Chuyện tình xứ người – Truyện ngắn của Đặng Khánh Cường

– Tôi và mẹ cậu là những người đàn bà bất hạnh. Mỗi người bất hạnh một kiểu khác nhau. Nhìn gương mặt cậu, tôi đoán mẹ cậu là người đàn bà đẹp và chịu nhiều đau khổ hơn tôi…

 

 

Nàng biết mình còn đẹp.

Ánh mắt của những người đàn ông khi gặp nàng khẳng định điều ấy. Những lúc trong phòng tắm, nàng thích thú ve vuốt làn da châu Á mịn màng trên tấm thân mảnh mai của mình, mà rất ít người đàn bà châu Âu vào độ tuổi bốn mươi còn được như nàng. Mái tóc rất dài của nàng đen nhánh, ôm lấy gương mặt thanh tú. Cặp môi nhỏ xinh lúc nào cũng phớt hồng. dù nàng không mấy khi son phấn. Con gái nàng thì phổng phao. Mỗi khi hai mẹ con ra phố, người ta cứ tưởng là hai chị em.

Là tiến sĩ khoa học, nhưng nàng vẫn chưa một lần lý giải minh bạch được câu “hồng nhan bạc phận” mà nàng bị người đời quở quang từ ngày chia tay với chồng. Ở Việt Nam, những người may mắn đi “tây” như nàng thường bị đàm tiếu khi vấp chuyện này. Bạn thân của nàng thì an ủi rằng trời không cho ai tất cả. Nhưng bù lại, tòa án cho nàng được sống cùng con gái. Đã bảy năm nay, hai mẹ con quấn quýt bên nhau.. Năm nay nó đã hơn mười bảy tuổi. Ở tuổi đó, con gái nàng đương nhiên xinh đẹp gấp bội. Nàng dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể trên đất châu Âu này. Con gái nàng ngoan ngoãn, thông minh. Nó là niềm an ủi, niềm hy vọng là báu vật duy nhất của đời nàng. Để luyện cho con ngoại ngữ mà thời mới sang nàng rất chật vật, hai mẹ con nàng đã quy định mọi lúc mọi nơi chỉ dùng tiếng Đức.

Ở Đức, nàng được một vị giáo sư, viện trưởng Viện Xã hội học hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ. Ông hơn nàng gần hai chục tuổi, là người rất nguyên tắc và hơi lãnh đạm. Suốt ba năm làm việc dưới sự chỉ bảo của giáo sư, mà nàng không biết thêm gì về ông ngoài những kiến thức chuyên môn ông truyền đạt hay bắt nàng tự tìm tòi. Đến khi bảo vệ xong với kết quả loại ưu tuyệt đối, ông mới nói với nàng:

– Tôi biết trong thâm tâm em trách cứ tôi nguyên tắc và lạnh lùng. Nhưng tôi tin vào năng lực của em và kết quả tuyệt vời hôm nay hoàn toàn thuộc về sự nỗ lực ấy. Mọi người trong viện cũng đã nhìn thấy. Em có quyền tự hào về điều đó. Với tư cách viện trưởng, tôi chính thức mời em làm việc tại viện, nếu em chưa chọn được chỗ nào tốt hơn.

Nàng là người châu Á duy nhất ở viện này từ đó đến nay. Dần dà, nàng cũng có những khám phá đôi chút về đời tư của vị viện trưởng. Ông lấy vợ ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học. Nhưng chưa đầy một năm, người vợ ấy tự bỏ đi sau khi cuỗm của chồng một số tiền lớn. Mười lăm năm trai trẻ tiếp sau ông sống độc thân, không hề đả động đến chuyện này. Ngoài thời gian làm việc, ông say mê bên chiếc đàn dương cầm. Ông chơi đàn điêu luyện như một nghệ sĩ thực thụ. Rồi đến một ngày, ông được mời tham dự liên hoan ca nhạc của thành phố. Ông đệm dàn cho một ca sĩ nghiệp dư. Từ đó họ quấn quýt không rời nhau và cuối cùng cậu con trai Pite đã chào đời. Hai người dự định khi Pite tròn một tuổi họ sẽ làm lễ cưới. Nhưng chưa kịp đến ngày ấy, mẹ Pite đã qua đời bởi một căn bệnh quái ác. Một mình ông nuôi nấng, dạy dỗ con trai cho đến nay nó đã sang Mỹ bảo vệ luận án tiến sĩ. Biết vây, nên một phần nào nàng thông cảm được vẻ lãnh đạm từng trải của ông.

Hè này, Pite về thăm bố. Ông quyết định đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ và trân trọng mời mẹ con nàng cùng đi. Ông bộc bạch với nàng:

– Tôi đã để ý cách dạy con của em và quan sát nó khá kỹ. Dịp này, tôi muốn hai đứa trẻ có cơ hội làm quen với nhau. Tôi và em đã từng không may mắn, em hiểu ý muốn của tôi chứ?

Giáo sư có biệt thự riêng ngay sát bờ biển Địa Trung Hải. Bố con ông ở tầng trên. Hai mẹ con nghỉ ở hai phòng cạnh nhau ngay tầng một liền kề với phòng khách lớn. Mặt trời đã lặn hồi lâu, nàng vẫn còn ngồi ngoài ban công ngắm mặt biển mỗi lúc một xẫm dần. Chợt có tiếng “cúc cù, cúc cù” vọng lại, giống hệt tiếng chim gáy quê nhà. Nàng nhắm mắt lại tận hưởng những kỷ niệm êm đềm tuổi ấu thơ đột nhiên hiện về. Nàng không thấy được con gái đã mở cửa lướt về phía tiếng chim gù, nhẹ nhàng như một cái bóng. Một lúc sau, vào mở cửa phòng để chúc con ngủ ngon, nàng sững người khi không có nó ở đấy. Lạ nước, lạ cái, mới đến đây vài giờ, không người quen biết, nó đi đâu nhỉ? Vừa lúc đó, con gái nàng cũng nhẹ nhàng lướt vào. Nó ôm chầm lấy mẹ, mặt tươi như hoa. Sau câu “con chúc mẹ ngủ ngon”, nó ào vào phòng riêng đóng cửa lại. Nàng không mảy may nghi ngờ điều gì. Sau chặng bay dài từ Đức xuống đây, nàng thiếp đi ngay. Nàng không biết rằng con gái mình đêm ấy không hề chợp mắt vì hồi hộp và sung sướng.

Sáng ra, con gái lại tươi tỉnh dạy sớm làm bữa cho cả nhà. Ăn xong nó còn chủ động xin phép được cùng Pite vào thành phố. Hai người lớn không giấu nổi vui mừng vì chúng nhanh chóng thân nhau.

Tối hôm sau, cũng vào giờ ấy, tiếng chim gù lại xuất hiện. Và con gái nàng lại rón rén mở cửa ra ngoài. Lần này thì nàng nhìn thấy. Nàng lặng lẽ vào phòng tắt đèn, quan sát qua cửa sổ. Dưới ánh trăng bàng bạc, nàng thấy bóng con mình đứng cạnh một chàng trai cao lớn dưới bóng cây ô lưu. Ngoài Pite còn ai vào đây nữa,  Chúng đã lớn rồi, nghĩ vậy nàng yên trí vào phòng  nghỉ sớm, không cần để ý con gái về nhà lúc nào.

Những ngày tiếp theo, ban ngày cả bốn người lên xe riêng đi thăm thú phong cảnh địa phương. Tiện bữa, nhiều hôm ăn trưa luôn tại đó, nhưng bữa tối bao giờ cũng được làm chu đáo tại nhà. Pite thích thú được được con nàng sai vặt trong lúc làm bếp. Thấy thế, nàng tủm tỉm cười còn giáo sư thì luôn miệng khen con gái nàng nấu ăn ngon. Thực lòng nàng cũng lo lo sự thân thiết quá nhanh của con nàng với Pite. Người ta chả có câu, cái gì nhanh đến cũng nhanh đi đó sao?

Sau đó, ai về phòng ấy và tiếng chim gù lại xuất hiện  Đêm sau cũng vậy, cứ có tiếng chim gù là con nàng lại nhanh chóng mở cửa ra ngoài. Thì ra tiếng chim gù là tiếng người, cái cậu Pite này thật là…

Tối hôm sau nữa, giáo sư và Pite có việc riêng vào thành phố. Vẫn xuất hiện tiếng chim gù và dưới ánh trăng bàng bạc ấy, nàng thấy bóng con mình và một chàng trai cao lớn ôm hôn nhau dưới bóng cây ô lưu. Nàng không thể bình tĩnh được nữa. Con gái nàng giật bắn khi thấy chuông điện thoại trong túi reo.

Phòng khách bật điện sáng choang. Theo sau con gái nàng là một chàng trai có đôi mắt to đen, hơi sâu nhưng trong sáng với bộ râu quai nón đặc trưng Thổ Nhĩ Kỳ được cạo kỹ chỉ còn vệt xanh mờ. Chàng trai kính cẩn cúi chào nàng bằng tiếng Đức rất chuẩn. Nàng cố kìm nén sự ngạc nhiên và tức giận, lịch sự đáp lại và mời cả hai ngồi xuống ghế. Một phút im lặng nặng nề trôi qua, nàng nghiêm khắc:

– Ai trong hai người nói cho tôi hiểu điều gì đang xảy ra đây?

Hai đứa nhìn nhau, rồi chàng trai chậm rãi:

– Thưa bác, cháu là Hann, mười chín tuổi, ở gần phố với bác bên Hamburg. Cháu và Na quen nhau đã lâu. Tối hôm nay, cháu đã chính thức ngỏ lời yêu Na và đã được Na đồng ý. Chúng cháu đang tìm cơ hội để được thưa chuyện này với bác.

– Ở Hamburg? Anh có biết Hamburg cách đây bao xa không?

– Dạ, cháu biết. Đi máy bay như bác từ Hamburg đến Antalya mất 3 giờ, trên hai ngàn cây số, cộng với đi ô tô về đây hơn hai trăm nữa là vào khoảng hai ngàn rưởi cây số ạ

Nàng suýt bật cười vì sự thật thà của chàng trai:

– Còn cái gì đưa anh sang đây?

Hann mở to cặp mắt sáng nhìn thẳng vào nàng, giọng nói đã bình tĩnh hơn:

– Tình yêu, thưa bác. Đúng là tình yêu của cháu dành cho Na đã đưa cháu sang đây. Cháu không có tiền đi máy bay. Khi Na cho cháu biết lịch nghỉ hè, cháu nhở tàu thủy của một người quen đi trước, phải vòng qua Bồ Đào Nha nên chặng đường gấp hơn ba lần và thời gian  thì mất gần một tuần ạ.

Có tiếng xe ô tô của gia đình giáo sư phanh trên dốc. Tình thế này không thể kéo dài câu chuyện được. Đợi họ vào tầng trên xong, nàng nói nhỏ:

– Đây là chuyện tày đình, chúng ta cần phải làm rõ. Bây giờ đã muộn, cậu Hann về đi. Tôi sẽ tìm ra địa điểm và thời gian. Con tôi có số điện thoại của cậu chứ?

Đêm ấy, hai mẹ con ở một phòng. Tiếng rì rầm, tiếng nức nở, và cả tiếng của sự im lặng giữa hai mẹ con không hề lọt ra ngoài cánh cửa. Nhưng điện thoại của con gái nàng bí mật được mở và ở đầu kia Hann nghe không sót một lời câu chuyện trao đổi giữa hai mẹ con. Nàng không ngờ lại có một đêm căng thẳng quá dài, quá rộng để nàng nhận ra những điều mới lạ qua câu chuyện của con gái.

*

*     *

Hann là đứa trẻ mồ côi. Mẹ Hann là con út của một dòng họ danh gia vọng tộc đã cuối thời. Gia đình bên chồng bà cũng vậy. Vào thời buổi ô tô sang trong đầy đường, đám cưới của họ vẫn dùng xe song mã đón dâu. Do bị ám ảnh bởi những ánh hào quang đã tắt, bà không được phép trái lời bố mẹ để lấy người ở đẳng cấp khác. Sau hơn bốn năm làm dâu mà vẫn còn trinh nguyên, bà cũng không dám than thở với ai. Lúc nhỏ, chồng bà mắc bệnh quại bị và biến chứng của nó đã tước mất khả năng làm đàn ông của ông ta. Gia đình bên chồng biết rõ điều này, nhưng con trai của họ danh giá thế không thể không có vợ. Họ hy vọng vào một phép thần thông nào đó từ người vợ trẻ khỏe mạnh, “môn đăng hộ đối” này.

Rồi đột ngột, bà có thai. Khỏi phải nói nỗi mừng vui khôn xiết của cả hai nhà. Được chăm sóc, chiều chuộng bao nhiêu, bà càng lo lắng bấy nhiêu, bởi bà biết đó là kết quả của mối tình vụng trộm, cháy bỏng giữa bà và một thương gia khỏe mạnh theo đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bà cũng biết luật hôn nhân cho phép đa thê có điều kiện của đạo Hồi. Bà sẵn sàng từ bỏ tất cả để được làm mẹ, làm vợ thực sự. Tới ngày sinh, bà yêu cầu được vào bệnh viện ở thủ đô, cách nhà vài trăm cây số.  Linh cảm thấy có điều gì đó không thuận, nhưng gia đình nhà chồng cũng đồng ý. Chỉ khi có người trực tiếp mang tin mật về, thằng bé mới sinh có nước da nâu, tóc đen xoăn thì mọi việc mới đảo lộn. Bố chồng bà ra lệnh, tìm chỗ cho bà tá túc ở thủ đô sáu tháng, trong thời gian đó cấm thăm nom. Sáu tháng đủ để bên nhà chồng liên hệ với luật sư làm thủ tục ly hôn êm thấm. Ra tòa, bà chấp nhận tất cả lý do bên nhà chồng đưa ra. Trước khi ký thuận bản án, bà chỉ xin một căn nhà nhỏ cạnh cảng Hamburg. Bà ở vậy, chật vật nuôi Hann đến năm mười một tuổi. Bố đẻ của Hann bị chết mất xác trong một cơn bão biển. Ước mơ làm vợ của bà không thành,  rồi bà cũng đột ngột ra đi ngay sau đó. Hann được một trường dòng ở gần nhận đỡ đầu và cho học chữ. Một vị mục sư đã khuyên Hann làm thêm công việc quét dọn trong trường để có thu nhập đảm bảo cuộc sống, hơn là nhận tiền bảo trợ xã hội.

Năm mười lăm tuổi, Hann phát hiện ra một mạch nước ấm nhỏ chảy từ lòng núi ra biển trong một lần đi cắm trại. Rất nhiều cá đến kiếm ăn chỗ này. Hann tự chế tạo những chiếc phi lao bằng gỗ, một đầu buộc sợi dây dài, một đầu bịt sắt nhọn và anh đã bắt được rất nhiều cá từ công cụ tự chế này. Oái oăm thay, ở nước Đức muốn bán cá phải có cửa hàng với nhiều thủ tục hành chính mà Hann không thể. Hann đã mang cá đến cửa hàng của một người Thổ Nhĩ Kỳ tại chợ cảng, thỏa thuận chia 50/50. Người chủ cửa hàng ấy giữ quan hệ với Hann nhiều năm do hai bên đều có lợi

và ông cũng chính là người đã cho Hann đi nhờ tàu thủy sang Thổ Nhĩ Kỳ đợt này.

Na rời Việt Nam sang Đức ở với mẹ từ sau ngày bố mẹ ly hôn. Chủ nhật hàng tuần cô thường theo mẹ ra chợ cá ngoài cảng, và hai đứa trẻ tình cờ quen nhau. Chúng hồn nhiên giãi bày hoàn cảnh của mình trong những lần gặp gỡ.

Cách đây không lâu, Hann hỏi Na:

– Mẹ Na vừa xinh đẹp vừa thông minh, giỏi giang. Sao bố Na lại ly hôn nhỉ?

– Người lớn khó hiểu lắm. Bố Na cũng là tiến sĩ. Bố mẹ đã có biệt thự, có ôtô đi làm. Mẹ làm việc bên này nhưng năm nào cũng về Việt Nam vài lần. Đến hè lại

dành dụm tiền mời bố con sang đây cả tháng. Ở Việt Nam, những gia đình có điều

kiện như nhà Na được coi là mơ ước.

– Vậy thì tại sao nhỉ. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Na có biết không?

– Có lẽ tại cái cô sinh viên trẻ mà bố hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, nay là vợ của bố và đã có một em bé hơn sáu tuổi, đúng bằng thời gian Na sang đây với mẹ.

– Thế thì Hann hiểu rồi. Sau này lớn lên, Hann sẽ không bao giờ như thế.

*

*        *

Lấy lý do cần mua sắm chút đồ lưu niệm, nàng xin phép giáo sư để hai mẹ con vào thành phố một lát. Nàng chọn một quán cafe nhỏ nhưng kín đáo tận trên đồi cao. Giọng nàng đã dịu dàng hơn:

– Bây giờ cậu định làm gì với tấm bằng tốt nghiệp phổ thông khi đã mười chin tuổi và không có người thân?

– Dạ, thưa bác, trước hết cháu biết ơn bác đã tạo cơ hội cho cháu được giãi bày. Đây là lần đầu tiên trong đời cháu được hưởng sự quan tâm này. Từ trước đến nay, cháu chưa được ai hỏi một câu như vậy. Cháu đã tự sống bằng chính khả năng của mình gần chín năm nay, kể từ ngày mẹ cháu qua đời. Cháu đã không lấy nê hoàn cảnh để nhận một xu nào của quỹ bảo trợ xã hội. Năm ngoái, khi mười tám tuổi, cháu đã nhận được thẻ công dân, nghĩa là cháu có quyền được lao động, được tự hoạch định tương lai của mình trong khuôn phổ pháp luật của nước cháu.

– Tôi muốn biết cụ thể hơn, được không?

– Vâng ạ, Cháu đã nộp đơn xin làm công nhân ở cảng Hamburg và đang tìm cơ

hội học tập ở trường Đại học Nhân văn. Cháu mơ ước thành người hoạt động xã hội tốt, góp phần giảm bớt đi những nỗi đau khổ mà loài người từng phải gánh chịu do thiếu hiểu biết và áp lực của nhiều tập tục, quan niệm, nhận thức sai lầm.

– Chặng đường từ một anh công nhân cảng tới một nhà hoạt động xã hội có quá xa không, cậu Hann?

–  Thưa bác, Na cũng từng hỏi cháu câu này. Nhiều năm nay cuộc sống của cháu liên quan tới những con cá. Cháu muốn mang cho mọi người cách suy nghĩ để làm ra những chiếc phi lao của cháu. Cái đó quan trọng hơn là đưa cho họ con cá.

Nàng không ngờ một cậu bé mồ côi cả bố lẫn mẹ, lại có suy nghĩ và nhận thức như vậy. Hann đã phần nào chiếm được cảm tình của nàng. Song vốn thận trọng, nàng lái câu chuyện sang hướng nàng đã định:

– Bây giờ cô cậu có muốn biết suy nghĩ của tôi không? Tôi sẽ nói hơi dài đấy.

Bốn con mắt ngước lên chờ đợi điều quan trong nhất của họ lúc này. Giọng nàng trầm hẳn xuống:

– Ngày nhỏ ở Việt Nam tôi đã biết câu chuyện về con cá quả dẫn một đàn con đi kiếm ăn. Ao thì nhỏ, kiếm mãi mà đàn con vẫn đói. Con cá mẹ đã vật mình lên bờ giả chết để dụ đàn kiến bâu lại, mặc dù cá mẹ biết nằm trên bờ là rất nguy hiểm tới tính mạng. Khi kiến bu khắp thân mình, cá mẹ bất ngờ lao xuống nước. Bầy kiến thành một bữa tiệc no nê cho đàn cá con. Tôi và mẹ cậu dù sinh ra ở hai chân trời khác nhau, nhưng trong sâu thẳm cuộc đời chúng tôi đều giống con cá mẹ ấy. Tôi nói thế để cậu biết người con quan trong với chúng tôi như thế nào

Giọng nàng đã đượm nước mắt:

– Tôi và mẹ cậu là những người đàn bà bất hạnh. Mỗi người bất hạnh một kiểu khác nhau. Nhìn gương mặt cậu, tôi đoán mẹ cậu là người đàn bà đẹp và chịu nhiều đau khổ hơn tôi, vì bà không còn được chứng kiến những điều cậu nói hôm nay. Phần thưởng lớn nhất của cuộc đời người mẹ là nhìn thấy và được giúp đỡ sự trưởng thành của con cái. Chúng tôi có thể hy sinh tất cả cho con. Tất cả! hai người hãy ghi nhớ điều này. Hôm nay tôi chấp nhận và cho phép hai người là một đôi bạn thân. Bạn thân giữa nam và nữ rất gần với trạng thái yêu nhau, nhưng vẫn là hai khái niệm độc lập. Điều này tôi đã từng trải qua, rất tế nhị. Chắc tôi không phải giải thích thêm chứ? Hai người còn quá nhiều việc trước mắt phải làm.

*

*        *

Chờ mãi không thấy mẹ con nàng về, lo bị lạc đường ông giáo sư bảo con trai lái xe đi tìm. Không khó khăn gì khi tìm một tà áo dài Việt Nam ở đây. Khi họ biết được tình cảm của nhau, Hann, Pite và Na gặp nhau bàn tính trước các tình huống. Pite ủng hộ Hann bằng cách tỏ ra hết sức thân thiện với Na và làm như chưa gặp Hann. Thấy Pite xuất hiện đường đột, Hann bật dậy:

– Pite!

– Hann!

Hai chàng trai ôm chặt lấy nhau một lúc. Pite quay ra luống cuống giới thiệu với nàng:

– Hann đây là bạn và là ân nhân cứu mạng của cháu trong một lần leo núi ở Hamburg. Đã mấy năm nay chúng cháu không được gặp nhau. Mời mọi người lên xe về nhà. Thật tuyệt vời. Bữa chiều đã dọn sẵn. Xin mời , xin mời.

Lên xe, Hann ngồi ghế trước. Thấy tấm ảnh một thiếu nữ  tóc vàng mắt xanh đặt cạnh tay lái, Hann nháy mắt thân mật với Pite.

– Bạn gái tớ đấy, học cùng lớp. Monica là người Mehico. Monica muốn sang đây lắm nhưng dịp này mẹ cô ấy bị ốm. Mình đành mang ảnh theo.

– Mới là bạn gái thôi à? Có thể gọi là người yêu được chưa?

Vừa nói Hann vừa kín đáo liếc mắt về phía Na. Câu hỏi của Hann đã chạm vào mối quan tâm đau đáu của Pite bấy lâu nay. Chàng tiến sĩ tương lai bộc bạch:

– Hai khái niệm ấy là tương đương mà. Sự cấm kỵ sinh ra từ những mất mát chỉ là để tham khảo, nhất thiết không thể bê nguyên xi từ người này đặt vào người khác. Thế kỷ 21 rồi bạn ơi, có một số cái là tiêu chuẩn đúng của thế kỷ trước, nay đã thành rào cản. Ba mình cũng vạch ra trên đường đời của mình vô khối barie. Ông là một tấm gương thành đạt, nhưng lầm lẫn lớn nhất của đời ông là lấy niềm hạnh phúc ấy đắp đậy cho mọi vùng khác, mà ông biết rõ ở đó có sự thiếu hụt. Mình cũng cần thiết có những barie của riêng mình, nhưng phải tự mình đặt ra Cháu nói thế có phải không cô nhỉ?

Nàng giật mình vì suy nghĩ của lớp trẻ. Chúng đúng hay mình đúng đây. Nàng thoáng nghĩ đến ngày con gái về nhà chồng. Nó sẽ có những quan tâm mới, lo toan mới cho hạnh phúc riêng. Lúc đó, nàng chỉ còn là một phần của nó thôi. Nàng không thể là cái bóng cây che rợp mãi cho nó được. Nàng cũng chưa biết rằng mình có thể vượt qua cái barie vô hình cuối cùng mà nàng luôn giấu kín trong lòng kia không? Như vô tình, nàng nghiêng đầu tự ngắm mình trong tấm gương chiếu hậu.

Antalya – Hà Nội, 07/8 /2013

Đ K C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder