Chân dung nhà văn Phùng Quán – Văn Xương

Tôi kết bạn với Phùng Quán cho đến tháng 7 năm nay là đúng 33 năm. Phùng Quán 63 tuổi, tôi 70 tuổi. Tôi không phải là bạn văn thơ với Quán, mà là bạn lính. Tôi ở mặt trận Thủ đô, Quán ở Trung đoàn Cố đô…

 

 

 

Tôi kết bạn với Phùng Quán cho đến tháng 7 năm nay là đúng 33 năm. Phùng Quán 63 tuổi, tôi 70 tuổi. Tôi không phải là bạn văn thơ với Quán, mà là bạn lính. Tôi ở mặt trận Thủ đô, Quán ở Trung đoàn Cố đô.

Sau khi giải ngũ, tôi sinh sống bằng nghề câu cá. Ngày đó quốc doanh cá Hà Nội bán vé câu cá cho dân câu ở hồ Ha-le một vé 2 đồng câu suốt ngày. Những hôm gặp may có thể kiếm được từ 5 đến 7 đồng. Cá câu được tôi đem bán cho một bà có gánh cơm đầu ghế (bây giờ gọi là cơm bụi) ở góc chợ Hàng Bè.

Thỉnh thoảng tôi gặp một thanh niên trạc 27, 28 tuổi mặc quân phục bạc màu, gương mặt xanh xao, hốc hác, ánh mát buồn rầu u uẩn. Anh ta thường mua một bát cơm cùng bát canh với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì, rồi anh lẳng lặng bỏ đi… Tôi đoán lính phục viên như tôi, không gia đình, nhà cửa, không công ăn việc làm… không hiểu sao dáng vẻ và gương mặt u uất xanh xao của anh gây cho tôi một ấn tượng xót xa, thật nặng nề… và tôi tìm cách làm quen.

Ngạc nhiên khi được biết anh là Phùng Quán, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Vượt Côn Đảo mà tôi và đồng đội đã đọc một cách say mê. Khi đã khá thân nhau, một hôm tôi hỏi Phùng Quán: “Cậu đã viết cái gì ở Nhân văn Giai phẩm mà báo chí, sách vở, bình luận phê phán ghê thế?”. Quán đang vui, bỗng sa sầm nét mặt:

– Chuyện đã qua, nhắc lại làm gì anh!

– Nhưng thật sự cậu đã viết gì? Tôi hỏi. Viết gì?

Quán không muốn nói, song tôi cứ gạn hỏi, anh đành trả lời cho qua:

– Viết độc hai bài thơ. Bài thứ nhất Chống tham ô lãng phí:

Vì lẽ đó tôi quyết tâm rời bỏ
Những vần thơ bay bướm, đầy hoa
Những vần thơ như giấy trang kim vàng mã
Dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi cách mạng
Như công thần
Tôi muốn đúc thơ tôi thành đạn!
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những kẻ tiêu máu dân như tiêu bạc giả! (…)
Trung ương Đảng ơi! Bọn chuột nhắt mặt người chưa hết
Đảng cần lập những đội quân tiêu diệt
Có tôi đi trong hàng ngũ tiên phong.

Bài thứ hai là Lời mẹ dặn đăng trên tuần báo Văn:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu…

Tôi nói:

– Mình nhớ ra rồi. Vào cuối năm 1957, báo Nhân Dân có đăng bài thơ Lời Mẹ Dặn có phải là bài thơ Chân thật ký tên là Trúc Chi có phải là để chống bài thơ của Quán không?

Phùng Quán lẳng lặng rút trong túi áo ra bài thơ cắt ở báo Nhân Dân, chìa ra trước mặt tôi: “Bài thơ này chứ gì ?… đã bao năm nay tôi vẫn giữ nó luôn trong ngực áo… và tôi sẽ giữ nó cho đến lúc chết!”. Rồi Quán đọc to một đoạn cuối bài thơ…

Tôi hỏi:

– Nhưng Trúc Chi là cậu nào thế?

– Lúc đầu, tôi cứ tưởng là tay Trúc Chi làm thơ, dạy học ở Hải Phòng, người khu Năm, cùng trạc tuổi tôi. Tôi liền phóng ngay về Hải Phòng, gọi hắn ra, gí bài báo vào mũi hắn: “Cùng là dân làm thơ với nhau, sao cậu lại có thể chửi rủa tớ với cái giọng hạ cấp đến thế?”. Đọc xong bài thơ, anh ta lộ vẻ sửng sốt nói: “Bài thơ này không phải của tôi. Tác giả trùng tên với tôi thôi!”.

Cặp mắt Quán loé ánh giận dữ, ánh mắt quen thuộc của bọn lính chúng tôi khi quyết định lao vào một trận đánh liều lĩnh, bất cần đời.

Một hôm trời lạnh căm căm, chúng tôi rủ nhau vào quán nước ven đường, dốc cạn túi mua “rượu chui” uống cho ấm người. Chủ quán hỏi khách hàng: “Anh uống nước đỏ hay nước trắng?” – nước trắng là rượu. Chuyện đang vui, gương mặt Quán bỗng trở nên u uất. Cậu ta uống một lúc liền ba chén. Không ngẩng mặt lên, mắt đăm đăm nhìn chén rượu uống dở: “Thế mà tôi đã bước vào tuổi ba mươi… Tam thập nhi lậplập…! Tôi mất quyền được xuất bản tác phẩm, mất người yêu… Mối tình đầu và có lẽ là mối tình cuối cùng của đời tôi. Bây giờ, tôi không nhà không cửa, tứ cố vô thân… Ôten đờ là hiênÔten đ ờ la ga là nơi tạm trú chính của tôi. Hội Văn nghệ trợ cấp cho tôi mỗi tháng 27 đồng. Mười ngày ăn cơm đầu ghế là nhẵn túi… Tôi hỏi anh… đến nước này thì còn sống mà làm gì ?… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu tôi chết thì ai sẽ minh oan cho tôi? Tôi quyết định phải làm xong trước ba việc mà không thể nhờ ai làm thay… thì có chết tôi mới chết… Việc thứ nhất: Phải tìm cho ra Trúc Chi là ai… Việc thứ hai: Tôi phải in bằng được tác phẩm thơ, văn xuôi, ngắn dài còn tuỳ, nhưng tác phẩm này phải nói lên được một điều duy nhất là: Tôi là Vệ Quốc Đoàn, tôi chưa bao giờ là tên phản động. Việc thứ ba là tôi phải trở lại ngôi nhà 4 Lý Nam Đế (cơ quan tạp chí Văn nghệ Quân đội), đàng hoàng như một người lính trở lại hàng ngũ của mình… Điều mà tôi quan tâm là phải tìm một nghề gì đó để kiếm sống mà thực hiện ba việc đã vạch ra”.

Tôi đề nghị với Phùng Quán: “Hay Quán thử học lấy nghề câu cá, tuy chỉ là nghề tạm bợ, nhưng trước mắt cũng có thể kiếm đủ ngày hai bữa, nếu câu có kỹ thuật”. Tôi mua sắm cho Quán một bộ cần câu, rồi đưa Quán ra hồ Ha-le, mua vé câu, vừa học vừa thực tập luôn. Tôi truyền cho Quán tất cả những bí mật nhà nghề mà tôi đã tích luỹ được qua thực tế.

Về văn thơ thì tôi chưa rõ, nhưng về nghề câu thì phải thừa nhận Quán như có năng khiếu bẩm sinh. Chỉ sau một tuần, Quán đã nắm khá vững tay nghề, và đã có cá bán. Một hôm, Quán bảo tôi: “Mỗi ngày mất đứt hai đồng mua vé câu thì đau hơn hoạn. Lỡ có ngày không dính được con nào thì mất cả chì lẫn chài. Tôi muốn tìm hồ nào câu không phải mua vé ấy”. Tôi nói: “Thế thì phải nhập hội câu trộm cá ở vùng Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá… Nhưng câu trộm nguy hiểm lắm. Lỡ tuần hồ mà tóm được thì họ cho ăn no đòn, hoặc bắt giam giữ”. “Được! Tôi chấp nhận nguy hiểm”, Quán nói, “mà tóm tôi cũng chẳng dễ lắm đâu. Hồi còn làm lính trinh sát, Tây càn, vây bốn mặt, tôi vẫn thoát ngon ơ. Để đạt bằng được mục đích đã tự đặt ra, tôi sẵn sàng làm những việc tồi tệ như: câu cá trộm, viết văn chui. Khi đã hoàn tất ba việc trên, tôi sẽ làm như Raskolnikov trong tiểu thuyết Tội ác trừng phạt của Dostoievsky. Tôi sẽ ra quỳ trước chợ Đồng Xuân, hôn đất và nói to lên với tất cả mọi người: “ Tôi là kẻ từng làm những việc nhơ nhớp để kiếm sống! Tôi xin được trừng phạt!”.

Tôi đưa Quán đến giới thiệu với mấy tay câu trộm thuộc hàng cự phách của Hồ Tây mà tôi đã biết.

Từ đó, Quán không theo tôi nữa, mà về nhập hội với dân câu trộm Hồ Tây. Hơn nửa năm sau, nghe tôi khuyên can, Quán nhếch cười trả lời tôi bằng cách đọc câu thơ của Tagore trong bài Hai mẫu đất: “Ngay nay các người là thánh hiền. Ta ngược lại thành tên đạ o tặc”.

Quán đi ra cầu ao, xách lên một con cá trắm đen cỡ hai ký, buộc ở chân cọc: “Biếu thầy để tạ ơn truyền nghề. Tôi mới tóm được cu cậu khoảng ba giờ sáng hôm nay”. Quán lại cười, đọc thêm một câu thơ của Essinine: “ Những số phận khác thường / sinh ra đều định trước. Tôi không thành nhà thơ thì cũng thành trộm cướp”.

Ngày mới quen, bia hơi Quán cũng chưa biết uống, chê đắng – mà dạo này, Quán uống thùng bất chi thình, góc lít “quốc lủi” có thể đi luôn một hơi. Quán nói: “Rượu là cứu cánh vĩ đại của phường đạo tặc sông hồ”. Tôi lo lắng: “Nhưng tiền đâu mà uống thường xuyên như vậy?”.

Hơn ba mươi năm sau, Phùng Quán mới hoàn thành đầy đủ ba công việc mà anh tự đề ra… Việc thứ nhất là tìm ra được Trúc Chi, chính là Hoàng Văn Hoan, ngày đó là uỷ viên Bộ chính trị. Bài thơ Lời Mẹ Dặn có phải là bài thơ Chân thật được in lại trong tập một đôi vần của Hoàng Văn Hoan, do nhà xuất bản Việt Bắc ấn hành năm 1976. Nhưng mãi đến năm 1978, Quán mới tìm thấy tập thơ. Quán đưa tập thơ cho tôi xem, và nói: “Tôi chưa kịp thách đấu thì ông ta đã chạy trốn và mọi người đã biết ông ta là ai” .

Việc thứ hai là năm 1987, nhà xuất bản Thuận Hoá đã in cho Quán tiểu thuyết bộ ba Tuổi thơ dữ dội… với 60 ngàn bản sách. Kết thúc cuốn sách là nhân vật chính, em Mừng, một vệ quân 13 tuổi, bị tình nghi là gián điệp, Việt gian. Em đã hy sinh trên đài quan sát ở chiến khu Hoà Mỹ sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến sĩ trinh sát. Trước khi tắt thở vì đạn găm đầy người, em gọi điện thoại cho trung đoàn trưởng, nhắn lại một lời trăn trối cuối cùng: “ Anh ơi! Em không phải Việt gian, em là Vệ Quốc Quân…”.

Việc thứ ba là, tháng 1 năm 1992, tạp chí Văn nghệ Quân đội làm lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tạp chí. Quán được mời đến trụ sở 4 Lý Nam Đế dự lễ với tư cách là một trong những cán bộ biên tập đầu tiên của tạp chí.

Phùng Quán nói với tôi: “Để thực hiện được ba việc trên, tôi ước tính đã câu trộm của Nhà nước khoảng 4 tấn cá và viết văn chui khoảng hơn năm chục cuốn sách dày, mỏng. Tôi đã chui văn sang cả Liên Xô (cũ) một truyện ngắn nhan đề Như con bò vàng trong cổ tích, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin. Liên Xô (cũ) đã gửi tặng một chiếc xe đạp mà hiện nay tôi vẫn đang đi. Về số cá trộm, tôi đã nghĩ cách đền, bù. Năm 1988, sau khi được tuyên bố phục hồi hội tịch Hội nhà văn, tôi được nhà xuất bản Trẻ in cuốn truyện thiếu nhi dày 200 trang, nhan đề Dũng sĩ Chép Còm. Sách in 40.000 bản. Như vậy, mỗi cân cá tôi đền 10 bản sách nói về cá. Nếu việc đền bù như vậy chưa xứng đáng thì tôi còn phải lao động nhiều hơn nữa.”

Tôi bảo Quán: “Cậu với mình vừa là bạn lính vừa là bạn câu. Mình muốn viết một cái chân dung về cậu…”

Phùng Quán cười: “Viết làm gì cho mệt, anh Xương ơi! Các bạn từ lâu đã vẽ chân dung tôi với sáu từ cá trộm, rượu chịu, văn chui”.

V. X

(Nguồn Người Hà Nội,)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder