Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Cát trắng” của nhà văn Vũ Hữu Ái in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Cát trắng” của nhà văn Vũ Hữu Ái in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
VŨ HỮU ÁI
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: VŨ HỮU ÁI. SINH NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1943. QUÊ QUÁN: HÀ NỘI. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: QUẬN NGÔ QUYỀN, TP HẢI PHÒNG. TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, XUNG PHONG VÀO TRƯỜNG SƠN MỞ ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC SAU CHUYỂN SANG BỘ ĐỘI SƯ ĐOÀN BỘ BINH 312 VỪA LÀM ĐƯỜNG VỪA CẦM SÚNG VỪA GHI CHÉP VÀ VIẾT.
Nhà văn Vũ Hữu Ái (tháng 2/2015)
CÁT TRẮNG
Chốc chốc Kiệm lại cúi xuống ngắm lớp cát trắng nhỏ mịn lún dưới chân, Xa quê hương gần mười năm trời, hành quân qua không biết bao nhiêu đồi cát, trảng cát, nay gặp lại anh mới thấy cát quê mình thật đẹp. Chen giữa những rặng núi đá khúc khuỷu đâm thẳng ra biển, hàng trăm bãi cát trắng lững lờ nổi lên trên mặt nước xanh vắt, sáng như gương.
Xa xa, phía hang Luồn, chừng mươi con thuyền đang neo ăn cát. Kiệm xốc ba-lô, đưa tay che nắng, chăm chú nhìn.
Một người đàn ông vận áo may-ô, quần đùi, bước những bước chắc nịch ven mí nước, tiếng gọi đập vào vách đá oang oang.
– Ra muộn thế cháu?
– Chú! Đảo đẹp quá chú ạ!
Kiệm nắm bàn tay ướt sạn của ông chú ruột. Da ông nâu bóng, các bắp thịt cuộn lên như sóng lừng. Ông đưa Kiệm về thuyền, vừa đi vừa gật gù:
– Cháu đi khắp đất nước có thấy đâu có hang Luồn dưới biển như quê ta không? Trên rừng: kim giao, sơn dương, tắc kè, kỳ đà, tu hài… Dưới biển: đồi mồi, bào ngư, hải sâm, ngọc trai. Tôm thì đủ các loại, to bằng cổ tay! Nào đã hết. Giờ lại cả cát nữa. Nhờ vợ cháu đấy. Nó vừa xây xong nhà máy thủy tinh nhớn nhất nước!
Ông chú của Kiệm bỏ biển đã lâu. Thời kỳ thành phố chống chiến tranh phá hoại, ông lên rừng sống với những bầy ong cần mẫn, với rắn, trăn, tắc kè… Rồi ông mang cả gia đình vượt những khoăn đá hiểm trở, dựng nhà ngay lưng chừng núi. Thế nhưng mùa hè năm nay ông lại về với biển: ông đi chở cát lên nhà máy thủy tinh
Mặt trời xoải chân sào, đoàn thuyền mới lên buồm. Thuyền nào cũng no bụng cát, nhưng lướt nhẹ thênh. Khi mặt nước sẫm đen, nhấp nháy những đốm đèn, đoàn thuyền đã qua Cát Hải.
Giữa tấm ni-lông trải trên cát, hai chú cháu Kiệm ngồi xé mực nướng nhấm nháp chung một bát rượu.
– Thế cháu đã đánh dây thép lên để ba mẹ con nó mừng chưa?
– Dạ, chưa! Cháu vừa về hôm nay lại theo thuyền chú lên ngay. Điện đóm có khi lại chậm hơn.
– Mày làm như vậy, con Na nó lại ngất như cái đận truy điệu mày đấy.
– Thì cô ấy có tin cháu hy sinh đâu?
– Nhưng sao mày gan thế?
– Chà! Có vào đấy chú mới biết.
– Kỳ này lên Phòng dắt nhau về cả chứ? Ở nhà, còn mỗi bố mày với cái Cân, nhà cửa cứ hổng hểnh như cái hang.
Nhất định là Kiệm phải xin bằng được cho vợ con về quê, Kiệm tin chắc được. Vì Na thoát ly cũng được hơn chục năm nay. Bây giờ lại con thơ nhếch nhác, chắc công trường cũng không giữ làm gì. Còn anh là thương binh, công trường cũng nhất trí cho về quê thôi.
Bằng tầm này tháng trước, Kiệm còn ở mãi tít mũi Cà Mau. Cầm giấy tờ chuyển ngành về Công ty xây dựng Hải Phòng, đơn vị sản xuất cũ, Kiệm như thấy được cầm chặt bàn tay Na, bàn tay người vợ vất vả rám nắng. Nếu anh biết được cách đây sáu năm, đơn vị cũ của anh từ mặt trận Đường Chín đã gửi giấy báo tử về huyện nhà, chắc anh đã phân vân: Na có thể đi lấy chồng từ lâu.
Chuyến đó, Kiệm đưa tiểu đội trinh sát đi “nam” một đồn lính Mỹ ngụy đóng ở biên giới Việt – Lào. Nằm đợi mãi đến hai giờ sáng, bọn chúng mới thôi dắt chó sục sạo. Anh dầm mình một lần nữa trong đất đồi ngào nước ruộng đặc quánh rồi bò vào, vượt hào trườn lên sườn đồi nằm ngửa gỡ dây thép gai cũi lợn, nhích dần. Bỗng những băng đại liên quét vu vơ lia qua chỗ anh nằm, bàn tay trái đang gỡ dây thép gai bị một vệt đỏ xuyên qua. Vừa rụt tay lại, dãy ống bơ rền rĩ kêu. Lập tức, những chớp đạn nhằng nhằng vàng đỏ chụp lên người anh. Bên cửa rừng, trong tiểu đội trinh sát, có một chiến sĩ theo đạo Thiên chúa giáo, đưa tay lên trán, lên ngực làm dấu thánh nhìn bóng tiểu đội trưởng đang oằn oại trong ánh chớp đạn, giữa những búi dây thép gai nhằng nhịt. Đêm sau địch rút chạy. Giữa lưng chừng một ngọn đèo, đoàn xe GMC của địch vấp du kích. Kiệm được cứu thoát. Anh nhập luôn vào đơn vị du kích địa phương. Sau có một đơn vị bộ đội hành quân vào vùng cực nam Nam Bộ, anh theo ngay đơn vị đến với những cánh rừng đước, chiến đấu cho đến trận cuối cùng, giải phóng Sài Gòn.
… Về tới nhà, Kiệm lặng người nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ mờ tối, nhìn ảnh mình dưới góc tấm bằng Tổ quốc ghi công lồng trong khung kính trang trọng. Cũng may, bố anh chỉ già nhanh. Có lẽ nỗi đau đớn của ông cụ khác bà cụ. Mái tóc cứng như bàn chải của ông bạc hơn và thêm những nếp nhăn trầm mặc trên mặt. Hôm ấy, ông cụ đang bê một tảng đá chữa lại bậc lên xuống ở cửa nhà, ngoảnh lại, thấy anh, tảng đá rơi ngay xuống hai bàn chân ông cụ. Cứ đôi bàn chân tóe máu, ông cụ lùi lại lảo đảo, rồi run run giơ tay bước tới, mở to đôi hàng mi bạc trắng, rú lên mà gọi tên con trai.
Kiệm tự trách mình sơ suất đã không biên thư về báo trước. Anh chỉ muốn bất ngờ để thêm vui. Ai ngờ… Bà con kéo đến chật nhà. Ông cụ, chân băng trắng, ngồi trên giường tựa cột, hể hả tiếp chuyện… “Con lên Phòng xin cho mẹ con nó về nuôi đồi mồi với bố – Lúc anh vội ra thuyền, ông cụ dặn với lần nữa – Hồ nuôi đồi mồi của hợp tác xã rộng những hơn một héc ta. Hai vợ chồng mày làm cật sức cũng không hết việc”…
… Đoàn thuyền lướt giữa sông Cấm. Trăng đã lên, xanh xanh hai bờ. Rừng sú vẹt kéo thành từng vệt đen huyền tít tắp. Mùi hoa sú muộn mằn lẫn mùi phù sa thoảng qua thuyền chua mát. Kiệm bật lửa che đóm cho ông chú hút thuốc lào. Phả khói một cách ngon lành, ông lại ngả lưng ngửa mặt nhìn sao. Kiệm cũng nằm xuống cạnh ông, tay quờ ra khỏi mép ni lông vốc một nắm cát.
– Nó chịu khó lắm – Ông chú lại kể về Na – Một năm chỉ có mang hai con về qua nhà mươi ngày phép. Nhưng tao xem chừng nó cũng yếu lắm. Vôi vữa quanh năm. Công việc vất vả, lại đẻ sinh đôi. Con Hòa thì nghịch ngầm. Thằng Bình mắt một mí cứ xếch ngược, ngã gẫy cả hàm răng cũng không có khóc.
– Chúng cháu sẽ mang hai cháu về quê nuôi đồi mồi với bố cháu – Giọng Kiệm xúc động.
– Chú cũng nghĩ vậy. Gớm. Cái hồ nước mặn ấy…
Ông chú lại kể vì sao mà nuôi đồi mồi, về những con đồi mồi, về bố Kiệm và những người đang chăm sóc đồi mồi như thế nào.
“Minh và Na sẽ xây lại cái nhà. Hai đứa cùng thợ nề cả. Na lại giỏi tay nghề, trang trí nhất định phải đẹp. Cái hướng nhà hiện nay khuất lảnh quá. Chắc ngày xưa thầy địa lý nào đó xui ông cụ làm hướng ấy tốt. Mình sẽ cho cửa mở đón gió đông nam. Ngồi trong nhà cũng nhìn thấy những vàng đèn, những bãi cát, những hang động đá vôi, cả động đá cẩm thạch nửa chìm nửa nổi trên mặt sóng. Nhất là nhìn thấy mỏm núi đá của hai đứa. Mỏm núi chìa ra biển lúc nào cũng như sắp bửa xuống vịnh ấy cứ hiện lên trong đầu mình suốt từ dạo xa Na. Hồi còn yêu nhau, hai đứa thích ra đấy ngồi, Na chỉ một hòn đảo nhỏ xa tắp như chiếc thuyền câu tôm lênh đênh trên sóng, kể cái chuyện ngày xưa giặc biển định chiếm hòn đảo nhỏ ấy và cả hòn đảo lớn này. Các ông đã vượt biển ra hòn đảo nhỏ đánh giặc. Ở nhà, các mẹ các chị giã gạo gói bánh tiếp tế cho các ông. Bọn giặc biển bị đánh tan. Từ đấy, đảo nhỏ được gọi là đảo “Các ông”, đảo lớn gọi là đảo “Các Bà”, vì thế, nghe mình nói: “Cát Bà”, Na lại vặn: “Các Bà chứ?”… Mình và Na sẽ dẫn hai con vào lâm trường chơi, xin ít cây con về trồng sau này lấy gỗ tốt sa mu, bạch đàn, xà cừ, thông… và xin cả hoa về trồng trước cửa, để giống như đảo, quanh nhà bốn mùa hoa nở: hoa đào, hoa đơn xương, hoa vông vang, hoa cúc, hoa nhót, hoa đum đum… Như vậy, bầy ong của cụ sẽ chẳng phải đi đâu xa. Bướm cũng sẽ kéo đến đầy vườn. Chà, những con bướm đảo to bằng bàn tay, liệng tận ra biển như chim hải âu ấy, hai cánh trên đỏ rực, hai cánh dưới vàng tươi, hai tua dài đen như nhung sẽ bay vờn trước cửa nhà, chị em cái Hòa chắc là thích lắm”.
Kiệm ngồi bật dậy, móc túi kéo ra tấm ảnh nhỏ. Tấm ảnh hai con, Na treo trên tường, anh mới tháo ra. Anh vào khoang xách ra chiếc đèn bão. Chao ơi! Hai chị em nó giống nhau như hai giọt nước. Mắt thì hệt mẹ, sáng và gan. Mũi, miệng lại giống bố. Thú thật!
Ông chú đã ngáy o o, Kiệm vẫn không sao ngủ được, chốc chốc lại mang ảnh hai con ra ngắm, tưởng tượng ra hàng trăm cảnh gặp gỡ vợ con.
… Đến bến, theo lời chỉ dẫn của ông chú, Kiệm vượt tắt qua những bãi cát trắng đổ đầy trên bến, nhằm phía nhà máy bước như chạy lên đồi. Trên đỉnh đồi, nhà máy vẫn còn khoác nửa người chiếc áo xù xì của công trường: giàn giáo chưa dỡ hết, những con đường chưa dọn xong. Không một người bạn cũ nào. Chẳng có ai quen. Những người bạn cách đây mười năm, chắc cũng đã ra mặt trận chưa về hoặc chuyển công tác, hoặc đang làm ở một công trường nào khác.
Những giọng hát, tiếng nói bâng quơ bỗng lảnh lót bay ra như gọi Kiệm, từ một tốp nữ đang đào rãnh thoát nước bên đường.
– Từ ngày anh đi, ở nhà em giỏi giang…
– Phen này có con chết. Ai bảo không chung thủy!
Kiệm dừng lại trước mặt các cô, vui vẻ hỏi:
– Đây là nhà máy thủy tinh phải không các cô?
Mấy cô bụm môi cười, đấm lưng nhau thùm thụp. Một cô cao lớn, hai dải đuôi sam rớt đến vai, nghiêm nghị sửa lại cái cổ áo, tiếng thanh đảnh:
– Đồng chí hỏi nhà máy thủy tinh nào? Chúng em đây làm những hai ba nhà máy thủy tinh kia.
Kiệm đứng ngẩn.
Cô gái ra chiều thương hại, giảng giải:
– Thủy tinh y tế này, thủy tinh dân dụng này, dân dụng lại có riêng một khu bóng đèn, phích nước nữa.
Kiệm đành phải hỏi tuột:
– Cho tôi hỏi thăm cô Na thợ nề làm ở chỗ nào?
– Chị Na “trứng gà, trứng vịt” quê Cát Bà phải không? Chị ấy đang xây nốt bức tường rào bên khu y tế.
Thấy mặt Kiệm bỗng đỏ rân và “vâng!” rất to, cô gái mỉm cười vớ lấy chiếc thùng:
– Nhưng ba mẹ con chị ấy ở cả bên khu dân dụng này. Em đưa anh về, em lấy nước luôn thể. Thế anh là gì với chị Na?
– Là… bạn thân cùng quê.
Dọc đường, cô gái luôn miệng kể về Na. Những là nghe tin chồng hy sinh ngay từ hồi mình sinh đôi hai đứa con đỏ hon hỏn, nhưng chỉ nuốt nước mắt, chứ không ốm, không đau, không nghỉ một công nào. Những là thời kỳ chiến tranh phá hoại, hai con “trứng gà, trứng vịt” như vậy, nhưng cứ chuyển hàng chục công trường, xung phong tới bất cứ một công trường trọng điểm ác liệt nào. Những là hai lần bị thương nặng. Dạo bảo đảm giao thông ở đường Năm, đoạn Sở Dầu, bị dính bom thảm B52; dạo chui vào lò xây lại lớp gạch chịu lửa trong nhà máy xi măng bị bỏng. Những là con mọn như thế, nhưng đợt nào thi tay nghề cũng lên bậc, nay thì bậc năm rồi, nề xây thường cũng giỏi, nề trang trí cũng tài. Những là rất nghiêm với anh chị em trong sản xuất, nhưng lại cởi mở thân tình với mọi người trong lúc nghỉ ngơi, nên có những anh con trai…
– Tuy là thợ cả, nhưng thợ đánh vữa không kịp, chị ấy cầm ngay lấy xẻng – Cô gái vẫn thao thao – Cối vữa chị ấy đánh là cứ vừa nhanh vừa đặc quánh, xây lên mạch dính như keo. Anh mà đứng nhìn í à, cứ là tặc lưỡi! Chị ấy chỉ cần vất viên gạch vào mạch, gõ nhẹ cán dao. Anh có rê thước kiểm tra, viên gạch cũng phẳng lì theo phương quả dọi.
– Đúng là giỏi tay bay, hay tay thước. – Kiệm bật cười.
– Anh cũng am hiểu nghề của bọn em gớm nhảy – Cô gái lại liến láu kể về Na, rồi bỗng hạ giọng báo một tin vui – Anh Dần thợ mộc yêu thầm chị Na “trứng gà, trứng vịt” lắm đấy. Nhưng chị ấy cứ bảo là anh Kiệm của chị ấy còn sống. Sống đâu mà sống? Lạ thật!
Kiệm tủm tỉm gợi chuyện. Cô gái cho biết Dần có một đời vợ chết bom dạo cùng Na bảo dưỡng đoạn đường chạy qua Sở Dầu, Dần yêu Na có đến ba bốn năm rồi, nhưng dát, chưa lần nào dám ngỏ ý, chỉ quấn quýt săn sóc chị em cái Hòa, Na thì luôn kể về Kiệm của mình cứ như mỗi tháng đều nhận được thư anh từ mặt trận gửi về. Thành thử…
Đi qua những dãy nhà lá tường đất, liu diu những đốm hoa mười giờ, hoa cỏ, cô gái dẫn Kiệm đến dãy cuối cùng áp lưng vào ta-luy đồi, dừng lại trước cửa một gian buồng chống chếnh:
– Đây rồi! Để em mở “khóa” – Cô gỡ mẩu dây thép, giọng đầy tiếng cười như giải thích – Chúng em sống thế đấy. Nhiều khi cửa cứ mở toang cả ngày, cũng chẳng mất gì. Chỉ lo nhất là mất nhà máy thôi.
Trong nhà, chỉ có hai chiếc giường gỗ mộc kê sát làm giường đôi. Những bộ quần áo trẻ con phơi rải rác trên dây. Đẹp nhất, một khung ảnh rất to treo nhiều ảnh bạn bè, ảnh hai chị em cái Hòa, giữa nổi bật tấm ảnh phóng to tô màu đã cũ, chụp Kiệm và Na ngồi chụm đầu, nhìn thẳng ống kính cười rất tươi.
Kiệm đứng nhìn mãi Na. Trước hôm lên đường, hai đứa chụp tấm ảnh này ở núi Đèo đây. Ngày anh diễn tập ở Xuân Mai, Hòa Bình, Na lặn lội lên thăm, cho anh một chiếc ảnh. Nhưng làm sao anh còn giữ được đến nay!
Căn buồng quá đơn giản. Giống như những lán trại thanh niên xung phong Kiệm đã gặp nhiều trong rừng sâu. Khác chăng ở chiếc giường đôi độc đáo, ở những dăy phơi quần áo trẻ con xanh đỏ như một đàn bướm đậu.
Ngoảnh lại, không thấy cô gái, Kiệm kéo chiếc áo hoa đỏ đưa lên mũi, hít hít.
Khép cửa buộc qua sợi dây thép, Kiệm đi xuống đồi.
Lũ trẻ vừa đi học trong làng về. Những chiếc túi nhựa xanh đỏ nhem nhuốc mực tím đánh nhịp bên hông. Chúng bước chậm chẫu mỏ chào Kiệm: “Chúng cháu – chào – chú – bộ – đội – ạ!”. Rồi mấy đứa bỗng nhảy chân sáo, hát:
Chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê…
Kiệm bước đến nắm tay hai đứa sàn sàn chỏm đầu, có cái miệng giống hệt anh:
– Hai cháu này tên là Hòa, Bình phải không?
Cả lũ trố mắt:
– Phải ạ!
Kiệm ngồi xuống ôm riết hai con vào lòng, hôn lên má chúng những cái hôn chun chút, khiến lũ trẻ đứng ngẩn tò te nhìn.
Cái Hòa chuồi ra quệt tay áo lau má, chạy đến chỗ các bạn.
– Ứ phải cháu tên là Hoà.
– Chú biết cả tên mẹ cháu nhá: Na đang làm ở đồi bên kia chứ gì?
Bọn trẻ vỗ tay ten tét.
Cái Hòa thì đứng đực ra, di di ngón chân.
Thằng Bình để kệ cho chú bộ đội bế lên, tay mân mê chiếc quân hàm đẹp như lá cờ có những ngôi sao sáng chóe.
Kiệm cầm tay cái Hòa:
– Cháu dẫn chú đến chỗ mẹ Na nhé!
Nhưng cái Hòa giằng tay, chạy vụt xuống dốc, biến vào làng.
Hai bố con Kiệm dắt tay nhau xuống đồi. Kiệm đoán mấy vết sẹo trên mặt đã làm anh khác hẳn trong ảnh, khiến hai con không nhận ra được. Chứ không, chúng nó ngắm ảnh suốt ngày, thế nào cũng nhận ra bố chúng. Anh mỉm cười nghe con trai hỏi to, giọng ngòng ngọng:
– Chú có biết bố cháu không? Bố Kiệm cháu cũng đi bộ đội.
– Có chứ! Thế cháu có thấy chú giống bố cháu không?
– Ứ giống! Bố cháu ngồi chạnh mẹ Na, ứ có sẹo ở má như chú. Cũng mặc áo này này, nhưng ứ có nhiều cờ treo trên cổ như chú.
– Dạo ấy bố Kiệm chưa đi đánh Mỹ.
– Thế nào bố Kiệm cũng được thưởng nhiều cờ như chú cơ. Mẹ Na bảo bố Kiệm đánh Mỹ tài lắm.
– Chú là bố Kiệm đây mà.
– Ứ phải! Là chú bộ đội.
Cứ thế, hai bố con nói không hết chuyện.
Lúc ấy, Na cũng xây sắp xong bức tường rào nhà máy.
Cái Hòa hổn hển chạy đến:
– Mẹ ơi? Có chú bộ đội sắp đến tìm mẹ. Mẹ lau vữa trên má đi.
– Thật không con?
Na không quay lại nhìn con, vẫn miết bay.
– Mẹ dạy con không được nói dối cơ mà?
Thấy con nói thế, Na dừng tay đến bên con ngồi xuống vuốt tóc nó.
– Ơ! Mẹ nín đi. Chú ấy sắp đến đấy.
Na mỉm cười, kệ những giọt nước mắt sung sướng, lo âu bất ngờ rơi xuống má. Chị lại lót vữa, đặt gạch. Những bức tường cứ nhoa nhóa dỏ, lên cao dần bằng đôi tay quen công việc chứ không bằng đôi mắt đẫm nước.
Có phải anh đấy không? Hay lại một đồng chí nào cùng đơn vị, rẽ vào thăm mẹ con em kể kỹ về cái chết của anh? Không! Không thể như thế được. Niềm tin của Na đã lớn lên như hai đứa con của anh. Nhất định anh phải về? Nhưng dù sao những giọt nước mắt lo âu vẫn nhiều hơn những giọt nước mắt sung sướng. Miệng Na mặn chát.
– Chào hai mẹ con?
Vai Na run bắn, cổ cứng đờ, bàn tay tê dại không miết dao được, giọng nói tưởng như đã tắt hẳn rồi bỗng vang lên bên tai, khiến chị lặng đi như bức tường trước mặt. Nhưng chị bỗng buông dao, ngẩng mặt quay lại, bước đến, giọng nghe bình thường:
– Anh đã về!
– Anh về được hai ngày rồi. Nhưng anh còn rẽ qua nhà thăm bố.
Kiệm bước đến. Thì Na ngồi thụp ngay xuống, khuôn mặt bỗng ướt nhòa giấu vội vào đôi bàn tay trắng vữa đặt trên đầu gối, hai vai nhỏ rung lên, tựa vào đống gạch.
– Mẹ ơi!… – Cái Hòa thấy mẹ ngã bệt xuống, sợ quá, cuống quýt chạy lại, òa khóc.
Thấy mẹ và chị khóc, thằng Bình cũng chạy đến ôm lấy mẹ, khóc nức nở.
… Cho đến khuya, căn phòng của ba mẹ con Na vẫn bay chờn vờn khói thuốc lá, thuốc lào và giấy kẹo, tàn thuốc đầy nhà. Gần như cả công trường đã kéo đến chúc mừng vợ chồng Na. Dần, anh thợ mộc yêu thầm Na ròng rã mấy năm trời cũng đến chúc mừng. Anh mang theo một con ngựa gỗ vừa làm xong, sơn xanh đỏ rất đẹp. Món quà anh đã hứa tặng hai chị em cái Hòa đúng ngày khánh thành nhà máy.
Anh nhoong nhoong với thằng Bình giữa nhà trong tiếng vỗ tay.
Na nhìn chồng, nhìn con, nhìn Dần, nhìn mọi người, nước mắt lặng lẽ chảy.
Kiệm quét dọn nhà cửa. Na buông màn cho hai con.
Tiếng máy nổ trên đồi nhỏ dần. Ngọn đèn điện nhấp nháy giữa nhà, phụt tắt. Na vừa cài then cửa, quay lại đã chạm ngay đôi cánh tay lực lưỡng ấm áp của anh.
Suốt đêm, không ai ngủ được. Nước mắt dồn ứ mười năm trời của người vợ chảy nóng cánh tay người chồng. Kiệm lắng nghe Na kể những ngày sống xa anh. Đến khi chị bảo anh kể chuyện chiến tranh thì anh chỉ khẽ đặt tay lên vai chị lần tìm chấm nốt ruồi xinh xinh. Nhưng còn đâu nữa. Trong ánh đèn dầu mờ mờ, anh chỉ thấy có một vết sẹo ram ráp in hằn giữa lớp da mịn ấm. Anh hiểu rằng trước những vết sẹo này, trước màu da mai mái có những ngấn nâu cháy ở cổ ở cánh tay, cuộc đời lính trinh sát của anh, những chiến công của anh cũng chẳng hơn được mấy. Và anh bỗng thấy không nên kể gì về bản thân, như hôm ở nhà anh đã dự định kể bằng một giọng tự hào.
– Xong đây, lại đi xây nhà máy xi măng đầu như vùng núi đá Tràng Kênh anh ạ! – Na lùa những ngón tay mềm vào mớ tóc cứng của anh.
– Bố muốn em về Cát Bà nuôi đồi mồi với bố.
– Ý định của ông cụ có từ lâu. Nhưng em không muốn bỏ công trường, vì…
– Anh hiểu. Nếu em xin về khác nào trước đây còn chiến tranh, anh xin về với vợ con. Với lại em là thợ bậc cao, xin về phí quá. Việc nuôi đồi mồi ở quê cũng quan trọng, nhưng để dành cho lớp trẻ, phải không em?
– Thế anh xin chuyển ngành về công trường chứ?
– Không xin chuyển ngành. Anh chỉ xin chuyển sang chiến trường xây dựng.
– Gớm! Vôi vữa, chứ có súng ống gì đâu.
Thế thì anh xin chuyển sang một cửa hàng ăn uống, lấy một bà chế biến vậy.
Na bịt miệng chồng không cho nói đùa như thế.
Bên anh, chị nhớ lại cái lần lặn lội lên tận Dốc Cun, tỉnh Hòa Bình thăm anh. Dạo đó, anh đóng trong rừng, ngủ võng. Những người lính trẻ đã dựng chớp nhoáng cho vợ chồng chị một căn buồng hạnh phúc: tường lá, giường cỏ, mái thiên nhiên xanh mát những tán cây cổ thụ. Mấy hôm sau, vào một đêm trăng, chị đứng bên đường, vẫy tay tạm biệt anh hành quân trong đoàn người rầm rập xuôi về phía Nam. Đoàn quân đi khuất sau cánh rừng, bụi vẫn bốc lên mờ đục ánh trăng. Chị trở lại công trường. Đêm đêm, nằm áp tấm chăn chiên vào bụng, sung sướng nghĩ rằng mình sắp có con, đứa con sẽ giống hệt anh.
Sáng hôm sau, công trường hối hả thu dọn vật liệu, máy móc xếp lên ô tô. Những chiếc xe tải cũ kỹ nổi còi tạm biệt nhà máy mới, lao ra phía Bắc thành phố, phía trùng điệp những núi đá vôi khúc khuỷu hằn xanh những nền trời, nhấp nhô như một đàn voi.
Na dẫn chồng vào phòng tổ chức nộp giấy tờ xin chuyển ngành. Rồi chị đưa anh và hai con đi tham quan khắp nhà máy. Chị giới thiệu tỉ mỉ trạm hơi than thế nào, nhà lưu huỳnh ra sao, nhà nấu thủy tinh hiện đại thế nào…
Cái gia đình “vôi vữa” dừng cả lại trước cửa kho chứa nguyên liệu. Giọng người vợ tự hào:
– Kho này chứa cát, thạch anh. Cát trắng ở quê Cát Bà ta đấy.
– Các Bà chứ?
Kiệm cười to nhìn vợ gật đầu chịu thua.
Người vợ bỗng rủ rỉ:
– Em đã được tự tay xây bao nhiêu nhà máy: xi măng, sắt tráng men, đóng tàu, ắc quy, ướp lạnh… Nhưng lần này được xây nhà máy thủy tinh, sao em hồi hộp quá.
Kiệm hiểu vợ muốn nói gì. Anh nhìn những đống cát sáng lóa trong kho, nhìn những chiếc ben đang ầm ầm lùi vào cửa tuôn những dòng thác cát trắng ruôn ruốt. Anh tưởng như đang đứng trên đảo nhà. Những hạt cát! Những hạt cát trắng ở quê nhà thì bình thường đến quên lãng, vất vưởng trong sóng nước. Ấy thế mà lên đến đây, không rơi vãi đến một hạt. Qua lửa, chúng sẽ trở thành thủy tinh trong suốt.
Kiệm quay lại âu yếm nhìn vợ.
Có tiếng còi ô tô: Pin! Pin! Pin… từ phía khu nhà ở. Kiệm vội bế thằng Bình:
– Về đi em! Chưa chuẩn bị gì cả.
– Có gì mà phải chuẩn bị hả anh?
Na vẫn dắt tay cái Hòa bước chậm, níu chân chồng lại. Về đến nhà, Kiệm mới thấy vợ mình nói đúng. Anh vừa vất lên thùng xe cái hòm gỗ thông đựng quần áo, hai bàn tay còn nhẹ bẫng, đã hết nhẵn đồ đạc. Thế đấy, tài sản của gia đình người công nhân xây dựng gọn như một chiếc ba lô cóc của người lính chiến, thêm chăng, một mảnh vườn hoa trước cửa, một giếng nước vết mai đào còn mới. Nhưng những cái đó làm sao mà mang đi được.
Kiệm bỗng nhớ đến ngôi nhà dự định cùng Na xây. Ngôi nhà đó, với khung cửa trông ra những vàng đèn, hang động, hứng gió lộng khơi, rập rờn bướm hoa sẽ chẳng bao giờ có nữa. Gia đình anh vẫn sống dưới những mái lều gianh tuềnh toàng để đi xây dựng những ngôi nhà đẹp hơn thế, hạnh phúc hơn thế. Rồi đây, cuộc sống của người công nhân xây dựng Việt Nam sẽ tiến kịp đời sống công nhân các nước bạn. Như trong nhiều phim anh đã xem, gia đình công nhân xây dựng tuy vẫn cơ động như bộ đội, nhưng đầy đủ tiện nghi, sung sướng. Tương lai ấy chắc chắn sẽ đến. Lúc ấy, tuy vợ chồng anh không có ngôi nhà anh đã mơ ước, nhưng lại có một ngôi nhà đẹp như thế, hạnh phúc như thế…
Kiệm ôm riết hai con vào lòng.
Na giơ nón che nắng cho cả ba bố con.
Bên cạnh, con ngựa gỗ cứ rập rình phi như một người bạn thân, vui vẻ nhìn họ.
Chiếc xe tải lượn vòng vèo quanh đồi, xuống thấp dần. Phía sau họ, những ống khói sẫm màu, những mảng tường vàng lóa, ngói đỏ sáng rực cả dãy đồi trọc cằn cỗi.
Và, những sợi khói đầu tiên đang thong thả vờn giữa bầu trời xanh vắt.
V.H.A