CHUYỆN LY KỲ VỀ MAO TÔN ÚC – Truyện dài của BÃO Vũ (Kì 9)
Vanhaiphong.com: Sau trận kịch chiến bên sông Như Vân, có vẻ Mao Tôn Úc vẫn chưa muốn rời Lý Xá, vì còn thôn nữ Như Vân ở đó. Nếu cứ dùng dằng như vậy, lão tri huyện Dương Đình Hống nghĩ lại thì khó toàn mạng. Chúng tôi đem nỗi lo lắng đó nói với Bão Vũ. Lúc ấy đã là 00h, Vũ vừa ngáp vừa trả lời: “Chết vì một cô gái đẹp như thế cũng đáng. Nếu là Mao Tôn Úc thì tôi chẳng đến Biên Hải hay về Bắc quốc làm gì. Cứ ở lại Lý Xá ngày ngày uống rượu với thịt chim sẻ núi Cô Sơn, ăn canh rau cúc dại trên đồng và tắm nước sông Như Vân, đêm đêm ngồi bên người đẹp trên gò Miếu thần tổ, chả tuyệt thú sao? Nhưng Mao Tôn Úc không phải là tôi. Chuyện tiếp theo sẽ do Úc tự quyết định.” Và ba hôm sau, Bão Vũ gửi đến chương thứ 9.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc thân mến…
CHUYỆN LY KỲ VỀ MAO TÔN ÚC – Truyện dài của BÃO Vũ (Kì 9)
Vanhaiphong.com: Sau trận kịch chiến bên sông Như Vân, có vẻ Mao Tôn Úc vẫn chưa muốn rời Lý Xá, vì còn thôn nữ Như Vân ở đó. Nếu cứ dùng dằng như vậy, lão tri huyện Dương Đình Hống nghĩ lại thì khó toàn mạng. Chúng tôi đem nỗi lo lắng đó nói với Bão Vũ. Lúc ấy đã là 00h, Vũ vừa ngáp vừa trả lời: “Chết vì một cô gái đẹp như thế cũng đáng. Nếu là Mao Tôn Úc thì tôi chẳng đến Biên Hải hay về Bắc quốc làm gì. Cứ ở lại Lý Xá ngày ngày uống rượu với thịt chim sẻ núi Cô Sơn, ăn canh rau cúc dại trên đồng và tắm nước sông Như Vân, đêm đêm ngồi bên người đẹp trên gò Miếu thần tổ, chả tuyệt thú sao? Nhưng Mao Tôn Úc không phải là tôi. Chuyện tiếp theo sẽ do Úc tự quyết định.” Và ba hôm sau, Bão Vũ gửi đến chương thứ 9.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc thân mến.
9. CÁI HÒM SƠN ĐEN
Lại nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc đã dùng “Phán quan bút” mà “cách không đả thương” đại Đô đầu Trình Văn Độ, đệ nhất mãnh tướng phủ Vân Giang, khiến đám quân binh cùng tri huyện Dương Đình Hống kinh hồn bạt vía. Mao Tôn Úc răn đe Hống nếu còn ức hiếp dân lành sẽ bị trừng trị, rồi cho ngựa rẽ xuống bờ sông mà đi thẳng. Tuy vậy, vừa đi Úc vừa run. Nếu Dương tri huyện hoàn hồn nghĩ lại, cho quân truy đuổi thì khó bề thoát thân. Khi đi ngang qua Lý Xá, nhớ tới Như Vân và lời Lý Hương trưởng phó thác, Úc đã dừng ngựa toan rẽ vào. Rồi lại nghĩ, lúc này dân chúng đang tan tác, gặp lại họ khó tránh khỏi sự oán giận. Mà trong dân có kẻ phản trắc nên kế của chàng mới bại lộ; quay về Lý Xá sẽ bị kẻ ấy báo cho quan phủ. Thôi đành lánh đi rồi tính kế sau. Lý hương trưởng tạm thời bị giam giữ, nhưng quan phủ cũng khó kết tội. Nghĩ vậy, Úc thúc ngựa đi thẳng.
Ra đến chính lộ, Úc đi theo hướng Đông, được chừng hơn năm dặm thấy có một ngã ba, không biết rẽ lối nào, bèn đến hỏi một người ngồi bán quần áo cũ ven đường:
– Xin hỏi, đây là đâu?
Người ấy nhìn Úc chằm chằm rồi nhấm nhẳng:
– Ngã ba Tầm, thuộc kinh đô Đại La chứ còn đâu nữa.
Úc nói:
– Xin chỉ giúp lối về thành Biên Hải.
Người ấy sa sầm mặt buông sõng:
– Muốn đi lối nào thì đi.
Úc chưa thông thạo tiếng Việt lắm, nên hiểu là “đi lối nào cũng được”. Bèn cảm tạ rồi chọn lối đường nhỏ vắng xe ngựa. Đi mấy bước, nghe người bán quần áo cũ lẩm bẩm:
– Con mẹ nó chứ, đến đất kinh kỳ thanh lịch mà lấc cấc như thằng ăn cắp.
Úc thúc ngựa đi như không nghe thấy. Nghĩ, không hiểu vì ta không mua bán gì khiến y tức giận hay vì người kinh kỳ lịch sự quá coi trọng lễ nghĩa. Lần sau hỏi đường ta phải cung kính hơn.
Xế chiều, người ngựa đã thấm mệt thì đến một thị trấn nhỏ bên đường gồm những nhà tranh. Úc nhìn quanh không thấy có giếng nước, nhớ ra trong người vẫn còn ít bạc lẻ sót lại từ mấy hôm trước, sau khi bị vét sạch vì cơn giận của thày đội Trọng Sự quân. Úc xuống ngựa, vào một quán trọ nhỏ có bán cơm rượu, gọi một bình trà. Khi chủ quán đem trà đến, Úc đứng lên cung tay lễ phép hỏi:
– Thưa ngài, đây đã là đất Đông Thành chưa?
Chủ quán nói:
– Đây là Đại La.
Úc sợ hãi. Đã đi bao nhiêu đường đất mà vẫn còn ở Đại La, vẫn có thể gặp quan quân truy nã bất cứ lúc nào, liền kêu khẽ:
– Trời, sao Đại La lớn quá, mà đường xá rắc rối vô định, đi mấy ngày rồi vẫn chưa hết.
Chủ quán tỏ vẻ ái ngại, bảo:
– Chắc quý khách từ xa đến. Xứ này trước là châu Man Khê thuộc đất của người Mường, mới nhập vào Đại La. Từ nay, có hỏi đường, quý khách đừng kêu sao vẫn là đất Đại La. Hôm qua có một gã bị người ta đánh trọng thương trước quán này vì cứ cãi đây là Man Khê.
Úc vòng tay xin lỗi, rồi lặng lẽ ngồi uống trà suông. Sực nhớ đến gói bánh khảo của Như Vân, Úc giở ra thấy những phong bánh trắng ngần thơm phức. Ăn một miếng thấy hương vị dịu ngọt, thơm ngon vô cùng. Úc cảm động nghĩ cảnh suốt đêm hôm trước Như Vân đã cặm cụi làm thứ bánh này. Lại thấy trong gói bánh có bọc lụa nhỏ gói một đĩnh bạc ba mươi lượng, kèm mảnh giấy đề:”Chút lòng thành, xin vui lòng nhận”. Úc thầm cảm ơn tấm chân tình của người thôn nữ. Nàng cũng biết Úc chỉ là một hàn sĩ lang thang nên lén giúp chút ngân lượng. Úc bèn gọi cho mình cơm canh và bảo chủ quán lấy thóc cho ngựa Ngọc Ty.
Xong bữa, Úc ngồi uống trà, rồi hỏi chủ quán rất lễ độ, vì sợ người Đại La này phật ý như cái gã bán quần áo cũ bên đường:
– Dám hỏi ngài, bao lâu nữa mới đến Đông Thành?
– Đi ba ngày nữa, qua Man Khê, rồi qua khu Dã Lâm mới hết đất Đại La, từ đấy là địa phận Đông Thành.
Úc lo ngại khi nghe đến tên Dã Lâm, toan hỏi đó có phải là khu rừng có nhiều cọp dữ thú hoang, nhưng lại thôi, e chủ quán nổi giận nghĩ Úc khinh thường đất kinh kỳ là nơi hoang dã. Giờ đã chiều tối, đành ngủ lại quán trọ nghèo này cho rẻ tiền, sáng mai quay lại ngã ba Tầm, theo đường lớn đi Đông Thành. Bèn hỏi thuê một phòng nhỏ rồi đem hành lý lên phòng nghỉ ngơi. Úc nằm ngẫm nghĩ:
Cứ đi mãi mà không qua khỏi Đại La, nay có ba mươi lượng của Như Vân trợ cấp, nhưng lúc này giá cả mọi thứ tăng cao không hiểu có đủ chi tiêu đến thành Biên Hải không. Dọc đường, chuyện ăn uống sẽ trông vào gói bánh khảo và những giếng nước công. Nhưng ban đêm phải vào quán trọ, nằm ngoài trời dễ gặp quan quân tuần tra xét hỏi, hoặc bị bọn lưu manh côn đồ cướp bóc. Rồi khi đến Biên Hải phải có đủ bạc để thuê thuyền. Lại còn chi tiêu vài ngày chờ xuống thuyền về Bắc. Mà nghe đồn gần đây giá phòng trọ và thực phẩm ở Biên Hải tăng rất cao.
Bỗng Úc nhớ ra, trên cổ vẫn đeo một miếng ngọc bội rất quý của Mao tộc truyền lại từ nhiều đời, gọi là “Ngọc bảo mạng.” Gặp cơn bĩ cực thế này đành phải bán vậy. Thà về Bắc bằng đường biển không có ngọc bảo mạng bên mình còn hơn ở lại Vạn Xuân ngày nào, gặp họa ngày ấy. Cũng đành mang tội bất kính với tổ tiên.
Nghĩ thế, liền xuống đường đi tìm nơi bán ngọc bội. Úc vào một nhà hàng bán đồ trang sức hỏi. Chủ hiệu có vẻ là người trung hậu, nhìn qua miếng ngọc bội, sửng sốt nói:
– Bảo vật hy hữu trên đời, không dưới ba ngàn năm trăm lượng bạc. Tiệm mọn sao đủ tiền mua đồ quý này. Quý khách muốn bán được giá hãy trở lại ngã ba Tầm, đi theo lối đại lộ chừng nửa dặm, đến Đại lầu “Thanh Hồng Đổ trường”, nơi ấy mới đủ tiền mua thứ này.
Lại nói thêm:
– Giữ báu vật trong người, quý khách nên chọn đường lớn mà đi. Nếu cứ theo đường này sẽ đến Dã Lâm, tuy vẫn là đất Đại La nhưng hoang vu, có bọn lục lâm hắc đạo hoành hành. Mới hôm qua, quan binh ở đấy tìm thấy hai xác người bị chém nát. Nghe nói bị cướp giết, nhưng cũng có người bảo, vì làm đơn cáo giác nhũng lạm nên bị sát hại.
Úc hoảng sợ, cảm tạ người chủ hiệu tốt bụng rồi về quán trọ. Qua mấy ngày hao tổn tâm lực, đến đêm Úc lên cơn sốt. Phải nằm lại quán trọ ba ngày sau mới hồi phục. Thanh toán tiền trọ vừa hết ba mươi lượng. Chủ nhà trọ bảo, đây là đất Đại La nên đắt đỏ. May mà bị ốm không ăn gì chỉ uống nước, nhấm chút bánh khảo. Úc lên ngựa quay lại lối cũ, mất nửa ngày mới trở lại ngã ba Tầm. Vẫn thấy hàng bán đồ cũ bên đường, Úc rẽ sang lối đại lộ, gã bán đồ cũ người kinh kỳ thanh lịch lại nhìn theo Úc lầm bầm chửi.
Đi chừng nửa dặm, thấy có tòa lầu cao lớn hùng vĩ cột sơn đỏ, cửa thếp vàng rực rỡ, ngoài cửa đề “Thanh Hồng Đổ trường” nghĩa là “sòng bạc xanh đỏ”. Nguyên chữ “Đổ” là Đổ Bác, tên vị thần Cờ Bạc. “Thanh Hồng” nghĩa là “Xanh – Đỏ” là trò chơi bạc theo màu sắc Xanh hay Đỏ xuất hiện để báo thắng thua. Thanh Hồng cũng là tên bà chủ sòng bạc này, là ái nữ của một vị đại thần tuy đã hưu trí nhưng thế lực vẫn còn rất lớn.
Úc xuống ngựa, trao dây cương cho gã phục dịch rồi bước vào đại sảnh. Người đông như trong đại lễ đường. Giữa ban ngày mà đèn nến sáng trưng. Úc hỏi một gã phục dịch nơi mua bán đồ quý. Gã chỉ sang góc phía Tây. Nơi này vắng người, có một lão già đeo mục kỉnh tướng mạo cay nghiệt như cú vọ đứng ở quầy. Úc đưa miếng ngọc bội cho lão già, bảo cần bán. Lão cú vọ lấy kính phóng đại ra xem xét hồi lâu rồi bảo:
– Bảy trăm lượng bạc!
Úc giật lại miếng ngọc bội, nói:
– Ngọc báu do chính tay Khang Hy hoàng đế ban cho nhất đẳng Văn thần mà lão nhìn thành đồ tạp hóa bán cho khách ở động Hương Tích sao? Ta sẽ gặp chủ nhân của lão để thưa chuyện, hoặc là năng lực thẩm định tầm thường, hoặc lão cố ý làm phật lòng khách, cản trở việc thu thập báu vật thiên hạ.
Lão già tái mặt, vội khúm núm tạ lỗi:
– Quả là lão có mắt như mù. Người có báu vật này cũng phải thuộc hoàng thân quốc thích hoặc bậc trọng thần. Xin quý khách xướng giá.
Úc bảo:
– Không dưới bốn ngàn.
Thực ra khi còn ở Trường An, Mao Tôn Úc đã biết ngọc bội này có giá năm ngàn lượng bạc, bây giờ chàng định giá này cũng là bất đắc dĩ. Lão cú vọ nói, vẫn khúm núm:
– Bản tiệm có vét khắp các tủ cũng không đủ một nửa số bạc đó. Xin quý khách nới tay cho.
– Lão cũng là kẻ biết người biết mình. Vậy ta giảm năm trăm.
Lão già vái Úc:
– Xin bớt nữa mới có đủ bạc hầu đại quan nhân.
– Vậy lão trả bao nhiêu?
– Thưa, xin vui lòng cầm một ngàn.
Úc cất miếng ngọc bội vào bọc rồi quay đi. Nhưng lão già được đặt ngồi ở quầy này đâu phải là gã mua bán quần áo cũ ở ngã ba Tầm, lão nói với theo, vẫn khúm núm:
– Thưa, có thể trả quý khách đến ba ngàn lượng, nhưng cho xin chứng chỉ nhân thân và xuất xứ cổ vật ấy rồi cùng ra trình quan sở tại xác nhận.
Lão cú vọ quả là lợi hại. Úc đành quay lại đưa ngọc bội cho lão:
– Ta bận việc phải đi ngay, không chờ được thủ tục phiền toái, đành nhượng bộ vậy.
Lão già cười, cầm ngọc bội cất vào chiếc tủ bằng đồng, khóa lại, rồi lấy bạc đưa cho Úc. Đếm lại, Úc thấy chỉ có 700 lượng, hỏi:
– Còn 300 lượng nữa?
Lão cú vọ lại cười:
– Ngọc quý xuất xứ từ ngoại quốc phải làm thủ tục nhập khẩu trình thuế quan. Khi trình phải kèm ba mươi phần trăm giá trị thuế và lệ phí. Tưởng quan nhân cũng tường việc đó chứ ạ.
– Nhưng lão có làm giấy tờ giao kèo gì với ta đâu. Chuyện mua bán này, chỉ có ta và lão biết.
– Ấy chết, sao quý khách lại nói vậy. Còn có trời biết nữa. Vả lại, đây là sòng bạc của đại tiểu thư quan đại thần, một bậc nữ lưu nhân hậu rất trọng chữ “Tâm”, lấy cái lợi của muôn dân làm vui, nhận sự thiệt hại về mình.
Mao Tôn Úc cười phá lên rồi quay gót. Từ khi đến Vạn Xuân, đây là câu nói khôi hài nhất chàng được nghe.
Úc suy tính. Có 700 lượng, không rõ thuê thuyền vượt Bắc Hải về Trung Nguyên hết bao nhiêu. Nếu nhiều hơn số bạc ấy thì chỉ còn cách ở lại, đi làm thuê tích góp cho đủ.
Úc ra đại sảnh, nơi mọi người đang nhộn nhịp chơi trò “Thanh Hồng thẻ”. Nguyên, trò này mới du nhập từ Á Mỹ Lợi Gia sang. Chỉ cần có chút bạc vụn đủ mua vài thẻ cũng được dự trò. Vì thế, từ bậc đại quan đến kẻ thứ dân, từ hạng phú gia địch quốc đến kẻ cùng đinh hạ đẳng ai cũng dự chơi được. Đại gia các ngành công nghệ rao bán “Thanh Hồng thẻ” cho công chúng tùy theo giá trị tài sản của mình. Mỗi đại gia có một thẻ cái, một mặt xanh một mặt đỏ nộp cho chủ sòng. Mỗi thẻ cái được bỏ vào một hộp đậy nắp kính ghi dấu hiệu của mỗi đại gia. Các hộp gắn xếp trong một hòm sơn màu đen hình lục lăng dài giống chiếc quan tài của người Tây Dương. Hòm đặt trên một bục lớn, hai đầu hòm có tay quay. Khi chơi, hai lực sĩ đứng hai đầu hòm cầm tay quay, quay thật lực cho đến khi tàn một nửa tuần hương thì mở hòm ra cho mọi người nhìn thấy các ngăn ô có xếp thẻ cái. Ô nào có mặt thẻ màu đỏ thì những người mua thẻ của đại gia đó thắng, còn màu xanh thì thua, mất tiền. Có rất ván bài tất cả các ô đều màu đỏ, mọi người đều thắng. Nhưng lại rất nhiều ván bài tất cả đều màu xanh, các con bạc đều thua theo số bạc mình bỏ ra mua thẻ. ( Đại khái như trò chơi chứng khoán bây giờ)
Úc xem biển báo những đại gia dự trò, thấy có tên đại gia thuộc ngành Tàu Thuyền viễn dương, bèn tìm đến quầy giao dịch của ngành ấy, hỏi giá đi thuyền lớn từ Biên Hải về Bắc quốc. Ngồi bán thẻ cho đại gia Tàu Thuyền là một gã nhanh nhẹn láu lỉnh. Gã nói:
– Mỗi hành khách trả 600 lượng. Còn hàng hóa thì tùy theo trọng lượng mà tính cước.
Úc ngạc nhiên hỏi:
– Sao nhiều quá vậy. Từ Hương Cảng đi Mã Lai Á đường dài gần gấp ba mà chỉ hết 400 lượng?
Gã bán thẻ cười:
– Ngài không rõ cước phí thủy lộ mới đột tăng mấy hôm nay sao?
Úc thở dài. Dẫu sao cũng vẫn còn 100 lượng”. Úc nói ra miệng câu đó khiến gã bán thẻ nghe thấy, liền bảo:
– Vậy quý khách hãy mua ngay Kim thẻ của chúng tôi. Suốt mấy hôm nay ô hộp của Hãng Tàu Thuyền đều đổ màu đỏ, một ăn ba. Mua 100 lượng thành 300 lượng, mua cả lần nữa được 900, rồi 2700 lượng. Chỉ vài canh giờ, vốn của quý khách sẽ tăng lũy tiến thành hàng vạn lượng, thừa bạc mua vé đem theo mấy nàng hầu về Bắc quốc.
Úc nhớ đến mấy cô gái Lý Xá. Đây là thời cơ cứu các cô khỏi cảnh cơ hàn. Bèn hỏi:
– Nói thật chứ?
– Tên đại gia chúng tôi rành rành tại sổ sách Sở quan, đâu phải hạng lừa đảo rồi chạy trốn.
Úc bỏ luôn 100 lượng mua 100 thẻ của đại gia Tàu Thuyền rồi ngồi bên một bàn trà hồi hộp chờ đợi. Lát sau, có tiếng thanh la báo hiệu ván bài mới. Hai lực sĩ quay tít cái hòm đen cho đến khi nén hương trên mặt chiếc kỷ nhỏ tàn hết, mới ngừng quay. Một gã béo tốt mặc áo lụa vàng thêu hình kim tiền bước lên bục cao tươi cười nói vài câu bông đùa chúc phúc mọi người “Tài thần đáo gia”, “Nhất bản vạn lợi”, rồi gã bật mở nắp hòm đen. Mọi người nín thở chú mục vào các ô của các đại gia. Úc nhìn rõ ô Tầu Thuyền là màu đỏ. Úc suýt reo lên, không cần nhìn xem các ô khác màu gì. Bỗng dưng được thêm 200 lượng bạc.
Úc hớn hở quay lại quầy giao dịch Tầu Thuyền, đặt hẳn 500 lượng. Gã bán thẻ chúc mừng Úc rồi đếm cho 500 thẻ. Úc lại ra bàn trà ngồi chờ ván bài tiếp theo, nhẩm tính mình sắp có 1500 lượng, sẽ mua hết lần nữa để được 4500 lượng. Thêm lần nữa, sẽ có một vạn ba ngàn năm trăm lượng. Rồi nữa, nữa… Úc nghĩ, “Ta sẽ chuộc lại ngọc bội dù lão già cú vọ có ra cái giá cắt cổ. Sau đó, ta trở lại Lý Xá đem bạc hối lộ cho tri huyện Dương Đình Hống để cứu Lý hương trưởng, rồi tặng cho đội “nữ binh” của Như Vân mỗi cô 1000 lượng làm của hồi môn. Với Như Vân, ta sẽ nghĩ ra cách đền ơn nàng thật đặc biệt.
Tuần hương nữa đã tàn. Chiếc hòm đen bật mở. Ô Tàu Thuyền lại đỏ tươi. Úc đặt hết số bạc 1500 lượng để mua thẻ. Lần thứ ba, tiếng thanh la vang lên. Chiếc hòm đen quay tít. Một nén hương nữa tàn. Chíếc hòm đen lại bật mở. Ô của đại gia Tàu Thuyền vẫn đỏ rực màu hồng ngọc. Úc bàng hoàng như trong giấc mơ gặp Lý thần tổ bên sông Như Nguyệt.
Lần thứ tư, Úc đổ hết số bạc thắng cuộc lên mặt quầy. Gã bán thẻ trao cho Úc 45 đại thẻ, mỗi đại thẻ có giá trị bằng 100 thẻ thường.
Than ôi, Mao Tôn Úc thông thái trong văn chương nhưng lại mê mụ chốn Đổ trường nên đã quên mất những lời của tổ phụ Mao Tôn Cương nói về văn chương mà lại hàm ý về mọi sự trên đời:
– “Khổng tử nói: “Thái bất cập”. Thời nay nhìn vào đâu cũng thấy bất cập, ấy là báo hiệu của sự Mạt. Văn chương cũng như mọi sự trên đời, phải đúng mực. Không viết điều dở thành hay, viết điều hay thành dở. Bất đắc dĩ phải nói ngược lại thì cũng chớ nên thái quá. Xấu mà nói là tốt đã là bất cập. Xấu mà lại nói là rất tốt ấy là thái quá. Thái quá là không đạt, là nhảm nhí, sẽ hỏng, tức cũng là Mạt vậy. Mưu đại sự mà thái quá tất khó tránh thảm bại.”
Tiếng thanh la vang lên. Nén hương nữa lại tàn. Hai lực sĩ mình đẫm mồ hôi, thở hồng hộc, dừng quay chiếc hòm đen. Gã áo vàng lại nhảy lên bục cao cười cợt nhăn nhở pha trò, rồi bật nắp chiếc hòm đen. Tử thần hiện hình trong chiếc quan tài màu đen đó: Các ô đều xanh lét. Các con bạc trong Đổ trường đồng thanh rú lên khiếp đảm vì trúng ngón đòn hiểm của Thần Tài.
Đến lúc này Úc mới nhớ ra trước khi bước vào đại sảnh thấy phía bên hữu có một quầy bày bán những đồ vật dị thường, trên có treo bảng đề những dòng quảng cáo màu sắc rực rỡ có hình những mỹ nữ nõn nà trên mình mang y phục mỏng manh chốn phòng the :
Nếu cảm thấy không còn lạc thú trên đời này, xin quý vị hãy tìm đến sự trợ giúp tận tình của chúng tôi với các sản phẩm:
1.- Sát thử dịch (Thuốc diệt chuột): Ngọt lịm như đôi môi của nàng Triệu Phi Yến đời Hán
– Dây Tam Cố (Dây thừng bện chập ba): Dịu mềm như đôi cánh tay ngà của Tây Thi nước Việt.
– Trủy thủ (Dao nhọn) : Sắc lẹ như ánh mắt đưa tình của nàng Đát Kỷ đời nhà Thương. (*)
Úc nghĩ,… lại nghĩ, thì văn nhân chỉ có suy nghĩ mà thôi. Úc nghĩ: Ta đã cùng đường mạt vận rồi, có lẽ phải chọn một trong những thứ ấy…
Thật là:
Quân tử cố cùng ư nhược khí
Anh hùng mạt lộ tất sinh bi
Tạm dịch:
Kẻ quân tử khi quẫn bách mà ý chí mềm yếu / Người quân tử gặp đường cùng lại sinh ra bi quan.
Muốn biết số phận Mao Tôn Úc sẽ ra sao, xin xem tiếp chương thứ 10.
___________________________________________________________
(*) Đát Kỷ, Tây Thi, Triệu Phi Yến, là những đại mỹ nhân trong cổ sử Trung Hoa