Chùm thơ dự thi số 46: Lê Huyền (Hòa Bình), Lê Văn Hảo( Phú Yên), Lê Vũ Trường Giang (TP.Huế)

Mang đến chút hương quê man mác rưng rưng thương nhớ với những hình ảnh thân quen vùng cư dân Bắc bộ qua chùm của Lê Huyền. Vẫn là quê hương con người và cảnh vật, nhưng Lê Văn Hảo có cái nhìn khá thấu về nỗi cô đơn, sự đớn đau neo bám trong tâm hồn và điều linh diệu kết tụ lại từ cha và mẹ.  Lê Vũ Trường Giang (TP.Huế) với cách diễn ngôn gợi sự khác lạ, nhưng vẫn là những cảm nhận ứa nghẹn của trái tim về cuộc đời về thế sự.

Chùm thơ dự thi số 46, có sự góp mặt của ba tác giả họ Lê, họ mang đến chút hương quê man mác rưng rưng thương nhớ với những hình ảnh thân quen vùng cư dân Bắc bộ qua chùm của Lê Huyền. Vẫn là quê hương con người và cảnh vật, nhưng Lê Văn Hảo có cái nhìn khá thấu về nỗi cô đơn, sự đớn đau neo bám trong tâm hồn và điều linh diệu kết tụ lại từ cha và mẹ.  Lê Vũ Trường Giang (TP.Huế) với cách diễn ngôn gợi sự khác lạ, nhưng vẫn là những cảm nhận ứa nghẹn của trái tim về cuộc đời về thế sự.

vanhaiphong trân trọng giới thiệu.


Lê Huyền (Hòa Bình)

CỔNG LÀNG

 

Cổng làng phủ mốc hoa cau

Sớm mưa trưa nắng trước sau gió lùa

Đêm khuya thảng thốt chuông chùa

Cổng làng giục giã trống mùa canh đê.

 

Nắng trưa xém mặt lá đề

Gió đâu hây hẩy cổng quê ta ngồi

Nón che chỉ được em thôi

Cổng làng che cả một hồi nắng to.

 

Trời xa

Cánh vạc

Cánh cò

Miết mê, miết mải

Quay dò

Cổng quê…

 

 

TRÁI MÙA

 

Nắng vàng vẫn trải hanh heo

Sương đêm ướt lạnh xóm nghèo ven sông

Phượng già ngủ giữa phố đông

Ao sen lác đác nước đồng mặn chua

Đằng xa vọng tiếng chuông chùa

Lạc trong gió thoảng trái mùa , hạ ơi…

 

 

NGƯỜI LÀNG

 

Người làng

Gọi : Biểu

Thưa : Gì

Không quen cũng dạ chi chi cũng mừng

Giận thì dẫm bóng sau lưng

Chửi như đánh dậm giữa chừng lại thôi.

 

Biết nhau từ thủa nằm nôi

Chia từ củ sắn, oản , xôi lễ chùa

Nhà tranh , vách đất , gió lùa

Càng thương càng nhớ những mùa heo may…

 

Lê Văn Hảo( Phú Yên)

 

QUÊ HƯƠNG

 

Quê hương eo óc miền trung

Mưa dầm lũ quét nắng nung mặt người

Bát cơm đội đá vá trời

Úp mặt xuống đất ru lời sắn khoai

Hồn treo con sóng chơi vơi

Biển xanh tôm cá hẹp hòi vòng tay

cháu con cơm áo lất lay

Sông quê bến lở mà cay đắng lòng

Mẹ cha tay tập tầm vong

Tay không tay có điếm đong cái nghèo

Nợ nần năm tháng đi theo

Mẹ tôi lặn lội gieo neo xó người

Trời tròn đất méo con ơi!

Nón mê  che mặt khóc đời bể dâu

Ba hồn chín vía tìm nhau

Nghe câu dí thá mà đau đớn lòng

 

 

 

BẢY SẮC CẦU VÒNG

 

Tôi viết bài thơ phía hoàng hôn

Và cầm sợi tóc trổ màu

Cấy vào nhịp thời gian

cha tôi

lão nông dân đen trạy

Bám chắc mỏ cày

Vỡ đất

Lo vụ mùa

Chạm mặt dòng sông

Bên nào cũng lở

Người đàn bà

Mẹ tôi

Chèo mủng đêm đông đặc quánh

Nhìn cánh bèo

Mơ ngôi nhà

Bập bềnh tiếng trẻ

Loang chảy thời gian

Đời gọng vó nuôi con èo uột

Hun lên bóng tối mùa trăng

Tảo tần

Kế tự

Rớt xuống bàn chân giọt mồ hôi hạnh phúc

Ánh sáng đời mẹ

Trôi trên môi bảy sắc cầu vòng

Mang hình lập thể

Giao cảm hai chiều

Tận cùng

…con

 

 

GÁC TRỌ

 

Không gian rộng

Chùng trong lòng lữ khách

Đêm trắng lòng vỡ mắt một mùa yêu

Tôi gom lại những rẻo tình lưu lạc

Ảo ảnh ngày sau trả mộng vô thường

Bóng nguyệt xưa

Bốn mùa rêu phủ mặt

Chợ phong tình thấm lạnh một bờ môi

Duyên tiền định ai vây đầm Dạ Trạch

Rót vai gầy gió lạnh tháng ngày đau

Tôi lữ khách

Em cũng người viễn xứ

Hai quả tim chắp chới một cung đời

Em chăn ấm tôi nghiêng lòng thấm lạnh

Em lụa là tôi gác trọ đìu hiu

Em nguyệt thực

Hay tình tôi bội thực

Hững hờ khép lạnh một bàn tay

Viên đá trọ chiều nay tôi lăn mãi

Cát bụi nào trầm tích trái tim côi

Đời đơn lẻ

Một loài chim di trú

Vạc gọi chiều khản giọng một mùa bay

Chung rượu đắng đợi chờ trong đêm tối

Ai tiển ta lạc bóng một người đi

 

 

 

Lê Vũ Trường Giang (TP.Huế)

 

 

Chết từ chiêm bao

 

em chèn giấc mơ phía sau núi đồi khuyết tuổi

mọc ngược vầng dương rớt xuống đồng khô

những con ngựa đôi chân dài nghìn dặm

cất vó buồn bát ngát cỏ hoang

dăm ngôi nhà biết đi bằng đôi chân khẳng khiu vẹt gỗ

mặc cho những chiếc áo khô mấy xuân tàn

 

mặt tôi nở bung gối trắng

mây bay qua đầu lịch xịch chiều nay

dát lên hình hài cánh đồng gió

gương mặt nửa mùa xanh lá cỏ

con đường mềm vắt ngang mắt em

cây đỏ như máu

ngôn ngữ nín câm chực nổ

chữ chua cay tóc thề xõa chảy

rũ rượi tôi cạn gió tuổi buồn

mặc nguồn cơn lên đêm điên dại

nỗi cô đơn khoét vách đi hoang

 

Kinh đắng

khi thần Vâyu đặt bàn tay gầy lên ngọn tháp rượi hồn xứ sở

gạch cũ thầm thỉ dưới bóng hoa

chuyện những người lạc xứ không về

tìm đâu bóng nhạn chao nghiêng bờ khuyết sử

Bố Gia La[1]

hạt cây Kraik tha hương

 

nàng ngồi đây dòng kinh lạnh buốt

tiếng mõ già lả tả mùa thu

Baranâng lạc nhịp đồi hoang

Dauhrohnưk[2] chết thiêng giấc ngủ

xác hoa tàn thần Vâyu có mang về

kinh đắng chảy tràn cả thu tang

 

Kinh cầu cho tiếng thở dài

 

dòng trường ca chết bên sông

lưỡi buông thườn thượt

bên lời hát cánh buồm

những quầng trời đỏ môi phượng vĩ

mùa hè như điên

giãy nảy bạt ngàn linh hồn vao vất

những quả tim tẩm mực

chất đầy trong sọt rác

và ta nhặt từ đó

chiếc khuyên lưỡi hippi

không thấy chiếc cầu rơi tỏm xuống dòng sông chết lặng

bởi vũ điệu của loài chim sắt háo máu

giẫm đạp lên ngực đồi phế tích

không thấy cả con đường đâm ngang ngực loài bội phản

để những chiếc lưỡi tự do

đo chiều dài chân lí

 

chúng hoảng loạn tìm xuân

gió chướng tràn qua phố

hàng cây giật mình thức giấc

trong nấm mồ chung

mặt người thức huyên thuyên trần tình

về phút giây cuối cùng của ánh mặt trời

rục muỗng rèm mi

giá như có một chiếc chổi mầu nhiệm

quét sạch những chiến đoàn ra tận đại dương

sẽ không có tiếng súng

trộn lẫn tiếng pháo giao thừa

 

khi nói lên điều này

người đàn bà cuối cùng của làng góa

thành ma thuyền nhân bể sâu Thái Bình

 

 


[1] Bố Gia La là một vương phi của Champa bị vua Trần Thái Tông (1225-1258) cướp về năm 1252, từ đó lưu lạc nơi đất khách.

[2] Điệu hát ru Champa

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder