn còn mang tính thời sự và vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc chừng nào còn có những kẻ tham quan, ô lại ở trên đời.

 

Tháng 10, năm 2015
N.Đ.T

_______
Chú thích

1, 2. Trường Chinh, Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, in lần thứ hai, NXB Sự thật, Hà Nội, 1974, trang 34.

3. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2, in lần thứ hai, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1976, “Ngụ ý” trang 691.

4. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, “Trung Tân quán bi ký” (Bài bia ở quán Trung Tân), sđd, trang 651, 652.

5. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Tăng thử”, sđd, trang 679­682.

6. Kinh thi, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012, trang 16­17.

7. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nguyễn Trãi, “Thơ Nôm số XLIII”, sđd trang 32.

8. Dẫn theo Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Văn học Việt Nam, (Thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, 2000, trang 432.

9. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nguyễn Trãi, “Quan hải”, sđd trang 345.

10. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Ngụ hứng”, sđd, trang 667.

 

Liên hệ: PGS.TS Nguyễn Đức Thuận

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Hải Phòng

Email: tsthuandhhp@gmail.com

ĐT: 0912402359

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder