– “Nên xa ngàn dặm quan ơ.ơ.ơ.ơ… san
Chim Hồng vẫn luyến nước Nam tìm về…”
Trước khi vào Cần Thơ thăm con gái, Nam ra đảo quê thắp hương ở từ đường, rồi đứng rất lâu trước dải rừng ngập mặn trải dài.
– Hồi bé không biết bao nhiêu lần mình lặn lội lụp bụp dưới bãi sú vẹt kia câu còng, bắt lác – Nam nói một mình – mừng rơn khi cầm tờ giấy gọi vào đại học vì được vào thành phố, hết thời lấm lem cua ốc. Còn nó học xong đại học lại vào tít trong Cần Thơ, mấy năm nay cứ loay hoay với việc trồng rừng ngập mặn với đờn ca tài tử trong ấy. Thật là kì!
Thực lòng Nam chẳng hề chán ghét nơi đảo quê – vốn được gọi là đảo Ngọc ngay từ những ngày nghèo đói xa xưa. Rời đảo là để được thay đổi, để biết đây biết đó. Cô bé xinh đẹp sống ở ven khu rừng nguyên thủy ngày đó đồng ý làm vợ chàng sinh viên cũng không cột được chân người lãng du. Anh quen cô sơn nữ trong một lần gặp gỡ oái oăm: kì nghỉ hè Nam dẫn mấy tên bạn thành phố đi khám phá rừng quốc gia, tình cờ gặp cô đi hái nấm, không ngờ chỉ ít lâu sau lại trở thành một cây nấm trong giỏ của cô ta!
Trông thấy cô gái thon thả bịt nửa mặt, xách chiếc giỏ mây xinh xắn như cô thiếu nữ trong truyện “Lẵng quả thông” của nhà văn Nga Pautopxki, Tòng – tên “thợ xẻ” hăng hái nhất trong lớp – lập tức giở cưa cùn. Hắn thuổng thơ Nguyễn Bính:
– Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa…
Cô ta ngẩng đầu nhìn một cách nghi ngờ vào mấy tay thanh niên nửa quê nửa tỉnh, sau đó chắc thấy không có gì đáng ngại liền quay đi tiếp tục công việc hái nấm của mình.
– Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?… – Chàng Tòng tiếp tục cò cưa với vẻ đắc chí, không ngờ cô gái quay lại cất tiếng như hát mà khá rành rọt:
Trời cho thơ, chẳng đọc ra
Thơ người khác lại ba hoa thơ mình…
Tòng và đám bạn hóa phỗng vì tình huống bất ngờ. Vốn thuộc dòng nhát gái nhưng Nam phải cố nghĩ một câu chữa thẹn cho cả bọn:
– Thơ hay ai giữ một mình
Nơi nào hợp ý hợp tình thì treo…
Anh đoán ra cô ta gốc người Thủy Nguyên, dân Phả Lễ hay Lập Lễ gì đó. Tuy chưa đi hội lần nào nhưng mẹ thường kể cho nghe về Lễ hội hát Đúm, còn gọi là Lễ Mở mặt vì ngày xưa phụ nữ ở đó che mặt quanh năm, chỉ mở khăn vào ngày hội này mà thôi…
– Thơ hay treo ngọn cây cao
Đem treo cành rào phí cả thơ đi!
Cô hái nấm lại buông tiếp hai câu đối đáp khiến đám “thợ xẻ” sợ vãi linh hồn với cuộc tao ngộ chiến kiểu này. Thằng Thái vội đánh trống lảng, nó kêu lên:
– Ơ, con gì kìa! Hươu, hươu rừng chúng mày ơi! – Mấy tên nhân cớ đó lập tức chuồn đi, riêng Nam còn vớt vát:
– Rào cũng dăm bảy loại rào
Rào trúc quân tử còn cao… hơn tường.
Chuyện như thế này không lạ ở hội hát Đúm. Ngày xưa người ngoài đảo cũng thường vào tham dự lễ hội đầu xuân trong đó, không phải “áo lương khăn xếp” nào cũng đủ tài đối chọi với các bà các cô vừa bỏ khăn che mặt!
“Hươu rừng” thực ra chỉ là mấy con chó với dê cỏn của nhà nào sống ven bìa rừng, có khi là của nhà cô hái nấm cũng nên. Do chậm chân hơn nên dù đã theo gót bọn bạn mà Nam bị khoác với vào cổ hai câu nữa:
Dừa rụng nhìn ra trái bòng!
Quân tử kém mắt, thơ đong dọa người…
Chuyện oái oăm chưa dừng ở đó. Mấy hôm sau, trong bữa cơm tiễn Nam vào đất liền tiếp tục năm học cuối, chẳng biết mẹ anh sắp xếp ra sao mà có mặt cả bà thím họ. Theo sau bà thím là “cô hái nấm”! Cô ta len lét như rắn mùng năm khi bị bà thím đẩy vào trong bếp giúp nấu món gì đó, nhưng vẻ len lét ấy lại có sức thôi miên người khác, khiến anh ngoan ngoãn tình nguyện chui vào giỏ nấm của cô ta, chẳng băn khoăn, bực dọc gì về những mưu toan sắp đặt của gia đình và họ hàng về chuyện “cần có người chăm sóc bố mẹ vì không biết bao giờ thằng Nam mới được về công tác ở đảo” với “nó cũng lớn tuổi rồi”, vân vân và vân vân…
Vậy nhưng công việc không cho Nam được ở đảo Ngọc, anh chỉ đáo qua nhà mỗi kì nghỉ dài dài, cuối cùng thì kéo “cô hái nấm” cùng hai đứa con (cái Hiền ngày đó mới 12 tuổi) ra ở căn nhà rộng 25 mét vuông trong một ngõ hẻm của “thành phố nhớn”.
– Đang bơi biển rộng sông dài, kéo nhau về lội dưới ngòi khổ chưa…Bố đi công tác về mẹ dứt khoát đưa chúng mày ra đảo Ngọc – “Cô hái nấm” mấy lần “cục tác” với hai đứa con những câu tương tự lúc Nam vắng nhà, nhưng khi anh về thì niềm vui được ở bên chồng chưa kịp vơi đi để có thể thực hiện “câu ca tuyên bố” thì Nam đã lại khăn gói quả mướp lên đường mất rồi!
Lần đầu tiên anh đi chu du mấy tỉnh trong Nam là vào năm 1984, hồi đó Nam là cán bộ trẻ của Viện Nghiên cứu Hải sản nên liên tục được cử đi công tác. Nhưng đã hơn mười năm nay anh chỉ quẩn quanh ở mấy tỉnh phía Bắc mà thôi.
Con gái mời bố vào chơi Cần Thơ lần này chắc là có chuyện gì muốn xin ý kiến. Lâu không có dịp vào phía trong nên anh thu xếp mọi việc để có thể yên tâm đi chơi ít ngày, không hề biết rằng sẽ lại gặp chuyện oái oăm như mỗi lần anh phải giải quyết việc gì quan trọng.
Cái Hiền cùng bạn trai của nó (tên là Thắng) đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay hạ cánh lúc trời đã tối nên nghỉ lại một đêm ở Thành phố, tinh mơ hôm sau chúng thuê xe đưa anh dông thẳng về Cần Thơ “đi thế cho mát bố ạ” – cái Hiền giải thích. Lúc xuống xe ở Ninh Kiều bạn nó hỏi:
– Trong khi chờ mẹ anh lên đón bác về nhà hay xuống trại chơi, mình đưa bác về nghỉ tạm ở đâu nhỉ, nhà anh hay nhà em?
– Chỗ anh ở mà gọi là nhà à? Trống hoang trống huếch! – Cái Hiền cong môi vặn lại.
Hệt như “cô hái nấm” – Nam nhận xét, anh đã được biết Thắng công tác ở cơ quan Xúc tiến Thương mại – Du lịch, có một căn hộ nhỏ nhưng hầu như để không vì luôn xuống dưới cơ sở.
– Về chỗ em sao được? Căn phòng bốn đứa con gái với ba chiếc giường, bác nghỉ làm sao?
