Cây tre già ra hoa: Truyện ngắn của Lưu Văn Khuê

 Gia đình ấy chỉ có hai người: Bà mẹ và cô con dâu.

Bà mẹ như cây tre già mỗi lúc một tàn úa, ngày lá rụng hết dường như chỉ còn tính tuần tính tháng.

Cô con dâu từng có những ngày héo hắt, tự nhiên bấy lâu nay như cái cây cằn cỗi bỗng nở xoè lá biếc; cô trẻ ra, đẹp lên, vui tươi hẳn, chỉ phải cái lắm lúc cứ như lú lẫn, thỉnh thoảng lại thờ thẫn như ngây như dại, lẩn thẩn nghĩ những đâu đâu. Tôi láng máng biết tại sao cô lại như vậy. Tất cả chỉ bởi một đêm trăng sáng, trời đất trong trẻo, dịu mát.

Tôi lo và ái ngại cho cả hai, lo cho lá rụng đã đành, ái ngại cho cả cái cây cằn khô bỗng trở màu tươi nõn. Tôi nghĩ đến rặng tre đầu nhà mình, một hôm tự nhiên ra hoa. Suốt cả đời, tre chỉ ra hoa có một lần, đó cũng là phút cuối cùng của đời tre!

*

Bà mẹ từng chết đi sống lại đến mấy lần. Lần đầu tiên, vào thời kháng chiến chống Pháp, người chồng bị địch giết khi bà mang thai đứa con út. Đau xót nữa, ông không chết giữa trận mạc. Đang đêm, từ căn hầm bí mật ngoài nghĩa địa, ông về nhà, đẩy cửa bước vào, chỉ kịp nói: “Tôi nhớ các con, nhớ mình quá” thì địch ập đến bắt. Hai hôm sau, chúng bảo bà đến đồn đưa xác ông về. Bà chôn ông gần căn hầm từng che chở ông. Vậy là nơi nghĩa địa hôm nào giúp ông thoát khỏi cái chết đe doạ thì từ đây vùi ông vào cõi muôn thuở, đúng với chức phận của nó. Mai táng ông xong, bà trở về, bụng quặn đau vì cái thai đạp mạnh. Bà nghĩ mình không sống nổi khi thiếu ông. Nhưng chính cơn đau ấy nhắc bà cần phải sống vì chồng, vì những đứa trẻ mồ côi cha, vì cái mầm sống mãnh liệt bà đang mang.

Tôi từng mất người yêu trong những năm chiến tranh. Tôi đã đau nỗi đau bởi bom đạn nên hiểu nỗi đau của bà mẹ. Hồi ấy, đơn vị vận tải của tôi thường qua nơi người yêu tôi cùng đồng đội thanh niên xung phong phá núi mở đường. Lúc đầu quen rồi chúng tôi yêu nhau. Một lần, đơn vị tôi lại qua đoạn đường ấy, tôi vừa xuống xe, em đã trông thấy tôi và chạy lại đón, em tươi cười, trông em đẹp qúa, ánh mắt em ngời ngời. Cũng là lúc máy bay địch ập đến, bắn phá ráo riết. Tôi hét lên, giục em xuống hầm. Nhưng lạ chưa kìa, hình như em không hề để ý đến bom đạn quanh mình, với em lúc này chỉ có tôi, chỉ có tình yêu! Em gục ngã khi còn cách tôi mấy chục bước. Tội nghiệp cho em, em ngã mà đôi tay vẫn hướng về phía tôi. Bất chấp tất cả, tôi lao tới bế em chạy vào nơi trú ẩn gần đó. Mặt em nhợt nhạt, nhưng đôi mắt em rạng rỡ. Em bảo: “Em được trông thấy anh, được anh ôm như thế này là em mừng và mãn nguyện lắm rồi, dẫu chết cũng chẳng tiếc, chỉ thương anh!”. Em dở khóc dở cười, nước mắt dàn dụa và nụ cười héo hắt rồi từ từ nhắm mắt. Tôi hôn em trong lệ tràn, lệ của em, của tôi. Em như cây tre ra hoa rồi chết. Nhưng tôi biết nỗi đau của tôi không thể nào sánh nổi nỗi đau của bà mẹ tôi đang kể đến, vì tôi không có thêm nỗi đau của cái thai đạp mạnh, tiếng khóc xé ruột của đàn con mồ côi.

Ít lâu sau, người con lớn của bà mẹ bảo: “Con đã nghĩ kỹ rồi, con phải đi trả thù cho bố”. Người mẹ không nói sao, lặng lẽ đến bàn thờ chồng thắp hương và bảo con tới khấn bố. Người con giết được mấy tên địch, nghe nói trong đó có tên đêm nọ đã đến bắt bố anh. Nhưng anh cũng bị thương nặng. Máu đầy ngực, anh gắng sức chạy về với mẹ và chỉ kịp nắm bàn tay gầy guộc của mẹ rồi rũ xuống như tàu lá héo.

Anh nằm vĩnh viễn bên người cha. Cây xương rồng bà mẹ cắm trên mộ anh để đánh dấu, chẳng bao lâu vươn sang mộ cha, thành một bụi xương rồng lớn. Một hôm đạn pháo của địch nã vào làng, trâu bò hoảng loạn, đứt mũi, chạy tứ tung, chạy cả vào nghĩa địa, nhiều nấm mộ bị chúng dẫm tan nát; nhờ bụi xương rồng gai góc nên mộ hai cha con người du kích nọ không sao. Dân làng bảo đến chết rồi, người con vẫn hiếu thảo, che chở cho cha.

Hoà bình được chục năm. Ba đứa con còn lại của bà mẹ lớn dần, trở thành những thanh niên trẻ đẹp, khoẻ mạnh nhất làng. Nhưng hình như kẻ thù chỉ chờ có thế, chờ cho đám trẻ trưởng thành để cuốn chúng vào bom đạn. Người mẹ lại một lần nữa khóc còn những đứa con của mẹ thì hát bài ca ra trận.

Tôi không nghĩ đó là những đứa con vô tâm. Còn người mẹ, bất kỳ ai trong trường hợp như bà cũng sẽ khóc, người khóc thành nước mắt, người nhỏ lệ trong lòng.

Tôi cũng đã khóc. Sau khi chôn cất người yêu, tôi cùng đơn vị nhằm thẳng hướng Nam. Tôi âm thầm khóc suốt chặng đường khói lửa. Tôi nhớ em, thương em, ân hận nghĩ vì tôi mà em chết, bất lực vì không làm được gì để em sống. Nếu như chúng tôi không yêu nhau, em không quá yêu tôi thì em đã chẳng chạy vội về phía tôi để phải chết như thế. Nhưng biết làm sao được, cũng như người cha kia, đấy là tình yêu và số phận của con người trong chiến tranh. Mà tình yêu thì bao giờ cũng cố gắng vượt lên số phận. Bom đạn so với tình yêu thì vô cùng tầm thường nhưng lại có thể giết chết tình yêu! Bởi tình yêu luôn luôn chân thành còn cái tầm thường lại luôn luôn tráo trở! – Tôi triết lý như vậy. Trước đây tôi không thế, tôi sống tếu táo, hồn nhiên và vô tâm, từ khi người yêu mất, tôi đâm ra nghĩ ngợi và hay triết lý, nhất là triết lý về sự sống và cái chết. Cho đến bây giờ tôi vẫn cái tính ấy, vẫn thường triết lý về sự đời.

Tôi biết rõ về gia đình ấy. Cuối cùng, người con út của mẹ cũng lên đường ra trận, đang lúc học dở lớp 10. Khi đó chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt nhất, lớp anh con giai đi bộ đội gần hết, con gái cũng mấy đứa vào thanh niên xung phong. Lớp học có 12 bàn nay chỉ để lại 7 bàn, các bàn khác xếp gọn vào cuối lớp để lớp học rộng rãi, máy bay địch có đến, thầy trò dễ đường chạy ra hầm trú ẩn. Hôm tiễn người con út, người mẹ không khóc, bà chẳng còn nước mắt để khóc. Đêm trước, nước mắt bà đã kiệt vì cùng một lúc nhận được liền hai giấy báo tử của hai đứa con hôm nào đã hát bài ca ra trận.

Người con vừa đi lúc sáng thì buổi trưa có người con gái xách túi quần áo tới nói với bà mẹ: “Từ nay con là con dâu của mẹ”. Lần này thì bà mẹ khóc. Những giọt nước mắt chưa thế bao giờ vì qua làn nước mắt là hình ảnh  người con gái trẻ đẹp. Cô con dâu an ủi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy tin, nhà con thể nào cũng trở về”.

Có đứa con dâu, bà mẹ cũng khuây khoả phần nào và bà hồi hộp chờ đợi điều kỳ diệu đến với bà mà từ lâu bà hằng mong ước, đó là tiếng bi bô của trẻ thơ. Nhưng bà đâu có biết, con trai bà chỉ để lại cho con dâu của bà nụ hôn vào đêm trước hôm anh lên đường. Đêm ấy là một đêm trăng, trời đất trong trẻo, dịu mát. Trước lúc chia tay, anh bảo: “Anh đi thế này, anh chẳng nghĩ gì cho anh, chỉ nhớ em và thương mẹ!”. Nụ hôn ấy và câu nói ấy đã biến cô trở thành con dâu của bà mẹ; cái nụ hôn cháy bỏng, nóng như lửa đó đã nuôi sống cô trong những ngày chờ đợi.

Tôi cũng đã giữ trọn nụ hôn của người yêu tôi suốt năm tháng chiến tranh. Những khi giá lạnh tôi có lửa để sưởi ấm, mỗi khi mềm lòng tôi lại cứng cỏi và có niềm tin. Dù em không còn nữa thì tôi vẫn còn nụ hôn của em, còn hơi ấm của lửa, sự vững chãi của niềm tin.

Nhưng sau đó, tôi có tình yêu mới và tôi lập gia đình. Lúc đầu tôi cảm thấy thật có lỗi với em nhưng sau đấy hiểu ra rằng chính tình yêu mới đã tiếp lửa cho ngọn lửa năm nào.

Người con dâu của bà mẹ thì không được như tôi. Chồng cô đã hy sinh. Trên tường thêm tấm bằng “Tổ quốc ghi công” nữa nhưng người trong ngôi nhà ấy thì không sinh sôi thêm. Hai người, hai nỗi cô đơn nương tựa vào nhau thành nỗi cô đơn lớn.

Tôi lại triết lý: Không gì hành hạ người mẹ bằng cách giết hết những đứa con của mẹ; không gì làm người vợ tan nát bằng cách cướp đi người chồng yêu quý của họ. Tôi hiểu vì sao bà mẹ và cô con dâu lại héo mòn dần trong sự hành hình khủng khiếp ấy. Bà mẹ không còn nước mắt để khóc nhưng nỗi âm thầm của mẹ còn làm mủi lòng người đời hơn cả nước mắt. Còn người con dâu, dẫu nụ hôn của người chồng đã khuất có là lửa thì sau bao nhiêu năm tháng nó cũng tàn như chính lửa vậy và đúng là cô đã lụi dần theo lửa lụi.

*

Người con dâu nhiều năm nay đã trở thành con đẻ của bà mẹ. Đã bao lần bà khuyên cô đi bước nữa nhưng cô không nghe. Cô bảo: “Con đi thì mẹ ở với ai?”. Sự thật là như vậy nhưng không phải là tất cả. Ngọn lửa trong cô không những đã lụi mà như đã nguội hẳn. Người mẹ chỉ còn biết thở dài. Lén không cho con thấy, hằng đêm bà trở dậy khấn trước bàn thờ chồng và hướng về ảnh người con trai út, cầu mong cho mình thì ít mà cho con gái thì nhiều. Bà mong nó không phải sống cô quạnh. Thậm chí có lúc bà còn lầm rầm trách đứa con út: “Con yêu nó thì phải biết thương nó, rộng lòng với nó, mở đường mở lối cho nó. Ai lại cứ giữ nó mãi, làm nó khổ mà mẹ cũng rầu lòng.”.

Nhiều năm trôi qua.

Bỗng nhiên người con dâu ấy trẻ ra, đẹp lên, vui tươi hẳn. Cô như  cái cây cằn cỗi bỗng nở xoè lá biếc.

Chuyện là thế này: Thấy con có vẻ khang khác, cứ như lú lẫn, lắm lúc cứ như ngây dại, đờ người ra như nghĩ những đâu đâu, người mẹ nói:

– Con nói thật với mẹ đi, rồi mẹ lo cho con.

– Con chẳng giấu gì mẹ, nhưng chưa đâu ra đâu cả mẹ ạ.

– Vậy ư? Bao đêm mẹ cầu mong cho con…

Đúng là đã có gì đâu mà giấu. Mới chỉ là một đêm trăng sáng, trời trong và dịu mát, cô vô tình gặp một người bạn cũ, anh này trước cùng học một lớp với chồng cô và cùng nhập ngũ một ngày. Anh bảo:

– Tôi biết chuyện em đã lâu nhưng không dám đến gặp em vì sợ trông thấy tôi, em lại buồn thêm. Bây giờ được thấy em, tôi mừng là em vẫn vững vàng cho dù em khổ đau, vất vả nhiều lắm.

– Còn anh bấy lâu nay ra sao?

– Nhà tôi mất năm kia!

Người đàn ông nín lặng và quay đi, có lẽ anh khóc! Đêm về cô cũng khóc. Mình đã khổ, đời anh ấy còn khổ hơn, bây giờ gà trống nuôi con.

Ít lâu sau, cô lại gặp anh. Cuộc gặp hôm trước là do trời sắp đặt, cuộc gặp lần này là do hai trái tim mách bảo. Anh nói:

– Bao giờ tôi đến thăm mẹ, thăm em, có được không?

– Để em hỏi mẹ em hẵng.

Và thế là cái cây cằn cỗi bỗng trở màu tươi biếc. Cô về bảo mẹ:

– Bây giờ thì rõ rồi, mẹ ạ. Mấy hôm nữa anh ấy đến nhà ta.

– Vậy ư?

Đến lượt bà mẹ trẻ ra. Bà trở nên nhanh nhẹn, tinh tường lạ thường. Bà tính toán việc trăm năm của con đâu vào đấy, việc gì không nghĩ ra thì bàn với họ mạc, xóm láng. Bà bảo con gái:

– Hồi ấy, đưa bố mày ra đồng xong, về mẹ muốn chết ngay đi được thì nó đạp đến quặn cả bụng. Thì ra cái thằng ấy nó nhắc mẹ đừng có quên nó. Vậy là mẹ quyết sống vì nó, vì anh em nó. Nhờ vậy mẹ mới có ngày hôm nay. Giờ mẹ phải quyết sống đến trăm tuổi để còn được bế cháu chứ, có đúng không?

Tôi nghĩ bà mẹ nói vui vậy thôi. Hoá ra thế thật, bà sống tới tận khi trong nhà oe oe tiếng trẻ sơ sinh. Không những thế, bà còn bế thằng bé nhiều hơn cả mẹ nó. Bà thích đùa nhất là với cái chim thằng bé. Có lúc bà còn rúc cả đầu vào đấy! Lạ thế này nữa chứ, hàm răng bà vốn bị rụng mất một chiếc răng cửa nhưng từ ngày con gái tái giá lại không rụng thêm chiếc nào. Nhưng bà lại rầu lòng vì chuyện ấy: Già mà răng lợi thế này, không khéo ăn hết lộc của con cháu, con cháu bao giờ mới khấm khá lên được!

Còn tôi, tôi cũng đã có hai con, một trai một gái. Đứa lớn đã vào đại học.

Nghĩ đến bụi tre đầu nhà ra hoa, tôi chột dạ nên vội ra xem cho dù đang là đêm. Trăng sáng. Rõ đến từng cái lá. Ô kìa, giữa những gốc tre đang lụi dần là những ngọn măng nhú lên nhọn hoắt, lông măng mơn mởn đâm trắng cả bẹ. Đêm qua mưa lớn, chỉ sau có một đêm mát trời mát đất mà tất cả đã trở nên kỳ diệu như vậy.

Còn đêm nay thì trăng sáng.

Tôi triết lý đã thành thói quen, giờ đây lại triết lý thế này: “Đạn bom và những gì tầm thường dẫu cố tình giết chết tình yêu và sự sống, thì tình yêu và sự sống vẫn cứ bất tử”.

 

L.V.K

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder