Năm 1958, Nhà văn Thép Mới đã phối hợp với đạo diễn Ba Lan trong một đợt làm phim. Ông trực tiếp tham gia viết lời bình cho bộ phim và cây tre bình dị, gần gũi đã được lựa chọn làm biểu tượng cho sức sống của dân tộc Việt Nam.
Năm 1958, một đoàn điện ảnh của Ba Lan đã đến nước ta để làm một cuốn phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ và hào hùng của nhân dân Việt Nam. Trọng tâm của cuốn phim ấy là tìm hiểu, giới thiệu hình ảnh Việt Nam, một đất nước tươi đẹp với những con người ngoan cường tới bạn bè thế giới. Nhà văn Thép Mới đã phối hợp với đạo diễn Ba Lan trong đợt làm phim này. Ông trực tiếp tham gia viết lời bình cho bộ phim và cây tre bình dị, gần gũi đã được lựa chọn làm biểu tượng cho sức sống của dân tộc Việt Nam. Cây tre Việt Nam đã ra đời trong hoàn cảnh ấy, vừa là thuyết minh cho bộ phim cùng tên, vừa là tùy bút tiêu biểu cho văn phong bình luận của Thép Mới, đồng thời ghi dấu một trong số những tác phẩm thành công sớm của văn học cách mạng.
Sau Thép Mới, năm 1973, nhà thơ Nguyễn Duy cũng là người có được thành công rực rỡ với bài thơ Tre Việt Nam: Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh… Có lẽ, cả hai tác giả này đều là người được giao sứ mệnh cất lên tiếng nói của cây tre như một biểu tượng hồn cốt của dân tộc Việt, con người Việt, một trong văn xuôi và một trong thơ. Bởi cả hai tác giả đều nghiệm ra sức ẩn chứa tiềm tàng những giá trị Việt Nam từ ngay hình ảnh thân thuộc ấy. Nhưng cây tre có phẩm chất gì gợi liên tưởng đến giá trị Việt Nam, hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế đến mức trong “nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau”, người ta lại chỉ chọn cây tre như một tụ hội của tất cả các phẩm chất của con người Việt Nam, hồn cốt của dân tộc Việt Nam? Thép Mới đã từng bước phân tách cho bạn đọc thấy được những đặc tính của cây tre trong so sánh với các phẩm chất của con người.
Biểu hiện đầu tiên khiến cây tre có thể trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam chính ở chỗ nó là loài cây thân thuộc với con người Việt Nam. “Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam”. Ngay vào bài, Thép Mới đã khẳng định một điều chắc nịch như thế. Khẳng định ấy ngày càng thuyết phục khi Thép Mới đưa ra những dẫn chứng để xác minh cho quan điểm của mình.
Thứ nhất, dù vẫn biết Việt Nam là đất nước bốn mùa cây trái, loài cây nào cũng đẹp, cũng quý nhưng suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trên dải đất hình chữ S thân thuộc đến tận các hải đảo xa xôi, “đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”. Bởi tre hợp thủy thổ Việt Nam. “Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mần non mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt”. Liệu có loài cây nào trên đất nước Việt Nam ta có sức sống mạnh mẽ và bất diệt hơn cây tre? Liệu có loài cây nào đã được hiện diện oai hùng trong huyền thoại ngay từ những ngày lập nước như cây tre của Thánh Gióng? Liệu có loài cây nào được hiện diện gần gũi trong các câu chuyện cổ tích suốt chiều dài dựng nước như cây gậy trúc của ông Bụt hiền từ? Liệu có loài cây nào đến tận ngày kháng chiến hôm nay vẫn vươn mình chở che cho các anh lính cụ Hồ trên đường công tác, để có nhà thơ cất lời ca ngợi “bóng tre trùm mát rượi”? Cây tre vì thế, gắn bó ruột rà với mỗi người dân Việt Nam.
Tre hiện diện trong cảnh quan thiên nhiên, tre còn đi vào tâm thức văn hóa dân tộc theo suốt chiều dài lập làng, dựng nước. “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta giữ gìn một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”. Thép Mới đã vinh danh cây tre Việt Nam bởi tất cả sự tham dự của nó vào đời sống văn hóa Việt Nam. Dưới bóng mát của tàng tre, người dân Việt Nam đã sinh thành, khôn lớn để đến tận lúc ốm đau, già chết lại trở về với gốc lúa bờ tre hồn hậu. Ngày xưa là thế, lúc này là thế và mãi sau này cũng vẫn là như thế:
Mai sau…
Mai sau…
Mai sau…
Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh
(Nguyễn Duy)
Tre gần gũi với con người trong lao động sản xuất hàng ngày. Từ đôi quang, chiếc đòn gánh, cán cuốc, tay hái, tay liềm, cối xay, dần, sàng, thúng, mủng… Sống với ruộng đồng, bờ bãi, rặng tre, người dân đã đúc rút rất ý vị: Cánh đồng ta năm đôi ba vụ/ Tre với người vất vả quanh năm. Tre thành vật dụng dựng cửa, dựng nhà, dựng nên mái ấm. Tre thành nôi êm ru giấc trẻ trưa hè. Tre thành nguồn vui cho trẻ thơ từ chiếc thuyền lá tre đến que chuyền đánh chắt, cánh diều, chiếc sáo. Lớn lên, tre bắc cầu cho tình duyên đôi lứa. Dưới bóng trăng thanh treo đầu ngọn tre, các chàng trai cô gái trao nhau những lời ca giao duyên e thẹn, hồn nhiên, trong sáng: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng được chưa? Còn khi đôi lứa đã bén duyên tình, lời ca càng trở nên quyến luyến: Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng… Và đến khi con cháu đầy đàn, chàng trai năm xưa đã trở thành lão nông thực thụ, có thể sẵn sàng vớ ngay lấy chiếc điếu cày tre thở một hơi khói thuốc làm vui và ngắm nhìn thành quả vun vén của cả đời mình…
Với tất cả những lý do ấy, Thép Mới đã đúc kết: “Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy”. Tre là bạn với người Việt là như thế, tri kỉ với người Việt là như thế nên tre cũng mang những phẩm chất của người bạn Việt Nam chung thủy của mình.
Như con người Việt Nam, “dáng tre vươn lên mộc mạc, màu tre xanh tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc”. Có người dân Việt Nam nào không mang phẩm chất ấy: bình dị, chất phác, ôn hòa, nhu thuận, bền bỉ, gan góc, kiên cường,… Vì thế, “tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người” và con người Việt Nam “như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất”. Tre và người, do đó, tuy hai mà một, xoắn quyện hài hòa.
Tre trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng bất khuất của người dân Việt Nam. Tre tham gia vào thành tích chống giặc Ân của cậu bé làng Phù Đổng. Tre tham gia vào thành tích bãi cọc Bạch Đằng đời Lý – Trần, vào trận chiến Chi Lăng, Xương Giang đời Lê, vào chiến công thần tốc mùa xuân năm Kỷ Dậu của người anh hùng áo vải Quang Trung,… Tre tầm vông dựng lên thành đồng Tổ quốc. Hào khí của tre, của thắng lợi, của niềm tự hào tự tôn dân tộc đã khiến Thép Mới cất lên lời ca hào sảng: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái lều tranh, giữ đồng lúa chính. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”. Còn lời ngợi ca nào hơn việc vinh danh anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu cho cây tre Việt Nam, cho con người Việt Nam trong kỉ nguyên hòa bình tiến bộ của con người, của nhân loại.
Nhưng tre không chỉ anh dũng, hiên ngang, kiên cường, bất khuất; tre còn thiết tha, bay bổng, diệu kì. Đó cũng là phẩm chất của con người Việt Nam, vừa anh hùng vừa duyên dáng, vừa sục sôi chiến đấu vừa rất mực thướt tha. Viết về khúc nhạc đồng quê của tre trúc, về nốt lặng của bản hùng ca đất Việt, về điệu trầm của bài ca người Việt, lời văn của Thép Mới ngân nga, dìu dặt:
“Diều bay, diều lá tre bay lưng trời…
Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…
Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…”.
Quả thật, đó là tiếng hát của một niềm vui bất tuyệt, là nhạc lòng của con người yêu đắm đuối xứ xở Việt Nam tươi đẹp này. Và càng yêu thì người ta càng có thêm niềm tin, càng giàu ước vọng. Và trong các ước vọng ấy, có điều gì thuyết phục hơn vào tương lai của thế hệ măng non đất nước. Giống như búp măng, những trẻ em Việt Nam sẽ vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao vinh quang, góp phần dựng xây đất nước, cống hiến cho thịnh vượng và hòa bình thế giới. Những câu văn cuối bài chợt trở nên thủ thỉ, tâm tình mà vẫn không dấu được niềm vui hồ hởi:
“Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt.
Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình.
Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi”.
Giọng thuyết minh phim đã ít nhiều tác động đến giọng văn trong tùy bút hay chính sự giàu bản sắc của tre nứa đã làm nên giọng văn khi mạnh mẽ khi du dương, khi đanh chắc khi mềm mại, khi lên bổng khi xuống trầm như vậy? Có lẽ cả hai. Nhưng dù giọng văn có biến ảo thế nào, vẫn có một âm thanh xuyên suốt, điều hòa các thanh âm trái chiều ấy. Đó là tình yêu với cây tre Việt Nam, với con người Việt Nam, với đất nước Việt Nam. Bởi hơn tất cả mọi điều, cây tre là “tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”.
(Nguồn: Tạp chí Nhà văn số 9/2012)