Có anh em hàng binh đã khóc khi đón nhận tấm lòng của chúng tôi. Và thật bất ngờ, Minh kéo tôi ra một chỗ rồi thưa rằng: “Thưa chỉ huy, trên đài này trước ngày những viên chỉ huy cao nhất ở đây bỏ chạy đã cho đặt bốn quả bom. Chỉ cần chập điện là bốn quả bom này phát nổ sẽ thiêu rụi cái đài Viba này ngay”…
Có anh em hàng binh đã khóc khi đón nhận tấm lòng của chúng tôi. Và thật bất ngờ, Minh kéo tôi ra một chỗ rồi thưa rằng: “Thưa chỉ huy, trên đài này trước ngày những viên chỉ huy cao nhất ở đây bỏ chạy đã cho đặt bốn quả bom. Chỉ cần chập điện là bốn quả bom này phát nổ sẽ thiêu rụi cái đài Viba này ngay”.
Mờ sáng ngày 29.4.1975, đại đội 2, tiểu đoàn 2, trung đoàn 2 sư đoàn3(Đoàn Sao Vàng) vượt qua sông Cỏ May hối hả bám theo đường 15, con đường độc đạo tiến về thành phố Vũng Tàu. Theo mệnh lệnh chiến đấu của trung đoàn, đại đội 2 là thê đội 2 đánh chiếm Trường thiếu sinh quân và sau đó trở thành thê đội 1 đánh chiếm đài Viba.
Cùng lúc với hướng tấn công theo trục đường 15 vào Trường Thiếu sinh quân của trung đoàn 2, trung đoàn 12 của sư đoàn được lệnh vòng qua eo biển Long Hải đánh thẳng vào khách sạn Palát nơi cố thủ của tàn quân Nguỵ. Ở hướng tiến công của trung đoàn 12 tiếng súng của ta và địch đan vào nhau chát chúa hơn so với chiến sự diễn ra ở Trường Thiếu sinh quân.
Tiếng súng của quân địch ở Trường Thiếu sinh quân lúc trời hửng sáng có vẻ hối hả, gấp gáp nhưng đến khi mặt trời dần đứng bóng thì lộ rõ vẻ chuệch choạc. Thi thoảng chỉ còn nghe đôi ba quả đạn M79 vọt ra, vài ba loạt AR15 đứt đoạn rít lên. Vòng vây từ các mũi tiến công của bộ đội ta thít chặt quanh khu trường. Lác đác một vài quả đạn cối 82 của ta bắn cầm chừng vào trong khu Trường Thiếu sinh quân. Bấy giờ, trung đội 1 của đại đội 2 được phân công bám sát thê đội 1. Trung đội do tôi là chính trị viên phó đại đội và đại đội phó Văn Huy Mợn trực tiếp chỉ huy. Giữa lúc tôi và đại đội phó đang hội ý, bất chợt có tiếng nổ chót tai ngay sau lưng hai anh em là do quả đạn cối 82 bắn hụt tầm. May mà không ai bị thương. Chúng tôi cũng quên luôn quả đạn cối hụt tầm kia mà nghĩ cách lo cho anh em có chút gì ăn lót dạ.
Quả thực những ngày hành quân thần tốc, anh em nuôi quân không sao theo kịp bước chân những người lính chiến nên anh em chỉ còn cách nhá lương khô, nhai mỳ ăn liền hoặc kiếm được hộp sữa nào là chia nhau mút lấy mút để. Suốt đêm lo vượt sông Cỏ May, vừa thiếu ngủ nên mắt anh nào anh nấy thâm quầng, bụng lại chưa có chút gì lót vào nhưng vì đang hăng nên cái mệt cũng chẳng có cơ trỗi dậy. Tôi nói với đại đội phó Văn Huy Mợn:
– Tôi và Diễn sẽ vào mấy nhà dân nhờ họ nấu cho nồi cơm và một chút thức ăn nếu có.
– Mình sợ dân ở đây không còn ai ở lại. Đấy anh nhìn xem, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm thế kia.
– Tình thế này cũng đành phải liều xem sao.
Tôi và Diễn gọi cửa mấy gia đình, nhà nào cũng nhìn chúng tôi bằng thái độ xét nét. Hoàn cảnh của người dân ở đây chúng tôi hiểu và cảm thông với họ, lần đầu tiên họ nhìn thấy “ ông” Cách mạng mà họ đã được nghe nói, là xanh rớt, gầy yếu với hình ảnh bảy anh ngồi lên mà cành đu đủ không gãy. Nhìn ánh mắt đang dò xét của những người dân, tôi từ tốn thưa:
– Bộ đội xin cô bác trong nhà nấu giúp nồi cơm rồi nắm thành từng nắm giúp anh em. Từ chiều qua tới giờ anh em bộ đội chưa ai có miếng cơm vào bụng.
– Dạ!. Thưa ông Cách mạng, nhà không có nhiều gạo, nhưng nắm cơm nghĩa là sao dzậy, dân trong này không rành.
– Nếu gia đình có nồi to nấu nồi to, có nồi nhỏ nấu nồi nhỏ cũng được. Còn nắm, khi nào nấu xong anh em bọn tôi sẽ bày cách cùng gia đình nắm cơm cho tiện.
Trong lúc nói chuyện với mấy gia đình, tôi cử Diễn là liên lạc của đại đội đi cùng với tôi, về nói với trung đội trưởng Lê Văn Tráng cử hai người lính vào cùng với các gia đình nắm cơm. Hơn chục phút sau từng vắt cơm nóng hổi cùng với chút thức ăn đủ loại được chuyển tới tay từng người lính của trung đội 1. Nhìn ánh mắt anh em sáng lên khi tiếp nhận nắm cơm đang bốc hơi trên tay, tôi và c phó Mợn se sẽ nắm chặt tay nhau.
Chừng hơn mười ba giờ, Vũ Đồng Tiến chiến sỹ thông tin của tiểu đoàn được tăng cường đi với trung đội 1, qua máy bộ đàm PRC25 thông báo lệnh của tiểu đoàn: Tàn quân địch đang cố thủ ở Trường Thiếu sinh quân có dấu hiệu buông súng đầu hàng. Cần theo dõi chặt chẽ mọi động thái của địch ở trong Trường. Nhắc bộ đội kiểm tra vũ khí, chuẩn bị vào tiếp quản Trường. Chú ý, chỉ được nổ súng khi thật cần thiết. Và tiểu đoàn cũng thông báo, Trung đoàn 12 đã vào được khách sạn Palát.
Sau khi cùng với các đơn vị bạn lục soát mọi chỗ để đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra và tiến hành thu dọn mọi loại vũ khí do binh lính địch vất ngổn ngang ở mọi nơi trong Trường, tôi và đại đội phó Văn Huy Mợn được lệnh đưa trung đội lên chiếm đài Viba.
Sau khi vượt qua dãy hàng rào dây thép gai, chúng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng sắc phục rằn ri cùng với những vuông vải trắng phất phơ bay trong nắng chiều. Tôi nhắc anh em cẩn trọng và nhớ không được nổ súng khi chưa được lệnh. Chúng tôi thận trọng ngược dốc tiến về hướng đài Viba. Khi hai bên nhìn rõ sắc phục của nhau, một người lính bên kia cầm chiếc vải trắng vẫy vẫy rồi cất giọng khá to: Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hoà xin quy hàng!. Tôi dõng dạc tuyên bố: Tất cả giơ hai tay lên trời theo bộ đội vào khu vực đài!.
Lúc ấy chừng mười sáu giờ. Sau khi bộ đội ta đã áp vào các vị trí ở đài, còn những người lính Nguỵ được phép ngồi dưới nền sân. Người lính cầm mảng vải trắng xin hàng nọ lớn giọng thưa: Tôi là Minh (Thực lòng tôi không còn nhớ chính xác tên), đại uý là sỹ quan cao nhất ở đây cùng với mười người lính bại trận xin một lòng phục vụ Cách mạng. Tôi cùng với c phó Mợn và trung đội trưởng Tráng hội ý rất nhanh. Chúng tôi quyết định, gom tất cả những người lính kia vào một căn nhà và mời viên đại uý Minh kia ở lại nói chuyện. Qua trò chuyện chúng tôi được biết toán lính này tự quyết định ở lại đầu hàng với hy vọng được Cách mạng khoan hồng. Trong số họ có năm viên sỹ quan, gồm Minh đại uý, hai trung uý và hai thiếu uý.
Sáng 30/4, Minh đưa tôi lên đài quan sát. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy chiếc ống nhòm to gấp chục lần chiếc ống nhòm dạo còn là lính trinh sát tôi vẫn cặp kè bên hông. Minh hướng dẫn cho tôi cách sử dụng ống nhòm quan sát ra biển. Biển Vũng Tàu xanh ngăn ngắt và dịu êm. Theo lời Minh kể, vào mùa biển lặng như hôm nay mọi con tàu ở tầm nhìn xa trên 10 hải lý đều không thoát khỏi tầm kiểm soát của đài. Ngồi trên đài quan sát, giữa chúng tôi bắt đầu trò chuyện cởi mở hơn. Tôi đề nghị Minh không gọi tôi là ông, là ngài nữa mà xưng hô với nhau là anh và tôi. Phải sau một hồi Minh mới quen xưng hô là anh và tôi. Minh kể cho tôi nghe, anh vốn là sinh viên Văn khoa ở Sài Gòn rồi đầu quân vào lính và đã qua Quân trường Đà Lạt. Nghe Minh nói mình là dân Văn khoa, tôi có hỏi Minh đã đọc thơ Xuân Diệu, đọc thơ Chế Lan Viên chưa. Minh nói, hồi ở trường Văn khoa Minh có được học thơ của hai người. Thực lòng tôi cũng không dám nói với Minh về trình độ học vấn của mình, nhưng do hồi đi học tôi được các bạn gọi là con mọt sách, được học thầy giáo dạy văn lại là nhà thơ đó là thầy Hà Thúc Chỉ, nên đã chẳng ngần ngại kể cho Minh nghe về những tác phẩm văn chương nổi tiếng của Pháp, của Liên Xô, của Trung Quốc. Nhiều tác phẩm Minh kể thú thực tôi chưa được đọc. Nhiều tác phẩm tôi kể Minh cũng chưa được nghe nói tới bao giờ như “Sông Đông êm đềm”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hoà bình”, “ Cội rễ”. Nhưng khi nói đến “ Nhà thờ Đức Bà Pari”, “ Hồng Lâu Mộng” hoặc “ Tây Du ký” thì Minh nói đã đọc.
Sáng ấy tôi và Minh nói chuyện về văn chương say sưa đến nỗi anh em gọi xuống ăn cơm cũng không muốn xuống. Chỉ đến khi Tiến, chiến sỹ thông tin thông báo, có tin bộ đội ta đã tiến vào Dinh Độc Lập hồi 11 giờ 30, tôi vội giục Tiến hỏi về tiểu đoàn bộ xem tin đó thế nào. Đến khi thông tin được xác nhận, tội lệnh triệu tập đơn vị và cả anh em hàng binh tới nghe tin: Sài Gòn được giải phóng! Miền Nam được giải phóng!. Hoà bình rồi anh em ơi!. Bấy giờ chúng tôi ôm lấy nhau. Nước mắt người nọ thấm đẫm lên vai áo người kia. Lúc đầu anh em hàng binh còn e ngại, sau cũng cùng với bộ đội ta ôm lấy nhau. Khoảng cách đang dần được khoả lấp giữa những con người chỉ mới hôm qua còn coi nhau là kẻ thù. Trưa ấy tôi và đại đội phó Văn Huy Mợn quyết định cho mỗi người được ăn thêm một lon thịt hộp, gọi là bữa liên hoan mừng đại thắng.
Suốt ngày hôm 30/4, cảm giác lâng lâng của người chiến thắng khiến cho tâm trạng chúng tôi chộn rộn hẳn lên. Tôi chợt nhớ lại câu nói vuột trong khoé mắt của đại uý Minh khi nghe tin Sài Gòn được giải phóng: “Chúng tôi đã linh cảm thấy điều này, nhưng không ngờ nó đến sớm dzậy!.”.
Mấy ngày sau, anh em hàng binh nhỏ nhẹ nói với tôi về gia cảnh vợ con ở khu gia binh ở bên ngoài cổng đài Viba mấy bữa rồi chỉ toàn ăn cháo trừ bữa. Hỏi ra mới biết, người dân ở đây không có thói quen tích trữ lương thực, họ chỉ mua đủ ăn cho một hai ngày, nay giải phóng vào chợ chưa họp trở lại nên nhà nào nhà nấy không có cái ăn. Tôi báo cáo với ban chỉ huy đại đội và đề nghị lên tiểu đoàn hỗ trợ gạo cho các gia đình anh em hàng binh. Ý kiến của chúng tôi được cấp trên chấp thuận. Ngay chiều mồng 2/5, tôi giao cho trung đội trưởng Lê Văn Tráng và tiểu đội trưởng tiểu đội 2 Nguyễn Văn Đạt cùng với Minh chuyển cho mỗi gia đình ở khu gia binh mười cân gạo và hai chục lon thịt hộp. Riêng với gia đình Minh và hai viên trung uý nhà ở trong phố, tôi nói với Minh mang tới mỗi gia đình hai mươi cân gạo. Đối với những gia đình đã nấu cơm cho anh em chúng tôi trưa ngày 29/4, tôi trực tiếp cùng Diễn đến gặp từng gia đình cảm ơn và gửi mỗi gia đình hai chục cân gạo và chục lon thịt hộp.
Có anh em hàng binh đã khóc khi đón nhận tấm lòng của chúng tôi. Và thật bất ngờ, Minh kéo tôi ra một chỗ rồi thưa rằng: “Thưa chỉ huy, trên đài này trước ngày những viên chỉ huy cao nhất ở đây bỏ chạy đã cho đặt bốn quả bom. Chỉ cần chập điện là bốn quả bom này phát nổ sẽ thiêu rụi cái đài Viba này ngay”. Tôi tin lời Minh, vì cách đây hai ngày khi nghe tôi đề nghị cho tắt máy nổ để tiết kiệm dầu, Minh đã không ngần ngại nói với tôi, chỉ cần một ngày máy nổ ngừng hoạt động sẽ tiêu tốn hàng triệu đồng tiền Cộng hoà. Rồi Minh giải thích cho tôi rõ lý do thuộc về kỹ thuật. Sau khi nghe Minh nói về bốn quả bom, tôi đã lặng lẽ cùng Minh đi xem thực tế bốn quả bom. Quả thực có bốn quả bom nằm ở bốn góc của khu đài Viba, các quả bom đều có hình vuông mỗi cạnh dài 80cm, chiều dầy chừng 15cm. Tôi đồng ý để Minh thao tác tháo ngòi nổ và cắt nguồn dây điện nối liền bốn quả bom với nhau cùng chập vào nguồn dây hướng về đài chỉ huy. Sau khi Minh thao tác xong, tôi cho anh em khiêng bốn qua bom cho vào kho.
Đơn vị chúng tôi quản ký đài Viba được gần một tháng, vào một sáng cuối tháng 5 chúng tôi được lệnh bàn giao cho bộ đội Thông tin từ ngoài Bắc vào tiếp quản. Khi nghe chúng tôi kể lại các chuyện không tắt máy nổ, tháo bốn quả bom, ai cũng khen chúng tôi đã làm tốt công tác binh vận. Khi đoàn cán bộ Thông tin tiếp nhận kho giấy, các anh ấy nói rằng : “ Đây là bốn cuộn giấy dùng cho máy Ấn Viễn Tự vẫn còn nguyên vẹn. Rất cảm ơn các đồng chí!”. Rồi theo lời các anh kể, Liên Xô mỗi năm viện trợ cho Việt Nam hai cuộn giấy để phục vụ cho Chính phủ và Quốc phòng, riêng ở đây có bốn cuộn quả thực là rất quý.
Chia tay với đài Viba, chia tay với Minh và những anh em hàng binh, tôi cũng nói với mọi người, cảm ơn sự hợp tác của anh em hàng binh và từ chối không nhận chiếc Vespa của mấy gia đình anh em hàng binh gom góp mua tặng riêng cho tôi.
43 năm đã qua những anh em trong đơn vị thi thoảng vẫn được gặp nhau. Chỉ hy vọng được gặp lại những anh em hàng binh ngày nào trên đài Viba Vũng Tàu năm ấy.
H.T