Về hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25 đến 28 tháng 9 năm 1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, tư liệu hiện còn lại chỉ là bài tường thuật đăng trên tạp chí Văn nghệ số kép 17-18, cũng gọi là số tranh luận (tháng 11&12/1949). Một buổi chiều tranh luận (thời gian dành cho tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi: chiều 28/9/1949) được đăng tải trên 14 trang tạp chí (khoảng 5 ngàn chữ) cho thấy tường thuật khá kỹ lưỡng.
Vanhaiphong – Ngày nay đọc thơ Nguyễn Đình Thi, một giọng thơ đặc sắc có lẽ không ai còn nghi ngại hoặc thắc mắc về thi pháp, về diễn ngôn… trong các tác phẩm của ông; thế nhưng đã từng có những cuộc tranh luận nảy lửa về thơ Nguyễn Đình Thi một thời. Trong bối cảnh văn học đổi mới, chúng tôi cung cấp lại nguồn tư liệu được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phác hoạ và những bình luận của nhà thơ Lại Nguyên Ân (tác giả bải viết dưới đây) để thấy đổi mới văn chương cũng phải trả những cái giá nhất định. Đó cũng là bài học cho người cầm bút cần xác định và vững tin ở chính mình khi đã quyết dấn thân vào con đường văn nghiệp.
Chúng tôi cũng trích đăng tại phần phụ lục sau bài này một số ý kiến quan trọng của các nhà văn tên tuổi trong cuộc tranh luận này. Chúng ta sẽ thấy kính trọng và ngưỡng mộ nhà văn Nguyên Hồng của Hải Phòng với tâm hồn nhạy cảm tinh tế và nhân cách cứng cỏi; Ông nói: “Ý riêng tôi, thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở trong loại thơ đó.
Dấu hiệu “xung đột trường phái” trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi
(Việt Bắc, 1949) – Lại Nguyên Ân
Về hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25 đến 28 tháng 9 năm 1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, tư liệu hiện còn lại chỉ là bài tường thuật đăng trên tạp chí Văn nghệsố kép 17-18, cũng gọi là số tranh luận (tháng 11&12/1949). Một buổi chiều tranh luận (thời gian dành cho tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi: chiều 28/9/1949) được đăng tải trên 14 trang tạp chí (khoảng 5 ngàn chữ) cho thấy tường thuật khá kỹ lưỡng.(1)
Đối tượng tranh luận là thơ của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng chiến, nói rõ hơn là “thơ không vần” mà những bài được nhắc đến là: Đêm mít tinh, Sáng mát trong…, Không nói, Đường núi, Khúc hát miền Tây. Trong thành phần tham gia thảo luận, bên cạnh “khổ chủ” Nguyễn Đình Thi chỉ có một số rất ít người đứng về phía ông: đó là Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng. Đoạn tường thuật ngắn của Nguyễn Huy Tưởng phác hoạ:
“Trong một góc tối, đầu cúi xuống cuốn sổ tay nhỏ bên cạnh Văn Cao và Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi ghi những lời phê bình của anh chị em về trường hợp thơ anh”. (Văn nghệ, s. 17&18, tr.34) (2)
Những người đứng về phía “chống” lại thơ Nguyễn Đình Thi gồm hầu hết số còn lại: Xuân Diệu trình bày đề dẫn và phát biểu thêm 2 lần nữa; Thanh Tịnh phát biểu 2 lần; Ngô Tất Tố – 3 lần; Thế Lữ – 4 lần; Tố Hữu phát biểu 1 lần, cuối cùng thêm lần phát biểu tổng kết; Xuân Thuỷ – 1 lần; Phạm Văn Khoa – 1 lần; Nguyễn Xuân Khoát – 1 lần; Tâm Trung – 1 lần; Phan Thị Nga – 2 lần; Hữu Tâm – 1 lần (bài tường thuật cho biết đây là nhà thơ trẻ của Trung đoàn thủ đô); Xuân Trường – 1 lần.
Đọc lại biên bản tranh luận , có thể nhận ra hai loại xung đột về xu hướng nghệ thuật mà thơ Nguyễn Đình Thi lúc ấy phải đương đầu.
Thứ nhất là xung đột giữa thơ Nguyễn Đình Thi hồi này với chủ trương “đại chúng hoá”, một trong những chủ trương được đề ra cho văn nghệ kháng chiến. Hầu hết các ý kiến phản đối đều lấy tính dễ hiểu, nhất là dễ hiểu cho quần chúng công nông binh đông đảo, làm tiêu chuẩn và căn cứ để phê phán. Trong lời kết của Chủ tịch đoàn, Tố Hữu nói: “Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó đã hay(…) Tôi không thể lấy cái “ta” làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi : quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không?”(Văn nghệ số dẫn trên, tr.56). Cái “ta” Tố Hữu nói ở đây chính là trỏ cái “tôi” trữ tình; lúc này cái “tôi” ấy bị gạt sang một bên; yêu cầu văn nghệ phải dễ hiểu đối với đại chúng ít học là một trong những yêu cầu hàng đầu được nêu ra từ phía chỉ huy cuộc kháng chiến.
Tuy nhiên, bên cạnh xung đột nêu trên, ở cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi còn bộc lộ dấu hiệu về một xung đột khác nữa; ở đây kiểu thơ do Nguyễn Đình Thi đề xuất vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các chuẩn “thơ mới”(1932-45) mà những đại diện lên tiếng ở đây là Xuân Diệu, Thế Lữ, Thanh Tịnh.
Những nhận xét phê phán của Xuân Diệu cho thấy, tuy có đôi chỗ ông muốn nhân danh “nghệ thuật dân chủ mới”, nhưng trên thực tế, ông chủ yếu đứng trên lập trường của thơ mới 1932-45: chính là với những chuẩn mực nghệ thuật thơ mà bằng vào đó, Xuân Diệu đã đạt được thành công lớn hồi giữa những năm 1930. Giờ đây, vào cuối những năm 1940, Xuân Diệu dị ứng gay gắt với một hiện tượng vượt ra ngoài các chuẩn mực ấy. Ông nêu hai đặc điểm của thơ Nguyễn Đình Thi : 1) không vần; 2) câu thơ dài ngắn tự do. Xuân Diệu cho các ý trong các bài thơ Đêm mit tinh, Sáng mát trong…là “đầu ngô mình sở (incohérance)”: “các đoạn trong tứ thơ không dính nhau”… “không hiểu sao đang đêm mit tinh lại nói đến nhớ Hà Nội”. Theo quan niệm của Xuân Diệu, “phải làm sao người ta thấy ý này bắt sang ý kia là tự nhiên”. Ông đòi hỏi “ý tình phải quấn quýt lấy nhau theo một sự hợp lý nào đó”. Chính vì thế ông cho rằng trong các bài thơ của Nguyễn Đình Thi có những đoạn những câu mà “không có ở trong bài cũng không sao”, ví dụ ba câu đầu trong bài Sáng mát trong…( Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới / Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em ). ở trường hợp bài Đường núi, có lẽ vì không thể bảo câu nào là “thừa”, nhưng tất cả dưới mắt Xuân Diệu đều dường như không dính nhau, ông đành nêu nhận xét phủ định này: “những nét thơ rất đẹp nhưng chỗ này một nét, chỗ kia một nét, tán loạn như trong một bức tranh siêu thực” (chỉ cần bỏ thái độ phủ định đi thì đây hoàn toàn là một nhận xét xuất sắc). ở phần nhận xét về hình thức, Xuân Diệu nêu ba điểm: một là “câu thơ anh Thi đúc quá. Anh Thi rất tiết kiệm chữ… nhưng lại tiết kiệm quá. Không những không có chữ thừa mà chữ đệm cũng không có. Không những đúc trong một câu mà còn đúc cả đoạn nữa”. Xuân Diệu chủ trương lời thơ chỉ nên cô đúc một cách vừa phải, trung bình: “Sự tiết kiệm chữ và tiết kiệm lời (…) phải đến cái trình độ thích trung (…). Nếu đúc quá, độc giả không theo kịp được, thì cũng không còn là thơ nữa”. Hai là, về chuyện vần hay không vần, tuy Xuân Diệu nói đây không phải vấn đề của thơ Nguyễn Đình Thi, nhưng những biện luận dài của Xuân Diệu cho thấy ông chủ trương thơ phải có vần, ông nhấn mạnh rất nhiều lợi ích của vần (a/ vần như chỗ nghỉ hơi; b/ giữ vần được xem như chỗ để “hồn thơ tựa vào câu thơ một cách vững chắc”; c/ vần giúp công chúng và tác giả nhớ thuộc; d/ vần gắn với thói quen của của quần chúng, với tập quán tiếng Việt). Ba là, Xuân Diệu thấy “rất khó chấm câu” cho thơ Nguyễn Đình Thi, “vì câu này tràn sang câu kia. Không biết chấm thế nào cho đúng”. Xuân Diệu chủ trương “phải giữ chấm câu” với nhiều lợi ích của nó, theo quan niệm của ông (quan niệm này Xuân Diệu giữ đến tận cuối đời).
Như vậy, trong các nhận xét của mình, Xuân Diệu đã đối chiếu các đặc điểm thi pháp của Nguyễn Đình Thi với các chuẩn nghệ thuật của “thơ mới”, trước hết là những chuẩn mà chính Xuân Diệu đã quan niệm và tuân thủ. Những đối chiếu này làm nổi bật những nét khác biệt, đổi mới của thơ Nguyễn Đình Thi. Song những đổi mới ấy lại bị Xuân Diệu xem như những hiện tượng “phạm quy”, “phạm luật” trong sự sáng tác, nên ông không thể thừa nhận.
Về ý kiến Thế Lữ, đoạn tường thuật ngắn của Nguyễn Huy Tưởng cho biết từ trước khi có cuộc tranh luận chiều 28/9/1949, “anh (tức Thế Lữ) đã nhiều lần tranh luận về thơ với Nguyễn Đình Thi, cãi nhau đã lắm mà chưa ngã ngũ ra sao”. Tại cuộc tranh luận, Thế Lữ phát biểu tới bốn lần. Ông xem thơ Nguyễn Đình Thi thời gian này như “là một cuộc thí nghiệm về thơ nói chung”, và tuy thừa nhận quyền thí nghiệm, ông vẫn đặt câu hỏi hoài nghi : “thơ không vần anh Thi làm nay đã là một môn phái chưa? ” Ông, giống như Xuân Diệu, cảm thấy kiểu thơ này “chung đúc quá, hà tiện lời quá”, tỏ ý tiếc cho những “câu nối” bị bỏ đi. Nhưng điều quan trọng hơn là Thế Lữ nhận thấy một nét khác : “Thơ anh Thi có dáng điệu kiêu căng, im lặng, không ghi rõ những điều mình rung động(…)Tôi ví anh Thi với người đạo sĩ nói lên những lời chỉ có những người đã tu luyện như mình mới hiểu được”. “Anh Thi chỉ để vào đấy những điều chỉ có riêng mình anh rung cảm”. “Thơ anh Thi có tính cách quý phái cao đạo”. Thế Lữ cảm thấy lo ngại vì Nguyễn Đình Thi “đã gieo rắc lối thơ của anh trong làng thơ”. Được Thanh Tịnh đồng tình (cho rằng lối thơ này có thể gây “loạn thơ”), Thế Lữ lên tiếng cảnh cáo: “Thơ anh Thi nguy hiểm, và còn là một cái nguy cơ. Các nghệ sĩ hay bám vào hình ảnh mới lạ, miễn là nó long lanh để đưa tâm hồn mình vào đấy. Đó là cái thú “vicieux”(bệnh tật) của nghệ sĩ.” Ngay sau khi hội nghị dành thời gian cho Nguyễn Đình Thi tự phê bình và tự biện hộ, trước khi Tố Hữu phát biểu kết luận, Thế Lữ còn lưu ý một lần nữa sự “nguy hiểm” nói trên và giữ lại cho mình sự hoài nghi đối với các lập luận “nội dung mới phải đi với hình thức mới” của Nguyễn Đình Thi.
Có thể nói, hơn hẳn một bậc so với Xuân Diệu, những nhận xét về hiện tượng thơ Nguyễn Đình Thi của Thế Lữ ở đây thực sự là những phán xét nghiệt ngã, riết róng đến mức bất công, tuy cả hai (Thế Lữ và Xuân Diệu) đều đứng trên lập trường các chuẩn mực của thơ mới 1932-45. Với phát biểu của Xuân Diệu, thơ mới 1932-45 chỉ “đánh dấu” và tỏ thái độ không chấp nhận những hiện tượng tìm tòi vượt ngoài giới hạn các chuẩn mực của mình. Với các phát biểu của Thế Lữ, thơ mới 1932-45– mà đại diện là một trong những thủ lĩnh danh tiếng của nó, — đã phản công quyết liệt đối với những tìm tòi ngoài giới hạn của mình. Phương tiện, căn cứ để công kích dĩ nhiên không chỉ là các chuẩn của thơ mới – giờ đây mặc nhiên đã được thừa nhận rộng rãi, — mà còn là các phương châm đặc hữu của văn nghệ kháng chiến (ví dụ Thanh Tịnh nói đã đưa thơ không vần của Nguyễn Đình Thi cho bộ đội đọc, thấy họ không thích vì trúc trắc, đưa cho trí thức đọc họ cũng không thích…).
Có thể nói, tại cuộc tranh luận này, chính các chuẩn mực của thơ mới 1932-45 được công nhiên thừa nhận như một thước đo “kinh điển”. Một hiện tượng vượt ra ngoài nó, dù chỉ với một lượng tác phẩm rất ít, ở đây là thơ Nguyễn Đình Thi, bị đem ra cân đo, đương nhiên là ở vào thế bị động và bất lợi.
Quả vậy, ở phần trình bày của mình, vốn mang tính chất tự phê bình, Nguyễn Đình Thi chỉ có thể gợi ra sự cảm thông, thái độ hiểu biết đối với những tìm tòi của mình. Tuy vậy, dù vắn tắt, ông cũng nêu khá rõ một quan niệm, một chủ trương trong nghệ thuật thơ.
“Hình thức cũ để tả nội dung cũ. Nội dung mới, tự nó sẽ tìm đến hình thức mới” — đó là lý lẽ, cũng là thực tiễn kinh nghiệm của bản thân : “Bài đầu tiên theo thể nàylà Đêm mit tinh (…) tôi làm nó theo hình thức thường; bốn, năm đêm liền, thấy không được. Cuối cùng, tôi quay sang một thể khác, và có bài Đêm mit tinh như các anh chị đã đọc. Sau bài ấy, tôi còn làm tiếp nhiều bài nữa”.
Nguyễn Đình Thi gọi kiểu thơ mà mình đang theo đuổi là “thơ tự do” mà nét cốt yếu về hình thức là câu thơ dài hay ngắn, có vần hay không vần — đều “không quan hệ” (không quan trọng), không có chuẩn cố định. Đối với ấn tượng lạ lẫm trước “thơ không vần”, ông nói: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được”. Đối với ấn tượng về ý thơ không “dính”, “đầu ngô mình sở”, ông nói: “Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc: cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy”. Ông không thích kiểu thơ kể lể tình cảm mà chủ trương “chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc”. “Thơ như thế không phải đầu ngô mình sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo”.
Đối với ấn tượng của Thế Lữ về tính cách “quý phái cao đạo”, “kiêu căng” của kiểu thơ này, Nguyễn Đình Thi chưa chống trả được bao lăm. Chỉ có thể nhận thấy những hàm ý trả lời, ví dụ : “Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi”, hoặc : “Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh”.
Tóm lại, Nguyễn Đình Thi dù vắn tắt đã nói được một quan niệm về thơ, một cách làm thơ với những nét khác biệt đáng kể so với quan niệm của Xuân Diệu, Thế Lữ, tức là quan niệm được thành tựu bởi phong trào thơ mới 1932-45.
Trên đây là sự trình bày tương đối chi tiết các ý kiến trong tranh luận. Điều tôi lưu ý là ở đây nét đậm nhất chính là sự va chạm, xung đột giữa chuẩn mực thơ mới 1932-45 với những tìm tòi hậu thơ mới mà Nguyễn Đình Thi thực hiện vào cuối những năm 1940, cũng tức là thời gian đầu cuộc kháng chiến 1946-54 . Cần phải nói rõ, không khí trong giới văn nghệ đi kháng chiến hồi này là một không khí rất trong sáng, các ý kiến tranh luận, dù gay gắt cũng vẫn rất vô tư. Chính vì vậy, tính xung đột về quan niệm càng thuần tuý, thuần khiết. Xin dẫn thêm câu nhận xét trong bài tường thuật của Nguyễn Huy Tưởng: “Do cái không khí rộn rã chung quanh và do cái không khí của bản thân hội nghị, phiên họp tranh luận cuối cùng này về một vấn đề vừa gay go vừa thú vị, là một buổi dốc bầu tâm sự thể hiện trong những câu đối đáp khi kịch liệt khi nồng nàn.”
Nói rằng những tìm tòi về thơ của Nguyễn Đình Thi va chạm với các chuẩn mực của thơ mới 1932-45, cần phải cụ thể hoá hơn: đó là chuẩn thơ mới của tuyến mà tôi tạm gọi là tuyến “từ Thế Lữ đến Xuân Diệu”.
Thơ mới 1932-45 là một phong trào rộng lớn và không thuần nhất. Với thời gian, người ta thấy rõ tuyến từ Thế Lữ đến Xuân Diệu không phải tuyến đạt đến thành tựu cao nhất (ví dụ so với “trường thơ loạn” mà tiêu biểu là Hàn Mặc Tử), nhưng lại là tuyến mà thành tựu được phổ cập nhất, và đương thời đây cũng là tuyến thanh thế nhất. Với tuyến này, thơ mới thoát khỏi cái khuôn của những thể thơ cách luật đã có trong truyền thống thơ tiếng Việt, nhưng các thể thơ do nó tạo ra vẫn là một thứ “cách luật” nới rộng (tiêu biểu là thể câu thơ 8 chữ); các yêu cầu về vần, về liên hệ cú pháp-ngữ nghĩa vẫn được xem trọng. Những yêu cầu về nội dung và hình thức mà Xuân Diệu nêu lên trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc năm 1949, vẫn chủ yếu là sự diễn đạt những chuẩn mực của thơ mới 1932-45 ở tuyến của ông. Sự đồng tình của số đông người dự thảo luận với các ý kiến của Xuân Diệu, Thế Lữ chỉ cho thấy mức độ phổ cập, cũng là mức độ bị quy phạm hoá, trở thành hình thức được thừa nhận chung, – của các tìm tòi và thành tựu của thơ mới 1932-45 thuộc tuyến từ Thế Lữ đến Xuân Diệu.
Những tìm tòi về thơ hồi 1948-49 của Nguyễn Đình Thi thực tế là vấp phải những chuẩn mực đã trở thành quy phạm ấy. Đó là những quy phạm tuy mềm mại, linh hoạt nhưng vẫn là những giới hạn không dễ vượt qua mà không hứng chịu phản ứng bất bình, thậm chí cho đến tận những năm 1980-1990 này.
03/6/1995
Chú thích:
(1) Các bài tường thuật Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc thường do Nguyễn Huy Tưởng hoặc Xuân Diệu thực hiện. Về buổi tranh luận thơ Nguyễn Đình Thi, bài tường thuật không ghi rõ ai viết, nhưng có lẽ là Xuân Diệu viết; một dấu hiệu tỏ rõ điều đó là đoạn ghi ý kiến Xuân Thuỷ, chỗ bàn về vần hay không vần từ thơ cổ phong sang Đường luật, bài ghi có đánh chú thích (1) đưa xuống cuối trang nêu một nhận xét ngược lại ( khẳng định Kinh Thi, “ca dao Tàu”, Sở từ, cổ phong đều có vần), dưới chú thích này ký X.D..
Nguyễn Huy Tưởng cũng có một đoạn tường thuật ngắn cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, đoạn này nằm trong bài tường thuật chung của ông về Hội nghị tranh luận.
(2) Xem trong cuốn: Sưu tập Văn nghệ 1948-1954, tập 2: 1949, Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, tr. 633-646.
nguồn: phebinhvanhoc.com.vn
Phụ lục của vanhaiphong.com: các ý kiến trong cuộc tranh luận
Nhà thơ Nguyễn Đình Minh sưu tầm và biên tập từ Tạp chí Văn Nghệ số tranh luận
(số 17,18, tháng 11,12/1949)
Xuân Diệu: Nói đến thơ anh Thi, không phải nói đến vấn đề thơ không vần, cũng không phải chuyện những câu thơ dài, ngắn tự do. Hai đặc điểm ấy của anh Thi còn là việc phụ. Nhiều người không thích thơ của anh Thi, chính là vì anh chưa đạt, chưa thành công. Cái “điệu” của anh Thi chưa rõ.
Nhân đọc thơ anh Thi, tôi càng thấy hình thức với nội dung là một. Mỗi câu thơ là một ít xác thơ đựng một ít hồn thơ. Hồn thơ anh Thi chưa ổn, nên câu thơ có chỗ lệch lạc. Cái anh Thi muốn nói chưa phải là cái anh Thi đã nói được.Tôi có mấy nhận xét sau này về thơ anh Thi.
Nội dung:
1) Các đoạn trong tứ thơ không dính nhau, phạm cái điều mà tôi gọi là đầu Ngô mình Sở (incohérence). Ví dụ: bài Đêm mít tinh, ban đầu nói trên rừng Phan Lương có sao, rồi nói đến Hà Nội của chúng ta, sau đến cờ sao kéo về, và câu kết: “Sao ơi, núi rừng ơi, nức nở”. Tôi thấy nó xa quá. Không hiểu sao đang đêm mít tinh lại nói nhớ đến Hà Nội. Cái tứ chạy đi như thế, người ta khó theo.
Một bài nữa cũng nói đến nhớ thủ đô: Sáng mát trong như sáng năm xưa. Nếu ba câu đầu không có ở trong bài cũng chẳng sao cả. Nó không cần thiết. Theo tôi, trong thơ cũng phải có tính cách cần thiết (nécessaire), và phải làm sao người ta thấy ý này bắt sang ý kia là tự nhiên. Trong hệ thống tư tưởng cũ, thơ hay nói lung tung. Thơ bây giờ phải theo một sự hợp lý mới. Ý tình phải quấn quít lấy nhau theo một lệ luật hợp lý nào đó
Thơ anh Thi từng bộ phận thì hay, và có những câu rất hay. Những đoạn, những câu hay ấy, chắp lại với nhau thì không thành ra hay. Như môi đẹp, mắt đẹp, mũi đẹp, mà không thành mặt đẹp vì là môi, mắt, mũi của nhiều người.
2) Thơ anh Thi tính cách trí óc nhiều, tình cảm ít. Nếu tình cảm đã chín, thì nó vọt ra rất dễ dàng. Tình cảm dù cho tinh vi, phiền phức mấy, nói ra cũng phải dễ. Như các bộ phận trong con người, nếu giải phẫu ra thì rất phiền phức, nhưng toàn người thì những người đẹp đi đứng rất dễ dàng, tự nhiên. Thơ anh Thi không có tính cách cơ thể. Dầu thơ vần hay không vần, vần trắc hay vần bằng, câu nào câu ấy phải như tim, như gan, như phổi trong người, chỗ nào phải vào chỗ ấy. Có thể nói: bài Đêm mít tinh nếu tỉa đi hai câu cũng không hại đến bài thơ.
Vì tình cảm chưa chín mùi, nên bài Sáng mát trong… không có cái cốt chính của bài thơ. Cái chưa chín rõ nhất trong bài Đường núi. Những nét thơ rất đẹp nhưng chỗ này một nét, chỗ kia một nét tán loạn như trong một bức tranh siêu thực.
Hình thức
1) Câu thơ của anh Thi đúc quá. Anh Thi rất tiết kiệm chữ. Đó là một ưu điểm. Nhưng lại tiết kiệm quá. Không những không có chữ thừa, mà chữ đệm cũng không có. Không những đúc trong một câu mà đúc cả đoạn nữa. Sự tiết kiệm chữ và tiết kiệm lời (tức là ý) phải đến cái trình độ thích trung. Nếu không đúc, sẽ lảm nhảm, lải nhải, chưa phải là thơ. Nhưng nếu đúc quá, độc giả không theo kịp được, thì cũng không còn là thơ nữa. Đúc quá hóa khó cảm xúc. Đã đành thơ không lý sự, nhưng từ đoạn này sang đoạn khác cũng phải có cái cầu cần thiết.
2) Người ta yêu một thi sĩ là vì tình cảm của anh, vì tâm hồn của anh, chứ không phải vì thơ có vần hay không có vần. Nhưng bây giờ nói đến trong bài thơ, thì vần rất là hệ trọng.
Tôi công nhận, có thể có những bài thơ không vần; có những trường hợp thơ không vần hay nhưng phải đúng trường hợp. Tôi lại nhận trong một bài thơ có vần, có thể có một vài đoạn không vần, và trong một đoạn thơ có vần có thể có một vài câu không vần nếu sự không vần ấy giúp cho bài thơ hay thêm lên.
Nhưng đại đa số trường hợp, nên có vần, là vì những cái ích lợi của nó.
a) Vần giúp mình nghỉ hơi một cách dễ dàng hơn. Đã đành rằng ngay trong văn xuôi, cũng có chỗ nghỉ hơi; huống chi thơ viết lại xuống nhiều giòng, thế nào người ta cũng nghỉ hơi. Nhưng chỗ nghỉ hơi lại có một cái vần thì thật khoan khoái, lý thú, như ngậm âm nhạc trong miệng.
b) Vần là một cái trở lực vô để cho thi sĩ vượt qua mà tiến lên. Có vần, những bước thơ không có vẻ chông chênh, mà trái lại, hồn thơ tựa vào những câu thơ, một cách vững chắc. Bỏ vần là bỏ mất một phương tiện đắc lực. Nhiều khi nhờ tìm vần cho đúng mà nẩy ra những tứ thơ tân kỳ.
c) Đối với công chúng, cái vần giúp cho trí nhớ (và giúp cho cả tác giả nữa). Thơ phải là một thứ dễ khuân vác, dễ chuyên trở; nhớ văn thì người ta nhớ ý, nhớ thơ thì phải nhớ câu nhớ bài mới hay. Vần giúp cho bài thơ dễ in vào trí nhớ.
d) Quần chúng của ta rất yêu vần. Đàn bà Việt Nam mở miệng ra là muốn có vần có nhịp. Giả sử như tiếng ta một thứ tiếng cộc lốc, thì đi tìm vần cũng mệt. Nhưng tiếng ta đã rất nhạc, lại rất nhiều vần. Cũng như ở Việt Bắc thì lấy nứa làm nhà, tiếng nước ta rất dễ bắt vần tội gì mà không dùng vần. Dùng vần có mệt nhọc gì đâu, không dùng vần tức là lập dị. Sau này chưa biết cuộc tiến hóa sẽ thế nào, nhưng bây giờ thơ không vần thì khó thưởng thức.
3) Một điểm nhỏ nữa trong hình thức, là cái chấm câu. Thơ anh Thi không chấm câu. Có những đoạn thơ rất khó chấm câu, vì câu này tràn sang câu kia không biết chấm thế nào cho đúng. Những trường hợp ấy thì nên bỏ chấm câu. Nhưng phần lớn trường hợp chấm câu phải giữ. Chấm câu làm cho phân biệt ý này với ý nọ, giúp cho người ta dễ hiểu tác giả, một bài thơ từ đầu đến cuối viết không chấm câu người đọc không biết tạm ngừng hơi, hay tạm nghỉ mắt vào chỗ nào, không biết một câu bắt đầu từ đâu và đi đến đâu thì hết. Câu thơ khêu gợi tràn lan là tự cái sức bên trong của ý thơ và của những tiếng chứ không phải là nhờ vào sự bỏ chấm câu, để cho nó tràn lan, khêu gợi.
Nghệ thuật là ước lệ, miễn là ước lệ sống. Nếu muốn cho thật tự nhiên thì cảm giác của ta làm gì có vần có chấm câu. Nhưng muốn truyền cảm đi, phải có một ước lệ, một sự thu xếp nào đó.
Tóm tắt ý tôi:
Người thi sĩ mới bắt đầu viết cái cốt nhất, là anh ấy đem cái điệu tâm hồn đặc biệt của mình vào thơ. Anh ấy phải chú ý luyện cái điệu tâm hồn không để cho nó lờ mờ. Ý bài thơ có thể lờ mờ, nhưng điệu tâm hồn phải rõ rệt.
Nhiều bài thơ có thể không có vần, nhưng phải có điệu. Những câu ngắn dài, những chữ bằng trắc nặng nhẹ phải phân phát cho dễ đọc. Điệu thơ lủng củng thì không gợi cảm được. Nhờ ở điệu mà bài thơ nhịp nhàng, tiết tấu.
Có người nói: thì thơ Pháp, thơ Âu châu cũng làm từ ý này sang ý nọ, cũng không vần, cũng bỏ chấm câu. Tôi thấy trường hợp thơ ta hiện tại khác xa với trường hợp thơ Pháp hiện tại. Mặc dầu những nhà thơ như Aragon, Eluard là những nhà thơ cộng sản, nhưng thơ họ không thật mới. Họ đã là những kiện tướng trong trường thơ siêu thực; đến lúc họ giác ngộ, nhưng máu huyết của họ cũng đã 50 tuổi rồi, tình cảm họ không giản dị mà phiền toái, khúc khuỷu. Thơ chúng ta bây giờ hoàn toàn khác, nó hoàn toàn trẻ, do những người tuổi trẻ và do một giai cấp trẻ làm ra, nó giản dị tự nhiên, mà giàu đủ. Muốn thấy những bài thơ Pháp thật là mới, có lẽ ta phải chờ lúc nhân dân Pháp nắm chính quyền, có phong trào văn nghệ nhân dân Pháp.
Điểm cuối cùng: làm thơ là cảm và truyền cảm. Tôi cảm rồi, nhưng tôi chưa truyền được cái cảm cho người chung quanh, thì tôi vẫn chưa làm nên thơ. Một bài thơ phải tự nó tuyên truyền cho nó, tác giả không cần phải giải thích thêm nữa, như thế mới là thơ hay. Khi mình đứng bên cạnh người đọc thơ mình, thì mình còn giải thích được cho người đọc hiểu: chứ lúc mình đi vắng, thì ai giảng thơ mình? Hơn nữa lúc mình chết đi rồi, thì ai bênh vực nó? Thơ là mực đen giấy trắng, phải làm thế nào cho những bài thơ của mình tự nó nó sống.
Từ nãy, tôi chưa nói rằng có những bài thơ anh Thi mà tôi thích như Khúc hát miền Tây, như đoạn giữa bài Đêm mít tinh và nhiều câu thơ tách riêng ra. Hôm nay tôi đã đem công khai hóa những sự giằng co giữa tôi và anh Thi.
Nguyên Hồng
Tôi phản đối tất cả những ý kiến nói thơ anh Thi là cuộc thí nghiệm. Tôi nói nó là một sự cần dùng, một sự tất yếu. Nếu là thí nghiệm thì nó chỉ thí nghiệm ở một phía nào thôi.
Tôi phản đối ý anh Xuân Diệu nói thơ anh Thi đầu Ngô mình Sở. Thơ có thể làm được như thế. Ví dụ: một người đi ngoài đường rung cảm vì tiếng tàu điện rồi về hôn con, và làm thành một bài thơ. Có gọi là đầu Ngô mình Sở hay không? Hiện bây giờ người ta đã xúc cảm như anh Thi rồi.
Dân tộc ta rất nhiều bản năng. Thơ đi qua rất nhiều rung cảm khác nhau trong một bài.
Ý riêng tôi, thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở trong loại thơ đó.
Nguyễn Đình Thi
Tôi đồng ý phần lớn những lời phê bình. Tôi hay lý luận. Cái tìm tòi của tôi cũng hay lý luận. Nhưng nói đến thơ, đó là một cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó). Tôi không trả lời lại một lời phê bình nào, mà dựa vào ý kiến của anh chị em, lấy tinh thần của hội nghị làm một cuộc tự phê bình.
Bài đầu tiên theo thể này là Đêm mít tinh ý định ca tụng chiến công Việt Bắc. Tôi làm nó theo hình thức thường, bốn, năm đêm liền, thấy không được. Cuối cùng tôi quay sang một thể khác, và có bài Đêm mít tinh như các anh chị đã đọc. Sau bài ấy, tôi còn làm tiếp theo nhiều bài nữa.
Bảo thơ tôi là một cuộc thí nghiệm thì không đúng. Nói là một thành công hay thất bại thì đúng hơn. Hay là nói đó là một cuộc tìm tòi thơ nhưng có những chỗ chưa được thỏa mãn.
Cũng có những người trạc tuổi như tôi thích thơ tôi nhưng phần ấy rất ít. Nói đến thơ tôi, tôi rất áy náy: Một là vì thơ ấy là thơ của tôi. Hai là thơ ấy là thơ tự do (dài, ngắn, vần, không vần, không quan hệ). Đáng lẽ thơ của tôi là thơ của tôi. Còn vấn đề thơ tự do thì rộng hơn thơ tôi nhiều. Vậy phải tách ra làm hai: trước hết, tôi tự phê bình bình thơ tôi. Sau xin bênh vực thơ tự do.
1) Phê bình thơ tôi
Một tác phẩm, xét nó là xét ở nội dung của nó, nó tác dụng thế nào trong hoàn cảnh bây giờ. Anh Xuân Diệu nói là thơ của tôi già. Gần đúng. Vì thơ của tôi không phải là những bài thơ vui. Đó là những bài thơ đau đớn. Lúc tôi làm nó, tôi cũng đã nghĩ rằng: trong lúc này, có nên đưa ra cái đau đớn đó không? Có. Vì cuộc kháng chiến của ta có bao nhiêu cái đau đớn, nhưng đau đớn chính đáng; miễn là cái đau thương ấy không phải là cái đau thương đi xuống. Anh Xuân Diệu nói nó gò bó, cũng đúng. Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi. Khi tôi nói cái đau thương của tôi ra, nó ẩn ở một chỗ rất kín (Ví dụ trong bài “Không nói”: Môi em, đôi mắt còn ôm đây). Nhưng nội dung ấy khách quan mà xét, thì nó không đúng với cuộc kháng chiến bây giờ, cái đau đớn của kháng chiến không giống cái đau đớn trong thơ tôi. Ở nhiều chỗ của kháng chiến, còn đau đớn hơn nhiều, nhưng cái đau đớn không như thế.
Một số thanh niên như tôi, nhiều khi không phải là văn nghệ cũng thích thơ tôi. Một số bạn khác rất mê thơ tôi. Nhưng nhìn kỹ lại các anh ấy phải nhận rằng họ cũng ở một tình trạng na ná như tôi. Sau này, tôi cố gắng sửa chữa. Những lời phê bình làm tôi suy nghĩ. Tôi suy nghĩ và tôi tự bảo tôi phải đổi.
Vì cái nội dung đã u uất rồi, cho nên khi nó thể hiện ra ngoài, nó cũng có vẻ khắc khổ, gò bó. Trong khi tôi đi tìm một hình thức tự do, thì cái nội dung của tôi lại gò tôi lại. Tôi muốn có cái mộc mạc, đơn sơ, thì trái lại nó lại cầu kỳ. Tôi đồng ý với anh Xuân Thủy và rất mừng có dịp để định một thái độ minh bạch. Chỉ quan niệm không mà thôi, nhất định là không đủ. Phải được sống nhiều hơn, sống rộng rãi, vui, tin tưởng, khỏe lành. Không thể quay vào mình thôi mà tìm được.
2) Thơ tự do
Tôi đồng ý với anh Xuân Thủy, đó là một câu chuyện rộng rãi, vượt qua tôi nhiều. Khi tôi nói đến thơ tự do, xin hiểu cho là tôi nghĩ đến cái gì chung.
Cái hình thức gọi là “thơ mới” nó sẽ cứ có, dù ngăn nó cũng không được. Vần hay không vần, câu dài hay câu ngắn, cái đó đã thường lắm rồi. Kháng chiến đã làm ra như thế. Những bài thơ hiện nay đã chứng tỏ điều này.
Còn vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các luật bằng trắc) phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh.
Có thể có sự bỡ ngỡ đối với thơ không vần. Hồi “thơ mới” (1932) mới ra đời, người ta cũng bảo không hiểu. Thơ tôi bây giờ có gì là không hiểu? Người ta hiểu mà chưa cảm. Vì không nói được sự sống chung quanh. Nếu nói đúng cái cảm xúc chung quanh hiện thời, thì dẫu có trúc trắc, không vần, nghe vẫn lọt.
Nếu trên đường cởi mở, có rất nhiều người làm thơ ấy, thì mới đầu nó có loạn thật, nhưng rồi cũng quen như thơ lục bát. Trở về ý đầu Ngô mình Sở. Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc, cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi tay sờ, cảm thế nào, nói thế ấy. Từ thời Nguyễn Du, Thị Điểm có biết bao nhiêu là câu thơ hay, không kể lể tình cảm, chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc. Thơ như thế không phải đầu Ngô mình Sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo. Thơ bộ đội bây giờ có nhiều hình ảnh và cũng có sợi dây liên lạc, chỉ có điều là tất cả các thứ dây đó đều không giống thứ dây của thơ tôi. Thơ bây giờ nói hình ảnh, cảm xúc, chống hẳn lối thơ kể lể mười mấy năm trước đây.
Vậy:
– Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói, thành vần cũng được, không thì thôi. Nói như lời nói thường vậy.
– Rút ra những cái trong cuộc sống.
– Nói như lời thường. Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Nếu cần nói một hơi dài, dùng những câu dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Những hình ảnh thơ mới bây giờ, tôi tưởng tượng nó cần phải khỏe, gân guốc, xù xì, chất phác chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ, cùng một nhịp điệu đều đều, tôi không thể chịu được. Bài thơ chất phác kia tác động vào tâm hồn ta hơn. Rồi đây, tiến đến độ hơn nữa của tình cảm, thơ sẽ trở về cái hình thức đều hòa hơn…
Tố Hữu
Nghe anh Thi tự phê bình thơ anh, anh chị em nghĩ: “Tại sao biết mình như vậy, mà cứ làm như vậy?” Đó là cái khổ tâm của người làm thơ. Làm thơ không phải do trí tuệ muốn, mà do sự sống của bản thân mình.
Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, và cũng nhiều lúc tôi thù ghét nó. Những lúc mà tôi buồn bực, nhọc mệt, có những lúc tôi nhớ, tôi thích đọc thơ anh Thi. Tôi đọc những bài Sáng mát trong… Thơ là một điệu hồn, tìm đến với những hồn đồng điệu. Nhưng lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm vì tôi thù ghét cái cá nhân nó lại trở về với tôi. Rồi tôi lại dè chừng với tôi. Nhiều khi thấy bài thơ hay, mà chưa chắc nó hay. Vậy lấy gì làm tiêu chuẩn cho cái hay?
Tôi không thể lấy cái “ta” làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi: Quần chúng xem bài này thế nào? Quần chúng có xúc cảm không? Cái đau đớn của quần chúng có được nêu lên đây không? Nếu tác phẩm chưa nói, hay nói ngược cuộc sống của quần chúng, thì phải xem là không hay. Những bài thơ của anh Thi tôi cho là không hay, vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng. Đó là nội dung.
Tôi đồng ý thái độ tự phê bình của anh Thi, một thái độ đứng đắn. Còn một điều cần thiết nữa, là anh phải kiểm tra lại cái tư tưởng, cái rung cảm của mình trong quần chúng. Quần chúng có những lúc tinh thần mỏi mệt, sút kém, họ có thể nghe cái mệt mỏi.Vậy phải lãnh đạo quần chúng, phải xem tư tưởng của mình có dắt quần chúng đi lên cuộc đời tốt đẹp không?
Cuộc tranh luận đã khá đầy đủ. Chúng ta đã đồng tình ở những điểm căn bản.