– Quan trọng gì việc đó, vào nhà trọ hoặc khách sạn bình bình nào đó đều được cả Hiền ạ – Nam vội gạt đi.
– Phải trưa hoặc chiều thì mẹ mới bố trí xong công việc và lên đến đây, giờ chúng mình đưa bác đi chơi chợ nổi Cái Răng đi – Thắng bàn – còn sớm lắm, chưa đến 8 giờ Hiền ạ.
– Hay, ý kiến hay đấy. Mình sẽ ăn sáng ăn trưa ngay trên thuyền. Có ba nơi mà ai chưa đi xem thì coi như chưa đến Cần Thơ, đó là Chợ nổi, Vườn cây và Vườn cò bố ạ. Bến Ninh Kiều ngay kia, đi bộ vài phút là xuống ca-nô được ngay – Cái Hiền vừa nói vừa muốn xách va li hộ bố nhưng không tranh được với bạn nó.
Ba người nhanh chóng ngồi ổn định trên chiếc xuồng máy thanh nhã, bề ngang hẹp nhưng khá dài của công ty du lịch “Rồng Việt”. Dăm phút sau thì đủ khách và chiếc xuồng lẹ làng rời bến.
– Hôm nay em đươc rảnh cả ngày không? Thắng hỏi cái Hiền rồi quay sang nói với anh như muốn giải thích – Bác ạ, Hiền đang rất bận với việc tái dựng không gian cho điệu hò Cần Thơ, say sưa lắm…
– Đừng ba hoa sớm nhá, nói trước bước không qua! – cái Hiền có vẻ cáu – Quê anh giờ có còn mấy người biết hò Cần Thơ nữa đâu, lâu lâu mới có một chiếc thuyền ngang qua có người biết hò Bạc Liêu với Đồng Tháp…
Thắng giơ hai tay lên khỏi đầu với dấu hiệu “Thôi vậy, xin hàng!” rồi quay sang giãi bày với Nam:
– Bác ạ, ban đầu cháu cực kì ngạc nhiên khi thấy em ấy hò đối đáp với người ta. Lần ấy chiếc thuyền vừa chở hàng vừa chở khách du thì phải, dừng lại ở bến gần khu trại nuôi thủy sản của mẹ cháu. Trong khoang nghe tiếng gõ nhịp rồi vang lên tiếng hò giọng nữ “Dù cho đá nổi mây ơ.ơ.ơ ơ.ơ.ơ ơ.ơ.ơ… chìm, đố ai ngăn được cánh chim về đàn”, thế là em Hiền hò đáp lời:
– “Nên xa ngàn dặm quan ơ.ơ.ơ.ơ… san
Chim Hồng vẫn luyến nước Nam tìm về…”
Cháu trố mắt ra nhìn khi một bà khách, ăn mặc rõ là Việt kiều bác ạ, bước ra khoang mũi. Bà ấy có vẻ háo hức ngó nhìn lên bờ, sau đấy một cô, chắc là con gái bà cũng bước ra theo. Họ nhìn vào mắt, cầm tay nhau như muốn lập nhóm rồi người đàn bà cất tiếng:
– “Hò ơi… ơi hò ơi… Ôi chao, may thật là may,
Dừng thuyền lại được gặp ngay bạn chờ….”
Xa quê chừng ấy đến ơ.ơ.ơ.ơ… giờ…”
Bà ta ngừng một chút như muốn nhường lời cho con gái nhưng em Hiền đã tiếp lời ngay:
– Vẫn không quên tiếng ơ hờ ngày ơ.ơ.ơ… xưa.
Cô gái buông tay mẹ, bước lên một bước định cất giọng nhưng mẹ cháu đã ra đến bến…
– Thôi thôi, ba hoa mãi – Cái Hiền lại cong môi ngắt lời – Để bố em xem chợ nổi Cái Răng, đến rồi đây này! Em xin cơ quan được nghỉ ngày hôm nay nhưng không biết cơ sở có chuyện gì cần mình không.
– Cuộc gặp đó không ngờ lại mở đầu cho việc tạo dựng không gian để khôi phục lại điệu hò Cần Thơ mà chúng cháu đang tiến hành bác ạ. Ngày xưa chính bố mẹ của bà Việt kiều tên là Nga ấy đã từng bắt vọp, trồng mì để hỗ trợ cho nhóm hò Cần Thơ ven sông Hậu hồi kháng chiến 9 năm chống Pháp…
– Đã bảo thôi mà! – Hiền giật tay Thắng và hỏi anh “bố có thích mua gì không?”
– Mua cho bố quả bí ngô kia! – Nam chỉ tay vào quả bí có lẽ là to nhất chợ, bằng chiếc trống cái ở đình làng, khiến cái Hiền cong môi, tròn mắt lên nhưng nó hiểu ngay là bố nói đùa. Ở nhà anh vẫn thích trêu mẹ con “cô hái nấm” để được nhìn cái vẻ cong cớn “đặc sản của nhà mình” như vậy.
– Sao thuyền nào cũng có cây sào treo các thứ quả củ thế kia, để phơi khô à? – Nam hỏi vì nhìn chuyện lạ mắt mà chưa hiểu ra nguyên do.
– Cọc đó gọi là “cây bẹo” bác ạ – Thắng vội giải thích – Thuyền nào có thứ gì để bán thì treo lên đấy, khách mua dễ thấy để lách xuồng vào gần…
– À, à… bác hiểu rồi. Đông nghịt thuyền với người chen chúc nhau thế kia, hàng lại nằm dưới khoang khó thấy được hết. Mà mắc loa với đĩa CD rao hàng như mấy ông xe máy bán rong ngoài bắc chắc rách hết màng nhĩ thiên hạ…
– Ngoài Hải Phòng lại rao bán như thế ạ?
– Cũng không nhiều, thỉnh thoảng mới có ông lách rào cảnh sát chạy rong phố rao như vậy thôi…
Nam không có nhu cầu mua bán gì ở chợ nông sản đặc thù này, cũng như anh thường chẳng có nhu cầu mua bán gì mỗi khi hộ tống “cô hái nấm” vào các siêu thị, đã có cô ấy lo. Còn khi phải tự lo thì vào cửa hàng hay chợ búa gì anh cũng nhìn quanh rồi đến thẳng nơi có thứ mình đang thiếu, hỏi giá, rút tiền trả người ta, nhận hàng xong là rút lui khỏi nơi ồn ào, nhốn nháo.
Nhưng đi chợ nổi lần đầu cũng thấy sướng con mắt. Trên trời, dưới nước, giữa là mọi thứ sản vật mà con người có thể kiếm được ra bằng đủ các cách. Bát hủ tiếu và li cà phê uống trên sông có hương vị thật đặc biệt, vài chị phục vụ không thuộc “típ” tin chân dài nhưng cách di chuyển trên con thuyền sao mà duyên dáng, nụ cười thì mặn mòi quá thể, thật đúng với câu ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về…”
Cái Hiền mới ăn được nửa bát hủ tiếu, li cà phê chưa đụng tới vì liên tục bị chiếc mô-bai quấy phá.
– Tắt máy đi em ạ, đã xin cơ quan nghỉ rồi mà – Thắng bảo nó, cái Hiền nghe theo nhưng vừa húp hết bát hủ tiếu lại bật lên, để ở chế độ im lặng. Nam tưởng con gái có thể yên tâm với việc thanh toán cốc cà phê đá nhưng rồi chính chiếc máy di động lại bị nó quấy rầy, hậu duệ của “cô hái nấm” cứ như bị rệp cắn, vội vàng moi nó ra nhòm vài lần rồi bật kêu lên “hỏng rồi anh ơi!”
– Chuyện gì vậy? – Bạn nó sốt ruột.
– Bác trưởng đầm tôm số 2 nhắn tin “Hiền có đến trại được không, Bà đi vắng tôi không biết giải quyết ra sao?”, em chưa kịp trả lời thì tin nhắn lại tiếp tục hiện “Cô phải về ngay giải quyết với gia đình các cô ở tốp hò Cần Thơ”
– Nhóm cái Hòa cái An à? – Thắng sốt ruột – Anh nghĩ hôm nọ em với mẹ anh đã thỏa thuận xong với gia đình hai đứa ấy rồi cơ mà?
– Hôm ấy ai cũng hồ hởi vui vẻ. Chúng sẽ làm ở trại nuôi tôm nửa ngày, nửa ngày xuống thuyền học và sáng tác nội dung mới theo làn điệu hò Cần Thơ, tham gia vào các buổi trình diễn trên sông khi có các tua du lịch đưa khách đến. Lương thưởng và các chế độ giống như mọi người làm cả ngày ở trại tôm, thù lao biểu diễn do bên du lịch trả được hưởng trọn vẹn…
Chiếc mô-bai tiếp tục rung và kêu sẹt… sẹt…, đầu hai đứa suýt va vào nhau khi cùng vội ngó đọc: “Gia đình lên xin đưa con về lấy chồng Đài Loan, cô về ngay đi”
Con gái anh và bạn nó nhìn nhau, lúng túng như gà mắc tóc.
– Em phải về thôi – Cái Hiền bỗng nói dứt khoát, giống kiểu “cô hái nấm” mỗi khi trong gia đình có việc hệ trọng mà chính anh còn đang lưỡng lự, chưa biết nên chọn phương án nào. Nó quay sang nhìn bố:
– Bố ơi, anh Thắng sẽ đưa bố đi tiếp vài điểm du lịch nữa. Bố cứ yên tâm, con sẽ quay về đây trong chiều nay. Rồi quay sang nói như đe với người được “tin tưởng giao nhiệm vụ”:
– Anh phải làm sao cho bố thật vui vẻ, hài lòng đấy nhá. Còn không thì “hãy đợi đấy!”
Trước khi xuống chiếc xuồng máy nhỏ ghé tới đón khách lên bờ, con bé kín đáo nháy mắt với bạn trai, cứ tưởng là bố không nhìn thấy. Đám “hái nấm” nhà anh giống nhau về khả năng ứng xử nhanh trong các tình huống, vào loại thông minh nhưng chưa hiểu thấu đáo câu thành ngữ “mắt con trai, tai con gái“. Mắt anh chưa phải là mắt ông cụ nên chẳng việc gì có thể lọt qua, thừa hiểu là chúng đã “kết” nhau lắm rồi, chỉ đợi thời điểm thuận tiện để chính thức xin phép bố mà thôi.
– Bác ạ, chợ sắp tan rồi vì ở đây họ họp từ mờ sáng. Mẹ cháu chắc phải vài tiếng nữa mới lên đến đây vậy cháu đưa bác đến xem Vườn cò bác nhá, chim trên bờ, chim dưới nước nhiều vô kể…
Hai bác cháu chuyển sang chiếc xuồng đuôi tôm để đến Vườn cò. Thắng kể cho “người phải quan tâm đặc biệt” nghe về công việc mà nó với cái Hiền (cả bà thông gia tương lai – chủ trại nuôi cấy thủy sản – lẫn bà Việt kiều) đang dốc mọi khả năng và sức lực vào. Kể về Vườn cò, nơi ban đầu chỉ là khu đất lành chim đậu của một nông dân hết sức yêu quí chim chóc và môi trường mang tên Bảy Cò, giờ đã mở rộng và ngày càng phong phú, trở thành điểm du lịch nổi tiếng do có sự quan tâm và định hướng đúng của lãnh đạo thành phố. Chuyện có những con cò mắc câu, buổi chiều tha lôi cả dây câu với cần cắm về vườn, khiến người ta phải tuồn một đoạn cuống đu đủ lồng qua dây cước, đẩy vào trong diều nó rồi xoay lắc nhẹ cho lưỡi câu tụt ra “Sau đấy phải nằm ở “bệnh viện” của vườn hàng tuần mới bình phục bác ạ”…
Nam thầm nhận xét “con rể tương lai”. Khá hợp với cái Hiền nhà mình, trình độ tương đồng nhưng có vẻ già dặn hơn, cùng say sưa kinh doanh du lịch qua việc khai thác, phục hồi những vốn cổ với phong tục tốt đẹp ngày xưa…Thành con dâu đất này cái Hiền có khi còn vui hơn “cô hái nấm” vì thời gian mẹ nó phải đợi bên giỏ rỗng hơi nhiều.
Anh tin rằng “basa” nhà mình cũng sẽ rất vui với việc có dịp được vào Tây Đô để nghe hò và đờn ca tài tử trên sông (chắc chắn hắn sẽ không chỉ đứng ngoài cuộc lắng nghe, dẫu chỉ giỏi đối đáp theo kiểu hát đúm Thủy Nguyên, chưa quen với các làn điệu hò Cần Thơ và dân ca Nam Bộ)
Anh nào biết chỉ vài giờ sau mình sẽ đập trán vào chuyện oái oăm, nào ai nghĩ tới?!
Nam đang ngồi gần như náu mình trong căn phòng nhỏ của một khách sạn bình dân mà anh vừa quáng quàng tạt vào.
Mươi phút trước Thắng đưa anh về căn phòng trống huênh trống hoác ở đường Lê Hồng Phong để đợi mẹ nó sắp đến trong chiều đó. Đưa cho anh cuốn an-bom gia đình, nó bảo “mẹ cháu đây bác ạ” rồi vội vàng thu vén các thứ đồ đạc vứt chỏng trơ trên giường, giữa phòng.
Nhìn vào tấm ảnh ở trang đầu tiên mắt anh bỗng hoa lên: Người phụ nữ cỡ năm mươi tuổi này đúng là Mai rồi, dù có dụi mắt mấy lần cũng không thể nào biến ra người khác. Gần ba mươi năm không gặp lại nhưng ánh mắt, nụ cười, khuôn mặt này vẫn như xưa. Hệt như lúc chia tay nhau khi rời hòn đảo nhỏ sau vụ đắm tàu.
Biết đâu… biết đâu thằng Thắng… – một câu hỏi bật ra trong đầu anh – làm thế nào bây giờ? Biết làm sao bây giờ?!
Thắng đang nghe điện thọai, nghe xong nó bảo:
– Mẹ cháu bảo khoảng non hai chục phút nữa sẽ đến đây, đón bác về dưới trại nghỉ ngơi. Dưới ấy bây giờ còn tiện nghi và đẹp hơn nhà chính ở phường Phú Thuận bác ạ.
– Em Hiền đang ở dưới trại, mẹ cháu bảo em không lên đây nữa vì chỉ chiều muộn là đón bác về đến đấy rồi – Nó không nhận thấy vẻ hoang mang bối rối hiện rõ trên mặt anh nên vừa nói vừa loay hoay pha thứ giải khát gì đó cạnh tủ lạnh.
– Chút quên mất, có lẽ bác nên trao thứ này trước cho anh bạn cũ cũng ở phố Lê Hồng Phong. Vừa rồi đi ngang qua, bác đã để ý số nhà rồi…
– Vậy để cháu đưa đi cho, thứ ấy đâu hở bác?
– Không cần, gần đây thôi, bác sang chào anh ấy rồi về ngay.
Thấy nó nhìn mình với vẻ ngạc nhiên Nam càng lúng túng, anh hấp tấp xách chiếc túi du lịch bước nhanh ra ngoài, vừa đi vừa nói:
– Ngồi xuồng suốt ngày, cũng muốn đi bộ một chút cho thư dãn…
Giờ thì anh ngồi một mình ở đây, cố trấn tĩnh nhưng những hình ảnh 30 năm trước cứ đảo qua trước mặt như một video clip lặng câm:
* Anh đang ngồi trong quán cà phê trên đảo Phú Quốc. Cô chủ quán tên Mai tất tả bưng khay, dọn bàn nhưng thỉnh thoảng lại ghé vào bên xem cuốn sách có ảnh in màu mọi loài cá trên đời cùng miêu tả ngắn gọn. Cô cười với anh, nụ cười vừa gặp lại trên cuốn an-bom.
* Quán vắng khách, hai người ngồi bên cửa sổ quay ra biển, anh nhấc cây ghi ta treo trên vách xuống độc tấu bản “Lá thư gửi Elidơ” nhưng đứt dây mi nửa chừng nên treo vào chỗ cũ. Họ lại ngồi bên nhau ngắm biển.
* Anh ở bắc vào, tình cờ gặp nhau ở cảng cá Rạch Giá, cùng đợi tàu khách ra Phú Quốc nhưng chưa rõ lịch trình vì đang động biển. Hai người băn khoăn nhìn ra biển mịt mờ.
* Họ cùng đi nhờ chiếc tàu đánh cá của Hải quân chở quân nhu ra đảo, do anh là bạn học cũ của thuyền trưởng. Tàu chở nặng hàng, có đến gần trăm con lợn nhốt ở khoang hở. Hai người ngồi trên boong phía mũi, nép vào nhau tránh gió.
Càng lúc anh càng hoang mang, mắt hoa lên, hình ảnh vẫn hiện ra loang loáng nhưng không còn rõ được hình nét:
* Biển rộng mênh mông, sóng bạc đuổi theo nhau. Con tàu hết nghiêng sang phải lại nghiêng sang trái, bóng những con lợn đen đen xô nhau chạy dạt sang bên mỗi khi tàu lệch đi, rồi bỗng dưng con tàu lật úp, đáy nhô lên phía trên, từ từ chìm xuống.
* Viền đáy con tàu chỉ còn lại một vệt ngắn trên mặt nước. Những hình người thoát được ra ngoài bơi lóp ngóp, chìm dần, chỉ còn ít bóng nổi trôi bám vào các tấm ván hoặc can nhựa rỗng.
* Bóng đàn ông đẩy chiếc can rỗng của mình cho bóng đàn bà, giúp bóng đó tụt hai tay áo ra ngoài buộc vào tay cầm của hai chiếc can nhựa, sau đó bóng đàn ông bơi đuổi theo con lợn to nhất, cưỡi lên lưng nó, tóm lấy hai tai. Con vật lục xục bơi được mươi phút thì đuối nước nhưng vẫn nổi.
* Trời tối mịt mờ. Hai bóng người dạt vào một cù lao nhỏ, loay hoay leo lên hốc đá lõm ở giữa vách đá núi.
* Hai cái bóng nép vào nhau run rẩy, xung quanh không một bóng người.
* Bóng đàn ông đi sâu hơn vào trong, thấy một đống lửa sắp tàn. Hai bóng cùng nhặt nhạnh củi cành xung quanh cố thổi cho lửa cháy lên.
* Con lợn bị hai bóng đen loay hoay lôi vào chỗ đống lửa nhưng không được. Đống lửa mới được nhóm lên ở ngay sát đầu con vật.
* Hai bóng thay phiên nhau cúi xuống gặm cắn chiếc mũi lợn…
Hình ảnh tiếp theo giữa hai bóng đàn ông và đàn bà trong đêm mờ tối đột ngột biến đi. Khuôn mặt của “cô hái nấm” chợt hiện lên cận cảnh khiến Nam bàng hoàng đứng phắt dậy.
– Làm thế nào bây gi…giờ…? – Tiếng rên rỉ bật ra khỏi miệng anh – Cô ấy sẽ biết chuyện mình dấu kín và đã xóa khỏi bộ nhớ bao năm nay. Còn thằng Thắng nữa, có phải là con mình không? Nếu vậy thì biết làm sao bây giờ?!
Chiếc mô-bai kêu to như kèn gọi lính khiến anh giật thót người. Bàn tay mấy lần chìa ra mà rồi không dám động đến, như thế đó là quả mìn hẹn giờ. Khi nó đã thôi kêu anh mới dám nhìn vào: không hiện tên, số này anh chưa lưu, chắc của thằng Thắng.
Chỉ còn biết ngồi vò đầu trong căn phòng nhỏ, không dám sờ vào mô-bai dù cứ dăm phút nó lại réo lên. Đã định tắt máy nhưng nghĩ thế nào lại mở “settings-profiles” chuyển sang trạng thái im lặng.
Nam ngồi yên tĩnh được khoảng vài chục phút, sau đấy là các tin nhắn lẹt xẹt, liên tiếp ba tin cách nhau chừng 10 phút một. Cầm chiếc mô-bai lên với vẻ hết sức bất đắc dĩ, anh ngó vào tin nhắn của cái Mai: ” Bố đang ở đâu thế, sao không nghe máy hả bố? Có chuyện gì không bố ơi?”. Tin kia là số máy đã gọi lúc nãy, của thằng Thắng.
Anh mở tin của số máy lạ nhắn sau cùng: “Nhận ra ông rồi, xem ảnh chụp buổi sáng ở máy cái Hiền. Nhắn lại để tôi tìm chỗ gọi riêng cho ông ngay. KHÔNG CÓ CHUYỆN GÌ XẤU ĐÂU, ÔNG BÌNH TĨNH LẠI ĐI – MAI”
Nam chợt có cảm giác như dạt được vào hang núi đá lúc cưỡi trên lưng con lợn chết trôi ngày xưa. Sinh khí bừng trở lại, anh định nhắn tin nhưng rồi lập tức gọi cho chủ nhân tin nhắn.
Vậy ra thằng Thắng không phải con của hai người dù rằng đêm đó Mai đã ghì xiết lấy anh thầm thì “Em không thể và cũng không muốn tranh chỗ của “cô hái nấm” nhà anh, chỉ muốn đẻ với anh một đứa con thôi. Sẽ là kỉ niệm tuyệt vời của chúng mình sau này anh ạ!”
Chắc Mai cũng đang ở chỗ nào một mình như anh lúc này để có thể nói rành mạch mọi chuyện không nên cho ai biết tới. “Điều mong muốn của Mai ngày đó đã không xảy ra – cô ấy bắt đầu nói qua điện thoại sau câu chào hỏi vắn tắt – gần sáu tháng sau em mới có thai với bố thằng Thắng, người mà em li hôn sau đó tám năm vì thói gia trưởng và vô trách nhiệm. Từ bấy đến nay chỉ có hai mẹ con sống với nhau thôi anh ạ”
Nam chưa biết nói gì trong cơn xúc động chưa kịp lắng xuống thì Mai lại nói tiếp: “Ngày đó, em tuyệt vọng vô cùng nên quyết định không liên lạc gì với anh nữa, cũng muốn để cho anh quên hẳn em đi, về nằm yên trong giỏ của “cô hái nấm” nhà anh…”
“Nhưng trời còn thương chúng mình nên đã dẫn đường đến một hồi kết có hậu – đầu kia tiếp tục nói – và điều duy nhất em muốn xin ở anh lúc này là anh và “cô hái nấm” hãy tác thành cho chúng. Để chúng bù đắp những thiếu hụt mà em phải chịu, cũng là cái số của em thôi…”
” Mai, là anh phải xin em mới đúng – Nam nói vội vàng – xin em nhận cái Hiền làm con dâu, vừa làm con gái. Thay cho điều em ước muốn ngày xưa mà anh không cho được.”
“Em vui lắm, hay anh với “cô hái nấm” vào Tây Đô ở đi. Đảm bảo mọi thứ cho nhà gia của em. Sẽ cùng nhau khôi phục, tạo dựng cả không gian lẫn làn điệu cũ-mới cho điệu hò Cần Thơ. “Cô hái nấm” của anh sẽ là chuyên gia hoặc tư vấn như bà Nga Việt kiều ấy…Em còn đang nhận tài trợ của thành phố để trồng thêm rừng ngập mặn, tha hồ cho anh nghiên cứu phát triển thủy hải sản bờ biển. À, hai con bé Hòa, An cũng không chịu theo gia đình về lấy chồng Đài Loan đâu, lớp trẻ bây giờ chúng hăng say và khá giỏi giang anh ạ…”
“Anh sẽ bàn với “hái nấm” xem sao. Cám ơn em…”
“Thôi được rồi, anh về chỗ thằng Thắng đi, em đang ở gần đấy. À, đừng cho chúng biết chuyện gì, nhớ ban đầu cứ xưng hô ông-bà. Về ngay anh nhá!…”
7-2013
N.C.