Con sóc – Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

Chúng tôi cưới nhau sau chuyện này một năm. Con sóc, đâu có phải là một sinh vật tầm thường, một ngẫu nhiên số học. Nó là cái hữu hình của một sức mạnh thiên thiên. Mọi sự tồn tại đều có cái lý của nó, thượng đế lòng lành đã xếp sắp ban rải tình yêu cho muôn vật, Hà bảo tôi vậy. Hà rất thích con sóc. áo con trai của nàng thêu hình con sóc. Chùm chìa khoá xe máy của nàng đeo một con sóc bông…

Chúng tôi cưới nhau sau chuyện này một năm. Con sóc, đâu có phải là một sinh vật tầm thường, một ngẫu nhiên số học. Nó là cái hữu hình của một sức mạnh thiên thiên. Mọi sự tồn tại đều có cái lý của nó, thượng đế lòng lành đã xếp sắp ban rải tình yêu cho muôn vật, Hà bảo tôi vậy. Hà rất thích con sóc. áo con trai của nàng thêu hình con sóc. Chùm chìa khoá xe máy của nàng đeo một con sóc bông.

Cửa sổ trước bàn máy vi tính của tôi nhìn ra một vùng cây xanh. Ngày nay, giữa tốc độ đô thị hoá cấp phi mã, nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ thấy rặt một màu xi măng, bê tông xám trắng, có được một khoảng xanh mát mắt thật là một ân điển trời cho.

Tốt nghiệp đại học, may mắn cho tôi, sau một kỳ thi tuyển, tôi được vào làm ở phòng vi tính thuộc Liên hiệp đường sắt I và được phân về làm ở căn buồng có cái cửa sổ này với một bạn gái tên Hà, xinh xắn nhưng có vẻ như khó tính và cách bức. Cửa sổ của căn buồng chúng tôi mở ra một vùng cảnh quan thiên tạo lẫn nhân tạo. Hình tích thiên tạo là một con hồ rộng, di thể của một khúc sông đổi dòng bị mắc cạn với hàng cổ thụ toả bóng âm u trên một khúc sông đổi dòng bị mắc cạn với hàng cổ thụ toả bóng âm u trên một hòn đảo giữa hồ. Thiên nhiên thật tươi đẹp, và con người đã làm cho nó tươi đẹp thêm lên. Giờ thì chen lẫn với lớp cây nguyên thuỷ tự mọc tự lớn lên là lớp thực vật được tay người gieo hạt ươm mầm, vun xới, bứng trồng.
Một buổi chiều vừa để máy vào chế độ nghỉ ngơi, tôi chợt nghe thấy tiếng Hà ở sau lưng: “Anh Khải, nhìn kìa”. Không để tôi kịp hiểu, Hà đã bước lên, áp người vào khuôn cửa đã mở tung hai cánh và theo tay Hà chỉ, mắt tôi đã nhận ra bóng hình một con sóc nhỏ đang bò trên một cành bạch đàn ở ngay trước cửa sổ buồng tôi. Con sóc có màu lông xám, dựng đuôi bông, ngó vào buồng chúng tôi và hình như nghe tiếng Hà gọi, nó liền sợ hãi tót lên ngọn cây.
– Con sóc đẹp quá! Anh Khải, chúng mình đuổi theo nó đi.
Không đợi tôi, vừa nói Hà đã quay lưng băng ra cửa, tạo ra một sức hút ở phía sau. Làm sao tôi có thể cưỡng lại được sức hút nọ và thói tò mò của tuổi trẻ trước sự xuất hiện của con sóc. Với hơn chục bước chân chạy, chúng tôi đã đến gốc cây bạch đàn nọ. Đó là một cây bạch đàn đã trưởng thành, thân trắng điểm những sọc đen. Ngước lên, chúng tôi thấy chú sóc đã ở chót vót trên ngọn cây.
Rồi từ cành này nhảy sang cành khác, từ cây này chuyền sang cây khác, chẳng mấy lúc chú đã bỏ lại vùng cây vành đai công viên, dẫn lối cho chúng tôi đi sâu vào bên trong vùng sinh thái con người hợp lực với thiên nhiên tạo ra này. ở đây, trong không khí như ngái ngủ, cây ở trạng thái say nghiêng ngả, tự phô diễn một cuộc sống phức hợp và đa tầng. ở đây, con sóc đã leo lên ngọn một cây mỡ. Nó kéo theo đôi mắt tôi lên theo, khiến tôi có cảm giác đã xa cách tất cả mọi sự trần trụi và phù du, thấy mình bị chi phối bởi một cái nhìn đảo ngược.
Tiếp tục những bước nhảy ngắn chuyền cành, trên đường đi, nhìn sang ngang, con sóc thấy thành phố lô xô trập trùng chen chúc các khối nhà cao tầng không khác gì cấu trúc một cánh rừng hoang. Bỏ qua thành phố, nó nhìn ngắm toàn bộ cảnh quan công viên, vùng rừng còn đang lạ lẫm nhưng sẽ là nơi ăn đời ở kiếp của nó. Nó nhìn thấy một đường tầu hoả nhỏ, cái đầu tầu nhỏ tí xíu, kéo ba toa tầu xinh xắn bê trong toàn khách trẻ nhỏ, chạy vòng quanh hồ. Nó nhìn thấy những mái nhà tròn hình cái nấm, dưới đó là các bàn đu quay. Mùa này đang cữ rét, trẻ con ít đến đây vui chơi. Cô bán vé và điều khiển đu quay cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao người Trung Hoa. Không khí tĩnh lặng quá khiến cô vừa đọc vừa gà gật, và thỉnh thoảng cô lại đánh rơi sách. Cúi xuống nhặt sách, cô giật mình và sau đó buồn thỉu buồn thiu. Vì thiếu kinh phí sửa chữa nên ở trên bàn quay, đã hai năm nay vẫn là con dê cụt một bên sừng, con ngựa mất một bên tai, con hổ cụt một chân sau, và con nai gẫy một bên gạc.
Giật mình vì đột ngột nghe thấy tiếng xe máy nổ, con sóc nhận ra hình như chính nó cũng bị săn đuổi. Nó nhẩy lên một cành phượng cao, ở nơi an toàn này, nhìn xuống, nó nghiệm ra rằng rất khó tách bạch cuộc sống ra thành những phần khác nhau, ở ngay nơi này con người vẫn còn thích náo động hơn là yên tĩnh: có một bọn choai choai chia hai bên đá bóng ăn tiền ở trên một lối đi rộng ngay trong công viên. Nên người bảo vệ trang phục màu xám đeo băng đỏ phải phóng xe máy tới can thiệp.
Sự yên bình của khung cảnh đã được lập lại. Nhưng có lẽ trước hết là nhờ ở những bông hoa. Không gì yên tĩnh bằng hoa. Ôi, hoa, sự tráng lệ bình yên, nét yêu kiều vô tư. Sắc hồng tươi thắm, mầu trắng trinh bạch, sắc vàng vương giả, mầu tím não nùng. Quây tròn thành những bồn lớn trước một tượng đài anh hùng. The le hình những dải khăn dài hình chữ nhật bên các lối đi. Mùa này nhài tây, cúc xám, cánh bướm, loa kèn ra sức đua chen.
Cạnh hoa là cỏ xanh sau mưa bời bời tươi tốt. Có một ông già và một chú bé đang lò dò rình chộp những con châu chấu non. Không có những vuông cỏ này, họ kiếm đâu được mồi cho chim? Dạo này, thành phố rộ lên phong trào chơi chim cảnh. Trước chỉ có khiếu, hoạ mi, nay họ nuôi cả cu gáy, bách thanh, khuyên và chim sẻ Nhật Bản.
Tuy vậy, sự quân bình được thể hiện ở nơi đây chủ yếu lại là do con người tạo lập, những người coi đi bộ như một môn thể dục dưỡng sinh đang chuyển động theo một vòng tròn êm ả quanh hồ nước. Thả lỏng hoàn toàn các cơ bắp, họ đi thong thả bước một. Tôi nhận ra, không gì mạnh mẽ hơn sự đều hoà và bình dị. Như vậy, những người đi bộ quanh hồ đã cuốn hút chúng tôi vào nhịp điệu của họ. Đi với họ, chúng tôi nhận ra không ai trong bọn họ là kẻ đơn độc. Họ đều có đôi. Những cặp vợ chồng già. Những đôi bạn tình. Những nhóm nhỏ trai gái cùng lớp cùng ngõ phố. Tập luyện và du ngoạn song hành bồi bổ sức mạnh và chữa trị tật nguyền sóng đôi. Thong dong một đôi nam nữ nách cặp ô vừa đi vừa trò chuyện. Một đôi vợ chồng tri thức đeo kính cận với một con chó bông dẫn đường. Một ông chồng vừa được vực dậy sau vụ xuất huyết não tay khoèo chân teo, mỗi bước đi là một nỗ lực phi thường và người vợ mỗi lần thấy chân người chồng đặt được một bước lại giật nẩy lên, rồi liêu xiêu chực đổ, liền đưa tay đỡ lưng chồng, mắt ứa lệ sung sướng: Có em đỡ đây, anh hãy cố lên!
– Mệt quá, ngồi nghỉ đi anh!
Cuối cùng thì Hà hổn hển kéo tôi cùng ngồi phịch xuống chiếc ghế đá bên đường. Nàng nói đồng thời với việc đổi dây cái ví, vật bất ly thân sang vai trái để nó khỏi chen vào giữa tôi và nàng. Thảnh thơi quá. Nơi đây cuộc sống giống như một nhánh sông, êm đềm chảy qua dưới tầng cây. Tất cả trở nên vô cùng dễ chịu vì không còn định kiến, không còn cách bức. Tôi nhận ra điều đó ở sự căng nở phập phồng của khuôn ngực mới nhú cao, gọn ghẽ và gương mặt trái xoan cởi mở, hồn nhiên của Hà. Nàng gần gụi, hiền hậu chứ không kiểu cách cứng nhắc, động tí là bĩu môi mỏ nhăn nhíu mặt mày khó tính như mọi ngày.
– Anh này, trong công viên có kẻ cắp đấy. Nhưng mà… kìa kìa xem.
Tôi chỉ chú ý tới vế sau câu nói của nàng. Vì chính nàng cũng quên ngay vế trước của câu nói. Trên mảnh đất nhỏ ngay trước mặt chúng tôi, như từ trên cao xanh vừa hạ xuống một cặp nam nữ người nước ngoài đang say sưa trong cuộc đấu cầu lông tay đôi.
Dài như sợi dây, tóc vàng óng, da trắng bạch, hiển nhiên họ là người Thuỵ Điển rồi. Tung dướn, giật lùi, bổ nhào nghiêng ngả, vừa mềm dẻo như được cấu tạo bằng cao su, họ vừa tung ra những chặp cười vui vẻ giữa tiếng vi vút của quả cầu bay đi bay lại. Đặc biệt thú vị là khi một chiếc vợt của một trong hai người do lỡ trớn hoặc quá đà để quả cầu rơi xuống đất. Lúc ấy cùng tiến lại gần chỗ vạch vôi phân tuyến tưởng tượng, chàng và nàng áp ngực hẳn vào nhau, hai chiếc vợt buông xuôi theo nạp quần, tự nhiên như trai gái nguyên thuỷ ở thời con chưa vong thân, hai gương mặt nghiêng vừa độ để hai cặp môi áp khít vào nhau.
– Chà, hay quá nhỉ! Chơi thế thì mới thích chứ!
– Vớ vẩn.
Hà rên khe khẽ. Không hề biết đến sự có mặt của chúng tôi, hai người nọ làm như nơi đây chỉ có họ, nơi đây là chốn tự do. Quả cầu bay qua bay lại và tất nhiên những chiếc hôn vẫn được dịp lặp đi lặp lại với nguyên vẹn niềm say mê ban đầu, vì có bao giờ quả cầu ở mãi trên không được.
Hà nghển cái cổ cao trắng nõn, giả tảng như quay mặt đi nơi khác. Làm như là quan sát một anh phó nháy đang đi lang thang hay một tốp nhỏ thanh niên đang tập võ thuật ở xa, nhưng tình thực nàng vẫn đánh tia mắt dõi theo cặp trai gái nọ, nhất là khi quả cầu bị rơi và họ tiến đến trao tặng cho nhau những chiếc hôn, với vẻ hiếu kỳ và hồi hộp.
Cuối cùng thì hình như không chịu nổi sự im lặng kéo dài, bỗng nhiên Hà quay sang tôi, như sực nhớ:
– Ơ này, anh Khải, con sóc xám chạy biến đâu rồi ấy nhỉ?
Tôi nhìn lên vòm cao cây me. ờ, đâu rồi nhỉ, con sóc, kẻ dẫn lối chúng tôi vào cái cung điện xanh tươi thanh tĩnh này? Nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hay nó là hiện hữu và đã hoàn thành nhiệm vụ của kẻ đưa đường?
– Không hiểu con sóc nó từ đâu đến, anh nhỉ?
– Thế này nhé, nó làm tổ trên một cái cây, cái cây bị chặt hạ, ghép vào một cái bè gỗ. Con sóc theo cái bè gỗ từ miền thượng du xuôi dòng về đây, rồi nhẩy lên bờ.
– Sao anh biết?
– Rồi nó đến gọi chúng mình. Đang ở trong căn phòng vi tính, nghe thấy tiếng con sóc, thế là chúng mình đi theo nó.
– Chỉ được cái vận vào mình là giỏi thôi.
Hà huẩy vai tôi. Nhưng, lúc này điều khiển tôi là một năng lượng thuộc cõi giới vô hình. Trong một cảm ứng dẫn truyền và sự hoà phối nhịp nhàng, khi cặp nam nữ Thụy Điển, tiến đến sát nhau, không còn phân biệt đâu là kẻ thua người thắng, cả hai cùng ngây ngất trong một chiếc hôn dài, tôi đã quàng tay qua vai Hà, kéo Hà sát vào mình. Hà cũng lập tức bá cổ tôi, đôi môi như một nụ hoa hé mở đón chờ.
Cái hôn bị đứt quãng vì Hà phải dứt ra để trút cái dây ví qua đầu, vứt nó sang bên cạnh cho khỏi vướng víu, nhưng ngay tiếp đó nàng lại dính chặt vào cơn đắm chìm mê man. Chúng tôi như trai gái ở giữa chốn không người, hoàn toàn bị lôi cuốn vào cảm giác dâng tặng. Cái hôn ngọt ngào gây bàng hoàng ngay sau đó, Hà buột khỏi tôi, đứng dậy quay ngoắt đầu hướng ra phía cửa công viên, kêu nho nhỏ: Về thôi anh! Hà lại cuốn tôi theo như khi chúng tôi bắt đầu đuổi theo con sóc vậy.
Phòng vi tính mở toang cửa. Hai cái hình tam giác vẫn quay đảo theo chế độ nghỉ ngơi trên nền màn hình đen sẫm. Chúng tôi ngồi vào bàn máy. Vẫn như hôm nào, tôi, trưởng phòng vi tính của Liên hiệp đường sắt khu vực I hai mươi nhăm tuổi và Hà hai mươi hai tuổi, nhân viên vi tính của tôi, xinh đẹp, tiềm ẩn năng lực yêu đương mà bề ngoài lạnh như băng giá.
Tuy nhiên, lần này, máy vừa hoạt động, Hà đã quay lại, gọi tôi thất thanh và sau đó cười khúc khích:
– Thôi chết, cái ví tay của em bị rạch mất hết cả tiền và giấy tờ rồi, anh Khải!
– Sao lại thế được?
– Lúc ấy hình như em có thấy… em có trông thấy một thằng ăn cắp nó định lấy cái máy ảnh của hai người Thụy Điển.
Chúng tôi cưới nhau sau chuyện này một năm. Con sóc, đâu có phải là một sinh vật tầm thường, một ngẫu nhiên số học. Nó là cái hữu hình của một sức mạnh thiên thiên. Mọi sự tồn tại đều có cái lý của nó, thượng đế lòng lành đã xếp sắp ban rải tình yêu cho muôn vật, Hà bảo tôi vậy. Hà rất thích con sóc. áo con trai của nàng thêu hình con sóc. Chùm chìa khoá xe máy của nàng đeo một con sóc bông.
Tôi kể chuyện này với ông anh cả. Ông cười:
– Có sắp xếp hết. Tao như mày biết đấy, nổi tiếng là sát cá. Thế mà hôm ấy câu ở chân cầu Cốc Lếu, nơi tụ hội của bọn cá anh vũ, chẳng nhấc cần được lần nào. Đã thế lại mưa to. Tao chán, bỏ cần câu, chạy vào một cái lều trồng rau ở bờ sông. Thế là gặp chị dâu tương lai của mày đi tưới rau về đang trú mưa ở đó. Con sóc, giọt nước mưa, con cá anh vũ… là bàn tay của ông giời điểu khiển cả đấy, em ạ.

M.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder