Cuộc chuyển giao đau đớn của ngành xuất bản – bài của Thanh Hương

Tham vọng của Amazon với gói dịch vụ “Kindle không giới hạn” có thể thay đổi ngành xuất bản sang một hướng khác. Ảnh: INFO.ABRIL.COM.BR…

Việc Amazon tung ra dịch vụ thuê bao đọc sách “Kindle không giới hạn” tuần qua tại Mỹ, đã đẩy cuộc chuyển giao từ xuất bản sách giấy sang kỷ nguyên xuất bản và phát hành sách điện tử vào giai đoạn nhanh nhất, đau đớn nhất…

Những cú vùng vẫy cuối cùng

Sách điện tử không còn là chuyện mới lạ. Thế nhưng nếu trước đây Amazon chỉ bán từng bản sách điện tử, thì nay với “Kindle không giới hạn”, phương thức kinh doanh là thuê bao trọn gói (như kiểu gói truy cập xem phim của Netflix): khách hàng đóng phí khoảng 10 đô la mỗi tháng có thể tiếp cận kho sách 600.000 cuốn của Amazon bao gồm cả sách nói.

Dù việc xuất bản sách và bán sách qua Amazon thời gian qua có giá ngày càng rẻ, có tốc độ ngày càng nhanh cùng với độ phủ các thiết bị di động đã là một cú đánh mạnh vào ngành xuất bản truyền thống, sự lựa chọn của độc giả giữa sách giấy và sách điện tử vẫn còn vương vấn những tranh cãi. Như cảm giác cầm cuốn sách vẫn thú vị hơn cầm cái máy ra sao, thói quen đọc sách hàng ngàn năm từ khi giấy được phát minh đến nay không dễ xóa bỏ, đội ngũ biên tập viên kỳ cựu và uy tín thẩm định của các nhà xuất bản có vai trò quan trọng thế nào trong hoạt động xuất bản sách…

Nay nguồn sách quá dồi dào với mức giá quá rẻ của dịch vụ mới “Kindle không giới hạn” đủ khiến những điều băn khoăn trước đây càng trở nên nhỏ nhặt. Dường như cuộc chuyển giao từ sách giấy sang kỷ nguyên sách điện tử, như Bill Gates đã tiên đoán những năm cuối thế kỷ 20, đã đến hồi quyết định.

Tuy nhiên, cuộc chuyển giao có vẻ không được êm ái cho lắm. Đầu tiên, năm nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ (HarperCollins, Hachette, Simon & Schuster; Penguin Random House và Macmillan) không có mặt trong danh sách nhà cung cấp của dịch vụ này. Vì thế, độc giả có thể không thấy sách từ các nhà xuất bản này (hay ít nhất là chưa có) trong gói dịch vụ.

Cũng cần nhắc lại, “ân oán” giữa Amazon và nhóm “ngũ đại” nhà xuất bản nói trên không phải mới có đây. Năm ngoái, năm nhà xuất bản này bị cáo buộc tại Tòa án liên bang quận Manhattan, New York là thông đồng bất hợp pháp với hãng Apple để nâng giá sách điện tử cũng như cố gắng giảm ảnh hưởng của Amazon đối với ngành xuất bản ngay trước khi Apple tung ra sản phẩm iPad năm 2010.

Việc xuất bản sách và bán sách qua Amazon thời gian qua có giá ngày càng rẻ, có tốc độ ngày càng nhanh cùng với độ phủ các thiết bị di động đã là một cú đánh mạnh vào ngành xuất bản truyền thống.

Trong bối cảnh cuộc đối đầu càng căng thẳng giữa nhà bán lẻ này và các nhà xuất bản, vụ việc tranh chấp tay đôi giữa Amazon và Hachette về quyền bán sách của nhà xuất bản này trên Amazon hơn hai tháng qua vẫn chưa có hồi kết. Amazon đã trả đũa bằng cách chậm giao hàng những cuốn sách do Hachette cung cấp khiến các tác giả tức giận và nhà xuất bản này sụt giảm doanh thu. Còn Amazon nhận những chỉ trích gay gắt về cách làm ăn “nguy hiểm và độc quyền”.

Tuần qua, trang web thebookseller trích lời giới xuất bản và tác giả ủng hộ phe “truyền thống” mạt sát Amazon là “con quái vật khổng lồ nắm trong tay quyền kiểm soát mọi thứ” nhưng thực ra là “một đứa trẻ chưa trưởng thành”, lớn lên bằng bong bóng giá rẻ, xóa bỏ các luật lệ về bản quyền, và đang “giết hại” các nhà xuất bản từ lớn nhất đến nhỏ nhất bằng cách “ăn vào tận xương tủy họ”.

Thế nhưng ở một góc nhìn khác, sự việc có vẻ không xấu xí đến thế. Người ta cho rằng dường như đây là những cú “vùng vẫy” cuối cùng của các nhà xuất bản vốn rất cao ngạo, tự phụ, với bộ máy cồng kềnh và tốn kém đang đau đớn chứng kiến xu hướng mới không thể cưỡng lại được đang lấy dần uy thế lâu đời của họ.

Và dịch vụ mới của Amazon về bản chất là có hiệu quả nhất về chi phí, về phục vụ nhu cầu độc giả và cả về mặt phát triển ngành xuất bản và phát hành sách cho đến nay.

Diều hâu hay bồ câu?

Giới bình luận cho rằng khó mà trả lời câu hỏi Amazon là “diều hâu hay bồ câu”, bởi làm gì thì mục đích của Amazon cũng là để đạt lợi nhuận ngày càng nhiều hơn, bán được nhiều máy Kindle hơn. Nhưng không thể chối bỏ là với Amazon, mọi thứ đều rẻ hơn, nhanh hơn, dễ mua hơn nhiều, và việc xuất bản sách cũng thế. Tờ Forbes còn tuyên bố “đóng cửa hết các thư viện và đăng ký mỗi người mỗi suất đọc sách của “Kindle không giới hạn” là xong”. Chuyện đóng cửa thư viện xem ra còn nhiều tranh cãi, nhưng chắc chắn là “Kindle không giới hạn” tăng khả năng tiếp cận sách và khuyến khích con người đọc nhiều sách hơn, và đó đương nhiên là điều tốt.

Không những thuận tiện cho người đọc, Amazon còn làm lợi nhiều hơn cho người viết. Một tác giả, từng có hợp đồng với nhà xuất bản lớn New York House 15 năm trước, nói: “Cái khác biệt giữa xuất bản sách với Amazon và các nhà xuất bản truyền thống là Amazon rất trọng vọng nâng niu các tác giả”.

Các nhà xuất bản truyền thống trả cho các tác giả cao cấp nhất cũng chỉ ở mức 15%, trong khi Amazon trả cho họ 35% và những người tự xuất bản sách điện tử thông qua giao diện của Amazon còn được hưởng mức lợi nhuận cao hơn nhiều lần.

Hơn nữa, với chiến lược tiết kiệm chi phí và giá thấp, sách điện tử lại bán được số lượng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc đem lại lợi nhuận tổng thể và phần của tác giả sẽ nhiều hơn (ví dụ sách định giá 9,99 đô la bán chạy hơn giá 14,99 đô la nhiều). Điều này khiến cuộc chuyển giao càng nhanh nghiêng về phía xuất bản sách điện tử hơn.

Sự chia rẽ và tranh cãi trong giới tác giả cũng sâu sắc không kém giữa nhà bán lẻ và giới xuất bản. Nhiều tác giả cho rằng họ thấy trước khuynh hướng bắt nạt và dấu hiệu của độc quyền trong mô hình này. Trước đây họ chỉ đơn giản xem Amazon là một món đồ chơi vui mắt (còn cho phép họ theo dõi doanh thu bán lẻ sách của mình đang ở mức nào!), một đối trọng với các nhà sách lớn như Borders và Barner&Noble (mà đằng nào bán được nhiều hơn thì họ cũng có lợi). Nay các nhà sách này đang yếu dần hoặc thậm chí đã chết, buộc các tác giả không còn con đường nào khác là số hóa sách của mình và đành phải phụ thuộc vào Amazon.

Tuy nhiên, có nhiều tác giả thích nghi được với hệ thống xuất bản của Amazon ủng hộ nhiệt liệt xu hướng mới này. Sách của Zandri, 50 tuổi – một tác giả viết truyện trinh thám và huyền bí, được các biên tập viên, nhân viên kinh doanh của Amazon biên tập và quảng bá. Sách của ông không bán ở nhà sách, cũng không thấy ở các thư viện công cộng. Độc giả đọc sách của ông trên các thiết bị đọc sách điện tử của Amazon, như máy tính bảng Amazon, và sắp tới là điện thoại thông minh Amazon. Những bài bình sách của ông là do chính người đọc viết trên trang web của Amazon. Và giải thưởng mới đây nhất của ông cũng do Amazon trao tặng.

Chỉ vài năm trước, Zandri từng có cuộc sống khó khăn đến nỗi nhiều lúc phải đi giao đổi chai lọ cho các siêu thị để sống qua ngày lúc viết lách. Nay ông thoải mái đi du lịch dài ngày khắp những thành phố xa hoa nhất của Mỹ, châu Âu hay châu Phi, tận hưởng cuộc sống sung túc.

Đó cũng là cái cốt lõi trong cuộc tranh cãi giữa Amazon và Hachette, nhà xuất bản này đòi lợi nhuận từ sách điện tử phải là 50%, trong khi Amazon cho rằng 30% đã là quá nhiều. Amazon tin rằng các nhà xuất bản đã quá bóc lột các tác giả và giờ đây với mô hình phát hành và phân phối sách điện tử, nhà xuất bản không còn vai trò và ưu thế gì để có thể làm mưa làm gió như trước. Biên tập ư? Tác giả có thể thuê biên tập viên độc lập. Quảng bá ư? Các mạng xã hội, Internet hoàn toàn có thể làm tốt chuyện này. Những tác giả phản đối xu hướng mới, đơn giản vì họ đã quá quen dựa dẫm vào nhà xuất bản mà không muốn học cách tự mình xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với người đọc và tương tác với họ trong thế giới của Internet.

Khoảng 15 năm trước, Amazon phải thuyết phục các nhà xuất bản bán sách trên hệ thống của mình. Các nhà xuất bản lúc đó còn rất kiêu hãnh, là phía quyết định nội dung, hình thức, giá cả cuốn sách mà Amazon không được phép thay đổi. Họ đã không nhận ra, thế giới đang đổi thay rất nhanh. Nay có những người chỉ tìm sách trên Amazon. Chỉ cần ấn vài cái nút, thêm bớt một đôi câu “giới thiệu”, là có thể đẩy giá sách tăng lên, số lượng bán ra, hay khiến một tựa sách nào đó biến mất.

Không nghi ngờ gì nữa, xuất bản và phát hành sách điện tử đã trở nên quá quyền lực và là một xu thế hiển nhiên. Vấn đề chỉ là, phải có thêm những nhà bán lẻ – xuất bản tương tự Amazon để cạnh tranh với nó. Bởi vì không có cái gì độc quyền mà sẽ tốt mãi.

(Nguồn TBKTSG)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder