Tháng bảy rằm này nhờ hương khói/ Gửi về dưới chị mấy lời thưa…
Tác giả Đàm Khánh Phương (Hà Nội)
Bài 01: VIẾT CHO CON NGÀY LẤY VỢ
Tặng con Đỗ Nguyễn Hoàng Quân
Cha từng đổi câu thơ thành tã lót
Ấp ủ cho con ngày tháng năm ròng
Đổi lấy gió mát lành trưa nắng rát
Đổi than hồng sưởi ấm những chiều giông
Nhưng chẳng thể nào cha đổi con lấy hình dáng khác
Dẫu dáng hình kia được tạc bằng vàng
Bởi cha biết máu trong vàng rất lạnh
Vàng không là đồng nghĩa với cao sang
Con hãy giữ tình yêu làm báu vật
Sống thân thương ân nghĩa với cuộc đời
Tình yêu sẽ cho con nhiều thóc gạo
Cho con nhiều quả ngọt với hoa tươi
Bài số 02: TIẾNG HÁT
Mấy đời bánh đúc…
Tháng bảy rằm này nhờ hương khói
Gửi về dưới chị mấy lời thưa
Từ khi vắng chị nhà trống giột
Sớm tối em về che nắng mưa
Ơn giời các cháu dần khôn lớn
Hai chị em ta sắp sửa bà
Thương em con nó càng nhớ chị
Sáng lại nét cười trong mắt cha
Bánh trái ai dè nỡ vướng xương
Lời xưa thầm trách kẻ hẹp đường
Trẻ thơ lỡ tuột vòng tay mẹ
Đã đến tay mình ai nỡ buông
Chị cứ bình yên ở dưới này
Cuộc đời như chiếc lá thu bay
Ru con chị hát ngàn năm trước
Nâng cháu giờ em xin đỡ tay
Bài số 03:TÌNH KHÚC NGƯỜI LÍNH ĐẢO
Anh đi xa lại thêm một cái Tết
Về gõ cửa giữa đêm trừ tịch
Có đêm nào ngắn như đêm nay
Từ cái tuổi biết thức đêm, anh mới đọ ra
cái chiều sâu đáng sợ của một ngày
Tình yêu vốn như cây xuân ra lộc
Trăm thứ ngọn bật lên từ một gốc
Một thoáng xuân chợt đến bên thềm
Ngỡ là ai lại hóa chính là em
Không phải là tiên đâu, là người thôi anh biết
Thịt da em một nửa bằng hương còn nửa kia bằng tuyết
Đẹp hay không xin thiên hạ cứ bàn
Của anh – em đã gần
Thế cũng đủ là xuân
Xuân là em, em là xuân, chẳng biết
Nhưng đã có em rồi là có Tết
Đã có em, không Tết cũng không cần
Bốn bề em – chạm phải cứ là xuân
Rồi đến lúc xuân vào nôi con nhỏ
Và đến lúc em về cùng hoa cỏ
Đừng buồn nhé em ơi,
Lẽ hóa sinh trời đất vốn vô cùng
Em là sen: anh say cái nồng nã não nùng
Em thành huệ: anh thương màu trắng lạnh
Phải từng đi xa, phải là người lính
Mới hiểu hết cái vô cùng sức mạnh
Trong cánh tay người vợ trẻ hậu phương
Khi họ trả anh về với chiến trường