Chiếc đu: Tản văn của Vừ Mai Hương

Mỗi dịp tết đến, tôi thường đưa cậu con trai năm tuổi đi công viên chơi. Ở thành phố nơi vui chơi cho trẻ thật nhiều. Trẻ con thoải mái lựa chọn các trò chơi, nào là ngồi tàu hỏa, đạp xích lô, đi ô tô điện, chơi ném bóng… và mỗi khi nhìn con trai và lũ trẻ ngồi lên cái bập bênh hay đu quay tôi lại thường nghĩ về tuổi thơ của mình, nghĩ về cái đu quay bằng gỗ ngày xưa bố làm cho chị em tôi chơi tết.
* * *
Những năm 1980, đất trên cao nguyên đá Đồng Văn rộng mênh mông không có người khai thác, có thể thỏa sức phát nương, làm rẫy. Gia đình tôi, tuy bố mẹ đều làm cán bộ nhưng nương cũng nhiều không kém bà con nông dân bây giờ. Nương ngô, nương mía, vườn rau cũng sơ sơ ba quả đồi. Nương nhiều, vào vụ cày xới, vun ngô, thu hoạch nhà tôi phải thuê thêm người làm. Trong số người đến làm thuê cho gia đình tôi có bố con nhà ông Pó.
Mẹ tôi nói: Nhà ông Pó nghèo lắm. Vợ mất sớm, ông có hai thằng con trai, thằng lớn chín tuổi, thằng bé lên năm. Nhà mình thuê ông giúp cũng là giúp đỡ gia đình ông.
Thằng con trai lớn của ông tên Páo, bằng tuổi tôi. Nó là một thằng con trai khá nhanh nhẹn với khuôn mặt bầu bĩnh. Hầu như năm nào bố mẹ tôi cũng thuê bố con nó đến làm cho nhà tôi, sau này bố mẹ tôi còn cho nhà nó nuôi rẽ bò. Nó đến nhà tôi, cái gì cũng làm. Từ việc đi theo sau đường cày của bố nó để mót khoai, nhặt gốc ngô, địu phân ra nương hay cắt cỏ cho bò ăn. Tôi thích nhìn nó làm. Thích nhìn hai cái má nó đỏ hồng lên khi trời rét như má con gái. Có nó tôi nhàn hẳn, mùa làm mà tôi chẳng phải làm gì, chỉ việc chạy nhảy theo mấy con cào cào trên nương. Nhưng, tôi cũng ghét nó. Ghét mỗi khi nhìn nó ăn. Ghét mỗi lúc nhìn nó uống. Nó ăn như con thuồng luồng, bữa cơm nào nó cũng ăn ít nhất bốn bát đầy. Mùa khô, nước ở quê tôi quý hơn vàng. Hàng tuần, vào sáng chủ nhận không phải đi học, mấy chị em tôi phải thức dậy từ sớm tinh mơ, đi hơn 5 cây số đường núi để địu nước. Cả buổi mới lấy được một, hai lít nước. Nước được mọi người trong nhà chắt chiu, dành dụm. Một gáo nước sau khi dùng rửa mặt chị em tôi chắt vào một cái thùng để tối rửa chân, sau khi nước rửa chân xong bố mẹ tôi dùng để tưới rau hoặc nấu cám cho lợn. Vì vậy, tôi ghét nhất mỗi khi nhìn nó uống nước. Mỗi lúc như vậy tôi thường chửi thầm “Đồ tham ăn, tục uống. Uống gì mà nhiều vậy?”. Thế mà chẳng hiểu sao mẹ tôi lại thích cái thói ăn, uống đó của nó. Mẹ nói “nó dễ nuôi”.
Bởi ghét nó ăn nhiều, cho nên thỉnh thoảng tôi thường hay “chơi khăm” nó. Tôi khoái nhất cái trò vẽ râu vào miệng nó bằng cách bôi nhọ nồi vào miệng ống điếu, rồi bảo nó hút. Có lúc mặt nó nhọ nhem vì cái trò nghịch ngợm của tôi, vậy mà nó chẳng bực mà còn có vẻ khoái trí. Có khi, buổi trưa mọi người đi lên nương về, tôi biết nó khát nước, vì thế tôi cố tình giấu cái ấm nước đi. Mỗi lúc vậy, nó chẳng phiền lòng mà đi thẳng ra vại nước, múc một gáo uống. Nó hồn nhiên như cỏ, cây trên núi vậy.
* * *
Năm đó, gần tết, bố làm cho chị em tôi một cái đu quay để chơi tết. Ba chị em tôi rất vui. Bố chọn một cây gỗ to bằng bắp chân để làm cột. Ông đục một đầu nhỏ, còn đầu kia ông chôn xuống đất. Rồi ông chọn một cây khác dài hơn đục một lỗ tròn ở phần giữa của thân cây, lắp vào cái cọc đã được chôn xuống dưới đất. Hai đầu thanh ngang ông làm thêm hai tay cầm. Cái đu quay được bố tôi đặt ở vị trí giữa cái sân của khu tập thể. Lũ trẻ chúng tôi, mỗi đứa ngồi một bên bập bênh, hoặc có thể hai người ngồi hai đầu còn người khác đứng ngoài đẩy để nó quay. Cái đu quay của bố, không chỉ là món quà quý giá cho chị em tôi, mà nó còn là sự ngưỡng mộ của lũ trẻ trong khu tập thể, và đồng thời cũng là niềm hãnh diện của tôi với lũ bạn. Chúng tôi không phải lang thang đi bộ ra đường để nhìn người lớn đi chơi xuân nữa. Chúng tôi đã có thú vui của riêng mình.
– Páo, mày không được động đến. – Tôi đã nói như vậy khi nhìn thấy thằng Páo lân la đến gần chiếc đu quay. Ồ! Nó cũng biết đi chơi tết sao? – Tôi tự hỏi. Nhà nó tận trên đỉnh núi, từ nhà đi ra đến đường ô tô cũng mất vài ba cây số, đến được nhà tôi cũng khá xa. Vì thế mỗi khi đến nhà tôi làm thuê, mẹ thường hay xin phép bố nó cho nó ở lại nhà tôi ngủ, để đỡ phải đi về vất vả.
Nó đứng nhìn tôi và lũ bạn. Tôi biết nó thích lắm. Nhưng nó chỉ là thằng làm thuê, sao có thể được chơi cái đu này? Sao có thể được chơi cùng tôi? Tôi chẳng thèm để ý tới nó.
Tôi cùng cái Hạnh – đứa bạn thân nhất ngồi hai đầu, đặt chân xuống đất rồi lấy đà bật lên. Bập bênh, bập bênh. Được một lúc mỏi chân tôi bảo bọn cái Hương, cái Lập, thằng Tùng đứng ngoài đủn để cái đu đưa hai đứa chúng tôi nâng bổng lên cao, quay tít. Chúng nó đủn được một lúc thì chán, chúng nó đòi lên đu, tôi không cho. Cái đu quay là của bố tôi làm, tôi chơi chưa chán, sao có thể cho được? Chán, chúng nó bỏ đi, cái Hạnh cũng về, chỉ còn lại mình tôi với chiếc đu. Tôi nhìn sang thằng Páo, nó vẫn đứng đó, nhìn tôi với chiếc đu. Tôi định bảo nó ngồi một bên để chơi cùng, nhưng nghĩ lúc đầu đã cấm nó không được đụng đến giờ lại mời nó chơi cùng, lòng tự cao tự đại trong tôi không cho tôi làm vậy. Đúng lúc ấy bố tôi từ đâu đi tới, bố nhìn tôi cười nói: Con gái, sao lại chơi một mình? Nói rồi ông vẫy thằng Páo đến: Páo, lại đây. Đồng thời ông đưa một tay lên vít lấy một bên đu xuống để cho thằng Páo ngồi vào. Ông hướng dẫn cho nó cách chơi. Trong lòng tôi khi đó cảm xúc thật khó tả, một chút gì đó cảm ơn bố đã xuất hiện đúng lúc tôi đang khó xử, một chút gì đó xấu hổ với thằng Páo và có một chút gì nữa ghen tị khi thấy bố đứng bên thằng Páo. Tôi ngồi im trên đu, hai tay vịn vào tay cầm. Bố thoáng nhìn tôi, không nói.
Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, cả nhà tôi ngồi quây quần bên bếp lửa. Như mọi khi, bố lại bắt đầu kể chuyện cho chị em tôi nghe, câu chuyện của ông bao giờ cũng được mở đầu bằng bốn từ “ngày xửa, ngày xưa”. Ông kể “Ngày xửa, ngày xưa. Trên Cao nguyên đá Đồng Văn con người không có ngô ăn, không có gạo ăn, không có áo mặc. Hàng ngày phải vào rừng đào củ mài để ăn thay ngô, thay gạo. Năm đó thời tiết khô hạn, ngô không mọc được, củ mài đã đào hết. Con người chết đói, chết khát rất nhiều. Có một gia đình sinh được năm người con, hai vợ chồng chết vì mắc bệnh, bốn đứa con chết vì đói và rét, chỉ duy nhất còn sót lại đứa con trai thứ tư vừa lên năm. Cậu bé tên Sình. Sau khi bố mẹ, anh chị em mất, cậu được người trong họ mang đi cho một gia đình dân tộc Lô Lô làng bên. Công việc hàng ngày của cậu là thức dậy từ năm giờ sáng để thả đàn dê lên núi, chiều về phải có một bó củi. Đổi lại cậu được ăn ngày hai bát mèn mén*”. Kể đến đây bố nói: Cậu ấy phải sống cuộc sống đi ở khi năm tuổi, còn các con năm tuổi mới chỉ phải chăn gà thôi. Nói rồi, bố kể tiếp “Nhưng cậu ấy rất cố gắng, khi cậu mười tuổi ở khu tự trị Việt Bắc* mở trường nội trú, cậu được một người bác họ cho đi học. Cậu bắt đầu tập làm quen với a, b, c…. Trải quả nhiều khó khăn và được nhiều người giúp đỡ, cậu ấy sau này đã trở thành một cán bộ, có một gia đình hạnh phúc với bốn người con.” Các con có biết nhân vật Sình bố kể chính là ai không? Cậu bé đó chính là bố, gia đình cậu ấy chính là nhà nội các con. Tên Sình là tên cúng cơm của bố. Bây giờ các con cũng đã biết tại sao tết đến bố mẹ lại không đưa các con về quê nội, vì nhà mình không còn ai nữa, chỉ thanh minh mới về. – giọng bố khàn đi.
Rồi bố hỏi tôi: Mây, sao con không mời Páo về nhà mình chơi? Chưa kịp đợi câu trả lời của tôi bố lại nói. Hoàn cảnh của Páo cũng hơi giống bố ngày xưa… Không hiểu sao, sống mũi tôi cay cay. Bố, vậy mà con đã từng cho mình là con nhà cao quý mà khinh Páo, bắt nạt Páo. Và nếu ai cũng như con thì bố ngày đó sẽ thế nào? Tôi có được làm con của bố? Và giờ tôi cũng hiểu, sao bố mẹ lại quý thằng Páo nhiều thế.
Giọng trầm trầm ông nói: Chơi đu cũng như cuộc sống vậy, chúng ta không thể sống hạnh phúc khi chỉ có một mình. Chúng ta cần phải có người thân trong gia đình, cần phải có bạn bè. Chúng ta cần phải yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nương tựa vào nhau, đặc biệt phải biết giúp đỡ những người khó khăn, yếu đuối hơn mình. Trang và Trâm chắc hiểu ý bố nói, còn Mây – bố đưa tay lên xoa đầu tôi – con có hiểu những lời bố nói không? Năm nay con lên cấp II, đã lớn rồi. Bố mẹ mong muốn con và hai chị không chỉ là con ngoan, trò giỏi mà phải là những người con, người phụ nữ có trái tim nhân hậu. Có lẽ bây giờ con chưa hiểu hết, con chỉ cần nhớ rằng: Bố mong muốn, chiếc đu của cuộc đời con luôn đầy ắp sự ấm áp, chia sẻ và tình yêu thương.
* * *
Hình như tôi đã lớn, hay ít ra tôi thấy mình đã trưởng thành hơn khi trong cuộc sống được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc của sự “cho đi và nhận lại”. Chiếc đu của cuộc đời tôi đôi khi cũng chao đảo, chòng chành vì hai đầu không cân, nhưng những lúc đó tôi lại được gia đình và bạn bè giúp đỡ để nó cân bằng. Những khi chiếc đu cuộc đời quay tít, tôi lại dành chút thời gian đưa tay mình ra kéo những chiếc đu khác cùng quay, hay ít ra cũng không ích kỷ chơi đu một mình. Một mùa xuân nữa lại về, ta hãy thắp một ngọn lửa trong tâm hồn, hãy sẻ chia ánh sáng của ngọn lửa trong đêm tối, hãy đem hơi ấm của ngọn lửa truyền đi khắp nhân gian…
Xuân, 2021

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder