Bắt đầu từ hôm nay, vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu truyện dài “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” của nhà văn Bão Vũ đăng lần đầu dưới hình thức feuilleton trên websitetrannhuong.com…
Bắt đầu từ hôm nay, vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu truyện dài “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” của nhà văn Bão Vũ đăng lần đầu dưới hình thức feuilleton trên websitetrannhuong.com.
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:”Table Normal”; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:””; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:11.0pt; font-family:”Calibri”,”sans-serif”; mso-ascii-font-family:Calibri; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-fareast-font-family:”Times New Roman”; mso-fareast-theme-font:minor-fareast; mso-hansi-font-family:Calibri; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:”Times New Roman”; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}
Vanhaiphong.com: Truyện dài nhiều kỳ đăng báo ngày (tiếng Pháp gọi là Feuilleton, đọc: Phơi-ơ-tông) là hình thức văn học đặc sắc xuất hiện từ lâu trên thế giới. Các nhà văn danh tiếng như Dumas, Balzac, Dickens… đã có những tác phẩm công bố theo hình thức feuilleton. Đó không phải là những tác phẩm đã được viết xong hoàn chỉnh rồi đem ra đăng dần trên báo, mà nhà văn phải viết từng phần để kịp in trên nhật báo phát hành mỗi ngày. Câu chuyện phải có sức lôi cuốn ở mỗi phần, và chính người viết cũng không biết phần tiếp theo sẽ như thế nào. Vì thế mà tiểu thuyết feuilleton không dễ viết. Ở Việt Nam, tiểu thuyết xã hội của Hồ Biểu Chánh, tiểu thuyết tâm lý của Bà Tùng Long cũng đã xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng feuilleton. Trước năm 1954, có những nhà văn sắm được xe hơi nhà lầu nhờ viết tiểu thuyết feuilleton ăn khách. Như nhà văn Phú Ðức, tác giả Châu về Hiệp Phố, đăng tải trên các nhật báo Thần Chung, Sài Gòn Mới , với sức tưởng tượng phong phú, đã xây dựng cốt chuyện dần dần trong quá trình viết, và viết theo cảm hứng tức thời như ứng tác, rồi giao các trang bản thảo cho toà soạn vào buổi sáng để chúng kịp xuất hiện mỗi buổi chiều.
THAY LỜI TỰA
Xưa có bậc Đại minh sư đăng đàn rao giảng triết lý cao siêu về thiên địa vũ trụ. Có bày một đống bánh trái để đãi thính giả. Ngày đầu, người đến nghe giảng đông nghịt. Cuối ngày đống bánh trái còn nguyên vì người mải nghe mà quên ăn uống. Đến ngày thứ hai thì đống bánh trái còn một nửa, vì người vừa ăn vừa nghe giảng. Sang ngày thứ ba thì bánh trái hết nhẵn vì chỉ còn các thực khách đến ăn mà chẳng buồn nghe. Ngày thứ tư thì hoa quả bánh trái còn nguyên, chẳng có ai đến nữa.
Đại sư là người thông tuệ hiểu được mọi lẽ đời, mới ngửa mặt lên trời than: Ta ngu muội cứ nghĩ điều cao siêu thì nghe mãi chẳng chán.Vậy từ nay ta sẽ chỉ nói những điều phi lý, khôi hài, những chuyện tiếu lâm tầm phào.
Quả nhiên người lại đến nghe đông nghịt. Đống bánh trái chỉ còn một nửa.
Bây giờ xin nói về sách này.
Thuở ấy nước Nam ta ít người biết đến Internet. Người thường mở một trang Web tư được coi là sự lạ. Có thi sĩ Trần Nhương tự lập ra Trannhuong.com. Văn nhân các xứ ủng hộ Trần nuôi “con” Web ấy để có chỗ bình tán văn chương, cùng nhau luận bàn tạp sự trên đời. Trong số người góp vui cho trannhuong.com có Bão Vũ, người trấn An Biên (Hải Phòng).
Một ngày kia, Vũ bảo Nhương:
– Web này càng lớn càng phàm ăn mà cứ phải lo từng bữa rau cháo độ nhật thì cực lắm. Chi bằng tìm những trường thiên ký sự, gồm những chuyện ly kỳ có thiện ác phân tranh, có thần quái, liêu trai, có giai nhân tài tử, ái tình bi luỵ, lại có âm mưu tàn độc, oan khuất tày trời, rồi phục hận, truy nã, bôn tẩu… đăng nhiều kỳ hàng ngày, đọc mà thấy thống khoái. Thế chẳng phải là thượng sách sao?
Nhương thở dài bảo:
– Ta cũng biết vậy. Nhưng bây giờ các văn sĩ xứ ta ai cũng mải lo viết những tiểu thuyết kinh thiên động địa hòng lưu danh hậu thế, lấy đâu ra người viết truyện dài từng số đăng hàng ngày?”
Vũ nói:
– Thời các tiền bối Vũ Trọng Phụng, Trần Huyền Trân, Thế Lữ, Lê Tràng Kiều, Khái Hưng,…, có người xưng là Văn Việt Tử soạn ra pho truyện kiếm hiệp phong thần “Tam động kiếm tiên” nói về các phái văn sĩ thời ấy dùng phép thuật tranh hùng xưng bá, đăng nhiều kỳ trên nhật trình, khiến người đọc vui cười sảng khoái, nên báo bán chạy (Xin tra Google). Nay, theo cách của tiền nhân, ta cũng tìm những pho trường thiên ký sự hấp dẫn đăng lên.”
Trần Nhương gật đầu:
– Nói chí phải. Vậy ta nhờ huynh làm chuyện này.
Vũ nói:
– Để ta thử xem sao
Mấy hôm sau, Vũ đưa cho Nhương một xấp bản thảo giấy vàng ố, bảo:
– Hôm nọ đến cửa hàng bán đồ cũ, mua rẻ được bản cổ văn này. Huynh thử ghé mắt xem. Mới có chương mở đầu, cứ đăng lên, nếu thiên hạ không chê, ta sẽ đến nhà ấy lục tìm thêm.
Nhương cầm bản thảo thấy đề “Mao Tôn Úc – Kim cổ kỳ cục ký”, lấy làm lạ, bèn đọc một mạch xong, ôm bụng cười đến ngã khỏi ghế, rồi lại bưng mặt khóc rưng rức, lát sau nói:
– Vũ huynh ôi, đây là loại bi hài ký, ta đọc mà cười không cầm nổi nước mắt. Chính là thứ chúng ta đang cần.
Khi thiên ký sự ấy phát ra, khách văn chen vào đọc chỉ mấy ngày đã đông đến hàng trăm. Có văn sỹ Đình Kính, cũng người An Biên, đọc thấy thích thú, bèn hưởng ứng viết thêm vào một chương phụ cho câu chuyện (Nhân đây, xin văn sĩ Đình Kính sao lục lại chương ấy để cùng góp vui). Nhương mừng lắm bảo Vũ:
– Huynh mau đến nhà bán đồng nát ấy sưu tầm tiếp.
Nhưng chỉ đến ba chương thì Vũ có việc khẩn, bỏ đi gấp, phải kết truyện. Độc giả đến quán Trần Nhương chất vấn, cho là bất tài mà toan làm việc khó. Nhương tức khí, bèn tự mình soạn tiếp câu chuyện từ chương thứ tư trở đi. Nhưng rồi đến chương thứ bảy thì lại đứt, đành bỏ cuộc. Độc giả la lối, gửi thư, người khích lệ, kẻ hạch hỏi. Đúng lúc ấy Bão Vũ xong việc riêng trở về, thấy vậy lại đến cửa hàng phế phẩm lục tìm. Câu chuyện lại tiếp tục cho đến chương thứ mười lăm thì hết. Rồi dân Web gặp đại hoạ Hắc-Cơ (Hacker), trannhuong.com bị phá tan tành mấy phen, những chương ký về Mao Tôn Úc thất tán gần hết. Nhương tiếc lắm, bèn lấy ba chương đầu của Bão Vũ làm gốc rồi soạn thêm 13 chương mới nữa thành bản 16 chương khác.
Nhiều văn hữu khuyên nên in tập ký này thành sách để tiện lưu truyền. Trần Nhương đã gửi NXB Hội Nhà Văn in bản 16 chương của mình với tên sách “Kim cổ kỳ quặc ký” (Bìa sách in có tên “Kim kổ kì kuặc ký”). Bản 15 chương của Bão Vũ sẽ in khi được chỉnh sửa xong.
Vậy xin bạn đọc ghé mắt và châm chước cho những điều vụng về trong sách này.
Kính,
Cù Gia trang, tiết Thu chí – Giáp Ngọ
NGƯỜI BIÊN SOẠN
CHUYỆN LY KỲ VỀ MAO TÔN ÚC (I)
MAO TÔN ÚC HÀNH PHƯƠNG NAM
Mao Tôn Cương đời nhà Thanh có tài viết những bài luận bình phê phán các pho trường thiên tiểu thuyết. Những lời bình chí lý của tiên sinh về các bộ sách Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Sương Ký…. còn lưu mãi hậu thế. Mao có người chít nội là Mao Tôn Úc, tự là Phủ Sơn (1).
(1) Có người đã suy ra rằng Tôn Úc là “tôn Liên doanh Việt – Úc” (“tôn Austrnam”), còn Tôn Phủ Sơn là “tôn phun sơn, mạ màu” loại vật liệu lợp dùng trong xây dựng hiện nay, do tác giả bí mà đặt đại ra như thế
Tôn Úc thủa nhỏ lêu lổng, không có chí lập thân, lớn lên vô nghề nghiệp, được vợ nuôi ăn, chỉ nằm dài đọc sách tìm những điều hay dở trong sách ra suy xét làm thú vui. Có người mách, sao không học theo tổ phụ Mao Tôn Cương đi bình phẩm những điều người ta viết trong sách mà kiếm chút danh. Úc nghe theo, từ đấy thấy ai viết gì cũng đọc rồi tìm đến bình cho người ta nghe. Lúc tán thưởng văn người, Tôn Úc được đãi rượu thịt, có khi được thưởng bạc. Nhưng khi không giữ được mồm miệng, chê văn của người ta, thì chẳng được gì, lại bị xỉ vả. Có kẻ còn thù hận chửi Úc là “đồ cẩu trệ, chỉ tài hóng hít sủa càn”.
Một lần, ở chợ Trường An có gã hàng thịt biết chữ, cũng ham văn chương, viết ra bài phú “Đồ trư tuyệt thú” tán dương nghề mổ lợn dán trước cửa hàng để quảng cáo. Mao Tôn Úc đi qua hàng thịt, đọc bài phú ấy, không nhịn được, buông lời chê bai. Ngay giữa chợ, gã hàng thịt văn nhược nhưng vũ phu đã đả cho Tôn Úc một trận thập tử nhất sinh, lại viết ba chữ “Ngu như trư” lên trán. Người trong chợ chẳng ai can, chỉ đứng nhìn như xem trò vui. Có một đám văn nhân ngồi uống rượu trong quán gần đấy còn vỗ tay tán thưởng, nói: “Phẩm bình văn chương à? Đánh cho chết cái giống ấy đi!” (2)
(2) Nguyên văn câu này:“Hãy đánh chết nó đi, thằng khốn, nó là nhà phê bình văn học” của nhà thơ Đức J. W. Von Goethe, người rất căm ghét các nhà phê bình văn học. (Xem thêm chương ba, đoạn nói về các nhà văn nổi tiếng bình luận về các nhà phê bình.
Tôn Úc nằm liệt dưỡng thương đến ba tháng, khi đứng dậy được thì vợ con đã bỏ đi biệt. Úc buồn bực nghĩ, đến vợ con cũng chẳng dung dưỡng nổi ta.Trung Nguyên không phải là đất trọng nhân tài, trời Nam là nơi sao Văn Khúc phát sáng, đến đấy ắt được trọng dụng. Nghĩ đoạn, gạt nước mắt bỏ lại gia sản vài trăm thước đất thành nội Tràng An giá trị đến hàng ngàn lượng vàng mà đi về phương Nam.
Tôn Úc đầu đội nón lá chân dận hài cỏ, ngày đi đêm nghỉ, đói bứt quả dại, khát vục nước suối. Đến địa phận nước Vạn Xuân, có đêm nằm giữa rừng nghỉ giấc, thấy con hổ lớn đến bên nhìn một lúc rồi bỏ đi, không hiểu là chê Úc gầy gò ít thịt hay hổ dữ xứ này cũng biết trọng người tài.
Hơn ba tuần trăng vượt qua thiên sơn vạn thủy, Tôn Úc đến thành Đại La kinh đô nước Vạn Xuân, là xứ của người Lạc Việt. Tôn Úc nón lá tả tơi, giày cỏ rách nát, bụng đói chân run, trong bọc chỉ có chút bạc lẻ phòng đau ốm, mà chốn thị thành lại không có quả dại, nước suối. Úc lang thang khắp thành Đại La, tìm đến các chùa xin cơm chay, nhưng chẳng chùa nào phát thực phẩm miễn phí, lại còn chỉ vào những cái hòm gỗ sơn đỏ chói có khe nhỏ, nhắc “Xin thí chủ phát công đức”. Đành ra chợ kéo nón che mặt giả làm hành khất xin bố thí sống qua ngày.
Một hôm, sắp lả đi, Tôn Úc thấy một quán cơm đề chữ Việt “Trần Nhương chấm com” (trannhuong.com). Tôn Úc không thạo tiếng Việt, lại thêm đói quá, mắt mờ nên đọc thành “Chần dương chấm cơm”, nghĩ quán này bán món tái dê ăn với cơm. Úc suy luận “chần dương” là thịt dê “chần” nước sôi, tức là tái dê. Tuy cũng nghi hoặc về khả năng Việt ngữ của mình song Tôn Úc vẫn đánh liều bước vào mong kiếm chút xương thừa bì thải đỡ lòng. Chủ quán Trường Nhân, vốn là văn nhân có tài thi hoạ, mở quán này để mua vui cho khách văn chương trong thiên hạ.
Trường Nhân nhìn vị khách bụi bặm rách rưới tiều tụy như kẻ khất thực nhưng cốt cách lại không ra dáng thường nhân, bèn hỏi danh tính. Tôn Úc xưng tên. Nhân cả mừng kêu lên :
– Thì ra tiên sinh chính là hậu duệ của Mao Tôn Cương đại nhân. Thật vinh hạnh cho Trường Nhân này lắm.
Đoạn sai tửu bảo sắp bàn ăn, khoản đãi cơm rượu, rồi giữ Tôn Úc lại quán tôn làm thượng khách, ngày nào cũng sáng “Phương Việt canh” (phở Vuông), trưa “Lã Vọng hợp ngư” (chả cá Lã Vọng), chiều “Độc điểu tả pí lù” (Lẩu một chim). Mao Tôn Úc cảm kích lắm, nghĩ bụng, đúng là đất này trọng hiền tài. Hàng ngày khách đến quán của Trường Nhân là các văn nhân tài tử chốn kinh kỳ, thường trổ tài văn chương thơ phú. Mao Tôn Úc như rồng gặp mây, lại muốn trả nghĩa vị chủ quán đã có ơn với mình, nên thường chăm chú lắng nghe văn thơ của khách rồi thốt ra những lời bình phẩm rất du dương khiến chủ khách đều đẹp lòng. Quán của Trường Nhân càng ngày càng đông vui.
Ngày nọ, có một vị mặc áo tía nghênh ngang bước vào quán. Người này tuổi trạc thất tuần, râu tóc bạc phơ nhưng tráng kiện, ra vẻ người quyền uy thế lực. Khi vị áo tía bước vào, lũ văn nhân trong quán đang tranh luận thơ phú ầm ỹ, chợt im bặt lục tục đứng dậy cúi rạp, đồng thanh xướng to:
– Cung chúc Trưởng Thượng Văn Hào khang an.
Chỉ có Mao Tôn Úc vẫn ngồi uống bình rượu của mình. Lão áo tía đưa mắt nhìn Tôn Úc hỏi:
– Kẻ lạ mặt kia là ai ?
Trường Nhân chủ quán toan trả lời thì một văn nhân gày còm đã nhanh nhẩu lên tiếng:
– Thưa Trưởng Thượng Văn Hào, vị này là Mao Tôn Úc từ phương Bắc đến.
Lão áo tía cười nhạt, giễu cợt:
– Mao Tôn Úc, dân phương Bắc à? Chắc nghĩ mình là tử tôn của Mao Diên Thọ, Thừa tướng đại gian thần đời Hán, nên không coi người trên ra gì.
Mao Tôn Úc đứng phắt dậy, chộp lấy hũ tương ớt trên bàn. Trường Nhân vội lấy cuốn sổ ghi nợ che hũ tương ớt trong tay Úc, rồi cười nói:
– Trưởng lão lượng thứ. Mao tiên sinh là hậu duệ của Mao Tôn Cương đời nhà Thanh, mới đến Đại La lần đầu, chưa kịp biết ai với ai ở đây.
Lão áo tía cười lớn, vẫn giọng châm biếm :
– Vậy chứ không phải Mao Diên Thọ. Nhưng có đúng Mao Tôn Cương hay là Mao Toại thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ giỏi môn độn thổ ? – Lão áo tía chưa hết phật ý, cố chọc tức Tôn Úc.
Úc cả giận, nhưng tay cầm hũ tương ớt đã bị Trường Nhân giữ chặt, nên tay kia chộp lấy lọ dấm tỏi trêm bàn. Trường Nhân chủ quán lại phải ghìm tay Úc, cố cười cợt với lão áo tía:
– Thưa Trưởng Thượng Văn Hào, có chứng chỉ của Trung Hoa Văn Đàn viết rõ Tôn Úc là dòng dõi bình luận gia văn chương Mao Tôn Cương của Thanh triều.
– Thế thì hãy nghe ta đọc bài thơ, rồi bình phẩm thử xem tài cán có xứng với dòng dõi Mao Tôn Cương không?
Trường Nhân đỡ lời:
– Xin trưởng lão cứ xuất thơ. Thơ của Trưởng Thượng phải có lời bình của hậu duệ Mao Tôn Cương mới xứng.
Lão áo tía cao giọng:
– Vậy hãy nghe đây:
Chi hồ giả dã giả hồ hồ
Chi giả dã hồ dã giả hồ
Chi dã giả hồ hồ giả giả
Chi hồ giả dã dã giả hồ
Đọc xong, lão áo tía đứng giữa quán vểnh râu giương mắt ngạo mạn nhìn Tôn Úc. Các văn nhân trong quán đều thất kinh để rơi chén bát chí chát, vì bài thơ kỳ dị của lão áo tía và lo cho Tôn Úc.
Nguyên bốn chữ Chi hồ giả dã vốn là những hư tự chỉ dùng trong văn ngôn của những kẻ muốn tỏ ra mình có học hơn người. Những hư tự ấy mà kết thành bài thơ thì thậm vô nghĩa và kỳ quái vô cùng.
Trường Nhân tái mặt, ghé tai Tôn Úc:
– Xin tôn huynh cố bảo trọng. Chớ làm lão tức giận.
Tôn Úc nghĩ bụng: Trường Nhân cứu ta qua cơn bĩ cực, lại hậu đãi bấy lâu, ơn chưa trả được, nay nếu làm lão tục phu kia phật ý sẽ gây họa cho Trường Nhân, chẳng hóa ra là lấy oán báo ơn sao. Song cũng không thể không cho lão áo tía biết lẽ đời “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Nghĩ thế, bèn đứng lên vái lão áo tía rất cung kính rồi nói:
– Thất lễ cùng Trưởng Thượng Văn Hào. Bài thơ người vừa phát xuất thuộc hàng kim cổ kỳ thi. Bốn câu đều là thần cú cả. Xin lĩnh ý ngài mà mạo muội đưa ra mấy lời bình vụng dại: Cái thần tình của bài thất ngôn tứ tuyệt này là cả 28 chữ chỉ gồm bốn chữ Chi hồ giả dã xoay vần mà thành với âm vận hào tráng đầy dương khí. Bốn câu đều có chữ Chi đứng đầu, nghĩa là tứ Chi, khiến thế của bài thơ cực kỳ vững chãi. Chỉ hiềm một điều nhỏ là toàn bài chỉ có bốn chữ Chi đứng đầu mỗi câu gọi là chính Chi. Nếu có thêm một tiểu Chi nữa đặt ở khoảng giữa hai chữ Chi của hai câu dưới gọi là phụ Chi (chân phụ) thì thật là toàn bích.
Lão áo tía ngẫm nghĩ, vuốt râu gật gù, hỏi Tôn Úc:
– Nhà ngươi bình cũng hữu lý. Nhưng như thế là bài thơ của lão phu thiếu phụ Chi. Vậy sao nhất thiết phải có phụ Chi?
– Thưa, mọi suy luận có liên quan đến toán số đều theo Thiên luật là Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Bài thơ tứ tuyệt đã có tứ Chi, nếu thêm câu thứ năm để có một chính Chi nữa thì phá luật, là điều bất khả. Giữ nguyên tứ Chi thì sa vào cửa Tử, nên phải có phụ Chi để chuyển sang cửa Sinh. Xếp theo tượng hình thì như thế này. – Mao Tôn Úc nhúng ngón tay chỏ vào bát rượu viết lên bàn những chữ Chi theo lối Triện thư, rất cân đối, rồi giảng giải:
Nguyên văn bài thơ của lão Trưởng Thượng chỉ có tứ Chi, như sau:
CHI – CHI
CHI – CHI
Tứ Chi, vậy là sa vào cửa Tử. Nếu thêm một phụ Chi nữa giữa hai hạ Chi, sẽ thành ra:
CHI – CHI
CHI – chi – CHI
Thế là ngũ Chi, bài thơ đã chuyển sang cửa Sinh. Thiếu như vậy tức là không bằng bài thơ cũng như thế mà có phụ Chi. Tuy nhiên đó chỉ là sự suy luận cao khoát thái quá. Tổ phụ của tại hạ khuyên không nên lạm dụng thuật này khi bình thơ phú e làm mất cái khí tự nhiên của thi ca. Nhưng nay gặp bậc kỳ tài mới dám nói ra. Thiết nghĩ, chỉ nguyên văn bài thơ của lão Trưởng Thượng cũng đã là không tiền khoáng hậu, thiên hạ vô địch, vượt xa cả Lý Bạch, Đỗ Phủ thời Thịnh Đường rồi.
Lão áo tía đắc ý cười ha hả:
– Quả không hổ là dòng dõi Mao Tôn Cương.
Rồi lấy ra một nắm bạc quát bảo Trường Nhân đem ba vò rượu thượng hạng đãi cả đám văn nhân có mặt trong quán. Đoạn lại nghênh ngang bước ra cửa, vừa đi vừa cười lớn:
– Thiếu phụ Chi như vậy cũng là không tiền khoáng hậu thiên hạ vô địch, vượt xa cả Lý Bạch, Đỗ Phủ rồi. Ha-ha-ha!!!
Đám văn nhân trong quán đổ xô vào ba vò rượu ngon uống thỏa thuê, không ngớt ngợi khen tài bình luận của Tôn Úc. Riêng Trường Nhân mặt tái như chàm đổ, kéo vội Tôn Úc vào phòng trong đưa cho một gói bạc rồi mở cửa sau, bảo:
– Vạ lớn sắp đến rồi. Mao tiên sinh hãy mau đào thoát khỏi nơi này, cứ theo hướng Tây mà đi, sẽ ra khỏi kinh thành, rồi tìm về cố quốc càng sớm càng hay. Tại hạ cũng khó giữ nổi thân nên cực chẳng đã mới phải mời tiên sinh ra đi. – Lại cởi tấm áo lông cừu đang mặc khoác cho Tôn Úc, nói:
– Tấm ngự hàn này đệ mới mua ở Mông Cổ. Mao huynh về phương Bắc, dọc đường hàn phong chướng khí, có áo này như luôn có đệ ở bên.
Mao Tôn Úc khóc rống lên, tự tát vào mặt mình mấy cái cực mạnh đến chảy máu miệng. Rồi quỳ sụp xuống vái Trường Nhân :
– Ta đã cố kiềm chế mà vẫn làm hại tới ân công. Hãy tha tội cho ta. Xin nhận ba lễ này, hẹn kiếp sau báo đáp. Rồi đứng lên gạt nước mắt rảo bước đi về phía Tây, chẳng mấy lúc đã khuất dạng sau gò phế chất cao như núi của kinh thành.
Thật là:
Thâm sơn đối dã thú vô sự
Đô hội phùng văn nhân tác thù
(Tạm dịch : Rừng sâu gặp dã thú thì yên ổn. Còn ở nơi đô thị đông đúc gặp khách văn chương mà thành thù địch)
Muốn biết vì sao chuyện lại nghiêm trọng như vậy, xin xem chương sau sẽ rõ.
(Còn tiếp)
_____________________________
B.V
(Còn tiếp)