Có một chân trời trong thơ Phạm Công Đoàn – Đinh Thường

“Nơi ấy chân trời” – Cụm từ mới thoáng nghe thôi đã khiến người ta liên tưởng tới một phạm vi rộng lớn. Lấy cụm từ ấy để đặt tên cho một tập thơ, hẳn là tác giả muốn đề cập tới một phạm vi sáng tạo có ý nghĩa lớn lao nào đấy!? Nghĩ vậy, tôi cứ miên man đi tìm lời đáp.

“Nơi ấy chân trời” – Cụm từ mới thoáng nghe thôi đã khiến người ta liên tưởng tới một phạm vi rộng lớn. Lấy cụm từ ấy để đặt tên cho một tập thơ, hẳn là tác giả muốn đề cập tới một phạm vi sáng tạo có ý nghĩa lớn lao nào đấy!? Nghĩ vậy, tôi cứ miên man đi tìm lời đáp.

Hơn sáu chục bài thơ chia thành hai phần rõ rệt là cách thức mà tác giả muốn hướng người đọc tiếp cận gần hơn với điều mình muốn nói.

Phần “Non nước” tác giả viết về những danh lam thắng cảnh; bày tỏ tình cảm của mình đối với các vĩ nhân và anh hùng liệt sĩ đã làm rạng danh đất nước, hoặc những người lao động bình thường khác đã góp phần mang lại cuộc sống bình yên… Giọng thơ ngợi ca, đôi khi thấp thoáng lòng trắc ẩn.

Oan sai ứa lệ truyền ngôn

Bình Ngô sáng toả từng trang lưu đời

Núi cao nghiêng bóng giữa trời

Vàng ròng vùi dập, vẫn ngời vàng son.

(Côn Sơn).

 

Đó là những câu thơ tác giả viết về Côn Sơn. Còn đây là những câu thơ viết về Miền Trung:

Một vùng nắng lửa, lũ trào

Anh hùng hào kiệt rạng sao trăng rằm

(Du xuân).

 

Hay đây là những câu thơ nói về các anh hùng liệt sĩ:

Đã mấy mươi năm còn day dứt

Cuộc chiến qua lòng vẫn tơi bời

Góc rừng Trường Sơn ai có biết

Bạn tôi nằm gọi… đất lên hơi.

(Con đường tâm linh).

 

Phần “Tình quê” tác giả viết về gia đình, về bè bạn, về quê hương… – nơi mà “Hồn thơ nhân bản hoá thành trang thơ”. Giọng thơ thiên về hoài niệm.

Những kỉ niệm về quê hương thật bình dị nhưng có thể là hành trang theo con người ta suốt cả cuộc đời:

Cánh cò níu gọi tuổi thơ

Trùng dương đất khách vẫn mơ sáo diều

Chuông chùa lan toả chiều chiều

Sông Hồng gợn sóng những điều vấn vương.

(Hồn quê)

 

Hay:

Đêm đêm mình ra khỏi mình

Về quê trong mộng gặp tình ngày xưa

Tình xưa gạn nắng lọc mưa

Nương theo mùa vụ cho vừa hôm nay.

(Nhớ quê)

 

Cách thức mà tác giả tự làm ấm lòng mình khi viết về người thân sao nghe tự nhiên, gần gũi lạ thường:

Tết này gần bảy mươi xuân

Câu thơ lục bát ghép vần chúc em

Vợ cười ấm áp xinh thêm

Nếp nhăn tan biến chẳng tin mắt mình.

(Chúc em).

 

Đến với thi đàn khá muộn, Phạm Công Đoàn cứ tự do “cày xới” trên cánh đồng tình yêu con người, đất nước, quê hương. Nơi đấy là chân trời của anh và cũng là chân trời của bao nhiêu cây viết khác!

Có điều bạn đọc rất dễ nhận ra, trong tập thơ này xuất hiện một số bài thơ mới có cách tư duy và thể hiện ngôn từ khác hẳn với cách diễn đạt tự nhiên, mộc mạc của Phạm Công Đoàn ở các tập trước. Chẳng hạn như: Nguồn sáng, Con đường tâm linh, Em xưng danh người quét rác, Trầm cảm… Phải chăng đây là một góc chân trời mới mà anh đang dấn thân vào địa hạt thi ca?

Con đường sáng tạo nói chung và lĩnh vực thi ca nói riêng là một con đường bao la rộng lớn. Những người có khả năng và tâm huyết luôn tìm ra được những “chân trời mới” của riêng mình. Và không ai khác, chính tác giả phải chịu trách nhiệm về những nỗ lực sáng tạo của mình. Vì vậy, cách thức và kết quả sáng tạo của mỗi người cũng cần được dư luận tiếp nhận, sẻ chia một cách hợp tình, hợp lí.

Chặng đường thơ ca của Phạm Công Đoàn chưa được bao xa. Chân trời sáng tạo của anh luôn ở phía trước. Mong rằng anh đủ khả năng và tâm huyết để vươn tới những chân trời xa hơn.

 

Hải Phòng, ngày rét đậm tháng 2 năm 2018.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder