
Chuyện về những người bạn cũ lâu chưa gặp lại. Bỗng nhiên một ngày, đồng đội từng tham gia mặt trận Vị Xuyên hội ngộ, để xuất hiện một địa danh được gọi là “Chốn bồng lai”. Diễn biến của câu chuyện chậm rãi, không vội vã, không tiết tấu. Tất cả chỉ như một dòng chảy chầm chậm đủ để người đọc đi cùng nhân vật đến với khu nghỉ dưỡng do một cựu chiến binh xây dựng, và cùng nhân vật ngược dòng ký ức về các trận chiến và tình đồng chí trên mặt trận Vị Xuyên. Điều khác biệt chính là cái kết đậm màu cổ tích giữa đời thường của truyện ngắn này. Có thể có ý kiến rằng, việc sắp xếp một cái kết “có hậu” không được thực tế cho lắm. Song, mong muốn chuyển tải thông điệp của người viết về nghĩa tình đồng đội những cựu chiến binh trên mặt trận Hà Giang đủ để nhiều bạn đọc cảm động.
Cơn gió nào đường đột đưa cậu đến đây thế hả Kiên? Hoàng hỏi bạn.
Kiên bảo có nhiều cơn gió lắm, kể sau. Bây giờ hai ta hãy khênh cái xe đạp, mà quên, là con tuấn mã yêu quý của cậu nên nhốt nó vào sau xe này rồi chúng ta cùng dông thẳng lên Bồng Lai một chuyến…
Hoàng thắc mắc, hỏi: Đi chết à! Kiên nhún vai, làm vẻ nghiêm trang trịnh trọng nói: Đi để sống, để thành tiên hiểu chưa?
Hoàng cự lại: Nhưng làm gì có chốn Bồng Lai hở ông?
Kiên lườm Hoàng, nói cắt ngang: Ở đây thì không! Nhưng nơi chúng ta sắp đến là chốn Bồng Lai thật đấy, ngạc nhiên chưa? Và thú vị nữa là chúng mình sẽ được gặp một dị nhân… Mà không, phải gọi là một bậc kỳ nhân siêu đẳng mới đúng phận, xứng danh với người ta đấy nhá.
Hoàng lại căn vặn Kiên: Nhưng tớ có liên quan quái gì với nơi đó và cái gã dị nhân, kỳ nhân kia cơ chứ?
Kiên bảo: Cứ đi đi. Liên quan, liên quan chứ.
Rồi không để Hoàng hỏi gì thêm nữa, Kiên đẩy Hoàng lên xe, nhấn ga rời thành phố H đi ngược về hướng Tây Bắc…
*
Hoàng choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài, nhìn sang Kiên, hỏi: Ông có biết Điển bây giờ ở đâu không? Kiên nhìn lom lom vào mặt Hoàng, nguýt dài, trách: Rõ thật là vô duyên, bạc tình chửa, ông với Điển từng bao năm sống chết cùng nhau thế, vậy mà giờ… không biết là sao hử?!
Hoàng cúi mặt, nén một tiếng thở dài, không hỏi thêm gì Kiên nữa.
Đêm xuống.
Kiên lái xe quặt vào con đường dốc rải đá cấp phối gập ghềnh lầm bụi. Chiếc xe gầm gừ chồm qua những ụ đất đá ùn cao lên như sống trâu, rồi lại trườn tụt xuống những ổ voi lõng bõng toàn bùn và nước. Xe lắc lư nghiêng ngả, chao lắc như đánh võng.
Qua ánh đèn pha, Hoàng nhìn ra bên đường liền kề là dải đồi thoai thoải lúp xúp những bụi sim, mua, những cây cọ già cao lêu đêu, đứng trầm mặc trong bóng đêm u tịch. Vậy là Kiên đã đưa Hoàng lên tới miền trung du rồi!
Kiên nhìn sang khuôn mặt rộc rạc mệt mỏi của Hoàng, lòng nao nao chan chứa niềm thương cảm cùng nỗi ân hận. Kiên đã vô tình buông lời trách giận Hoàng. Thực ra, Kiên nói thế chỉ là để trêu đùa, nhả cợt với Hoàng thôi, chứ Kiên quá hiểu tính nết của Hoàng. Hoàng sống vị tình, luôn vì người khác. Nhớ vài chục năm trước, Hoàng, Kiên và Điển đang theo học trường Kinh tế thì có lệnh tổng động viên thanh niên, sinh viên nhập ngũ. Ba đứa bàn nhau viết đơn cùng xung phong lên biên giới làm lính trận. Kết thúc cuộc chiến, cả ba giải ngũ, rồi tứ tán xa cách nhau từ đó.
Vì cảnh nhà neo người, Điển đành phải bỏ trường về quê làm ăn để chăm nom bố mẹ già. Chỉ còn Kiên với Hoàng trở lại trường học tiếp. Rồi Kiên cũng bỏ ngang sang nước ngoài lao động làm kinh tế. Đến ngày Đông Âu tan rã, Kiên về Hà Nội vịn vào chút vốn còm dắt lưng phe phẩy chợ giời kiếm sống. Vậy là chỉ còn mỗi Hoàng thực hiện được ước mơ dùi mài kinh sử thủa bình sinh.
Nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi, Hoàng được thành phố H xin đích danh về đầu quân một cơ quan kinh tế hàng đầu của địa phương. Thời gian ở H, Hoàng làm việc quên mình, là tác giả của nhiều đề án trọng điểm, năm sáu năm liền nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Nhiều báo, đài truyền hình, đài phát thanh liên tục đăng bài, phát sóng hết lời ca ngợi Hoàng.
Nhưng Hoàng chưa kịp vui hưởng niềm vinh quang bao năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt vắt óc vắt sức đổi thành công đề án khoa học, thì một “cơn bão” đổ xuống đầu Hoàng.
Hoàng không thể ngờ rằng những đồng nghiệp mới hôm nào còn thân thiết, mến trọng, gắn bó với anh giờ cùng hùa nhau vu khống bịa đặt cho Hoàng đủ thứ tội. Nào là Hoàng là kẻ kiêu ngạo, tự phụ coi thường người khác, cho mình là bậc nhất. Có người ta còn lấp lửng, chắc gì những thành quả sáng rỡ nở như hoa mùa xuân kia là kết quả độc quyền sáng tạo phát minh của anh? Tệ hơn cả những điều bịa đặt không có căn cứ thực tế lại được khối người tin tưởng, đồng lõa mới khổ chứ.
Hoàng phải nhận quyết định “nghỉ việc chờ bố trí công tác mới cho khỏi lãng phí nhân tài”.
Kiên nhớ ngày còn là lính trận đánh nhau trên biên giới phía Bắc, nếu đợt bình công dạo đó Hoàng không thẳng thắn tố cáo Đại đội phó Lê Khắc bỏ chốt chạy dài thì cậu đã được thưởng Huân chương Chiến công rồi. Hoàng ơi là Hoàng! Kiên kịp ngừng lại để không thốt to lên lời than vãn trách cứ bạn mình.
Vậy là người trung thực, thông minh, nhiệt huyết, tiếng tăm nổi như cồn Nguyễn Xuân Hoàng kia ngày ngày gò lưng guồng chiếc xe đạp cà tàng không chắn bùn, chắn xích xuống tận chợ biển Đoài Sơn chở cá về bỏ mối kiếm tiền sinh nhai. Cả nhà Hoàng bốn nhân khẩu đang phải ép xác lèn thân trong căn phòng mười hai mét vuông ở khu tập thể ngoại ô. Nghĩ đến đấy, Kiên lén quay đi, tay quệt nhanh giọt lệ nơi khóe mắt vừa rịn ra trên má mình.
Con người đang ngồi bên Kiên đây chính là một đấng trượng phu quả cảm từng cứu mạng Trần Quang Điển trong cuộc chiến tranh biên giới ngày trước.
… Đó là một đêm cuối năm sương giá trên điểm chốt tiền tiêu ở phòng tuyến Vị Xuyên. Trong phiên Điển gác đêm hôm ấy, bọn địch đầu trọc, mắt híp phía bên kia biên giới mò sang trận địa của đơn vị. Một thằng giặc liều lĩnh luồn lách cách gì đó mà không hề đụng mìn của quân ta giăng cài quanh trận địa. Nó bò chui nhủi như rắn áp sát nơi Điển đang ém phục. Thằng giặc nghển đầu lên quan sát, nó phát hiện người lính đối phương đang ngủ gật. Nó nhún chân bật lên lao tới đè ập Điển xuống. Tay phải nó nắm cán dao găm vung lên lấy đà phóng xuống nhằm kết liễu đối phương. Đúng lúc cái chết chỉ còn cách Điển một giây khắc thì Hoàng từ phía sau lao tới như một tia chớp. Dồn hết xung lực bình sinh vào bàn chân phải, Hoàng tung một cú đá vẩy vào đúng bàn tay cầm dao của thằng giặc đầu trọc. Con dao bay tung lên quay đảo nhiều vòng mất hút vào đêm tối. Hoàng thoi tiếp một quả đấm cực mạnh vào thái dương đối thủ, rồi bồi tiếp một nhát chém tay như búa bổ vào gáy. Thằng giặc hộc lên, thở hắt, rồi gục xuống. Điển lật người lại bật dậy nhoài tới ôm chầm lấy Hoàng, nói: Cảm ơn Hoàng!… Hoàng suỵt miệng: Ơn huệ quái gì, có im đi không kẻo lại ăn đạn của lũ Khựa bây giờ.
*
Hoàng bị Kiên “bắt cóc” ngang đường về làm khách không mời ở cái nơi được gọi là chốn Bồng Lai này hai tuần nay rồi. Kiên dặn Hoàng cứ ở đây du ngoạn, xả hơi ít ngày rồi hắn sẽ đến đón trả Hoàng về cho Thu Vân. Vậy mà Kiên lặn mất tăm mất tích một hơi chưa thèm trở lại. Còn lão dị nhân, hay kỳ nhân nào đó vẫn chu du tận đẩu đâu chẳng hề ló mặt lấy một lần.
Nhưng dù sao cũng phải cảm ơn Kiên, người tính nết phổi bò ruột ngựa nhưng tình cảm dạt dào, chân thành không chê được. Chính Kiên từ Hà Nội về H tìm đón Hoàng lên đây.
Phải nói đời Hoàng chưa từng được một ngày ăn uống, ngủ nghỉ như đế vương thế này. Từ giường nệm, chăn gối, đến các tiện nghi ở nơi Hoàng làm “khách không mời” trú ngụ thì Hoàng mới chỉ nhìn thấy ở trong phim ảnh ti vi thôi. Hoàng nghĩ Kiên đặt cho nơi đây cái tên Bồng Lai kể có hơi ngoa ngôn nhưng cảnh quan quả là cũng phong lưu, thơ mộng thật.
Một buổi sáng sau bữa điểm tâm, người quản lý khu trại là một thanh niên vóc dáng thư sinh, mắt đeo kính cận, phong thái lịch lãm đến mời Hoàng ra ngoài thăm thú cảnh vật. Hai người dạo bước khắp các cánh rừng quế, rừng hồi được trồng ngay hàng thẳng lối trên các mái đồi đất pha sỏi, cây nào cây nấy đã đua cành, xòe lá màu lục sáng. Không gian buổi sớm mai thật thanh sạch, sực nức mùi thơm của hương hoa bung nở trên các cây trưởng thành khiến lòng Hoàng phấn chấn lạ thường. Hoàng hào hứng đưa ra một nhận xét cũng là có ý hỏi người thanh niên quản lý khu trại: Chủ nhân của nơi này phải là một người có tầm nhìn xa trông rộng lắm nhỉ? Nghe nói ông ta là một dị nhân, kỳ nhân gì đó phải không?!
Lần đầu người quản lý thấy vị khách lạ trầm lặng, ít nói bỗng nhiên hôm nay cười nói vui vẻ, thậm chí còn nức nở khen ngợi chủ nhân của khu trại này liền say sưa kể.
…“Ngày đầu anh Xuyên đến xin khai khẩn vùng đồi trọc cằn khô này thì các vị chức sắc sở tại cũng nghi ngại lắm đấy ạ. Người ta nghi ngại, người ta ngạc nhiên không tin có thể cải tạo được nơi hoang vu này. Thậm chí họ còn cho rằng đề nghị của anh Xuyên là viển vông, là không tưởng. Hơn nữa, anh là một người lạ hoắc mãi xứ nào chưa ai tường tỏ lai lịch, tính nết ngoại trừ cái chứng minh nhân dân và tờ giấy xác nhận chưa có tiền án tiền sự nào thôi. Còn mục nghề nghiệp “trồng trọt” thì tạm tin được, bởi nước mình có đến chín mươi phần trăm là nông dân nên chắc anh ta chẳng khai man trá làm gì.
Các vị chức trách sau một hồi rì rầm hội ý bàn thảo với nhau, một vị chắc là người có quyền lực cao nhất nghiêm giọng phán quyết: Bằng vào giấy tờ của người này, chúng ta có thể tin nguyện vọng của đương sự là thật lòng. Rồi ông nói thêm rằng: Chủ quan mà xét nhìn vào dung mạo đường hoàng, nói năng thật thà, tha thiết và đôi mắt sáng rực luôn nhìn thẳng kia, tôi tin rằng chàng nông dân này là người có bản lĩnh kiên định và rất trung hậu đấy. Đoạn ông nhìn anh Xuyên, giọng quả quyết: Chúng tôi đồng ý nguyện vọng của anh. Hãy kiên định nhé. Chúc thành công!
*
Người quản lý cùng Hoàng leo lên đỉnh ngọn đồi cao nhất của khu trại. Nơi đây có căn nhà được dựng theo kiểu đài quan sát của cánh quân sự xinh xắn. Từ trên căn chòi, Hoàng và người quản lý có thể phóng tầm mắt nhìn khắp bốn phương tám hướng xa tít tắp đến tận chân trời. Cảnh quan khu trại hiện ra như bức bích họa thủy mặc hoành tráng, lung linh, rỡ ràng dưới ánh nắng vàng tươi. Và sắc xanh của rừng cây hòa cùng màu nước bạc long lanh của hồ nước mênh mông khiến cảnh vật nơi đây đẹp như trong giấc mộng giữa ban ngày.
Người thanh niên chờ đợi phút đắm chìm vào tinh hoa trời đất của Hoàng qua đi, cậu thong thả kể tiếp: Một lần anh Xuyên nói với em, hình như trời đất xui nhủ từ kiếp trước rằng anh hãy đến khẩn hoang, lập nghiệp ở nơi này.
Và sau vài năm bốc đá, đào đất ngăn đập, khoanh hồ thì như có phép màu, nước từ mãi đâu đó trong lòng núi chảy ra rồi đọng lại cùng với nước mưa từ trên trời trút xuống tạo thành hồ nước mênh mông ngọt lành giữa khu trại. Rồi anh Xuyên đi mua cá từ các trại giống dưới xuôi lên đổ xuống hồ nuôi. Có nước dưới hồ, anh nổ máy bơm kéo nước lên tưới vào các gốc cây mới trồng trên đồi. Rồi cây lớn lên rất nhanh nảy cành, bật lá xanh mướt. Có nước tưới ẩm mặt đồi thì cỏ đua nhau mọc lên xanh rì. Anh Xuyên vào tận Hà Tĩnh mua đàn dê về chăn thả. Phân dê tản ra khắp mặt đồi khiến cho cỏ tốt bời bời. Dê được ăn no, lớn nhanh lại rất mắn đẻ, chẳng mấy chốc sinh ra thành đàn dê đông đúc đến mấy trăm con anh ạ.
Hoàng mê mải đăm đắm nhìn khu trại lẩm nhẩm tự nói một mình: Tôi nể trọng anh lắm lắm anh Xuyên ạ.
*
Nhưng rồi Hoàng phải về thành phố H mà chưa gặp được người mang biệt danh kỳ nhân, dị nhân kia vì lý do bất khả: Vợ anh, Vân gặp tai nạn rủi ro phải vào nằm viện.
Đưa Hoàng về là một người lái xe già vui tính, mẫn cán với công việc và hết lòng quan tâm chăm sóc Hoàng. Trên đường từ khu trại Bồng Lai về H đâu có dài mà người lái xe dừng lại bắt Hoàng ăn uống, nghỉ ngơi đến ba lần. Và ông còn luôn miệng động viên Hoàng đừng lo lắng quá, chắc chị nhà không sao đâu mà. Nhưng thử hỏi Hoàng yên lòng sao được khi Vân đang gặp hiểm nguy, cận kề sống chết cơ chứ. Hoàng bảo người lái xe: Bác làm ơn cho xe chạy nhanh lên chút nữa được không? Vợ tôi…
Người lái xe nhìn Hoàng, mỉm cười: Tôi tăng ga ngay đây, chẳng mấy mà đến chỗ chị nhà đâu anh ạ.
Chiếc xe tăng tốc lướt đi như tên bay. Hoàng đang thiêm thiếp ngủ vùi vì mệt mỏi thì người lái xe lay vai đánh thức anh dậy. Hoàng choàng tỉnh, trước mặt Hoàng là một căn nhà mới xây đẹp y như một bức hình in trên tờ họa báo. Phép lạ nào biến hóa một gian nhà tường vách long lở, lụp sụp tối tăm, vá víu chằng đụp ngày xưa để bây đổi khác như thế này?
Nhìn vật thể hoàn toàn có thực trước mắt mà Hoàng ngỡ như mình đang mơ vậy. Lòng dạ Hoàng châng lâng, ngỡ ngàng, chộn rộn mừng vui khôn tả.
Cơn xúc động cực điểm nơi tâm tưởng Hoàng dần lắng xuống, anh tự giận mình là kẻ vô tâm bất nhã với người lái xe già. Đến giờ Hoàng vẫn chưa biết tên ông. Ông đi từ lúc nào mất rồi. Mắt Hoàng lại đăm đắm dõi về cõi trời xa…
Từ trong ngôi nhà mới tinh xinh xắn, Vân cùng hai con chạy ùa ra đón Hoàng, nói cười ríu rít. Hoàng giang tay ôm choàng lấy vợ và hai con trong niềm vui đoàn viên.
*
Nhiều năm qua, Hoàng đôn đáo đi khắp nơi tìm người ẩn danh tốt bụng mong được nói lời tạ ơn nhưng chịu không lần ra dấu tích. Hoàng cũng nhiều lần lên khu trại Bồng Lai vì Hoàng ngờ rằng rất có thể chính người này là ân nhân của gia đình mình. Nhưng khu trại bây giờ trở thành trung tâm dưỡng lão. Người ta bảo ông chủ đã hiến toàn bộ khu trại tặng lại địa phương. Hiện không ai biết ông chủ khu trại cũ ở đâu nữa.
Hoàng đi tìm Kiên, Hoàng nghĩ chỉ có Kiên may ra mới biết được quý nhân. Nhưng Kiên cũng không còn ở Hà Nội nữa.
Đến cuối tháng Chạp năm ngoái, Hoàng ngồi xem chương trình truyền hình “Ký ức thời gian”. Khách mời trong buổi giao lưu ấy là một cựu chiến binh chiến đấu ở biên giới phía Bắc thế kỷ trước.
Người khách nói: “Tôi có nhiều tháng ngày chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên khốc liệt bảo vệ biên cương của Tổ quốc mình. Tại mặt trận này, rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống không trở về nơi mình sinh ra… Để ghi nhớ những tháng ngày làm lính trận, để nhớ công ơn cứu mạng của một người đồng đội, tôi đã xin được thay họ đổi tên mình: Lại Vị Xuyên thay cái tên Trần Quang Điển mà hai bậc sinh thành kính yêu của tôi đặt lúc tôi chào đời. Tôi trân trọng và biết ơn cái tên này. Cảm ơn chương trình đã cho tôi niềm vinh dự, cho tôi cơ hội để tri ân với các đồng đội tôi và tất cả mọi người”.
Ôi! Ân nhân đây rồi… Hoàng thốt lên nghẹn ngào nói với vợ con mình. Lại Vị Xuyên chính là kỳ nhân, dị nhân – Trần Quang Điển đó Vân ơi, các con ơi!
Nước mắt của Hoàng, của Vân không ngừng ứa ra ướt đầm hai khuôn mặt võ vàng dầu dãi vết thời gian.