Con của rừng – Truyện ngắn: Phạm Thùy Linh

 

Thông qua chuyện tình cảm động của một nhà khoa học nước ngoài với một người con gái địa phương, tác giả muốn giới thiệu với bạn đọc về Việt Hải – mảnh đất hoang sơ, giàu tiềm năng du lịch của huyện đảo Cát Bà. Và trên hết là thông điệp về bảo vệ cảnh quan môi trường…
VHP trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Con của rừng” của nhà văn Phạm Thùy Linh.

Chuyến tàu khởi hành từ bến Cái Bèo. Khách du lịch lục tục bước xuống sàn tàu được lát bằng những ván gỗ. Họ nhanh chóng ổn định chỗ ngồi trong khoang để tàu rời bến hướng ra Việt Hải. Trời nắng. Mặt trời rọi những tia sáng vàng chanh trong vắt xuyên qua những đám mây trên nền trời xanh. Nắng rọi qua đỉnh núi cũng xanh. Xen giữa màu xanh của rừng là những vỉa đá xếp lớp như tập vở học trò. Bình minh bao giờ cũng đẹp. Trước bình minh, người ta đều thấy lòng mình lắng lại, trong trẻo hơn. Bao nhiêu muộn phiền của ngày hôm trước sau một đêm ngon giấc tan biến cả.
Trên nóc tàu, ngồi trên chiếc ghế gỗ có lưng dựa sát lan can bên phải là một người đàn ông ngoại quốc. Mái tóc vàng và làn da trắng nói lên điều đó. Trên khuôn mặt của người đàn ông là cặp kính râm, đầu ông đội một chiếc mũ lưỡi trai màu vàng có logo của hãng Nike với hình trăng khuyết. Dưới đôi kính râm sẫm màu kia là đôi mắt màu gì, không ai rõ. Ông đang thức hay đang ngủ, không ai hay. Chỉ thấy du khách trong nước có, quốc tế có háo hức ghi lại những tấm hình lưu niệm trên nóc tàu, phía có kê sẵn chiếc ghế dài bằng gỗ có đặt một chiếc đệm màu đỏ.
Phải tới khi tàu cập bến mới thấy người đàn ông ngoại quốc nọ cử động. Ông đứng dậy, khoác balo lên vai và bước lên bến. Lúc này, người ta mới thấy ông nói. Thay vì chọn xe điện, phương tiện đưa khách du lịch vào sâu trong xã đảo thì ông hỏi mượn một chiếc xe đạp. Hóa ra, ông nói được tiếng Việt. Phát âm không rõ nhưng đủ để người dân bản xứ hiểu được ông muốn gì.
– Trông anh quen lắm! Hình như chúng ta gặp nhau rồi…
Người đàn ông ngoại quốc ngạc nhiên quay về phía người phụ nữ vừa cất tiếng. Hình như chị đang nói chuyện với ông. Chị đội nón lá đặc trưng của Việt Nam, miệng bịt khẩu trang, trên người khoác áo chống nắng kẻ ca rô sẫm. Ông nhìn người phụ nữ lạ lẫm rồi lắc đầu:
– Xin lỗi… Có thể chị nhầm!
Người phụ nữ lắc đầu theo, một tay tháo khẩu trang, một tay cởi nón:
– Không! Tôi không nhầm! Anh là Stefan phải không?
Người đàn ông cũng tháo kính, đôi mắt màu xanh lục lặng đi trước người phụ nữ đang đứng trước mặt mình. Ông đã nhận ra chị là ai…

*

Sau cơn mưa tối, lối mòn dẫn vào rừng như bị che khuất bởi lá mục. Không ai nhận ra được con đường mà mọi người vẫn vào để hái lá thuốc hằng ngày. Nhìn những dòng nước vẫn đang chảy rí rách theo sườn núi tràn xuống đường, Mai ái ngại:
– Hay để khô ráo hẳn hãy vào. Giờ vào nguy hiểm lắm. Nhỡ mưa tiếp, lũ rừng, núi mà sạt lở thì sao còn đường ra…
Stefan nắm lấy tay Mai:
– Tôi muốn vào ngay. Nóng ruột chưa biết tình hình trong ấy thế nào. Đêm qua mưa to, sợ nước từ trên núi xuống thì nó chết mất.
Nhìn sự quyết tâm trên khuôn mặt người bạn nước ngoài, Mai hít một hơi thật sâu rồi gật. Họ băng rừng.
Chân họ như lún vào những lớp lá mục ướt đẫm nước mưa. Mũ, tóc và trang phục trên người cũng ướt bởi nước trên các tán lá lắc rắc rơi xuống. Vừa ngớt mưa đêm, mặt trời chưa xua được mây đen nên rừng còn âm u. Vang lên chung quanh họ là tiếng côn trùng, tiếng nước chảy, tiếng tắc kè kêu inh ỏi bốn phía giội vào vách núi.
– Mai! Cẩn thận!
Stefan hét rồi vội vàng giật tay Mai kéo lại phía mình. Trong tích tắc, cô gọn trong vòng tay vững chãi của anh. Định thần nhìn lại, Mai nhận ra cây gỗ bắc ngang dòng suối trước mặt bị gẫy gập, nửa nằm dưới dòng nước chảy xiết, nửa còn loi ngoi trên bờ như bàn tay vẫy. Thoáng chút thẹn thùng, Mai tách ra khỏi vòng tay anh, ngượng ngịu:
– Cảm ơn anh! Ta đi tiếp thôi!
Họ qua suối. Đi bộ trên con đường lá ướt thêm gần cây số nữa thì cả hai tới nơi. Nén tiếng thở phào, khuôn mặt của Mai và Stefan đều rạng rỡ trước cảnh tượng trước mặt. Thung lũng rực ánh sáng của bình minh phủ lên màu xanh của cỏ và cây rừng. Sau cơn mưa, rừng như được thanh tẩy, một màu xanh non tơ, tinh khiết đến ngút ngàn tầm mắt.
– Stefan! Nhìn kìa!
Mai reo lên, chỉ tay về phía vách núi nơi có một hốc hang được che bằng một cánh cửa đan bằng những cành cây rừng. Bàn tay bé xíu đang thò ra khỏi cánh cửa ấy, vẫy Mai.

*

– Tôi muốn có một ngày ở trong rừng, Mai đi cùng tôi được không? Tất nhiên, nếu Mai không bận.
Ngước mắt lên từ sau vành nón lá, Mai tạm dừng việc cắt tỉa hàng rào râm bụt xanh mướt bao quanh ngôi nhà mái ngói của cha mẹ nhìn vị khách nước ngoài ngạc nhiên. Anh là một nhà sinh vật học sang Việt Nam theo chương trình hợp tác nghiên cứu về rừng nguyên sinh và những thực vật đặc trưng của từng vùng đất. Anh đến Cát Bà vài tháng nay, được địa phương giới thiệu tới ở nhà Mai để tiện việc tìm hiểu, nghiên cứu. Ngày nào anh cũng vào rừng, nhưng chủ yếu đi nửa ngày. Sáng đi thì trưa về. Cơm nước nghỉ ngơi rồi chiều vào, tối về. Bao giờ anh cũng có mặt tại nhà Mai trước giờ cơm tối. Sau mỗi chuyến vào rừng, anh mang về đủ loại lá cây rồi cả tối hí hoáy soi kính lúp, chụp ảnh, ghi ghi chép chép. Mai là người ở đây, sinh ra và lớn lên ở xã đảo này, nhưng có nhiều lá cây mà Stefan mang về từ rừng Mai cũng chưa từng nhìn thấy. Đủ hình đủ dạng. Có lá màu xanh sẫm, có lá hoe hoe vàng, có lá lại ánh lên màu nâu. Stefan chỉ từng loại lá, nói cho Mai nghe đó là thuộc họ cây gì, đặc tính ra sao. Tất nhiên, câu chuyện giữa họ đều phải nhờ tới một thông dịch viên là cuốn từ điển Anh – Việt. Vốn từ ít ỏi Mai được học trong nhà trường chỉ đủ để cô giao tiếp thông thường. Còn với những từ chuyên về sinh vật học thì Stefan đều phải tra trong từ điển rồi đưa cô xem. Giao tiếp không đơn giản, vậy mà chỉ sau hơn 1 tháng ở nhà Mai, những cuộc trò chuyện giữa chủ và khách ngày càng nhiều hơn. Mai có thể đoán được ý của Stefan mà không phải dùng nhiều đến từ điển nữa.
– Anh tìm ra được cái gì đó đặc biệt phải không? – Mai hỏi.
Stefan gật đầu. Rồi vừa giải thích, vừa khua chân múa tay giúp Mai hiểu được nội dung câu chuyện của mình. Sau một lúc, Mai đoán được Stefan cần cô giúp đỡ. Cô xin phép mẹ rồi chuẩn bị một túi xách nhỏ mang theo bông băng, thuốc sát trùng và một hộp sữa. Cô cũng chưa hiểu những thứ đó dùng vào việc gì, chỉ biết là Stefan nhắc cô như vậy. Cô cũng mang theo hai chiếc bánh mì và khoanh giò có sẵn trong tủ lạnh cho bữa trưa của hai người.
Họ vào rừng.
Stefan dắt Mai băng qua lối mòn, qua con suối vào sâu trong thung lũng giữa rừng. Đi tới cuối thung lũng, nơi có vách đá phẳng, Stefan kéo tay Mai tới một hốc đá nhỏ dưới chân núi. Mai giật mình khi nhìn thấy trước mắt mình một sinh vật nhỏ bé đang nằm thiêm thiếp. Đó là một con khỉ nhỏ đang bị thương ở chân. Giờ thì Mai hiểu vì sao Stefan nhắc cô mang theo bông băng và thuốc sát trùng.
– Tôi đoán nó gặp tai nạn và đang bị lạc – Stefan nói trong khi chăm chú nhìn Mai sát trùng vết thương và băng bó cho con khỉ.
Cô bón sữa cho nó. Nhìn cái miệng chóp chép như đứa trẻ, Mai bật cười thích thú. Một cảm giác ấm áp len vào tâm khảm cô. Bỗng dưng, cô thấy mình như một người mẹ đang bón sữa cho con, còn cha của đứa bé – Stefan – đang hớn hở ngắm nhìn.
– Cô Mai nghĩ gì đấy?
Mai giật mình thoát khỏi cơn mơ màng khi Stefan cất tiếng. Nhìn xuống tay mình, con khỉ đã uống no sữa và liu riu ngủ. Mai chợt thấy má nóng bừng trong khi Stefan tủm tỉm cười.

*

– Anh về tìm Mai phải không? – người phụ nữ đặt cốc nước mát trước mặt Stefan rồi cất lời.
Stefan cảm ơn người phụ nữ, gật đầu:
– Tôi rời Việt Nam cũng 5 năm rồi, không biết Mai có còn ở đây…
Người phụ nữ thở dài, lắc đầu:
– Anh đi được ít lâu thì gia đình Mai cũng chuyển đi nơi khác sinh sống. Cả nhà cô ấy không còn ở đảo nữa. Nghe người ta bảo, họ cũng không ở trong thị trấn. Từ đó tới giờ, tôi cũng chưa một lần gặp lại Mai.
Stefan nhíu mắt ngạc nhiên:
– Tôi tưởng chị và Mai thân nhau. Mai từng kể, suốt những năm học phổ thông chỉ chơi thân với một mình chị.
Người phụ nữ cười:
– Đúng là như vậy! Xã đảo ít gia đình, tôi và Mai là hàng xóm từ thuở nhỏ. Lớn lên đi học, cùng nhau học tiểu học ở đây rồi ra thị trấn, đi nội trú ở Đồ Sơn, đi học đại học, lúc nào chúng tôi cũng có nhau. Vậy mà không hiểu có chuyện gì, Mai chuyển đi mà không nói với tôi một lời. Tôi đoán có thể nguyên nhân từ anh. Tôi cũng từng nghĩ Mai chuyển đi theo anh.
Stefan trầm tư, ánh mắt dõi vô định vào vách núi trong tầm mắt:
– Giá mà được như vậy… Tôi đã đề nghị mà Mai từ chối. Chị cũng biết đấy, thời gian tôi ở Việt Nam và tìm hiểu, nghiên cứu tại khu vực này không nhiều. Khi tôi trở về Pháp, tôi đã muốn Mai đi cùng. Nhưng cô ấy nói sẽ ở lại. Cô ấy bảo, nếu có duyên, chúng tôi sẽ gặp lại.
– Vậy mà giờ anh mới quay lại tìm cô ấy? – người phụ nữ thốt lên, giọng đầy trách móc.
Stefan thở dài:
– Cuộc sống và công việc, lại thêm cách trở địa lý nên tôi không thể trở lại ngay được. Lần này về, tôi muốn tìm bằng được Mai. Nếu Mai không theo tôi về Pháp, tôi sẽ thu xếp để ở lại.
Họ nói chuyện thêm một lúc nữa trước khi người phụ nữ đề nghị Stefan ở lại dùng cơm trưa với gia đình chị. Nắng đã lên gần đến đỉnh đầu. Stefan mỉm cười, xin phép được vào sát bìa rừng. Anh nói đã đặt trước một căn phòng ở homestay gần lối vào rừng để ở vài ngày. Anh muốn thăm lại thung lũng giữa rừng khi xưa. Nhân tiện cũng để tìm lại một số mẫu sinh vật mà anh đang khảo cứu.

*

Thung lũng tràn ánh nắng. Cảnh vật nơi đây không còn hoang sơ như gần mười năm về trước Stefan và Mai vào đây chăm sóc con khỉ nhỏ bị thương. Người ta dựng lên một số nóc nhà cổ rải rác trong thung lũng để kinh doanh du lịch cộng đồng. Họ bảo đó là mô hình làng Việt cổ phục vụ các du khách có nhu cầu lưu trú gần gũi với thiên nhiên. Những ngôi nhà được một người chủ ở thủ đô thu gom về từ Bắc Ninh, chuyển trên 2 con tàu 500 tấn đưa ra Việt Hải. Mất 5 năm với 50 nhân công làm việc cần mẫn, khu du lịch nghỉ dưỡng làng Việt cổ được hình thành tạo thêm một điểm dừng chân của khách du lịch muốn có cảm giác khác lạ.
Ngắm những ngôi nhà cổ được mang từ nơi khác đến, Stefan có cảm giác lạ lẫm. Dường như có gì vương vướng, nghèn nghẹn nơi lồng ngực. Anh tìm đến vách đá sát chân núi cuối thung lũng, hốc đá khi xưa nơi anh làm ổ cho con khỉ nhỏ nằm dưỡng thương bị che khuất bởi dương xỉ và cỏ dại. Cánh cổng đan bằng cây rừng anh làm khi xưa mục nát tan vào đất đá. Chợt Stefan nhìn thấy sát cửa hốc một lọ thủy tinh phủ bụi được đút nút bằng mẫu gỗ. Anh nhận ra nét chữ quen thuộc của Mai trong tờ giấy nhỏ để trong chiếc lọ ấy. Hấp tấp mở ra, vừa đọc, nước mắt vừa rịn ra từ đôi mắt màu xanh lục của người đàn ông đến từ nước Pháp xa xôi.
– Stella! Chậm chậm thôi con, cẩn thận kẻo ngã!
Tiếng phụ nữ gọi con vang lên từ sau lưng anh. Bàng hoàng quay lại, Stefan nhận ra người phụ nữ cũng đang sững sờ nhìn mình. Cô bé – con gái của người phụ nữ có mái tóc hoe vàng, làn da trắng hồng mặc một chiếc váy thêu ren trắng đang nhảy chân sáo tiến dần về phía hốc đá. Stefan nhận ra người phụ nữ năm xưa, người viết bức thư gửi lại anh trong chiếc lọ thủy tinh đút nút gỗ. Bức thư ấy với những lời ngọt ngào cô gửi người yêu mình, báo tin cô đã mang trong người giọt máu của anh và sẽ chờ anh trở lại. Cô nói, sẽ chuyển khỏi Việt Hải để sinh con. Và 5 năm sau trở về thung lũng xưa, hy vọng cô và anh sẽ đoàn tụ.
Nắng từ đâu lấp lóa, nhảy nhót quanh bước chân sáo của cô bé Stella. Mai bật cười, hạnh phúc dụi đầu vào lồng ngực a người đàn ông bao năm cô chờ đợi. Chợt Mai nhớ lại khoảnh khắc cô bón sữa cho chú khỉ nhỏ năm nào và khuôn mặt chăm chú nhìn, nụ cười đầy hạnh phúc của Stefan 5 năm về trước.

P.T.L

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder