Có lẽ ấn phẩm này được nhà thơ dồn nhiều công sức, thời gian hơn nên đã tự gửi được thông điệp “Cộng ta vào thế giới” tới người đọc và những đối tượng mà tác giả hy vọng, bằng sự không “đơn tuyến” cả về cách nghĩ cùng cách thể hiện của tập thơ.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Đào Vĩnh, Ủy viên Ban Văn nghệ công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam nhân đọc tập thơ: “Cộng ta vào thế giới” NXB Hội Nhà văn 2016 của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo.
Có lẽ ấn phẩm này được nhà thơ dồn nhiều công sức, thời gian hơn nên đã tự gửi được thông điệp “Cộng ta vào thế giới” tới người đọc và những đối tượng mà tác giả hy vọng, bằng sự không “đơn tuyến” cả về cách nghĩ cùng cách thể hiện của tập thơ.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Đào Vĩnh, Ủy viên Ban Văn nghệ công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam nhân đọc tập thơ: “Cộng ta vào thế giới” NXB Hội Nhà văn 2016 của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo.
Đặt tên: “Cộng ta vào thế giới” cho ấn phẩm của mình, Phạm Thị Phương Thảo đã gây ngay được sự chú ý của người đọc. Tên ấy có vẻ cầu kì bởi chúng ta đã thuộc thế giới từ khi sinh ra, cho dù có ảnh hưởng lớn nhỏ hoặc cả không thì thế giới vẫn tồn tại. Thế nhưng đọc hết 45 bài thơ của tập thơ này mới thấy tác giả đã chủ kiến lập trình nội dung tác phẩm định xây dựng một cách rõ ràng.
Phần “Ta” gồm những bài viết về bản thân, gia đình, quê hương đất nước, con người cùng nhiều trăn trở. Phần “Thế giới” có các bài thuộc môi trường, thiên tai thảm họa, chiến tranh và những sản phẩm do chiến tranh đang khoét hố sâu khủng hoảng trong đời sống nhân loại. Từ đó đặt cho mỗi chúng ta một trách nhiệm nhất định trong cộng đồng…
Phạm Thị Phương Thảo có cả tuổi ấu thơ và tuổi học trò ở miền biên giới Tây Bắc yêu thương. Hoàn cảnh gia đình chị như bao gia đình khác khi cả dân tộc nhập vào cuộc kháng chiến chín năm ngày ấy, ông bà cha mẹ của chị từ miền xuôi gốc ở Nam Định đã tham gia kháng chiến rồi định cư nơi “đất lành chim đậu”. Hẳn vì thế nên miền quê thứ hai này đã đầy ắp hồn đất, hồn người và có thể thấy đã tràn cả ngoài tác giả? Không khó dẫn điều này khi đọc thơ Phương Thảo, núi rừng đèo dốc, sông suối rất ngồn ngộn bộn bề và cũng rất trong vắt. Đó là: Cỏ lấp lánh/ Xanh tuổi thơ tôi/ Sau cơn mưa/ Tua tủa đâm chồi/ Ngược cội nguồn/ Tôi tìm mãi đồi cỏ gianh ngày ấy/ Chỉ ký ức sắc nhọn/ lá cỏ xưa cứa tôi buốt nhói… (Đồi cỏ gianh, tr.97). Và: Những con đường quanh co rất lạ/ Chảy vào tôi những giấc mơ đầy suối (Giấc mơ châu chấu, tr.95).
Sau mưa, cỏ lấp lánh ánh lên bằng sức sống “tua tủa đâm chồi” và những con đường quanh co theo đồi núi ví như dòng suối cùng đổ vào hồn người thành một “giấc mơ đầy suối” là phát hiện tinh tế, hợp lý. Rồi bức tranh sơn thủy rất đẹp ấy được người viết nhấn thêm rằng không đơn điệu: Đường cùng tôi thành nét vẽ lưng đồi… Con đường ấy còn lãng mạn hơn bằng hình ảnh: Con đường em/ Mỏng như sợi lanh mềm/ Cheo leo/ Trói lưng anh triền núi (Đèo Ô Quý Hồ).
Thơ vốn cần khách thể miêu tả và chủ thể sáng tạo. Chủ thể ở đây được Phương Thảo gửi vào những câu thơ về quê hương có sức nặng: Chỉ khu vườn nhẫn nại lắng nghe/ Tái sinh nhau, chuyển dạ bốn mùa (Người đàn ông và khu vườn, tr.65). Và: Chỉ núi thương em/ Em lại về với núi/ Neo lại bến chiều/mảnh trăng vỡ trên non (Dòng suối đục, tr.49). Phải quan sát bằng hồn vía thì mới viết được những câu này: Giấc mơ em gieo hạt/ Đêm mở ra chập trùng/ Những bông hoa nứt từ ruột đá (Mùa Tam giác mạch, tr.11). Và: Mùa nghe đá vặn mình/ Nức nở đơm hoa (Cao nguyên đá, tr.34)…
Trong vòng tay của miền đất nuôi dưỡng tuổi thơ, Phương Thảo còn có những vòng tay ruột thịt che chở, dìu dắt. Ấy là tình ông bà, cha mẹ, anh chị em sâu nặng khối óc, con tim trong nhiều bài: Người đi săn trong cánh rừng cổ tích, Bà nội, Cánh thư và ngọn lửa, Con gái…
Bài: Cánh thư và ngọn lửa (tr.109) giống như một hồi ký về cuộc đời ông bà cha mẹ, chỉ những lược ghi mà sâu sắc, đầy chất thơ . Thể thơ văn xuôi đã cho tác giả kể hay nhất câu chuyện cha mẹ mình với những phác họa rất thơ: Sương nhẹ bẫng trên mái tóc bà, mái tóc hơi xoăn bồng bềnh như áng mây bay nay đã gần nhập với màu sương”. Và: Nơi ấy ông bà đã gặp nhau trong những ngày kháng chiến… Một đám cưới giản dị mà đông vui của một cô y tá quê hương chín đỏ những mùa vải thiều nổi tiếng với một thầy giáo trẻ từ miền đất học Nam Định đã xung phong lên vùng cao lập nghiệp… Rồi số phận đã đến với đời bà khi ông ra đi mãi mãi: Trong tim người quả phụ vang vọng lời thì thầm: Xin gửi lại tình yêu những mùa thu vàng nắng…
Phần chính thứ hai của tập sách gồm không nhiều bài viết. Chỉ có: Giới hạn, Cộng sinh, Đôi mắt Syria, Giấc mơ bay của loài cá, Chào Ôbama, Cà phê biển mặn, Chim đại bàng và chiếc mỏ, Khi dòng chảy không phải là nước, Ngày tuyết rơi… đã đề cập được khá nhiều vấn đề đang bức xúc hiện nay. Thơ chủ đề này của tác giả nặng về những suy ngẫm, triết luận. Cũng dễ hiểu, khi thế giới chúng ta mấy thập niên vừa qua phải đối mặt với quá nhiều loại thảm họa, môi trường, nhất là bom đạn hủy diệt, khủng bố, sắc tộc, di cư… Đòi hỏi mỗi người không thể thờ ơ, mà cần đưa ra chính kiến rõ ràng cho dù có cách nói văn học: Và giới hạn/ Là tất cả những gì không giới hạn (Giới hạn, tr.6) như Phương Thảo.
Để giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, dân tộc ta đã từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh có quy mô ác liệt hàng đầu nhân loại. Cho dù bây giờ đã lùi xa nhưng kí ức tháng năm máu xương ấy đã găm sâu trong lòng mọi thế hệ. Với Phương Thảo ở ấn phẩm này chỉ bắt gặp thấp thoáng mà lát cắt sắc: Những bước chân ngày xẻ dọc Trường Sơn/ Những ai còn lang thang nơi đâu chưa được về nơi đây nằm bên bè bạn/ Các anh thêu bằng máu và ghi tên mình/ Trên thân thể Mẹ Việt nam kiêu hãnh… (Lửa thức trong nghĩa trang Trường sơn, tr.23). Hoặc: Chiến tranh/ Nỗi ẩn ức/Đàn bà/… Những mảnh đau nhọn sắc/ Cào rách đêm (Ẩn ức hoa hồng, tr.12)… Vì vậy, những cuộc chiến đang khuynh đảo với cấp độ kinh hoàng ở Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi… chúng ta đâu được quyền vô can? Hơn thế, còn là sự đồng cảm của những người đã từng trong cuộc! Bài: Đôi mắt Syria (tr.104) bằng sự mẫn cảm của một người mẹ, Phạm Thị Phương Thảo đã cảm nhận khi gặp những em bé Syria di cư tội nghiệp, (Dẫu chỉ là trên màn hình vô tuyến) khi thì chết tức tưởi, lúc thì: Đôi mắt nâu rám nắng nhìn ta lệ ứa đang bơ vơ trên bờ biển: Biết về đâu khi quê hương rụi cháy/ Chúa trời có che chở cho em?. Cả lúc: Đảo Legets Hy Lạp ngập tràn áo phao đỏ như máu/ 36 thi thể vùng vẫy chết chìm vô vọng trong những mảnh áo phao… thì người mẹ bên bờ Thái Bình Dương chỉ biết cầu mong: Biển khóc, dâng trào ngọn sóng/ Dang tay bao dung ôm những thiên thần bé nhỏ vào lòng.
Biển bao giờ cũng rộng lòng bao dung bởi thế giới này chấp nhận “3/4 nước mắt”. Thế nhưng đâu phải ai, thế lực nào cũng nghiêm túc trân trọng những khát khao: Cá lượn tràn vào đêm/ Giống như những cánh diều xinh/ Khỏa vào đại dương những chiếc đuôi mềm mại/ Những cánh buồm đêm đen tan nát… (Giấc mơ bay của loài cá, tr.98)? Vậy nên có nơi biển đẫm hoặc rình rập chiến tranh, có nơi bị môi trường tàn phá hủy hoại như tác giả dẫn việc cá chết ở biển miền Trung nước ta mới xảy ra vừa rồi: Sau ngày cá tháng tư/ Mùa hè bật khóc… Giấc mơ bay của những linh hồn cá. Rồi đến cả thảng thốt: biển mặn hôm nay/ Mặn đến xót cả bờ (Cà phê Biển Mặn). Những câu thơ cứ xoáy vào tâm can người!
Bài Chào Ôbama (tr.25) là cảm nghĩ của tác giả cũng như nhiều người khác khi cuộc chiến hãi hùng hai bên đối mặt đã khép lại hơn 40 năm. Phương Thảo kể những lý do cần mở ra bang giao một cách nhân văn: Chào Obama/ Nụ cười thân thiện quá/ Xin ông hãy mang về nước Mỹ niềm tin… Cùng những giấc mơ đẹp/ Và cả sự lãng mạn hiếm hoi. Nhưng tôi lại thích nhất cách nhìn tinh tế và đồng cảm này: Trong ánh mắt những người đàn bà/ Ngài là người đàn ông quyền lực, đáng yêu và quyến rũ/ Bởi việc đầu tiên từng làm khi bước xuống máy bay/ Không gì khác là che ô cho vợ/ Là đàn bà còn gì vui hơn thế…. Cho nên cần: Ta cộng sinh vào thế giới này/ Và trân trọng mỗi phút giây ta sống/ Ta hội nhập cùng vô cùng thách thức/ Bài ca hay nhất được cất lên có chính cả nỗi đau/ ta giang tay cộng ta vào thế giới… (Cộng sinh, tr.8).
Trước Cộng ta vào thế giới, Phạm Thị Phương Thảo đã có những tập thơ riêng, trong đó có cuốn viết cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ ấn phẩm này được nhà thơ dồn nhiều công sức, thời gian hơn nên đã tự gửi được thông điệp “Cộng ta vào thế giới” tới người đọc và những đối tượng mà tác giả hy vọng, bằng sự không “đơn tuyến” cả về cách nghĩ cùng cách thể hiện của tập thơ.
Đ.V
(Nguồn Báo Văn nghệ số 41 ngày 08/10/2016)