Anh cũng đã trải qua cảm giác, mình hình như không tồn tại trên đời, tồn tại như một kẻ có gốc rễ, có quá khứ ăn học, có cuộc sống bình thường như bao người… khi lê đôi chân lạnh, kéo những thùng hàng ra chợ bán mỗi sáng, với cái bụng, và cái đầu rỗng, chịu đựng những cặp mắt vừa thương hại vừa cố gắng không coi rẻ của dân bản xứ, không hiểu bọn người man rợ này ở đâu đến, trà trộn vào cuộc sống bị quấy nhiễu của đất nước họ…
Anh cũng đã trải qua cảm giác, mình hình như không tồn tại trên đời, tồn tại như một kẻ có gốc rễ, có quá khứ ăn học, có cuộc sống bình thường như bao người… khi lê đôi chân lạnh, kéo những thùng hàng ra chợ bán mỗi sáng, với cái bụng, và cái đầu rỗng, chịu đựng những cặp mắt vừa thương hại vừa cố gắng không coi rẻ của dân bản xứ, không hiểu bọn người man rợ này ở đâu đến, trà trộn vào cuộc sống bị quấy nhiễu của đất nước họ.
– Anh tìm ai ?
Một giọng con gái cất lên từ góc phòng tối om, khiến anh bối rối chùn bước, nhưng rồi anh quyết định bước vào.
Cô gái ngồi bên bàn máy tính, ngước lên nhìn anh không chút e dè.
– Cô không ngủ trưa à ? – anh vô cùng ngạc nhiên hỏi.
– Em không thích ngủ trưa, nhưng anh tìm ai mới được chứ ?
– Tôi chả tìm ai cả…
Anh nhìn quanh rồi ngồi xuống một cái ghế gần đấy, anh tiếp tục thổ lộ nỗi ngạc nhiên của mình
– Cô là người đầu tiên không ngủ trưa ở cái thành phố này mà tôi gặp…
Duỗi chân khoan khoái, anh vừa ngả người vào thành ghế, vừa vươn vai, vừa kể lể :
– Mỗi ngày tôi chỉ được đúng một việc, cố gắng vắt chân lên cổ, chạy đến nơi thứ hai, để làm một việc thứ hai, mà không bao giờ kịp… Cả thành phố ngủ trưa, một nền văn minh ngủ trưa…hừ ! – Anh lầu bầu.
Cô gái mỉm cười :
– Em thấy những người đi Tây về hay bực mình vào buổi trưa… tại sao tây lại không ngủ trưa nhỉ ?
– Cô mới về cơ quan phải không ?
Anh không trả lời, tò mò ngắm cô gái. Cô bé nhỏ, có mái tóc ngắn lòa xòa rủ trước trán, với cặp mắt vui tươi và nụ cười luôn nở trên môi, trông cô giống một cậu con trai nhỏ xinh hơn là một cô gái.
– Còn anh trước kia làm ở cơ quan này phải không ? Hôm nọ em gặp anh ở phòng thủ trưởng, hôm đấy hình như anh mới về…
– Vài ba năm tôi về thăm nhà một lần… và… tôi có những người bạn ở đây.
Anh nói bâng quơ như không định nói với ai, rồi nhìn quanh, anh hỏi :
– Xin lỗi, tôi có thể sử dụng máy tính được không ?
– Anh cứ tự nhiên – cô nói, rồi quay đi đọc tiếp.
Khi anh dừng tay ngẩng lên, thì cô đã biến mất từ lúc nào. Anh đành chờ đợi cô quay lại.
– Tạm biệt nhé, mai cô cũng không ngủ trưa chứ ?
Cô gái nhỏ mỉm cười :
– Nếu anh cần dùng máy tính, mai anh cứ quay lại đây.
Thế là những buổi trưa lang thang của anh chấm dứt.
– Hôm nay anh đến để rủ em đi ăn trưa với anh, chắc em biết nhiều chỗ ăn ngon hơn anh…
Vào một buổi, khi hai người có vẻ thân nhau hơn, anh rủ.
Cô lấy xe máy đưa anh đi một hồi vòng vèo quanh thành phố, rồi bước vào một quán phở đông nghì nghịt.
– Đây có thể là quán phở Mậu Dịch Quốc Doanh duy nhất, còn sót lại trong cái thành phố này !
Cô hãnh diện tuyên bố.
Anh được ấn ngồi vào một góc, trên một ghế băng dài, chật kín người. Anh không dám thở mạnh, khi một cô phục vụ, vừa bưng bát phở nóng bỏng, bốc hơi nghi ngút, dừng lại ngay trên đầu anh, vừa xòe tay chỉ chỗ cho một người khác. Trong khi đó, cô bạn mới quen của anh, mặt tỉnh bơ, rút giấy ăn trong lọ, lau thìa đũa, rồi, vừa trao cho anh, cô vừa dõng dạc quay về phía cô phục vụ :
– Một quẩy nhé ! Hai gà béo có trứng ! Hành củ trần ! Nhanh nhanh một chút hộ !
Ngồi thẳng đơ không dám cựa quậy, anh vừa buồn cười ngắm cô bé, vừa ngạc nhiên ngắm đám khách ăn húp sộp soạt, ném toẹt giấy lau tay xuống nền nhà, tiếng cười nói râm ran, tiếng bát đĩa va chạm nhau lách cách, lẫn khói bốc nghi ngút từ mùi nước phở béo ngậy, thơm ngào ngạt, tạo nên một không gian nóng bức, ngột ngạt.
– Lần sau dẫn anh đến một quán phở tư nhân một trăm phần trăm nhé ! – Anh vừa thở phào, vừa lau mồ hôi trán, vừa bảo cô gái.
Cô bé ngớ ra nhìn anh, rồi phá lên cười :
– Em tưởng Việt kiều bao giờ cũng hoài cổ ! Chẳng lẽ anh không tìm thấy, một chút dấu tích quen thuộc, xa xưa nào ở đấy, như khi anh kể cho em nghe về món ”mỳ không người lái” „ phở không người lái” ấy ?
– Có, đã tìm thấy một hình ảnh cách đây lâu lắm rồi…
Anh vừa cười vừa bảo cô, khi cả hai đã ngồi trong quán cafe có tên ”Cafe trung Nguyên” mà cô bảo bây giờ đang nổi tiếng nhất.
Cô bé khẽ lắc mái tóc ngắn, có những sợi lòa xòa trước trán, chăm chú nhìn anh :
– Hình ảnh nào, anh nói đi, em nghe đây.
– Hồi còn bé, mỗi buổi trưa đi học, bao giờ anh cũng đứng ngắm lũ chim sẻ đậu kín trên dây điện đầu phố. Chúng giương mắt nhìn anh không chớp, thỉnh thoảng lại lắc lắc cái đầu bé xíu, và chỉ bay toán loạn khi anh lấy sỏi ném chúng…
– Bây giờ làm gì có chim sẻ – cô bất bình nói – ít nhất trong cái thành phố này…
– Đúng thế – bây giờ trong thành phố này, anh bắt gặp đúng một con chim sẻ không thích ngủ trưa mà thôi.
Và thế là, chuyến về thăm nhà của anh lần này, bất thình lình, mang một màu sắc mới, khi không chỉ gói gọn trong những cuộc viếng thăm họ hàng tẻ nhạt, hoặc những buổi trò chuyện chỉ vì lịch sự. Những lần trước, mang tâm trạng của kẻ về rồi để lại đi, anh không hề có ý định làm quen với bất kỳ ai. Anh thường lủi thủi đi chơi một mình, thưởng thức những đổi thay của thành phố, cũng như tìm kiếm những dấu vết quen xưa, cũng một mình, để ghi nhớ vào tim, và lặng lẽ so sánh, nếu lần khác trở về.
Anh chưa bao giờ đặt ra câu hỏi ”Mình sẽ trở thành ai, ở nơi xa ?” cũng như chưa bao giờ coi, có thể xa vĩnh viễn thành phố quê hương. Hình như từ trước tới giờ, anh chỉ sống. Sống một cách hoàn toàn bản năng, như hít thở khí trời, như đói cần phải ăn, và mệt, cần phải ngủ. Như đã một lần xa nhà, thể nào cũng có ngày quay lại, lúc nhớ, để rồi lại ra đi, vì đã ra đi…
Nhưng lần này, Chim sẻ, tên anh hóm hỉnh đặt cho cô bé, đã biến anh thành một người khác, trong những ngày sống ở quê hương.
Sáng sáng, cô gặp anh, và phóng xe máy vèo vèo, cô đưa anh đi khắp nơi trong thành phố.
Anh làm quen với những sớm mai đông đặc xe máy, xe buýt, xe đạp, người đi bộ, quang gánh, xe thồ… Những sớm mai ồn ã, báo hiệu cả một ngày sẽ ồn ã như thế.
Anh làm quen với những buổi trưa, cả thành phố chìm đắm trong giấc ngủ trưa khoan khoái, sau những bình minh ngái ngủ, và những tối huyên náo, không bao giờ kết thúc trước nửa đêm.
Anh làm quen với sự ngon miệng đáng ngạc nhiên của dân thành phố, khi ai cũng sẵn lòng ăn bất kỳ cái gì, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, miễn là không cần phải về nhà nấu nướng, rồi dọn dẹp. Anh mỉm cười thấy những món ăn ngày xưa, là những món ”trụ cột” của thực đơn gia đình, nay trở thành ”của lạ”, đối với những bà nội trợ trẻ không thạo nấu nướng. Vì thế, đôi khí họ gọi một gánh hàng rong lại, ngồi thụp xuống, xì xụp khoái trá thưởng thức món cơm nắm muối vừng, hoặc bánh đa nấu với rau rút.
Đặc biệt hơn cả, anh làm quen với một thế hệ mới, thế hệ của Chim sẻ, những người khi anh bỏ đất nước ra đi, họ mới chỉ là những đứa trẻ.
– Hôm nay anh sẽ được ăn một suất cơm Cưới một trăm nghìn nhé – Chim Sẻ vừa gập chiếc mobil lại, vừa cười nói với anh. Thấy anh không hiểu, cô giải thích :
– Một đứa bạn em bận không đi ăn cưới được, nhờ em ăn hộ suất tiền nó đã đóng. Nhưng em lại đóng suất của em mất rồi. Anh sẽ được thay thế vào đấy.
Thế rồi, trong bữa tiệc cưới ồn ào và linh đình, được tổ chức ở một khách sạn có tiếng, anh biết nhiều hơn về thế hệ của Chim Sẻ :
– Anh ngạc nhiên lắm hả ? – một cô bạn của Chim Sẻ ngồi cạnh hỏi – Có những đám cưới còn phải đóng nhiều hơn, tuỳ họ tổ chức ở khách sạn nào…
– Tháng này em đã phải đóng ba suất…- Chim Sẻ xen vào.
Anh vừa buồn cười vừa thương hại cô bé :
– Thế không đóng không được à ?
– Thì khi nào em lấy chồng, ai sẽ mừng em ?- Cô bé nói như một điều tất nhiên.
– Nó ở với bố mẹ còn đỡ đấy, bọn em còn phải thuê nhà ở chung với nhau cho đỡ tốn – Cô bạn Chim Sẻ nói tiếp – „tình phí” chỉ là một khoản thôi, còn nhiều khoản phải chi lắm, tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền…thôi, thây kệ, tháng này có thể em nhận dạy thêm vài nơi nữa…
– Em dạy thêm gì vậy ?- anh tò mò hỏi.
– Tiếng Anh – cô gái nói tiếp – Em là con gái, ở tỉnh lẻ lên, chứ bọn con trai, lại ở thành phố, chúng nó đi dịch cho Tây, nhiều tiền lắm.
Thấy anh không hiểu, cô nói thêm :
– Em học tiếng Anh mà.
Anh nhìn dãy bàn ăn, toàn hội trẻ măng, phần lớn các cô gái nhuộm tóc, bọn con trai cũng vậy, đến nỗi, anh thầm đếm xem có bao nhiêu mái tóc còn ”thiên nhiên”.
Đám người trẻ tuổi này, vừa vào đời, sống tự do, với nhà trọ và vật lộn công việc theo nghề đã học, tuy vất vả, nhưng vẫn có cơ hội, ở thế hệ anh, nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
Một hôm thấy anh rủ vào hiệu sách, Chim Sẻ hỏi :
– Anh có ý tưởng tìm kiếm cụ thể nào không ? – Thấy anh không hiểu, cô giải thích – anh tìm sách cũ hay sách mới ? Nhà xuất bản nào ? Để em dẫn anh tới…
Anh chợt nhớ tới tối hôm trước, cô dẫn anh lên một cầu thang ngoằn ngoèo ở một góc phố, nơi có thể mua bất kỳ bộ phim nào, mới hoặc cũ có trên đời, được in ra đĩa. Cô lẩm nhẩm đọc dòng chữ tiếng Anh trên vỏ bọc, hỏi cậu bán ”đĩa lậu” một câu gì đó, cậu này chạy vào trong buồng, lấy thêm mấy cuốn sổ ghi mục lục tên đĩa, đưa cho cô.
