Tôi về với Hải Phòng giữa lúc giao thời, khi ấy mùa hoa sú cánh mỏng còn chùng chình, bịn rịn theo cái rét se lạnh buổi lập xuân. Mưa xuân như còn luyến tiếc phơn phớt bay trên những búp non đang đua nhau thắp nến hồng, nến xanh trên những cội cây già hai bên đường phố. Vậy mà nắng mai đã bung tỏa rực rỡ trên những con đường thênh thang nắng gió, trên những cành đào phai hoa sớm. Dải vườn hoa trung tâm thành phố mới hôm nào còn miên man lá rụng thì hôm nay đã rợp búp hồng khảm lên tầng trời nguyên biếc và nhảy múa cùng ngàn đốm nắng khai hội Đông Quân.
Vậy là thành phố đã chuyển mùa theo một cách rất riêng mà có lẽ phải nhạy cảm lắm mới nhận xuân đã đến rất gần, như chỉ cần chờ thêm một vài cơn gió biển thổi vào là tất cả hừng lên trong vận hội mới của thiên nhiên. Cỏ cây vùng biển nhiệt đới quê tôi giống như con người, bình thản đi qua bốn mùa như quy luật tự nhiên của đất trời mà sinh sôi, phát triển. Đi giữa thênh thang phố xá, những tòa cao ốc đua cùng mây xanh, tiếng chuông leng keng của chiếc xích lô du lịch lanh lảnh phía sau khiến tôi lưu luyến một trời ký ức về Hải phòng xưa cũ với “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô”, nhớ những ngày thơ ấu được cùng bà đến hội tam cúc bằng xích lô.
Ngày ấy, đạp xích lô thường chỉ có đàn ông, răng ám khói thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo ngồi cười tuế tóa quanh quán nước vỉa hè và trò chuyện văng bạt tử. Trong số họ có người từng là lính, từng là công nhân trong các nhà máy, công trường… Có lẽ chính vì vậy mà ở họ toát lên sự khỏe khoắn, tự tin trước cuộc sống và hơn hết là sự nhiệt tình, cởi mở pha chút lãng tử của những người đàn ông vùng cửa biển. Cuộc sống ngày một đổi thay, quỹ thời gian cho mỗi người như ngắn hơn, xích lô dần được thay thế bằng đội ngũ xe ôm với đủ chủng loại ô tô, xe máy. Và thành phố cũng đang chuyển mình cho một khát vọng mới, một diện mạo với những định danh thật đẹp và tham vọng như “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố của tương lai”, “Trung tâm các khu công nghiệp phía Bắc”, “Trung tâm Logistic cảng biển”, “Thành phố công nghệ số”, “Căn cứ dầu khí phía Bắc”, “Thành phố đổi mới và sáng tạo”…
Vẫn biết Hải Phòng nơi đầu sóng, ngọn gió là vùng đất đầy tiềm năng và hi vọng, nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng với mục tiêu lớn mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đã và đang quyết tâm theo đuổi. Theo đó, Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Với thế nước đang thịnh, vận đất hanh thông và lòng người sục sôi đoàn kết, quyết tâm quật khởi, không lâu nữa, Hải Phòng sẽ là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm hàng đầu châu Á và thế giới, đạt tiêu chí đô thị đặc biệt với bản sắc là đô thị sông, biển…, có môi trường sống an toàn, bền vững, hài hòa với thiên nhiên và di sản. Đồng thời sẽ là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ với các ngành nghề về hàng hải, đại dương học, kinh tế biển…
Có lẽ tôi không phải là một nhà kinh tế học để đo đếm, thống kê những con số, nhưng điều ấn tượng không thể không nhắc tới là, sau gần 20 năm lặng lẽ chuẩn bị, tìm hướng đi mới thì vừa qua, Hải Phòng là cái tên luôn ở top đầu bảng xếp hạng toàn quốc về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Hải Phòng đạt 4.277 USD/người. Tổng thu ngân sách năm 2019 ước đạt 89,617 tỉ đồng. Ấn tượng hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 25,01%, cao hơn cả nước 10,1% và GRDP tổng sản phẩm xã hội của Hải Phòng đạt 16,25%, cao nhất từ trước tới nay đồng thời cao gấp 2,4 lần bình quân của cả nước.
Một khái niệm mới khiến tôi liên tưởng nhiều điều thú vị khi được biết Hải Phòng đang phát triển thành một đô thị đa tâm. Vốn dĩ điều này có thể hiểu đơn giản là một đô thị hiện đại với ba trung tâm chính là Trung tâm hành chính bên bờ sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ hàng hải xung quanh khu vực Đồ Sơn và Trung tâm đô thị sân bay Tiên Lãng. Được biết, thành phố đang tập trung nguồn lực cả về cơ chế và tài chính với mục tiêu là xây dựng các trung tâm mới, hoàn chỉnh, hướng đến chức năng dịch vụ tài chính, thương mại để thu hút các tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư, tạo đòn bẩy để đưa thành phố bứt phá. Đây sẽ là một trung tâm mang tính hình mẫu để thành phố hướng đến mô hình đa cực.
Cách hiểu khác, sẽ là chính sách đã tâm trong yếu tố con người, quản lý nhân sự, tận dụng tối đa nguồn tri thức, chất xám của nguồn lực địa phương và kết hợp với nhân sự người nước ngoài tại các tập đoàn, tổng công ty liên doanh, tạo nên cách tiếp cận phù hợp với các doanh nghiệp của thành phố trong hoạt động hội nhập và kinh doanh đa quốc gia. Nếu hai mục tiêu này thành công, thì việc trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm hàng đầu châu Á và thế giới sẽ là điều không xa đối với Hải Phòng.
Ôn cố để tri tân, tôi đọc bài viết của Facebooker Trần Anh Dũng đề tựa là “Có một Hải Phòng ngủ quên trong quá khứ” mà thấy thật đúng với thế hệ 8X của mình. Chúng tôi khi ấy ra trường đều tìm cách ở lại Hà Nội, vào Nam hoặc ra nước ngoài lập nghiệp vì ở Hải Phòng khi ấy kiếm được một công việc khó lắm. Đầu những năm 2000, có thông tin nói rằng, Hải Phòng có tỉ lệ thất nghiệp 7,8%, cao nhất trên cả nước. Hải Phòng im lìm với những dự án treo hàng thập kỷ, những khu vui chơi cũ kỹ, những nhà máy uể oải vận hành cùng bến cảng đã không còn tấp nập… Hải Phòng trở nên nổi tiếng bởi sự ăn chơi, “số má” của dân anh chị, nổi tiếng bởi ma túy, cướp giật… Và “thành phố ca” của Hải Phòng đã được chế lời thành “Hải Phòng ơi hôm nay bé nhỏ, mai sau bé nữa, càng ngày càng bé… Sánh vai cùng một vài thị xã loanh quanh” mà mỗi lần bạn bè hát ghẹo, chúng tôi bùi ngùi như thể mình có lỗi vì đã không thể ở lại cùng đắp xây thành phố quê hương.
Nói như vậy, để thấy rằng những gì Hải Phòng đang có ngày hôm nay là một cuộc vượt biển lớn nhiều kỳ tích với sự sáng suốt, quyết liệt của một thế hệ lãnh đạo, thế hệ công dân Hải Phòng cầu thị, cầu tiến, dám khát vọng và nỗ lực bứt phát để biến khát vọng thành hiện thực. Đồng đất Hải Phòng bao năm ngủ quên đang vượt thoát khỏi giấc mơ thuần nông, vươn vai trỏ thành hàng chục công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của miền Bắc hoặc trở thành những cụm sản xuất nông sản cho giá trị cao. Con đường cao tốc hiện đại nhất, cầu vượt biển dài nhất, cảng cửa ngõ quốc tế sầm xuất nhất miền Bắc, khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc… tôi thiết nghĩ những nhà lãnh đạo Hải Phòng không phải chỉ ham mê danh hiệu đó mà đổ hàng trăm nghìn tỷ đồng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, mà đó là tầm nhìn xa mang tính kiến tạo nền tảng cho một thành phố thông minh. Và Hải Phòng còn là thành phố nghĩa tình khi chủ động chi khoảng một nghìn tỉ đồng để xây những cây cầu kết nối với các tỉnh bạn Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, tạo giá trị liên thành cùng tăng trưởng kinh tế – xã hội trong vùng.
Tản mạn với những suy nghĩ của riêng mình, tôi chợt thấy vui khi nhớ tới hình ảnh chiếc xích lô chuông reo vang tinh nghịch. Trên xe, một người người đàn ông nhỏ bé đang lúng túng ngồi trên xe tay vẫy lia lịa, miệng liên tục hét “Sang trái, kìa…kìa…Sang phải… nhanh lên… đâm vào người ta bây giờ.” Phía sau anh, đang gò lưng đẩy chiếc xe lăn loạng quạng là một ông Tây mặt đỏ gay vì nắng và mệt, chiếc nón trắng đội tòn ten trên đầu. Ông Tây vừa đạp xe, vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, vừa cười và khoái chí rung chuông.
Ngày xuân đang kề, ý xuân đang đượm, xin cho tôi tỏ tỉnh với thành phố quê hương. Nơi ấy, đang thay đổi từng ngày nhưng vẫn còn nguyên đó những niềm yêu nho nhỏ cho bao đứa con Hải Phòng xa xứ. Nơi ấy, có cơn mưa đầu hè bất chợt, có dòng biển ngầu đỏ phù sa, sự ồn ào, khói bụi của đại công trường… Nơi ấy, nắng vẫn vàng như mật, gió biển khoáng đạt đến ồn ào, màu áo thợ vẫn xanh niềm tin yêu… Nơi ấy, có phiên chợ sớm mai nơi cửa ô, những chị, những mẹ lặng lẽ gánh bốn mùa yêu thương vào lòng thành phố…
Nơi ấy, tôi yêu…!
P.V.A