Ve đã lịm báo hết mùa dâng lửa…
Vào thu
Ve đã lịm báo hết mùa dâng lửa
muôn trùng xanh ngơ ngẩn vệt khói bông
đến cuối đường mòn chiều tụ vàng bậu cửa
đom đóm đốt đèn… mưa sao rụng đầy sân.
Đất thở trắng hơi sương đêm cuối hạ
trong ngào ngạt hương vườn da thịt thấy mềm thơm
ao vơi nước trong veo sen thì thầm rạc lá
chút gió se gỡ rối tóc tre làng.
Ai quên chiếc liềm trăng giữa đồng trời tím thẫm?
anh thơ thẩn tìm sông giăng lưới vớt ngày xưa
sóng lấp lánh rủ mùa thu cập bến
tiếng gọi đò khuya lay thức cả đôi bờ.
Hương bùn
Thú nhận điều này có kẻ chẳng tin đâu
rằng một chút hương bùn quê đã làm ta tồn tại
cái mùi hương đồng làng ngai ngái
nơi mồ hôi mẹ rơi xuống đất bạc màu
nơi mảnh trăng cong em vín đợi bên cầu
quả khế chua rụng vào câu chuyện cổ
rơm rạ ủ ấm người khi trở gió
ngàn năm che mưa nắng dãi dầu.
Thú nhận điều này có kẻ chẳng tin đâu
giữa son phấn, nhạc màu trà dư tửu hậu
quyền lực nghiêng trời tiền như vỏ trấu
hương bùn quê vẫn phảng phất trong đầu
nhắc làng xưa gương mặt nát nhàu
cơn đói tháng ba, nước sa tháng bảy
lũ trẻ cởi trần đội mưa đi bắt chấu
tiếng nhị buồn ai kéo suốt mùa ngâu…
Thú nhận điều này có kẻ chẳng tin đâu
rằng hương bùn trong ta đã thấm vào máu nóng
bằng sắc,công danh đều có hồn quê kiểng
xao xác gió đồng một thuở chăn trâu.
rằng dù ta danh giá giữa sang giàu
và nếu được một lần sinh trở lại
vẫn chẳng thể quên mùi hương bùn ngai ngái
nơi ruộng cạn cha cày, mẹ cấy đồng sâu.
Lời rao trên phố
Đặt đời trên gánh hàng rong
chiều rơi vẫn phải long đong gánh chiều
vẫn chân nam đá chân chiêu
thân cò chìm nổi, dặt dèo… phố đông
Bụi đời sa giữa bão dông
ngàn đêm lòng tự hỏi lòng nguồn cơn?
đôi vai gió ép lệch mòn
bới tìm từ nắng, đãi bòn từ mưa
Tiếng buồn động cửa sớm trưa
cầm tay mớ tuổi già nua… giữa đường!
lời rao bạc trắng gió sương
chùn chân chưa hết đoạn trường thế gian.
NĐM