Lại thêm một khác biệt nữa giữa thế hệ anh và những người trẻ tuổi này : rõ ràng họ có ưu thế ngoại ngữ hơn hẳn.
– Anh muốn tìm một cuốn sách, anh đã nghe tiếng từ lâu, anh muốn đọc…
Anh thổ lộ, nghe xong, cô reo lên :
– Em có quyển sách ấy, em đọc rồi, để tối nay em mang cho anh.
Bẵng đi một tuần liền, hai người không gặp nhau, Chim Sẻ lo lắng hỏi trong điện thoại :
– Anh làm sao thế ? Anh bị ốm à ? Hay anh sắp đi rồi ? hay…
Gần chục ngày sau, anh tìm cô, nét mặt bơ phờ.
– Tất cả chỉ tại cuốn sách em đưa anh – Cô ngạc nhiên, khi anh vừa nói, vừa trả lại cô, cuốn sách cũ đã nhàu nát, in trên thứ giấy đen, cứng ráp.
– Em đã đọc rồi phải không ? Em có cảm giác gì ?
Anh khẽ hỏi, khi hai người đã ngồi trong một góc tối mờ mờ của một quán cafe vắng khách, tiếng nhạc nhẹ nhàng êm dịu vẳng tới.
– Chiến tranh, chắc là rất kinh khủng anh nhỉ ? Nhất là với những người trực tiếp cầm súng trở về, em hoàn toàn cảm thông với họ…
Cô nói với vẻ mặt chân thật, nhưng đơn giản nhất đời, như một kết luận hiển nhiên sau khi đã được người khác cho biết, phân tích và giảng giải hộ một điều gì đấy không liên quan đến mình.
Như một lần anh và cô vào quán, cô lập tức gọi cậu chủ quán : ”Làm ơn cho biết, trong chín loại cafe này, loại nào đáng uống nhất ?”
Anh cố gắng không mỉm cười khi thấy cậu chủ quán toát mồ hôi giải thích. Rồi khi cậu luống cuống quay đi „Xin lỗi, để mình tìm một tài liệu đáng tin cậy về các loại cafe”, rồi biến mất. Lúc đó, anh vội vã nói với cô bé :
– Theo kinh nghiệm của anh, khi vào quán, cứ loại nào đắt nhất thì gọi, chắc chắn là ngon…
– Đúng rồi ! – cô reo lên – Thế mà em không nghĩ ra.
Khuôn mặt vui tươi, trong sáng của cô hớn hở một niềm vui con trẻ.
Giờ đây, đôi mắt mở to chăm chú của cô nhìn thẳng vào mặt anh :
– Chẳng nhẽ cuốn sách này lại làm anh buồn đến thế ?
– Em nhìn này – anh nói và lật trang đầu của cuốn sách – xuất bản đầu những năm chín mươi…
Năm ấy, người lính này chua chát viết : „ Tôi chợt nhận ra, thế hệ của tôi đã chết. Hay đúng hơn, tôi đã chết, cùng với những đồng đội của tôi. Tôi chỉ sống lại khi quay trở về với những ký ức chiến tranh, những nỗi buồn chiến tranh…”
Đây là những trang sách tuyệt vọng nhất của một kiếp người, bị cướp đi những năm tháng đẹp đẽ, khi tuổi trẻ bước vào cuộc sống, thay vì thấy tình yêu và khát vọng, chỉ nhìn thấy một lựa chọn duy nhất : chết, hoặc sống sót trong chiến tranh…
Anh không đọc cuốn sách này, anh chính là người lính ấy, thất thểu như một bóng ma, không tìm thấy đường về, không tìm thấy sự đồng cảm, sau cuộc chiến đẫm máu, khi đáng lẽ việc sống sót, trở về với hòa bình, phải lớn hơn tất cả những gì đã mất…
Anh hiểu người lính ấy, như hiểu chính mình. Lúc người lính ấy trở về, quằn quại trong hòa bình, lại là lúc anh ra đi. Những năm chín mươi ấy. Anh, một kẻ ra khỏi mảnh đất vừa thoát cuộc chiến tranh, đến một xứ lạ, một hòa bình xa lạ như với người lính trong cuốn tiểu thuyết.
Anh cũng đã trải qua cảm giác, mình hình như không tồn tại trên đời, tồn tại như một kẻ có gốc rễ, có quá khứ ăn học, có cuộc sống bình thường như bao người… khi lê đôi chân lạnh, kéo những thùng hàng ra chợ bán mỗi sáng, với cái bụng, và cái đầu rỗng, chịu đựng những cặp mắt vừa thương hại vừa cố gắng không coi rẻ của dân bản xứ, không hiểu bọn người man rợ này ở đâu đến, trà trộn vào cuộc sống bị quấy nhiễu của đất nước họ.
Anh đã trải qua cảm giác cắn răng tự nhủ : một ngày chịu đựng của ta ở đây, sẽ giúp bao nhiêu mạng sống, chờ đợi nơi quê nhà…
Một kẻ vào đời trắng tay, chỉ còn sức lực và cái đầu gắng gỏi chịu đựng, là hành trang tri thức duy nhất, để nhận thức rằng, ta đâu chỉ có trách nhiệm sống với một mình ta ?..
Anh trầm ngâm nói với Chim Sẻ :
– Anh có một mơ ước, anh được gặp người lính của tiểu thuyết, lúc này đây, để hỏi xem anh ta còn suy nghĩ như thế nữa không ? Còn cảm thấy chua chát như vậy nữa không ?
Cặp mắt tròn xoe của cô bé, nói với anh, cô chẳng hiểu anh nghĩ gì.
– Không sao cô bé ! Anh chỉ cầu mong thế hệ em được sống bình thường, một đời người hết sức bình thường.
Anh lẩm nhẩm trong óc những lời này, khi uống nốt những giọt cà phê đắng.
Rồi mỉm cười với cô, anh bảo :
– Anh có một phát hiện mới : thành phố này giờ đây là của bọn em, chứ không phải của thế hệ anh nữa.
– Thật ư ?
– Vì nó đang sống cùng cuộc sống của thế hệ em, nó chỉ còn giữ kỷ niệm về thế hệ anh qua những hồi tưởng thôi.
Chim Sẻ bần thần nhìn anh :
– Anh nói cứ như một người già. Anh đã đến tuổi về hưu đâu ?
– Phải tự hồi sinh thôi em ạ ! – Anh lẩm bẩm như đang nói với chính mình – Thế hệ bọn anh đã trải qua nhiều cảm giác quá, quá đau đớn, so với sự mềm yếu bẩm sinh của con người..
Chim sẻ lắc lắc mái tóc ngắn, giương cặp mắt vô tư nhìn anh, như không hiểu tại sao, một hôm chợt nhìn lên ngọn cây, cô phát hiện ra những cành đã khô cứng, nằm lẫn giữa những cành xanh làm thành một thân cây đầy sức sống.
Còn anh lại nhìn thấy ngày ra đi của mình, bỏ lại sau lưng, thành phố quê hương, nơi có những con chim sẻ thơ ngây nhảy nhót, trên một công trình đang xây, hay trên những rặng thông mới trồng từ một miền đất, để đón khách du lịch tứ phương tới đây, như tới thăm một xứ sở thanh bình, chưa bao giờ nghe thấy một âm thanh nào dữ dội như tiếng súng…
Anh không tài nào cắt nghĩa nổi những cảm xúc trào đến trong lòng mình.
Vì anh chợt nhận ra hơi thở trẻ trung hồi sinh của thành phố quê hương ? hay chỉ đơn giản, anh đã đến cái tuổi, dừng lại trên đỉnh dốc của cuộc đời, và mỗi ngày kế tiếp lao xuống dốc, anh mới càng hiểu ra từng khoảnh khắc sống mới ngắn ngủi, đau đớn, vô giá làm sao.
Như thể cuộc đời được tạo ra, bởi những lần chết đi sống lại của những nỗi đau dành cho con người, những nỗi đau vươn tới cái hoàn thiện, không bao giờ có…
( Budapest- 2003. február. )
N. H. N