Đây là cuộc trao đổi giữa nhà thơ Nguyễn Đình Minh với phóng viên (Đài PTTH Hải Phòng) về những câu chuyện văn chương và nghiệp văn theo quan niệm và sự thật mà người viết nếm trải.
Vanhaiphong.com – Vừa qua, trong “ Mục Khách thơ”, Đài PTTH Hải Phòng đã giới thiệu cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Nguyễn Đình Minh (Hội viên Hội NVVN) và chương trình của Đài. Sau đây là cuộc trao đổi giữa nhà thơ và phóng viên về những câu chuyện văn chương và nghiệp văn theo quan niệm và sự thật mà người viết nếm trải. Chúng tôi trích đăng cuộc trao đổi này.
PV- Hồng Nhung đang cầm trên tay tập thơ mới nhất của anh được xuất bản năm 2013 vừa qua- tập thơ “ Mắt cỏ”. Tại sao tác giả Nguyễn Đình Minh lại đặt tên tập thơ của mình là “ Mắt cỏ”?
Nhà thơ NĐM: Cỏ vừa có ý nghĩa lành tính lại có ý nghĩa độc tính, nhưng quan trọng là cỏ có sức sống mãnh liệt, nó vùi lấp các triều đại với những lăng tẩm đền đài dù có lớn đến bao nhiêu. Nó mọc ở trên núi, dưới lòng biển thẳm muôn đời xanh như thách thức loài người và cả sự huỷ diệt bạo tàn của thiên nhiên. Và ghê hơn cỏ với ý nghĩa ẩn dụ, nó mọc và tác hoạ giữa lòng người.
Ý tưởng “Mắt cỏ” là ý tưởng soi thấu mọi không gian thời gian của cõi sống để chiêm nghiệm. Mắt cỏ ở đây tôi dùng là mắt cỏ lành tính: đó chính là đôi mắt của người bình dân nhìn thế sự và những biến cải cuộc sống cõi người.
PV- Trước “ Mắt cỏ”, bạn đọc đã biết đến tác giả Nguyễn Đình Minh qua các tập thơ “Người hát quan họ đêm Tây Hồ, Câu hát ngày xa, Ủ ấm trái tim và nhiều tập thơ in chung. Chắc hẳn bạn đọc đã có những cảm nhận của riêng mình về thơ Nguyễn Đình Minh và tác giả Nguyễn Đình Minh. Tuy nhiên, từ góc độ người sáng tác, anh có thể chia sẻ với bạn đọc: thơ Nguyễn Đình Minh và tác giả Nguyễn Đình Minh có những thay đổi như thế nào qua mỗi tập thơ đó?
Nhà thơ NĐM: Trước đây tôi viết thơ bằng cảm xúc, lấy cảm xúc là chủ đạo, nói đơn giản là khi có cảm xúc về vấn đề gì đó thì thi hứng tuôn trào và tôi cứ viết đến hết. Về hình thức, tôi bị ảnh hưởng nặng của học vấn trường lớp đào tạo quá bài bản theo lối hàn lâm kinh viện; nên các bài thơ rất gọn gàng theo lý luận sáng tác và vừa lòng tất cả các nhà phê bình. 2 tập thơ đầu tay và vài chục bài thơ in trên báo nhân dân, Tiền phong, Tuổi trẻ Thủ đô, báo và tạp chí các tỉnh, là những sản phẩm như vậy thời gian viết kiểu này có tới gần 20 năm.
Từ năm 2008 trở lại đây tôi có cách viết khác. Có 3 nguyên nhân cơ bản tạo ra sự thay đổi đó: trước hết là ở thời gian này tôi có dịp tiếp cận với rất nhiều nhà thơ hàng đầu của Việt Nam, (HP có Thi Hoàng, Kim Chuông, ở HN có Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến…) tôi đọc và nghe các đàm luận của họ rồi tự kết thành ý niệm cho mình. Thứ 2 là do cú hích tình cờ khi xem bộ phim về Betovel, tôi thấy Betovel nói với học trò khi sáng nhạc đừng theo khuôn mẫu, ví như đám mây hãy cứ xem nó tụ vào tan ra thành muôn hình vạn trạng và chớp lấy 1 khoảng khắc đẹp nhất trong cái quá trình biến ảo ấy để viết.Tôi ngộ ra tác phẩm dù là sinh ra từ chủ quan, nhưng lại phải để hình tượng của nó sống như khách quan, lung linh màu sắc mùi vị và linh hồn của chính nó trong thời khắc đẹp nhất, đau nhất, buồn nhất… nơi cõi sống.
Và cuối cùng là mọi thứ nắng mưa của cuộc đời đã ngấm đang chuyển vận tới kỳ chín, trở thành nguồn thi liệu.
Điều tôi ngộ ra là tự do và không lệ thuộc vào khuôn mẫu; tất nhiên, làm theo khuôn mẫu có cái hay riêng ví như Lục bát, hay thơ Đường, nhưng với riêng tôi nó giống như rập khuôn một bài tập làm văn ở nhà trường. Bài thơ hoá ra là cái bài minh hoạ cho cái khuôn ấy. Sự khác biệt có thể so sánh như bức ảnh chân dung và bức ảnh nghệ thuật. Bức ảnh chân dung có thể vẫn đẹp trong sự bài trí khuôn đúc, còn bức ảnh nghệ thuật ẩn tàng đầy chất hiện thực sống động. Trong khi sáng tác đòi hỏi sự sáng tạo và tiết tấu của thời đại thúc gọi đòi hỏi phải có cách thể hiện mới. Nói theo hình ảnh, cơ thể đang khổng lồ không thể còn mặc cái áo sơ sinh.
Và tôi thử nghiệm trong tập Ủ ấm trái tim , rồi trở lên chín hơn trong Mắt cỏ. (Tập thơ này được xếp giải của UBLHVHNT Việt Nam giải B không có A), trên thực tế nó đã qua thẩm định của Hội đồng giám khảo gồm các nhà thơ lớn Việt Nam đương đại trước khi xếp giải, trong đó Chủ tịch Hội Nhà văn là người đọc vòng chung kết. Kết quả này giúp tôi hiểu thơ mình được chấp nhận chơi trong sân chơi thơ hiện đại cấp quốc gia.
PV- Con đường nào cũng có điểm xuất phát. Không biết nhà thơ Nguyễn Đình Minh đã đến với thơ như thế nào và điều gì đã đưa anh đến với thơ?
Nhà thơ NĐM: Tôi làm thơ từ hồi học phổ thông, lên đại học là thành viên CLB thơ sinh viên khoa văn ĐHSP HN, thời kỳ này thơ tôi chỉ in trên các tạp san của trường hoặc trang CLB của Báo tiền phong. Rồi in bài thơ đầu tiên báo tỉnh Lai Châu “ Quan họ hát ở Tây Trang” vào tháng 10/83, còn ở trung ương in trang nhất Báo Nhân dân vào ngày 15/5/1985, ngày kỷ niệm thành lập đội TNTP với bài thơ “Viết bên mồ Vừ A Dính”.
Tôi làm thơ như tự thân nó phải vậy, không có thày dạy. Thực ra người quan tâm đến tôi đầu tiên lại là người khuyên tôi bỏ thơ, đó là Trần Hoà Bình. Tôi sát cánh với thày Bình trong rất nhiều năm và chứng kiến quá nhiều bi kịch của nhà thơ tài hoa này, thày không muốn tôi khổ; nhưng thày lại góp ý cho tôi rất nhiều trong sáng tác. Giai đoạn sau này tôi có những tác động tích cực của Nhà thơ Kim Chuông, Thi Hoàng, Nguyễn Đức Mậu…
Bên cạnh đó là áp lực cuộc sống khiến tôi cần có người bạn. Tôi có một tuổi thơ trong bom đạn chiến tranh khốc liệt với những bi kịch đau thương; đã trải qua những năm tháng cơ cực ở vùng đất cuối trời biên ải Tây Bắc trong cuộc chiến biên giới; cảnh nghèo túng cần lao của những năm chưa đổi mới; Và thậm chí áp lực của cuộc sống khá giả cùng những vấn đề rất đỗi nhạy cảm của nghề làm quản lý hôm nay.
Thơ đã giúp tôi sẻ chia, trụ vững đôi khi nó như một tay vịn giúp tôi đứng dậy sau những cú ngã. Mọi người khó tin, nhưng quả thật, nếu không có thơ người tôi không còn tư duy logic, chứ hoàn toàn không phải như ý nghĩ của mọi người là nhà thơ là phải luôn tơ lơ mơ.
PV – Đối với tác giả Nguyễn Đình Minh, cảm xúc thơ thường đến trước hay là ý tưởng. Hai yếu tố này được kết hợp như thế nào trong tác phẩm của anh?
Nhà thơ NĐM: Thơ thường đến bất chợt thậm chí ngay trong giấc mơ. Nhưng nàng thơ rất khó tính, nếu không đón mời cẩn thận và kịp thời là nàng bay đi ngay. Với tôi không phân biệt được cái gì đến trước, cái gì đến sau; khi làm thơ cái nọ sẽ nâng đỡ cái kia kích thích cái kia phát triển. Có khi nhờ xúc cảm mà tứ thơ hình thành, có khi phát hiện ra tứ đặt bút viết xúc cảm lại trào tuôn, nó gợi ra những hình ảnh và đánh thức tư duy.
Tuy vậy với kiểu của tôi thì tác giả phải có tư tưởng trước đã cùng với có đủ nguồn thi liệu thì, khi cảm xúc châm ngòi mới có tiếng nổ của thơ. Nói theo kiểu triết học thì đủ lượng mới biến thành chất.
PV: Một trong những yếu tố chủ đạo giúp hình thành tác giả chính là phong cách. Vậy phong cách thơ mà anh muốn xây dựng là gì?
Nhà thơ NĐM: Phong cách là khái niệm chỉ sự nhận biết cái riêng của tác giả, bây giờ có những nhà văn lớn không thích phong cách: gần đây Ma Văn Kháng bộc bạch, cứ nghe bạn khen là “đọc cái truyện ấy biết ngay là của ông” lại thấy buồn, hoá ra mình cứ mãi như vậy cũng chán.
Đương nhiên người sáng tác thơ ai cũng có khát vọng làm phong cách. Ở thời điểm hiện tại, muốn làm 1 phong cách dễ nhận không khó. Thơ bây giờ có số ngọn cờ phong cách nhiều hơn 12 xứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa.
Có những phong cách cắt dán: lấy nhiều câu thơ từ nhiều bài thơ dán lại với nhau, có loại toàn số 1….9/ 12…12/ ½+1/3; có loại là hình vẽ mái tóc với nhiều mũi tên bay lên và có tên Hương tóc… những nhóm thơ “ mở miệng”, những NXb bãi rác… với mong muốn đưa thi ca việt ra khỏi ngôi đền thiêng và dùng nó như rau, thịt gạo muối… dùng xong vứt đi. Nếu đi theo và tạo ra phong cách kiểu này, quả thật không mấy khó khăn.
Sự thật thì, một bộ phận đã sao chụp tư tưởng hậu hiện đại thời kỳ sau đại chiến thế giới 2, thời kỳ văn học hiện sinh với những tác giả Anbe Camuy, Kapca… hoang mang trước sự tàn phá ghê rợn của chiến tranh, bi luỵ mất niềm tin. Một loại khác mang cảm thức hậu hiện đại thời kỳ thế giới văn minh (cuối XX đầu XXI) lại muốn xoá bỏ trật tự cũ giải thiêng các giá trị: Tổ quốc gia đình, các anh hùng dân tộc… và lập lại một thế giới mới.
Các nhà phê bình xếp thơ theo 3 loại: thơ cho mọi người, thơ cho các nhà phê bình, thơ cho các nhà thơ. Thơ cho mọi người là loại dễ dãi đọc hiểu ngay vui cười hả hê, mọi câu chữ ý tứ đều lộ thiên; thơ cho nhà phê bình gọn gàng ý tứ và nằm trong khuôn quan điểm của lý luận; thơ cho các nhà thơ là loại thơ chỉ các nhà thơ đọc với nhau, họ tự hiểu với nhau.
Trong bối cảnh ấy, thơ tôi bây giờ tự do không có hình thức nào quy định trói buộc, nhưng nhất thiết nội dung phải chứa một thông điệp ẩn trong tứ. Nội dung tập trung sâu nhất là số phận nhỏ bé của con người trong cõi nhân gian nhọc nhằn… và mục tiêu tôi mong muốn đạt tới là hay. Tôi không có chủ ý để thơ tôi cho tất cả mọi người, nhưng cho nhiều người đọc hiểu. Vì suy cho cùng ta lại phải trả lời câu hỏi: Viết vì ai?
Tôi không tây hoá thơ và vẫn yêu bài thơ có những câu thơ đẹp, thuần Việt và vì dân tộc. Điều này khiến cho thơ tôi hiện đại mà vẫn rất Việt Nam, nó sẽ nằm giữa các cách tân hậu hiện đại và truyền thống về hình thức; còn nội dung là quan điểm nhìn mới về thế giới đa chiều đa cực đang biến đổi.
PV- Được biết tác giả Nguyễn Đình Minh là người rất bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Anh vừa tham gia hoạt động báo chí với vai trò là Phó Văn phòng đại diện Báo Nhân đạo & Đời sống tại Hải Phòng, lại vừa tham gia công tác giáo dục ( với vai trò là Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến)…Những hoạt động đó phải chăng đã chắp cánh cho thơ của tác giả Nguyễn Đình Minh và là nguồn thi liệu dồi dào cho thơ anh?
Nhà thơ NĐM : Nhiều người bạn của tôi đều thắc mắc: ông làm thơ vào lúc nào? quả thật, công việc của một hiệu trưởng trường THPT rất bận và chịu nhiều áp lực từ cấp trên, từ nhân dân và quan trọng là từ tâm của mình với học trò. Làm Phó văn phòng, tôi cũng như các nhà báo phải chịu chế độ nộp bài theo tuần, tham gia tổ chức nhân đạo từ thiện, ký các hợp đồng và biên tập lại bài cho PV…
Nhưng thực ra cái gì cũng có con đường. Nếu tổ chức tốt kế hoạch và phân quyền hợp lý ta sẽ có khoảng thời gian. Mặt khác làm thơ không phải cứ ngồi 180 phút như học sinh làm bài thi là xong. Có bài thơ chỉ trong vài phút là hoàn thành.
Làm thơ là hoạt động cô độc, đòi hỏi sự yên tĩnh, nhưng cứ ngồi đấy mà tưởng tượng thì chỉ viết được báo tường, sẽ cạn vốn, lượng kiến văn vì thế cũng không được bồi bổ. Tiếng thơ phải là tiếng đời. Đừng nhầm tưởng các nhà thơ lớn họ không đi, thực ra họ đã đi rất nhiều ở thì quá khứ, bây giờ họ ngồi đó và dùng nguồn thi liệu đã chuyển hoá vào máu vào hồn vía của họ để viết. Vấn đề là khi đối mặt với mọi biến động của cuộc sống và được trải nghiệm nhiều ở các không gian khác nhau, kể cả cảnh uất ức buồn thương… đều là nguồn thi liệu và cú hích cảm xúc rất tốt. Tôi cảm ơn vị trí của tôi bây giờ
PV- Được biết rằng trong năm 2013 vừa qua, có một một niềm vui lớn đã đến với tác giả Nguyễn Đình Minh, anh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Năm 2014 anh có dự kiến gì cho sáng tác mới?
Nhà thơ NĐM: Năm rồi tôi có tới 3 niềm vui về văn chương, được các cô bác, anh chị em và bè bạn văn nghệ sỹ Hải Phòng tín nhiệm bầu vào BCH; đạt giải cao thơ Việt Nam và niềm vui lớn trở thành hội viên Hội NVVN.
Hội NVVN thành lập từ năm 1957, gần 60 năm nhưng chỉ có khoảng 800 hội viên (2 chuyên ngành văn xuôi và thơ), tính bình quân mỗi năm chỉ có hơn 10 người được vào. Năm 2013 có trên 700 đơn , riêng chuyên ngành thơ có gần 500 đơn xin gia nhập Hội; do vậy khi trúng tuyển tôi thấy đây là một vinh dự. Ngày kết nạp, khi nghe trích ngang, tôi giật mình vì có người viết đơn xin gia nhập Hội từ lúc tôi chưa chào đời, đến bây giờ mới dược kết nạp, song cũng có cháu mới sinh năm 1987 đã được kết nạp; tôi hiểu ra đây là không gian của những tài năng đích thực, của đội ngũ những người dám dấn thân không vì đồng tiền, địa vị xã hội… và thấy có gì đó rất thiêng liêng.
Tuy nhiên vào hội Nhà văn không phải là kết thúc một quá trình như ta lấy được tấm bằng tiến sỹ, sau này không sáng tạo gì cũng được, có chỗ đứng làm việc (với nội dung quy định cho công chức, có khi chả liên quan đến tấm bằng TS)…và lấy lương. Vào Hội NV là bắt đầu một công việc nghiêm túc, từ nay sẽ phải viết tốt lên, chuyên nghiệp hơn và ý nghĩ số 1 là phải có tác phẩm hay, đồng thời không nên nghĩ đến tiền vì nhà văn không ai cấp lương (Trừ một số cán bộ Hội họ ăn lương quản lý hành chính chứ không phải ăn lương viết văn)
Mặc dầu vậy với tôi ý nghĩa quan trọng nhất là được học tập trong một môi trường văn chương chuẩn mực nhất quốc gia, tôi kỳ vọng đây sẽ là bệ phóng cho thơ tôi có thể bay lên những tầm cao mới để phụng sự con người, tổ quốc.
Về dự kiến sáng tác, năm nay tôi sẽ cho ra mắt tập thơ mới “Thức với những tập mờ”. Logic tập mờ là một khái niệm toán học học dựa trên lập luận rằng A có thể chứa không A. Nghĩa là một thứ có thể chứa một phần thứ khác mâu thuẫn với nó. Và nhờ có lý thuyết này mà ta xác định đúng sự vật hiện tượng với bản chất thật sự của nó. Tập mờ trong thơ tôi là tập mờ của hiện thực thông qua hình tượng thơ.
Khi viết tập thơ này, tôi những mong các bài thơ nhỏ bé của mình làm sáng lên được một vài những khuất khúc, sự tàng hình sau khuôn mặt nạ của đời sống nhân gian với những đạo lý, tổ quốc, tình yêu… chúng tập hợp lại trong cái logic những tập mờ ngay bên cạnh ta đã làm ta ngộ nhận về nó. Logic nhị phân cho ta một đáp số chính xác; Logic tập mờ trong tập thơ này là tiếng nói trong bộ óc tôi trỏ cho trái tim mình cái cách thắp sáng một tình yêu đích thực, cho dù có thể nó rất u buồn.
PV – Và anh có thể chia sẻ với khán giả về công việc của mình với vai trò là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hải Phòng hiện nay?
Nhà thơ NĐM: Tôi phụ trách mảng viết văn trẻ và nhà văn vùng nông thôn đồng thời là BTV 4 nội dung của trang Website vanhaiphong.com. Yêu cầu công việc là phải tụ hội họ lại trong một mái nhà, tham mưu cho cấp trên hỗ trợ giúp đỡ họ về mọi phương diện có thể, trong đó có nội dung nâng cấp trình độ chuyên môn; đồng thời trong khối tự đào tạo lẫn nhau để trưởng thành trở thành các nhà văn nhà thơ viết về Hải Phòng và đất nước, viết về con người… với tư cách thư ký thời đại của thành phố cảng.
Quản lý con người của Hội NV không giống như quản lý công sở nhà nước, nó rất khó khăn và phức tạp vì không có một cơ chế gì bắt buộc họ cả, mặt khác đặc tính của văn nghệ sỹ rất tự do, tư duy mang tính chủ quan không theo khuôn khổ, không chịu áp lực…
Điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp: ở đây biện pháp nêu gương rất có hiệu quả: hãy đi đầu, làm nhiều, làm có chất lượng, biết hy sinh và vì mọi người đấy là chìa khoá thu tâm của văn nghệ sỹ. Chúng tôi cũng đã xây dựng ké hoạch và giải pháp cho 5 năm tới rất khả thi.
Sự thật trong 3 tháng đầu năm chúng tôi đã gây dựng được đội văn trẻ vốn bị tan ra sau năm 2008 hoạt động trở lại và phát triển 10 hội viên dự bị. Chúng tôi có một trang sáng tác trên báo văn haiphong.com. Tại ngày thơ chương trình và trại của ban văn trẻ xếp thứ nhất, và khi lên Văn Miếu (HN) thi toàn quốc, thành viên của ban văn trẻ HP là nhà thơ Thuý Nga đã đạt giải nhì trình diễn thơ. Tôi nghĩ thế cũng là khá ấn tượng. Sắp tới chúng tôi sẽ dự định thành lập CLB nhà văn trẻ Hải Phòng, tại đây các em sẽ được học chương trình của Khoa Viết văn ĐHVH, được cấp chứng chỉ. Quan trọng nhất là các em có một đội hình nương tựa vào nhau dưới sự trợ giúp của thế hệ các nhà văn cha anh đất cảng, chắc chắn họ sẽ có những bước đi xa và làm nên những mùa hoa tô thắm vườn hoa văn chương thành phố bên bờ sóng.
PV– Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Minh.
H.Nh
(Nội dung trên được lấy từ kịch bản truyền hình của Đài PTTHHP- chương trình
đã được phát sóng)