Chè chốt, một “thương hiệu” lạ. Với cả những đệ tử của trà Việt hẳn nhiều người cũng không biết tới “thương hiệu” này. Tra trong từ điển về các loại chè không có. Thế nhưng với những ai đã từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc thời kỳ 1979 – 1989, đặc biệt là những chiến sĩ chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1984 – 1989 thì đây là “thương hiệu” không thể nào quên. Gần bốn mươi năm đã qua, hương vị chè chốt còn ngọt xin xít trong kí ức tôi.
Nà Toong, Nà Cáy, Nậm Ngặt, Cóoc Nghè… những thôn bản thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Những gốc chè San Tuyết cổ thụ đã cùng với người dân miền biên cương phía Bắc nơi đây chung sống và phát triển trên mảnh đất này hàng đời nay. Năm 1984, một cuộc chiến tranh đã xảy ra tại vùng đất nhỏ bé này. Hàng vạn quả đạn pháo tàn ác từ bên kia biên giới bắn sang dội lửa xuống thôn bản, cày xới tan hoang những đồi chè xanh ngát. Người dân sơ tán xuống phía sau tránh họa, sót xa để lại những thân chè vỡ toác, gục gãy. Nhưng sức sống cùa chè thật mãnh liệt. Trong khói lửa mịt mùng của cuộc chiến những búp chè cựa mình vươn lên, mơn mởn xanh. Sức sống kì diệu của cây chè Việt.
Những búp chè non mướt, chính là món quà của mạch đất Việt dành tặng cho người lính kiên gan chốt giữ đường biên. Một tôm hai lá, người lính chúng tôi tuân thủ đúng tiêu chuẩn thu hái để có được chất lượng chè ngon. Ngọn lửa bếp củi lom dom cùng với đôi bàn tay chắc khỏe, cần mẫn qua từng công đoạn sao chè. Từ sao tái rồi đổ ra vò, vài lượt như vậy. Đến khi búp chè quắt hẳn thì chuyển tới công đoạn xoa. Từng ít sợi chè đặt trong lòng hai bàn tay rồi xoa vào nhau để cho búp chè được xoăn. Cuối cùng tới công đoạn đánh mốc. Để chè có được những đốm trắng mốc như sương bám, đẹp mã cần phải kiên trì. Lúc này búp chè đã khô hẳn, ngọn lửa bếp cần thật nhỏ chỉ cần hơi ấm tỏa ra, bàn tay xoa đều xuống lòng chảo, nhẹ mơn man. Bàn tay rát bỏng. Ngoài trời sương giăng buốt giá, trong hầm bê tông, (trong hang đá hay dưới mái nhà âm) bếp lửa làm hồng thêm gương mặt người lính.
Chè đặc cắm tăm, tưởng chừng ngoa ngôn nhưng người lính Vị Xuyên đã chứng minh là đúng vậy. Một ca men nửa lít, chè nở đội nắp ca, nước rót ra chỉ được chén mắt trâu. Chén nước chè vàng ánh, sánh như mật ong, tăm tre cắm vào chầm chậm đổ nghiêng. Đấy chỉ là thí nghiệm chứ uống vào không chỉ dính họng mà còn dính cả ruột. Lính chốt pha trà bằng nước suối đun trong túi ni lông hoặc can nhựa, hãm bằng bát sắt. Từ bát chiết sang bát, ngụm chè đặc quánh, dính xít cổ họng. Ngụm chè khiến cơ thể người lính ấm áp, xua đi hơi đá lạnh băng.
Với tôi kỉ niệm về chè chốt nhiều lắm. Vừa hái chè vừa ngóng pháo. Biết quả đạn bắn vào chỗ mình thôi đành phó mặc cho thân chè che chở. Cũng may, chưa có người lính nào đi hái chè bị dính pháo. Kỉ niệm nhớ nhất đó là: Vì chiến sĩ mình sao chè gây khói nên trận địa bị lộ. Một buổi trưa, tôi từ hầm trên đi xuống hầm dưới thì bị pháo tập kích. Những tiếng nổ kinh hoàng chụp xuống tôi. Trận địa bị phá hủy nặng. Pháo ngớt, tôi lao vào hầm. Có anh kéo lưng áo tôi bảo sao áo mới mà đã có hai lỗ thủng đối xứng trên lưng áo. Có lẽ khi tôi nằm tránh pháo, một mảnh bằng hạt ngô đã xuyên thủng áo tôi mà không chạm vào da thịt. Thế mới thấy câu động viên nhau của người lính mỗi khi vào trận, đạn tránh người chứ người tránh sao được đạn thấy đúng.
Chỉ người lính ở tuyến hai mới được thưởng trà như vậy. Nơi tuyến một, cả quả núi sau năm năm của cuộc chiến đã bị cối pháo bắn sạt đi hơn ba mét thì làm gì có cây cỏ nào sống nổi. Một tổ phòng ngự từ ba đến sáu người tùy địa hình, cơm ăn nước uống được chiến sĩ vận tải gùi lên còn thiếu thì làm gì có trà để thưởng thức. Hơi núi lạnh buốt, ngủ không được, ngồi chỉ được phép bó gối, các giác quan thường trực hai tư giờ một ngày để đón tiếng gào rú của các loại đạn dội xuống trận địa, để cảnh giác với bộ binh địch luôn rình rập tiến đánh. Thần kinh phải vững, luôn tỉnh táo. Chè chốt bây giờ được phát huy tác dụng, chất caffeine của chè đã đậm đặc trong máu từ khi ở tuyến hai giúp người lính chiến luôn tỉnh táo. Trận địa được giữ vững.
Lại nữa, có chè phải có thuốc mới đủ đôi. Người chiến sĩ tuyến một chè không có rồi, thuốc lào cũng luôn thiếu. Muốn hút được mồi thuốc phải ra thật xa hầm của mình, tới chỗ kín đáo để hút. Phải cảnh giác bởi thám báo sẽ lần theo hơi thuốc, vị trí phòng ngự bị lộ. Thuốc lào thiếu, đêm hôm chiến sĩ lần lá khô để nhét vào lõ điếu. Sặc “thuốc” không dám ho mạnh.
Dưới quân y viện, các bác sĩ than, thương binh trên chốt xuống gây mê quá khó bởi ai cũng uống quá nhiều nước chè đặc và hút quá nhiều thuốc lào.
Mới đó mà đã gần bốn mươi năm, kỉ niệm về cuộc đời quân ngũ gian khổ, ác liệt, đau thương và mất mát không hề phai mờ trong kí ức người cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên. Cũng như “thương hiệu” chè chốt tồn tại trong thời gian ngắn vậy thôi nhưng hương vị của nó vẫn ám ảnh chúng tôi suốt cuộc đời. Chè chốt, một “thương hiệu” đặc biệt, một hương vị đặc trưng chỉ có những người con kiên gan giữ đất giữ bản làng mới được thưởng thức. Phải chăng mạch nguồn của Đất nước đã thúc cho những cây chè hồi sinh trong lửa đạn, giúp người chiến sĩ vững trí trước kẻ cướp đất.
N.Q.H