Chuyện bằng cái móng tay thách thức bí thư Đinh La Thăng – Bùi Hoàng Tám

Vụ cách chức Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn so với nạo vét luồng Soài Rạp có lẽ còn bé hơn “cái móng tay” nhưng lại là một thách thức không nhỏ mà Bí thư Đinh La Thăng phải vượt qua để “đột phá”…

 

 

Vụ cách chức Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn so với nạo vét luồng Soài Rạp có lẽ còn bé hơn “cái móng tay” nhưng lại là một thách thức không nhỏ mà Bí thư Đinh La Thăng phải vượt qua để “đột phá”.

Trước khi bàn về thách thức với Bí thư Thăng, xin thông báo một thông tin cũng rất nhỏ. Đó là ngày 7/6, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã họp và thống nhất chỉ đạo Sở GTVT cách chức Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Lê Sáu cùng Phó giám đốc cảng này.

Lý do, là những sai phạm xung quanh vụ đắm tàu du lịch Thảo Vân 2 ngày 4/6 làm 3 người thiệt mạng.

Việc cách chức một cán bộ khi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như thế này là điều tất nhiên. Thậm chí, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng nếu có.

Thế nhưng ở ta, việc cách chức đã là nặng nề lắm rồi bởi thường thì “kiểm điểm nghiêm khắc” và… “rút kinh nghiệm” là chính.

Tuy nhiên, nói là thế, đề nghị là thế, chỉ đạo là thế nhưng việc cách chức họ lại không hề đơn giản, ví như trường hợp của Bí thư Đinh La Thăng chẳng hạn.

Cách đây 3 tuần (ngày19/5), ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM khi đi thị sát tại huyện Hóc Môn nhận thấy tình hình ô nhiễm ở đây rất nghiêm trọng. Người dân đã đề nghị nhiều lần và nhiều năm, thế nhưng vấp phải sự thờ ơ, vô cảm của những cán bộ liên quan mà trực tiếp chịu trách nhiệm là ông Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Trần Quang Duy. Quá bức xúc, Bí thư Thăng đã đề nghị cách chức ông Duy.

Cứ ngỡ “lệnh” Bí thư, cứ thế mà “trảm”. Nhưng không, bởi không thể đơn giản vì ở ta, muốn kỉ luật ai đều phải “đúng qui trình” và lỗi để cách chức thường phải là định lượng. Trong khi cái tội “thờ ơ”, “vô cảm” thì khó có thể định lượng được vì nó là khái niệm định tính.

Vả lại, việc xử lý kỷ luật một cán bộ cấp Trưởng phòng huyện phải tuân theo Nghị định của Chính phủ. Trưởng một phòng, ban của huyện lại thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch huyện. Giả sử ông chủ tịch huyện không đồng ý thì sao nhỉ? Đó là chưa kể, việc cách chức này còn phải qua một loạt các thủ tục rất và rất nhiêu khê khác nữa ví như thành lập hội đồng kỉ luật, bỏ phiếu đồng ý cách chức hay không…

Tóm lại, muốn cách chức ông Trưởng phòng Duy phải làm rõ ông Duy có khuyết điểm gì? Hậu quả ra sao…? Chứ không thể cách chức vì sự… vô cảm với dân được. Tiền lệ ở Việt Nam, hình như chưa có vị cán bộ nào mất chức vì vô cảm với dân cả.

Vì thế, như đã nói ở trên, đây là việc nhỏ, rất nhỏ nhưng lại là một thách thức không nhỏ với Bí thư Thăng bởi một khi người đứng đầu đã đề nghị, báo chí đã đưa tin, người dân đã biết… Nếu không xử lý thì “mất thiêng” mà xử lý thì chưa chắc họ đã chịu.

Vì thế, có lẽ đã đến lúc phải xem lại qui trình xử lý cán bộ nếu muốn có bước đột phá bởi như lời ông Thăng nói ngày 20/5 trong buổi làm việc của lãnh đạo TP HCM với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Khi nói về việc nạo vét luồng Soài Rạp, ông Thăng nói: “Chuyện bé bằng cái móng tay mà chưa xong thì làm sao đột phá được. Như thế thì chỉ có đột tử thôi chứ không thể đột phá được”.

Vụ cách chức Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn so với nạo vét luồng Soài Rạp có lẽ còn bé hơn “cái móng tay” nhưng lại là một thách thức không nhỏ mà Bí thư Đinh La Thăng phải vượt qua để “đột phá”.

Không biết kết quả vụ này thế nào? Liệu có cách chức được hay lại bài toán thuyên chuyển cho… “dĩ hòa vi quý”, hòa cả làng?

B.H. T

(Nguồn Dân Trí)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder