Chiếc nhẫn bí mật – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Thằng Tuy kêu to báo động rồi lập tức gom một mớ quần áo với cặp sách, chẳng kể của đứa nào, cắm cổ chạy quặt theo con đường nhỏ, bọn còn lại cũng vơ váo đồ đạc rút quân nhanh không kém. Sau chót là Hoàng-cóc tía cùng với thằng Ngân vì chúng phải đỡ cho thằng Nga, vẫn đau đầu gối do húc vào chiếc cọc nhọn ngầm dưới nước, cứ nhảy lò cò trên chân phải….

Thằng Tuy kêu to báo động rồi lập tức gom một mớ quần áo với cặp sách, chẳng kể của đứa nào, cắm cổ chạy quặt theo con đường nhỏ, bọn còn lại cũng vơ váo đồ đạc rút quân nhanh không kém. Sau chót là Hoàng-cóc tía cùng với thằng Ngân vì chúng phải đỡ cho thằng Nga, vẫn đau đầu gối do húc vào chiếc cọc nhọn ngầm dưới nước, cứ nhảy lò cò trên chân phải.

Hôm nay Hoàng “Cóc tía’ theo con đường tắt để về nhà vì biết giờ này bố sắp về rồi. Tan lớp nó còn cố nán lại đá thử quả bóng mới toanh của thằng Nga nên bây giờ mới cuống quít tít mù. Ngó trước ngó sau rồi nó quyết định chạy tắt qua khu công viên bỏ hoang.

– Này, đường ấy phải qua bãi tha ma đấy! – Thằng Nga gọi với theo nhưng nó mặc kệ, cứ cắm đầu chạy. Có thế nó mới là Hoàng “Cóc tía” chứ!

Nó đã nghe kể khu này trước đây là bãi tha ma và gần một pháp trường của triều đình. Nhưng từ đời củ tỉ củ ti nào cơ, vì bà cụ nhà thằng Toàn lớp 6B1, móm mém, già ơi là già, ho hắng mãi mới kể được:

– Khi tao còn bé cái bãi ấy toàn mồ mả, nhiều mả ngụy lắm…”.

Mả ngụy là cái gì thì bọn chúng mù tịt, với lại người ta đã chuyển đi nơi khác từ tám hoánh nào rồi, một thời gian dài nơi này dùng làm công viên (cũng toàn là những chuyện xảy ra trước khi “triều đại” Hoàng “Cóc tía” ra đời!). Công viên giờ cũng thành hoang nốt vì ngày nó vào học lớp một đã nghe nói nơi này được dành để xây sân gold.

– Hôm trời mưa dì tao đi tắt qua đây trông thấy một con ma, áo trắng, nằm ngủ bên trên bụi hoa dại um tùm, toàn gai là gai – Thằng Minh ngồi bàn sau nó cũng kể  – cành gai nhọn hoắt vươn ra xung quanh, vặn vẹo túm lấy tay người nào đi gần … Cam đoan với chúng mày như thế!

Hoàng nhớ lại những chuyện ấy trong khi chân nó vẫn chạy. Trời chưa tối hẳn nhưng một mình qua con đường ma mị cũng kinh kinh. Nó  vấp mấy lần, rồi chiếc cặp sách bỗng bị giật phắt lại từ phía sau.

– Ối! – Nó hoảng hốt quay lại nhìn, hóa ra quai đeo cặp mắc vào một đoạn cụt của cành cây, chưa kịp gỡ lại thấy thêm một bàn tay đen thui chìa ra như định kéo hoặc dúi thứ gì vào nó.

Hãi ơi là hãi! Tí nữa thì Hoàng đã thét to lên “bố ơi!”. Tuy nhiên không hổ với ních-nêm “Cóc tía”, nó nén được tiếng kêu xuống lồng ngực đang phập phồng hết cỡ, nghe khá rõ tiếng nói phát ra:

– Cho chiếc nhẫn này. Nhẫn may mắn đấy, cầm lấy đi!

Hệt như trong chuyện cổ tích hoặc chuyện tranh! Cố giữ cho đầu gối khỏi run, Hoàng thấy được rằng tiếng nói cùng bàn tay đen thui là của một thân hình không ra ông già, cũng chẳng ra bà già. Thân hình này khuất sau gốc cây hai chạc, nó không quan sát được rõ ràng, chỉ thấy hơi giống bà phù thủy lại cũng giông giống ông già Nô-en.

– Cầm lấy đi, đã bảo mà! Nhẫn này ban cho người giữ nó một điều ước…

Nhẫn ước là thứ xưa nay Hoàng “Cóc tía” vẫn mong vớ được mà trong bàn tay đi găng đen đang chìa ra quả thật có một chiếc nhẫn, thế nên nó bạo gan nhón lấy.

Chưa kịp xem xét hay nói năng gì thì người bí hiểm đã lui vào sau mấy thân cây, với câu dặn dò lưu lại:

– Điều ước ấy chỉ thành hiện thực khi nào chủ nhân của nó không có cách nào tự mình thực hiện mong ướcNhớ lấy nhé!

Mất mấy giây để người với cặp không còn dính dáng gì với chiếc cành cộc. Trời đã tối nên Hoàng chỉ muốn nhanh chóng chạy về nhà, không đủ gan để nhìn hay hỏi gì thêm với hình người đã khuất sau bụi cây. May quá, chỉ thêm năm phút chạy như bị ma đuổi thì Cóc tía về đến cổng nhà nó, nhìn thấy bố đang đẩy xe máy vào trong nhà, chứng tỏ bố nó cũng vừa về đến nơi.

Tháo dây đeo khỏi vai, đặt cặp sách vở xuống giá để giày, Hoàng tọt vào phòng học. Bật đèn lên nó hồi hộp xem chiếc nhẫn vẫn nắm chặt trong bàn tay từ lúc nãy đến giờ.

– Bằng sắt thôi à?!- Nỗi thất vọng cố nén mà vẫn chui ra qua mồm Cóc tía.

– Cái gì bằng sắt? – Tiếng bố nó hỏi từ phòng ngoài

– Không ạ – Hoàng vội vàng giấu biến chiếc nhẫn rỉ vào túi – con tưởng người ta làm cái hộp bút bằng sắt, nhưng không phải…

Bố nó hỏi nhưng không vào trong phòng nên lát sau chiếc nhẫn lại được moi ra xem xét. Nhẫn bằng sắt thật, vành ngoài có chỗ han vàng nhưng vòng trong loang loáng chứng tỏ nó có được đeo ở tay ai đó. Bỗng mắt “Cóc tía” sáng lên: Đúng rồi, có truyện nào nói nhẫn thần thì phải bằng vàng đâu nhỉ?!” – nó lẩm bẩm – cây đèn thần của A-la-đanh chẳng bằng sắt rỉ là gì? Thế nên lão phù thủy mới đi rao “đổi đèn mới lấy đèn cũ đơi!”

Nhưng phải thử thì mới biết nó có đúng là nhẫn ước hay không. Ước cái gì bây giờ? Cóc tía đã toan ước một quả bóng da thật xịn, bóng “Euro 2012″ chẳng hạn.

– Cứ cầm thế này mà ước ngay à? Trước khi ước hình như phải xoa xoa thế nào cơ…

– Hoàng ơi, không rửa mặt mũi chân tay rồi ăn cơm à? Bố đã tắm xong rồi đấy!

Mẹ gọi làm Cóc tía bỏ dở ý định, vậy nhưng trong lúc ăn cơm nó vẫn nghĩ đến chiếc nhẫn, buổi tối cũng thế. Cho đến lúc sắp đi ngủ vẫn lăm le muốn ước thử một thứ gì đó, chỉ khi chợt nhớ tới lời dặn của người bí ẩn ” chỉ thành hiện thực khi nào chủ nhân của nó không có cách nào tự mình thực hiện mong ước” Cóc tía mới từ bỏ việc ước ngay lập tức.

– Mà chỉ được ước có một lần, vậy thì phải chọn thứ gì thật oách cơ… – Cu cậu lẩm bẩm trước khi khò một mạch tới tận sớm hôm sau.

Đến trường sáng hôm ấy quả thật lưỡi của Cóc tía cứ ngứa ran, còn hơn “ông thợ cắt tóc tình cờ biết nhà vua có đôi tai lừa” trong câu chuyện kể cô giáo đã đọc. Nhưng không dám khoe với tên nào trong lớp, sợ rằng kể ra chiếc nhẫn bí mật sẽ hết thiêng. A-la-đanh chỉ vì mau mồm kể cho ai đó nghe mà phải chịu bao nhiêu khốn khổ đấy thây!

Hôm ấy có đến hai tiết trống liền nhau vì cả thày và cô dạy các môn ấy bận đi tập huấn trên Sở. Bọn con trai nhốn nháo chia làm hai toán, thằng Nga gọi:

– Cóc tía ơi! Tụi mình ra đầm Sen bơi đi. Từ hôm mưa rào đến giờ nước trong vắt mày ạ. Nhanh lên! Bọn chúng nó kéo nhau đi rồi kia kìa!

– Suỵt! – Thằng Tuy vội ném cục phấn vào thằng Nga nhắc nhở – Mày quên nhà trường cấm bơi ở hồ à?

– Hí hí! Hí hí! – Nga cười biết lỗi rồi nó hất hất tay ra hiệu “đi thôi, thỏ lên!”

Hôm nay Hoàng không thấy thích bơi cho lắm nhưng cũng đi theo tụi chúng vì chưa biết nên làm gì.

– Trông đây, tao lặn một hơi ra chỗ chiếc lá sen to kia nhá – Thằng Nga, đang muốn tranh danh hiệu “bơi giỏi nhất lớp”, vừa đến bờ hồ đã nồng nỗng cắm đầu lao xuống nước, quần áo vo viên vứt ra mép cỏ.

– Tao cũng thế! – Đó là thằng Tuy với tiếng “bùm” tiếp theo khi chạm nước. Hai tên sau đó không lao đầu mà lội xuống mép hồ rồi nhoài ra ngoài, đập nước lõm bõm theo kiểu bơi cún bông cún xồm. Đó là thằng Hiền và thằng Ngân, chúng đã mấy lần cho chuồn chuồn ngô cắn rốn mà mới bơi được khoảng mươi mét là cùng!

Cóc tía lưỡng lự, loay hoay với chiếc nhẫn ước. Đeo ở ngón tay nhảy xuống hồ nhỡ tụt ra thì sao? Nhét túi quần để ở trên bờ cũng lo có đứa nào đó khoắng mất.

– Có khi chúng vất tõm xuống hồ khi thấy chiếc nhẫn bằng sắt han… – Cóc tía lẩm bẩm một mình, những lần khác thì nó đã vùng vẫy lặn ngụp ra trò vì vốn là kì phùng địch thủ với thằng Nga trong môn bơi lặn.

Hai thằng nữa cùng lớp giờ mới lò mò ra đến nơi. Cóc tía đang lưỡng lự nhìn chúng cởi quần áo thì một thằng đã chỉ tay kêu lên:

– Ô, thằng kia làm sao? Ối, hình như nó đang chìm chúng mày ơi!

– Chết đuối, chết đuối! Cứu với! – Thằng thứ hai nhanh nhảu, lập tức  rống cò ke lên.

Hoàng vội quay nhìn ra hồ. Đúng vậy, đấy là thằng Nga, hệt như chiếc phao lông ngỗng ở dây câu, bị một con cá háu ăn muốn lôi cả mồi lẫn cần câu xuống đáy! Hoàng thấy nó cứ ngoi lên ngụp xuống, thằng Tuy gần đấy vội bơi lại nhưng không đủ sức cứu, hai thằng cùng lóp ngóp.

Thằng Hiền với thằng Ngân bơi được một tí, đã vào đứng nghỉ ở mép nước cùng gào lên “chết đuối, chết đuối!!”. Chúng ngó quanh nhưng chẳng thấy có người lớn nào ven bờ.

Thế là quên hết mọi chuyện, Cóc tía thảy chiếc áo khỏi người nhảy lao xuống, vừa lặn vừa ấn chặt nhẫn ước vào sâu trong ngón tay. Lúc ngoi đầu lên thì còn cách hai thằng bốn năm mét nữa, nó lại ngụp đầu đạp chân ếch túi bụi mấy lần thì đến sát tụi chúng.

– Mày…mày… nâng đầu nó, tao… tao… đẩy mông! – Cóc tía sặc nước phun phì phì, bảo thằng Tuy thế.

Bọn chúng hay đi bơi cùng, đã có lần cứu nhau theo kiểu ấy nhưng lần này ở xa bờ. Thằng Nga vừa rồi bị vật gì nhọn đâm vào đùi, đau muốn ngất đi. Nếu không có thằng Tuy cố giữ cho đầu nó nhô lên mặt nước chắc chắn đã giữ chân bê điếu cho Hà Bá, như thày dạy môn Thể dục vẫn hay dọa mỗi khi áp tải học sinh đi bơi.

– Mệt…mệt…lắm! – Thằng Tuy đã uống phải hai ngụm nước, cố nói – tao… tao cũng… chân cứng… cứng ra rồi…

Còn cách bờ không xa nhưng chân chưa thấy chạm đáy. Cóc tía cũng đã mệt phờ, nó thấy bọn cùng lớp nhốn nháo la hét ở trên nhưng vẫn chẳng có người lớn nào xuất hiện.

“Nhẫn ước, ước đi…” – chợt nghĩ đến chiếc nhẫn, Cóc tía phấn khởi hẳn lên, nó hít một hơi dài, đẩy mạnh vào mông thằng Nga cái nữa, rồi vừa xoa xoa chiếc nhẫn ở ngón tay vừa nghĩ xem nên ước thế nào.

“Đưa lập tức cả ba thằng lên bờ!” – Chọn câu ước như vậy nhưng khi lấy thêm hơi thở, Cóc tía lại không ước ngay. Tự dưng nó hít một hơi thật dài, lặn xuống đội vào mông thằng Nga, rồi cứ chìm người dưới nước, bước trên bùn tiến về phía bờ.

Bọn bên trên đang cuống quít tít mù, chạy xuôi chạy ngược.

– Về trường gọi thày giáo mau lên! – Hai thằng ra muộn bảo nhau rồi cứ cởi trần cắm cổ chạy về trường, áo với dép vứt ra bãi cỏ.

– Ô, thằng Nga nhô hẳn đầu lên trên rồi kìa – Hiền chỉ tay nói với Ngân – Nó bơi kiểu gì lạ thế nhỉ? Sao lúc nãy nó…

– À, thằng Hoàng đội dưới đít nó đấy, cho nó khỏi chìm… – thằng Ngân đoán ra.

Cố nín hơi để bước dưới bùn, đến bước thứ năm hay sáu gì đó thì mũi Cóc tía ngang mặt nước, cố thêm hai bước nữa thì chân bỗng gặp một mô đất rắn nên đầu nó đột ngột nhô hẳn lên trên, thở chối chết.

– Lên rồi, thằng Hoàng cũng nhô được đầu lên rồi chúng mày ơi!

– Hoan hô! Không đứa nào chết đuối, hoan hô!…

– Thằng Hoàng gan lì thật đấy, đúng nó có gan cóc tía!

Hoàng không nghe được tiếng hò reo, khen ngợi của tụi bạn vì đã kiệt sức, nó loạng choạng rồi cả hai lại đổ sập xuống nước, nhưng ngay đó thằng Tuy và mấy đứa đã xô đến lôi chúng lên bờ.

“Cái nhẫn đâu rồi?” Thở được mấy hơi, chưa hoàn hồn hẳn hoi Cóc tía đã nghĩ đến chiếc nhẫn. Nó vẫn còn mút chặt ở ngón tay giữa. Mừng ơi là mừng! Mừng hơn nữa là chưa phải dùng đến câu ước…

– Ở đâu? Đứa nào chết đuối, nhanh lên? – Đó là tiếng bác thường trực nhà trường vang đến, từ khá xa, bác ta đang chạy hộc tốc giữa hai bờ rào cây xanh, sau lưng là hai học sinh về trường gọi cứu viện, cũng đang tất tưởi…

– Chạy nhanh đi chúng mày ơi, nhà trường ra kia kìa!

Thằng Tuy kêu to báo động rồi lập tức gom một mớ quần áo với cặp sách, chẳng kể của đứa nào, cắm cổ chạy quặt theo con đường nhỏ, bọn còn lại cũng vơ váo đồ đạc rút quân nhanh không kém. Sau chót là Hoàng-cóc tía cùng với thằng Ngân vì chúng phải đỡ cho thằng Nga, vẫn đau đầu gối do húc vào chiếc cọc nhọn ngầm dưới nước, cứ nhảy lò cò trên chân phải.

Khi bác thường trực ra đến nơi thì bọn trẻ đã vù đi hết như bầy sẻ thấy con mèo đen xuất hiện! Chỉ còn hai chiếc dép cọc cạch sót lại, không biết của những thằng nào.

– Dép thằng nào đây, chúng mày có biết không? – cúi nhặt “tang chứng”, bác thường trực quay lại tra xét hai thằng báo tin, nhưng cả hai thằng này cũng theo gương bọn “kì thủ bơi lội” ngoặt vào xóm vắng ven hồ mất rồi!

*   *

Một tuần đã qua tính từ hôm Hoàng “cóc tía” có chiếc nhẫn ước, cũng đã một lần chiếc nhẫn ấy suýt phải sử dụng. May thay lúc này điều ước duy nhất vẫn còn nguyên giá trị.

Tiết học cuối hôm thứ sáu là giờ kiểm tra toán. “Bài kiểm tra này hết sức quan trọng đấy nhá, tôi sẽ biết trình độ thực sự và trí thông minh của các em ra sao…” là lời mở đầu của thày dạy toán.

Đề là bài toán cổ “vừa gà vừa chó bó lại cho tròn, ba mươi sáu con, một trăm chân chẵnHỏi có bao nhiêu con chó, bao nhiêu con gà?

– Các em được quyền lựa chọn phương pháp giải, sao cho lí lẽ rõ ràng và đúng đáp số là được, rõ chưa?

– Rõ ạ! – nhiều đứa đáp lời thày rõ to mặc dù chúng chẳng rõ sẽ giải như thế nào.

– Năm ngoái chị Hà đã khoe cách giải bài này rồi – Cóc tía lẩm bẩm – giải cách nào ấy nhỉ?

Nó chỉ nhớ mang máng là có cách đặt giả thuyết hay giả thiết gì đấy với cách lập phương trình. “Ní ní nuận nuận” vốn không phải là sở trường của Cóc tía nên nó chọn cách gọi số chó chưa biết là X, gà là Y. Bắt đầu loay hoay tính toán, nhớp mồ hôi trán, cuối cùng ra được đáp số 14 con gà với 22 con chó, đúng là 36 con…

– Dễ ợt! – nó khoái chí khi thấy mấy đứa ngồi gần còn đang nhăn trán với cắn bút – Chưa cần phải nhờ mày giải hộ đâu nhẫn ạ!”- lén ngắm chiếc nhẫn sắt đeo ở ngón giữa bàn tay phải Cóc tía thì thầm một cách tự hào với bản thân, tiếp tục nghĩ xem sẽ chọn thứ gì để ước cho đáng ước.

Mươi phút sau đó, khi mấy thằng ngồi gần nó đặt bút xuống với vẻ an tâm thì Cóc tía bỗng thót người lại vì chợt nghĩ rằng nếu đáp số 22 con chó thì riêng số chân chó đã là 88 chiếc, với 28 chân gà nữa hóa ra tổng số chân lớn hơn 100!

– Sai rồi, sửa thế nào bây giờ?!- Mồ hôi toát ra đến tận ngón chân của cậu chủ chiếc nhẫn ước, quính quáng vì thấy tụi xung quanh bắt đầu lên nộp bài.

– Không thể nộp bài này được! – nó lẩm bẩm – hay là bảo chiếc nhẫn chữa thành bài đúng? – Tiếc đứt ruột vì điều ước duy nhất đành phải đem ra dùng, Cóc tía xoa tay vào nó trong khi liếc mắt nhìn sang bài làm của thằng Nga ngồi cạnh.

– À, nhầm dấu trừ với dấu cộng!- Phát hiện ra, nó vội vàng chộp  bút hí hoáy chữa lại dấu với đáp số, bây giờ là 22 con gà với 14 con chó, cũng là 36 con mà vừa đúng 100 chân.

– Hú vía! Tí nữa thì mất toi điều ước!

Vậy là đã hai lần Hoàng “Cóc tía” xoa tay vào nhẫn ước rồi mà chưa phải dùng đến. Hôm ấy lớp tan muộn vì mấy đứa không làm được bài, chúng lần chần khiến thày Toán phải nghiêm giọng nhắc nhở, sau đó còn túm tụm hỏi và khoe nhau cách giải bài toán rất chi là búa bổ này.

Cóc tía lại chạy theo con đường tắt để về nhà cho nhanh. Một phần vì đã hơi muộn mà trời có vẻ sắp mưa đến nơi, phần nữa nó hi vọng gặp lại con người bí ẩn đã cho chiếc nhẫn. Gặp được người ấy có thể nó sẽ hỏi thêm được nhiều điều.

Mới chạy được non nửa quãng đường thì trời bỗng tối sầm tối sì, tia chớp đột ngột lóe lên cùng một tiếng sét chát chúa khiến mưa đổ xuống ào ào. Không thể chạy tiếp vì dễ dàng đâm sầm vào thứ gì đó, Cóc tía đành phải mở cặp lấy áo mưa ra mặc rồi tạt ngang vào chỗ có mấy gốc cây to, tránh những hạt mưa đập vào mặt nó rát ràn rạt.

Có bóng gì nho nhỏ trăng trắng thỉnh thoảng lại lướt chéo qua con đường mòn, khiến Cóc tía bắt đầu run. Nó nghĩ đến chuyện kể của thằng Minh về con ma áo trắng nằm trên bụi cây gai mà dì nó đã trông thấy, “nhỡ có ma thật thì sao?” Từ đấy về nhà còn đến dăm trăm mét, có thét gọi bố mẹ cũng chẳng nghe thấy, biết làm thế nào bây giờ?

Bám vứu duy nhất của nó lúc này chỉ còn mỗi chiếc nhẫn ước mà thôi. Tay trái nó nắm chặt chiếc nhẫn đeo ở ngón phải, khẽ xoa để có thể sẵn sàng thốt ra điều ước ngay lập tức, là câu “hãy đưa ta về nhà ngay!”

Nhưng nó chợt nghe thấy tiếng kêu “be” ở gần đấy. “Cái gì thế nhỉ, con gì kêu thế nhỉ?!” Cóc tía ngoái cổ nhìn quanh, chớp vẫn cứ nhoay nhoáy nên nó phát hiện ra có cái giếng bỏ hoang ở cách đấy dăm mét. Ngần ngại một tí nhưng cục tò mò của nó xưa nay vốn to chẳng kém ai, nên đôi chân dần dà cứ bước về phía ấy.

Cái giếng tròn bỏ hoang này có thành xây bằng gạch, nhô lên nửa mét nhưng đã vỡ đi già nửa, chắc không sâu lắm vì có thứ gì trăng trắng ở dưới, chỉ cách mặt đất chưa đến hai mét. Tiếng “be!be!” lại vang lên từ dưới khiến Cóc tía đoán ra đó là một con dê, rồi một lằn chớp kéo dài giúp nó nhận ra con vật.

– Ô, chính là con dê trắng  của vườn Trẻ cạnh trường mình đây mà. Mọi khi nó vẫn chạy ở trong hàng rào gỗ, bọn trẻ con đứng xem hay cho nó ăn lá với bắp ngô…Làm sao lại chui ra được rồi rơi xuống đây?!

Tình cảnh của con dê rất khốn khổ, nó không thể nào nhảy lên trên mặt đất, mà nước mưa tụ ở trên đang chảy thành dòng xuống giếng. Cóc tía có muốn giúp cũng chịu vì nếu nhảy xuống chính nó cũng đành ở lại dưới ấy, làm sao có thể trèo lên được? Trong khi đó dòng nước mưa chảy qua chỗ vỡ ở thành giếng xuống dưới càng lúc càng xối xả hơn, ngập đến bụng nó rồi.

Cảnh bi đát của con vật khiến Cóc tía quên đi nỗi sợ. Nhặt được một cành cây khô gần đấy nó liền thả đầu có mấu ngang xuống dưới:

– Dê ơi, bám vào mấu này để tao kéo mày lên!- Cóc tía nói với con dê.

Chẳng biết con dê trắng có hiểu lời nó nói hay không nhưng hai chân trước nó quáng quàng ôm vào cây gậy. Có điều gậy thì trơn, mấu cũng trơn và ngắn nên Cóc tía vừa kéo thì cây gậy đã tuột ra ngoài, mấy lần đều thế trong khi nước ngập lên rất nhanh.

– Mày sẽ chết đuối mất thôi, tao biết làm thế nào bây giờ? – Cóc tía cuống quít chẳng kém gì con dê dưới giếng.

– Thôi vậy, có mỗi một điều ước tao cũng đành hi sinh để cứu mày lên… – nó bảo con dê khi nhớ rằng mình vẫn còn có chiếc nhẫn ước.

Đã xoa tay trái vào ngón tay phải thì Cóc tía bỗng nhận thấy khoảng cách giữa nó và con dê không xa như trước.

– À, nước làm nổi mày lên – Cóc tía lẩm bẩm – nhưng mày sắp kiệt sức, không bơi được nữa rồi…

Điều ước thế là vẫn chưa nói ra bởi hai tay Cóc tía đã chộp lại cậy gậy, nó cố gắng luồn đầu mấu xuống hai chân trước con dê, giữ cho đầu con vật không bị chìm xuống mặt nước xoáy tròn đang dâng lên cao. Thỉnh thoảng dê ta trượt ra khỏi mấu, chìm xuống nhưng lại ngoi lên đập chân loạn xạ trong khi Cóc tía luồn lại đầu gậy, cố giữ cho nó thăng bằng.

Cầm cự như vậy thêm mấy phút nữa thì Cóc tía cúi xuống tóm được một tai con dê  trắng.

– Cố lên, chịu đau tai một tí nữa rồi tao sẽ lôi được mày lên – nó dỗ dành con dê sau khi tóm được cả hai tay vào hai tai. Nhưng ngay đó Cóc tía nghe thấy tiếng bố đang gọi tìm ở xa xa, phía nhà trường. Có nghĩa là bố đã đến lớp học đón nó, nhưng không thấy nên quay về tìm nó ở đường tắt này:

– Hoàng ơi! Ơi Hoàng! Đang ở đâu đấy, con tránh mưa ở chỗ nào đấy Hoàng ơi!

– Đây! Con đang ở đây! – Hoàng gào lên. Nó sướng quá vì không còn gì phải sợ nữa rồi. Có bố ở cạnh Hoàng luôn thấy mình là sư tử, cóc tía còn chưa là gì nhá. Chính bố đã dạy bơi, đá bóng, đấm bốc, còn khối trò nghịch “của con trai” nữa cho nó từ ngày mới lên bốn lên năm.

Thêm vài lần gọi của bố với đáp lời của con thì bố Hoàng đã đến sát chiếc giếng. Không hỏi han gì nhiều ông bố biết ngay con mình đang làm gì. Con dê trắng lập tức được đưa lên mặt đất bởi hai điểm “móc cẩu” là tai phải và chân trái, còn “cần cẩu cổng” tất nhiên là đôi tay lực lưỡng của bố nó rồi.

– Bố ơi, dẫn nó về nhà mình rồi mai con đưa trả cho Vườn Trẻ, bố ạ! – Hoàng nói trong khi cố kéo con dê đứng lên. Con vật mệt quá cứ bệt bụng xuống đất, mãi mới chịu đứng lên bước những bước lòng khòng chập chững.

Lúc đó mưa rào đã ngớt, nhưng đợt khác vẫn sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào, bố Hoàng liền cúi xuống bê bổng con vật đặt nó vắt qua vai, một tay nắm tay con trai giục giã:

– Mau, đi nhanh về nhà để mẹ tắm gội nước nóng cho, kẻo ốm đấy Hoàng ạ!

Tuy chân đi thoăn thoắt cạnh bố, Hoàng vẫn nghĩ ngợi về chiếc nhẫn ước, nó lẩm bẩm trong mồm: “Ba lần định ước rồi lại thôi, thế là vẫn còn…” Lát sau lại lẩm bẩm: “ước có khi cũng cóc được”

Đã bước vào sân nhà nó còn tiếp tục: “khi chủ nhân nó không có cách nào tự mình thực hiện…”

– Những việc xảy ra cuối cùng toàn tự mình làm được đấy thây – Câu này Cóc tía buột mồm nói to khiến bố nó phải cúi xuống hỏi:

– Cái gì, con bảo cái gì đấy hở Hoàng?

– Không ạ, con… con… – Hoàng muốn lảng chuyện nhưng rồi lại hỏi bố nó:

– Bố ơi, trẻ con có được quyền giữ bí mật không hả bố?

– Bí mật? Giữ bí mật cái gì?! Có chuyện gì muốn giấu bố mẹ à? Chắc hôm nay không làm được bài kiểm tra, bị điểm kém phải không? Hay lại đánh nhau với bạn nào?

– Không mà! Con…con…

May là mẹ nó đã chạy ra:

– Trời ơi! Ướt hết thế này thì ốm mất thôi. Nước mưa là cưa giời đấy có hiểu không? – Rồi hối hả dẫn nó vào nhà tắm, vặn vòi hoa sen cho nước thật ấm xối vào đầu tóc con trai.

– Gội đầu đi, tắm cho hết nước mưa đi, rồi ra đây mẹ sấy tóc cho…

Chẳng hiểu Cóc tía nghĩ thêm những gì trong lúc tắm, mà sau đó nó dúi chiếc nhẫn ước vào tay mẹ nó.

– Mẹ ơi, giữ hộ con chiếc nhẫn này. Nhưng đừng hỏi gì về nó cơ. Cấm mẹ không được hỏi con đấy nhá!

Thấy bố cũng đang ngó đầu vào phòng tắm Cóc tía mặc cả luôn: Cả bố nữa, không ai được hỏi về cái nhẫn này đâu đấy! Đó là bí mật của mình con. Sang năm hoặc…hoặc khi nào con lớn… à lên học THPT, con mới cần đến nó cơ…

Ông bố với bà mẹ cùng tò mò xem chiếc nhẫn sắt mà cậu con rút ở ngón tay giữa ra. Hai người nhìn đứa con bướng bỉnh, nhìn vào mắt nhau rồi bố nó khoát tay giao việc giữ chiếc nhẫn bí mật ấy cho mẹ nó.

Cũng may đó chỉ là chiếc nhẫn bằng sắt, lại hơi rỉ. Nếu chiếc nhẫn bằng vàng chắc chắn bố mẹ sẽ hỏi, bắt nó phải khai chuyện lấy hay nhặt được ở đâu, lôi thôi lắm mà như thế thì nhẫn ước của nó sẽ hết thiêng mất còn gì?!

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder